E. M. Forster
Nguyễn Quang A dịch
Hiếu Tân hiệu đính
I
TÀU-KHÍ
Hãy tưởng tượng, nếu bạn có thể, một phòng nhỏ, hình lục lăng, giống một lỗ tổ ong. Không có cửa sổ cũng chẳng có đèn chiếu sáng, thế mà vẫn tràn đầy ánh sáng dịu. Không có lỗ hổng nào để thông gió, thế mà không khí vẫn trong lành. Không có nhạc cụ nào, thế nhưng vào lúc tôi bắt đầu thiền, căn phòng này rộn ràng với những âm thanh du dương. Một chiếc ghế bành ở giữa, bên cạnh là một bàn đọc – tất cả đồ đạc chỉ có thế. Và trong ghế là một cục thịt quấn tã – một bà mặt trắng phệch cao khoảng mét rưỡi. Căn phòng nhỏ là của bà.
Chuông điện reo.
Bà chạm vào một công tắc và tiếng nhạc im bặt.
” Chắc mình phải ra xem đó là ai”, bà nghĩ, và cho ghế của bà chuyển động. Chiếc ghế, giống nhạc, hoạt động bằng máy và nó lăn đưa bà đến phía kia của căn phòng nơi chuông vẫn reo hoài.
“Ai đấy?” bà hỏi. Giọng bà cáu kỉnh, vì bà thường bị gián đoạn từ lúc âm nhạc bắt đầu. Bà biết vài ngàn người, theo nghĩa nào đó sự giao tiếp giữa con người đã tiến bộ vượt bậc.
Nhưng khi bà nghe máy thu, mặt trắng của bà nheo lại thành nụ cười, và bà nói:
“Rất tốt. Chúng ta hãy nói chuyện, mẹ sẽ cô lập mình. Mẹ không đợi bất cứ gì quan trọng xảy ra trong năm phút tiếp – để mẹ có thể cho con đủ năm phút, Kuno ạ. Rồi mẹ phải giảng bài của mẹ về ‘Âm nhạc trong Thời kỳ Úc’.”
Bà chạm vào nút cô lập, sao cho không ai khác có thể nói với bà. Rồi bà chạm vào bộ máy chiếu sáng, và căn phòng nhỏ chìm trong bóng tối.
“Nhanh lên!” Bà gọi, sự cáu kỉnh của bà quay lại. “Nhanh lên, Kuno; mẹ ở đây trong bóng tối lãng phí thời gian của mẹ.”
Nhưng mất trọn mười lăm giây trước khi tấm kính tròn bà cầm trên tay bắt đầu phát sáng. Một ánh sáng xanh mờ chiếu qua nó, thẫm dần thành màu tím, và ngay sau đó bà có thể thấy hình của con trai bà, sống ở bên kia trái đất, và nó có thể thấy bà.
“Kukno, sao con chậm thế.”
Cậu mỉm cười trang nghiêm.
“Mẹ thực sự tin là con thích dây dưa lần lữa. “
“Con đã gọi mẹ trước, mẹ ạ, nhưng mẹ luôn bận hay cô lập. Con có một điều đặc biệt cần nói.”
” Gì thế, con trai yêu quý? Nhanh lên. Sao con không thể gửi nó bằng thư khí nén?”
“Bởi vì một đièu như thế này con thích nói hơn. Con muốn …”
“Gì vậy?”
“Con muốn mẹ đến thăm con.”
Vashti nhìn mặt nó trong tấm kính xanh.
“Nhưng mẹ có thể thấy con!” bà kêu lên. “Con còn muốn gì nữa?”
“Con muốn nhìn thấy mẹ không phải là qua cỗ Máy,” Kuno nói. “Con muốn nói với mẹ không qua cỗ Máy chán ngắt này.”
“Ồ, im đi!” mẹ cậu nói, hơi bị sốc. “Con không được nói bất cứ thứ gì chống lại Máy.”
“Vì sao?”
“Người ta không được.”
“Mẹ nói cứ như chúa đã tạo ra cỗ Máy,” cậu kêu lên.
“Con tin rằng mẹ cầu xin nó khi mẹ buồn rầu. Con người tạo ra nó, đừng quên điều đó. Những người vĩ đại, nhưng vẫn là người. Cỗ Máy dù là kì diệu, nhưng không phải là tất cả. Con thấy cái gì đó giống mẹ trong tấm kính, nhưng con không thấy mẹ. Con nghe cái gì đó giống mẹ qua điện thoại này, nhưng con không nghe thấy mẹ. Đó là vì sao con muốn mẹ đến. Hãy đến thăm con, sao cho chúng ta có thể gặp mặt đối mặt, và nói về những hy vọng trong tâm trí con.”
Bà trả lời rằng bà không thể phí thời gian cho một cuộc viếng thăm.
“Tàu-khí chỉ mất hai ngày để bay giữa con và mẹ.”
“Mẹ không thích các tàu-khí.”
“Vì sao?”
“Mẹ không thích thấy đất màu nâu khủng khiếp, và biển, và các vì sao khi trời tối. Mẹ không có ý tưởng nào trong một tàu-khí.”
“Con không tìm thấy chúng ở bất cứ nơi nào khác.”
“Không trung có thể cho con những ý tưởng gì?”
Cậu dừng lại một lát.
“Mẹ không biết bốn ngôi sao lớn tạo thành một hình chữ nhật, và ba ngôi sao gần nhau ở giữa hình chữ nhật, và ba ngôi sao khác treo lơ lửng trên những ngôi sao này ư?”
“Không, mẹ không biết. Mẹ ghét các ngôi sao. Nhưng chúng có cho con một ý tưởng à? Có gì thú vị; nói cho mẹ đi.”
“Con có ý tưởng rằng chúng giống một người đàn ông.”
“Mẹ không hiểu.”
“Bốn ngôi sao lớn là vai và đầu gối của người đàn ông. Ba ngôi sao ở giữa giống thắt lưng mà ông từng đeo, và ba ngôi sao lơ lửng giống một thanh kiếm.”
“Một thanh kiếm?”
“Những người đàn ông mang kiếm bên mình, để giết động vật và những người khác.”
“Nó không là một ý tưởng hay với mẹ, nhưng chắc chắn độc đáo. Nó đến với con đầu tiên khi nào?”
“Trong tàu-khí…” Cậu ngừng, và bà cho rằng nó có vẻ buồn. Bà không thể chắc chắn, vì Máy không truyền các sắc thái biểu cảm. Nó chỉ cho một ý tưởng chung về người – một ý tưởng đủ tốt cho tất cả các mục đích thực tiễn, Vashti nghĩ. Sắc hồng hào khỏe mạnh không thể đo lường, được một triết lý bị mất uy tín tuyên bố là bản chất thực sự của sự giao thiệp, bị cỗ Máy bỏ qua một cách đúng đắn, hệt như vẻ tươi ngon không thể đo lường của nho bị các nhà sản xuất quả nhân tạo bỏ qua. Cái gì đó “đủ tốt” từ lâu đã được loài chúng ta chấp nhận.
“Sự thật là,” cậu tiếp tục, “con muốn thấy những ngôi sao này lần nữa. Chúng là các vì sao kỳ lạ. Con muốn thấy chúng không từ tàu-khí, mà từ bề mặt trái đất, như tổ tiên chúng ta đã từng thấy, từ hàng ngàn năm trước. Con muốn thăm bề mặt trái đất.”
Bà lại bị sốc.
“Mẹ ơi, mẹ phải đến, dù chỉ để giải thích cho con cái hại của việc thăm bề mặt trái đất là gì.”
“Không hại gì,” bà tự kiềm chế và trả lời. “Nhưng không có lợi gì. Bề mặt trái đất chỉ là bụi và bùn, không còn sự sống nào trên đó, và con sẽ cần một máy thở, nếu không thì không khí lạnh bên ngoài sẽ giết con. Người ta chết ngay lập tức trong không khí bên ngoài.”
“Con biết, tất nhiên con sẽ thực hiện mọi sự phòng ngừa.”
“Và ngoài ra-…”
“Sao ạ?”
Bà xem xét, và chọn từ cẩn thận. Con trai bà có tính khí kỳ quặc, và bà muốn can ngăn nó khỏi cuộc thám hiểm.
“Nó ngược với tinh thần thời đại,” bà khẳng định.
“Ý mẹ định nói rằng, ngược với cỗ Máy?”
“Theo một nghĩa, nhưng…”
Hình ảnh của cậu trên tấm kính xanh mờ dần.
“Kuno!”
Cậu đã cô lập mình.
Trong phút chốc Vashti cảm thấy cô đơn.
Rồi bà tạo ra ánh sáng, và quang cảnh của phòng bà, tràn ngập ánh hào quang và nạm đầy các nút điện, làm bà phấn chấn lại. Có những nút bấm và công tắc ở mọi nơi – các nút để gọi thức ăn, âm nhạc, quần áo. Có nút tắm nước nóng, ấn vào nó thì một bồn tắm bằng đá hoa cương (giả) nhô lên khỏi sàn, chứa đầy một chất lỏng ấm đã khử mùi. Có nút tắm nước lạnh. Có nút tạo ra văn học. Và tất nhiên có các nút mà với chúng bà giao thiệp với các bạn của bà. Căn phòng, tuy không chứa gì cả, gồm đủ mọi thứ mà bà cần đến trên thế giới.
Bước tiếp theo của Vashanti là tắt công tắc cô lập, và mọi thứ tích lại trong ba phút vừa qua ùa vào bà. Căn phòng đầy tiếng chuông, và các ống-nói. Thức ăn mới thế nào? Bà có thể giới thiệu nó? Bà có ý tưởng nào gần đây không? Người ta có thể kể cho bà các ý tưởng riêng của họ? Bà có hẹn sớm đến thăm các nhà trẻ công cộng không? – chẳng hạn ngày này trong tháng.
Đối với hầu hết câu hỏi này, bà trả lời cáu kỉnh – một đặc tính tăng lên khi tuổi tác tăng tốc. Bà nói thức ăn mới kinh khủng. Rằng bà không thể thăm các nhà trẻ công cộng vì sức ép của các lời hẹn. Rằng bà không có ý tưởng nào của riêng bà nhưng vừa được kể một ý tưởng rằng bốn ngôi sao và ba ngôi ở giữa giống một người đàn ông: bà không cho chuyện đó có nhiều ý nghĩa. Rồi bà tắt công tắc trao đổi tin tức của bà, vì đã đến lúc bà giảng bài của bà về âm nhạc Úc.
Hệ thống hội họp công cộng vụng về từ lâu đã bị bỏ rơi; cả Vashti lẫn khán giả của bà đều không nhúc nhích khỏi phòng của họ. Ngồi trong ghế bành của mình bà nói, còn họ trong ghế bành của họ lắng nghe bà, khá rõ, và thấy bà, khá rõ. Bà mở đầu với một câu chuyện hài hước về âm nhạc trong thời trước Mông Cổ, và tiếp tục mô tả sự bùng nổ lớn về ca hát tiếp sau sự chinh phục Trung quốc. Xa xôi và nguyên thủy như các phương pháp của I-San-So và trường phái Brisbane, bà vẫn cảm thấy (bà nói) rằng sự nghiên cứu chúng có thể báo đáp các nhạc sĩ ngày nay: chúng có sự tươi mới; và trên hết, chúng có các ý tưởng. Bài giảng kéo dài mười phút của bà được hoan nghênh, và khi nó kết thúc, bà và nhiều khán giả của bà nghe một bài giảng về biển; có những ý tưởng được lấy từ biển; diễn giả đã đeo một máy thở và đã thăm nó mới đây. Rồi bà ăn, nói chuyện với nhiều bạn, tắm, lại nói chuyện, và triệu[1] chiếc giường của bà đến.
Bà không thích cái giường. Nó quá lớn, bà thích một giường nhỏ. Phàn nàn là vô ích, vì các giường đều cùng kích thước trên toàn thế giới, và để có một kích thước khác sẽ phải đưa những thay đổi lớn vào trong cỗ Máy. Vashti tự cô lập mình – việc cần thiết, vì cả ban ngày lẫn ban đêm đều không tồn tại dướt mặt đất – và xem xét lại tất cả những thứ đã xảy ra kể từ lần trước bà triệu chiếc giường. Các ý tưởng? Hầu như chẳng có gì. Các sự kiện – lời mời của Kuno có là một sự kiện?
