Henryk Sienkiewicz – Giải Nobel văn chương 1905

Edmond Gogolewski (*)

Dương Thắng trích dịch từ nguyên bản tiếng Pháp: LES PRIX NOBEL DE LITTERATURE. Nxb l’Alhambra, 1998.

 

Lời người dịch: Bài viết dưới đây được trích dịch từ cuốn “Les Prix Nobel de Littérature” – “Những giải Nobel văn chương” do RÉGIS BOYER chủ biên, với sự hỗ trợ của quỹ Nobel và thư viện Nobel. Những người viết bài về các tác gia đoạt giải Nobel văn chương đều là những nhà phê bình hàng đầu, đã có nhiều năm nghiên cứu về những tác giả mà họ được mời viết bài. Hy vọng đây là những tài liệu bổ ích cho một số người viết văn ở Việt Nam, những người đang nung nấu tham vọng một ngày nào đó sẽ được trao tặng giải thưởng cao quý này.

 

Henryk Sienkiewicz là một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất của Ba Lan, tên tuổi của ông gắn liền với trào lưu thực chứng, một trào lưu văn chương đã xuất hiện và lan tỏa trên các vùng đất Ba Lan từ sau thất bại của cuộc khởi nghĩa tháng giêng 1863. Nhà văn tương lai của chúng ta sinh ngày 5 tháng 5 năm 1846 trong gia đình của một điền chủ nhỏ ở làng Wola Okrzejska vùng Podlachie, trong vùng đất (chiếm đóng của) Nga. Sienkiewicz lớn lên trong bầu không khí gia đình thấm đẫm lòng tôn kính với những truyền thống quý tộc và niềm hưng phấn dành cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Năm 1858, Henryk Sienkiewicz được gửi tới Warszawa để tiếp tục việc học trung học. Bị rơi vào phá sản, cha mẹ ông bắt buộc phải bán đi các tài sản của mình và đưa toàn bộ gia đình về Warszawa sinh sống vào năm 1863. Ông tốt nghiệp trung học vào năm 1866 và ghi tên vào học luật tại Đại học Tổng hợp Warszawa. Không lâu sau đó, nhượng bộ trước yêu cầu của mẹ, ông chuyển sang học y khoa. Một năm sau, ông lại quay sang theo đuổi môn văn chương. Ông rời bỏ trường Đại học vào năm 1871 mà không tham dự các kỳ thi. Trong thời gian học Đại học, ông thường làm công việc gia sư, các kỳ nghỉ hè đều được dành cho việc kèm cặp con cái của những điền chủ giàu có ở vùng nông thôn.

Ông khởi đầu sự nghiệp viết báo vào năm 1872 bằng việc viết bài cho tuần báo Przeglad Tygodniowy và Niwa, phụ trách chuyên mục văn chương, một năm sau, ông đầu quân cho tờ báo Gazeta Polska, ký tên trong các bài viết dưới bút danh Litwos. Những mẩu chuyện đầu tiên và các tác phẩm lãng mạn ra đời trong thời kỳ này. Năm 1876, với tư cách phóng viên của tờ Gazeta Polska, ông đã tham dự cuộc triển lãm ở Philadelphia, chuyến du hành của ông trên đất Mỹ (với sự tài trợ của tờ Gazeta Polska) kéo dài cho tới hết năm 1878, trước khi trở về Ba Lan ông đã ghé qua Anh, Pháp và Ý. Ông có mặt ở Hy Lạp và Zanzibar vào năm 1981. Ông nhận giải Nobel văn chương vào năm 1905 cho cuốn tiểu thuyết Quo Vadis?. Trong Thế Chiến thứ nhất, cư trú ở Thụy Sĩ, ông bận bịu với việc hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân chiến tranh bên cạnh Ignacy Paderewski. Cái chết đã mang ông đi khỏi thế giới này vào ngày 15 tháng 11 năm 1916 tại Vevevy. Năm 1924, từ Thụy Sĩ, thi hài ông đã trở về với tổ quốc Ba Lan thân yêu và được an táng tại nhà thờ Saint-Jean ở Warszawa.

