Lan man từ vụ Nhã Thuyên

Quách Hạo Nhiên

Tác giả gửi Văn Việt

auguste-rodin-1840-1917-thinker

Tượng “Người suy tư” của Auguste Rodin (1840 – 1917)

Thế là đã rõ. Nhã Thuyên bị “xử lý” không phải vì sự yếu kém trong nghiên cứu khoa học (mà cho dù có yếu kém trong nghiên cứu khoa học đi nữa cũng không đáng bị xử lý như thế) mà vì cô đã “mượn văn nghệ để làm ngọn cờ chính trị hòng lật đổ chế độ, thay đổi thể chế”. Dĩ nhiên đây chỉ là quan điểm của những kẻ “cùng hội cùng thuyền” trong việc triển khai nhằm cụ thể hóa thành ra cái quyết định để xử lý Nhã Thuyên mà thôi. Một quyết định có thể nói RẤT DŨNG CẢM (giữa thế kỷ 21 trong hoàn cảnh Việt Nam “đang hợp tác ngày một sâu rộng và toàn diện” với bạn nè quốc tế trên mọi lĩnh vực) nhưng DŨNG CẢM hiểu theo một nghĩa khác – NGHĨA của những kẻ bất chấp khoa học, bất chấp luật lệ và nhất là bất chấp đạo lý để làm một CON NGƯỜI đàng hoàng, tử tế.

Đến đây bỗng nhớ lại nhận xét trong bài “Việt Nam – nhà giàu và những đứa con chưa ngoan” (được cho) của một du học học sinh người Nhật đang lan truyền trên mạng internet mấy ngày qua: “Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường.”

Chao ơi, có cái gì đó khều vào tim rất nhẹ nhưng thiệt đau.

Đau như thể… CỘI NGUỒN đang rỉ rả máu đào.

Đau như thể chính trị là tối cao, “văn chương nghệ thuật khoa học… tất cả chúng mày phải phục vụ cho tao. Miễn bàn.”

Đau như thể bề ngoài rất yêu thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, đoàn kết cùng nhau… nhưng bên trong thì thâm thù nhau, quyết quần cho tả tơi nhau, cho tan hoang nhau, cho xấu mặt nhau, mặc cho người ngoài họ chế giễu và rêu rao…

Đau như thể “chính trị hóa văn học, nghệ thuật, khoa học, giáo dục là một đỉnh cao của sự sáng tạo” suốt mấy mươi năm qua mà “người ta” đang vô cùng đắc chí và tự hào!?

2

Lật lại lịch sử trước vụ Nhã Thuyên, không khó kể ra đây hàng loạt những vụ án mang màu sắc “chính trị hóa văn chương nghệ thuật, khoa học…” thời hiện đại. Đình đám và bi thảm nhất là vụ “Nhân văn Giai phẩm”. Hay gần đây nhất (ngay giữa thế kỷ 21 này) là hàng loạt các vụ lẻ tẻ như: vụ “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, vụ bài thơ “Trăng nghẹn” của Hoài Tường Phong, vụ truyện ngắn “Bóng anh hùng” của Nguyễn Doãn Dũng, vụ bài thơ “Lời cây dầu ở trụ sở ủy ban” của Đàm Chu Văn, vụ bộ phim Bụi đời Chợ Lớn

Kể ra mà thấy xót xa và buồn cười. Vì lẽ, không hiểu tại sao đang nắm trong tay quyền lực tối cao nhưng nhiều người lại thấy sợ một bài thơ, sợ một bài báo, sợ một truyện ngắn, sợ một bộ phim, sợ một công trình khoa học nghiên cứu văn chương… như vậy?