Bên cạnh bà, trên chiếc bàn đọc nhỏ, là một vật còn lại từ ngày chế tạo[2] – một cuốn sách. Đấy là Sách về cỗ Máy. Trong đó có các chỉ dẫn về mọi sự bất ngờ có thể xảy ra. Nếu bà bị nóng hay lạnh hay mắc chứng khó tiêu hay quên mất một từ, bà lấy cuốn sách, và nó bảo bà ấn nút nào. Ủy ban Trung ương đã xuất bản nó. Theo một thói quen ngày càng tăng, nó được đóng một cách trang trọng.
Ngồi dậy trên giường, bà tôn kính cầm nó trong tay. Bà ngó quanh căn buồng rực sáng cứ như có thể có ai đó đang theo dõi bà. Rồi, nửa xấu hổ, nửa vui vẻ, bà thì thầm “Ôi Máy!” Và nâng cuốn sách lên môi. Bà hôn nó ba lần, bà nghiêng đầu ba lần, ba lần bà cảm thấy một sự tùng phục mê cuồng. Thực hiện xong nghi thức, bà lật trang 1367, cho biết thời gian khởi hành của các tàu-khí từ hòn đảo ở nam bán cầu, mà dưới đất của nó bà sống, đến hòn đảo ở bắc bán cầu, mà con trai bà sống dưới đó.
Bà nghĩ, “ta không có thời gian.”
Bà làm tối căn phòng và ngủ; bà thức dậy và làm cho căn phòng sáng; bà ăn và trao đổi các ý tưởng với các bạn bà, và nghe nhạc và dự các bài giảng; bà làm tối căn phòng và ngủ. Bên trên bà, bên dưới bà, và xung quanh bà, cỗ Máy rầm rì không ngớt; bà không chú ý đến tiếng ồn, vì khi sinh ra bà đã có nó trong tai bà. Trái đất, mang bà, vù vù khi nó lao qua yên lặng, lúc hướng về mặt trời không nhìn thấy được, lúc hướng về các ngôi sao không thể thấy được. Bà thức dậy và làm cho căn phòng sáng.
“Kuno!”
“Con không nói với mẹ,” cậu trả lời, “cho đến khi mẹ đến.”
“Từ lần cuối chúng ta nói chuyện con đã lên mặt đất chưa?”
Hình cậu mờ đi.
Bà lại tham khảo cuốn sách. Bà trở nên rất lo lắng và hồi hộp nằm lại vào ghế của mình. Nghĩ về bà như không có răng hay tóc. Bây giờ bà hướng chiếc ghế đến tường, và ấn một nút không quen. Tường chầm chậm tách ra. Qua kẽ hở bà nhìn thấy một đường hầm hơi cong, nên không thể thấy đích của nó. Nếu bà định đi gặp con trai, thì đây là điểm khởi đầu của chuyến đi.
Tất nhiên bà biết tất cả về hệ thống-truyền thông. Chẳng có gì bí ẩn cả trong đó. Bà sẽ triệu một xe hơi và nó sẽ bay đưa bà xuống đường hầm cho đến khi gặp thang máy thông với nhà ga tàu-khí: hệ thống đã được dùng trong nhiều, rất nhiều năm, trước xa sự thiết lập phổ quát của cỗ Máy. Và tất nhiên bà đã nghiên cứu nền văn minh ngay trước nền văn minh của bà – nền văn minh đã nhầm lẫn các chức năng của hệ thống, và đã dùng nó để đem con người đến với các vật, thay vì đem các vật cho con người. Những ngày xưa buồn cười ấy, con người đi để thay đổi không khí thay vì làm thay đổi không khí trong phòng của họ! Tuy nhiên – bà sợ đường hầm: bà đã không thấy nó kể từ khi sinh đứa con cuối cùng của bà. Nó cong – nhưng không hoàn toàn như bà nhớ; nó rực rỡ – nhưng không hoàn toàn rực rỡ như một bài giảng đã gợi ý. Vashti bị nỗi khinh hoàng của sự trải nghiệm trực tiếp chộp lấy. Bà chùn lại vào phòng, và bức tường lại khép lại.
“Kukno,” bà nói, “mẹ không thể đến thăm con. Mẹ không khỏe.”
Lập tức một thiết bị khổng lồ từ trần nhà rơi xuống người bà, một nhiệt kế tự động đặt trên tim bà. Bà nằm bất lực. Miếng đệm mát làm dịu trán bà. Kuno đã đánh điện cho bác sĩ của bà.
Như thế những đam mê con người vẫn nhầm lên và nhầm xuống trong cỗ Máy. Vashti uống thuốc được bác sĩ phóng vào mồm bà, và thiết bị rút lên trần nhà. Nghe thấy tiếng của Kuno hỏi bà cảm thấy thế nào.
“Khá hơn.” Rồi với giọng cáu kỉnh: “Nhưng vì sao con không đến với mẹ thay vào đó?”
“Vì con không thể rời chỗ này.”
“Vì sao?”
“Bởi vì, bất cứ lúc nào, có thể xảy ra một điều khủng khiếp.”
“Con đã ở trên bề mặt trái đất chưa?”
“Vẫn chưa.”
“Thế nó là cái gì?”
“Con sẽ không nói cho mẹ qua cỗ Máy.”
Bà tiếp tục cuộc sống của mình.
Nhưng bà nghĩ về Kuno như một trẻ sơ sinh, sự sinh của nó, việc đưa nó đến các trường mẫu giáo công cộng, việc bà thăm nó, nó thăm bà – những cuộc viếng thăm ngừng lại khi cỗ Máy phân cho nó một phòng ở phía bên kia trái đất. “Các nghĩa vụ của cha mẹ,” cuốn sách của cỗ Máy nói, “chấm dứt vào lúc sinh. Trang 422327483.” Đúng, nhưng đã có cái gì đó đặc biệt về Kuno – quả thực đã có cái gì đó đặc biệt về tất cả các con của bà – và, rốt cuộc, bà phải can đảm thực hiện chuyến đi nếu cậu muốn. Và “có thể xảy ra một điều khủng khiếp”. Điều đó có nghĩa là gì? Chắc là lời nói vớ vẩn của một cậu thanh niên, nhưng bà phải đi. Lần nữa bà ấn nút không quen thuộc, lần nữa bức tường tách ra, và bà thấy đường hầm uốn cong khỏi tầm mắt. Ôm chặt cuốn Sách, bà đứng lên, đi lảo đảo trên nền, và triệu chiếc xe đến. Căn phòng của bà đóng lại sau bà: chuyến đi đến bắc bán cầu bắt đầu.
Tất nhiên là rất dễ. Chiếc xe đến và trong đó bà tìm thấy ghế bành giống hệt ghế của riêng bà. Khi bà ra hiệu, nó dừng, và bà bước chệnh choạng vào thang máy. Một hành khách khác ở trong thang máy, tạo vật đồng loại đầu tiên bà giáp mặt sau nhiều tháng. Ít người đi lại những ngày này, vì, nhờ tiến bộ khoa học, trái đất chính xác giống nhau ở mọi nơi. Sự giao thiệp nhanh, mà từ đó nền văn minh trước hy vọng rất nhiều, đã kết thúc bằng việc đánh bại chính mình. Đi Bắc Kinh có hay ho gì khi nó giống hệt Shrewsbury? Vì sao quay lại Shrewsbury khi mọi thứ sẽ giống như Bắc Kinh? Mọi người hiếm khi động đậy cơ thể họ; mọi xáo động đều tập trung trong tâm hồn.
Dịch vụ tàu-khí là di vật từ thời đại trước. Nó được duy trì, bởi vì duy trì nó dễ hơn ngừng nó hay giảm bớt nó, nhưng bây giờ nó vượt quá xa nhu cầu của dân cư. Hết tàu này đến tàu khác hiện ra trên các cửa thông[3] của Rye hay của Christchurch (tôi dùng các tên cổ), bay lượn trên bầu trời đông đúc, và đáp xuống các bến tàu miền nam – trả khách. Bầu trời được điều chỉnh tinh vi, độc lập với khí tượng học, đến mức dù yên tĩnh hay nhiều mây, nó giống một kính vạn hoa mênh mông, trên đó các hình mẫu định kỳ lặp lại. Con tàu mà trên đó Vashti đi, khởi hành khi thì vào hoàng hôn, khi thì lúc bình minh. Nhưng luôn luôn, khi nó lướt trên các Rheim, nó sẽ ở cạnh con tàu phục vụ giữa Helsingfors và Brazils, và, mỗi lần thứ ba nó vượt qua dãy Alps, phi đội Palermo sẽ cắt qua vệt của nó ở phía sau. Đêm và ngày, gió và bão, thủy triều và động đất, không còn cản trở con người nữa. Người đã chế ngự Leviathan[4]. Tất cả văn học cổ, với lời ca ngợi Thiên Nhiên của nó, và với nỗi sợ Thiên Nhiên của nó, nghe có vẻ sai như chuyện vớ vẩn của trẻ con.
Nhưng khi Vashti thấy sườn to lớn của tàu, bị biến màu do tiếp xúc với không khí bên ngoài, nỗi kinh hoàng của bà về trải nghiệm trực tiếp quay lại. Không hoàn toàn giống tàu-khí trong cinematophote[5]. Trước tiên nó có mùi – không phải nặng mùi hay khó chịu, nhưng nó có mùi, và với mắt nhắm lại bà lẽ ra phải biết rằng một thứ mới ở gần bà. Rồi bà phải đi bộ từ thang máy đến đó, phải chịu những cái liếc nhìn đánh từ những hành khách khác. Người đàn ông ở đằng trước đánh rơi cuốn Sách của ông – không phải chuyện lớn, nhưng nó làm tất cả họ lo âu. Trong các phòng, nếu Sách bị rơi, sàn nhà nâng nó lên một cách máy móc, nhưng lối đi đến tàu-khí không được chuẩn bị như vậy, và cuốn sách thiêng liêng nằm bất động. Họ dừng lại – điều bất ngờ – và người đàn ông đó, thay vì nhặt đồ của mình lên, cảm thấy như các cơ tay của ông không còn chút súc lực nào. Rồi ngay lúc đó có một người nói thẳng: “Chúng ta sẽ bị trễ” – và họ lũ lượt lên tàu, Vashti dẫm lên các trang khi bà đi qua.
Bên trong tàu, nỗi lo lắng của bà tăng lên. Sự sắp đặt lỗi thời và thô kệch. Thậm chí có một cô tiếp viên, mà bà phải báo cho cô ấy các nhu cầu của bà trong hành trình. Tất nhiên có một sàn di động chạy dọc con tàu, nhưng chắc bà phải đi bộ từ đó đến buồng ngủ của bà. Một số buồng tốt hơn những buồng khác, và bà đã không được buồng tốt nhất. Bà nghĩ cô tiếp viên đã không công bằng, và cơn giận làm bà run lên. Các van kính đã đóng, bà không thể quay lại. Bà thấy, ở cuối tiền sảnh, chiếc thang máy, mà trong đó bà đã lên, trống rỗng yên lặng chạy lên và xuống. Bên dưới các hành lang bằng gạch sáng bóng đó là các phòng, tầng dưới tầng, vươn xa vào trái đất, và trong mỗi phòng có một người ngồi, đang ăn, đang ngủ, hay đang tạo ra các ý tưởng. Và chìm sâu trong tổ ong này là phòng của riêng bà. Vashti sợ.
“Ôi Máy!” bà lẩm bẩm, vuốt ve Sách của bà, và được an ủi.
Rồi các bên của tiền sảnh dường như tan vào nhau, các lối đi mà chúng ta thấy trong các giấc mơ cũng thế, thang máy biến mất, cuốn Sách bị rơi trượt sang trái và biến mất, những viên gạch sáng bóng cuốn đi như dòng nước, có một cơn rùng mình nhẹ, và tàu-khí, thoát ra từ đường hầm của nó, bay vút lên trên mặt nước của một đại dương nhiệt đới.