Ở thời kỳ mà Sienkiewicz còn đang theo đuổi việc học hành, tờ Szkola Glówna Warszawa đã mở toang cửa để tiếp nhận một luồng gió thanh xuân ùa vào, luồng gió ấy mang theo những con người trẻ tuổi, năng động và tràn đầy nhiệt huyết, trong tương lai họ sẽ trở thành những nhà tư tưởng, linh hồn và là những người dẫn dắt cho phong trào Thực Chứng như Swietochowski, Chmielowski, Prus hay Dygasinski. Dẫu rằng không quan tâm đến những cuộc thảo luận về ý thức hệ, Sienkiewicz cũng không thể cưỡng lại được ảnh hưởng của những cuộc tranh luận về đời sống xã hội và số phận của đất nước Ba Lan. “Phí Hoài (“Na Marne”), tiểu thuyết đầu tay của ông, được viết vào những năm cuối theo học đại học, và chỉ được xuất bản dưới dạng nhiều kỳ vào năm 1872 trên tờ bán nguyệt san Wieniec (“Vòng hoa”). Cuốn tiểu thuyết này mô tả lại cái môi trường đại học ở Kiev. Chọn một địa danh xa xôi đến như thế, chủ ý của nhà văn trẻ là vứt bỏ tấm mạng che đang bao phủ, làm che khuất bản chất của những sự việc đang diễn ra ở Warszawa và nhưng gương mặt mà ông vẫn hàng ngày tiếp xúc trong môi trường hoạt động ở tờ Szkola Glówna. Ý nguyện muốn phụng sự khoa học của những sinh viên trẻ tuổi ấy sẽ không thể thực hiện được trong một đất nước còn đang bị chia cắt thành từng mảng vụn.Những con người trẻ tuổi này sẽ không thể nhìn thấy bất cứ viễn tượng nào của tương lai. Những điểm nhấn hiện thực ở đây cho thấy khuynh hướng của tiểu thuyết gia muốn dấn thân vào con đường mới, con đường “hội họa theo bản chất tự nhiên”, cái khuynh hướng, ước muốn này càng đậm nét hơn trong tuyển tập truyện ngắn “Những mẩu chuyện cười trong chiếc cặp của Worszyllo (“Humoreski z teki Worszyllo”) xuất bản trong những năm 1872-1873. Cái phẩm chất nghệ sĩ lắng trong các truyện ngắn dường như bị che khuất, bị phủ bóng u ám bởi những rào cản thực chứng, làm sai lệch đi bức tranh của hiện thực.

Những tiểu phẩm văn học của ông, xuất hiện đều đặn trên các tờ Niwa và Gazeta Polska, dưới bút danh Litwos, đã cho độc giả thấy được chân dung một người quan sát sáng suốt, một nhà phê bình tàn nhẫn không khoan nhượng trước những vấn đề xã hội. Những bài viết đó đã giúp ông truyền bá được các nguyên tắc căn bản của trào lưu thực chứng. Dần dần, sự quan tâm của ông tập trung vào một số các vấn đề chuyên biệt. Ông dành nhiều công sức cho việc nghiên cứu các điều kiện sống ở vùng nông thôn, Ông lên án sự ngu muội và chính sách ngu dân đang thống trị ở đó. Ông nhấn mạnh đến sự cần thiết phải nâng cao trình độ văn hóa và điều kiện sống của những người nông dân, ủng hộ việc xóa nạn mù chữ và những hoàn cảnh vô nhân đạo mà những đứa trẻ đói nghèo đang phải chịu đựng, thiếu vắng sự giáo dưỡng và chăm sóc của cha mẹ. Những phóng sự nhiều kỳ của ông cay đắng như những chén thuốc độc được đong đầy bằng những câu chuyện đau đớn và bất hạnh.

