THẢO LUẬN VỀ DỊCH THUẬT (1): Dịch văn học và phê bình văn học dịch – một thập kỷ chạm trán

Hữu Đức

Các nhà văn, dịch giả kính mến,

Văn Việt vào cuối tháng 4, có in một bài viết của Nguyễn Lê Trung, bàn về công việc dịch thuật, đặc biệt là dịch thơ, nhân Trịnh Lữ công bố bản dịch một chùm thơ của Emily Dickinson. Tuy nhiên, với bài viết của Nguyễn Lê Trung, Văn Việt nhận thấy vấn đề không những chưa khép lại mà dường như mới được mở ra. Đó là:

    1. Dịch văn học nói chung, và dịch thơ nói riêng, điều cốt tử là gì?
    2. Dịch hoàn toàn đúng nghĩa, nhưng không thơ, bạn có chấp nhận điều này không?
    3. Dịch kiểu phóng tác, đi xa ý, nhưng có chất thơ, thì sao?
    4. Nhiều người cho rằng dịch là diệt; khi nào dịch không là diệt?
    5. Câu chuyện dịch để quảng bá văn học Việt ra thế giới hiện đang đến đâu? Điều gì tạo ra thành công, nếu có, và điều gì đem lại thất bại?
    6. Bạn nghĩ sao về quan niệm dịch giả là đồng tác giả?
    7. Bạn suy nghĩ gì vai trò của văn học dịch và thực trạng dịch văn học hiện nay?
    8. Vì sao có rất nhiều dịch giả có tiếng hiện đã và đang gây những scandal trong dịch thuật? Có nguyên nhân cụ thể nào không?
    9. Bạn có thể miêu tả công việc dịch một tác phẩm nào đó của bạn đã đem đến cho bạn nhiều kinh nghiệm nhất? 

Văn Việt

Trong khoảng mười năm trở lại đây, không khí trao đổi về dịch văn học trở nên khá rầm rộ, những cuộc tranh luận nảy lửa đã chiếm không biết bao nhiêu giấy mực, dung lượng, thì giờ. Các nhà phê bình văn học tỏ ra khá mặn mà với văn học dịch. Tôi muốn có đôi lời nhận xét về cuộc chạm trán ấy giữa dịch văn học và phê bình văn học dịch, và có một vài bình luận mở rộng, chủ yếu đứng từ góc độ dịch văn học.

1. Người ta phê bình ai?

Những ai quan tâm đến dịch thuật hẳn đều biết đến những cuộc phê bình từ đơn lẻ đến hệ thống nhắm vào văn học dịch trong mươi năm qua. Khen ngợi cũng có, nhưng phần lớn là chỉ ra những thiếu sót, tồn đọng. Người ta liên tục đặt nghi ngờ về các bản dịch, tìm thấy nhiều chi tiết dịch sai, và phát triển thành những cuộc bình luận chừng như bất tận trên báo chí, diễn đàn, mạng xã hội. Tuy nhiên, nhìn lại ta sẽ thấy, đối tượng của các nhà phê bình dịch thuật khá đặc biệt / khá đơn thuần. Họ không chọn theo tiêu chí tác phẩm hay tác giả hay trào lưu văn học thế giới nào, mà về cơ bản, họ chọn phê bình dịch giả, cụ thể là các ngôi sao. Đây cũng chính là nhân tố khiến cuộc phê bình dịch thuật có sức thu hút.

Thật ra, tôi muốn dùng từ tinh hoa, vì tôi biết đó là ngôn ngữ giới dịch thuật thường dùng, nhưng với xã hội thế tục này đôi khi hai khái niệm đó lẫn lộn. Tinh hoa không phải một giải thưởng có bằng chứng nhận, có thể sờ có thể ngắm. Tinh hoa là dạng công nhận mang tính trừu tượng được xác định bởi cộng đồng, đôi khi có sự áp đặt hay quảng bá từ những ngôi sao đi trước, hoặc từ các nhà xuất bản. Tinh hoa khi được trao vào tay, ai chẳng vui, còn có sức nặng hơn mọi loại bằng khen ấy chứ. Nhưng trách nhiệm cũng nặng nề lắm trên vai tinh hoa, với nghề, với xã hội. Chính vì vị thế và trách nhiệm ấy, mà các nhà phê bình dịch thuật tìm tới họ.

