“Kiến, chuột và ruồi” (trích, kỳ 1)

Nguyễn Quang Lập

8. Nhiệm vụ vẻ vang

Số phận ba tôi may ít rủi nhiều. Theo cụ Phan Bội Châu năm mười bảy tuổi, theo Cách mạng năm mười chín tuổi, ba đã thực thi nhiều nhiệm vụ vẻ vang và thường rủi ro lại đến với ông ngay sau đó. Cả vẻ vang lẫn rủi ro của ba đều dính đến một người có tên là Thủ trưởng. Đó là người đàn ông dong dỏng cao có nụ cười chết gái mà ba và những thuộc cấp của Thủ trưởng đều đồng thanh gọi là nụ cười ấm áp tình đồng chí.

Trước khi Thủ trưởng thành thủ trưởng của ba, ngài được ba giác ngộ đi theo cụ Phan Bội Châu, sau được ba giác ngộ theo Phan Châu Trinh, cuối cùng được ba giác ngộ theo cách mạng. Ba là người kết nạp Thủ trưởng vào Đảng và bày cho Thủ trưởng học chữ quốc ngữ. Có chữ rồi chỉ cần mất mười năm Thủ trưởng đã là thủ trưởng của ba. Quá nhanh. Tất nhiên với Thủ trưởng là quá chậm. Ba không hề ghen tị, xưa nay ông không hề đố kị ghen ghét ai, với Thủ trưởng lại càng không.

Thủ trưởng thua ba hai tuổi, thuở mới quen nhau ba gọi Thủ trưởng bằng em. Chú em nhỏ nhắn xinh trai hiền lành ít nói khiến ba đắm đuối chú em như người tình. Bãi biển Ô Lệ năm 1925, một đêm sau cuộc biểu tình đả đảo Thực dân Pháp bắt cóc cụ Phan Bội Châu tại Thượng Hải, ba và chú em nhỏ nhắn đẹp trai nằm ôm nhau nức nở khóc thương Phan Bội Châu bị giải về nước xử án tù chung thân. Nửa đêm ba tỉnh dậy không thấy chú em đâu, ba vùng dậy đi tìm, tìm tới sang mới thấy chú em ngồi bó gối bên bờ đá cách bờ biển Ô Lệ chừng cây số. Sao em ngồi ở đây? Ba hỏi. Em cũng không biết nữa. Chú em bẽn lẽn trả lời. Em bỏ ra đây từ khi nào? Em cũng không biết nữa… Ba nghi chú em bị bệnh mộng du nên cũng không hỏi nữa. Tới trưa người ta phát hiện quan hai Pháp bị chặt cổ cùng người tình trên bãi biển Ô Lệ, tang vật còn nguyên con dao phay đẫm máu và những dấu chân trên cát ướt. Ba ngờ ngợ dấu chân đó là của chú em nhỏ nhắn xinh trai. Không hỏi nhưng ba biết chắc chú em đã lập một chiến công ông chưa bao giờ dám nghĩ đến ngay cả trong giấc mơ.

Từ đó ba không gọi Thủ trưởng bằng em nữa, ông nhẹ nhàng chuyển sang anh tôi với Thủ trưởng, với lòng ngưỡng mộ thầm kín. Ba vui mừng đã giác ngộ được một anh hùng trẻ tuổi theo cách mạng. Mất mấy tháng để ba thuyết phục học chữ cách quốc ngữ vì Thủ trưởng rất ghét chữ, nhưng khi đã chấp nhận chỉ mất 6 tuần Thủ trưởng đã đọc thông viết thạo. Lòng ngưỡng mộ của ba ngày một dâng cao. Ông hân hoan giới thiệu Thủ trưởng với chi bộ.

Lễ kết nạp đảng thật giản đơn, chỉ có ba với Thủ trưởng. Ba chỉ nói đúng một câu thông báo với cái ôm xiết chặt. Thủ trưởng cảm động ghì chặt lấy ba. Đồng chí rất tốt, tôi tin tưởng đồng chí!”. Lần đầu tiên trong đời ba nghe câu nói đó từ một người đồng đội, ông giật mình nhận ra tin tưởng là điều kiện trước tiên và trên hết với một người cách mạng. Thậm chí không có hai chữ tin tưởng sẽ không có gì hết. Thế mà ba không nhận ra. Đêm đó ba lại ôm thủ trưởng ngủ trong rặng phi lao phía sau Thị trấn Kô Long. Tới nửa đêm ba lại không thấy Thủ trưởng đi đâu. Ông đi tìm tới sáng vẫn không thấy Thủ trưởng. Thị trấn Kô Long đêm đó có một đôi trai gái bị chặt đầu trên bờ đê. Dân Koo Long đồn rầm lên đó là một vụ đánh ghen. Ai ghen ai, ai đánh ghen ai? Đang khi chưa tìm ra Thủ trưởng, ba cũng không để ý lắm. Mãi sau ba thấy Thủ trưởng vui vẻ trở về. Ba hỏi đi đâu. Em cũng không biết nữa. Thủ trưởng mỉm cười bẽn lẽn. Ba yên lòng trước nụ cười ấm áp tình đồng chí, tuyệt không đặt một câu hỏi nào về câu chuyện qua đêm của Thủ trưởng.