Sau một vài năm làm báo, Sienkiewicz đã biểu lộ những dấu hiệu mệt mỏi, những vấn đề được cày xới ra bởi nền báo chí thực chứng và việc phê phán xã hội đã không còn làm ông quan tâm nữa. Ông hiểu rõ rằng các xung đột xã hội và sự áp bức dân tộc sẽ ngày càng trầm trọng trong những vùng đất bị chiếm đóng của đất nước Ba Lan. Những vấn đề gắn với sự tồn vong của đất nước và với quá khứ lịch sử của dân tộc Ba Lan chiếm vị trí trọng tâm trong các tác phẩm của ông. Ông xuất bản hai truyện ngắn “Người nô bộc già” (1875) và “Hania” (1876), phản ánh cuộc sống trong các tòa lâu đài của những nhà quý tộc nhỏ trong những thập niên trước cuộc khởi nghĩa tháng giêng 1863. Sự tinh tế đáng ngạc nhiên mà ông đã biểu lộ trong việc mô tả những cảm xúc của các nhân vật đã đem đến cho ông sự yêu mến của đông đảo độc giả, những người luôn mong chờ ông viết ra những tác phẩm quan trọng hơn.

Sienkiewicz luôn bày tỏ sự khao khát được thăm viếng nước Mỹ, đất nước mà trong tâm trí của người dân Ba Lan lúc đó là một “miền đất hứa”, nơi ngự trị của tự do và dân chủ, trái ngọt của chủ nghĩa Tư bản. Ông hy vọng tìm thấy ở đó những viễn cảnh tốt đẹp cho sự phát triển của đất nước ông, nhưng rồi rất nhanh chóng, ông thất vọng tràn trề bởi cái chủ nghĩa tôn sùng vật chất của nền văn hóa Mỹ. Ông nhận ra rằng, sự bình đẳng giữa con người với con người, sự hài hòa xã hội mà ông và những nhà thực chứng chủ nghĩa Ba Lan hằng tin tưởng, thực ra chỉ là một loại mồi câu được ngụy trang khéo léo. Ông gửi gắm những nhận xét và những cảm tưởng đó của mình vào những bài viết với nhan đề “Ký sự của một lữ khách trên đất Mỹ “ (“Listy z podrozy do Ameryki”), xuất bản năm 1880. Tính chính xác của những phán xét và nhãn quan sáng suốt trong các phóng sự của ông về những biến chuyển xã hội đang diễn ra trên những phần đất mênh mông của “Tân thế giới” đã làm sửng sốt đông đảo các bạn đọc. Tác giả đã không để mình bị lóa mắt bởi cái vẻ xa hoa lộng lẫy bên ngoài của nền văn minh Mỹ, ông đã cúi xuống nhìn vào tận đáy những gì đang diễn ra phía sau tấm huy chương của Chủ nghĩa Tư bản. Cái nhìn của ông hướng về những kẻ đói lả và chết thảm dưới chân những tòa tháp cao ngất ngưởng của các nhà băng. Ông đã chỉ ra rằng cơn khát điên loạn vàng đang cầm tù mọi suy nghĩ và tình cảm của những người Mỹ. Ông ghê tởm thái độ của những người da trắng đối với những người da đỏ và da đen. Sự phân biệt chủng tộc mà những người da trắng, những kẻ tự cho mình là “sứ đồ truyền bá văn minh” đang thực thi trên đất Mỹ đã khắc vào trí não ông những vết đen không sao xóa được. Ông cũng thực sự bị sốc khi nhìn thấy sự khinh miệt mà những người Mỹ dành cho những người nước ngoài đến đây để cố kiếm miếng ăn. Trong những tác phẩm như “Những lá thư” và những truyện ngắn viết trên đất Mỹ như “Orso và Sachem (1883), ông bày tỏ lòng trắc ẩn đối với các bộ tộc da đỏ đang bị tàn sát và lòng khinh bỉ với những kẻ áp bức họ. Những cuộc thăm viếng các nhóm người nhập cư Ba Lan, trong số đó có rất nhiều những người đã từng tham gia cuộc khởi nghĩa năm 1863, thậm chí cả cuộc khởi nghĩa 1830, đã để lại trong ông những kỷ niệm không bao giờ phai nhòa. Những ấn tượng ấy đã được ông kể lại sau đó ít lâu trong phóng sự “Ký ức về Maripoza” (“Wspomnienie z Maipozy”) và trong truyện ngắn “Người gác đèn biển” (“Latarnik”, 1881).Trong hành trình dọc ngang khắp nước Mỹ, Sienkiewicz đã có dịp tiếp xúc với những người lao động Ba Lan nhập cư. Ông cũng tham dự vào cuộc đấu tranh của những đồng bào mình chống lại sự đói nghèo và thế giới tự nhiên khắc nghiệt. Những cuộc lang bạt cực nhọc của những người nông dân Ba Lan đã được ông kể lại trong truyện ngắn “Vì bánh mỳ” (“Za chlebem” 1889). Chuyến du hành trên đất Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành các tư tưởng và quan niệm nghệ thuật của Sienkiewicz. Nhà văn đã có dịp mở rộng tầm nhìn, làm sâu sắc thêm các ý thức xã hội của mình và làm giàu thêm các hiểu biết về thế giới và về con người.