2/ Người ta phê bình để làm gì?

Sau những trận bút chiến vừa qua, tôi biết nhiều người trong giới dịch văn học đã âm thầm gác bút. Họ thất vọng, bởi những tưởng chọn cái nghề bèo bọt về công cán ấy sẽ được tưởng thưởng bằng danh tiếng xã hội, ai ngờ chỉ nghe thấy những tiếng chê bai nhắm vào bản thân hoặc đồng nghiệp. Họ ngơ ngác hỏi nhau, ơ hay, cái nghề khổ cực như thế mà sao thiên hạ lắm điều vậy nhỉ. Nhiều người chọn bỏ hẳn nghề dịch. Nhiều người chọn “đi men”, bằng cách trở lại với con đường viết lách, vì cho rằng viết là sáng tạo, còn dịch chỉ là thủ công.

Tôi cho rằng việc người ta tập trung “soi” nghề dịch có nguyên cớ riêng. Dịch sách và viết văn là hai việc khác nhau. Nếu viết trước hết là để thể hiện suy tưởng của cá nhân, thì dịch lại bắt đầu (đôi khi vô thức) từ khát vọng trở thành trí thức. Công việc dịch thuật giàu tính khoa học, gắn liền với những yêu cầu như phải biết ngoại ngữ và giỏi tiếng mẹ đẻ, phải có nền tảng kiến thức rộng và hiểu biết về các hệ thống tư tưởng; và nói gì thì nói, tính chất quốc tế của dịch văn học cao hơn nhiều so với viết văn. Chính cái tính chất đặc biệt này – giữa bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay – đã góp phần mạnh mẽ đưa người dịch trở thành nhân tố trí thức. Viết văn và nhiều ngành xã hội khác có thể là cuộc chơi ao nhà, nhưng dịch văn học – một công việc cá nhân âm thầm – lại mang tính quốc tế sâu sắc. Đây là những nguyên nhân cơ bản khiến người dịch trở thành tiêu điểm của giới phê bình (chứ không phải người viết).

Phê bình để thể hiện cảm thụ cá nhân

Tôi cho rằng các bài phê bình văn học dịch xếp vào mảng này không nhiều và cũng không thu hút lắm, giống như với mảng phê bình văn học Việt Nam. Tất nhiên bạn có thể biện luận rằng phê bình nào chẳng để thể hiện cảm thụ cá nhân. Nhưng ý tôi ở đây là xem việc thể hiện ra cảm thụ riêng ấy là một câu thúc, là mục đích chính nhất của việc phê bình. Người phê bình có những tán dương hoặc bất đồng với bản dịch cần được giãi bày. Những bài viết mang mục đích này thường hay, vì được viết dựa trên mong muốn chia sẻ tri thức thông qua kênh văn chương, chứ không phải bằng khoa học như các cách thức sẽ đề cập sau.

Phê bình để thể hiện quan điểm xã hội

Sau khi một trang web nhắm búa rìu vào một dịch giả, người đó đã có lần bày tỏ ngạc nhiên không hiểu căn cớ, vì vốn dĩ hai bên có mối quan hệ bình thường. Chắc chắn là có nhiều lý do, nhưng theo tôi nguyên nhân cơ bản cho những trường hợp như thế là người ta đã dùng phê bình dịch thuật làm một công cụ phản biện xã hội. Tất nhiên, dịch giả ngôi sao sẽ là những cái bia tốt.

Đa số người dịch sách ở nước ta đều hăm hở bước vào nghề dịch với đam mê đơn thuần hòa trộn giữa tình yêu văn chương và ngoại ngữ. Thế nên họ đã phải giật mình kinh ngạc, khi thấy giới phê bình sau khi hết lời chê bai một tác phẩm dịch nào đó, thì liền quy kết cho người dịch những tội danh rất nặng nề và mang tầm vóc xã hội to lớn. Giới dịch sách bấy giờ mới chột dạ, không ngờ cái nghề của mình lại oai thế, có khả năng tương tác với thế giới mạnh mẽ thế.

