Tác giả: Lê Oa Đằng
Việt dịch: Phạm Văn Song
從地圖開疆到人工造島:百年南海紛爭史
黎蝸藤
CÔNG TY SÁCH NGŨ NAM
ĐÀI BẮC-2017
CHƯƠNG III
BIỂN ĐÔNG TRƯỚC VÀ SAU THẾ CHIẾN THỨ HAI (1937-1952)
III.1. Pháp và Nhật Bản kiểm soát các đảo ở biển Đông
Trước khi Nhật Bản phát động chiến tranh toàn diện với Trung Quốc, các nước Anh, Pháp, Mĩ, Trung Quốc… đều cảm thấy lo lắng trước sự hiện diện của Nhật Bản ở biển Đông. Hoàng Sa (TQ gọi là Tây Sa), Pratas (TQ gọi là Đông Sa) và Trường Sa (TQ gọi là Nam Sa) đều được Nhật Bản xem là bàn đạp tiềm năng để tấn công Đông Nam Á. Ngày 26/4/1937, có ngư dân Hải Nam báo cáo với chính quyền Quỳnh Nhai, Quảng Đông, gần Hoàng Sa có tàu chiến và tàu cá Nhật Bản xuất hiện, và dường như trên đảo có mở một sân bay.[233] Trung Quốc cảm thấy rất căng thẳng, trước áp lực Pháp có thể phản đối, đã giao phía Hải Nam tiến hành điều tra kín đáo, kĩ lưỡng càng sớm càng tốt. Văn phòng Chủ nhiệm bình định Quảng Đông lập Tổ điều tra đặc phái phụ trách việc này.
Từ ngày 20 đến ngày 24/6, Tổ điều tra bí mật đến Hoàng Sa thăm dò mới biết điều này không đúng. Nhưng cũng theo lời kể của ngư dân, họ biết được Nhật Bản đã chiếm đóng “đảo Hoàng Sơn” (báo cáo này giải thích tên này chỉ đảo Loại Ta, nhưng hình như phải chỉ đảo Ba Bình) ở Trường Sa rồi. Nhân viên điều tra còn dựng bia ở Hoàng Sa, tổng cộng dựng 13 tấm bia trên các đảo: đảo Phú Lâm 3 tấm, đảo Đá 1 tấm, đảo Linh Châu 3 tấm và đảo Bắc 6 tấm. Điều kì lạ hơn là trên những tấm bia đá này lại ghi năm dựng bia khác nhau, trong đó có 3 bia viết “Thị sát kỉ niệm năm Quang Tự thứ 28 lập”, 6 bia viết “Thị sát kỉ niệm Đại Trung Hoa Dân quốc năm thứ nhất lập”, 3 bia viết “Thị sát kỉ niệm Đại Trung Hoa Dân quốc năm thứ 10 lập”, cách làm kiểu như vậy rất dễ khiến người đời sau hiểu nhầm những bia đá này được khắc vào năm ghi trên bia, động cơ không rõ ràng. Cuối cùng, báo cáo cho rằng Trung Quốc cần phải nhanh chóng đóng quân ở Hoàng Sa.[234] Uỷ ban quân sự chính phủ Quốc dân[235] và chính quyền tỉnh Quảng Đông[236] đều đồng ý cần phải tăng cường xây dựng ở Hoàng Sa, đề nghị Quảng Đông phái cảnh sát đến đóng cũng như xây dựng trạm quan trắc thiên văn vốn thương thảo đã lâu, thậm chí muốn đề nghị xây dựng công trình sinh hoạt mà cảnh sát cần. Nhưng những kiến nghị này vẫn chỉ dừng lại trên giấy.
Hai nước Trung, Anh vốn đàm phán cùng nhau xây dựng một căn cứ quân sự ở Hoàng Sa để chống lại thế lực của Nhật Bản, nhưng cuối cùng không được thực hiện. Pháp sau đó quyết định tự mình tăng cường phòng ngự Hoàng Sa. Tháng 2/1937, Pháp phái tàu chiến đến khảo sát Hoàng Sa, chuẩn bị xây dựng ở Hoàng Sa công sự phòng thủ. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn chưa thực hiện, sự biến 7/7 nổ ra, chiến tranh toàn diện Trung-Nhật bùng nổ. Sau đó, dã tâm của Nhật Bản đối với các đảo biển Đông càng ngày càng lớn. Tháng 9/1937, quân Nhật chiếm đóng Đông Sa.[237] Hai nước Anh, Pháp càng lo lắng hơn.
Ngày 2/7/1937, trinh sát Anh phát hiện có nhân viên Nhật Bản hoạt động ở đảo Thái Bình (Ba Bình). Hóa ra, thời gian từ năm 1935 đến năm 1938, hằng năm Nhật Bản đều tuần tra ở những đảo này.[238] Công ty khai thác biển Hưng Nghiệp Nhật Bản lại bắt đầu quay trở lại đảo Ba Bình khai thác vào tháng 12/1936.[239] Còn Pháp vẫn không phái quân đóng giữ. Việc này được công khai trên truyền thông vào tháng 4/1938, đúng vào lúc Thủ tướng Pháp Edouard Daladier thăm Anh. Khi được truyền thông hỏi về việc này ông lại nói không biết người Nhật Bản trên đảo là ngư dân hay là binh lính.[240]
Nước Anh rất phẫn nộ, tự trách mình về việc liên tục giữ im lặng với công chúng về vấn đề chủ quyền Trường Sa, nước Pháp lại không gánh vác trách nhiệm ngăn cản Nhật Bản. Dưới áp lực của Anh, Pháp không thể không nhanh chóng triển khai lực lượng ở Trường Sa. Năm 1938, Pháp đưa ra phản dối với Nhật Bản vì trên đảo có “người Nhật Bản nhập cư bất hợp pháp”. Tháng 6 Pháp phái binh lính đến đóng ở đảo Trường Sa Lớn và đảo Ba Bình và xây dựng cơ sở quân sự đồng thời xây dựng một trạm khí tượng trên đảo Ba Bình, nhưng họ không hề xua đuổi người Nhật Bản trên đảo Ba Bình. Người Nhật thì mô tả các tàu của Pháp chỉ là tàu buôn (không thừa nhận là tàu quân sự), và bày tỏ sự phản đối việc người Pháp kéo cờ trên đảo Ba Bình.[241] Khi đó hai bên cơ bản là “chung sống hòa bình” trên đảo.
Trước năm 1938, Pháp không có nhân viên thường trú ở Hoàng Sa.