Năm 1878, trên đường trở về tổ quốc, trong những ngày dừng chân ở Venise (Ý), Sienkiewicz đã viết một truyện ngắn nhan đề “Hồi ký của một gia sư” (“Zpamietnika korepetytora”) tố cáo sự áp bức dân tộc ông. Ông gửi nó cho tờ Gazeta Polska, nhưng truyện ngắn đó bị bộ máy kiểm duyệt của chính quyền chiếm đóng Nga ngăn không cho đăng. Ông đã phải viết lại truyện ngắn đó bằng cách đổi các sự kiện xảy ra trong vùng bị Nga chiếm đóng sang vùng đất Ba Lan đang bị nước Phổ cai trị. Những bất hạnh và khổ đau uất ức của nhân vật trẻ tuổi trong câu chuyện bắt nguồn từ việc cậu ta trả lời bằng tiếng Ba Lan một câu hỏi của người thầy giáo Đức.

Năm 1880, Sienkiewicz sáng tác truyện “Người tù của những người Tacta” (“Niewola tatarska”),ông đưa ra những tiếp cận lịch sử bằng việc giới thiệu lại, dưới dạng một cuốn nhật ký, lịch sử anh hùng của một nhà quý tộc. Trong thời kỳ này, tác giả đang thất vọng sâu sắc về cái hiện thực đang diễn ra, nên việc chọn lựa gián tiếp bằng con đường tiếp cận lịch sử như thế, cho phép nhà văn giới thiệu những sự kiện quan trọng và đáng chú ý của quá khứ thông qua những kinh nghiệm và những nhu cầu của thì hiện tại. Trong tác phẩm “Người tù của những người Tacta” đã thấp thoáng bóng dáng của bức tranh lịch sử rộng lớn mà sau này nó càng ngày càng được phác họa đậm nét và hùng tráng trong một chuỗi những tiểu thuyết lịch sử về sau đó của ông. Bộ ba tiểu thuyết” khởi đầu cho một chuỗi những cuốn tiểu thuyết lịch sử như thế bằng việc tôn vinh cái quá khứ hiệp sĩ và thượng võ của đất nước Ba Lan, tạo ra một phản ứng chống lại những kẻ nô dịch. Tiểu thuyết gia quay về với quá khứ để tìm những mối liên hệ với thực tại. Bằng lửa và bằng gươm” (“Ogniem i mieczem”), phần đầu tiên của bộ ba tiểu thuyết này được xuất bản thành nhiều kỳ trên các tạp chí Slowo Warszawa và Czas Crakow từ 1883 đến 1884, “Trận đại hồng thủy” (“Potop”), phần hai được xuất bản trên cùng các tạp chí trên từ 1884 đến 1886 và “Ngài Wolodyjowski “ (“ Pan Wolodyjowski”), phần ba, từ 1887 đến 1888.

