Người đọc sách với cái thật, cái giả trong văn

Trương Vũ

clip_image002

Tên thật Trương Hồng Sơn, là giáo sư toán tại Đại học Duyên hải Nha Trang trước 75. Trương Vũ vượt biên đến Hoa Kỳ 1976 rồi tốt nghiệp MS về vật lý hạt nhân, toán, kỹ sư điện và Doctor of Science về điện ứng dụng trong kỹ thuật không gian. Trương Vũ từng là chuyên gia về kỹ thuật xác định quỹ đạo phi thuyền của trung tâm NASA. Bên cạnh, ông đã làm chủ bút tạp chí Đối Thoại, đồng chủ biên tập san Việt học The Vietnam Review và đồng chủ biên tuyển tập The Other Side of Heaven, nxb Curbstone Press, 1995.

Tháng 5-2019, Trương Vũ cho xuất bản tập tùy bút và tiểu luận Đuổi Bóng Hoàng Hôn, do Nxb Nhân Ảnh ấn hành.

Gần đây, trong những tranh luận về chuyện có hay không có một phong trào văn chương phản kháng tại quốc nội, một số luận cứ hay tiêu chuẩn đã được trình bày nhằm làm nền tảng thẩm định sự có, không hay thật, giả của một phong trào văn chương. Tôi sẽ không bàn đến trong bài này là “có hay không có một phong trào văn chương phản kháng tại quốc nội” hay “cái tính phản kháng của những tác phẩm thuộc phong trào đó thật hay giả, và nếu thật, thì phản kháng đến đâu”. Tôi chỉ muốn trình bày một quan điểm của cá nhân mình, một người đọc sách, về một số thái độ, luận cứ, hay tiêu chuẩn phán đoán mà tôi nghĩ là cần được xét lại. Tựu trung, những điều tôi trình bày sẽ quy tụ quanh cái liên hệ giữa những sáng tác văn học với những người đọc sách cùng với vị trí và khả năng của họ trong việc nhận diện cái thật, giả trong văn.

Chúng ta thường nghe nói đến những bản tuyên ngôn hay thông điệp chính trị xây dựng trên sự gian dối hay phát sinh từ những tham vọng cá nhân đã lường gạt được cả một hay nhiều thế hệ. Nhưng, không mấy ai nghe nói đến khả năng lường gạt có tính quy mô của một sáng tác văn học. Lý do có thể rất đơn giản: những sáng tác văn học muốn đạt giá trị cao về nghệ thuật khó có thể được xây dựng trên những suy nghĩ và cảm xúc không thật. Và, nếu vì lý do nào đó, người cầm bút xây dựng tác phẩm của mình trên sự gian dối, cái gian dối đó sẽ rất khó đánh lừa được cùng một lúc khối óc và con tim của người đọc sách. Ngoại trừ trường hợp người đọc sách là một người chưa trưởng thành, hoặc, trong cả đời anh ta, anh chỉ đọc được độc nhất có một loại sách. Người Cộng sản biết rõ điều đó. Họ biết được rằng những sáng tác xây dựng trên sự gian dối mà họ muốn phổ biến không có khả năng chinh phục người đọc nên chỉ còn có cách là dùng bạo lực ngăn chặn không cho người dân của họ đọc bất cứ loại sách vở nào khác. Ðốt sách vở hay tịch thu sách vở không do Cộng sản xuất bản là những chuyện thường thấy ở Việt Nam sau ngày 30/4/1975. Tuy nhiên, kết quả đã hoàn toàn không như ý muốn của họ. Sách vở tuyên truyền cho chế độ Cộng sản không chinh phục được lòng người. Dân chúng vẫn công khai hay lén lút đọc sách của những tác giả không Cộng sản. Và, tùy hoàn cảnh, tùy tài năng, và ở những mức độ khác nhau, người viết có lương tri vẫn tìm cách bày tỏ được với người đọc những suy nghĩ hay cảm xúc chân thật của mình.