Đã là ban đêm. Trong phút chốc bà thấy bờ biển Sumatra được viền bằng lân tinh của các làn sóng, và được vấn vương miện bằng những ngọn hải đăng vẫn đang tỏa ra những tia lơ đãng của chúng. Những thứ này cũng biến mất, và chỉ các vì sao làm bà rối trí. Chúng không phải bất động, mà lắc lư qua lại trên đầu bà, chen chúc ra khỏi cửa thông này vào cửa khác, cứ như vũ trụ chứ không phải tàu-khí đang chạy lung tung. Và, như thường xảy ra vào những đêm trong trẻo, lúc thì chúng có vẻ trong phối cảnh, lúc thì trên một mặt phẳng; lúc thì xếp thành từng tầng vào bầu trời vô tận, lúc thì che giấu cái vô hạn, một mái che hạn chế mãi mãi những tầm nhìn của con người. Trong mọi trường hợp chúng dường như không thể chịu nổi. “Chúng ta đi trong bóng tối?” các hành khách giận dữ kêu, và cô tiếp viên, vốn lơ đễnh, vội tạo ánh sáng và kéo các rèm che bằng kim loại dẻo xuống. Khi các tàu-khí được tạo dựng, trên thế giới vẫn dai dẳng cái mong muốn nhìn thẳng vào mọi vật. Vì thế có vô số cửa thông và cửa sổ, và gây khó chịu tương xứng cho những người văn minh và tao nhã. Ngay cả trong cabin của Vashti một ngôi sao nhòm qua một khe hở trong tấm rèm, và sau giấc ngủ khó chịu kéo dài vài giờ của mình, bà bị quấy rầy bởi một ánh sáng rực không quen: bình minh.
Khi con tàu lao nhanh về phía tây, trái đất lăn còn nhanh hơn về phía đông, và kéo Vashti và các bạn đồng hành của bà về hướng mặt trời. Khoa học có thể kéo dài đêm, nhưng chỉ một chút, và những hy vọng cao về trung hòa sự quay hàng ngày của trái đất đã qua, cùng với những hy vọng có lẽ còn cao hơn. “Nhịp bước với mặt trời,” hay thậm chí vượt xa nó, đã là mục tiêu của nền văn minh trước nền văn minh này. Các máy bay đua đã được chế tạo cho mục đích này, có thể có tốc độ rất lớn, và được các trí tuệ vĩ đại nhất của thời đại điều khiển. Chúng bay quanh địa cầu, vòng đi vòng lại, về phía tây, về phía tây, vòng đi vòng lại, giữa tiếng vỗ tay của loài người. Vô ích. Địa cầu vẫn đi về phía đông nhanh hơn, những tai nạn khủng khiếp xảy ra, và Ủy Ban về Cỗ Máy, nổi bật lên lúc đó, bị Không Chốn Nương Thân tuyên bố là cuộc theo đuổi bất hợp pháp, phi-cơ học, và có thể bị trừng phạt.
Về Không Chốn Nương Thân sau đây sẽ nói nhiều hơn.
Chắc chắn Ủy Ban đã đúng. Thế nhưng cố gắng để “đánh bại mặt trời” đã khơi dậy mối quan tâm chung cuối cùng mà loài chúng ta đã trải nghiệm về các thiên thể, hay đúng ra về bất cứ thứ gì. Đó là lần cuối cùng con người kết lại với nhau bằng việc nghĩ về một sức mạnh bên ngoài thế giới. Mặt trời chiến thắng, thế nhưng đó là sự kết thúc sự thống trị tinh thần của nó. Bình minh, trưa, chạng vạng, tối, đường hoàng đạo, chẳng chạm đến đời sống cũng chẳng đến trái tim con người, và khoa học rút lui vào lòng đất, tập trung vào các vấn đề mà nó chắc chắn giải được.
Vì thế khi Vashti thấy cabin của bà bị một chùm sáng màu hồng xâm chiếm, bà bực mình, và thử điều chỉnh tấm rèm. Nhưng tấm rèm rút lên hoàn toàn, và qua cửa thông bà thấy những đám mây hồng nhỏ, đung đưa trên nền trời xanh, và khi mặt trời leo lên cao hơn, ánh sáng của nó chiếu thẳng vào, tràn xuống tường như một biển vàng. Nó lên và xuống với chuyển động của tàu-khí, hệt như sóng dâng lên và hạ xuống, nhưng nó tiến đều đặn, như thủy triều dâng. Nếu bà không cẩn thận, nó táp vào mặt bà. Một nỗi kinh hoàng làm bà run rẩy và bà kéo chuông gọi cô tiếp viên. Cô tiếp viên cũng bị kinh hoàng, nhưng cô chẳng thể làm gì; sửa tấm rèm không phải là nhiệm vụ của cô. Cô chỉ có thể gợi ý rằng bà nên đổi cabin khác, việc này bà sẵng sàng làm.
Mọi người hầu như giống nhau một cách chính xác trên toàn thế giới, nhưng cô tiếp viên của tàu-khí, có lẽ do trách nhiệm đặc biệt của mình, cô đã trở nên hơi khác thường. Cô thường giao tiếp với các hành khách bằng lối nói trống không, và điều này mang lại cho cô một vẻ thô bạo độc đáo nhất định trong phong cách. Khi Vashti đi chệch ra khỏi các tia nắng với một tiếng kêu, cô cư xử dã man – cô đưa tay mình ra giữ bà.
“Làm sao cô dám!” bà hành khách kêu lên. “Cô quên mình là ai!”
Cô bối rối, và xin lỗi vì đã không để cho bà ngã. Người ta không bao giờ được chạm vào nhau. Phong tục đã trở nên lỗi thời, do cỗ Máy.
“Chúng ta đang ở đâu?” Vashti hỏi bằng giọng hách dịch.
“Dạ chúng ta đang trên châu Á ạ,” cô tiếp viên nói, áy náy để tỏ ra lịch sự.
“Châu Á?”
“Bà nên thứ lỗi cách nói thông thường của cháu. Cháu quen gọi các nơi mà trên đó cháu đi qua bằng tên phi-cơ học của chúng.”
“Ồ, tôi nhớ châu Á. Những người Mông Cổ đến từ đó.”
“Dưới chúng ta, ngoài trời có một thành phố một thời gọi là Simla.”
“Cô có bao giờ nghe về những người Mông Cổ và trường phái Brisbane?”
“Không ạ.”
“Brisbane cũng ở ngoài trời.”
“Những dãy núi đó ở bên phải – để cháu cho bà thấy chúng.” Cô đẩy lại một tấm rèm kim loại. Dãy chính của Himalayas lộ ra. “Một thời các núi đó được gọi là Mái Nhà của Thế giới.”
“Một cái tên ngu ngốc!”
“Cô phải nhớ rằng, trước buổi đầu của nền văn minh, chúng dường như là một bức tường không thể qua được, chạm đến các vì sao. Được cho rằng không ai ngoài các thần có thể ở trên các đỉnh của chúng. Chúng ta đã tiến bộ đến thế nào, nhờ cỗ Máy!”
“Chúng ta đã tiến bộ đến thế nào, nhờ cỗ Máy!” Vashti nói.
“Chúng ta đã tiến bộ đến thế nào, nhờ cỗ Máy!” ông khách đã đánh rơi cuốn Sách của mình đêm trước, đang đứng ở lối đi, lặp lại.
“Và thứ màu trắng đó trong những vết nứt? – là cái gì thế?”
“Cháu quên tên của nó rồi.”
“Đóng cửa sổ lại. Các núi này không cho tôi ý tưởng nào.”
Phía bắc của Himalayas chìm sâu trong bóng tối: trên sườn Ấn Độ mặt trời vừa lan khắp. Các rừng đã bị phá hủy trong thời đại văn học vì mục đích làm bột giấy báo, nhưng tuyết được đánh thức dậy với vẻ lộng lẫy ban mai của chúng, và những đám mây vẫn treo trên ngực núi Kinchinjunga. Ở đồng bằng có thể thấy những tàn tích của các thành phố, với những con sông bị những bờ của chúng thu nhỏ lại, và bên cạnh các sông này là các dấu hiệu của các lối ra vào, đánh dấu các thành phố ngày nay. Trên toàn bộ phong cảnh các tàu-khí lao nhanh, vượt qua ngã tư với một độ thăng bằng khó tin, và nổi lên một cách thờ ơ khi chúng muốn tránh các nhiễu loạn của khí quyển thấp hơn và để băng qua Mái Nhà Thế giới.
“Chúng ta quả thực có tiến bộ, nhờ cỗ Máy,” cô tiếp viên lặp lại, và che Himalayas đằng sau một tấm rèm kim loại.
Ngày kéo lê mệt nhoài. Các hành khách ngồi trong cabin của mình, tránh nhau với một lực đẩy hầu như vật lý và mong một lần nữa ở dưới bề mặt trái đất. Trong số họ có tám hay mười, hầu hết những nam thanh niên, được gửi ra từ các nhà trẻ công cộng để sống ở các phòng của những người đã chết trong các phần khác nhau của trái đất. Người đàn ông đánh rơi cuốn Sách của mình đang trên đường về nhà. Ông đã được gửi đến Sumatra cho mục đích nhân giống. Một mình Vashti du hành theo ý chí riêng của bà.
Vào giữa trưa bà liếc nhìn trái đất lần thứ hai. Tàu-khí đang băng qua một dãy núi khác, nhưng vì có mây nên bà chỉ nhìn thấy ít. Những khối đá đen lơ lửng bên dưới bà, và lờ mờ nhòa thành màu xám. Hình thù của chúng thật kỳ quái; một trong số chúng giống một đàn ông phủ phục.
“Không ý tưởng nào ở đây,” Vashti thì thầm, và kéo tấm rèm kim loại che đi dãy Caucasus.
Vào buổi tối bà lại ngó. Họ đang băng ngang một biển màu vàng, trong đó có nhiều hòn đảo nhỏ và bán đảo. Bà lặp lại, “Không có ý tưởng nào ở đây,” và che Hy Lạp đằng sau một tấm rèm kim loại.
II
THIẾT BỊ SỬA CHỮA
Qua một tiền sảnh, qua một thang máy, qua một ống đường sắt, qua một sân ga, qua một cửa trượt – bằng việc đảo ngược tất cả các bước khởi hành của bà, Vashti đã đến được phòng của con bà, giống hệt phòng của riêng bà. Bà rất có thể tuyên bố rằng cuộc viếng thăm là thừa. Các nút bấm, các núm xoay, bàn đọc với cuốn Sách, nhiệt độ, bầu không khí, sự chiếu sáng – tất cả đều chính xác như nhau. Và nếu như bản thân Kuno, bằng xường bằng thịt do chính bà sinh ra, cuối cùng đứng sát cạnh bà, phỏng có lợi gì? Bắt tay cậu ta bây giờ thì hóa ra bà là người quá kiểu cách.
Ngoảnh đi, bà nói như sau:
“Mẹ ở đây. Mẹ vừa có chuyến đi kinh khủng nhất và đã làm chậm hết sức sự phát triển của tâm hồn mẹ. Không đáng, Kukno ạ, thật không đáng. Thời gian của mẹ vô cùng quý giá. Ánh nắng suýt nữa đã chạm vào mẹ, và mẹ đã gặp những người thô lỗ nhất. Mẹ có thể chỉ dừng vài phút thôi. Nói những gì con muốn nói, và sau đó mẹ phải quay về.”
“Con bị Không Chốn Nương Thân đe dọa, Kukno nói.
Bây giờ bà nhìn cậu ta.
“Con bị Không Chốn Nương Thân đe dọa và con không thể nói cho mẹ một chuyện như vậy qua cỗ Máy.”
Không Chốn Nương Thân có nghĩa là chết. Nạn nhân bị phơi ra không khí, và bị nó giết.
“Con đã ở bên ngoài kể từ khi con nói với mẹ lần cuối. Điều khủng khiếp đã xảy ra, và họ đã phát hiện ra con.”