Tháng 6/1938, quân Nhật khi đang tiến hành hội chiến ở Vũ Hán đã tuyên bố sẽ chiếm đảo Hải Nam để cắt đứt tuyến cung ứng trên biển của Trung Quốc. Pháp không thể không tăng tốc kế hoạch đóng quân ở Hoàng Sa. Tháng 6, Pháp phái binh lính đến Hoàng Sa, danh nghĩa là “Đội bảo an An Nam” chống buôn lậu ở Hoàng Sa, đóng quân ở đảo Pattle (đảo San Hô, tức đảo Hoàng Sa) và đảo Phú Lâm, xây dựng trên đảo một hải đăng và trạm vô tuyến,[242] đồng thời xây dựng một trạm khí tượng trên các đảo. Ngày 15/6, Pháp tuyên bố sáp nhập quần đảo Paracel (Hoàng Sa) với tên gọi Délégation des Paracels (Ban quản hạt lâm thời Hoàng Sa) vào tỉnh Thừa Thiên thuộc Trung Kì, đảo San Hô là trung tâm hành chính.[243] Cho đến lúc đó, nước Pháp đã hoàn thành việc chiếm đóng thực tế Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao Trung Quốc điện rất nhanh ra lệnh đại sứ tại Pháp là Cố Duy Quân đưa ra phản đối với Pháp.[244] Nhưng phía Pháp biện giải rằng “hành động này thuần túy là bảo vệ an ninh cho Việt Nam và và các tuyến đường biển đi qua Việt Nam chứ không hề ảnh hưởng đến lập trường của hai nước Trung Quốc và Pháp, vấn đề căn bản về chủ quyền của quần đảo này vẫn đợi giải quyết dựa theo pháp luật trong tương lai”.[245] Cố Duy Quân sau khi được phía Pháp hứa hẹn không liên quan tới lập trường chủ quyền cũng cho rằng nếu làm như vậy có thể khiến Trung, Anh, Pháp cùng nhau chống lại Nhật Bản không phải là không được, do đó đánh điện yêu cầu Bộ Ngoại giao cân nhắc liệu nên phản đối nghiêm khắc hay là nhắc lại lập trường bảo lưu tất cả quyền lợi sau này.[246] Ngoài ra, tòa Tổng lãnh sự Trung Quốc ở Hà Nội cũng gửi điện cho Bộ Ngoại giao, nói giúp phía Pháp, cho rằng hành động này “chẳng qua bày tỏ sự kiên quyết với người Nhật”, “tính đến thời buổi nước ta đang nhiều việc, ngoài phản đối suông ra thực sự không có cách nào khác, thay vì phản đối không hiệu quả và làm tổn hại tình cảm, tốt hơn nên ngầm thỏa thuận cùng hợp tác, thời gian này việc quan trọng nhất là trao đổi điều kiện để thuận lợi việc vận chuyển đi lại”.[247] Do đó, vào ngày 9/7 Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi điện cho Đại sứ quán tại Pháp ra lệnh tạm hoãn đưa ra bất cứ bày tỏ nào.[248] Ngày 13/7 Bộ lại gửi chỉ thị: “Phía ta nên có biểu thị tương ứng, nhưng chỉ cần dùng một phát biểu ngắn gọn rằng chính phủ Trung Quốc tuyên bố chủ quyền quần đảo này thuộc về Trung Quốc, và trước hết chính phủ Trung Quốc bảo lưu tất cả quyền lợi…”[249] Vào ngày 18 Cố Duy Quân đã thông báo cho phía Pháp lập trường của Trung Quốc và nhận được trả lời miệng của Vụ châu Á, Bộ Ngoại giao Pháp, rằng có thể yên tâm về vấn đề chủ quyền, sẽ được giải quyết một cách hữu nghị sau này.[250] Chỉ như vậy, Pháp đã đạt được đồng thuận ngầm với Trung Quốc, chính thức tiến vào chiếm giữ Hoàng Sa.
Đối với việc này, Nhật Bản trái lại đứng trên lập trường ủng hộ Trung Quốc, phản đối sự chiếm đóng của Pháp, lí do đương nhiên là không mong muốn Pháp xây dựng sức mạnh ở Hoàng Sa mà ảnh hưởng chiến lược biển Đông của Nhật Bản. Ngày 4/7 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản khi nhắc đến việc 20, 30 lính bảo an An Nam có vũ trang đổ bộ lên Hoàng Sa đã nói: “Chúng tôi đang quan tâm đến sự phát triển của tình hình”. Ông ta tuyên bố một số công dân Nhật Bản cư trú ở “Hoàng Sa nơi chúng tôi thừa nhận thuộc lãnh thổ Trung Quốc”.[251] Báo chí Trung Quốc cũng đưa tin: “Hôm qua (ngày 4/7) người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố: ‘Nhật Bản phản đối nước thứ 3 chiếm đóng các đảo (quần đảo Tây Sa) thuộc Trung Quốc hoặc làm bất cứ điều gì ảnh hưởng đến quyền lợi trên các đảo này’ ”.[252]
Ngày 7/7, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật gặp Đại sứ Pháp tại Nhật đưa thư phản đối, “Nói chung khi chiến sự Trung Nhật mới nổ ra, phía Pháp từng nói sẽ không có bất cứ hành động nào ở các đảo nằm trong vùng tranh chấp Trung- Pháp, phía Nhật rất lấy làm tiếc về việc Pháp vi phạm thỏa thuận ngầm trên, nhất là khi các đảo này nằm trong khu vực phong tỏa của Nhật”.[253] Thái độ của Nhật Bản cũng được ghi trong các tài liệu ngoại giao của Mĩ.[254] Nhưng phía Pháp nhấn mạnh rằng “đảo này là lãnh thổ An Nam, tuy có tranh chấp với phía Trung Quốc nhưng không có liên quan gì đến Nhật, quyết không để nước thứ ba nào can thiệp vào”.[255] Vì vậy, Nhật Bản cũng trở nên hòa hoãn, nói rằng họ chỉ yêu cầu duy trì quyền của tàu cá Nhật đến đảo đánh cá.[256] Do đó, việc Pháp chiếm đóng Hoàng Sa tạm thời lắng dịu.
Nhật Bản quyết tâm tiến một bước tranh đoạt các đảo biển Đông. Tuy nhiên,về tình trạng của Trường Sa và Hoàng Sa trong thời chiến, cách nói của các bên không thống nhất. Tài liệu phía Trung Quốc nói: ngày 1/3/1939, quân Nhật xua đuổi quân Pháp đang chiếm đóng khỏi Tây Sa, ngày 31 cùng tháng Nhật Bản chiếm đóng Nam Sa và ngày 9/4 gọi chung Đông Sa, Tây Sa và Nam Sa là quần đảo Tân Nam, thuộc Đài Loan, do huyện Cao Hùng quản lí.[257] Thế nhưng theo Việt Nam thì Pháp duy trì sự quản lí Hoàng Sa liên tục đến tháng 3 năm 1945. Điều gì đã thực sự xảy ra?