Thực tế là như vậy, nhưng không phải người chống Cộng nào cũng đồng ý với nhau là người Cộng sản đã thất bại trong việc sử dụng văn chương như một vũ khí tuyên truyền cho chế độ. Một số người chống Cộng, vì không tin rằng Cộng sản đã thất bại trong lãnh vực này, nên cảm thấy có nhu cầu phải bảo vệ người đọc, nhất là người đọc ở hải ngoại, chống lại những ảnh hưởng không tốt của sách vở Cộng sản. Không ai dám bảo thiện ý bảo vệ người đọc như thế này là sai quấy. Ðiều sở dĩ phải nói đến ở đây là thường khi những phương thức được áp dụng hay những thái độ bày tỏ đã đi quá đà để phạm đến những lỗi lầm không nhỏ. Lỗi lầm ở mức độ trí thức như, để biện minh cho quan điểm của mình, đã nêu ra những luận cứ dựa trên những sự kiện không đúng với sự thực. Lỗi lầm ở mức độ nhân bản như, không tỏ được sự độ lượng tối thiểu với đồng bào đã sinh ra hoặc lớn lên trong chế độ Cộng sản không do sự lựa chọn của họ, đòi hỏi quá nhiều cái khí phách và lòng hy sinh của người khác mà quên nghĩ đến cái khí phách và lòng hy sinh của chính mình. Lỗi lầm ở mức độ ý thức như, coi thường sự hiểu biết về Cộng sản và trình độ phán đoán chính trị của đồng bào mình ở hải ngoại, xem họ như những trẻ thơ cần ngăn cản không cho lại gần đống sách cấm. Lỗi lầm ở mức độ chiến lược và chiến thuật như, thay vì khai thác tận cùng bất mãn của những người đang phục vụ chế độ, lại tìm mọi cách chứng minh rằng những người này thật ra rất thương yêu chế độ, và dùng những từ ngữ không tốt đẹp dành cho họ khiến cho những đồng bào lớn lên trong chế độ Cộng sản nhưng có sự tự trọng và kiêu hãnh rất bình thường về khung cảnh trưởng thành của mình, cho dù bất mãn chế độ đến đâu cũng sẽ khó cảm thấy thoải mái để đứng chung chiến tuyến với những người đã trưởng thành trong một hoàn cảnh xã hội khác. Và, tệ hại nhất là lỗi lầm ở mức độ lý tưởng như, nhân danh lý tưởng tự do để tước đoạt tự do của người khác.

Có rất nhiều điều cần xét lại. Tuy nhiên, trong giới hạn của phần trình bày ở đây, tôi sẽ chỉ bàn đến những vấn đề liên hệ đến tương quan giữa người đọc sách và cái thật, giả trong văn. Ðiều tôi muốn bàn đến trước tiên là một luận cứ khá phổ biến cho rằng phong trào Nhân Văn Giai Phẩm vào năm l956 [1] mới đích thực là một phong trào phản kháng vì có tính cách tự phát, trong khi đó phong trào “văn chương phản kháng” được bàn đến ở thời điểm này chỉ là một phong trào văn nghệ cởi trói do Nguyễn Văn Linh khởi động, sách của họ được phép xuất bản, họ vẫn được tiếp tục ăn lương, và chưa có ai ở tù.

Tôi muốn khẳng định ở đây một điều. Ðó là, phong trào Nhân Văn Giai Phẩm đích thực là một phong trào phản kháng. Tuy nhiên khi khẳng định điều này tôi chỉ có thể dựa trên nội dung của chính những tác phẩm văn chương của phong trào đó. Sự khẳng định sẽ không hợp lý nếu đòi hỏi thêm yếu tố là phong trào đó phải có tính tự phát chứ không được quyền nương theo những khe hở của một chủ trương chính trị nào đó rồi mới bùng lên sự phản kháng. Sự khẳng định cũng sẽ không hợp lý nếu dựa trên sự kiện là sách của phong trào đó được xuất bản công khai hay xuất bản chui, và hoàn toàn trở nên khôi hài nếu dựa vào yếu tố là những nhà văn phản kháng phải thất nghiệp, chứ không được lãnh lương. Thực tế, trong suốt hai năm kể từ lúc khởi đầu vào 1956 đến khi chấm dứt vào 1958, những nhà văn thuộc Nhân Văn Giai Phẩm là những người có lãnh lương và tất cả những bài văn thơ mà chúng ta có được hiện nay đều xuất hiện trên những báo chí xuất bản công khai. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây là cái luận cứ cho rằng phong trào Nhân Văn Giai Phẩm có tính tự phát để dựa vào đó phủ nhận tính phản kháng của phong trào văn chương hiện tại là một luận cứ không phản ảnh sự thật.

