Về bức thư gia đình gửi Kim Trọng

Nguyễn Tài Cẩn

1/ Trong nguyên tác của Thanh Tâm Tài Nhân, cũng như trong Kim Vân Kiều lục chúng ta đều thấy có một bức thư gia đình gửi đến Kim Trọng, gọi về hộ tang cho chú. Bức thư chỉ có vài dòng ngắn ngủi thôi, nhưng không rõ vì sao giữa các bản Nôm gọi là bản Kinh và bản Phường lại để xảy ra chuyện phải đem cả đoạn ra chữa đi chữa lại khá nhiều, và để xảy ra chuyện người thì bình luận thế này, người thì bình luận thế khác. Do đó thiết nghĩ đây cũng là một đoạn thơ cần phải cùng nhau tiếp tục tìm hiểu.

2/ Như vừa nói, việc diễn Nôm bức thư đã đưa đến một đoạn thơ với hai dị bản khá khác nhau:khác cả về số lượng câu và ý, khác cả về từ ngữ cũng như khác cả về văn phong. Và xung quanh dị bản nào cũng có những câu chuyện kể về Truyện Kiều trong dân gian có thể giúp cho chúng ta ngẫm nghĩ thêm.

Trước hết xin nói về từ ngữ. Chỉ đọc ba câu đầu trong dị bản Phường

Cửa sài (//ngoài) vừa ngỏ then hoa

Gia đồng vào gửi thư nhà mới sang

Đem tin thúc phụ TỪ ĐƯỜNG

là đã thấy ngay có vấn đề: Hai chữ TỪ ĐƯỜNG nên hiểu như thế nào? Vì sao các bản Kinh nhất định không chịu chấp nhận chúng? Và vì sao có người kịch liệt đem chúng ra phê phán?

Hóa ra có độc giả hiểu đây là kết cấu TỪ ĐƯỜNG với nghĩa là “nhà thờ họ”, có chữ TỪ viết với bộ KÌ! Nhưng xét kĩ thì đây lại là một kết cấu TỪ ĐƯỜNG hoàn toàn khác, với nghĩa khác, tự dạng khác. Về nghĩa đây là một kết cấu động từ, về tự dạng, đây là một kết cấu có chữ TỪ thuộc bộ TÂN (TỪ như trong TỪ CHƯƠNG, TỪ ĐIỂN!).

Chúng tôi đã tra cứu Từ Hải, Khang Hi, Quảng Hán Hòa từ điển cũng như các từ điển Hán-Nga, Hán-Pháp, v.v. nhưng chưa đâu tìm thấy kết cấu có sẵn này. Nhưng đi theo nguyên tắc phân tích theo từng chữ một, chúng tôi thấy:

– TỪ có nhiều nghĩa nhưng cũng có cả nghĩa là “từ chối, từ bỏ, từ giã, từ biệt”;

– ĐƯỜNG cũng có cả nghĩa là “ngôi nhà cả gia đình ở”;

– và, do đó, TỪ ĐƯỜNG cũng có thể có nghĩa là “từ giã nhà cửa“, “từ giã gia đình”, tức là chết.

Quả là một cách nói đặt theo đúng nguyên tắc ngôn ngữ học: đúng như các cách nói TỪ TRẦN (trong Khai Trí Tiến Đức), hay TỪ THẾ (trong từ điển Hán-Nga) hay TỪ LỘC (như trong Huỳnh Tịnh Của), v.v. (1).

3/ Về văn phong, hai cụ Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim đánh giá các bản Kinh như sau: “lời lẽ thật thà”, “ý rõ ràng” nhưng “không phải giọng văn của tác giả” (tức của cụ Nguyễn Du – NTC chú thích). Đúng là có chuyện thật thà. Ông chú Kim Trọng chết ở Liêu Dương và bản Kinh đã không giấu chuyện chết đường ấy, dị bản phổ biến hiện ghi:

Nhắn rằng thúc phụ XA ĐƯỜNG MỆNH CHUNG

Sách Nguyễn Quảng Tuân còn phát hiện thêm một dị bản nữa:

Nhắn rằng thúc phụ TRÊN ĐƯỜNG MỆNH CHUNG

Trong khi ấy các bản Phường chỉ nói “chết” (= TỪ ĐƯỜNG) chứ không cho biết rõ chuyện chết đã xảy ra trong hoàn cảnh cụ thể như thế nào: chết ở nhà hay chết ở đâu, chết bình thường hay chết trong điều kiện khác lạ?

b) Và cũng đúng là bản Kinh cho biết thêm nhiều chi tiết rất rõ ràng, cụ thể: như cho biết ông bố Kim Trọng đã tự tay viết thư ra lệnh cho con, quan tài ông chú hãy còn kí táng ở Liêu Đông, hay cho biết cả kế hoạch nay đang đưa quan tài về quê, v.v. Trong khi ấy các bản Phường chỉ nêu qua – trong một câu rất cô đọng – về thảm cảnh trước mắt, là

Bơ vơ lữ thấn, tha hương đề huề

(thảm cảnh mà chúng tôi tạm dịch – không biết đã đúng chưa? – là:

– “TRƠ TRỌI MỘT MÌNH, MỘT CHIẾC QUAN TÀI MỚI LIỆM CỦA LỮ KHÁCH”;

– “CÙNG DẮT DÍU NHAU TRÊN MỘT VÙNG ĐẤT XA LẠ”;

hay “CHỈ CÓ VÙNG ĐẤT XA LẠ GIÚP ĐỠ TRÔNG COI”?)