Theo nghiên cứu của học giả Thụy Điển Tonnesson, trước khi Pháp đưa quân đóng ở Hoàng Sa, Nhật Bản đã phái binh lính đến đóng trên đảo Phú Lâm vào tháng 1/1938, đóng quân ở đảo Pratas vào tháng 4. Nhưng khi quân Pháp đến, quân Nhật không hề tiến hành bất cứ hành động thù địch nào, thậm chí không ngăn cản quân Pháp đổ bộ lên đảo Phú Lâm và treo cờ, chỉ sau khi cờ Pháp được kéo lên thì họ tuyên bố với Pháp rằng “Nhật Bản đã chiếm đóng Hoàng Sa 60 năm rồi”.[258] Nhưng tuyên bố này sai. Theo Tổng kiểm soát dân đoàn (Inspecteur Principal de la Garde indigène) được phái đến đóng ở Hoàng Sa là Edmond Grethen, khi đó họ đi tàu tuần tra hải quan đến Hoàng Sa, chỉ đóng quân trên đảo San Hô (Pattle) và đảo Phú Lâm (Boisé). 20 dân binh Việt Nam ở lại trên đảo San Hô (Hoàng Sa), 25 người ở lại trên đảo Phú Lâm. Khi đó trên đảo Phú Lâm còn có người Nhật nhưng không phải là binh lính mà là công nhân công xưởng phốt phát. Công xưởng này được xây dựng đã mấy chục năm, trước đó sử dụng công nhân Đài Loan, nhưng sau đó người Đài Loan sợ vất vả không muốn làm việc, vì thế phía Nhật Bản chuyển sang sử dụng người Việt Nam. Khi lính Việt Nam đổ bộ lên, có khoảng 150 công nhân Việt Nam. Người Nhật Bản không hề chống lại đội bảo an Việt Nam đổ bộ lên đảo, đội bảo an cũng không xua đuổi người Nhật Bản đi. Hai bên chung sống hòa bình trên đảo.[259] Do đó, có lẽ không phải quân Nhật đóng giữ trên đảo Phú Lâm vào lúc đó mà là nhà khai thác Nhật Bản (nói chung có vũ khí) đã quay trở lại đảo Phú Lâm.
Ngày 10/2/1939, Nhật chiếm đảo Hải Nam, Hải quân Pháp ở Đông Dương bị suy yếu do binh lực bị điều đi Djibouti ở châu Phi, nên chỉ có thể phản đối (phía Pháp cho rằng hành động này đã vi phạm hiệp định giữa hai bên năm 1907 về việc không được đơn phương chiếm đóng đảo Hải Nam) mà không có cách nào có hành động thực chất.[260] Vào cuối tháng 3, quân Nhật thừa cơ tiến xuống phía nam, đóng quân ở Hoàng Sa. Nhưng hành động của Nhật Bản ở Hoàng Sa khó thể gọi là chiếm đóng. Ở Hoàng Sa, Pháp và Nhật chung sống hòa bình, Pháp đóng quân ở đảo San Hô và đảo Phú Lâm, quân Nhật chủ yếu đóng ở đảo Phú Lâm, hai bên không hề xảy ra xung đột. Khi đó, phía Pháp đại khái là bên quản lí hành chính thực tế, Nhật thì tựa như sống nhờ trên quần đảo Hoàng Sa. Ngày 5/5/1939, Pháp ban hành nghị định số 3282, chia Hoàng Sa thành hai khu vực hành chính là khu Lưỡi Liềm ở phía Đông (Délégation de l’Amphitrite et Dépendance) phía Đông và khu Trăng Khuyết ở phía Tây (Délégation du Croissant et Dépendance).[261] Tháng 6 cùng năm đô đốc Hải quân Pháp Jean Decoux (một năm sau trở thành Toàn quyền Đông Dương) lấy lí do tuần tra lãnh thổ để thăm quần đảo Hoàng Sa, Nhật Bản cũng không phản đối.
Nguyên nhân của điều này là Nhật không muốn gây chiến với Pháp vào đầu Thế chiến II. Ngay cả khi đồng minh của Nhật là nước Đức tuyên chiến với Pháp, Nhật Bản vẫn duy trì sự trung lập. Tháng 6/1940, Pháp bị Đức đánh bại, phải kí hiệp ước đình chiến, trên phần lãnh thổ chưa bị chiếm đóng thành lập chính phủ Vichy (Régime Vichy). Chính phủ Vichy kiểm soát phần lớn thuộc địa của Pháp, trong đó có Đông Dương thuộc Pháp.
Do chính phủ Vichy là con rối của Đức, sự thù địch giữa Đông Dương thuộc Pháp dưới quyền chính phủ Vichy và Nhật Bản tan biến. Đông Dương thuộc Pháp có một tuyến đường sắt nối Hải Phòng với Vân Nam, là tuyến đường sắt cuối cùng nối Trung Quốc với thế giới bên ngoài. Nhật Bản gây áp lực với Pháp yêu cầu đóng cửa đường sắt. Dù chính quyền Vichy có lập trường thân các nước phe Trục, nhưng trên danh nghĩa vẫn duy trì tính trung lập, nên ban đầu chính quyền Đông Dương không đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản. Nhưng trước mối đe dọa xâm lược của quân đội Nhật, chính quyền Vichy cuối cùng quyết định hợp tác với Nhật. Ngày 22/9, hai nước kí hiệp định cho phép Nhật phái một số quân nhỏ tiến vào đóng ở Đông Dương. Từ đó, Đông Dương thuộc Pháp trở thành đồng minh của phe Trục. Cho đến trước năm 1945, Nhật Bản và Đông Dương cơ bản duy trì quan hệ sống chung hòa bình.
Tình trạng hòa bình Nhật và Pháp cũng được thể hiện ở Hoàng Sa và Trường Sa. Ở Hoàng Sa, không xảy ra xung đột quân sự giữa Nhật và Pháp. Vì vậy, trong thời gian từ năm 1938 đến năm 1945, Pháp và Nhật đều đóng quân trên quần đảo Hoàng Sa, thậm chí trên đảo Phú Lâm nhỏ bé có quân đội hai bên đóng đồng thời. Về mặt hình thức, Pháp là bên quản lí. Ngày 17/5/1941, phía Pháp còn ban hành văn kiện, tiếp tục uỷ nhiệm Mohamed Hay Mohsine quản lí quần đảo Hoàng Sa.[262] Tường thuật của Trung Quốc rằng quân Nhật xua đuổi quân Pháp ra khỏi Hoàng Sa vào năm 1938 là không chính xác.
Phía Trường Sa, Nhật Bản áp dụng sách lược hoàn toàn khác. Dù từ năm 1938 quân Pháp đã trú đóng ở đảo Trường Sa Lớn và đảo Ba Bình nhưng vào ngày 7/1/1939 quân Nhật vẫn tiến vào chiếm đóng Trường Sa, và không gặp phải sự kháng cự nào đáng kể. Ngày 30/3/1939, chính phủ Nhật thông qua “Quyết định quản lí hành chính quần đảo Tân Nam”, sáp nhập lãnh thổ quần đảo Tân Nam (Trường Sa) vào Đài Loan dưới sự quản lí của thành phố Cao Hùng.[263] Quyết định này được công bố ra bên ngoài vào ngày 31/3.
Cùng ngày, toàn quyền Đài Loan cũng ban bố hiệu lệnh số 31, xác định rõ sự quản lí của thành phố Cao Hùng với Tân Nam, hiệu lệnh 113 xác định rõ địa giới của Tân Nam, sử dụng phương pháp đường tọa độ khu vực mà Pháp bỏ không dùng năm 1933, khu vực nằm giữa kinh tuyến 111° E đến 117° E và vĩ tuyến 7° NN đến 12°N. Cáo thị số 122 của Toàn quyền Đài Loan cùng ngày xác định đảo chính của quần đảo Tân Nam gồm đảo Bắc Nhị Tử (Song Tử Đông), Nam Nhị Tử (Song Tử Tây), đảo Tây Thanh, đảo Tam Giác, đảo Trung Tiểu, đảo Quy Giáp, đảo Nam Dương, đảo Dài, đảo Bắc Tiểu, đảo Nam Tiểu, đảo Phi Điểu, đảo Tây Điểu, đảo Hoàn.[264] Đối với Pratas và Hoàng Sa thì Nhật Bản không có pháp lệnh như vậy.
