Một trò chơi nhiều rủi ro (Về tập "Ba cái lẻ tẻ" – thơ Vũ Thành Sơn)

Lê Hồ Quang

image

Rất khó để thâu tóm Ba cái lẻ tẻ vào một mô hình cấu trúc mạch lạc, như lối đọc duy lý thường hướng tới. Một câu thơ của Vũ Thành Sơn lý giải hộ tôi điều này: “nhưng trí tưởng tượng luôn là một trò chơi nhiều rủi ro”. Nếu hình dung viết như một hành trình của trí tưởng tượng, thì đọc, nhìn từ phía ngược lại, cũng tương tự. Sự tiếp nhận, từ trong bản chất, đã mang sẵn khả thể tự do. Rủi ro trong tiếp nhận, do đó, có thể hiểu theo nghĩa sự đọc tự do tạo nghĩa và hoàn toàn có khả năng tạo nên những diễn giải đa chiều khó kiểm soát, bao gồm cả sự “đọc sai”. Nhưng nhìn từ phía khác, sự đọc – tưởng tượng cũng hứa hẹn những cuộc “phiêu lưu chữ” bất ngờ với những vẻ đẹp đến ngoài dự báo. Tạm thời xếp bỏ lối đọc mô hình hóa, chấp nhận quy ước đọc như một trò chơi tưởng tượng, có lẽ, cũng là một lối đi phù hợp với tinh thần Ba cái lẻ tẻ.

Ngay từ cái tên, tập thơ đã tự trình bày bằng thái độ trửng giỡn: không có gì quan trọng, đời thảy chỉ là… ba cái lẻ tẻ. Nên khi đọc thơ Vũ Thành Sơn, đã xảy ra một tình huống có vẻ hơi ngược đời: không phải thơ bị/ được độc giả đọc/ quan sát mà ngược lại, dường như chính độc giả đang bị thơ quan sát, bị “đọc vị”, bị lôi kéo, bị cười cợt, bị làm rối tung lên…, cho đến khi lờ mờ nhận ra đằng sau “ba cái lẻ tẻ” ấy là một cái gì đó khác. Môt nhân dạng nghiêm trang hơn, lặng lẽ hơn, và dường như, không thiếu u hoài, buồn bã.

Ba cái lẻ tẻ là tên tập, cũng là tên bài thơ dài mở đầu, gồm 20 khúc nhỏ, trong đó, mỗi khúc nếu tách rời có thể đứng thành một bài thơ độc lập. Cá tháng tư, tiếp đó, gồm 40 câu/ đoạn ngắn, được đánh số theo thứ tự. Kiểu chia bài thơ thành một số đoạn độc lập và nối kết với nhau bằng hệ thống số thứ tự cũng là cách Vũ Thành Sơn thực hiện ở Những số lẻ, Có một thời chúng ta, Ba bài mùa thu… Còn lại là những bài thơ lẻ, phần lớn viết theo thể tự do, và một số bài thơ văn xuôi.

Ba cái lẻ tẻ tràn ngập hơi thở của đời sống đô thị hiện đại, với những chi tiết như vừa được cắt ra trên báo chí, Internet hoặc bản tin TV về thời tiết, giao thông, sinh hoạt đô thị… Một thành phố bị lộn trái, ép dẹp, kéo giãn, chảy nhão, rơi rụng, xệch xoạc như trong tranh siêu thực của Salvador Dali: Vấn đề là làm sao mỗi ngày ăn hết một khuôn mặt/ và thải ra những nỗi buồn siêu thực. Một trạng thái đời sống tăm tối, méo mó, dị kỳ, “nhìn đâu cũng thấy tàn bạo”, một “nồi lẩu lịch sử”, đáng lẽ không được/ không thể tồn tại vẫn ngang nhiên tồn tại. Nó là một trình hiện kỳ dị. Kỳ dị bởi ở đó sự bất thường đã thành bình thường.

Ba cái lẻ tẻ thường mô tả đời sống từ cự ly gần, và trong tính chi tiết, cụ thể. Nhiều chi tiết siêu thực/ giả tưởng/ nghịch dị. Nhìn từ góc độ khác, người ta có thể thấy rõ tính chất hiện thực sát sao của nó. Tiếng cười, những hình ảnh kỳ quặc, giọng giễu nhại, những chi tiết nhại dày đặc,… Ta cũng gặp, khá thường xuyên, những phúng dụ hoặc mô tả trực tiếp về đời sống xã hội. Nó nằm trong nhãn quan tổng thể và trong mỗi chi tiết. Đôi khi, ở những bài thơ độc lập, với những hình tượng khá trọn vẹn.