Tiểu thuyết bộ ba” kể lại ba cuộc chiến tranh lớn mà vương quốc Ba Lan trong thế kỷ thứ 17 đã tiến hành để chống lại những người nông dân Ucraina do Bohdan Chmielnicki cầm đầu, chống lại cuộc xâm lược từ Thụy Điển do Chales-Gustave khởi xướng và những cuộc gây hấn của người Tacta và người Thổ Nhĩ Kỳ. Henryk Sienkiewicz không phân biệt cuộc chiến tranh phi nghĩa, bành trướng chống lại những người nông dân Ucraina và những cuộc chiến tranh chính nghĩa chống lại những kẻ xâm lược đất nước Ba Lan. Bằng lửa và bằng gươm” kể lại cuộc chiến do các Vương hầu và các nhà quý tộc Ba Lan tiến hành để đàn áp những người nông dân Ucraina nổi loạn trong những năm 1648-1654.Trên thực tế, những người nông dân Ucraina phải vùng lên nổi dậy khi mà họ không còn khả năng chịu đựng được nữa những áp đặt tàn bạo mà những nhà quý tộc Ba Lan càng ngày càng chất nặng lên vai họ. Tác giả không tỏ một chút thái độ chê trách hay phê phán giới quý tộc. Âm hưởng chủ đạo, cái tình cảm thấm đẫm trong cuốn tiểu thuyết này là lòng ngưỡng mộ, sự tôn sùng quá khứ lịch sử vĩ đại của tầng lớp hiệp sĩ – quý tộc Ba Lan của ông. Cuốn tiểu thuyết đã không cho người đọc nhìn thấy một bức tranh chân thực của thời kỳ này. Không quan tâm đến các tài liệu lịch sử, nhà văn đã lý tưởng hóa và thần tượng hóa phe của những quý tộc Ba Lan thông qua hình tượng của Hoàng thân “Jaremy” Wisniowiecki. Ông cũng không thể có được sự chân thực khách quan khi xây dựng hình tượng nhân vật Bohdan Chmielnicki, lãnh tụ quân khởi nghĩa Cô dắc. Dẫu rằng không trung thành với sự thật lịch sử, tác phẩm “Bằng lửa và bằng gươm” vẫn là một tác phẩm tuyệt vời, ở trong đó tác giả đã giới thiệu cho người đọc thấy một bộ sưu tập hết sức phong phú về các tính cách và các nhân vật. Việc mô tả các trận đánh trong cuốn tiểu thuyết cho thấy một tài năng đáng kinh ngạc. Bức tranh của đất nước Ba Lan thế kỷ 17 hiện lên với đầy ắp các chi tiết của cuộc sống. Những trang mô tả vẻ đẹp hoang dã của vùng thảo nguyên Ucraina cho ta thấy bàn tay của một người nghệ sĩ bậc thầy không ai sáng được. Ngôn ngữ hoàn toàn tương hợp với thời kỳ đó và với tính cách các nhân vật. Người đọc sẽ không bao giờ quên được câu chuyện tình cảm động của người anh hùng Skrzetuski diễn ra trên phông nền là cuộc đại nổi dậy của những người Cô dắc năm 1648. 

Cái nhìn về hiện thực Ba Lan trong “Trận Đại Hồng Thủy” phù hợp hơn rất nhiều với sự thực lịch sử. Cuốn tiểu thuyết này phản ánh những quan hệ đối ngoại và nội tình bên trong Vương triều của vương quốc Ba Lan nửa sau thế kỷ 17. Thời kỳ này, đất nước Ba Lan đang trong cuộc chiến tranh với nước Nga và những người Cô dắc, có sự tham chiến của Thổ Nhĩ kỳ và những người Tácta, người Ba Lan cũng đồng thời thường xuyên phải chống đỡ những cuộc tấn công của quân Thụy Điển. Với bàn tay của một nhà văn bậc thầy, Sienkiewicz trong phần thứ hai của bộ ba tiểu thuyết này, đã giới thiệu một cách sinh động cuộc kháng chiến của nhân dân Ba Lan chống lại quân xâm lược Thụy Điển. Sự tôn sùng của tác giả với quá khứ huy hoàng của giới quý tộc Ba Lan cũng không thể ngăn cản ông đưa ra những phán xét nghiêm khắc đối với những kẻ chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của đất nước Ba Lan. Không lý tưởng hóa giới quý tộc, khi sự thật lịch sử đòi hỏi được làm sáng tỏ, ông đã mô tả rõ thói bàng quan chính trị, sự thờ ơ trước những hiểm họa đe dọa sự tồn vong của dân tộc. Ông đã khắc họa một bức tranh thật hoàn hảo về thói phản trắc của giới vương hầu, phản ánh rõ nét qua những ứng xử của các đại diện chính của giới này: Radziwill, Radzịeowski, Opanlinski, Lubomirski… Cuốn tiểu thuyết này, không nghi ngờ gì nữa, là một trong những cuốn tiểu thuyết lịch sử xuất sắc nhất của đất nước Ba Lan, trên cả phương diện chân thực lịch sử cũng như phương diện nghệ thuật. 