“Nhưng vì sao con không nên đi ra ngoài?” bà kêu lên, thăm bề mặt trái đất là hoàn toàn hợp pháp, hoàn toàn cơ học. Gần đây mẹ đã dự một bài giảng về biển; không có gì phản đối việc đó; người ta đơn giản gọi một máy thở đến và có một giấy-phép-Đi-ra-ngoài. Nó không phải là loại việc mà những người có tư duy tâm linh làm, và mẹ cầu xin con đừng làm, nhưng không có trở ngại pháp lý nào đối với nó cả.”
“Con đã không nhận được một giấy-phép-Đi-ra-ngoài.”
“Thế làm sao con ra được?”
“Con tìm được cách riêng của con.”
Cụm từ này không chuyển tải ý nghĩa nào tới bà, và cậu phải lặp lại nó.
“Cách của riêng con?” bà thì thầm. “Nhưng thế là sai.”
“Vì sao?”
Câu hỏi làm bà sốc quá mức.
“Mẹ bắt đầu tôn thờ cỗ Máy,” cậu lạnh nhạt nói.
“Mẹ nghĩ con vô đạo nên đã tìm ra cách riêng của con. Đó chính là điều mà Ủy Ban nghĩ, khi họ đe dọa con bằng Không Chốn Nương Thân.”
Nghe thế bà trở nên tức giận. “Mẹ chẳng tôn thời gì cả!” bà gào lên. “Mẹ là tiên tiến nhất. Mẹ không nghĩ con không có tôn giáo, vì không còn lại cái gì như tôn giáo nữa. Tất cả những nỗi sợ và các thói mê tín tồn tại một thời đã bị cỗ Máy phá hủy. Mẹ chỉ muốn nói rằng việc tìm ra một cách riêng của con là sai – Ngoài ra, không có lối thoát mới nào.”
“Vì vậy luôn được cho là thế.”
“Trừ qua các cửa thông, mà người ta phải có một giấy-phép-Đi-ra-ngoài, còn thì là không thể để ra ngoài. cuốn Sách nói thế.”
“Phải, Sách sai, vì con đã ở ngoài trên đôi chân của con.”
Vì Kuno có một sức mạnh thể chất nhất định.
Vào những ngày này việc có cơ bắp là một điều đáng trách. Mỗi đứa trẻ sơ sinh được khám xét lúc sinh, và tất cả những đứa hứa hẹn sức mạnh quá mức đều bị tiêu diệt. Những người nhân đạo có thể phản đối, nhưng để cho một vận động viên sống thì không phải là lòng tốt thực sự; anh ta sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc trong trạng thái sống mà cỗ Máy gọi anh ta đến; anh ta sẽ khao khát những cây để leo trèo, những dòng sông để tắm trong đó, những đồng cỏ và ngọn đồi mà anh ta có thể đọ sức. Con người phải thích nghi với môi trường xung quanh của mình, đúng không? Trong buổi rạng đông của thế giới những kẻ yếu đuối của chúng ta phải bị phơi ra trên Núi Taygetus, trong hoàng hôn của thế giới những kẻ mạnh của chúng ta sẽ chịu cái chết êm dịu, để cỗ Máy có thể tiến bộ, để cỗ Máy có thể tiến bộ, để cỗ Máy có thể tiến bộ muôn đời.
“Mẹ biết không chúng ta đã mất cảm giác về không gian. Chúng ta nói “không gian bị hủy diệt”, nhưng chúng ta đã không hủy diệt không gian, mà hủy diệt cảm giác về nó. Chúng ta đã mất một phần của bản thân chúng ta. Con quyết tâm khôi phục nó, và con bắt đầu đi lên và xuống sân ga đường sắt bên ngoài phòng con. Lên và xuống cho đến khi con mỏi, và như thế lấy lại được cảm giác về “Gần” và “Xa”. “Gần” là một nơi con có thể đến nhanh trên đôi chân của mình, không phải là một nơi mà xe lửa hay tàu-khí đưa con nhanh tới đó. “Xa” là một nơi con không thể tới đó trên đôi chân của mình; cửa thông là “xa,” mặc dù con có thể tới đó trong vòng ba mươi-tám giây bằng việc triệu xe lửa đến. Con người là thước đo. Đó là bài học đầu tiên của con. Chân con người là thước đo khoảng cách, tay con người là thước đo sự sở hữu, thân thể con người là thước đo cho mọi thứ đáng yêu và đáng mong muốn và sức mạnh. Rồi con tiến xa hơn: chính lúc đó con đã gọi cho mẹ lần đầu tiên, và mẹ không đến.
“Thành phố này, như mẹ biết đấy, được xây dựng sâu bên dưới bề mặt trái đất, chỉ có các cửa thông nhô ra. Sau khi bước trên sân ga bên ngoài phòng của riêng mình, con lấy thang máy đến sân ga tiếp và cũng bước trên sân ga đó nữa, và lần lượt như thế, cho đến khi con đến sân ga trên cùng, trên đó mặt đất bắt đầu. Tất cả các sân ga đều chính xác như nhau, và những gì con thu được qua việc đi thăm chúng là để phát triển cảm giác của con về không gian và cơ bắp của con. Con nghĩ con nên hài lòng với việc này – không phải là một chuyện nhỏ, – nhưng khi con bước đi và nghiền ngẫm, con chợt nhận ra rằng các thành phố của chúng ta đã được xây dựng vào cái thời mà con người vẫn thở không khí bên ngoài, và rằng đã có các ống thông gió cho những người làm việc. Con chẳng thể nghĩ về bất cứ thứ gì khác ngoài các ống thông gió này. Có phải chúng đã bị phá hủy bởi tất cả các ống-thức ăn, các ống-thuốc và các ống-nhạc mà cỗ Máy đã tạo ra gần đây? Hay các dấu vết của chúng vẫn còn? Một điều chắc chắn. Nếu con có gặp chúng ở bất cứ đâu, đó sẽ là trong các đường hầm xe lửa của tầng trên cùng. Ở mọi nơi khác, tất cả không gian đã được tính đến.
“Con đang kể nhanh câu chuyện của con, nhưng đừng mẹ nghĩ rằng con không phải là một đứa nhát gan hay những câu trả lời của mẹ chẳng bao giờ làm con chán nản. Đi dọc một đường hầm xe lửa không phải là điều đúng, không phải là cơ khí, không phải là tử tế. Con không sợ rằng con có thể bước lên một đường ray đang hoạt động và bị giết. Con sợ thứ mơ hồ hơn nhiều – làm cái gì đó mà cỗ Máy đã không dự tính. Rồi con nói với bản thân mình, “con Người là thước đo”, và con đi, và sau nhiều cuộc viếng thăm con tìm thấy một khe hở.
“Các đường hầm, tất nhiên, được chiếu sáng. Mọi thứ đều sáng, ánh sáng nhân tạo; bóng tối là ngoại lệ. Vì thế khi con thấy một kẽ hở đen trong các viên ngói, con biết rằng nó là một ngoại lệ, và vui mừng. Con đưa cánh tay vào – lúc đầu con không thể đưa vào thêm – và vung nó theo vòng trón trong cơn phấn khích. Con tháo ra một viên ngói khác, và đưa đầu con vào, và hét vào bóng tối: “tôi đang đến, tôi nhất định sẽ làm điều đó,” và giọng nói của con dội lại xuống các lối đi vô tận. Con dường như nghe thấy linh hồn của những người công nhân đã chết đó mà mỗi tối họ trở về với ánh sáng sao và với vợ của họ, và tất cả các thế hệ đã sống ngoài trời gọi lại cho con, ‘Cậu nhất định sẽ làm điều đó, cậu đang đến’.”
Cậu tạm dừng, và, dù ngớ ngẩn thế nào, những lời cuối cùng của cậu làm bà cảm động.
Vì Kuno gần đây yêu cầu được làm cha, và yêu cầu của cậu bị Ủy Ban từ chối. Cậu không phải là kiểu mà cỗ Máy muốn truyền giống cho đời sau.
“Rồi một xe lửa đi qua. Nó lướt qua con, nhưng con thọc đầu và tay vào lỗ. Con đã làm đủ cho một ngày, vì thế con bò lại sân ga, đi xuống trong thang máy, và triệu giường của con. Ôi những giấc mơ! Và con lại gọi mẹ, và mẹ lại từ chối.”
Bà lắc đầu và nói:
“Đừng. Đừng nói về những thứ khủng khiếp này. Con làm mẹ khốn khổ. Con đang quăng nền văn minh đi.”
“Nhưng con lấy lại được cảm giác về không gian và một đàn ông không thể nghỉ lúc đó. Con quyết tâm định chui vào lỗ và leo lên cái hầm. Và như thế con luyện tay con. Hết ngày này qua ngày khác con trải qua những chuyển động buồn cười, cho đến khi da thịt con đau, và con có thể treo mình bằng tay và giữ chiếc gối của giường con kéo dài nhiều phút. Rồi con triệu một máy thở đến, và khởi hành.”
“Lúc đầu thì dễ. Vữa bằng cách nào đó đã mục nát, và con mau chóng đẩy thêm một số ngói vào, và trèo lên sau chúng vào bóng tối, và linh hồn của những người chết an ủi con. Con không biết con định nói gì. Con chỉ nói cái con cảm thấy. Lần đầu tiên, con cảm thấy rằng một bản kháng nghị được đưa ra chống sự suy đồi, và rằng ngay cả những người chết đang an ủi con, vì thế con an ủi những người chưa sinh. Con cảm thấy rằng loài người tồn tại, và rằng nó tồn tại mà không có quần áo. Làm sao con có thể giải thích điều này? Nó trần truồng, nhân loại có vẻ trần truồng, và tất cả các ống và các nút và máy móc đã không sinh ra với chúng ta, chúng cũng chẳng theo chúng ta ra ngoài, chúng cũng chẳng quá bận tâm trong khi chúng ta ở đây. Giả như con mạnh, thì con đã xé tan quần áo con có, và đi vào không khí bên ngoài không mặc tã. Nhưng điều này không phải cho con, có lẽ cũng chẳng cho thế hệ của con. Con leo với máy thở và quần áo vệ sinh của con và những viên thuốc làm thức ăn của con! Như thế tốt hơn là chẳng có gì.
“Có một chiếc thang bằng một thứ kim loại nguyên thủy. Ánh sáng từ đường sắt đổ xuống các nấc thang thấp nhất của nó, và con thấy rằng nó dẫn thẳng lên từ đống đổ nát ở đáy hầm. Có lẽ hàng ngày các tổ tiên của chúng ta đã chạy lên và xuống nó hàng chục lần, trong tòa nhà của họ. Khi con leo, các cạnh thô cắt qua găng tay của con khiến tay con chảy máu. Ánh sáng giúp con một chút, và rồi bóng tối đến và, còn tệ hơn, im lặng chọc vào tai con như một mũi kiếm. Cỗ Máy kêu rền! Mẹ có biết điều đó không? Tiếng kêu rền của nó thấm vào máu chúng ta, và có thể thậm chí hướng dẫn suy nghĩ của chúng ta. Ai biết được! Con đã vượt quá sức mạnh của nó. Rồi con nghĩ: “Sự im lặng này có nghĩa rằng con đang làm sai.” Nhưng con nghe những tiếng nói trong sự im lặng, và lần nữa chúng thêm sức mạnh cho con.” Cậu cười. “Con cần chúng. Khoảnh khăc tiếp theo con đập đầu mình vào cái gì đó.”
Bà thở dài.
