VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975 (18): Trần Thái Đỉnh (1922-2005)

Thụy Khuê

Văn Việt: Văn học miền Nam 1954-1975 chịu ảnh hưởng khá mạnh mẽ của các triết học phương Tây hiện đại, đặc biệt là chủ nghĩa hiện sinh. Vai trò của các nhà nghiên cứu triết học miền Nam đối với văn học thời kỳ này là điều phải ghi nhận. Trong phạm vi có thể của mình, Văn Việt xin giới thiệu một số tác giả nổi bật về triết học phương Tây: Trần Thái Đỉnh, Trần Văn Toàn, Nguyễn Văn Trung.

Tiểu sử

 Trần Thái Đỉnh sinh ngày 14 /11/ 1922 tại Hưng Yên. Mất ngày 13/11/2005 tại Sài Gòn. Bút hiệu khác là Trần Hương Tử. Học trường đạo từ nhỏ, vào Tiểu chủng viện Trung Linh, Bùi Chu. Sau đó, được gửi theo học Đại chủng viện Saint Sulpice (Xuân Bích), Hà Nội. Trở lại Bùi Chu, học thần học tại Đại chủng viện Quần Phương. Thụ phong linh mục năm 1947. Được chỉ định dạy học tại Tiểu chủng viện ở Bùi Chu.

 Năm 1953, qua Pháp du học, gia nhập Tu hội Saint Sulpice tại Issy-les-Moulinaux. Trong hai năm (1955-1957), ông dự thính trực tiếp những bài giảng của triết gia Merleau-Ponty tại Collège de France (Pháp Quốc Học Viện). Đậu tiến sĩ triết học tại Institut Catholique de Paris năm 1958.

Trở về Việt Nam, ông dạy triết tại Đại chủng viện Bùi Chu, Gia Định, đồng thời dạy triết Tây tại các đại học Văn khoa Sài Gòn và Đà Lạt. Năm 1972, ông giữ chức Trưởng ban Việt ngữ tại Đại học văn khoa Đà Lạt và được bầu làm Bề trên Tu hội Saint Sulpice tại Việt Nam và Giám đốc Đại chủng viên Xuân Bích tại Huế. Dạy triết Tây cho Đại học Văn khoa Huế.

 Năm 1973, vì tai nạn xe gắn máy, ông phải điều trị ở bệnh viện một năm. Trong hoàn cảnh này, ông bỏ tu. Sau 1975, ông bỏ hàng ngũ linh mục, lập gia đình.

Sau 1975, các giáo sư của miền Nam không còn được giảng dậy ba môn: Văn, Sử, Triết, nữa; Nguyễn Văn Trung lui về nghiên cứu. Theo Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh nhận việc dịch những văn bản nội bộ của nhà chung để sinh sống. Trong suốt thời gian từ 1975 đến 2005, khi ông mất, giáo sư Trần Thái Đỉnh không viết thêm gì về triết học nữa.

 

Tác phẩm:

La théorie du Bouddhisme (Lý thuyết Phật giáo) Luận án tiến sĩ, Paris, 1960.

Khái niệm bản ngã trong tư tưởng triết học Phật giáo, Sài Gòn

Người công giáo trước thời đại (viết chung), Sài Gòn, Đạo và Đời, 1961.

Triết học nhập môn, Sài Gòn, 1961.

Những suy niệm siêu hình học của Descartes, Sài Gòn, 1962.

Triết học hiện sinh (1967)

Cơ cấu luận (1968)

Hiện tượng học là gì? Sài Gòn, Hướng Mới, 1969.

Biện chứng pháp là gì? Sài Gòn, Hướng Mới, 1969.

Triết học Kant, Sài Gòn, 1969.

Phương pháp luận Descartes, Sài Gòn, 1973.

Những lời giảng dạy của chúa Giêsu, tpHCM.

Sách giáo lý của giáo hội công giáo, bản dịch cuốn Catéchisme de l’Eglise Catholique của Giáo hội Pháp, Paris, 1992. Sách dày 1270 trang, CA, Thời điểm Công giáo, 1995. (Theo trang www.chungta.com, chúng tôi chưa có điều kiện để kiểm chứng lại.)

 

Không ai có thể chối cãi tầm quan trọng của triết học trong đời sống văn học. Hiển nhiên là một nhà văn chỉ có thể viết một cách sâu sắc, nếu tư tưởng đạt đến một chiều sâu triết học nào đó. Có thể nói, nếu không có ảnh hưởng triết học hiện sinh, chúng ta không có những thành tựu của nhóm Sáng Tạo, hay nhạc Trịnh Công Sơn.

 Một nền văn học không đi kèm với một nền giáo dục triết học như tình trạng hiện nay của chúng ta, tất nhiên giới sáng tác trẻ đã và sẽ còn bị thiệt thòi. Và đó là lý do khiến chúng tôi trở lại với những cố gắng quảng bá triết học Tây phương vào Việt Nam của một số giáo sư đại học những năm 60 của thập kỷ trước, mà linh mục Trần Thái Đỉnh là một khuôn mặt độc đáo.

Viết về triết học, Trần Thái Đỉnh luôn có sự lựa chọn mấu chốt cơ bản, để người đọc có thể nắm được cái sườn chính của con đường tư tưởng: ông viết về Descartes, vì Descartes là cha đẻ của nền triết học mới, hiểu theo nghĩa chữ moderne. Ông viết về Kant vì Kant được coi là cha đẻ của triết học đương thời hay ngày nay, hiểu theo nghĩa chữ contemporain: Kant là người thầy đầu tiên của triết học hiện sinh.