Vì viết cô đọng quá, câu này đã bị có người hiểu sai hoặc bị bắt bẻ một cách rất gay gắt. Ngay chúng tôi, chúng tôi cũng chỉ hiểu được áng chừng như thế thôi, tuy rằng chúng tôi rất thích, và cho rằng các bản Kinh mà gạt bỏ nó đi thì thật đáng tiếc!

c) Còn về giọng văn, rõ ràng hai cụ Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim có ấn tượng thiên về khen các bản Phường hơn các bản Kinh. Đây là một vấn đề rất quan trọng, nhưng không phải dễ chứng minh. May rằng ở lề phía trên, bản Kiều Oánh Mậu có ghi chú thêm đoạn nguyên tác này. Chúng tôi đã dựa vào đấy để suy luận, nhất là dựa vào câu đầu:

Đem tin thúc phụ TRÊN ĐƯỜNG

Và chúng tôi đã đi đến hai nhận xét:

– Toàn văn đoạn nguyên tác của cụ Nguyễn Du gần hẳn với bên các bản Phường vì chỉ khác một chỗ;

– Và chỗ khác đó là chưa dùng hai chữ TỪ ĐUỜNG (nói chuyện “chết”) mà chỉ dùng hai chữ TRÊN ĐƯỜNG;

Vậy nhà thơ không những không muốn nói trắng ra chuyện chết đường đã xảy ra trong thực tế mà ngay riêng chuyện ông chú chết thôi, cũng không muốn đề cập đến. Nhà thơ chỉ muốn nêu lên cái hình tượng gây xúc động về chiếc quan tài mới liệm vừa nói ở trên mà thôi.

4/ Cuối cùng, về cứ liệu ngoài lề – tức về những chuyện kể về Truyện Kiều trong dân gian –, ở riêng đoạn thơ này, chúng tôi cũng có được một vài ghi chép:

– Một bạn cho biết trong làng có cụ già kể rằng xưa cụ Nguyễn Du viết

Đem tin thúc phụ CHẾT ĐƯỜNG (hay // THÁC ĐƯỜNG)

nhưng sau bạn bè sợ gỡ (trong Huỳnh Tịnh Của còn ghi CHẾT ĐÀNG là một tiếng rủa!) nên đề nghị phải gắng né tránh, đổi CHẾT ĐƯỜNG thành “TỪ ĐƯỜNG “(=chết).

– Một bạn khác lại kể chuyện trong gia đình, xưa có một cụ cố hễ đến hai chữ TỪ ĐƯỜNG thì bao giờ cũng đọc Nôm thành RÀY ĐANG;

a) Trong chuyện đầu, không rõ có đúng là vốn có sự trao đổi:

– giữa nhà thơ và bạn bè hay chỉ là sự trao đổi giữa những nhà biên tập đời sau?

– và trao đổi chỉ vì lí do “sợ gỡ” hay còn vì những lí do gì khác nữa?

Nhưng chuyện cân nhắc giữa CHẾT ĐƯỜNG và TỪ ĐƯỜNG thì rất có khả năng đó là chuyện có thực, xưa đã từng xảy ra.

b) Còn trong chuyện sau thì thú thật trước chúng tôi nghĩ khác, nay nghĩ khác. Thời mới đi vào Truyện Kiều, còn nặng về lí thuyết, quả thực chúng tôi có cho rằng TỪ ĐƯỜNG có thể đọc thành RÀY ĐANG (như trong Duy Minh Thị 1872 chẳng hạn) vì hai lẽ:

– Chữ TỪ có thể đọc theo nghĩa thành LỜI // MLỜI, mà MLỜI lại có khả năng đọc cả thành RÀY (2);

– Chữ ĐƯỜNG có thể coi như là dạng kị húy của chữ ĐANG (theo lệnh năm 1825). Thông thường ĐANG thay bằng ĐĂNG, nhưng cũng có lúc thay bằng KHI như ở câu 3075, hay thay bằng một chữ “bất thành tự”, như ở câu 1892 bản Duy Minh Thị. Ở đây bỏ ĐIỀN thay bằng THỔ thì ta có ĐANG chuyển thành ĐƯỜNG, vậy khả năng viết kị húy là một khả năng cũng cần phải tính đến.

Mà đọc Đem tin thúc phụ RÀY ĐANG

Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề

thì nghe cũng được lắm chứ!