Tại sao cả một hệ thống chính trị, một thiết chế xã hội quyền lực đầy mình nhưng lúc nào cũng canh cánh sợ “thằng kia con nọ” làm thơ, viết văn, viết báo, làm phim là để chống phá mình, lật đổ mình? Trong khi ai cũng biết mấy chuyện làm “cách mạng” bằng nghệ thuật như thế này vốn chẳng ăn thua và đâu dễ dàng gì. Một bài thơ, một công trình khoa học mà có khả năng “kích động và bạo loạn lật đổ một thể chế” thì có lẽ lịch sử nước nhà đã không rơi vào cảnh tang thương và chìm đắm trong những cuộc chiến tranh tàn khốc và ác liệt; bao thế hệ người dân Việt đã không phải lao vào nhau đến nỗi máu đổ đầu rơi; những tinh hoa tinh túy của dân tộc đã không phải gửi xương cốt trong những nấm mồ hoang… cho “bọn cóc nhái” hiện nay ung dung chễm chệ trên ngôi cao mà “ăn mày dĩ vãng”, “ăn xén hiện tại” và “ăn hớt tương lai”?

Thế mới biết hóa ra, đã mấy mươi năm kể từ sau vụ “Nhân văn Giai phẩm” đau thương tưởng như “người ta” đã tự rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc về chuyện “nồi da xáo thịt” trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Nhưng không, tất cả đã lầm. Từ bấy đến nay gần như vẫn không có gì thay đổi. Vẫn không cho thấy chút gì là sự ăn năn và hối lỗi thật sự. Thậm chí, trái lại tuy ngoài miệng thì hô hào phải “đổi mới nhận thức”, “đổi mới tư duy” nhằm phát huy sự sáng tạo, “phát huy tiềm lực của khối đại đoàn kết dân tộc” nhưng bên trong là một cái bẫy vô cùng thâm độc và nham hiểm: giả vờ tạo điều kiện cho “trăm hoa đua nở” nhưng sau đó lén rải sâu hoặc pha thuốc độc vào phân để tưới lên những bông hoa lộng lẫy sắc màu và ngào ngạt hương thơm.

Thật đáng xấu hổ, tại sao người ta lại sợ và cảm thấy bất an về một công trình nghiên cứu khoa học vốn nằm lặng lẽ ở một góc trong thư viện đã mấy năm về trước; đến nỗi phải cho người lôi nó ra, lật tung nó lên, đốt nó đi rồi tiện đà đẩy luôn chủ nhân của nó xuống vực thẳm. Sợ đến nỗi nhất định phải dùng tới bạo lực để trấn áp tinh thần, dùng tới quyền uy để trấn áp suy nghĩ… trong đầu nhà khoa học, trong tim người nghệ sĩ?

Hay tại sao chỉ một bài thơ, một truyện ngắn nhỏ thôi cũng phải huy động cả một ban tuyên giáo địa phương, một Hội nhà văn quốc gia, thậm chí cả Hội đồng Lý luận Phê bìnhBan Tuyên giáo Trung ương để họp bàn, mổ xẻ, tranh cãi, lấy ý kiến và biểu quyết tập thể… Đầu óc, tư duy của không biết bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ nhưng suốt ngày chỉ lo nghĩ mấy chuyện “tầm” này thôi sao? Có nghịch lý và buồn cười không nếu “đầu óc” như thế này nhưng hở ra là “yêu cầu”, “đề nghị”, “đặt hàng” giới văn nghệ sĩ “phải làm sao kiếm cho được cái Nobel văn học” cho nở mày nở mặt với thiên hạ?   

3

Ôi thôi, suy nghĩ mãi mới biết, hóa ra, “người ta” sợ vì “người ta” không tin vào chính suy nghĩ và việc làm của mình (vốn rất không CHÍNH DANH); “người ta” sợ vì người ta tuy biết mình đã sai nhưng vẫn cứ cố chấp và KIÊN ĐỊNH lập trường sai. Thành ra biểu hiện của những nỗi sợ ấy cũng chính là lời tự thú, tự chứng minh cho sự độc tài, độc đoán, độc quyền trong tư tưởng – cái điều làm cho dân chúng cảm thấy vô cùng ức chế, rất khinh bỉ và muốn lánh xa. Là điều lẽ ra là đáng sợ nhất nhưng “người ta” lại cố tình lảng tránh: LÒNG NGƯỜI BẤT AN, LÒNG DÂN BẤT MÃN!

 Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả.

Comments are closed.