“Con tới một trong những nút chặn khí nén bảo vệ chúng ta khỏi không phí bên ngoài. Mẹ có thể đã nhận ra chúng trên tàu-khí. Tối đen, chân con trên các bậc của chiếc thang vô hình, tay con bị đứt; con không thể giải thích làm sao con sống qua phần này, nhưng những tiếng nói vẫn an ủi con, và con dò tìm những khóa hãm. Nút chặn, con nghĩ, ngang khoảng hai mét tư. Con đưa tay qua nó xa tới mức con có thể với. Nó hoàn toàn nhẵn. Con cảm thấy nó gần như ở giữa. Không hoàn toàn ở giữa, vì tay con quá ngắn. Rồi tiếng nói cất lên: “Nhảy. Đáng đấy. Có thể có một tay cầm ở giữa đấy, và cậu có thể nắm lấy nó và như thế đến với chúng tôi theo cách của cậu. Và nếu không có tay cầm nào, thì cậu có thể rơi và tan xác thành từng mảnh – vẫn đáng: cậu sẽ vẫn đến với chúng tôi theo cách của cậu.” Thế là con nhảy. Có một tay cầm, và …”
Cậu tạm dừng. Nước mắt đọng trong mắt mẹ cậu. Bà biết rằng nó bạc phận. Nếu nó không chết hôm may nó sẽ chết ngày mai. Không có chỗ cho một người như thế trên thế giới. Và một chút ghê tởm lẫn vào nỗi thương xót của bà. Bà xấu hổ vì đã sinh ra một đứa con trai như vậy, bà luôn là người rất đáng kính và đầy ắp ý tưởng. Có phải nó đúng là đứa bé mà bà đã dạy sử dụng các nút chặn và các nút bấm của nó, và bà đã dạy nó các bài học đầu tiên trong cuốn Sách? Chính sợi lông làm biến dạng môi nó cho thấy rằng nó trở lại kiểu người man rợ nào đó. Về sự lại giống thì cỗ Máy không thể có sự khoan dung nào.
“Có một tay cầm, và con đã túm được nó. Con treo lơ lửng trong bóng tối và nghe tiếng rì rầm của những hoạt động này như lời thì thầm cuối cùng trong một giấc mơ sắp chết. Tất cả những thứ con quan tâm đến và tất cả những người con nói chuyện với qua các ống hiện ra vô cùng nhỏ. Trong khi đó cái tay cầm vẫn quay. Trọng lượng của con khiến cái gì đó chuyển động và con xoay tròn chầm chậm, và rồi…
“Con không thể mô tả nó. Con nằm ngửa mặt hướng về ánh nắng. Máu trào ra từ mũi và tai con và con nghe một tiếng gầm khủng khiếp. Nút chặn, với con bám vào nó, đơn giản bị thổi bay khỏi mặt đất, và không khí mà chúng ta tạo ra dưới này thoát ra qua lỗ thông vào không khí ở bên trên. Nò phụt lên giống như một vòi nước. Con bò lại chỗ đó – vì không khí phía trên gây đau – và như thế, con hít những ngụm lớn từ mép lỗ. Máy thở của con có trời biết đã bay đến đâu, quần áo của con bị rách hết. Con chỉ nằm ghé môi gần lỗ hổng, và con hớp từng ngụm không khí cho đến khi máu ngừng chảy. Mẹ không thể tưởng tượng nổi cái gì lạ lùng như thế. Cái chỗ trũng này trong cỏ – chốc nữa con sẽ nói về nó, – mặt trời chiếu vào nó, không rực rỡ mà qua các đám mây mầu cẩm thạch, – sự bình an, thờ ơ, cảm giác về không gian, và, luồng không khí nhân tạo của chúng ta ầm ầm phun lướt qua má con! Chẳng bao lâu con thấy lại máy thở của mình, bập bềnh lên và xuống trong luồng gió cao trên đầu con, và cao hơn nữa là nhiều tàu-khí. Nhưng chẳng ai nhìn ra ngoài các tàu-khí, và dù sao họ cũng không thể nhặt con lên. Con bị kẹt ở đó. Mặt trời chiếu một chút xuống hầm, và để lộ nấc trên cùng của chiếc thang, nhưng cố với tới nó là vô vọng. Lẽ ra con phải chọn: hoặc trốn, hoặc mắc kẹt, và chết. Con chỉ có thể nằm trên cỏ, hớp hớp từng ngụm không khí, và thỉnh thoảng liếc nhìn xung quanh con.
“Con biết rằng lúc ấy con đang ở Wessex, vì con đã cẩn thận đi nghe một bài giảng về chủ đề trước khi khởi hành. Wessex nằm bên trên căn phòng mà chúng ta đang nói chuyện bây giờ. Một thời nó đã là một nhà nước quan trọng. Các vua của nó đã nắm giữ toàn bộ bờ biển phía nam từ Andredswald đến Cornwall, trong khi Wansdyke bảo vệ nó trên miền bắc, lên đến vùng đất cao. Người giảng đã chỉ quan tâm đến sự lên của Wessex, cho nên con không biết nó là một cường quốc quốc tế kéo dài bao lâu, cũng không biết rằng kiến thức ấy có giúp gì cho con không. Nói thật trong phần này con chỉ biết cười. Con ở đó với một van chặn khí nén bên cạnh và một máy thở lắc lư trên đầu con, cả ba thứ chúng con bị cầm tù trong một hố có cỏ mọc, có dương xỉ viền quanh.”
Rồi cậu lại trở nên nghiêm nghị.
“May cho con rằng nó là một hố. Vì không khí bắt đầu tràn lại vào hố và làm đầy nó như nước làm đầy một cái bát. Con có thể bò quanh. Ngay sau đó con đứng dậy. Con hít một hỗn hợp, trong đó khí gây đau chiếm ưu thế mỗi khi con thử leo lên các bên. Điều này không quá tệ. Con không mất những viên thức ăn nén của mình và vẫn vui vẻ đến nực cười, còn về cỗ Máy, con quên nó hoàn toàn. Mục tiêu duy nhất của con là lên đến miệng hố, nơi có những cây dương xỉ, và để xem có bất cứ đồ vật gì ở xa hơn.
“Con vội vàng lên dốc. Không khí mới vẫn quá rét buốt đối với con và con lăn trở lại, sau khi thoáng nhìn thấy một vật màu xám.
Nắng trở nên rất yếu, và con nhớ rằng mặt trời ở Scorpio[6] – con cũng đã nghe một bài giảng về điều đó. Nếu mặt trời ở trong cung Scorpio, và ta ở Wessex, thì có nghĩa rằng ta phải càng nhanh càng tốt, nếu không sẽ bị quá tối. (Đấy là mẩu thông tin hữu ích đầu tiên con nhận được từ một bài giảng, và mong rằng nó là mẩu cuối cùng.) Nó khiến con cố hít điên cuồng không khí mới, và để tiến càng xa càng tốt khỏi cái ao của mình. Hố trống được lấp đầy chậm chạp. Có lúc con nghĩ rằng nguồn khí phun ra đã yếu đi. Máy thở của con dường như nhún nhảy gần mặt đất hơn; tiếng gầm giảm dần.”
Cậu đột nhiên ngừng lại.
“Con không nghĩ điều này làm mẹ quan tâm. Phần còn lại sẽ khiến mẹ còn ít quan tâm hơn. Không có ý tưởng nào trong đó, và giá mà con đã không làm phiền mời mẹ đến. Chúng ta quá khác nhau, mẹ ạ.”
Bà bảo cậu hãy tiếp tục.
“Đó là buổi tối trước khi con leo lên bờ. Lúc ấy mặt trời đã gần ra khỏi bầu trời, và con không thể nhìn rõ. Mẹ vừa đi qua Mái Nhà Thế giới, sẽ không muốn nghe con kể về những quả đồi nhỏ con thấy – những ngọn đồi thấp không màu. Nhưng đối với con chúng sống động và lớp đất phủ lên chúng là da, dưới đó là những cơ bắp cuộn lên, và con cảm thấy rằng các quả đồi đó đã gọi con người với sức mạnh không thể tính nổi trong quá khứ, và con người đã yêu chúng. Bây giờ chúng ngủ – có lẽ mãi mãi. Chúng giao tiếp với loài người trong những giấc mơ. Thật hạnh phúc là người đàn ông, người đàn bà đánh thức những ngọn đồi vùng Wessex. Vì dù chúng ngủ, chúng sẽ chẳng bao giờ chết.”
Giọng cậu vút lên say mê.
“Mẹ không thể thấy, tất cả các giảng viên của mẹ không thể thấy, rằng chúng ta đang chết, và rằng dưới này cái thứ duy nhất thực sự sống chỉ là trong cỗ Máy? Chúng ta đã tạo ra cỗ Máy, để thực hiện ý muốn của chúng ta, nhưng bây giờ chúng ta không thể khiến nó thực hiện ý muốn của chúng ta nữa. Nó đã cướp mất cảm giác về không gian và xúc giác của chúng ta, nó đã làm mờ mọi quan hệ con người và thu hẹp tình yêu thành hành động xác thịt, nó đã làm tê liệt thân thể chúng ta và ý chí của chúng ta, và bây giờ nó bắt chúng ta phải tôn thờ nó. Cỗ Máy phát triển – nhưng không theo đường lối của chúng ta. Cỗ Máy tiến tới – nhưng không tới đích của chúng ta. Chúng ta chỉ tồn tại như các hạt máu chảy qua các động mạch của nó, và nếu nó có thể hoạt động mà không có chúng ta, nó sẽ để chúng ta chết. Ôi, con không có phương thuốc chữa nào – hay, ít nhất, chỉ một cách điều trị – để nói lặp đi lặp lại cho mọi người rằng con đã thấy những ngọn đồi Wessex như Ælfrid đã thấy chúng khi ông đánh bại hoàn toàn quân Đan Mạch.
“Thế là mặt trời lặn. Con quên nhắc đến rằng một vành đai sương mù nằm giữa ngọn đồi của con và những quả đồi khác, và rằng nó có màu ngọc trai.”
Cậu đột nhiên ngừng lại lần thứ hai.
“Tiếp tục đi,” mẹ cậu kiệt sức nói.
Cậu lắc đầu.
“Tiếp tục đi. Chẳng gì con nói có thể làm khổ mẹ bây giờ. Mẹ cứng cáp.”
“Con định nói với mẹ phần còn lại, nhưng con không thể: con biết rằng con không thể: tạm biệt.”
Vashti đứng lưỡng lự. Mọi dây thần kinh của bà ngứa ran với những lời báng bổ của cậu. Nhưng bà cũng tò mò.
“Thế là không công bằng,” bà than phiền. “Con gọi mẹ đi xuyên thế giới để nghe câu chuyện của con, và mẹ sẽ nghe. Hãy kể cho mẹ – càng ngắn gọn càng tốt, vì đấy là một sự lãng phí thời gian tai hại – hãy nói cho mẹ con quay lại nền văn minh thế nào.”
“Ồ – thế đó!” cậu bắt đầu nói. “Mẹ muốn nghe về nền văn minh. Chắc chắn. Giá như con đến nơi máy thở của của con rớt xuống?”
“Không – nhưng bây giờ mẹ hiểu mọi thứ. Con đeo máy thở của con vào, và tìm cách đi dọc bề mặt trái đất đến một cửa thông, và ở đó hành vi của con được báo cáo cho Ủy ban Trung ương.”
“Tuyệt nhiên không.”
Cậu đưa tay lên trán, như để xua tan ấn tượng mạnh nào đó. Rồi, tiếp tục chuyện kể của mình, cậu lại sôi nổi lên.
“Máy thở của con rơi khoảng lúc hoàng hôn. Con đã nhắc tới rằng giếng phun có vẻ yếu hơn, phải không?”
“Phải.”
“Về hoàng hôn, nó để máy thở rơi. Như con đã nói, con hoàn toàn quên về cỗ Máy, và con không chú ý nhiều lúc đó, vì bận rộn với những thứ khác. Con có một ổ không khí của mình, mà con có thể chìm vào đó khi sự rét buốt bên ngoài trở nên không thể chịu nổi, và mà có lẽ vẫn còn cho nhiều ngày, miễn là không có gió nổi lên để phân tán nó. May còn chưa quá muộn con đã nhận ra việc khí ngưng thoát ra có ý nghĩa gì. Mẹ thấy không – lỗ hổng trong đường hầm đã được sửa; Thiết bị Sửa chữa; Thiết bị Sửa chữa đuổi theo con.
“Con có một lời cảnh báo khác, nhưng con đã bỏ qua. Bầu trời ban đêm trong hơn bầu trời ban ngày, và mặt trăng, nằm ở khoảng nửa bầu trời phía sau mặt trời, chiếu khá sáng vào thung lũng nhỏ lúc đó. Con ở chỗ thường lệ của mình – trên ranh giới giữa hai bầu khí quyển – khi con nghĩ con thấy cái gì đen đen di chuyển qua phía dưới thung lũng nhỏ, và biến mất vào hầm. Như phát điên, con chạy xuống. Con cúi xuống và nghe ngóng, và con nghĩ con nghe một tiếng cạo yếu ớt dưới sâu.