Trung thành với tiêu đề Ba cái lẻ tẻ, bài thơ hướng tới các sự vật, sự việc nhỏ bé, như là vô nghĩa. Trong tính chi tiết tàn nhẫn, nó bộc lộ toàn bộ sự trớ trêu, khôi hài, nỗi thê thảm và sự thống khổ của con người. Trong sự đứt mạch liên tục của những đoạn thơ. Trong sự tương phản giữa một bên là sự ráp nối lộn xộn, vô nghĩa, tréo ngoe của những “hội hè miên man” và những lời tự trấn an vô nghĩa đến hài hước: quá nhiều cảm xúc/ mùi vị/ có thể chúng ta đi không tới đích/ có thể con sông không có thật/ nhưng chẳng hề gì/ ở khoảng giữa chúng ta sẽ bơi như cá (Ba cái lẻ tẻ).

Tôi (và những biến thể, hóa thân khác: hắn/ mày/ nàng/ ruồi/ gián/ kiến/ nhện…) góp thêm ấn tượng nghịch dị vào thế giới hình tượng của Ba cái lẻ tẻ. Tôi là một hình dung hài hước đến dị thường: “Một cái chai dốc ngược đã trút tôi ra khỏi thế giới. Xúng xính đi lại trong bộ da lộng lẫy.” Tôi của những hành động máy móc vô nghĩa: “Tôi đã dành cả ngày bước/ tới lui giữa hai cánh cửa/ từ toa lét tới phòng ngủ”. Tôi của những ảo tưởng sức mạnh tàn bạo: Tôi cảm thấy mình thực sự siêu việt/ tôi đã cho bầy kiến tự do leo lên bàn/ thoải mái tha đi những mẩu thức ăn thừa/ rồi sau đó giết dần từng con một (Những con số lẻ). Tôi của những ám ảnh vô nghĩa và kinh dị: Tôi đang nín thở/ dưới bầu trời/ tự hỏi/ làm sao có thể giết một đám mây/ mà không vấy máu? (Tất cả đều chạy);Thực ra, “tôi” không thuần túy là nhân vật trữ tình. Anh ta là cái đối tượng để hướng tới quan sát, ngắm nghía, mô tả, một “trường hợp nghiên cứu” – có thể nói như vậy – trong nhãn quan trào lộng của người viết. Nhưng sự nhạo báng này không loại trừ tôi – người quan sát, phê phán. Nó không cho phép tôi là kẻ đứng ngoài. Tôi cũng chính-là-tôi. Tôi không vô can với hiện thực nghịch dị mà chính tôi đã vẽ ra. Ý thức về một đời sống hư hoại và sự can dự không thể giãy dụa, không thể chối bỏ, không thể thanh minh của chính anh vào quá trình đó khiến tiếng cười vừa cất lên đã nghẹn.

Một hình tượng khác, vừa như một đối trọng, vừa như một phân thân của TôiNàng, cũng được phác họa bằng những nét cọ nghịch dị tương tự:

sau cuộc chiến nàng là hiện thân của trầm cảm

thở bằng mang

và yêu bằng vây

mỗi ngày nàng thả vào trong chiếc hộp giấy

một cuộc hành trình màu

nuôi cho chúng lớn lên

đôi khi nàng sục sôi nổi loạn

như một ngọn gió bị nhốt

Và thức dậy như một chiếc đồng hồ hết pin

Bỏ quên trong tủ áo

Nhưng rốt cục, “nàng” là ai, tuyệt đối không có câu trả lời. Chỉ hiển hiện ở đó sự “sục sôi nổi loạn” vô phương hướng, rời rã của một hình nhân. Hóa ra, quan sát “nàng” cũng là tự quan sát mình. “Nàng” thực chất chính là “kẻ khác bên trong chúng ta”. Những quay cuồng nổi loạn vô phương hướng của hình nhân này đã được định vị từ một hướng nhìn/ cái nhìn khác. Cái nhìn của tôi về chính tôi – “kẻ khác” trong một đời sống xa lạ.