Ba tin Thủ trưởng làm gì đều có lý do chính đáng, không việc gì phải hỏi. Niềm tin ấy không lay chuyển kể cả khi ba biết cô gái Kô Long bị chém cụt đầu là người tình của ngài. Ba thực sự kính trọng, ngưỡng mộ Thủ trưởng cũng như ông đã kính trọng, ngưỡng mộ mọi thủ trưởng trên đời.Đồng chí rất tốt, tôi tin tưởng đồng chí!” Ba hạnh phúc vô cùng khi được Thủ trưởng xiết chặt tay, rưng rưng cất lên chín tiếng tuyệt vời.

Những ngày Thủ trưởng lãnh đạo Chiến khu Đá Mài, ngài đã dạy cho ba biết thế nào là cán bộ đầu tàu và giá trị thực của hai chữ gương mẫu. Khăp chiến khu Đá Mai hầu hết mọi người đều kính trọng và ngưỡng mộ Thủ trưởng như ba, sự kính trọng và ngưỡng mộ chí thành. Nói “hầu hết” không phải vì ba biết vẫn có người căm ghét hay xem thường Thủ trưởng, chỉ vì ba sợ sự tuyệt đối- một khái niệm kiêng kị của triết học- nên không dám nói “tất cả”. Gần một ngàn người ở Chiến khu Đá Mai đều tự giác viết báo tường ca ngợi Thủ trưởng, số nịnh bợ chắc cũng có nhưng không nhiều. Thời này nịnh bợ chưa có lợi lộc gì lại dễ bị đồng đội bóc mẽ. Sự ca ngợi quê mùa ấu trĩ, lời lẽ của fan cuồng vào cái thời chưa có chữ chứ không phải lời lẽ của nịnh bợ thô thiển. Ai ở chiến khu Đá Mài thời này đều xác nhận điều này.

Những bài viết tay được dán lên vách tường trong hang đá nơi Thủ trưởng sống và làm việc gọi là báo tường. Khắp các bức tường nhan nhản các bài báo ca ngợi Đảng quang vinh, ca ngợi Hồ Chủ Tịch kính yêu, ca ngợi Thủ trưởng kính mến. Dưới các bài báo là các bình luận của người khác viết bằng bút chì, bút chì xanh đỏ, bút mực, bút máy. v.v. Bài hay có tới hàng trăm bình luận chứ không ít

Bài báo tường phê phán thẳng thừng Mao Trạch Đông:

Tôi khẳng định bảy tiếng Mao Trạch Đông khen tặng cấp dưới: “Đồng chí làm việc, tôi yên tâm” tầm thường hơn nhiều so với chín tiếng tuyệt vời của Thủ trưởng: “Đồng chí rất tốt, tôi tin tưởng đồng chí!”. Chỉ quan tâm đến làm việc, bỏ qua sự tin yêu cấp dưới là vô hình chung tầm thường hóa vai trò người cán bộ đảng viên. Cấp dưới cần biết bao sự tin yêu của cấp trên, dù cấp trên ngàn lần không tin yêu cấp duới thì cấp dưới vẫn phải hy vọng ở lần tin yêu thứ một ngàn lẻ một. Đó là triết lý sâu xa của người làm cách mạng, vì khiêm tốn Thủ trưởng của chúng ta đã không nói ra. Nhưng chúng ta là người Cách mạng phải hiểu được tấm lòng bao la của Thủ trưởng.

Tác giả: Tâm Ngôn

Bình luận:

Đúng quá!

Rất sâu sắc!.

“Chúng ta là người Cách mạng phải hiểu được tấm lòng bao la của Thủ trưởng.”- Tôi rất nhất trí!

Bài viết tốt. Tuy nhiên tôi đề nghị không nên so sánh Mao Trạch Đông với Thủ trưởng. Làm thế vô hình chung hạ thấp Thủ trưởng.

Ba luôn có mặt trong các bình luận những bài báo viết về Thủ trưởng. Ba viêt háo hức say mê, với các bút danh Chiến sĩ, Quyết Thắng, Trung Thành, Thi Đua v.v và khấp khởi mong chờ Thủ trưởng nhận ra nét chữ của ông. Thủ trưởng không thích điều này, nhiều lần ông xuống khu tuyên giáo Đá Mài đề nghị chấm dứt mọi sự ca ngợi ông. Ngài sợ mang tiếng sùng bái cá nhân, thứ mà ngài rất ghét. Dù sự sùng bái chỉ gói gọn trong khu rừng với gần một ngàn con người. Ba càng kính trọng và ngưỡng mộ Thủ trưởng tuy thỉnh thoảng lại rộ lên tin Chiến khu có kẻ bị chặt đầu, và cái nhìn ớn lạnh của Thủ trưởng bất chợt xói vào gáy ba, làm ông không thể không nhớ lại chuyện xưa.

