Nhân kỷ niệm 5 năm ngày mất của Georges Condominas (16/7/2011 – 16/7/2016): "Loại hình sống" Condominas

Nguyên Ngọc

 

60 năm trước, mùa khô năm 1948, một nhà dân tộc học trẻ lễ mễ dọn đến định cư ở một làng nhỏ dưới chân dãy núi Chư Yang Sin, bên bờ con sông Krông Nô hoang vắng, có tên là làng Sar Luk, của người Mnông Gar, cách thành phố Buôn Ma Thuột trên 100 cây số và cách Đà Lạt cũng gần đúng bằng ấy đường đất. Anh có ý định lạ lùng: là người Pháp lai Việt, anh muốn tự biến mình thành một người Mnông Gar chính cống. Anh tên là George Condominas, 27 tuổi, nghiên cứu sinh trường Cao đẳng thực hành EPHE Paris, được phái làm đến luận văn dưới sự hướng dẫn của giáo sư Marcel Griaule. Lúc đầu anh định chọn tộc người Ê Đê hết sức hấp dẫn vì chế độ mẫu quyền với hình thức hai bào tộc độc đáo (Condominas bảo rằng cái chế độ xã hội thú vị ấy lôi cuốn nhà dân tộc trẻ như một thứ chim lạ nhiệt đới sặc sỡ!), nhưng bác sĩ Jouin, một người thầy thuốc giỏi đồng thời là một nhà dân tộc học uyên thâm đã khuyên anh đến với người Mnông Gar còn hoàn toàn chưa được ai chú ý, và một người bạn tên là Bbÿt mà anh sẽ rất biết ơn đã gợi ý cho anh về làng Sar Luk… Rồi tất cả những gặp gỡ và khuyên nhủ cứ như tình cờ ấy sẽ quyết định cả cuộc đời anh…

Hơn 50 trước, mùa xuân năm 1955, giữa Paris hoa lệ, một buổi sáng đẹp trời. Cũng chính anh thanh niên ấy tần ngần đứng thập thò trước một ngôi nhà có gắn tấm bảng nhỏ bằng đá trắng ghi dòng chữ vàng giản dị mà trang nghiêm “Mercure de France”, mãi lâu lắm mới dám đặt chân lên bậc thềm. Một ông bạn vong niên, Pierre Verger, người được coi là “Gauguin của nhiếp ảnh” – những bức ảnh của ông hoang dã và thấm đẫm hương vị Haïti xa xôi –  đã đưa anh đến đây. Được ông bạn nổi tiếng dẫn đường và giới thiệu mà Goerge Condominas vẫn rất rụt rè lo sợ: Mercure de France đâu có phải là một nhà xuất bản bình thường như hằng trăm nhà xuất bản ở Paris. Đây là một thánh đường: tất cả các tác phẩm của hai thi hào lớn nhất nước Pháp thời bấy giờ, Rimbaud và Verlaine, đều được in ở đây. Bước vào đây khác nào đặt chân vào đền Panthéon của những người bất tử. Vậy mà George mang đến cái gì? Một bản thảo còn dở dang. Đem một bản thảo dân tộc học của một người vô danh chân ướt chân ráo vào nghề đến thánh đường văn học lừng danh này quả là anh có gan cóc tía, theo cách nói của mẹ anh vốn mang hai dòng máu Việt và Pháp; lại thêm bản thảo chỉ mới viết được mấy chương, còn chưa biết chắc sẽ tiếp tục đi về đâu. Anh sẵn sàng chờ bị tống thẳng ra khỏi cửa!…