Nếu xét đến những vụ nổi dậy quy mô và có tính dây chuyền trong thế giới Cộng sản, chúng ta phải nghĩ đến hai mẩu thời gian: 1956 và 1989. Ở cả hai, sự nổi dậy đều khởi đi từ Ðông Âu. Ở 1956, vụ nổi dậy thất bại sau khi bị đàn áp nặng nề và có những trường hợp đẫm máu như cuộc nổi dậy ở Budapest (Hung Gia Lợi) và Poznan (Ba Lan). Ở 1989, sự nổi dậy không bị đàn áp ở Ðông Âu, ngoại trừ Romania, cuối cùng thành công ở Ðông Âu, và ảnh hưởng dây chuyền của nó còn tiếp tục tung hoành ở các quốc gia còn lại trong khối Cộng sản, kể cả Liên Xô. Có một điều giống nhau ở hai cuộc nổi dậy. Ðó là, sự nổi dậy sở dĩ có được và lớn mạnh được là nhờ nương theo một chủ trương chính trị có tính cởi trói của Liên Xô. Ở 1956, đó là chủ trương xét lại của Khrushchev. Ở 1989, đó là Perestroika và Glasnost của Gorbachev.

Trở lại biến cố 1956. Một năm trước đó, Bài Thơ Cho Người Trưởng Thành của nhà thơ Ba Lan, Adam Ważyk, xuất hiện trên tạp chí Văn Hóa Mới ở Warsaw, ngày 21/8/1955, như một phát súng đầu tiên của cuộc cách mạng trí thức Ðông Âu. Bài thơ đó đã làm thức tỉnh những người cầm bút có lương tri trong toàn thế giới Cộng sản. Ngay sau đó, văn nghệ sĩ ở các quốc gia Ðông Âu bắt đầu đòi hỏi quyền sáng tác theo lương tâm của người cầm bút. Sự đòi hỏi sở dĩ không bị đàn áp mạnh vào lúc đó cũng một phần do chủ trương nới lỏng chính trị tương đối ở Liên Xô sau khi Khrushchev lên cầm quyền nhằm giải tỏa phần nào những bất mãn quá lớn tích tụ trong suốt thời kỳ Stalin. Ðến tháng 2/1956, Khrushchev chính thức hạ bệ Stalin và ban hành chủ trương xét lại. Tháng Ba năm đó, tuyển tập Giai Phẩm Mùa Xuân xuất bản tại Hà Nội trong đó có một bài thơ nổi tiếng của Trần Dần, bài Nhất Ðịnh Thắng, đã gây tức tối cho những người cầm quyền Cộng sản. Tuy nhiên, phong trào Nhân Văn Giai Phẩm chỉ thực sự bắt đầu ồ ạt sau khi Giai Phẩm Mùa Thu tập 1 do cụ Phan Khôi chủ trương ra mắt vào ngày 29/8/1956 và bán nguyệt san Nhân Văn số 1 ra đời ngày 15/9/1956. Như vậy, cả hai cùng xuất hiện sau hoặc cùng lúc với đợt học tập đầu tiên về chủ trương xét lại của Liên Xô do Hà Nội phát động vào tháng 8 năm đó, sau khi đặc sứ Mikoyan của Khrushchev đến Hà Nội vào tháng 4 để giải thích chính sách này, cũng như sau khi Mao Trạch Ðông ban hành chính sách Trăm Hoa Ðua Nở ở Trung Quốc, và sau khi những tạp chí phản kháng tương tự ở Ðông Âu, như tạp chí Tháng Năm của Tiệp Khắc ra đời vào tháng 5 năm đó. Cuối cùng, cũng giống như số phận của những nhà văn phản kháng khác trong thế giới Cộng sản, những nhà văn phản kháng Việt Nam đều bị đàn áp. Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm kéo dài được hai năm, kể cả thời gian họ viết cho tạp chí Văn, tạp chí chính thức của Hội Văn Nghệ do Đảng Cộng Sản Việt Nam (lúc đó còn gọi tên là Đảng Lao Động Việt Nam) thành lập. Một điều không lấy gì làm hãnh diện nhưng cũng cần phải được nhắc lại ở đây, là trong suốt thời gian hai năm đó, kể từ lúc phong trào được khởi xướng cho đến lúc hoàn toàn bị triệt hạ, những người cầm bút ở miền Nam Việt Nam đều im tiếng, mặc dù lúc đó miền Nam có đường dây theo dõi những sinh hoạt ở miền Bắc và các nhật báo ở miền Nam, như tờ Tự Do, có một mục đặc biệt hằng ngày nói về các sinh hoạt ở miền Bắc. Nhưng, khi các nhà văn của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm thua cuộc và đa số phải viết bài nhận tội, thì một số nhà văn miền Nam lên tiếng phê bình họ là thiếu khí phách. Ðiều may mắn là một năm sau đó, nghĩa là ba năm sau khi phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bắt đầu xuất hiện, cuốn sách đầu tiên và duy nhất của miền Nam viết về biến cố này một cách quy mô, do cụ Hoàng Văn Chí soạn, xuất bản ở Sài Gòn [2]. Kể từ đó, miền Nam chính thức công nhận Nhân Văn Giai Phẩm đích thực là một phong trào văn chương phản kháng tại miền Bắc.

Thật rất dễ đánh giá một phong trào phản kháng sau khi nó đã kết thúc. Thật rất dễ ca ngợi một người hùng sau khi biết chính xác người đó đã thực sự ngồi tù hay đã nằm yên trong lòng đất. Cái khó khăn là sự can đảm nhận diện những sự việc như vậy trong khi nó đang xảy ra. Ðó là điều mà chúng ta đang làm ở đây khi cố gắng nhận diện những gì đang thực sự xảy ra trên quê hương. Và đặc biệt, trong trường hợp này, cố gắng nhận diện và đánh giá một dòng văn chương tại quốc nội. Nhận diện và đánh giá một cách nghiêm chỉnh và can đảm. Có thể bực dọc và dè dặt nhưng cũng có thể thương yêu và nhạy bén. Có thể lo âu nhưng cũng có thể hy vọng. Và, tôi cũng đồng ý với rất nhiều người là có rất nhiều cái “có thể” ở đây nữa. Có thể những nhà văn như Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Dậu, Phạm Thị Hoài… chỉ là một “lũ văn nô” làm công việc tuyên truyền cho chế độ. Có thể là cái phong trào văn chương phản kháng này chỉ là một thứ “phản kháng quốc doanh” do Nguyễn Văn Linh bày ra. Nhưng để biện minh hay phủ nhận những cái “có thể” đó, người đọc sách phải trực diện với chính tác phẩm. Truyện Kiều hay, dở là do cái giá trị từ tự thân của tác phẩm và ở nơi người đọc có cảm nhận được cái hay, dở đó không. Không ai bảo truyện Kiều hay, dở là vì lúc tạo dựng nên tác phẩm vĩ đại này, cụ Nguyễn Du có dan díu với ai không, và lúc đó, cụ thích vua Lê hơn, hay chúa Trịnh hơn, hay người hùng Nguyễn Huệ hơn, hay cụ được ai mớm ý cho, hay cụ có lãnh lương hay thất nghiệp.