Pháp phản đối Nhật Bản và bắt đầu giao thiệp ngoại giao. Pháp lại lần nữa chỉ ra Nhật Bản vi phạm hiệp định song phương năm 1937, đề xuất điều kiện trao đổi là có thể lại không cho phép Trung Quốc sử dụng đường sắt Vân Nam vận chuyển vật tư. Nhưng Nhật Bản không nhượng bộ. Trên thực tế, mâu thuẫn giữa hải quân và lục quân Nhật Bản rất sâu sắc, Bộ Ngoại giao Nhật rất khó có thể điều phối một kế hoạch chiến lược thống nhất cho họ. Do đó, điều kiện trao đổi của phía Pháp đưa ra chẳng khác gì ‘leo cây tìm cá’.
Sau đó, Nhật Bản đã xây dựng một loạt công trình, bến cảng và công sự trên quần đảo Trường Sa. Trong thời gian từ năm 1939 đến năm 1945, Nhật Bản kiểm soát thực tế quần đảo Trường Sa. Trên đảo Trường Sa Lớn và đảo Ba Bình tiếp tục có số lượng nhỏ quân Pháp đồn trú ở đó, chung sống hòa bình với quân Nhật. Nhưng trái ngược với quần đảo Hoàng Sa, quân Nhật là người quản lí trên thực tế, còn quân Pháp thì giống như ở nhờ. Quân đội Pháp, Nhật sống yên ổn với nhau ở Hoàng Sa và Trường Sa cho đến tháng 3/1945.
Dưới góc độ pháp luật của Nhật Bản: Đông Sa (Pratas) là lãnh thổ Trung Quốc mà Nhật chiếm, Hoàng Sa là lãnh thổ của Pháp hoặc lãnh thổ Trung Quốc còn Trường Sa là lãnh thổ Nhật Bản. Sự định vị khác nhau của Nhật Bản đối với Hoàng Sa và Trường Sa có liên quan đến nguồn gốc lịch sử và mức độ quan trọng chiến lược khác nhau của nước này đối với hai quần đảo này. Trường Sa là nơi Nhật Bản khai thác nhiều năm, được họ xem là lãnh thổ của mình và nó nằm trên con đường Nam tiến của Nhật, do đó rất được coi trọng. Hoàng Sa xưa nay không phải lãnh thổ của Nhật Bản, hơn nữa vị trí chiến lược cũng không quan trọng như vậy, đặc biệt là sau khi biển Đông trở thành ao nhà của Nhật Bản, vị trí chiến lược của nó giảm đi nhiều.
Trong 6 năm trước đó, nước Anh liên tục tranh cãi ngầm với nước Pháp về chủ quyền của Trường Sa, nhưng sau khi quân Nhật chiếm đóng Trường Sa thì có vẻ gần như ngay lập tức thừa nhận chủ quyền Trường Sa thuộc về Pháp.[265] Mĩ cũng đưa ra phản đối với Nhật Bản.[266]
Trong điện văn của các nước khi đó, hai tên gọi là quần đảo Tân Nam (Sinnan Islands) và quần đảo Tư Phổ Lạp Đặc Lợi (斯普拉特 利: Sī pǔ lā tè lì / Spratly Islands) đều được sử dụng, nhưng phạm vi tương ứng thì hơi khác nhau.
Phạm vi của tên gọi Spratly Islands không giống với phạm vi quần đảo Đoàn Sa mà Trung Quốc chỉ ra khi đó cũng như quần đảo Nam Sa (Trường Sa) sau này. Vụ trưởng Vụ Viễn Đông của Mĩ là Hamilton khi hội đàm với cố vấn ngoại giao Nhật Bản (Counselor of the Japanese Embassy) Yakichiro Suma có hỏi rằng quần đảo Tân nam có phải là tên gọi khác của quần đảo Spratly không? Yakichiro Suma phủ nhận, nói diện tích quần đảo Tân Nam lớn hơn quần đảo Spratly rất nhiều.[267] Do đó, trong bức điện Quốc hội Mĩ gửi Đại sứ quán Mĩ tại Nhật Bản miêu tả thế này:[268]
The Sinnan island composed small coral reefs which roughly lie between 7 degrees and 12 degrees north latitude and 111 degrees and 117 degrees east longitude. The Japanese names of the principal coral reefs of the Sinnan Islands are given, among which is included a group described as Spratly Islands.
(Đảo Tân Nam bao gồm các rạn san hô nhỏ nằm trong khoảng từ 7° đến 12° vĩ bắc và 111° và 117° kinh đông. Tên tiếng Nhật của các rạn san hô chính của quần đảo Tân Nam được đưa ra, trong đó có một nhóm được gọi là quần đảo Trường Sa.)
Trong điện văn này, quần đảo Spratly là một bộ phận của quần đảo Tân Nam. Quần đảo Spratly ở đây có lẽ chỉ là tên gọi chung của 6 đảo nhỏ mà Pháp tuyên bố chủ quyền khi đó. Hơn nữa, bởi vì Nhật Bản dùng kinh vĩ độ để miêu tả phạm vi quần đảo Tân Nam, do đó ngoài 6 đảo nhỏ ở đây còn bao gồm các đảo khác trong phạm vi này. Tuy nhiên, phạm vi quần đảo Tân Nam chỉ giới hạn ở các đảo nằm từ 7° đến 12° vĩ Bắc, 111° đến 117° kinh Đông, không hề kéo dài đến bãi ngầm Tăng Mẫu ở 4° vĩ Bắc, đều nhỏ hơn so với quần đảo Đoàn Sa hoặc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc. Trong bức điện văn đó có nhắc đến việc nước Anh và Pháp cũng đưa ra yêu sách chủ quyền với quần đảo này, nhưng không hề nhắc đến việc Trung Quốc có yêu sách chủ quyền với Nam Sa (Trường Sa).
Tháng 8/1944, sau khi chính phủ Vichy sụp đổ, quan hệ giữa chính quyền Đông Dương và Nhật Bản dần trở nên căng thẳng. Tháng 3/1945, Nhật Bản trở mặt với chính quyền Đông Dương, phát động tấn công, lật đổ chính quyền thực dân Pháp. Cùng thời gian, quân Nhật cũng đánh bại quân Pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa, chiếm lấy trọn vẹn hai quần đảo này. Bắt đầu từ thời gian này cho đến khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Nhật Bản kiểm soát thực tế các đảo biển Đông.