Ruồi (ruồi và nhặng – ruồi xanh) xuất hiện trong khá nhiều chi tiết thơ. Ruồi còn được dành riêng hẳn một bài thơ để nói về – bài Những ruồi! Nhìn từ một phía, có thể xem bài thơ như một câu chuyện (tình) giữa anh và em. Bao nhiêu kỷ niệm, giờ rời xa, không khỏi bùi ngùi, nhung nhớ. Một motip lãng mạn điển hình. Có điều, kỷ niệm có giữa anh và em chẳng mấy thi vị, chỉ toàn… ruồi và ruồi. Những mô tả kỹ càng, chi tiết về chuyện… đập ruồi chỉ tô đậm thêm sự trái khoáy của chủ đề trữ tình (tình yêu trai gái) và “ba chuyện lẻ tẻ”, chẳng đáng kể gì của đời sống, chẳng hề có chút nên thơ nào, thậm chí dung tục, tầm thường (nếu nhìn theo con mắt lãng mạn chủ nghĩa). Sự đổi giọng ở mấy câu kết khiến phần cuối bài thơ nghiêng sang trữ tình song không hề “tẩy” hết giọng bỡn cợt ẩn chứa từ những câu chữ đầu tiên. Những ruồi là nhại lãng mạn, từ motip, hình ảnh, giọng điệu… Ngay cái tên bài lại nhại thêm lần nữa (nó gợi nhắc tên một tác phẩm của Jean Paul Sartre, theo bản dịch của Phùng Thăng). Tác phẩm không chỉ khiến ta cười về sự lỗi thời của cái lãng mạn, trong một hoàn cảnh sống hoàn toàn không dung thứ sự tồn tại của nó, khiến sự tồn tại của nó trở nên trớ trêu, nực cười, mà còn khiến ta cười bởi những cố gắng lãng mạn hóa một cách vô thức và vô nghĩa, vốn không hề hiếm gặp trong thơ ca cũng như đời sống.

Cho phép ruồi được xuất hiện trong thơ, thậm chí trở thành một yếu tố quan trọng trong nỗi hoài nhớ của đôi lứa yêu đương, Vũ Thành Sơn đã thách thức với quan niệm truyền thống với cái gọi là thơ, chất thơ. (Thật ra “đặc sản ruồi” này cũng đã xuất hiện trước đó trong thơ một số tác giả khác, chẳng hạn Phan Nhiên Hạo với Chế tạo thơ ca). Dĩ nhiên, điều này hẳn không phải vô tình. Đã xuất hiện một cảm thức thơ theo kiểu hậu hiện đại.

Nếu ấn tượng ban đầu khi đọc Ba cái lẻ tẻ là sự lấn át của giọng tưng tửng, đùa giỡn, thì đi sâu vào tập thơ, giọng triết lý – trữ tình càng trội lên. Đấy không phải là thứ giọng triết lý bề mặt, thông qua những lời lẽ “triết lý” trực tiếp, mà là cái triết lý ở bề sâu, trong tính tổng thể, sự “phối cảnh” của toàn bộ các yếu tố, theo cách nói của tác giả. Nó thể hiện khả năng khái quát và lột tả đời sống ở đáy sâu, trong sự hiện tồn nhếch nhác, đau khổ, vô nghĩa và hài hước đến tàn nhẫn. Đọc thơ Vũ Thành Sơn cần nhìn trong phối cảnh tổng thể ấy. Chúng có khả năng gợi ra trùng trùng liên văn bản. Ở đó, Sài Gòn/ tôi/ nàng/ hắn/ mày/ ruồi/ gián/ nhện... cũng chỉ là những hình nhân nhảy múa trong một hoạt cảnh bi đát kéo dài. Những vong thân xa lạ. Cũng ở đó, câu chuyện về đời sống, tình yêu, số phận con người, lịch sử của một thành phố hay một dân tộc… chỉ là những “tiểu tự sự” vỡ nát.

Nhưng sau tất cả, ta vẫn thấy ở đó, nỗi khát khao hướng tới những giá trị văn minh, tiến bộ của nhân loại. Tiếng cười, sự giễu nhại, đôi khi báng nhạo, không làm quên đi, không cho phép quên đi những sự thật đau đớn. Sự thức nhận đồng thời về vẻ đẹp thiên nhiên và sự tồn tại của nó trong một đời sống tàn bạo tạo nên tính chất tương phản rất sâu trong những câu thơ trữ tình: ở trạm cuối cùng/ mùa thu đang bắt đầu/ tôi đốt một que diêm/ chầm chậm bước ra khỏi những tiếng động.

Có thể nghĩ rằng tác giả đã không thật triệt để trong sự lựa chọn bút pháp và kỹ thuật viết của mình. Dẫu vậy, với tác giả, điều quan trọng nhất có lẽ không nằm ở đó.

Ngay từ phần mở đầu, Vũ Thành Sơn đã viết:

tôi tin nếu gọi tên mình một cách chậm rãi,

đủ lâu

một kẻ khác bên trong chúng ta

sẽ lên tiếng

Một khẳng định lạc quan, có lẽ. Bằng/ qua thơ, “kẻ khác” trong chúng ta sẽ lên tiếng. Một kẻ khác biết nói với chúng ta về nỗi buồn thương, sợ hãi trước nhân tính bị hủy diệt. Về nỗi khao khát phục hiện giá trị đích thực của đời sống cá nhân, dân tộc, lịch sử. Là tiếng nói của trí tưởng tượng, kết quả của một trò chơi nhiều rủi ro, đôi khi, thơ đã đi đến cái đích của nó.

Vinh, 3/1/2019

Comments are closed.