Nhưng nay chúng tôi đã có cứ liệu trong tay để nghi ngờ câu khẳng định cũ đó: ở bản KIM VÂN KIỀU HỢP TẬP in năm 1919, lệnh kị húy đối với chữ ĐANG đã bị bãi bỏ, nhưng hai chữ TỪ ĐƯỜNG vẫn viết với tự dạng như xưa: rõ ràng TỪ ĐƯỜNG có sự tồn tại của riêng mình như một kết cấu độc lập, chứ không phải chỉ do hiện tượng kị húy RÀY ĐANG lâm thời sản sinh ra. Vậy không rõ ông cụ đọc TỪ ĐƯỜNG thành RÀY ĐANG là vì sao? Vì căn cứ bản rất xưa? Hay vì có ý định nhuận sắc?

5/ Tóm lại, về quá trình diễn biến của các dị bản, chúng tôi hình dung như sau:

– Chắc xưa nhà thơ cho rằng không nên kể lại tất cả sự khủng khiếp trong chuyện ông chú chết đường, mà chỉ nên nêu lên những cái đáng buồn đáng lo trước mắt mà thôi, nên trong nguyên tác mới viết:

Đem tin thúc phụ TRÊN ĐƯỜNG:

Bơ vơ lữ thấn, tha hương đề huề (3)

Liêu Dương cách trở sơn khê

Xuân đường kíp gọi sinh về hộ tang

– Nhưng bạn bè sợ nói thế thì mơ hồ quá, nên đề nghị đổi TRÊN ĐƯỜNG thành TỪ ĐƯỜNG. Và dị bản này được các bản Phường chấp nhận, cho phổ biến.

– Có điều TỪ ĐƯỜNG lại là một kết cấu uyên bác, ít ai biết. Người đọc bình thường có thể hiểu nhầm hay hiểu một cách quá chung chung.

– Thế là các vị trong Kinh lại chữa lại để vừa thật hơn, rõ hơn, vừa dễ hiểu hơn: không nói TỪ ĐƯỜNG nữa mà nói MỆNH CHUNG ở TRÊN ĐƯỜNG, hay ở XA ĐƯỜNG.

6/ Còn về việc sử dụng các dị bản trong công tác phục nguyên thì nên như thế nào? Theo ý chúng tôi,

– Không nên dựa vào các bản Kinh, vì dầu có thiện chí, nhưng các bản Kinh đã chữa lại hầu hết những gì có trong nguyên tác. Không những chữa nhiều mà còn chữa không đúng với giọng văn của nhà thơ – theo nhận định của hai cụ họ Bùi và họ Trần!

– Các bản Phường đã được chứng minh là rất gần nguyên tác, nên chúng ta phải coi trọng hơn. Nhưng các bản Phường cũng đã đổi TRÊN ĐƯỜNG thành TỪ ĐƯỜNG!

– Vậy nhiệm vụ của giới Kiều học của chúng ta hiện nay là:

*** Trước hết phải xét xem cụ Nguyễn Du có tán đồng dị bản TỪ ĐƯỜNG không?

Việc này xem chừng không dễ.

***Nếu thế, nhiệm vụ tiếp theo phải là quyết định nên ngả theo bên nào? Nên theo TRÊN ĐƯỜNG hiện thấy trong bản phác thảo nguyên tác? Hay nên theo TỪ ĐƯỜNG đã được phổ biến rộng rãi trong hơn hai thế kỉ nay?

Theo chỗ chúng tôi biết, khuynh hướng chung là chọn TỪ ĐƯỜNG. Nhưng riêng Kiều Oánh Mậu thì hình như cũng có chủ kiến riêng: nếu không, sao ông lại phụ chú thêm cả bốn câu “nguyên tác” làm gì? (Xin chú ý: đây là lần duy nhất ông đưa nguyên tác vào làm một phụ chú đặc biệt như vậy!).

=================================

1/ Hai cụ Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim còn dẫn cả ví dụ QUYÊN XÁ với nghĩa là “bỏ nhà” tức là chết. Từ điển Đào Duy Anh còn dẫn thêm QUYÊN TRẦN, QUYÊN SINH, QUYÊN MỆNH.

2/ Trong chữ Nôm nhiều khi chúng ta thấy:

a) Có thể viết chữ Hán rồi đọc theo nghĩa như Maiorica viết THIÊN, đọc TRỜI; bản Duy Minh Thị 1872 viết CỬU đọc CHÍN, v.v.

b) Trường hợp RÀY (= bây giờ, ngày rày) có liên quan với LỜI và viết như LỜI (không có nghĩa phù NHẬT): xin xem Tự điển chữ Nôm của Viện Hán Nôm và Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, bản in 1868, bài 128.

3/ Kiều Oánh Mậu, Lâm Nọa Phu viết SẤN (thanh phù THÂN), đa số viết THẤN (thanh phù TÂN), nghĩa có khác nhau!

Nguồn: http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/dien-dan/30-nhung-goc-nhin-van-hoa/50-ve-buc-thu-gia-dinh-gui-kim-trong

Comments are closed.