Trong toàn bộ Thế chiến thứ hai, ngoài cái gọi là “đánh nhau” giữa quân Nhật và quân Pháp, tại Hoàng Sa lẫn tại quần đảo Trường Sa đều không hề xảy ra chiến sự. Tháng 1/1945, trong một bản báo cáo trinh sát bay của quân đội Mĩ có nêu: trên đường bay từ Philippines đến bờ biển Trung Quốc quan sát thấy trên đảo Phú Lâm (Woody Island) có người vẫy cờ Pháp, nghi rằng liệu đó có phải là chiến sĩ quân đồng minh gặp nạn ở đó sau khi ném bom Trung Quốc (quân Nhật) hay không, có cần phải cứu viện hay không. Để làm rõ tình hình thực tế trên đảo Hoàng Sa, Bộ tổng tư lệnh không quân Mĩ trên đảo Mindanao đặc phái phân đội Z của Australia (Z Unit) đến trinh sát đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa để xác định người trên đảo có phải là nhân viên thất lạc của quân Đồng minh hay không ? Là đồng minh quân Pháp? Hay là quỷ kế của người Nhật ? Ngày 4/2/1945, tàu ngầm hiệu Pargo của Mĩ chạy đến gần đảo Phú Lâm, hai người người nhái Australia đổ bộ lên đảo, phát hiện trên đảo có người phương Tây (có thể là người Pháp), và người Nhật, những người này có vẻ đang “trò chuyện vui vẻ với nhau”. Sau khi người nhái bí mật rút lui, tàu ngầm nổi lên mặt nước, tấn công các công trình trên đảo một lúc rồi rút đi.[269] Ngày 8/3, máy bay Mĩ oanh tạc các trạm vô tuyến trên đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm) và đảo San Hô (Hoàng Sa). Ngày 2/7, tàu ngầm Cabrilla của Mĩ lại đến đảo Phú Lâm trinh sát, phát hiện trên đảo vẫn có cờ Pháp và cờ Nhật.[270]
Các hoạt động quân sự ở Trường Sa cũng rất ít. Tháng 1/1945, tàu ngầm USS Bream của Mĩ đến gần đảo Ba Bình, cũng phái hai người nhái Australia lên đảo định đặt chất nổ nhưng hành động này thất bại. Vì vậy, ngày 1/5/1945, quân Đồng minh chuyển sang sử dụng bom xăng (napalm) oanh tạc đảo Ba Bình, máy bay ném bom B-25 oanh tạc 6 lần trong một tuần, quân Nhật chịu tổn thất nặng.
Những cuộc giao tranh này đều xảy ra vào thời kì cuối cuộc chiến tranh, không hại gì đến tình hình chung cuộc chiến. Điều này cũng cho thấy rằng cái gọi là ý nghĩa chiến lược của Hoàng Sa và Trường Sa đối với cuộc chiến đã bị thổi phồng một cách nghiêm trọng. Bất kể Nhật Bản tấn công hay là Đồng minh phản kích, vai trò của Hoàng Sa và Trường Sa trên chiến trường đều cực kì bé nhỏ.
Tháng 8/1945, quân Mĩ đổ bộ lên đảo Ba Bình,[271] và kiểm soát quần đảo Trường Sa và đảo Hoàng Nham (Scarborough). Tháng 8/1945, quân Anh tiếp nhận đầu hàng của Hải quân Nam Dương Nhật Bản tại đảo Trường Sa Lớn. Vì vậy, trước khi chiến tranh kết thúc, quần đảo Trường Sa đã nằm trong tay quân Đồng minh, nhưng quần đảo Hoàng Sa cho đến khi Nhật Bản đầu hàng vẫn do quân Nhật chiếm đóng, không rõ họ rút khỏi Hoàng Sa khi nào.
Trong thế chiến thứ hai Nhật Bản đã chiếm đóng hầu hết các quần đảo ở biển Đông, thế nhưng kiểu chiếm hữu này phải được xem là hành vi xâm chiếm trong chiến tranh, không cấu thành chủ quyền. Sau khi bại trận, Nhật Bản tuyên bố từ bỏ các quần đảo ở biển Đông, rút hoàn toàn khỏi tranh chấp ở biển Đông, tranh chấp biển Đông bớt đi một bên tranh chấp quan trọng. Tuy nhiên, sự sắp đặt mơ hồ sau chiến tranh lại khiến sự quy thuộc các đảo biển Đông trở nên càng lộn xộn hơn.
III.2. Liên hệ giữa “Tuyên bố Cairo” và các đảo biển Đông
Trong thế chiến thứ hai, 4 nước lớn Mĩ, Anh, Xô, Trung muốn phối hợp với nhau về chiến lược nên có kế hoạch tổ chức hội nghị cấp cao của lãnh đạo 4 nước. Tuy nhiên, do năm 1941 Liên Xô và Nhật Bản đã kí kết “Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau Nhật-Xô” có hiệu lực 5 năm, nên Stalin không muốn cùng tổ chức hội nghị với Tưởng Giới Thạch, cuối cùng 4 bên quyết định Mĩ, Anh, Trung họp tại Cairo trước, rồi Mĩ, Anh, Xô sẽ họp tại Tehran. Từ ngày 23 đến ngày 27/111943, tại Cairo 3 nước Mĩ, Anh, Trung đã đưa ra thông cáo báo chí gửi cho Nhật Bản. Trong hội nghị Tehran được tiến hành liền sau đó, Stalin bày tỏ sự tán đồng hoàn toàn với nội dung thông cáo này. Vì vậy, thông cáo chung đưa ra ngày 1/12 trở thành sự đồng thuận của 4 cường quốc đối với phía Nhật. Lúc đầu, thông cáo báo chí (Press Communiqué) này không có tiêu đề, trong bản văn cũng không có từ “tuyên bố” nhưng dần dần được gọi là “Tuyên bố Cairo”. Tuyên bố quy định:
It is their purpose that Japan shall be stripped of all the island in the Pacific which she has seized or occupied since the beginning of the first World War in 1914, and that all the territories Japan has stolen from the Chinese, such as Manchuria, Formosa, and The Pescadores, shall be restored to the Republic of China. Japan will also be expelled from other territories which she has taken by violence and greed.[272]
(Mục tiêu là Nhật Bản phải bị tướt hết tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà nước này đã cưỡng đoạt hoặc chiếm đóng từ đầu thế chiến thứ nhất vào năm 1914, và tất cả các lãnh thổ mà Nhật Bản đã cướp lấy của Trung Quốc như Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ phải được trao lại cho Trung Hoa Dân Quốc. Nhật Bản cũng sẽ bị trục xuất khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà nước này đã chiếm được bằng vũ lực và lòng tham.[273]
Trong “Tuyên bố Cairo” không nhắc đến vấn đề các đảo biển Đông. Năm 1945, trong “Tuyên bố Potsdam” của 3 nước Mĩ, Anh, Trung có viết:
“Các điều khoản của ‘Tuyên bố Cairo’ sẽ được thực hiện và chủ quyền của Nhật Bản được giới hạn ở các đảo Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku và các đảo nhỏ do chúng tôi xác định”. Tuyên bố này đã tái khẳng định “Tuyên bố Cairo”, đồng thời hàm ý rằng quần đảo Trường Sa có thuộc Nhật Bản hay không phải do 3 nước quyết định, nhưng cũng không nhắc đến sự quy thuộc của nó.