“Vào lúc này – nhưng đã quá muộn – con thấy sợ. Con quyết định đeo máy thở vào và đi thẳng ra khỏi thung lũng nhỏ. Nhưng máy thở của con đã biến mất. Con biết chính xác chỗ nó rơi– giữa nút chặn và lỗ hổng – và thậm chí con có thể cảm thấy dấu mà nó tạo ra trong mảng đất có cỏ. Nó đã biến mất, và con nhận ra rằng cái gì đó xấu đang hoạt động, và tốt hơn con nên trốn sang không khí khác, và, nếu chọn phải chết, thì chết khi đang chạy đến đám mây có màu ngọc trai. Con chưa bao giờ bắt đầu. Ra khỏi hầm – quá kinh khủng. Một con giun, một con giun trắng dài, đã bò ra khỏi hầm và trườn trên cỏ dưới ánh trăng.
“Con hét lên. Con đã làm mọi thứ mà lẽ ra con không nên làm, con đã dẫm lên sinh vật đó thay cho trốn khỏi nó, và ngay lập tức nó cuộn tròn quanh mắt cá chân. Rồi con đánh nhau với nó. Con giun để con chạy khắp thung lũng nhỏ, nhưng từ từ bò lên chân con khi con chạy. “Cứu tôi với!” Con gào. (Phần đó là quá khủng khiếp. Nó thuộc về phần mà mẹ sẽ chẳng bao giờ biết.) “Cứu tôi với!” Con gào. (Vì sao chúng ta không thể chịu đựng trong im lặng?) “Cứu tôi với!” Con khóc. Khi chân con bị xoắn lại với nhau, con cảm thấy, con bị lôi ra khỏi những cây dương xỉ và những ngọn đồi sống thân yêu, và qua một nút chặn lớn bằng kim loại (con có thể kể phần này cho mẹ), và con nghĩ nó có thể lại cứu con nếu con túm lấy tay cầm. Cả nó cũng bị quấn. Ồi, toàn bộ thung lũng nhỏ ngập đầy những vật ấy. Chúng đang tìm nó theo mọi hướng, chúng lột trần nó, và những cái vòi trắng của những con khác ló ra khỏi cái lỗ, sẵn sàng nếu cần. Chúng mang theo mọi thứ có thể di chuyển được – bụi cây, những bó dương xỉ, mọi thứ, và tất cả chúng cùng với con cuộn vào nhau rơi xuống địa ngục. Những thứ cuối cùng con thấy, trước khi nút chặn đóng lại sau chúng con, là những ngôi sao nào đó, và con cảm thấy rằng một người như con sống trong bầu trời. Vì con đã chiến đấu, con đã chiến đấu đến tận cùng, và chỉ khi đầu con đập vào chiếc thang con mới im lặng. Con tỉnh dậy trong căn phòng này. Những con giun biến mất. Con bị không khí nhân tạo, ánh sáng nhân tạo, sự yên bình nhân tạo bao quanh, và các bạn con gọi con qua ống nói để biết liệu con có tình cờ gặp bất cứ ý tưởng mới nào gần đây không.”
Câu chuyện của cậu kết thúc ở đây. Thảo luận về nó là không thể, và Vashti quay sang để đi.
“Nó sẽ kết thúc trong Không Chốn Nương Thân,” bà lặng lẽ nói.
“Con muốn thế,” Kukno vặc lại.
“Cỗ Máy đã nhân từ nhất.”
“Con thích lòng nhân từ của Chúa hơn.”
“Bằng câu nói mê tín đó, ý con muốn nói rằng con có thể sống trong không khí bên ngoài?”
“Vâng.”
“Con có bao giờ thấy, quanh các cửa thông, xương của những người bị đẩy ra sau cuộc Đại Loạn?”
“Có.”
“Họ bị bỏ ở nơi họ chết vì sự khai trí của chúng ta. Vài người đã bò xa ra, nhưng họ cũng đã chết – ai có thể nghi ngờ việc đó? Và cũng thế với Không Chốn Nương Thân ngày nay. Bề mặt trái đất không còn hỗ trợ sự sống nữa.”
“Đúng vậy.”
“Những cây dương xỉ và một chút cỏ có thể sống sót, nhưng tất cả các hình thức cao hơn đã chết. Có tàu-khí nào phát hiện ra chúng không?”
“Không.”
“Có giảng viên nào đề cấp đến chúng không?”
“Không.”
“Thế vì sao lại ngang bướng vậy?”
“Bởi vì con đã thấy chúng,” cậu nổ bùng.
“Thấy cái gì?”
“Bởi vì con đã thấy cô ấy trong lúc hoàng hôn – bởi vì cô ấy đã đến giúp con khi con gọi – bởi vì cô ấy cũng bị vướng bởi những con giun, và, may hơn con, đã bị một con đâm vào họng và chết.”
Cậu ấy điên rồi. Vashti ra đi, trong những rắc rối tiếp theo bà cũng chẳng thấy mặt cậu lần nữa.
KHÔNG CHỐN NƯƠNG THÂN
Trong những năm tiếp sau cuộc trốn của Kuno, hai diễn tiến quan trọng xảy ra trong cỗ Máy. Trên bề mặt chúng là cách mạng, nhưng trong cả hai trường hợp tâm trí con người được chuẩn bị từ trước, và chúng chỉ bộc lộ những xu hướng đã tiềm ẩn.
Thứ nhất trong hai thứ này là việc bỏ máy thở.
Các nhà tư tưởng tiên tiến, như Vashti, luôn cho rằng lên thăm bề mặt trái đất là ngu ngốc. Các tàu-khí có thể là cần thiết, nhưng việc đi ra ngoài chỉ vì tò mò và việc bò dọc một hay hai dặm trong một mô tô mặt đất phỏng có ích gì? Thói quen thật thô tục và có lẽ hơi không đúng: các ý tưởng không hữu ích, và chẳng có quan hệ gì với các thói quen thực sự quan trọng. Vì thế các máy thở bị bỏ, và tất nhiên cùng với chúng là các mô tô mặt đất, và ngoại trừ vài giảng viên than phiền rằng họ bị ngăn cản tiếp cận đến chủ đề của họ, tiến bộ này được lặng lẽ chấp nhận. Những người vẫn muốn biết mặt đất như thế nào, rốt cuộc chỉ cần nghe máy hát nào đó, hay ngó vào cinematophote nào đó. Và ngay cả các giảng viên đã bằng lòng khi họ thấy rằng một bài giảng về biển chẳng hề kém kích thích hơn khi được biên soạn từ các bài giảng khác đã được trình bày về cùng chủ đề. “Hãy cẩn thận với các ý tưởng mới mẻ độc đáo[7]!” một trong những người tiên tiến nhất trong số họ thốt lên. “Các ý tưởng mới mẻ độc đáo thực sự không tồn tại. Chúng chỉ là những ấn tượng của thân xác được tình yêu và nỗi sợ tạo ra, và trên nền tảng thô thiển này thì ai có thể xây dựng một triết học? Hãy để các ý tưởng của bạn là cũ[8], và nếu có thể cũ hơn nữa[9], vì khi đó chúng sẽ xa khỏi yếu tố nhiễu loạn đó – sự quan sát trực tiếp. Đừng học bất cứ thứ gì về chủ đề này của tôi – Cách mạng Pháp. Thay vào đó hãy học những gì tôi nghĩ rằng Enicharmon đã nghĩ, Urizen đã nghĩ, Gutch đã nghĩ, Ho-Yung đã nghĩ, Chi-Bo-Sing đã nghĩ, Lafcadio Hearn đã nghĩ, Carlyle đã nghĩ, Mirabeau đã nói về Cách mạng Pháp. Qua trung gian của mười đầu óc vĩ đại này, máu đã chảy ở Paris và các cửa sổ bị phá tại lâu đài Versailles sẽ được làm rõ cho một ý tưởng mà bạn có thể áp dụng có lợi nhất trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Nhưng chắc chắn rằng có nhiều trung gian và chúng thay đổi, vì trong lịch sử một người có thẩm quyền sở dĩ tồn tại là để đối trọng người có thẩm quyền khác. Urizen phải đối trọng chủ nghĩa hoài nghi của Ho-Yung và Enicharmon, bản thân tôi phải đối trọng tính mãnh liệt của Gutch. Các bạn lắng nghe tôi thì ở trong vị thế tốt hơn tôi để phát xét về Cách mạng Pháp. Các hậu duệ của các bạn sẽ còn ở vị thế tốt hơn các bạn, vì họ sẽ học được những gì các bạn nghĩ, tôi nghĩ, tuy nhiên người trung gian khác sẽ được thêm vào chuỗi này. Và theo thời gian ‘– giọng ông cao lên –‘ một thế hệ sẽ đến, nó vượt quá các sự kiện, quá các ấn tượng, một thế hệ hoàn toàn không màu, một thế hệ như ‘thiên thần bậc cao thoát khỏi vết nhơ của nhân cách’, sẽ xem Cách mạng Pháp không như nó đã xảy ra, cũng chẳng như lẽ ra họ muốn nó xảy ra, mà như lẽ ra nó sẽ xảy ra, giá như nó xảy ra trong thời của cỗ Máy.”
Tràng vỗ tay rầm trời hoan hô bài giảng này, chỉ để bày tỏ một cảm giác đã tiềm ẩn trong tâm trí mọi người – một cảm giác rằng các sự kiện trên mặt đất phải bị bỏ qua, và rằng việc bỏ các máy thở là một lợi lộc tích cực. Thậm chí được gợi ý rằng cũng nên bỏ các tàu-khí đi. Điều này chưa được làm, bởi vì các tàu-khí bằng cách nào đó đã tự tham gia vào hệ thống của cỗ Máy. Nhưng qua nhiều năm dần dần chúng ít được dùng hơn, và ít được những người có tư duy nhắc đến.
Diễn tiến lớn thứ hai là sự lập-lại tôn giáo.
Điều này cũng được trình bày trong bài giảng nổi tiếng ấy. Không ai có thể nhầm cái giọng sùng kính ấy trong đoạn kết của bài giảng, và nó đánh thức một tiếng vang đáp lại trong trái tim mỗi người. Những người lặng lẽ thờ phượng từ lâu, bây giờ bắt đầu nói. Họ mô tả cái cảm giác bình an kì lạ đến với họ khi họ cầm cuốn Sách của cỗ Máy, niềm vui rằng cần nhắc lại những con số nào đó từ nó, dù các con số đó có mang ít ý nghĩa cho lỗ tai bên ngoài, trạng thái ngây ngất khi chạm vào một nút dù không mấy quan trọng, hay của việc rung chuông điện dù không cần thiết ra sao.
Họ kêu lên, “Cỗ Máy cho chúng ta ăn, cho chúng ta mặc và cấp nhà ở cho chúng ta; qua nó chúng ta nói với nhau, qua nó chúng ta nhìn thấy nhau, trong nó chúng ta tồn tại. Cỗ Máy là bạn của các ý tưởng và kẻ thù của sự mê tín: cỗ Máy là toàn năng, vĩnh viễn; phúc thay cỗ Máy.” Và không lâu sau lời hô hào này được in trên trang đầu của cuốn Sách, và trong những lần xuất bản tiếp theo nghi lễ này phồng lên thành một hệ thống ca tụng và cầu nguyện phức tạp. Từ “tôn giáo” được chú trọng né tránh, và trong lý thuyết cỗ Máy vẫn là sự sáng tạo và sự thực hiện của con người, nhưng trong thực tiễn thì tất cả, trừ vài kẻ suy đồi, tôn thờ nó như thần thánh. Nó cũng chẳng được tôn thờ trong sự thống nhất. Một tín đồ bị ấn tượng chủ yếu bởi các tấm cinematophote, qua đó hắn nhìn thấy các tín đồ khác; người khác bị ấn tượng bởi Thiết bị Sửa chữa, mà Kuno tội lỗi đã so sánh với những con giun; người khác bị ấn tượng bởi các thang máy, người khác bởi cuốn Sách. Và mỗi người cầu nguyện điều này hay điều nọ, và yêu cầu nó đứng ra hòa giải cho mình với cỗ Máy nói chung. Sự hành hạ – điều đó cũng có. Nó đã không nổ ra, vì các lý do sẽ được đưa ra không lâu nữa. Nhưng nó đã tiềm ẩn, và tất cả những người không chấp nhận điều tối thiểu được biết đến như “Cơ chế không giáo phái” sống trong mối nguy hiểm Không Chốn Nương Thân, có nghĩa là cái chết, như chúng ta biết.