Năm 1937 Thủ trưởng còn hoạt động ở nội thành và chưa là thủ trưởng của ai hết, ba được phân công đến ga tàu Thị xã Ô Lệ đón Thủ trưởng, nhận từ Thủ trưởng một bao tải truyền đơn. Thủ trưởng chưa kịp giao bao tải truyền đơn cho ba, cảnh sát đã ập đến. Họ bắt Thủ trưởng cùng với bao tải truyền đơn đẩy lên xe. Thủ trưởng nhìn ba cầu cứu khẩn thiết. Ba nhận ra từ cái nhìn tuyệt vọng ấy một nhiệm vụ vẻ vang. Ngay lập tức ông lao đến xe cảnh sát giằng lấy cái bao tải. Đây là bao tải của tôi! Cảnh sát tóm luôn ba đưa về đồn. Tại đồn ba chứng minh cái bao tải là của ông, Thủ trưởng là ai đó ông không hề quen biết. Anh mang bao tải truyền đơn này giao cho ai? Cảnh sát hỏi ba. Sao lại truyền đơn? Ba làm bộ sửng sốt kêu lên. Hóa đơn của ông bác tôi thuê in ở Huế, giao tôi vô Huế lấy đem về. Ba nói như không.

Cảnh sát cho người ra gặp ông bác Vĩ. Là người có chỉ số IQ cao nhất mọi thời đại của đất Kô Long, vừa nghe cảnh sát nói ba bị bắt cùng bao tải truyền đơn ông bác tôi biết ngay ba đã khai những gì và ông bác phải xử lý thế nào. Ông bác trợn mắt lên. Tôi giao cho nó vô Huế nhận bao tải hóa đơn, sao lại ra bao tải truyền đơn? Như sực nhớ ra điều gì, ông bác cười khà khà. Chắc đêm hôm ngủ gật, cu cậu lấy lộn bao tải của ai rồi. Cảnh sát vừa rời nhà, ông bác đã gọi điện cho ông chủ nhà in ở Huế là con trai của ông bác Phú Huệ, nói như vầy như vầy… Một giờ sau cảnh sát Huế đến nhà in, ông chủ nhà in vừa kịp có hợp đồng thuê in hóa đơn và biên lai xuất kho bao tải hóa đơn cùng biên lai thanh toán tiền của ông bác Vĩ. Ba được thả ra cùng Thủ trưởng.

Chia tay ở Bến Nước, Thủ trưởng ôm chầm lấy ba. Đồng chí rất tốt, tôi tin tưởng đồng chí! Thủ trưởng khóc. Ba cũng khóc. Những giọt nước mắt nồng ấm đến chết vẫn không quên. Hai người quấn lấy nhau nơi Bến Nước từ chiều tối cho tới khuya. Rồi chia tay. Cứ tưởng ngày mai gặp lại, nhưng không, Thủ trưởng không gặp ba nữa. Cứ như là Thủ trưởng đã độn thổ hoặc thăng thiên. Ba bỗng nhiên mất liên lạc với Cách mạng, những đầu mối tổ chức bỗng biến mất tăm, không để lại dấu vết. Ba hoang mang cực độ, càng cố sức tìm kiếm nguyên nhân ông càng rơi vào vực thẳm im lặng. Đời cách mạng sợ nhất là im lặng, càng im lặng bất thình lình càng sợ. Ba có quá nhiều kinh nghiệm về các loại im lặng. Ông sợ, nhiều đêm mồ hôi lạnh chảy dọc xương sống lưng. Luôn thấy xa xa một cái bóng chờn vờn, một cái gì lành lạnh sau gáy. Nhiều khi luồn rừng va phải một cành cây bật lên nghe vút rất nhanh hệt tiếng gió con dao phay đang bổ xuống gáy, tim ba treo cứng đơ giữa lồng ngực lạnh toát.

Một năm sau ba thình lình bắt được liên lạc với mọi đầu mối trước đây. Họ như mọc dưới đất lên nói nói cười cười như không hề có chuyện họ đã lặn mất tăm trước đó. Phải chục năm sau ba mới hiểu vì sao.

*

Năm 1947 Pháp tái chiếm Thị trấn Kô Long, ba được lệnh rút lên chiến khu Đá Mài. Vì có chút chữ nghĩa ông được điều về làm trợ lý cho thủ trưởng chiến khu. Thủ trưởng chiến khu bây giờ chính là Thủ trưởng, ba phấn khởi khoác ba lô đi ngay. Cơ hội “gần mặt trời” ai không thích. Nhất là khi “mặt trời” vốn dĩ là tình xưa nghiã cũ. Được gần gũi Thủ trưởng là giấc mơ kéo dài suốt đời ba.

Thủ trưởng là người được ba cứu thoát khỏi tù đày. Cái ôm chầm xiết chặt rưng rưng, nụ cười ấm áp tình đồng chí cùng với chín tiếng tuyệt vời làm sao ba quên được. Thủ trưởng cũng không quên. Khi ba vừa khoác ba lô bước vào, Thủ trưởng đã ôm chầm lấy ba . Mừng lắm mừng lắm Vũ ơi! Thủ trưởng chân tình nói. Mười năm rồi anh em mình lại được sống với nhau… Thủ trưởng như nghẹn lại. Cái ôm chầm xiết chặt rưng rưng và nụ cười ấm áp tình đồng chí làm ba ứa nước mắt. Ba hạnh phúc lâng lâng, niềm hy vọng “gần mặt trời” của ông ngày mỗi rực lên.