Cả hai phía Trung Quốc lẫn Pháp (Việt Nam) đều đưa ra cách giải thích “Tuyên bố Cairo” theo hướng có lợi cho phía mình. Phía Trung Quốc cho rằng, Hoàng Sa và Trường Sa là “lãnh thổ mà Nhật Bản cướp lấy của Trung Quốc”, nên sau chiến tranh phải trả lại cho Trung Quốc.[274] Học giả người Pháp Chemilier-Gendreau lại có cách diễn giải khác: Hoàng Sa và Trường Sa thuộc “lãnh thổ khác mà Nhật Bản chiếm đoạt bằng vũ lực hoặc lòng tham”.[275] Thứ nhất, trong hội nghị kéo dài nhiều ngày, Tưởng Giới Thạch không đề xuất vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa với các nước (có dính dáng trong vấn đề các đảo chỉ là quần đảo Ryukyu [Lưu Cầu]). Sau đó, Trung Quốc không đưa ra ý kiến bảo lưu, cũng không ra tuyên bố nào khác. Hai quần đảo này đã từng gây ra sóng gió trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc nên không có lí do gì khiến Tưởng Giới Thạch để xảy ra sơ suất như vậy. Bà cho rằng nước Pháp tuy không có đại biểu chính thức tham gia hội nghị, nhưng đại biểu của phong trào Pháp tự do (France libre) cũng ở Cairo, họ chủ trương nên đưa vụ việc ra Tòa trọng tài quốc tế. Bà cũng cho rằng, Trung Quốc khi đó không đưa ra quyết định về lập trường đối với hai quần đảo này; hoặc là trước áp lực của đồng minh Trung Quốc phải giữ im lặng vì đại cục của thế chiến thứ hai.
Tóm lại, trong tuyên bố cuối cùng, Hoàng Sa và Trường Sa vừa không xuất hiện trong câu “lãnh thổ mà Nhật Bản cướp lấy của Trung Quốc”, cũng không xuất hiện trong câu “lãnh thổ khác mà Nhật Bản chiếm đoạt bằng vũ lực hoặc lòng tham”. Toàn bộ vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa vẫn để ngỏ cho những kết luận nhằm cân bằng những mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Pháp.
Trong Thế chiến thứ hai, các tài liệu thảo luận nội bộ về việc sắp xếp lãnh thổ sau chiến tranh của Bộ Ngoại giao Mĩ có thể cho thấy rằng Hội nghị Cairo không hề có bất cứ sắp đặt gì đối với các đảo biển Đông. Ví dụ tài liệu T-324 “Đảo Spratly và quần đảo khác (quần đảo Sinnan)” soạn thảo ngày 25/5/1943, thảo luận về các phương diện địa lí, cân nhắc chiến lược, lịch sử chiếm đóng của Nhật Bản, các nước tranh chấp khi đó, yêu sách lãnh thổ của Nhật Bản, Pháp và Trung Quốc cũng như thái độ của nước Mĩ đối với các quần đảo này…
Khi thảo luận về yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc, tài liệu này chỉ dựa vào kháng nghị mà Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp được lệnh gửi Bộ Ngoại giao Pháp vào năm 1933, ngoài ra không có chứng cứ nào khác. Từ phần II.7 có thể thấy rằng trên thực tế Đại sứ quán Trung Quốc không hề gửi kháng nghị này.
Thảo luận trong tài liệu cũng nói rằng cực Nam trong bản đồ của Trung Quốc xuất bản khi đó chỉ đến quần đảo Hoàng Sa, và cho rằng điều đó “đã làm suy yếu chứng lí của Trung Quốc”. Trong tài liệu không có đề cập đến việc “mở rộng biên giới trên bản đồ” năm 1935, cho thấy các nước khác không hề biết đến việc này hoặc biết nhưng không cho rằng nó có hiệu lực pháp lí. Ngoài ra, khi thảo luận lập trường của Mĩ, tài liệu chỉ ra: “Quần đảo Tân Nam (Sinnan) nằm ngoài ranh giới được hoạch định ngày 10/12/1898 của Philippines”.
Tài liệu này thảo luận 5 lựa chọn cho quần đảo Tân Nam: thứ nhất, để Nhật Bản giữ lại, điều này sẽ đưa đến “đe dọa nghiêm trọng”; thứ hai, giao cho Trung Quốc; thứ ba, giao cho Pháp hoặc Đông Dương; thứ tư, giao cho Philippines; thứ năm, thành lập một tổ chức quốc tế để kiểm soát và quản lí. Căn cứ vào những thảo luận trên, tài liệu cho rằng nếu giao cho Trung Quốc thì thiếu chứng cứ có tính thực chất (China’s claim does not appear to have substantial foundation).[276]
Sau Hội nghị Cairo, vào ngày 19/12/1944, để chuẩn bị cho Hội nghị Yalta, Uỷ ban phân khu Viễn Đông đã đề xuất tài liệu CAC-301 “đảo Spratly và quần đảo khác (quần đảo Sinnan)”.
Khu vực mà tài liệu này đề cập tới giống với tài liệu T-324 kể trên. Hai tài liệu đều cùng có câu: “Quần đảo Sinnan nằm ngoài ranh giới của Philippines”, còn trước câu này thì tài liệu CAC-301 lại thêm câu: “ Mĩ không phải nước tại chỗ (bản quốc), cũng không đề xuất yêu cầu chủ quyền đối với quần đảo cho Philippines.” Hơn nữa, tài liệu này cũng phủ định việc sau chiến tranh Nhật Bản có thể tiếp tục chiếm giữ quần đảo Trường Sa:
Dưới sự kiểm soát của Nhật Bản, những quần đảo này là nguy hiểm đối với nước khác, nhưng nếu đã loại trừ Nhật Bản ra khỏi, chúng không hề có lợi ích có tính quyết định đối với các quốc gia và khu vực khác, dù về chiến lược hay về kinh tế. “Tuyên bố Cairo” đã chỉ ra rõ ràng rằng không chấp nhận việc Nhật Bản tiếp tục sở hữu những đảo này sau chiến tranh. Hình thái vật lí của các đảo, đảo nhỏ, bãi cát và bãi đá này đặt ra câu hỏi liệu chúng có thể được tuyên bố là lãnh thổ thuộc chủ quyền của một nước hay không. Nhưng các khu vực lân cận, Trung Quốc, Đông Dương và Philippines, cũng như tất cả những nước khác có đi lại ở biển Đông đều có quan hệ lợi ích đối với chúng.