Quy hai sự tiến bộ lớn này cho Ủy ban Trung ương, là một cái cách nhìn rất hạn hẹp về nền văn minh. Đúng là Ủy ban Trung ương đã thông báo những tiến bộ ấy, nhưng nói Ủy ban là nguyên nhân của những tiến bộ ấy khác nào bảo các vị vua thời đế quốc là nguyên nhân của chiến tranh. Đúng hơn chúng chịu nhượng bộ áp lực bất khả khang nào đó, mà chẳng ai biết đến từ đâu, và khi hài lòng, được kế tiếp bởi áp lực mới nào đó cũng bất khả khang ngang thế. Đối với một tình trạng như vậy, cho nó cái tên tiến bộ là thích hợp. Chẳng ai thú nhận cỗ Máy đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Từ năm này sang năm khác nó được dùng với hiệu quả tăng lên và trí tuệ giảm đi. Một người càng biết kỹ nghĩa vụ của riêng mình với nó, người ấy càng ít hiểu nghĩa vụ của hàng xóm của mình, và trên toàn thế giới chẳng có ai hiểu toàn bộ về con quái vật này. Những bộ óc bậc thầy đó đã tàn lụi. Họ đã để lại những hướng dẫn đầy đủ, đúng vậy, và trong số những người kế tục họ thì mỗi người làm chủ một phần của những hướng dẫn đó. Nhưng Loài Người, trong nỗi mong muốn thoải mái của nó, đã vượt quá chính mình. Nó đã khai thác sự giàu có của tự nhiên quá đà. Thầm lặng và tự mãn, nó chìm vào suy đồi, và tiến bộ có nghĩa là sự tiến bộ của cỗ Máy.
Về phần Vashti, cuộc sống của bà diễn ra yên bình cho đến thảm họa cuối cùng. Bà làm tối phòng bà và ngủ; bà thức dậy và làm sáng căn phòng. Bà giảng bài và dự các bài giảng. Bà trao đổi các ý tưởng với vô số bạn của bà và tin mình dần trở nên thánh thiện hơn. Đôi khi một người bạn được ban cho cái Chết Êm dịu, và rời phòng mình để rơi vào trạng thái Không Chốn Nương Thân, là trạng thái vượt ra ngoài mọi nhận thức của con người. Vashti không bận tâm lắm. Sau một bài giảng không thành công, đôi khi bản thân bà yêu cầu cái Chết Êm dịu. Nhưng tỷ lệ-tử vong không được phép vượt tỷ lệ sinh, và cho đến nay cỗ Máy đã từ chối cho bà điều đó.
Những rắc rối bắt đầu lặng lẽ, từ lâu trước khi bà có ý thức về chúng.
Một ngày bà kinh ngạc nhận một tin nhắn từ con trai mình. Từ lâu họ đã không còn liên lạc, không có gì chung, và bà chỉ nghe gián tiếp rằng cậu vẫn sống, và đã được chuyển từ bắc bán cầu, nơi cậu đã ứng xử rất quái ác, xuống nam bán cầu –thực ra, tới một phòng không xa phòng bà.
“Nó muốn mình thăm nó?” bà nghĩ. “Chẳng bao giờ nữa, chẳng bao giờ. Và mình không có thời gian.”
Không, đó là loại điên rồ khác.
Cậu từ chối cho thấy mặt cậu trên tấm kính xanh, và long trọng nói từ trong bóng tối:
“Cỗ Máy ngừng.”
“Con nói gì vậy?”
“Cỗ Máy đang ngừng, con biết, con biết các dấu hiệu.”
Bà bật ra một tràng cười. Cậu nghe thấy bà và tức giận, và họ không nói thêm gì nữa.
“Bạn có thể hình dung bất kể thứ gì phi lý hơn?” bà kêu với một người bạn. “Một đàn ông là con trai tôi tin rằng cỗ Máy đang ngừng. Thật nghịch đạo nếu không phải điên.”
“Cỗ Máy đang ngừng lại à?” bạn bà hỏi lại. “Điều đó có nghĩa là gì? Câu ấy chẳng truyền đạt gì cho tôi.”
“Cũng chẳng cho tôi.”
” Tôi tự hỏi, cậu ấy không ám chỉ đến rắc rối đã xảy ra gần đây với âm nhạc đấy chứ?”
“Ồ không, tất nhiên không. Chúng ta hãy nói về âm nhạc.”
“Bà đã khiếu nại lên các nhà chức trách chưa?”
“Rồi, và họ nói nó cần được sửa chữa, và chỉ dẫn tôi đến Ủy Ban Thiết bị Sửa chữa. Tôi phàn nàn về những tiếng thở dài hổn hển kỳ lạ đó làm méo mó các bản giao hưởng của trường Brisbane. Chúng nghe như ai đó bị đau. Ủy Ban Thiết bị Sửa chữa nói rằng nó sẽ sóm được sửa.”
Lo lắng mơ hồ, bà tiếp tục cuộc sống của mình. Thứ nhất, lỗi trong âm nhạc chọc tức bà. Thứ hai, bà không thể quên câu nói của Kuno. Nếu nó biết rằng âm nhạc không được sửa – nó không thể biết điều đó, vì nó ghét âm nhạc – nếu giả như nó biết rằng âm nhạc hỏng, “cỗ Máy ngừng” chính xác là loại nhận xét độc địa nó có lẽ đã đưa ra. Tất nhiên nó nói hú họa, nhưng sự trùng hợp làm bà khó chịu, và bà nóng nảy nói với Ủy Ban Thiết bị Sửa chữa.
Họ trả lời, như trước, rằng lỗi sẽ được sửa không lâu nữa.
“Không lâu nữa! Ngay lập tức!” bà bẻ lại. “Vì sao âm nhạc không hoàn hảo làm tôi lo lắng? Mọi thứ luôn được sửa chữa ngay lập tức. Nếu các vị không sửa ngay lập tức, tôi sẽ khiếu nại lên Ủy ban Trung ương.”
“Ủy ban Trung ương không nhận khiếu nại cá nhân,” Ủy Ban Thiết bị Sửa chữa trả lời.
“Thế tôi đưa khiếu nại của tôi qua ai?”
“Qua chúng tôi.”
“Thì tôi khiếu nại.”
“Khiếu nại của bà sẽ được chuyển tiếp khi đến lượt.”
“Những người khác đã khiếu nại?”
Câu hỏi này phi-cơ học, và Ủy Ban Thiết bị Sửa chữa từ chối trả lời.
“Quá xấu!” bà kêu lên với một người bạn khác của bà.
“Chẳng bao giờ có một phụ nữ bất hạnh như tôi. Bây giờ tôi có thể chẳng bao giờ chắc chắn được đảm bảo về âm nhạc của tôi bây giờ. Nó ngày càng trở nên tồi mỗi lần tôi triệu nó đến.”
Tôi cũng có những rắc rối của tôi,” bà bạn trả lời. “Đôi khi những ý nghĩ của tôi bị gián doạn bởi một thứ tiếng ồn khá chói tai.”
“Cái gì thế?”
“Tôi không biết liệu nó ở bên trong đầu mình, hay bên trong tường.”
“Hãy khiếu nại, trong cả hai trường hợp.”
“Tôi đã khiếu nại, và khiếu nại của tôi khi đến lượt sẽ được chuyển cho Ủy ban Trung ương.”
Thời gian trôi đi, và họ không còn bực tức các thiếu sót nữa. Các thiếu sót đã không được chữa, nhưng các mô con người trong ngày sau đó đã trở nên quỵ lụy đến mức chúng sẵn sàng tự thích nghi bản thân mình với mọi sự thất thường của cỗ Máy. Tiếng thở dài trong các khủng hoảng giao hưởng Brisbane không còn chọc tức Vashti nữa; bà chấp nhận nó như phần của giai điệu. Tiếng ồn chói tai, dù trong đầu hay trong tường, không còn khiến bạn của bà bực bội nữa. Và cũng thế với quả trái cây nhân tạo mốc meo, cũng thế với nước tắm bắt đầu bốc mùi thối, cũng thế với vần điệu bị lỗi mà máy thơ phát ra, thoạt tiên tất cả đều bị phàn nàn gay gắt, và sau đó được ưng thuận và quên đi. Mọi thứ từ xấu trở thành tồi tệ hơn mà không bị phản đối.
Tình hình là khác với sự hỏng thiết bị ngủ. Đó là sự ngừng hoạt động nghiêm trọng hơn. Có một ngày trên toàn thế giới – ở Sumatra, ở Wessex, trong vô số thành phố của Courland và Brazil – các giường, khi được các chủ sở hữu đã mệt mỏi của chúng triệu đến, đã không xuất hiện. Có thể có vẻ là một vấn đề nực cười, nhưng từ đó chúng ta có thể ghi ngày nhân loại sụp đổ. Ủy Ban chịu trách nhiệm về sự hỏng hóc này bị những lời than phiền tấn công dồn dập, cơ quan mà nó nhắc đến, như thường lệ, là Ủy Ban Thiết bị Sửa chữa, Ủy Ban này đến lượt nó trấn an họ rằng những khiếu nại sẽ được chuyển đến Ủy ban Trung ương. Nhưng bất bình tăng lên, vì loài người vẫn chưa thể thích nghi với việc không ngủ.
“Ai đó đang can thiệp vào cỗ Máy…” họ bắt đầu.
“Ai đó đang thử tự xưng là vua, lại muốn đưa yếu tố cá nhân vào.”
“Hãy trừng phạt người đó bằng Không Chốn Nương Thân.”
“Hãy cứu! Báo Thù cỗ Máy! Báo Thù cỗ Máy!”
“Chiến tranh! Hãy giết người đó!”
Nhưng bây giờ Ủy Ban Thiết bị Sửa chữa xung phong, và xoa dịu sự hoảng loạn bằng những lời được chọn kỹ. Nó thú nhận rằng bản thân Thiết bị Sửa chữa cần được sửa.
Hiệu quả của lời thú nhận thẳng thắn này thật đáng ngưỡng mộ.
“Tất nhiên,” một giảng viên nổi tiếng – đã giảng về Cách mạng Pháp, người tô điểm mỗi sự suy đồi mới bằng vẻ huy hoàng – nói: “tất nhiên chúng ta sẽ không nhấn mạnh những lời than phiền của chúng ta bây giờ. Trong quá khứ Thiết bị Sửa chữa đã đối xử tốt với chúng ta đến mức tất cả chúng ta đều có cảm tình với nó, và sẽ kiên nhẫn chờ đợi sự phục hồi của nó. Nó sẽ sớm tiếp tục bổn phận của nó. Trong lúc đó chúng ta hãy chịu khó không có giường của mình, viên dinh dưỡng của mình, những nhu cầu vặt khác của mình. Tôi cảm thấy chắc chắn, đó là mong muốn của cỗ Máy.”
Từ hàng ngàn dặm xa xôi khán thính giả của ông vỗ tay hoan hô. Cỗ Máy vẫn kết nối họ với nhau. Các dây cáp chạy dưới các biển, dưới chân các núi mà qua đó họ nghe và thấy nhau, những con mắt và cái tai khổng lồ là di sản của họ, và tiếng ì ầm của nhiều hoạt động đã khoác áo che các suy nghĩ của họ trong một tấm vải phục tùng. Chỉ những người già và những người bệnh là vẫn vô ơn, vì người ta đồn rằng cả cái Chết Êm dịu cũng hỏng, và rằng sự đau đớn đã xuất hiện trở lại giữa mọi người.