Sống gần Thủ trưởng thật đầm ấm, ngài không xưng em với ba nữa, rất nhiều khi ngài nói chuyện với ba như nói chuyện với thằng em. Điều đó không quan trọng, ba càng phấn khích hơn, ông đinh ninh mình chỉ là đứa em, là học trò nhỏ của Thủ trưởng. Không chỉ riêng ba, ở Chiến khu nhiều người đáng tuổi cha chú của Thủ trưởng cũng tự nép mình dưới bóng Thủ trưởng, kính cẩn coi ngài như đấng sinh thành. Chẳng phải vì ngài khét tiếng khắp chiến trường miền Trung với những trận chiến có một không hai, lính Pháp khắp ba miền đều khiếp sợ, chỉ vì Thủ trưởng ở đâu thì các chữ “đầu tàu”, “gương mẫu” như những phép thánh khuyến dụ đồng đội, lôi cuốn đám đông, làm cho đám đông đang ngủ gật bỗng sống dậy lạ thường. Người như thế đứng bên ai người đó tự khắc thấy mình bé nhỏ và sung sướng tự hào về điều đó. Vậy mà vẫn có chuyện không hay làm ba hết đau khổ đến sợ hãi nhiều năm trời.

Một hôm Thủ trưởng kêu mất cái ví. Thủ trưởng rất lo lắng, ngài gọi ba vào phòng riêng tâm sự. Trong ví nỏ có chi, chỉ có ảnh vợ con. Thủ trưởng thủ thỉ chân tình. Vợ con mình đang ở vùng tạm chiếm, lỡ may địch bắt được cái ví thì nguy. Giọng Thủ trưởng như sắp khóc. Ba lại háo hức tự giao cho mình nhiệm vụ vẻ vang: phải tìm cho được cái ví cho Thủ trưởng!

Một tuần lùng sục khắp nơi không thấy. Sang ngày đầu tuần thứ hai ba bỗng thấy cái ví bên bờ suối gần ngay lán của Thủ trưởng. Ba mừng quýnh hét lớn, đây rồi đây rồi!… Tiếng hét còn to hơn cả tiếng hét ơ-rê-ca của Ac-shi med. Ba vội vàng giao nộp cái ví cho Thủ trưởng. Thủ trưởng ôm chầm xiết chặt lấy ba. Cảm ơn Vũ lắm lắm! Thủ trưởng nồng nàn nói. Cái ôm chầm xiết chặt rưng rưng và nụ cười ấm áp tình đồng chí của Thủ trưởng báo cho ba biết từ nay Thủ trưởng sẽ coi ông như anh em, không được như anh em cũng bạn bè chí thiết. Hai cái tình ấy mới quan trọng chứ không phải tình đồng chí. Nếu không có hai thứ tình đó làm nòng cốt, tình đồng chí tóm lại cũng là thứ tình suông. Ba thừa biết điều đó, ông khấp khởi mừng thầm.

Chẳng ngờ hôm sau đi tắm về, ba bắt gặp liên lạc của Thủ trưởng đang xổ tung ba lô của ông. Răng lục ba lô tui? Ba túm ngực liên lạc nghiến răng hỏi. Liên lạc đỏ mặt tía tai ú a ú ớ, mãi sau mới khai thật. Trong ví Thủ trưởng còn năm trăm đồng bạc Đông Dương, Thủ trưởng kiểm tra ví không có mới sai anh ta lục tìm ba lô của ba. Nổi điên ba chạy thẳng vào lán Thủ trưởng. Thủ trưởng nghi tôi lấy tiền trong ví phải không? Nói thẳng cho Thủ trưởng biết, nếu cần năm trăm đồng bạc Đông Dương không đời mô tui đi theo Cách mạng! Ba không kìm được lời nói thật, suýt nữa ba văng tục.

Thủ trưởng đứng đơ người, ngài không hiểu ba nói chuyện gì. Mải rồi ngài mới hiểu ra câu chuyện, té ra chính ngài sai cậu liên lạc đi lục soát ba lô của ba. Cả Chiến khu không ai tin, ba cũng vậy. Thủ trưởng lặng im không nói gì, ngài chỉ gọi cậu liên lạc lên hỏi. Có đúng là tôi sai cậu lục ba lô đồng chí Vũ không? Đó không phải là câu hỏi áp đảo buộc cậu liên lạc phải câm mồm. Thủ trưởng hỏi rất chân thành, khẩn khoản là đằng khác. Cậu liên lạc chẳng biết nói sao, chỉ biết đứng khóc.

Nửa đêm cậu liên lạc lén sang lán ba, quì lạy ba như tế sao. Tội em đáng chết… tội em đáng chết. Ba xốc cổ áo cậu ta lên. Có đúng Thủ trưởng sai cậu lục ba lô tôi không? Cậu liên lạc khóc oà. Đời em chưa vu oán giáng hoạ cho ai, sao lại vu cho Thủ trưởng. Em kính Thủ trưởng như kính núi Thái Sơn, sao lại làm chuyện đó. Em làm chuyện đó để làm gì? Ba đấm vào mặt câu liên lạc rồi ôm cậu ta khóc. Hai anh em ôm nhau khóc suốt đêm, chỉ khóc vậy thôi chẳng biết vì sao khóc.