Nửa thế kỷ sau, cuối năm 2007, tại Hà Nội, một cuộc trưng bày lớn, có cái tên rất lạ: Chúng tôi ăn rừng, George Condominas ở Sar Luk. Đã nổi tiếng ở Paris một thời gian dài, nay trưng bày này được mang sang Hà Nội,  theo đúng lời Condo – bây giờ các học trò của ông ở Pháp và khắp thế giới đều kính trọng và thân mật gọi người thầy của mình như vậy – Hà Nội, Việt Nam mới đúng là quê hương thật sự của nó. “Chúng tôi ăn rừng” chính là tên cuốn sách anh thanh niên rụt rè mà to gan nọ mang đến nhà xuất bản Mercure de France hơn nửa thế kỷ trước. Cuộc trưng bày đã  trở thành một sự kiện văn hóa lớn và cảm động. Bạn bè và công chúng đến chen chúc. Anh thanh niên mấy chục năm xưa nay đã là một ông già 87 tuổi, vẫn cường tráng tuy lưng đã hơi còng xuống, vẫn chiếc mũ phớt màu nâu đậm và chiếc áo vét tông nâu nhạt như mọi ngày. Khi tôi khen ông còn trẻ và khoẻ lắm so với tuổi, ông nheo mắt cười buồn pha một chút hóm hỉnh: “Mình là người lai Âu Á ấy mà, trông bề ngoài bao giờ cũng trẻ hơn thật. Lừa đấy!”. Nhà bác học có vẻ ngơ ngác, thậm chí lạc lõng giữa những người hâm mộ vây quanh. Suốt đời ông không sao quen được với các nghi lễ. Ông bắt tay vài người bạn rồi đi thẳng tới chỗ một nhóm người ăn mặc kiểu Tây Nguyên: những người Mnông Gar ở tận làng Sar Luk cách gần hai nghìn cây số vừa lặn lội ra Hà Nội để chào ông. Ông nói với họ bằng tiếng Mông Gar, thứ tiếng đã thành máu của ông cho đến nỗi có lần ông bảo: “Đêm tôi nằm mơ không phải bằng tiếng Pháp nữa mà bằng tiếng Mnông Gar”. Không hề là một câu nói chiếu lệ, đấy là cả cuộc đời ông. Trên tấm biển lớn treo trước phòng trưng bày những người tổ chức đã ý tứ ghi đậm một câu của Condo: “Với tôi, dân tộc học là một loại hình sống” (Pour moi, l’ethnologie c’est un genre de vie). Có người đã dịch: dân tộc học là một nghệ thuật sống. Người khác thì dịch: dân tộc học là một cách sống. Riêng tôi muốn dịch: một “loại hình sống”. Con người ta có thể sống theo nhiều “loại hình” khác nhau. Condo sống cuộc đời mình trong loại hình dân tộc học. Không phải một nghề. Một loại hình. Như khi người ta nói về các loại hình trong các họ thực vật hay động vật khác nhau. Có một loại hình những người làm dân tộc học, trời đất đã gán cho họ một số phận như vậy, không thể khác, và Condo đã được sinh ra trong loại hình đó, vừa như một sự chọn lựa vừa như một số kiếp, lại như được cuộc đời tặng cho. Khó có cách diễn đạt nào khác hơn. Loại hình ấy là thế nào? Tôi cố tìm hiểu. Và tôi đã có dịp may.

Khai mạc trưng bày, dự vài cuộc giao lưu với công chúng xong, ông lên đường đi vào Trà Mi, Quảng Nam. Ông rủ tôi cùng đi, bảo đi có bạn cũ mới vui, mà anh lại là người quen biết Quảng Nam nhiều. Cách đây mấy mươi năm Condo đã đến nhà tôi, hôm ấy tôi không thể nào tin vào mắt mình khi xe ông đỗ xịch trước cửa: nhà bác học lừng danh thế giới ấy đến thăm tôi bằng xe ôm! Lần này, nếu cần, ông cũng sẽ sẵn sàng đi xe ôm như vậy lên tận Trà Mi. Ông từng kể với tôi về cha ông, Boris Condominas, là trưởng đồn lính khố xanh Trà Mi thời cuối những năm 40 thế kỷ trước. Chắc ông muốn về đấy tìm lại dấu vết của cha. Ở Trà Mi một số cụ già vẫn còn nhớ rõ “ông Tây đồn xưa”. Một ông cụ tên là Phương kể: “Ô, ông Tây đồn đó rất tốt, vui tính lắm. Chiều chiều ông ấy thường chống ba toong đi dạo qua các xóm, bữa nào gặp tôi ông cũng đưa tay chào, bonjour petit!…”, Condo rất cảm động.

clip_image002

Cụ Phương (trái) cười với Condo.