Ngài Wolodyjowski, cuốn cuối cùng trong “Bộ ba tiểu thuyết”, kể cho người đọc nghe về những cuộc phiêu lưu tiếp theo của một vài nhân vật anh hùng trong “Trận Đại Hồng Thủy”. Phải nói rằng cuốn này là non nhất trong bộ ba tiểu thuyết này.Cuốn sách giới thiệu về cuộc kháng chiến của những người Ba Lan chống lại cuộc xâm lăng của những đạo quân Thổ Nhĩ Kỳ và quân Tacta. Những đạo quân hung hãn này đã tàn phá tất cả những gì chúng bắt gặp trên các vùng đất Ucraina và Ba Lan. Cả về phương diện chính xác lịch sử và phương diện kết cấu nghệ thuật, tiểu thuyết này đều tỏ ra sút kém hơn nhiều so với ”Trận Đại Hồng Thủy. Bức tranh về những phong tục, những sinh hoạt trong giới quý tộc và cuộc phiêu lưu cá nhân của nhân vật anh hùng, được đưa lên hàng đầu, những xung đột, những biến cố lịch sử quan trọng bị xếp xuống vị trí thứ yếu.

Bộ ba Tiểu thuyết”, của Sienkiewicz đã đóng một vai trò to lớn trong sự phát triển sau đó của thể loại tiểu thuyết lịch sử Ba Lan. Dẫu rằng vẫn còn có nhiều sai lầm và ngộ nhận, đặc biệt trong cuốn thứ nhất “Bằng lửa và bằng gươm, tác giả vẫn đứng trên lập trường của chủ nghĩa hiện thực để nhìn nhận đánh giá các biến chuyển lịch sử và xã hội, ông quan niệm rằng số phận của mỗi cá nhân, đều chịu ảnh hưởng, nếu không muốn nói là được tạo ra từ những dòng chảy, những lực đẩy xã hội.

Thời kỳ Sienkiewicz trở về tổ quốc sau chuyến du hành dài ngày trên đất Mỹ, khi đó ở Vương quốc Ba Lan đang nổi lên làn sóng công kích dữ dội tầng lớp cầm quyền và những sự bóc lột tư bản đang diễn ra, nhưng điều đó không hề thúc đẩy ông công khai chọn lấy một vị trí đứng về phía quảng đại quần chúng nhân dân. Trong tiểu thuyết “Không giáo điều” (“Bez dogmatu”) xuất bản năm 1891, ông chỉ thoáng nhận ra cái hiện thực xã hội của thời đại ông đang sống khi kể lại những thất bại trong cuộc sống của Leon Ploszowski, một nhà quý tộc đã sống một cuộc đời vô vị, nhạt nhẽo. Thu hẹp tầm quan sát, chỉ chú ý đến những vấn đề của tầng lớp trên trong xã hội, Sienkiewicz từng bước tự dẫn dắt mình tới việc kiếm tìm ý nghĩa sự tồn tại của những con người này. Ông đã thực hiện điều đó với một cái nhìn rất khách quan trong “Gia đình Polaniecki” (“Radzina Polaniecki”), xuất bản năm 1895. Trong cuốn tiểu thuyết này, mục đích của nhân vật chính chỉ là kiếm tìm “lợi nhuận” trên nền tảng “những sự tư biện thuần lý tính”, đó là một kẻ đạo đức giả che giấu mình dưới mặt nạ của một người chan chứa đức tin và mộ đạo. Trong hai cuốn tiểu thuyết này, Sienkiewicz đã rẽ vào một ngả đường nguy hiểm, đe dọa số phận của những tác phẩm trong tương lai khi mà ông đã vứt qua một bên những vấn đề hiện thực sống động, liên quan trực tiếp tới vận mệnh của dân tộc Ba Lan. Nhưng thật may mắn, ngay sau đó ông đã quay về với mảng đề tài lịch sử. Những cuốn tiểu thuyết lịch sử của ông tiếp sau đó đã được chào đón nhiệt liệt, chúng đã tìm lại được các phẩm chất nghệ thuật của một thứ chủ nghĩa hiện thực mà ông đã rất thành công.