Ngày hôm sau ba khoác ba lô về khu tuyên giáo, khu buồn chán nhất trong bảy khu thuộc chiến khu Đá Mài. Bù lại ba gặp được cô gái tên Mai, người đẹp chiến khu. Vài ngày chịu khó hái hoa rừng, ra sức trổ tài đọc thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính, ba đã đánh gục được người đẹp, đêm đêm kéo người đẹp vào hang đá ân ái cho tới khuya. Nhờ đó ba mới biết vì sao năm 1937 ông đột ngột mất liên lạc.

Ái ân với người đẹp được hơn một tháng ba mới biết bà Mai vốn là hoa khôi Chiến khu Đá Mài, lên trạm xá Chiến khu trước ba mấy năm, bị Thủ trưởng yêu quá mới bỏ chạy về khu tuyên giáo. Lần đầu tiên ba biết có người bỏ chạy vì sợ Thủ trưởng. Ba quá ngạc nhiên. Chú em nhỏ nhắn xinh trai của ba ngày xưa giờ đã một vợ hai con vẫn nhỏ nhắn xinh trai, với phụ nữ vô cùng lịch thiệp, chưa hề tai tiếng gì dù nhỏ về chuyện trai gái. Ở Chiến khu không sợ đói, không sợ chết chỉ sợ rắc rối với phụ nữ, nhất là những người có chút uy quyền. Thủ trưởng là người có uy quyền nhất, dưới trướng có 50 người đẹp ở Ban hậu cần, 30 người đẹp ở trạm xá, 36 người đẹp ở Ban thông tin, chưa kể 100 cô ở rải rác các ban khác. Vậy mà tuyệt không một xì xào về ngài với chị em. Ba cho là bà Mai phóng đại, tự tưởng tượng ra nỗi sợ Thủ trưởng để lấy le với các chị em khác trong Chiến khu.

Anh không biết gì Thủ trưởng đâu. Bị ba đặt quá nhiều ngờ vực, bà Mai chị mỉm cười cay đắng, nói đúng một câu. Cũng chỉ nói đúng mỗi câu ấy vào các đêm khác mỗi khi ba hỏi bà về Thủ trưởng. Ba kể cho bà nghe quan hệ của ông với Thủ trưởng thân thiết đến thế nào, bà Mai vẫn một câu “anh không biết gì về Thủ trưởng đâu”. Là sao? Ba bỗng to tiếng, ông cảm thấy bị xúc phạm. Em cho Thủ trưởng là kẻ hai mặt? Không không không! Bà Mai kêu lên. Em không nói thế. Chưa người đàn ông nào tuyệt vời như Thủ trưởng. Ba cười. Và vì không có người đàn ông nào tuyệt vời như Thủ trưởng nên em sợ phải không? À… anh đã hiểu rồi! Không không không! Bà Mai lại kêu lên. Vậy thì vì sao? Đến lượt ba lại kêu lên. Bà Mai im lặng hồi lâu mới thì thầm. Em biết anh không tin nhưng em cứ nói. Thủ trưởng không phải kẻ hai mặt. Con người tuyệt vời đó là hai con người.

Hai con người là sao? Ba hỏi đi hỏi lại. Bà Mai không làm sao diễn đạt thế nào là người đa nhân cách cho ba hiểu, cả bà lẫn ba cũng chưa bao giờ nghe nói về loại người này. Ba cười ngao ngán. Không phải anh không tin mà anh không hiểu gì hết. Ba nói, ông rên rỉ thì đúng hơn. Thôi về! Bà Mai đứng dậy. Ba kéo bà ngồi xuống. Anh ghét sự lấp lửng lắm. Nói hết cho anh đi. Bà Mai bất ngờ kể cho ba hay, suýt nữa ba bị mất mạng vì Thủ trưởng. Chuyện thật như đùa.

Thật không ngờ chính Thủ trưởng đã báo lên Chiến khu: Phạm Vũ là cháu ruột của hai đại tư sản Phạm Vĩ và Phạm Phú Huệ. Phạm Vũ được đại tư sản Phạm Vĩ nuôi nấng dạy dỗ từ tấm bé, nhận làm con thừa tự. Đại tư sản Phạm Vĩ lại có quan hệ rất mật thiết với tất cả quan lại trong tỉnh và khá nhiều quan lại trung ương. Ba bị liệt ngay vào đối tượng nguy hiểm, đã có kế hoạch thủ tiêu ba vì ông biết quá nhiều đầu mối của Cách mạng. May cho ba tại thời điểm đó Thủ trưởng chưa là thủ trưởng Chiến khu Đá Mài, Thủ trưởng chỉ là người đưa tin, chưa quyết định được số phận của ba. Lại may nữa, người phụ trách quân nhu Chiến khu tình cờ biết được chuyện này, bèn vội vàng báo cho thủ trưởng Chiến khu biết: Lương thực cho Chiến khu Đá Mài chủ yếu do đại tư sản Phạm Vĩ đóng góp. Ba thoát chết trong gang tấc, ông bắt được liên lạc với Cách mạng ngay tức thì.