Nhưng Condo đi Trà Mi không chỉ để tìm dấu cha. Hồi ở Trà Mi, cha ông từng nghiên cứu về cây quế, nghề trồng, chế biến và buôn bán quế, bao nhiêu tài liệu tích cóp công phu sau đó bị quân Nhật lấy sạch. Hoá ra mục đích chính của Condo trong chuyến đi này là để bổ sung tài liệu cho một công trình nghiên cứu ông đang theo đuổi về cây quế, cố gắng hoàn tất công việc dở dang của cha. Ông già 87 tuổi ấy vẫn làm việc, chăm chú, cẩn trọng, tỉ mỉ, sôi nổi, hẳn đúng hệt 60 năm trước khi ông đến “ăn rừng” với người Mnông Gar ở Sar Luk. Ông xông xáo kéo chúng tôi vào các rừng quế, đôi mắt tò mò, soi mói, khát khao, chưa hề thoáng dấu hiệu mệt mỏi, trên tay lúc nào cũng xăm xăm chiếc máy ảnh Roleiflex cổ kính của những người chuyên nghề dân tộc học. Và cũng hệt thời ở Sar Luk, ngày lăn lộn cật lực, đêm Trà Mi se lạnh ông lại thức rất khuya, nhấm nháp một ít nước chè xanh, thứ nước uống ông thích nhất – ông còn hỏi ở đây có nước vối không? –, rủ chúng tôi cùng thức, và rầm rì tâm sự cùng chúng tôi về cái “loại hình sống” của ông.

clip_image003

Condo và Nguyên Ngọc tại Trà Mi.

clip_image005

Condo quan sát cây quế.

Condominas được đào tạo bởi những nhà nhân loại học và dân tộc học hàng đầu thế giới, những Marcel Mauss, Paul Mus, Claude và Paul Lévy-Strauss, André Leroi-Gourhan, André-George Haudricourt, Pierre Edouard Mestre, Maurice Leenhardt… Đấy không chỉ là những bộ óc khổng lồ, còn là những nhân cách đặc biệt, cứ như là “một giống loài khác”, một “loại hình khác”, như Condominas đã tìm được cách diễn đạt thật chính xác. Những người thầy ở ngọn nguồn của khoa nhân loại học thế giới ấy đã tạo ở Condo, ngay từ đầu, một quan niệm riêng độc đáo và sâu sắc về dân tộc học và người làm dân tộc học. Theo ông, giữa người nghiên cứu dân tộc học với những người làm các môn khoa học khác có một sự khác biệt lớn, thậm chí cơ bản: đó chính là cách quan sát. Nhà sinh vật học hay vật lý học chẳng hạn chỉ có thể đứng ở bên ngoài đối tượng để xem xét, nhìn nhận, nghiên cứu, đánh giá một cách lạnh lùng. Nhà dân tộc học lại khác hẳn. Anh ta nhất thiết phải tự đánh chìm mình vào đối tượng, tức là con người,  trong các mối quan hệ xã hội ở chính môi trường sống của họ. Anh phải nhìn được họ từ bên trong. Thậm chí không phải nhìn, mà là cảm, cảm bằng toàn bộ cơ thể mình. Phải hoàn toàn nhập thân, biến mình thành chính họ. Không thể đem thế giới quan của một người bên ngoài, càng không thể của một người phương Tây, với những chuẩn mực giá trị hoàn toàn khác đến đo đếm, định lượng và định chất cuộc sống cùng các giá trị nội tại của một cộng đồng nhỏ bé như cộng đồng Mnông Gar.

clip_image007

Condo và vợ – Claire Merleau-Ponty.