Phân tích về chủ quyền liên quan tới Trung Quốc, về cơ bản tài liệu này thống nhất với tài liệu T-324, nhưng có thêm vào câu Trường Sa không hề có tầm quan trọng sống còn đối với lợi ích quốc phòng của Trung Quốc (They are in no way vital to Chinese interests of defense). Nhưng về phương án xử lí, từ 5 phương án ban đầu thay đổi thành 2 phương án: thứ nhất, có thể nghĩ tới việc thành lập một tổ chức quốc tế để quản lí quần đảo Sinnan, nhưng điều này chỉ có thể đạt được khi Pháp đồng ý từ bỏ chủ quyền đối với khu vực này; thứ hai, trực tiếp giao cho Pháp. Không có phương án giao cho Trung Quốc và Philippines.[277]
Tài liệu CAC-308 “Quần đảo Paracels” ngày 14/12/1944 được chuẩn bị riêng cho quần đảo Hoàng Sa. Khi xem xét xung đột giữa các nước tranh chấp khi đó – Pháp và Trung Quốc, tài liệu này cho rằng Trung Quốc chiếm ưu thế về tính hợp pháp lịch sử. Cuối cùng, tài liệu CAC-308 đưa ra 3 kiến nghị: (1) Đặt dưới một tổ chức quốc tế: do tổ chức quốc tế được thiết lập để quản lí, nhưng phải sau khi được Trung Quốc và Pháp thừa nhận và từ bỏ yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa; (2) Hai bên thỏa thuận: Mĩ thúc đẩy Trung Quốc và Pháp đàm phán kí kết thỏa thuận song phương; (3) Trao cho Trung Quốc: nếu như Trung Quốc và Pháp không có cách gì đạt được thỏa thuận, thì Mĩ sẽ cần phải quyết định ủng hộ một bên nào đó, trừ phi Pháp có thể cung cấp chứng cứ năm 1816 Trung Quốc trao Hoàng Sa cho An Nam, nếu không yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa rõ ràng ưu thế hơn.[278]
Ở đây Hara phân tích rằng giao cho Pháp không phải là một lựa chọn. Từ các mục liệt kê ra ở trên có thể thấy đúng là như vậy, nhưng kết luận này được đưa ra là dựa trên chứng cứ mà Mĩ nắm được vào lúc đó, có một sai lầm nghiêm trọng trong chứng cứ đó, phía Mĩ cho rằng Trung Quốc trao Hoàng Sa cho An Nam thông qua phương thức chuyển nhượng vào năm 1816, nhưng luận điểm của Pháp cho rằng năm 1816 An Nam có được chủ quyền Hoàng Sa thông qua phương thức chiếm hữu trước chứ không phải qua chuyển nhượng. Mĩ rõ ràng đã hiểu sai về điều này. Ấn tượng sai lầm này từ trước chiến tranh vẫn còn lưu trong hồ sơ của Bộ Ngoại giao Mĩ.[279]
Tháng 7/1945, để chuẩn bị cho Hội nghị Potsdam, trong tài liệu số 606, Mĩ đã nêu ra điều khoản có liên quan của “Tuyên bố Cairo”, phân tích cụ thể khả năng chấp nhận của Liên Xô đối với từng khoản (do Liên Xô không tham gia Hội nghị Cairo).[280] Tài liệu này chia lãnh thổ được nêu trong “Tuyên bố Cairo” thành 5 loại: (1) Mãn Châu; (2) Đài Loan và quần đảo Bành Hồ; (3) Triều Tiên; (4) Các đảo ở Thái Bình Dương do Nhật Bản chiếm lấy sau năm 1914, bao gồm đảo do Hội Quốc liên uỷ trị (Japanese Mandated Islands) và quần đảo Trường Sa (Spratly Islands); (5) Các lãnh thổ khác giành được bằng bạo lực và lòng tham. Quần đảo Trường Sa được xác định rõ thuộc vào loại “tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà nước này đã cưỡng đoạt hoặc chiếm đóng từ đầu thế chiến thứ nhất vào năm 1914”. Tài liệu còn chỉ ra rằng phương thức xử lí các đảo này không được quy định trong “Tuyên bố Cairo” (The Declaration makes no provision as to their disposition).[281]
Tài liệu 1192-PR-41, 42 và 43 ngày 13/2/1946 có phần thảo luận về việc xử trí vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Kết luận của vấn đề Hoàng Sa là nếu như Trung Quốc, Pháp và các nước yêu sách chủ quyền khác thông qua đàm phán không đạt được thỏa thuận, Mĩ sẽ nghiêng theo hướng giao vấn đề này cho tòa trọng tài quốc tế, đồng thời Mĩ hy vọng rằng các nước có tranh chấp liên quan có thể thành lập các cơ quan quốc tế đặc biệt ở Hoàng Sa để quản lí Hoàng Sa, nhằm ngăn chặn các nguy cơ hàng hải ở vùng biển Hoàng Sa (1192-PR-42).[282] Kết luận về vấn đề Trường Sa là: (1) Nhật Bản phải từ bỏ Trường Sa; (2) Nếu như các nước tuyên bố chủ quyền không có cách nào đạt được thỏa thuận thông qua đàm phán, Mĩ sẽ nghiêng về hướng đưa vấn đề này giao cho tòa trọng tài quốc tế; (3) Mĩ hy vọng nước tranh chấp có liên quan có thể xây dựng ở Trường Sa cơ quan đặc biệt để quản lí Trường Sa để ngăn chặn các nguy cơ hàng hải ở vùng biển Trường Sa (1192-PR-43).[283]
Tài liệu SWNCC 59/1 ngày 24/6/1946 đã thảo luận một lần nữa các sắp xếp có thể có của Trường Sa. Tài liệu này cho rằng việc giao Trường Sa cho một tổ chức quốc tế sẽ có vấn đề về pháp lí, tức là cần phải được sự đồng ý của các nước có yêu sách chủ quyền, và Pháp đã khẳng định không đồng ý làm như vậy. Vì vậy, báo cáo kiến nghị chỉ để Nhật Bản từ bỏ những lãnh thổ này là được.[284] Chú ý rằng tài liệu này không đề cập đến phản ứng có thể có của Trung Quốc, điều này một lần nữa cho thấy trong cái nhìn của Mĩ, Trung Quốc không phải là một quốc gia có căn cứ vững chắc để yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa, cũng không có lợi ích quan trọng ở Trường Sa.
Những tài liệu nội bộ của Mĩ này cho thấy rằng tại Hội nghị Cairo về cơ bản không có kết luận và sắp xếp nào được đưa ra trực tiếp hoặc gián tiếp về tình trạng của Trường Sa và Hoàng Sa, điều duy nhất có thể khẳng định chỉ là Nhật Bản phải từ bỏ những vùng đất này.
Nhìn tổng quát về tình trạng pháp lí các đảo biển Đông trong thế chiến thứ hai, Pratas (Đông Sa), Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn không giống nhau. Đông Sa là lãnh thổ của Trung Quốc được quốc tế thừa nhận rộng rãi, bị Nhật Bản chiếm đóng trong thời chiến tranh. Sau khi Nhật Bản đầu hàng, Trung Quốc có quyền thu hồi, điều này không hề có ý kiến khác nhau. Hoàng Sa trước chiến tranh là quần đảo tranh chấp giữa hai nước Trung Quốc và Pháp, quốc tế chưa có kết luận rõ ràng. Trong chiến tranh mặc dù Nhật Bản chiếm đóng trong thời gian ngắn nhưng không hề tuyên bố sáp nhập. Vì vậy, sau khi Nhật Bản rút khỏi Hoàng Sa, tình trạng trước chiến tranh cần phải duy trì lại để hai nước Trung Quốc và Pháp giải quyết sau. Còn Trường Sa trước chiến tranh là đảo tranh chấp giữa hai nước Nhật và Pháp, còn Trung Quốc chỉ là nước đưa ra yêu sách rất không rõ ràng, và trong thời chiến Nhật Bản đã sáp nhập Trường Sa vào Đài Loan, điều này khiến tình trạng của Trường Sa cũng có khả năng được xem là một bộ phận thuộc Đài Loan mà “trả lại” Trung Quốc. Tình trạng pháp lí của Trường Sa phức tạp hơn so với Hoàng Sa và Đông Sa.
[233] “Tuyển tập sử liệu”, tr.116
[234] “Về vụ người Nhật Bản chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa pháo kích ngư dân của nước ta”, ngày 17/8 năm Dân quốc thứ 26 (1937), Thư chuyên viên Hoàng Cường gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 364-369.
[235] “Về hiện trạng và tăng cường xây dựng quản lí quần đảo Hoàng Sa”, ngày 31/8 năm Dân quốc thứ 26 (1937), số 12342, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.369-373.