Nghe bà Mai kể ba dựng đứng tóc gáy, phóng nước tiểu ướt sũng đũng quần. Lần đầu tiên trong đời ba nghe chuyện khó có thể tin về Thủ trưởng từ miệng một người thật thà, còn ngưỡng mộ và kính trọng Thủ trưởng hơn cả ba nữa. Thật đáng sợ. Ba nói. Anh không tin. Anh rên rỉ. Anh không tin! Thốt nhiên ba gầm lên. Thủ trưởng cũng không tin. Bà Mai ôm chặt lấy ba thì thầm. Em đã hỏi Thủ trưởng rồi. Ngài cũng không tin. Ba bật cười. Em nói gì kì vậy? Sao Thủ trưởng không tin việc ngài làm? Vậy mới kì. Bao nhiêu lần ngài chặn em đòi hiếp, em nhắc lại ngài cũng không tin. Lại có chuyện này nữa sao? Ba hỏi. Bà Mai im lặng. Anh không tin, ba hét vang. Tiếng dội vang chuyển động cả rừng đêm.

Ba nhảy bùm xuống suối, lôi cả bà Mai xuống theo. Quên hết đi em. Ba hối hả dục người tình vào cuộc. Anh muốn quên… thật mà… anh muốn quên. Lần đầu làm tình dưới suối ba rất phấn chấn. Bà Mai xiết chặt lấy ba. Chẳng hiểu thế nào giây phút ấy ba lại nhớ cái ôm chầm xiết chặt rưng rưng, nụ cười ấm áp tình đồng chí cùng với chín tiếng tuyệt vời của Thủ trưởng, bỗng dưng ông bủn rủn. Cả ông và cái của ông đều tiu nghỉu, dúm dó trong suối lạnh. Răng rứa anh… răng rứa anh ơi! Bà Mai đã bắt đầu nóng lên, không kìm được nữa. Bà rên, vừa ghì chặt ba nghiến ngấu ba vừa rên. Tiếng rên giữa rừng đêm thanh vắng nghe như tiếng kèn xung trận.

Bỗng bùng lên cơn hứng khởi cách mạng. Ngực ông râm ran nồng cháy tình cảm cách mạng. Ba đọc to câu thơ của Tố Hữu: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu”. Cả ông và cái của ông đều phần khởi dựng ngược lên. Ông phấn khởi tiếp tục đọc to như thét. Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu! Tôi đã hiểu!… Tôi đã hiểu!… Tôi đã hiểu!… Ba đâm và hét như một kẻ cuồng.

Bà Mai sướng ngất đi. Ba lịm dần trên ngực bà Mai, nửa giờ sau ông ngóc đầu lên ngâm nga câu thơ của Tố Hữu: “Nó chết rồi, con chim nhỏ của tôi / con chim se sẻ mới ra đời”. Bà Mai cười rúc rích, bóp hạ bộ ông một cái thật đau, nói, không phải ra đời bốn chục năm rồi à? Ba hôn bà đánh chụt, nói, với Mai thì nó vừa mới ra đời. Họ ôm chặt lấy nhau cười hể hả, cái cười hiếm khi sau mỗi cuộc tình.

Ba không thích thơ Tố Hữu. Một khi đã thích thơ Hàn Mặc Tử, thơ Xuân Diệu và Nguyễn Bính khó có thể thích thơ Tố Hữu. Ba chỉ coi thơ Tố Hữu như những chỉ thị có vần của Cách mạng, được viết bằng ngôn ngữ Folklore cực kì xuất sắc. Ba đã hết sức cố gắng để thuộc thơ Tổ Hữu nhưng ông chỉ nhớ vài ba câu thôi. Tối hôm đó ba đã ghi dưới đáy ba lô của mình: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu”, và đinh ninh đến chết ông cũng không quên câu thơ thần diệu đó.

Thế mà ba đã quên.

Sáu năm sau ba cùng với đồng chí Đội trưởng tham gia cuộc cách mạng long trời lở đất, ngay khi cái điếu cày và hai lạng thuốc lào đầu tiên dâng lên Đội trưởng, ba lại được nghe chín tiếng tuyệt vời, báo cho ba biết đồng chí Đội trưởng là cận vệ tin cậy của Thủ trưởng. Chỉ có cận vệ tin cậy của Thủ trưởng mới ngang nhiên lấy cắp chín tiếng tuyệt vời, ngôn ngữ độc quyền của ngài.

Đồng chí Đội trưởng trốn khỏi làng Trung vì can tội giết chết Lý trưởng làng Trung, lên chiến khu Đá Mài được bổ sung vào trung đội cầm dao phay của Chiến khu. May mắn làm sao tội giết chết Lý Trưởng làng Trung được Thủ trưởng khen thưởng thành tích trừ gian diệt ác. Quá vinh dự tự hào, đồng chí Đội trưởng nguyện là cận vệ trung thành của Thủ trưởng, “dù gan óc lầy đất”. Thủ trưởng mừng lắm, ban cho đồng chí Đội trưởng được hưởng độc quyền chín chữ tuyệt vời.

