Vẻ đẹp của tiếng ồn

Trần Ngọc Hiếu

Bài viết này lấy lại nhan đề buổi nói chuyện với nhạc sĩ Kim Ngọc về âm nhạc đương đại tại Cà phê thứ 7 chiều nay. Một buổi nói chuyện có nhiều thông tin gợi mở suy nghĩ đối với cá nhân mình. Mình sẽ ghi chép lại những ý nghĩ tản mản của mình về những sự kiện văn hóa, nghệ thuật mà mình có điều kiện tham dự, thưởng thức như một thứ nhật ký.

Âm nhạc mà Kim Ngọc đang thể nghiệm là “noise music”, một thứ âm nhạc dựa trên sự khai thác tiếng động, tiếng ồn, những thứ tưởng chừng như đối lập nhất với âm nhạc theo cách hiểu thông thường. Nếu như âm nhạc khó định nghĩa bao nhiêu thì tiếng ồn cũng khó định nghĩa bấy nhiêu. Trong số nhiều định nghĩa về nó, có một định nghĩa này có lẽ giàu sức kích thích nhất đối với những người làm nghệ thuật tiền phong: tiếng ồn là âm thanh gây khó chịu. Con đường của nghệ thuật tiền phong là như thế: nó đổi mới nghệ thuật bằng cách chất vấn lại về “sự khó chịu” của chất liệu, bằng cách đưa những gì khó chịu nhất, những gì phản thơ, phản hội họa, phản nhạc, phản tiểu thuyết nhất vào nghệ thuật, và bởi thế, đương nhiên nó “khó chịu” với đại đa số công chúng. Âm nhạc, khi mở rộng chất liệu như vậy, luôn thách thức sự nghe ở chúng ta, nó đòi hỏi chúng ta phải suy tư lại về khả năng khơi dậy xúc cảm, liên tưởng của âm thanh. Ở mức độ nào đó, nghệ thuật đương đại là hình thức giải định kiến ở con người. Tại sao ta lại khó chịu bởi tiếng ồn? Một bản nhạc giao hưởng có phải là tiếng ồn với một số người hay không? Một giai điệu nhạc pop đại chúng dễ dãi được phát hoài trên xe bus có làm ta nhức đầu như tiếng ồn không? Những câu hỏi như thế khi được đặt ra và ý thức trả lời ráo riết, thành thật sẽ cởi mở tư duy và cảm nhận của con người rất nhiều.

Trong những ý kiến phát biểu tại buổi nói chuyện, nhạc sĩ Dương Thụ đưa ra một ý kiến thú vị. Những tiếng động, tiếng ồn khi nó gắn với những ký ức nhất định của con người, đến một khoảnh khắc nào đó, nó sẽ trở thành những âm thanh gây xúc động. Mà những âm thanh gây xúc động – đó chính là âm nhạc. Một tiếng còi tàu có thể là âm thanh rất gắt, rất inh tai, nhưng nó có thể khơi dậy những ký ức về văn minh hiện đại thời kỳ đầu, những liên tưởng văn hóa từ đó…Thế nhưng không phải những người làm nhạc thể nghiệm nào cũng khai thác khía cạnh nostalgia này. Sự hoài nhớ của con người thường là một nhân tố trì níu khả năng đổi mới trong nghệ thuật, nó làm người ta luyến lưu quá vãng hơn là nhận ra các giá trị của hiện tại. Bởi vậy mới có xu hướng phi biểu hiện của âm nhạc, đưa âm nhạc trở về với vẻ đẹp thuần túy khách quan của những chuỗi âm thanh. Cảm nhận được vẻ đẹp thuần túy đó, thú thực, với mình, giống như một kinh nghiệm Thiền.

Bản Etude dựa trên âm thanh của tàu hỏa này của Pierre Schaefer chẳng hạn. Schaefer chỉ làm công việc mix lại âm thanh ông thu được từ tiếng tàu hỏa chạy trên đường ray. Có thể gọi đây là một bản nhạc được không? Các chuỗi âm thanh được sắp xếp lại có tiết tấu, có kịch tính ở mức độ nào đó, nhưng khó mà gán cho nó một tình cảm chủ quan nào. Chỉ có điều, với ai còn nhiều ngây thơ, đó không còn là những âm thanh đều đều, khô khốc, inh tai, nó làm ta ngạc nhiên, làm ta phát hiện ra những âm thanh đó có chất thơ riêng của nó.

Vậy làm thế nào để ta có thể cảm nhận được nghệ thuật đương đại? Cần rất nhiều sự ngây thơ. Ngây thơ thì ta mới chăm chú lắng nghe, quan sát. Sự ngây thơ ấy mới khiến ta còn năng lượng để mà ngạc nhiên, bất ngờ. Sự ngây thơ ấy khiến ta dễ dàng thoải mái trước cái quyền được điên rồ của nghệ thuật.

Với cá nhân mình thôi, để hiểu những thứ nghệ thuật mới không khó. Tìm ra được lý do tồn tại của những phá cách, những sự khó chịu mà chúng quyết tâm đem đến cho công chúng không khó. Cách đây 5-6 năm, khi bắt đầu nhận dạy một học phần về nghệ thuật ở trường, mình phải soạn một phần dạy liên quan đến mỹ học. Khi đó, mình lò mò trên mạng, tìm được rất nhiều trang cho download những trang nghe nhạc, xem phim thể nghiệm, mà điển hình nhất là trang ubu.com. Khi lần đầu thử thưởng thức cái tác phẩm 4’33 của John Cage, mình cũng đã đi từ chỗ tháy tác giả điên, rồi đến mình điên, và cuối cùng thì mình bật cười. Cái cười đó vô cùng nhẹ nhõm. Hình như đó là tác phẩm nghiêm túc nhất mà cũng bông đùa nhất, khiêu khích nhất mà cũng độ lượng nhất mà mình biết.

Nhưng nghệ thuật không chỉ là nơi mà ta cần giải thích nó bằng lý trí là xong xuôi. Nó không phải là tri thức, hay chí ít, đó không phải là cái có ý nghĩa nhất của nghệ thuật. Nghệ thuật, quan trọng nhất, là lĩnh vực của sự cảm nhận. Mà đã cảm nhận thì phải ra ngoài trời, phải nghe, phải nhìn, phải trò chuyện nhiều hơn. Nên lúc nãy nói với bạn, mình sợ mọi suy nghĩ của mình về nghệ thuật, về đời sống đang bị trừu tượng. Mình sẽ phải đi đâu đó thôi…

Cuối cùng, chia sẻ với các bạn một album mà mình nghĩ nó là dẫn nhập tốt cho bạn nào muốn tìm hiểu về âm nhạc avant-garde. Chỉ cần google một chút, các bạn có thể tìm được cách leech link để tải album này về:

http://www.israbox.info/1146466355-va-a-young-persons-guide-to-the-avant-garde-2013.html

Nguồn: https://hieutn1979.wordpress.com/2015/07/26/ve-dep-cua-tieng-on/

Comments are closed.