[236] Mật “Phái viên sẽ điều tra quần đảo Hoàng Sa”, ngày 2/9 năm Dân quốc thứ 26 (1937), nhất kiến tự số 16247, Chính quyền tỉnh Quảng Đông báo cáo Bộ Ngoại giao, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.374-376.
[237] “Tuyển tập sử liệu”, tr.117.
[238] Foreign Relations of the United States Diplomatic papers 1939 Vol III the Far East. House Documents no.990, p.113.
[239] Extension of Japanese Penetration into Southern Asia and South Pacific Territories, FRUS, Herbert Hoover, Japan, 1931-1941, Vol.II, p.279.
[240] NYT, 1938/05/01, p.39.
[241] Foreign Relations of the United States Diplomatic papers 1939 Vol III the Far East. House Documents no.990, p.113.
[242] Foreign Relations of the United States Diplomatic papers 1939 Vol III, p.219.
[243] Decision No.156-SC of 1938/06/15, Vietnam Dossier II, p.23
[244] “Điều tra và phúc đáp việc quân Việt chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa”, ngày 6/7 năm Dân quốc thứ 27 (1938), số 208, Bộ Ngoại giao gửi Đại sứ quán tại Pháp, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.385.
[245] “Phía Pháp tuyên bố quân Việt chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa để ngăn cản Nhật xâm chiếm đảo Hải Nam”, ngày 6/7 năm Dân quốc thứ 27 (1938), số 674, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.386.
[246] “Đối với việc Pháp chiếm quần đảo Tây Sa chúng ta nghiên cứu nên giữ lập trường nào”, ngày 7/7 năm Dân quốc thứ 27 (1938), số 675, Điện Đại sứ Cố (Duy Quân) từ Paris gửi Bộ Ngoại giao ở Hán Khẩu, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.394-395.
[247] “Đề nghị ngầm hẹn ước với Pháp cùng kinh doanh quần đảo Tây Sa”, ngày 8/7 năm Dân quốc thứ 27 (1938), số 327, Điện Tổng lãnh sự quán ở Hà Nội gửi Bộ Ngoại giao, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.396.
[248] “Trước việc Pháp chiếm quần đảo Tây Sa tạm thời không đưa ra bất cứ bày tỏ nào”, ngày 9/7 năm Dân quốc thứ 27 (1938), số 212, Điện Bộ Ngoại giao gửi Đại sứ quán tại Pháp, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.396.
[249] “Dùng bản ghi nhớ tuyên bố với Pháp ta có chủ quyền ở quần đảo Tây Sa và chú ý hành động của Pháp cũng như thái độ của Nhật với Pháp”, ngày 13/7 năm Dân quốc thứ 27 (1938), số 218, Điện Bộ Ngoại giao gửi Đại sứ quán tại Pháp, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.397.
[250] “Phía Pháp bày tỏ sẽ giải quyết hữu nghị vấn đề quần đảo Tây Sa, phía Nhật không có quyền tham dự vào”, ngày 19/7 năm Dân quốc thứ 27 (1938), số 800, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.398.
[251] Điện từ Tokyo của Reuters ngày 4/7/1938.
[252] Báo “Hoa Nam buổi sáng” Hong Kong ngày 5/7/1938.
[253] “Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản gặp Đại sứ Pháp tại Nhật để đưa thư phản đối”, ngày 7/7 năm Dân quốc thứ 27 (1938), số 676, Điện đại sứ Cố (Duy Quân) gửi Bộ Ngoại giao từ Paris, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.395.
[254] Foreign Relations of the United States Diplomatic papers 1937 Vol III, p.635.
[255] “Từ ngữ ôn hòa trong công hàm của Nhật phản đối việc Pháp chiếm đảo Hoàng Sa”, ngày 10/7 năm Dân quốc thứ 27 (1938), số 678, Điện đại sứ Cố (Duy Quân) gửi Bộ Ngoại giao từ Paris, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.397.
[256] Như trên.
[257] “Nghiên cứu cương vực”, tr.106.
[258] SCSAED, tr.11.
[259] Mật “Theo đội trưởng dân đoàn Thuận Hóa báo cáo tình hình quần đảo Hoàng Sa”, ngày 18/11 năm Dân quốc thứ 27 (1938), số 5890 chữ Việt, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.398-399.
[260] Foreign Relations of the United States Diplomatic papers 1939 Vol III the Far East. House Documents no.990, p.104.
[261] Annex 28, SOPSI, pp. 222-223. Decision No.3282 of 1939/05/05, Vietnam Dossier II, p.23.
[262] Decision no.1351 of 1941/05/17, Vietnam Dossier II, p.25.
[263] “Lịch sử tranh chấp quốc tế”, tr.330. “Tuyển tập sử liệu”, tr.119.
[264] “Lịch sử tranh chấp quốc tế”, tr.336.
[265] FRUS, 1933-1945, Franklin D. Roosevelt, 1939 vol.III, The Far East (1955) 111-112, 851G.014/8:Telegram.
[266] https://www.cia.gov/library/readingroom/docs/CIA-RDP08C0129R000300180025-5.pdf
[267] Extension of Japanese Penetration into Southern Asia and South Pacific Territories, FRUS, Herbert Hoover, 1931-1941, Vol.II (1943), p.278.
[268] Foreign Relations of the United States Diplomatic papers 1939 Vol III the Far East. House Documents no.990, p.115.
[269] A.B. Feuer, Australian Commandos: Their Secret War Against the Japanese in World War II, p.57-62, Stackpole Books, 2006, Also See SFPIA, p.57.
[270] SFPIA, p.57.
[271] Hayton cho rằng ngày 21/11/1945 lần đầu tiên máy bay trinh sát của Mĩ đổ bộ lên đảo Thái Bình, nói vậy là sai, phải chỉ là lần đầu sau chiến tranh tuần tra ở đảo Thái Bình mà thôi. http://amti.csis.rg/calm-and-storm-the-south-china-sea-after-the-second-worldwar/
[272] http://www.loc.gov/law/help/us-treaties/bevan/m-ust000003-0858.pdf
[273] “Tuyên bố Cairo” không có văn bản tiếng Trung chính thức.
[274] Sách trắng của Trung Quốc năm 2016.
[275] SOPSI, p.120.
[276] Post WWII foreign policy planning State Department records of Harley A.Notter, 1939-1945. Microfiche, 89/8000C. Also see, Kimie Hara, Cold war frontiers in the Asia-Pacific, Routledge, 2007, p.146.
[277] Ibid, also see Hara, Cold war frontiers in the Asia-Pacific, Routledge, 2007, p.147.
[278] Như trên.
[279] Foreign Relation of the United States Diplomatic papers 1938 Vol III, p.129.
[280] FRUS, 1945-1953, The Conferences of Berlin (The Potsdam Conference), 1945, 2 vols. (1960) Vol.1, 926-927. File: 740.00119 (patsdan)/5-2446.
[281] Kimie Hara, Cold war frontiers in the Asia-Pacific, Routledge, 2007, p.148.
[282] Post WWII foreign policy planning State Department records of Harley A. Notter, 1939-1945. Microfiche, 89/8000C.
[283] Như trên.
[284] Kimie Hara, Cold war frontiers in the Asia-Pacific, Routledge, 2007, p.148