Nguyễn Văn Linh mời gọi mọi người tham dự vào các chương trình đổi mới cũng giống như Gorbachev và các lãnh tụ Cộng sản Ðông Âu mời gọi dân họ tham dự vào Perestroika và Glasnost hay những chương trình đổi mới tương tự. Dĩ nhiên, không phải những người lãnh đạo Cộng sản này bỗng dưng trở nên nhân ái mà chỉ vì đó là cách duy nhất để bảo toàn được quyền lực của đảng họ càng nhiều càng tốt, hay ít ra, cũng bảo toàn được sinh mạng cho chính họ. Ðây không phải là chuyện đổi mới theo đúng nghĩa của nó mà chỉ là một trò chơi chính trị mới, ít nguy hiểm hơn cho cả đôi bên. Những người phản kháng chế độ Cộng sản ở Ðông Âu chấp nhận tham dự trò chơi này không phải là vì họ nhẹ dạ, mà vì họ tin rằng đó là một cơ hội lớn để họ phục hồi sức mạnh và cuối cùng họ có thể đánh gục chế độ. Và họ đã tính đúng. Những đòi hỏi lúc đầu của họ rất khiêm nhường, chỉ đòi hỏi thực thi hoặc phản kháng chế độ đã không thực thi đúng những hứa hẹn của chủ trương đổi mới. Ðể rồi, sau khi có thêm hậu thuẫn quần chúng và sau khi củng cố được lực lượng, họ đòi thêm, và cứ thế, họ đòi cái cuối cùng, tức sự hủy bỏ vai trò lãnh đạo chính trị của Đảng Cộng sản để xây dựng một chế độ chính trị đa nguyên. Có thể có người muốn chủ trương đòi hỏi cái cuối cùng ngay lập tức. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ thấy phương thức đầu thành công mà không thấy phương thức sau thành công.

Cơn bão chính trị 1989 khác hẳn cơn bão chính trị 1956. Nhiều người lại thích lấy cái phản ứng của người Cộng sản ở 1956 để đánh giá phản ứng của người Cộng sản ở 1989 cũng như khư khư đòi đem cái phương thức chống Cộng đã thất bại ở 1956 áp dụng vào chuyện chống Cộng ở 1989 mà lờ đi cái phương thức mới vừa thực sự mang lại thành công. Ở quanh thời điểm 1956, uy tín của nhà văn phản kháng Nga, Boris Pasternak, bị triệt hạ và ông ta liên tục bị khủng bố tinh thần cho đến khi chết. Ở 1989, uy tín của Pasternak hoàn toàn được phục hồi ở Nga, sách của ông được nhà nước xuất bản và được ca tụng không hết lời. Và, khi người trí thức phản kháng Sakharov từ trần, ông trùm Cộng sản Gorbachev cũng đã biết ngỏ lời ai điếu rất “bi thương”. Cho nên, thật khó dựa vào phản ứng của người Cộng sản ở 1989, hay sau đó, để nhận diện cái thật, giả của một nhân vật phản kháng hay một phong trào phản kháng. Một ngày nào đó, có thể Nguyễn Văn Linh là đạo diễn chính cho những vở tuồng bắt bớ hay ca ngợi một số nhân vật nào đó đúng theo những mưu toan nào đó của ông ta. Những giả, thật sẽ lẫn lộn với nhau, và nếu chúng ta không bằng cái thông minh của chính mình để đánh giá từng trường hợp, từng con người mà chỉ xem Nguyễn Văn Linh bỏ tù ai thì hoan hô và thăng chức ai thì đả đảo, thì coi chừng, chính chúng ta sẽ phải trả một giá quá đắt cho chính thái độ chính trị đơn giản đó.