Vào năm 1896, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết Quo Vadis?, một trong những tác phẩm tuyệt diệu nhất của ông. Bằng cây cọ của một họa sĩ vĩ đại, tiểu thuyết gia đã vẽ lại bức tranh bi tráng về giờ phút hấp hối của cái sức mạnh “thần thánh” La Mã và sự sụp đổ tiếp theo đó của thế giới cổ đại. Thành thực mà nói, bức tranh này không hoàn toàn trùng khớp với thực tế lịch sử đã diễn ra. Thời kỳ của Néron, đế quốc La Mã quả thực đã đi vào thời kỳ suy tàn, nhưng với những nhà sử học và triết học cùng thời với Sienkiewicz, những thành phố La Mã ấy vẫn là những biểu tượng của những thành tựu mà nền văn minh nhân loại đã đạt được trong quá khứ. Còn Sienkiewicz có chủ đích muốn cảnh báo về sự sụp đổ của thế giới đương đại trong mối liên hệ với những gì đã diễn ra với nền văn minh Hy Lạp – La Mã. Giá trị nghệ thuật của cuốn tiểu thuyết chủ yếu dựa trên chủ nghĩa hiện thực khi mô tả những phong tục và khi sáng tạo ra các nhân vật đại diện cho nền văn hóa La Mã cổ đại. Tiểu thuyết gia đã dành rất nhiều trang sách để bày tỏ những cảm xúc của mình trước vẻ quyến rũ đến mê đắm của những hình thể và những sắc mầu trong thời đại La Mã. Người đọc cũng sẽ xúc động sâu xa trước sự chịu đựng, phẩm chất anh hùng của những người Công giáo trước sự đàn áp tàn bạo của Néron và qua đó hiểu được cái giá trị vĩ đại trong đức tin của họ. Sự tàn bạo của Néron chống lại Đạo Thiên Chúa như những nét vạch tàn nhẫn hằn xiết lên trên bức tranh được vẽ ra với một kỹ thuật bậc thầy về một thành La Mã dị giáo, nơi những cư dân, những nhân vật được khắc họa bằng những nét tính cách, cá tính riêng biệt tinh tế và sống động kỳ lạ. Những khắc họa đó được lồng ghép trong những trang viết về các lễ hội La Mã, những hoạt động trong triều đình của Néron, những buổi hội hè truy hoan được tổ chức tại nhà Pétrone… từng chi tiết một hiện ra trước mắt người đọc với một sự tinh tế hiếm có. Sienkiewicz thực sự bị lôi cuốn bởi thái độ hoài nghi chủ nghĩa cũng như chủ nghĩa hoan lạc của thời kỳ này. Quo Vadis?, đã mang đến cho tác giả một vinh quang mang tầm vóc quốc tế. Ông đã nhận giải Nobel văn học vào năm 1905 dành cho tác phẩm này.