Cũng chẳng có gì khó hiểu lắm đâu – Condo bảo – chẳng hạn, để đánh giá một món ăn của người Mnông Gar có ngon hay không, thì chỉ có là người Mnông Gar mới có thể biết được. Muốn biết người Mnông Gar cảm nhận thế giới như thế nào, bạn hãy chính là người Mnông Gar… Vậy nên nếu một nhà khoa học thông thường có thể có một đời sống riêng của mình bên cạnh và đứng ngoài công việc nghiên cứu của anh ta, thì đối với một nhà dân tộc học lại hoàn toàn khác. Công việc của anh, nghiên cứu dân tộc học của anh cũng chính là cuộc sống của anh, tuyệt đối là một. Anh không còn có cuộc sống riêng nào khác nữa. Anh sống tức là anh đang nghiên cứu dân tộc học đấy, và anh nghiên cứu dân tộc học cũng chính là anh đang sống đấy. Dân tộc học đối với anh không phải là một nghề, đó là toàn bộ cuộc đời anh. Anh không phải là người nắm giữ tri thức mà là cầu nối giữa tri thức và cộng đồng, giữa văn hóa và xã hội… Năm 1948 Condo đến Sar Luk với niềm tin sâu sắc đó. Lúc đầu anh xin ở trong một nhà dân, ít lâu sau xin dân làng cho anh làm một căn nhà nhỏ, tự biến mình thành một hộ giữa các hộ khác của làng, một “khẩu” Mnông Gar toàn vẹn trong cái cộng đồng Mnông Gar Sar Luk nhỏ bé mà hoá ra mênh mông trong chiều sâu văn hóa không cùng của nó. Những ngày đầu anh còn phải nhờ một người phiên dịch Mnông, nhưng rồi anh nhanh chóng học thành thạo tiếng Mnông Gar, không phải chỉ nói mà còn suy nghĩ bằng chính thứ tiếng đã thành máu trong từng li ti huyết quản của anh. Cho đến tận bây giờ, trong buổi tối ngồi tâm sự ở Trà Mi, có nhiều điều Condo bảo rằng ông chỉ có thể nói bằng tiếng Mnông Gar chứ không biết cách nào diễn đạt được bằng tiếng Pháp. Nghĩa là Condo đã hoàn toàn nhìn thế giới “theo lối” Mnông Gar, cảm nhận mọi sự ở đời “một cách Mnông Gar”. Ông đã bị nhiễm Mnông Gar mất rồi, không còn cứu chữa gì được nữa. Theo một cách nào đó, không phải Condo “đi điền dã” (hay như cách nói buồn cười mà không sao chữa được của các ông nhà văn chúng ta bây giờ: “đi thực tế”). Condo đến, nhập vào cuộc sống của cộng đồng, tự hoà tan mình đến mất tăm trong đó. Trong một cuộc giao lưu với công chúng ở Hà Nội, Condo nói đến một điều rất sâu sắc và thú vị. Ông bảo có thể do ông là một người lai Âu Á chăng mà khi sống với người Mnông Gar “tôi tìm ra chính bản thể của tôi”, cái bản thể còn khá mù mờ đối với ông khi ông còn ở Pháp. Hoá ra đấy là một cuộc đi tìm bản thể thật lạ lùng mà kỳ diệu của con người…

Thực ra vấn đề không chỉ đơn giản có vậy. Còn có một khía cạnh nữa, tế nhị và rắc rối hơn: anh vừa phải quên và làm cho mọi người trong làng quên tư cách nhà dân tộc học đến quan sát của anh đi, cố gắng không để cho sự có mặt của mình làm biến dạng cuộc sống ở đây, đồng thời anh lại vẫn cứ phải là một nhà dân tộc học tò mò, chăm chú, tỉnh táo, thậm chí trong từng giây phút, để quan sát, ghi chép, đánh giá. Nghĩa là vừa phải nhập vào đến tận cùng, vừa lại phải tách ra đến tỉnh táo… Tôi có hỏi Condominas về cái khó của vị thế song đôi cực kỳ tinh tế ấy. Thoạt đầu ông có hơi ngạc nhiên về câu hỏi, rồi ông nói, thâm trầm: Có lẽ không thật sự có vấn đề đó, hoặc là tôi không thật sự cảm thấy rõ lắm điều đó. Miễn là anh sống chân thành, hết mình, miễn anh thật sự quan tâm đến những người chung quanh mình, thì mọi sự đều ổn một cách tự nhiên. Không người Mông Gar nào trong làng cảm thấy vướng víu vì có mặt nhà dân tộc học Condo. Cộng đồng Sar Luk đã chấp nhận tôi, Sar Luk là làng tôi mà. Tôi làm rẫy, uống rượu cần và quan sát, ghi chép… cũng như họ làm rẫy, uống rượu cần và tế trâu, có gì khác nhau đâu!… Ông ăn tất cả những gì người Sar Luk ăn, cả một thứ “súp” gần giống món “thắng cố” của người Hmông phía Bắc, nấu lẫn tất cả ruột phèo còn nguyên của con trâu, ông bảo lúc đầu cũng khó khăn lắm, nhưng rồi qua được lại thấy ngon, như người Mnông Gar vẫn thích và thấy rất ngon. Ông vui cùng họ, buồn cùng họ, đau đớn và hạnh phúc cùng họ. Số phận của ông gắn liền cùng số phận họ…

Và rồi, vậy đó, từng ngày từng ngày ông hiểu ra những chân lý hiền minh sâu xa và bất tận lắng đậm trong những con người có lẽ trên toàn thế giới văn minh không còn ai biết đến nữa, ngoài ông. Ông nhất thiết phải viết về họ, nói với toàn nhân loại về họ, không phải như một công trình dân tộc học để có tên tuổi trong giới khoa học toàn cầu, mà vì quả thật ông đã mắc nợ họ quá nhiều, quá lớn: món nợ vô giá về một cách sống, một “loại hình sống” họ đã thân yêu và hào phóng cho ông…