Việt Nam không nhất thiết phải giống Ðông Âu. Nguyễn Văn Linh có thể gian manh hơn Gorbachev. Những Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Trần Văn Thủy… có thể chỉ là những “văn nô”, và văn chương của họ đầy rẫy những gian dối. Nhưng, để đánh giá cái dòng văn chương đó, để nhận diện những gian dối đó trong văn, anh phải trực tiếp nhìn vào tác phẩm của họ. Và, phải chính anh, người đọc sách, bằng khối óc của anh, bằng con tim của anh, anh đánh giá được cái thông minh hay ngu xuẩn của người viết và cảm nhận được cái xúc động chân thành hay giả dối của họ. Và, có thể, anh sẽ đồng ý với một người phê bình văn học là Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương quả thật tài hoa, và Trần Mạnh Hảo với tác phẩm Ly Thân thì chỉ có phản kháng mà thiếu văn chương. Cũng như, có thể anh sẽ không đồng ý với một nhà phê bình nào đó coi Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng là một nhà văn phản kháng vì anh nhận ra rằng văn chương của ông Tường còn kém cỏi và chứa đầy rẫy mặc cảm. Dĩ nhiên, anh vẫn có thể lầm. Nhưng, thà anh trả giá cái lầm lẫn cho sự thiếu thông minh, thiếu sắc bén của chính anh, còn hơn là phải trả giá cái lầm lẫn cho sự nô lệ một cách máy móc vào phản ứng có tính toán của kẻ thù, hay cho cái ngu xuẩn của người khác.

Việt Nam có thể không giống như Ðông Âu. Nhưng nhìn vào những diễn biến chính trị đang tiếp tục xảy ra trên toàn thế giới kể từ 1989, ta có thể tiên đoán là Việt Nam có nhiều xác suất để giống Ðông Âu hơn là giống A Phú Hãn. Và tự thâm tâm, tôi mong Việt Nam sẽ không là A Phú Hãn. Không phải tôi sợ súng đạn. Cũng không phải tôi sợ đẫm máu. Nhưng, nếu ở Ðông Âu, tôi đã thấy được sự thành công của những người chống Cộng thì ở A Phú Hãn, cho dù với nhân lực và vũ khí dồi dào như vậy, hiện thời không mấy ai tiên đoán được ngày nào những người chiến đấu cho tự do và dân chủ sẽ tiến vào thủ đô Kabul của họ trong vinh quang. Ở Tiệp Khắc, không một giọt máu đổ. Ở A Phú Hãn, máu đổ hằng ngày và cuộc đổ máu lớn nhất lại không phải do đánh nhau với kẻ thù mà lại do thanh toán nhau trong nội bộ, khi một lực lượng kháng chiến quân phục kích tiêu diệt toàn bộ một lực lượng kháng chiến quân khác không cùng hệ phái. Tuy nhiên, lý do chính để tôi mong Việt Nam giống như Ðông Âu hơn là vì, khi thẳng thắn với chính mình, tôi thực sự không tin là sức mạnh của chúng ta còn là sức mạnh ở súng đạn nữa, trong khi sức mạnh súng đạn của kẻ thù vẫn y nguyên đó. Sức mạnh của chúng ta là ở cái đầu và con tim. Chính những ý thức về văn minh, về tiến bộ, về tự do, về dân chủ, cùng với khát vọng được sống một đời có phẩm cách của một con người ở thời đại này đã đánh gục chủ nghĩa Cộng sản ở Ðông Âu, chứ không phải là súng đạn. Nhưng, nếu muốn đánh gục Cộng sản như ở Ðông Âu thì không thể quên được tầm quan trọng của các phong trào phản kháng, bao gồm văn chương phản kháng, cùng với ý thức trách nhiệm và trình độ hiểu biết của người dân. Nếu dân trí Việt Nam thật cao, tình trạng Việt Nam sẽ gần với Tiệp Khắc. Nhưng, nếu dân trí thấp, tình trạng của Việt Nam sẽ gần với Romania hay tệ hơn. Ðọc sách và tự do lựa sách để đọc là một phương cách để nâng cao dân trí. Còn hơn thế nữa, đó là một nhu cầu không thể thiếu và không nên thiếu, trong đời sống tinh thần của mỗi con người.