Thế mới biết vì sao ba gặp lại đồng chí Đội trưởng như gặp lại Thủ trưởng. Ba không còn nhớ cái rùng mình ớn lạnh sáu năm về trước và câu thơ Tố Hữu dưới đáy ba lô của ông. Trái lại ba vui mừng như được gặp lại cố nhân, chữ minh trong ba vụt tắt, cơ hội “gần mặt trời” lại tỏa sáng trong ông. Bài học thuộc lòng “Đánh giá con người cần có cái nhìn biện chứng” ba học được ở Chiến khu Đá Mài khiến ông quên sạch những gì cần phải nhớ.

Thế rồi việc thường xuyên làm điếu cày cho đồng chí Đội trưởng và cứ hai ngày một lần đạp xe bốn chục cây số vào Thị xã Ô Lệ mua đúng hai lạng thuốc lào đã được ba hân hoan coi đó là nhiệm vụ vẻ vang.

*

Sau khi ba nhường suất mèo kêu cho đồng chí Đội trưởng, nhiệm vụ vẻ vang không chỉ thuộc về ba, còn có cả chị Hiên nữa. Nhiệm vụ vẻ vang của chị Hiên còn vẻ vang hơn nhiệm vụ của Chủ tịch thị trấn Phạm Vũ.

Từ ngày đồng chí Đội trưởng trú tại nhà, chị Hiên luôn mặc bộ đồ màu mực Cửu Long, màu đặc trưng vừa được cách mạng chỉ định là màu giai cấp nòng cốt. Chị nghe đồng chí giải thích như thế khi đưa tặng chị. Thực tình chị cũng không hiểu vì sao mấy bộ đồ hợp thời trang đồng chí trưng thu từ nhà một tên phản động lại trở thành bộ đồ giai cấp nòng cốt và vì sao chị được mặc bộ đồ của giai cấp nòng cốt trong khi chị thuộc tầng lớp buôn cám lợn. Giải thích các khái niệm là việc của bè lũ trí thức tiểu tư sản, không phải việc của đồng chí Đội trưởng. Việc của đồng chí là kiên cường đè ngửa chị ra trên bốn bao tải cám lợn xếp bằng như nệm đế vương thời trung cổ. Chị Hiên bé nhỏ nhưng lẳn người, tòa thiên nhiên của chị không đến nỗi nào, ở cái tuổi mười tám tất cả đều căng ra, vun lên thật thỏa mắt nhìn.

Đồng chí Đội trưởng không vội vàng lâm trận. Thủng thẳng kéo một hơi thuốc lào, đồng chí thò mồm phun khói thẳng vào hõm sâu bánh ú chúm chím xinh tươi. Chừng như làm thế vẫn không đã, đồng chí rít một hơi thuốc lào khác, dí sâu vào hõm, từ tốn cho khói tuồn vào. Chị Hiên cười rinh rích, cặp đùi non kẹp chặt hai tai đồng chí. Khói thuốc lào không tuồn vào được, dội ngược trở ra xộc thẳng vào mũi, đồng chí ngạt thở, hất mạnh đầu, nhào lên úp mặt vào bộ ngực non của chị ho sặc sụa. Răng rứa? Chị Hiên hỏi. Răng là Răng. Đồng chí Đội trưởng cười hề hề. Dập và ho và hỏi nhau rối rít. Răng? Răng là răng? Là răng nữa!… Chẳng hiểu mẹ gì. Nhũng nhẵng thứ ngôn ngữ đến Chúa cũng bó tay.

Cơn ho của Đội trưởng không làm chị Hiên cụt hứng, trái lại, nó như một thứ thuốc kích thích, da bụng chị Hiên rung bần bật, nóng râm ran lan tỏa khắp người, giần giật giần giật. Chị Hiên như bừng tỉnh. Tay xoa lưng Đội trưởng, tay khéo léo tìm ngọc hành đồng chí dúi vào nơi cần dúi. Bánh ú chúm chím xinh tươi gặp ngọc hành kiên cường dũng mãnh, chị siết chặt lấy Đội trưởng đánh nhịp tới tấp, theo nhịp ho sặc sụa của đồng chí. Tức khắc Đội trưởng hết ho, đồng chí đặt trang trọng tờ báo tỉnh đăng “Mô hình ba giai đoạn điếu cày” lên bụng chị Hiên, mắt không rời khỏi tờ báo, ngọc hành không rời khỏi bánh ú, đánh nhịp cùng chị hơn một giờ không nghỉ.

Đồng chí Đội trưởng đã khởi động tiếng mèo kêu. Tiếng mèo kêu của chị Hiên là tiếng mèo cái gọi đực đêm động dục, thảm thiết và hân hoan. Tiếng kêu lúc lúc lại rúc lên khi thì chua loét hệt tiếng heo chọc tiết, giật từng cơn, khi thì khô đục hệt tiếng ngỗng kêu đêm, tuồn qua tấm vách nứa đan thưa, tràn ra sân, nhào ra ngõ, lăn lóc dọc đường cái quan, trong vòng bán kính năm mươi mét không ai không nghe thấy.