… Nhưng rồi một tai nạn lớn đã dến. Cuối năm 1950, một trận sốt rét rừng ác tính kinh khủng đánh gục Condo, như nó đánh quỵ đến chết hàng chục người châu Âu ở vùng này. Condo bị lâm vào một cơn hôn mê sâu. Rất may bấy giờ mùa mưa vừa chấm dứt. Mưa rừng Krông Nô hung dữ cho tới mức Condo bảo đến voi cũng không vượt qua nổi các cơn lũ. Nhờ đường sá đã khô, dân làng đã chuyển được Yoo Condo của mình về Buôn Ma Thuột (Yoo là cách gọi của người Mnông Gar đối với một người bên ngoài đến mà đã được họ thương yêu và kính trọng như chính người làng, một kiểu già làng của cộng đồng làng). Một trăm cây số, dân làng Sar Luk đã khiêng người thân nhất của mình vượt qua một đoạn đường lởm chởm và dài đến thế đó. Lại một may mắn lớn nữa, Condo được hai bác sĩ tài ba và rất giàu kinh nghiệm về y tế ở Tây Nguyên chạy chữa: bác sĩ kiêm nhà dân tộc học Jouin, và một người có cái tên tuyệt đẹp đối với một người thầy thuốc, bác sĩ Soulage (soulager trong tiếng Pháp có nghĩa là làm dịu nỗi đau của người khác). Khi tỉnh dậy, Condo thấy hai chân mình đã bị liệt hoàn toàn, tính mạng của anh chỉ còn treo lơ lửng đầu một sợi chỉ mỏng. Nhưng điều nguy hiểm nhất đối với anh lúc này lại là ở một chuyện khác: anh có 42 cuốn sổ ghi chép toàn bằng tiếng Mnông Gar và lại theo một lối chế biến như mật mã của riêng anh. Nếu anh chết đi, toàn bộ gia tài vô giá ấy sẽ vĩnh viễn biến mất. Có lẽ nghị lực sống của anh một phần rất lớn đến từ ý chí quyết không để mất những cuốn sổ đó, chứa toàn bộ cuộc sống của anh ở Sar Luk, trải nghiệm, đau khổ, trăn trở, suy ngẫm làm người và giác ngộ cùng hạnh phúc của anh khi được sống cùng người Sar Luk, được người Sar Luk dạy cho một “loại hình sống” đã trở thành loại hình sống của chính anh.

Và Thần chết lần này đã chịu lùi bước. Jouin, Soulage cùng cộng đồng Sar Luk kỳ diệu và những cuốn “sổ nợ” vô giá kia đã cứu anh. Vừa ngồi dậy được, anh liền bị các bác sĩ và cả những người chịu trách nhiệm về chuyến nghiên cứu của anh buộc phải quay trở về Pháp ngay. Nhưng Condo nghĩ khác, anh nhất quyết đòi trở lại Sar Luk. Công việc của anh ở đấy còn chưa xong mà. Món nợ của anh còn rất lớn…

Một thời kỳ phục hồi khó khăn và kéo dài. Mà từ trường Đại học Sorbonne nổi tiếng nghiêm khắc ở Paris, giáo sư hướng dẫn Marcel Griaule thì cứ thúc giục anh phải nhanh chóng hoàn thành bản luận văn “sẽ đảm bảo cho anh một chỗ đứng vững chắc dưới vầng mặt trời đại học”. Condo viết một bức thư dài gửi cho thầy Griaule, lễ phép nói rằng trong tình trạng thập tử nhất sinh lúc này, khi đã có phần hồi tỉnh nhưng cái chết vẫn còn treo lơ lửng trên đầu, anh cho rằng anh có một nghĩa vụ còn lớn hơn rất nhiều lần niềm vinh quang đại học và những chân trời khoa học rực rỡ đang mở ra trước mắt: Nghĩa vụ tình cảm thiêng liêng đối với những người dân làng Sar Luk đã chấp nhận anh và trong suốt thời gian anh được cùng ăn rừng với họ đã dạy anh một cách sống làm người khác, sâu thẳm như trước nay anh chưa từng ngờ. Luận văn ư, xin thầy kính mến để cho sau, lúc này còn sống ngày nào anh phải viết ngay những gì anh đã được cộng đồng những người dân Sar Luk đã cho anh được chia sẻ và từ đấy mà học được một cách làm người như chưa bao giờ anh được biết. Gần như là trên giường bệnh, tay bút còn run rẩy, Condominas viết những chương đầu tiên của cuốn sách về sau sẽ được đặt tên là Chúng tôi ăn rừng Đá Thần Gô. “Ăn rừng” là cách nói đặc trưng của người Người Mnông Gar. Những con người của rừng này xác định thời gian bằng không gian, không gian rừng. Họ gọi tên một năm của làng bằng cách gọi tên khu rừng làng làm rẫy, xin lấy cái ăn của rừng trong năm đó. “Chúng tôi ăn rừng Đá Thần Gô” chính là năm nông nghiệp kéo dài từ tháng 11 năm 1948 đến tháng 10 năm 1949, khi Condo được đến “ăn rừng” cùng dân làng Sar Luk… Buổi sáng mùa xuân năm 1955, anh thanh niên còn hoàn toàn vô danh George Condominas đã liều lĩnh mang chính những trang bản thảo còn dở dang ấy đến thánh đường Mercure de France.