Thực ra, ở đây, người dịch có lẽ nên thấy vinh hạnh, khi nhận ra mình đang được xem là một dạng trí thức tiêu biểu. Rõ ràng giới phê bình dịch thuật nhằm thể hiện quan điểm xã hội đã đánh giá như vậy, kèm lập luận thế này: Người viết mà viết tồi thì cùng lắm là chẳng ai đọc hoặc cười mũi vài cái rồi bỏ đi, nhưng người dịch thì ngược lại, dịch tồi một tác phẩm có tiếng sẽ bị xem là đã góp phần phá hoại cả một nền văn chương, văn hóa, tư tưởng nào đó, vốn dĩ được cho là cao hơn chúng ta một bậc trên nấc thang tiến hóa, vì thế sẽ bị xem là góp phần làm suy đồi dân trí – mà đây thì rõ là cái tội rất nặng. Người dịch không vươn được mình tới chỗ thấu hiểu và truyền đạt tốt tri thức của những nền văn minh tiến bộ, thì có nghĩa họ đang kéo xã hội vốn trì trệ này thụt lùi thêm, họ sẽ bị xem như dạng “giá áo túi cơm”.

Phải nói là tôi có phần đồng ý với quan điểm đó. Nghề dịch là một nghề nghèo nhưng sang, nếu dịch giả làm ăn úi xùi thì khác nào biến nó thành một nghề nghèo và hèn. Nhưng tôi cũng biết rằng, các nghiên cứu này khước từ sự khách quan trong định tính vì họ đã có định hướng cụ thể cho kết luận. Âu đó cũng là chuyện bình thường của khoa học xã hội của ta (dù trong hay ngoài nước, dù ngành nào), khi đa số người nghiên cứu thích chọn sẵn cho mình kết quả nghiên cứu (dựa trên lập trường tư tưởng), và rồi tất cả những gì cần làm là tìm luận chứng để diễn dịch kết quả đó.

Phê bình để quảng cáo

Sử dụng bài điểm sách để quảng bá là hình thức tất yếu mà người làm sách phải tính đến khi xuất bản, vì thế nên sẽ có loại phê bình văn học dịch với mục đích quảng cáo. Nghe có vẻ thường tình, nhưng thực chất trên thế giới điểm sách là một nghệ thuật, đôi khi mang tính sống còn đối với một tác phẩm, thậm chí là cả tác giả. Thế nhưng, thực tế là điểm sách trên báo chí ở nước ta không có nhiều bài chất lượng, nên gọi là thông cáo báo chí thì đúng hơn. Chỉ thỉnh thoảng ta mới được thấy những bài bình luận sắc sảo xuất hiện trên trang cá nhân của các nhà làm sách.

Tuy nhiên, ngay cả với những bài viết hay, thì cũng phải thấy một thực tế thú vị rằng đó là những bài phê bình văn học nước ngoài, chứ không hẳn là phê bình văn học dịch. Tức là, người viết hầu như chỉ đánh giá về tác phẩm, chứ ít đả động tới công lao hay vai trò của người dịch. Thế nên giới dịch thuật đành ấm ức đặt ra quy ước ngầm là nếu khen tác phẩm ngoại văn hay nghĩa là ít nhiều đã đề cao dịch giả.

Nhưng có một hình thức quảng cáo còn thú vị hơn, đó là “quảng cáo bản thân”

Khoảng một thập kỷ qua, đã không ít cá nhân/đơn vị trở nên nổi tiếng như cồn thông qua con đường phê bình dịch thuật. Hiện tượng những cái tên chưa ai biết hoặc chưa nổi, những cái tên đã chìm nghỉm, bỗng chốc tỏa sáng chỉ sau cú đánh trực diện nhằm vào một bản dịch/dịch giả nào đó không còn là xa lạ. Sử dụng ngôn ngữ phê bình đanh thép và gay gắt, cùng một số luận điểm thuyết phục, họ đã khiến ta vừa khâm phục vừa kính sợ – hai cảm xúc đủ để ta chấp nhận cho ai đó trở thành ngôi sao mà không cần xác nhận gì thêm. Điều này diễn ra theo định luật: Muốn nổi tiếng, phải/hãy lập ngôn.