Ðối với người Việt Nam đang sống đời lưu vong ở hải ngoại, trong một hoàn cảnh mà những nghi kỵ đối với tất cả những gì xuất phát từ quê hương vẫn còn quá lớn, thì những sáng tác văn chương phải nằm trong số những sản phẩm tinh thần được dụng đến trước tiên. Bởi vì, cái gian dối ở đâu tôi không dám nói, cái gian dối trong văn rất khó đánh lừa được ai.

Maryland, tháng 3 năm 1990

TRƯƠNG VŨ

CHÚ THÍCH:

(l) Về các chi tiết liên quan đến Nhân Văn Giai Phẩm, tác giả dựa vào cuốn Trăm Hoa Ðua Nở Trên Ðất Bắc do Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa xuất bản tại Sài Gòn năm 1959. Trưởng ban biên tập là Hoàng Văn Chí. Về các chi tiết liên quan đến các phong trào phản kháng ở Ðông Âu trước 1970, tác giả dựa vào cuốn “Czechoslovakia, Since World War II” của Tad Szulc, do The Viking Press (New York) xuất bản.

(2) Trong thực tế, có thể có những cá nhân đã lên tiếng về biến cố này trong thời gian đó. Tuy nhiên, con số này chắc phải rất ít để không tạo được một âm vang nào đáng kể để có thể xem là một sự cộng hưởng của giới cầm bút miền Nam đối với phong trào phản kháng ở miền Bắc.

Sách Hai Mươi Năm Qua, 1945-1964: Việc Từng Ngày của Ðoàn Thêm (nhà xuất bản Xuân Thu ở California tái bản) có ghi nhận biến cố Quỳnh Lưu và một cuộc biểu tình lớn ở Sài Gòn ngày 13/11/1957 kỷ niệm một năm Ngày Quỳnh Lưu. Trong sách, có rất nhiều ghi nhận dành cho biến cố Budapest cũng như phản ứng của miền Nam về biến cố này. Chẳng hạn, ngày 9/11/1956, hội Nạn Nhân Cộng Sản Việt Nam gửi Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc một bức thư viết bằng máu ủng hộ cuộc khởi nghĩa Hung Gia Lợi. Sau đó, ngày 28/11 và 11/12/1956, lần lượt gửi tặng tỵ nạn Hung Gia Lợi số tiền hai triệu rưỡi đồng Việt Nam và bảy chục ngàn Mỹ kim. Cuốn sách ghi rất đầy đủ những chuyện từng ngày liên hệ đến đời sống chính trị và xã hội Việt Nam. Ghi đủ, từ việc thành lập Hội Văn Bút Việt Nam ngày 21/10/1957, đến việc Ðại Tá Townsend được gặp người yêu tại Clarence House ngày 26/3/1958. Nhưng vẫn không có một ghi nhận nào dành cho Nhân Văn Giai Phẩm hay phản ứng của miền Nam đối với Nhân Văn Giai Phẩm từ ngày phong trào này khởi xướng cho đến khi kết thúc. Tuy nhiên, sau khi phong trào kết thúc, có vài ghi nhận về phong trào này, kể cả việc các đoàn thể Văn Hóa Sài Gòn ra tuyên ngôn ngày 15/6/1958 Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa, chống lại chính sách đàn áp văn hóa của Hà Nội. (Xem các chương 1956, 1957 và 1958).

clip_image004

Tiểu luận của Trương Vũ

208 trang, giá bán 29$ trên Amazon.

https://www.amazon.com/%C4%90u%E1%BB%95i-B%C3%B3ng-Ho%C3%A0ng-H%C3%B4n-Vietnamese/dp/1927781760/ref=sr_1_1?keywords=Tr%C6%B0%C6%A1ng+V%C5%A9+%C4%90%C6%B0%E1%BB%9Fi+B%C3%B3ng+Ho%C3%A0ng+H%C3%B4n&qid=1558820767&s=gateway&sr=8-1

Comments are closed.