Việc đọc trở nên khó khăn. Một sự tàn lụi đi vào bầu không khí và làm mờ độ sáng của nó. Đôi khi Vashti hầu như không thể nhìn qua phòng của bà. Không khí cũng hôi hám. Lời than phiền thì inh ỏi, cách điều trị thì bất lực, giọng của giảng viên thì khoa trương khi ông gào: “Can đảm lên! can đảm lên! Có vấn đề gì đâu chừng nào cỗ Máy còn hoạt động? Đối với nó bóng tối và ánh sáng là một.” Và mặc dù mọi thứ được cải thiện trở lại sau một thời gian, sự rực rỡ cũ chẳng bao giờ lấy lại được, và loài người chẳng bao giờ hồi phục từ khi nó bước vào buổi chạng vạng. Có một sự bàn tán cuồng loạn về “các biện pháp,” về “chế độ độc tài tạm thời,” và dân cư Sumatra được yêu cầu làm quen với hoạt động của trạm điện trung tâm, trạm điện trung tâm được nói đến đó nằm ở Pháp. Nhưng sự hoảng loạn ngự trị trên đa số người, và mọi người dành sức lực của họ cầu nguyện Sách của họ, bằng chứng hữu hình về sự toàn năng của cỗ Máy. Có sự phát triển từng bước của nỗi kinh hoàng- đôi khi có những đồn đoán hy vọng – Thiết bị Sửa chữa hầu như đã được sửa – các kẻ thù của cỗ Máy đã bị dập tắt – “các trung tâm-thần kinh” mới đang tiến hóa sẽ làm việc thậm chí còn tuyệt vời hơn trước. Nhưng rồi đến một ngày, không có sự cảnh báo nhỏ nhất nào, không có bất cứ sự ám chỉ trước nào về sự yếu đuối, toàn bộ hệ thống truyền thông sụp đổ trên khắp thế giới, và thế giới, như họ hiểu chấm dứt.
Lúc đó Vashti đang giảng bài và những nhận xét ban đầu của bà bị ngắt quãng bằng tiếng vỗ tay. Khi bà tiếp tục thì khán giả lặng thinh, và vào lúc kết luận không có âm thanh nào. Hơi khó chịu, bà gọi một người bạn là một chuyên gia về đồng cảm. Không âm thanh nào: chắc chắn người bạn đang ngủ. Và như thế với người bạn tiếp theo mà bà cố gọi, và như thế với người tiếp theo, cho đến lúc bà nhớ ra nhận xét bí ẩn của Kuno, “Cỗ Máy ngừng”.
Câu này vẫn chẳng truyền tải điều gì. Nếu Vĩnh Cửu đang ngừng tất nhiên nó sẽ sớm được đưa vào hoạt động trở lại.
Chẳng hạn, vẫn có một chút ánh sáng và không khí – bầu không khí được cải thiện vài giờ trước. Vẫn có cuốn Sách, và chừng nào còn cuốn Sách thì có sự an toàn.
Rồi bà suy sụp, vì với sự ngừng hoạt động, một nỗi kinh hoàng bất ngờ xuất hiện – sự im lặng.
Bà đã chẳng bao giờ biết đến sự im lặng, và sự xuất hiện của nó suýt nữa đã giết bà – nó đã giết hàng ngàn người ngay lập tức. Kể từ khi bà sinh ra, xung quanh bà luôn có tiếng rầm rì không ngớt. Đối với tai nó đã như không khí nhân tạo đối với phổi, và những sự đau đớn nhức nhối xuyên qua đầu bà. Và hầu như không biết mình làm gì, bà nhoài ra phía trước và ấn nút xa lạ, nút mở cánh cửa căn phòng nhỏ của bà.
Bây giờ cánh cửa căn phòng hoạt động nhờ một bản lề đơn giản riêng của nó. Nó không được nối với trạm điện trung tâm, đang chết ở nước Pháp xa xôi. Nó mở, khơi dậy những hy vọng thái quá trong Vashti, vì bà nghĩ rằng cỗ Máy đã được sửa. Nó mở, và bà nhìn thấy đường hầm lờ mờ uốn cong xa tới tự do. Nhìn một cái, và rồi bà chùn lại. Vì đường hầm đầy người – bà hầu như là người cuối cùng trong thành phố đó được báo động.
Mọi người lúc nào cũng đẩy bà lại, và đấy là những ác mộng từ những giấc mơ tồi tệ nhất của bà. Mọi người đang bò lê, mọi người đang gào thét, rên rỉ, thở hổn hển, chạm vào nhau, biến mất trong bóng tối, và đôi khi thậm chí bị đẩy khỏi sân ga lên vào đường ray đang hoạt động. Một số người đánh nhau quanh các chuông điện, để cố triệu các xe lửa vốn không thể được triệu đến. Những người khác gào thét xin cái Chết Êm dịu hay các máy thở, hay nguyền rủa cỗ Máy. Những người khác đứng ở cửa các căn phòng của họ, sợ hãi, như bản thân bà, hoặc để dừng lại trong các căn phòng hay để rời bỏ chúng. Và đằng sau tất cả tiếng ồn ào đó là sự im lặng – sự im lặng vốn là tiếng nói của trái đất và của các thế hệ đã chết.
Không – nó tồi tệ hơn sự cô đơn. Bà lại đóng cửa và ngồi xuống chờ đợi sự kết thúc. Sự tan rã tiếp tục, đi cùng với những vết nứt và tiếng ầm ầm khủng khiếp. Các van kiềm chế đỡ Thiết bị Y tế hẳn đã yếu đi, vì nó bị vỡ và treo lủng lẳng gớm ghiếc từ trần phòng. Sàn nhà phập phồng và rơi và hất bà khỏi ghế. Một ống nước rỉ ra hướng tới bà kiểu con rắn. Và cuối cùng nỗi kinh hoàng cuối cùng đã đến – ánh sáng bắt đầu tàn đi, và bà biết rằng ngày dài của nền văn minh đang khép lại.
Bà quay cuồng cầu nguyện xin được cứu khỏi chuyện này, bằng bất cứ giá nào, bà hôn cuốn Sách, bấm hết nút này đến nút khác. Tiếng ồn ào bên ngoài tăng lên, và thậm chí xuyên qua tường. Từ từ độ sáng của phòng bà mờ đi, những sự phản chiếu mờ dần từ các công tắc kim loại. Lúc thì bà không thể thấy giá-đọc sách, lúc thì không nhìn thấy cuốn Sách, mặc dù bà cầm nó trong tay. Ánh sáng đi theo sự rút chạy của âm thanh, không khí đi theo sự rút chạy của ánh sáng, và sự trống rỗng nguyên thủy quay trở lại hang động mà từ rất lâu nó dã bị loại trừ khỏi đó. Vashti tiếp tục xoay, như những người mộ đạo của một tôn giáo xa xưa, la hét, cầu nguyện, ấn vào các nút bằng những bàn tay rỉ máu.
Bà mở nhà tù của bà và trốn đi như thế – trốn thoát về tinh thần: ít nhất đối với tôi nó có vẻ thế, trước khi sự thiền định của tôi khép lại. Rằng bà trốn thoát về thân thể – tôi không thể nhận thấy điều đó. Tình cờ, bà nhấn công tắc mở cửa, và luồng không khí hôi hám trên da bà, những tiếng xì xào rộn ràng ầm ĩ trong tai bà, bảo bà rằng bà lại đối mặt với đường hầm, và cái sân ga khủng khiếp mà trên đó bà thấy những người đánh nhau. Họ không đánh nhau bây giờ. Chỉ còn những tiếng xì xào, và những tiếng rên rỉ nhỏ. Hàng trăm người đang chết trong bóng tối.
Bà bật khóc.
Nước mắt trả lời bà.
Họ khóc cho nhân loại, hai người đó, không phải cho bản thân họ. Họ không thể chịu được rằng đấy là sự kết thúc. Trước khi sự im lặng hoàn tất trái tim họ được mở ra, và họ biết cái gì là quan trọng trên trái đất. Con người, bông hoa của tất cả mọi sinh linh, sinh vật cao quý nhất trong tất cả các sinh vật có thể thấy được, con người vốn đã từng tạo ra chúa theo hình hài của mình, và đã phản chiếu sức mạnh của mình lên những chòm sao, con người trần trụi xinh đẹp đang chết, bị bóp nghẹt trong quần áo do mình dệt. Làm lụng hết thế kỷ này đến thế kỷ khác, và đây là phần thưởng của con người. Quần áo thoạt nhìn có vẻ đúng là tuyệt trần, óng ánh với các sắc màu văn hóa, được khâu bằng những sợi chỉ của sự hy sinh. Và tuyệt trần chừng nào nó chỉ là trang phục và không là gì khác, con người có thể tùy ý ném nó đi và sống theo cái bản chất vốn là linh hồn của họ, và cái bản chất, cũng thiêng liêng như thế, đó là thân thể của con người. Tội lỗi chống lại thân thể – chủ yếu vì điều đó mà họ đã khóc; hàng thế kỷ sai lầm chống lại cơ bắp và dây thần kinh, và năm cánh cổng[10] đó mà qua đó một mình chúng ta có thể hiểu rõ –biện hộ cho nó bằng cách nói về sự tiến hóa, cho đến khi thân thể trở thành vệt trắng vô giá trị, chỗ nơi trú ngụ của những ý tưởng như những sự khuấy bùn lầy không màu, cuối cùng của một linh hồn đã thấu hiểu các vì sao.
“Con ở đâu?” bà nức nở.
Tiếng của cậu trong bóng tối, “Con Đây.”
Có chút hy vọng nào không, Kuno?”
“Không cho chúng ta.”
“Con ở đâu?”
Bà bò qua xác của những người chết. Máu của cậu tuôn trào ra trên tay bà.
“Nhanh lên mẹ ơi,” cậu thở hổn hển, “con đang chết – nhưng chúng ta tiếp xúc, chúng ta nói chuyện, không qua cỗ Máy.”
Cậu hôn bà.
“Chúng ta đã trở về với chính mình. Chúng ta chết, nhưng chúng ta đã lấy lại sự sống, như đã ở Wessex, khi Ælfrid đánh bại quân Đan Mạch. Chúng ta biết những gì họ biết ở bên ngoài, họ những người sống trong đám mây có màu ngọc trai.”
“Nhưng Kukno, có đúng không? Vẫn còn những người trên bề mặt trái đất? Có phải cái này – đường hầm, bóng tối bị đầu độc này – thật sự không phải là sự kết thúc?”
Cậu trả lời:
“Con đã thấy họ, đã nói với họ, đã yêu họ. Họ đang ẩn náu trong sương mù và giữa những đám dương xỉ cho đến khi nền văn minh của chúng ta dừng lại. Ngày nay họ Không Chốn Nương Thân – ngày mai …”
“Ôi, ngày mai – một thằng ngốc nào đó sẽ lại khởi động cỗ Máy, ngày mai.”
“Không bao giờ,” Kukno nói, “không bao giờ. Loài Người đã học được bài học của nó.”
Khi cậu nói, toàn bộ thành phố đã vỡ ra như một tổ ong. Một tàu-khí đi vào qua cửa thông tới một bến tàu đổ nát. Nó đâm sầm xuống, nổ tung khi di chuyển, xé nát hết đường hầm này đến đường hầm khác với các cánh thép của nó. Trong một khoảnh khắc họ thấy các quốc gia của những người chết, và, trước khi họ gia nhập cùng chúng, họ thấy những mảnh trời trong xanh.
The “Machine Stops” được đăng đầu tiên trong tạp chí the Oxford and Cambridge Review năm 1909.
Copyright ©1947 E.M. Forster
[1] Nguyên văn: summoned her bed, chỉ việc bấm nút gọi chiếc giường đến. Tất cả các chú thích là của người dịch.
[2] Nguyên văn: ages of litter.
[3] Tạm dịch chữ vomitory – cửa ra vào diễn đài, đấu trường thời cổ.
[4] Quái vật ở biển trong thần thoại, hình rắn.
[5] Máy thoại-chớp bóng, tức là tấm kính xanh được nói tới ở trên.
[6] Cung Bò Cạp trên bầu trời.
[7] Nguyên văn: first-hand.
[8] Nguyên văn: second-hand, đã qua sử dụng.
[9] Nguyên văn: tenth-hand, đã qua nhiều lần sử dụng.
[10] Giác quan.