Đứng đầu Mercure de France là một nhân vật cũng không hề bình thường: giám đốc Paul Harmant. Trước nay ông chỉ quen đọc và nhận tác phẩm của những đại văn hào cỡ Rimbaud và Verlaine. Vậy mà khi cầm tập bản thảo của anh nghiên cứu sinh trẻ măng mới tập tễnh vào nghề, lại là một báo cáo điều tra dân tộc học thuần tuý, còn kèm theo một phụ lục các phương ngữ Mnông dài đến 120 trang (mà không một nhà xuất bản dù là chuyên in sách khoa học nào chịu nổi), bằng nhạy cảm của một người làm xuất bản vào loại thiên tài, ông biết ngay ông đang đứng trước điều mà về sau nhà nhân loại học hàng đầu thế giới Claude Lévy Strauss coi là “đánh dấu sự đăng quang trong nền văn học dân tộc học của một thể loại hoàn toàn mới, nổi bật vì sự gắn bó với hiện thực bản địa, sâu sắc hơn tất cả những gì đã từng có trước nay”. Paul Harmant ân cần, và cả kính trọng nữa – điều thật vô cùng đáng kinh ngạc – tiếp Condo, khuyến khích anh tiếp tục hoàn tất bản thảo, chăm chú theo dõi từng chương được viết ra, đảm bảo sẽ in trọn cả phần phụ lục dày cộp, thực chất là một cuốn từ điển hoàn chỉnh như cho đến nay vẫn chưa ai vượt qua được cả về xã hội lẫn thiên nhiên Mnông Gar… Vậy đó, với “Chúng tôi ăn rừng” đã xuất hiện một hiện tượng chưa từng có: một cuốn sách khoa học hết sức nghiêm túc, nghiêm khắc, chặt chẽ… lại có thể hoàn toàn là một tác phẩm văn học đặc sắc, văn học đến mức có thể xuất hiện ở một nhà xuất bản là thánh địa của những tên tuổi văn học lớn nhất thế giới…

Điều gì đã làm nên sự kiện kỳ lạ đó? Có lẽ Condominas, người đã cho tôi vinh dự lớn được là một người bạn nhỏ của ông, và lần này lại cho phép tôi cùng đi với ông trong một chuyến đi cảm động về vùng đất cũ của cha ông, nghe những tâm sự đậm đà của ông trong một đêm rừng Trà Mi se lạnh, Yoo Condo của người Mnông Gar Sar Luk, Condo cao lớn mà giản dị và thân thiết của hàng nghìn học trò của ông khắp thế giới, Condominas, nhà bác học vẫn trẻ trung một cách lạ lùng, bình dị mà sâu sắc một cách lạ lùng ấy, đã nói rất gọn trong lời đề từ cho cuộc trưng bày của ông ở Paris và ở Hà Nội: “Với tôi, dân tộc học là một loại hình sống”.

Ước sao mỗi chúng ta, trong cuộc sống của mình, cũng biết được như ông, coi công việc của mình không chỉ là một nghề làm ăn, mà là một “loại hình sống”, như ông già 87 tuổi vẫn trẻ trung vô cùng kia từng xác định cho cuộc đời mình. Sẽ rất hạnh phúc, tôi tin vậy.

Tháng 12-2007

N.N.

 

Comments are closed.