Sự kiện thì nhiều, nhưng ở đây tôi chỉ muốn chọn nói tới một trường hợp điển hình cho thập niên, mà tôi theo đó không thể là ai ngoài Thiên Lương cùng loạt bài phê bình Lolita do Dương Tường dịch. Thiên Lương là ai, ít người biết về mặt cá nhân cũng như về sản phẩm dịch (ngoài Lolita – tình yêu to lớn và đột ngột của người dịch này), nhưng rõ ràng đó là một cái tên chấn động. Nếu như các nhà phê bình văn học dịch trứ danh khác gợi ra khái niệm “thảm họa dịch thuật” thì Thiên Lương định nghĩa về “vụ án dịch thuật”.

Sự kiện Thiên Lương đã và đang dành mấy năm trời để sống chết báo thù cho một bản dịch nhiều sai sót khiến tôi liên tưởng tới cảnh Javert tám năm ròng lẽo đẽo bám theo Jean Valjean người phạm tội trộm bánh mì. Được gì mất gì không ai rõ, nhưng chắc chắn Thiên Lương đã nổi tiếng và sẽ được ghi nhớ lâu dài, thậm chí trở thành một tính từ. Nếu như ở tư cách người dịch, Thiên Lương mang tâm thế trí thức, thì ở tư cách người phê bình, nhân vật này lại phản trí thức.

Thoạt đầu tôi cũng thoáng ngạc nhiên, không hiểu vì sao người ta phải la làng lên như vậy về một bản dịch, càng ngạc nhiên với đội quân đánh giúp tinh nhuệ, dù tất cả đều đã giương cao khẩu hiệu bảo vệ văn chương, tri thức, chính nghĩa. Nhưng rồi tôi có nhận thức mới khi nhớ có người từng nói, xã hội giờ đây đã trở thành một game show vĩ đại, và dịch văn học cũng buộc phải dấn thân vào trường quay “truyền hình thực tế” ấy. Một ngôi sao nhất định không thể là một người giỏi có thân phận làng nhàng mà phải có gì đó hết mức cường điệu, hoặc kệch cỡm, lố bịch. Trừ phi bạn không muốn là ngôi sao, bạn buộc phải chấp nhận luật chơi. Trừ phi bạn không cần “tỏa sáng cùng sao”, bạn buộc phải chấp nhận là một tín đồ trung thành. Tôi cho rằng game show này được tổ chức ở mọi cấp độ (thế nên đây chỉ là một chuyện tất nhiên điển hình), và tôi cũng cho mọi game show đều chứa đựng trí thức và phản trí thức, chỉ khác nhau về tỉ lệ mà thôi.

Ngoài ra, có một loại mục đích phê bình khác mà tôi không nói đến ở đây, đó là phê bình để trả tư thù, đơn giản là vì các dẫn chứng chỉ mang tính “nghe nói”.

Tóm lại, những cuộc phê bình văn học dịch với mục đích đa dạng như thế đã khiến cho đội ngũ dịch giả không khỏi cảm thấy lo lắng hay tức giận. Nhưng công bằng mà nói, mâu thuẫn ấy là cần thiết cho sự phát triển của nghề dịch và nghề phê bình văn học – một bên phải phản tỉnh và một bên trở nên có sức sống hơn – và cho cả nhận thức của độc giả. Cuộc chạm trán giữa dịch văn học và phê bình văn học dịch trong những năm qua đã bắt buộc ít nhất là phía người dịch phải nhìn nhận lại vị trí của bản thân và nghề của mình trong xã hội – một vị trí sang trọng và đẹp đẽ nhưng cũng rất nặng nề. Cuộc chạm trán ấy cho họ thấy họ có thể là một dạng ngôi sao, một nhà khoa học, một nhà nghệ thuật, một đối tượng của phản biện xã hội. Họ nhận ra chọn làm dịch giả là lựa chọn con đường trở thành trí thức, chứ không đơn thuần là chọn cách kiếm sống hay cách nổi tiếng. Cuộc chạm trán ấy đánh động giới dịch thuật, bắt buộc họ phải trau dồi hơn, trách nhiệm hơn. Và nó cũng tạo ra một cuộc sàng lọc, nơi những ai muốn “quẳng gánh nặng đi mà vui sống” quyết định giã từ nghề dịch, và ở lại sẽ là người chọn vui sống cùng gánh nặng đó.

 Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.