Nhầm. Hầu hết hàng xóm của chị cố nuốt cục cười vào miệng, mặt tỉnh bơ coi như không có gì xảy ra. Không biết không nghe không thấy, phép phòng thân có từ ngày cách mạng long trời mười lăm năm về trước. Không phải. Phép phòng thân truyền kiếp có từ thuở Đại Việt ta. Không phải. Kể từ ngày mẹ Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng, dân An Nam quá biết rõ bụng nhau. Cũng không phải nốt. Kể từ ngày vua Hùng chọn đất định đô quá gần nước Đại Ca, đất nước luôn sản sinh những thiên tài hai mặt. Chỉ có những cái cười tủm không giấu được thỉnh thoảng bất chợt nở xoè trước mắt ba, chị Hiên và Đội trưởng cùng với những khúc đồng dao lũ trẻ chăn trâu vẫn réo lên khắp Thị trấn Kô Long. Vè vẻ vè ve/ nghe vè con chó/ tiếng giống tiếng mèo/tiếng giống con heo/tiếng giống con ngỗng/ ngổng ngổng ngổng ngổng…

Ba không nghe tiếng gì cả. Ông không nghe thấy thật, tuyệt không nghe thấy gì. Hình như ai đó bịt tai ba, xui ông vào chỗ chết. Vừa đạp xe từ Thị xã Ô Lệ trở về, trong tay cầm đúng hai lạng thuốc lào, ba đi thẳng tới nhà chị Hiên. Khi người ta hoàn thành một nhiệm vụ vẻ vang, niềm vui sướng làm người ta quên hết mọi chuyện. Giờ này không có sung sướng nào hơn hai lạng thuốc lào ba đang có trong tay. Bốc được hai lạng thuốc lào vượt qua tám chục cây số đường trường cả đi lẫn về kính cẩn dâng lên đồng chí Đội trưởng, ba đã hoàn thành một nhiệm vụ vẻ vang. Đáng lý ba phải nhận ra tức thì tiếng kêu quen thuộc đó khi cách nhà chị Hiên năm mươi mét. Khốn nạn, ông đã không nghe.

Ba dừng xe đạp trước ngõ, tháo gói giấy báo bọc hai lạng thuốc lào ở yên xe, rực lên niềm kiêu hãnh sắp được thấy cái miệng chuột chù của Đội trưởng bành ra cùng với chín tiếng tuyệt vời. Tiếng mèo kêu đã tắt. Bánh ú xinh tươi ngưng lại giữa chừng chúm chím. Đồng chí Đội trưởng bỗng thèm thuốc lào. Không gì khóai bằng vừa làm tình vừa hút thuốc lào. Đồng chí khoan thai cúi xuống với lấy cái điếu cày, khoan thai thông nõ, tra thuốc, khoan thai châm đóm, rướn cổ rít một hơi dài. Tiếng điếu cày vang lên.

Trời hại ba tôi, lần này ông lại nghe rất rõ. Tiếng điếu cày báo cho ông biết đồng chí Đội trưởng đang có nhà và đang hút thuốc lào. Vậy thì việc gì phải gõ cửa, việc gì phải lên tiếng, cứ thế đi thẳng vào với hai lạng thuốc lào trong tay, dâng lên đồng chí một bất ngờ thú vị. Ba đẩy cửa bước vào. Ông đứng chết lặng trước cái đít đang nhoay nhoáy của Đội trưởng. Ba tính tháo lui, nghĩ thế nào ông cứ đứng trơ ra đấy. Chị Hiên nhác thấy ba đang đứng ngây như phỗng dưới háng, cái đít thẹn thùng giật nẩy.

Ôi cậu Vũ! Chị Hiên đẩy đồng chí Đội trưởng bật ngửa, ôm ngực hoảng hốt kêu lên. Ba tỉnh hồn. Ông ngượng nghịu đặt nhẹ hai lạng thuốc lào, nhiệm vụ vẻ vang đồng chí Đội trưởng giao phó, lẳng lặng tháo lui. Chân nam đá chân chiêu ba dúi dụi đi ra ngõ. Ông dắt xe đạp lao thẳng về nhà mình, chẳng hiểu thế nào cứ chui đầu vào lùm dứa dại đầu hồi nhà, loay hoay mãi mới gỡ ra được, áo quần rách tướp, mặt mày tứa máu.

Ba không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau khi ông bắt quả tang đồng chí Đội trưởng đang “ba cùng” như thế nào trong nhà một cốt cán. Ông không cách gì đoán được số phận của mình rồi đây sẽ thế nào. Ba ngồi thất thần trên ngạch cửa. Mạ hỏi đi hỏi lại dăm bảy lần ông cứ to mắt nhìn, quai hàm cứng ngắc không thốt được nên lời. Ba tính chạy sang nói chuyện với dị nhân Kiểm Hát, vừa nhổm đít lên ông lại ngồi xuống. Cho Kiểm Hát biết chuyện này chẳng được dã giúp cho lại còn bị dã cho ăn chửi. Chẳng dại. Ba ngồi đóng đinh trên ngạch cửa, ngoảnh mặt về phía nhà chị Hiên, đầu óc rỗng không chẳng nghĩ ngợi được gì, còn nghĩ gì được mà nghĩ!

Mười lăm phút sau tiếng mèo kêu lại vang lên, lần này dữ dội hơn, cho hay Đội trưởng đã có phương án khóa mồm hữu hiệu. Vận hạn ba tôi coi như chấm hết. Kì thực nó đã chấm hết ngay khi ba đứng trước cái đít nhoay nhoáy của đồng chí Đội trưởng.

Comments are closed.