Với cuốn tiểu thuyết “Các hiệp sĩ Thánh giá” (“Krzyzacy”, 1900), Sienkiewicz một lần nữa lại khẳng định được những phẩm chất của một người nghệ sĩ bậc thầy. Những yếu tố tư tưởng và nghệ thuật đã đem lại cho cuốn tiểu thuyết một tầm vóc lớn lao,vun đắp vững chắc thêm cho lòng ngưỡng mộ các truyền thống và ý thức quốc gia trong lòng người đọc. Giá trị nghệ thuật của “Các hiệp sĩ Thánh giá” dựa trên sự lựa chọn may mắn cái thời kỳ lịch sử làm nền cho cuốn sách, giá trị ấy cũng được tạo ra từ một cái nhìn rất lãng mạn, từ một lối viết sinh động, ở đây những biến cố lịch sử luôn được trình bầy như một hiện thực ở thì hiện tại. Tiểu thuyết gia đã lấy cảm hứng từ cuộc chiến tranh của đất nước Ba Lan, cùng với các dân tộc Slavơ khác, chống lại các hiệp sĩ dòng tu Thánh giá. Tái hiện lại cuộc đấu tranh khốc liệt kéo dài gần hai thế kỷ, kết thúc bằng trận đánh Grunwald vào năm 1410, nhà văn đã không tự bằng lòng với việc tả lại của các sự kiện như một người đứng ngoài, ông dẫn dắt người đọc cùng đi vào bên trong những sự kiện đó, chỉ cho người đọc thấy rõ được vai trò và những ảnh hưởng lớn lao của những sự kiện này lên tiến trình hình thành dân tộc Ba Lan, tiến trình hình thành một ý thức quốc gia. Một cách tinh tế và khéo léo, ông cũng đã lồng vào bức tranh lịch sử rộng lớn đó những câu chuyện tình đắm say, lãng mạn. Những nhân vật thuần túy hư cấu sống vai kề vai, ăn và ngủ cùng với những nhân vật có thực (trong lịch sử), họ cùng tham gia vào một quá khứ lịch sử, cái lịch sử đã có những ảnh hưởng quyết định lên số phận của họ, đồng thời cũng là cái lịch sử được chính những con người đó tạo ra.

Cuộc cách mạng năm 1905, với sự đụng độ đẫm máu của hai lực lượng xã hội, đã làm chấn động tâm can của nhà văn khiến ông ngừng viết một thời gian dài. Cho tới tận năm 1910 ông mới có thể đưa ra được những xúc cảm văn chương của mình về sự kiện này trong cuốn tiểu thuyết “Vòng xoáy” (“Wiry”). Đọc cuốn sách này chúng ta sẽ thấy rõ rằng nhà văn, với tinh thần bảo thủ của mình, đã không còn khả năng hiểu thấu được những biến chuyển xã hội của thời kỳ này. Trên bình diện nghệ thuật, bức tranh về cuộc Cách mạng 1905 không phải là một thành công.

Trên sa mạc và trong rừng thẳm” (“W pustyni i w puszczy”, 1911), một trong những tác phẩm cuối cùng của ông, được ông coi như một món quà dành tặng cho các độc giả nhỏ tuổi. Sienkiewicz trở lại với chủ đề về cuộc nổi dậy năm 1863 và chủ đề về tình yêu tổ quốc. Độc giả có dịp đắm chìm vào những câu chuyện kể tuyệt diệu và những đoạn văn tả cảnh với mang vẻ đẹp thần tiên.

Trong cuốn tiểu thuyết cuối cùng mang tên “Đoàn quân viễn chinh” (“Legiony”) Sienkiewicz ngược trở về với quá khứ, ông có ý định kể lại câu chuyện anh hùng và bi thảm của những hiệp sĩ trong đạo quân viễn chinh của Jan Henryk Dabrowski, những người đã tham gia vào cuộc chiến đấu trên những mảnh đất của các dân tộc khác, giúp họ dành lại tự do và độc lập. Cuốn tiểu thuyết đã vĩnh viễn không kết thúc, Thần chết đã đến đón nhà văn vĩ đại của chúng ta đi trước khi ông kịp viết nốt những dòng cuối cùng của cuốn tiểu thuyết này.

Dịch giả gửi Văn Việt.

 

(*) Tác giả bài viết này – Edmond Gogolewski Phó Giáo sư về văn học Ba Lan tại Đại Học Lille –III. Ông đã bảo vệ luận án Tiến sĩ văn chương về tiểu thuyết lịch sử của Kraszewski. E.Gogolewski cũng quan tâm đến số phận những người nhập cư Ba Lan trên đất Pháp và vấn đề giảng dạy tiếng Ba Lan. Ông đã cho công bố khoảng 50 bài nghiên cứu trên các tạp chí nghiên cứu văn học.

Comments are closed.