Ông viết về biện chứng pháp vì biện chứng pháp là phương pháp luận của mọi thời.

Ông viết về hiện tượng học vì hiện tượng học, cho đến nay, vẫn là phương pháp khoa học chính xác nhất có thể áp dụng cho tất cả các nền khoa học nhân văn và tư tưởng.

Trong tương lai sẽ phải phục hồi dần môn triết học ở đại học Việt Nam, những công trình nghiên cứu triết học của giáo sư Trần Thái Đỉnh đã và sẽ còn giúp phần không nhỏ cho sinh viên trong những bước đầu làm quen với triết học, giúp họ hiểu thấu một số vấn đề cơ bản của triết học cũng như có một cái nhìn toàn thể về lịch sử tư tưởng trước khi bước sâu vào các địa hạt chuyên môn như sáng tác hoặc biên khảo.

 Vì vậy, việc in lại sách của Trần Thái Đỉnh, trở thành một đòi hỏi tất yếu, trong tình trạng thiếu sách viết về triết học hiện nay. Mặc dầu đã có vài cuốn sách triết được dịch, nhưng vẫn thiếu những sách giáo khoa cơ bản. Chính loại sách phổ thông này mới thực sự giúp cho độc giả nhập môn triết học, rồi sau đó mới có thể đi sâu vào việc “đọc” trực tiếp những triết gia, là giai đoạn thứ nhì, của những sinh viên làm luận án hoặc các chuyên gia về triết học.

Nhắc lại sự đóng góp của Trần Thái Đỉnh trong việc quảng bá triết học Tây phương, thập niên 1960-70, cũng là nhắc đến công lao của ông và các giáo sư triết thời ấy, trong việc dịch các danh từ triết học sang tiếng Việt: một số danh từ rất khó, mà nếu không có kiến thức rộng về Triết học, Hán họcLa tinh thì không thể dịch một cách chính xác những từ như: Idéal trong triết học Kant là Ý thể. Chữ Idées trong triết học PlatonLinh tượng. Chữ Paralogisme Võng luận. Chữ Aperception Thông giác. Chữ Pour soiQuy ngã. Chữ En soi Tự ngã. Chữ Trancendental trong triết học Kant là Siêu nghiệm v.v…

Tác phẩm Trần Thái Đỉnh nằm trong loại sách nghiên cứu triết học của những giáo sư đại học có uy tín tại miền Nam:

 Lê Tôn Nghiêm viết Heidegger trước sự phá sản của tư tưởng Tây phương (1969), Đâu là căn nguyên tư tưởng (1970).

Trần Văn Toàn viết Hành trình đi vào triết học (1965), Xã hội và con người (1965), Tìm hiểu triết học Karl Marx (Nam Sơn, Sài Gòn, 1967), Tìm hiểu đời sống xã hội (1967).

Nguyễn Văn Trung viết rất nhiều tác phẩm, vừa triết học thuần túy, vừa triết học áp dụng vào văn chương, vào phê bình văn học, phê bình chính trị, phê bình xã hội v.v… Tác phẩm của Nguyễn Văn Trung gồm những cuốn như Biện chứng giải thoát trong Phật giáo (1958), Nhận định (5 tập), Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết (1962), Lược khảo văn học (3 tập), Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam, thực chất và huyền thoại (1963), Nhà văn, người là ai? Với ai? (1965), Hành trình trí thức của Karl Marx (1966), Ca tụng thân xác (1967), Ngôn ngữ và thân xác (1968), v.v…

 Nguyên Sa Trần Bích Lan viết những sách về triết học và văn học: Quan điểm văn học và triết học (1959), Descartes nhìn từ phương Đông (1966), Một bông hồng cho văn nghệ (1967), Một mình một ngựa (1971)…

 

Nếu sách của các tác giả này được lần lượt tái bản ở trong nước, tuy khá muộn màng, sẽ giúp đỡ rất nhiều cho giới trẻ, phần lớn thiếu vốn ngoại ngữ, nhưng muốn tìm hiểu tiến trình tư tưởng của con người. Đối với những văn nghệ sĩ muốn cách tân thơ văn, vấn đề lại càng khẩn thiết. Vì hầu như mọi hình thức văn nghệ đều gắn bó với các trào lưu tư tưởng, mà muốn cập nhật hóa văn nghệ thì trước hết phải cập nhật hóa tư tưởng.

Ở ngoài nước, vấn đề cũng không khác: Các tác giả sống ở ngoài nước, có cảm tưởng rằng sự tự do và sự đọc được ngoại ngữ sẽ đương nhiên đưa tới việc đổi mới và cập nhật với văn chương thế giới. Mọi sự có lẽ không đơn giản như vậy: Từ việc biết ngoại ngữ để làm việc sinh sống, đến việc tìm hiểu tư tưởng của thế kỷ để đào sâu sáng tác của mình, không hiển nhiên dễ dàng, nhất là phần lớn những người cầm bút hải ngoại còn phải lo cuộc sống cơm áo hàng ngày, sáng tác nằm trong lãnh vực cuối tuần, trà dư tửu hậu.

Trong sách báo hải ngoại, có những tác giả muốn bước thẳng vào những cái mới nhất của thời đại này, họ đưa ra những chủ nghiã (isme) này, chủ nghiã kia, thật tân kỳ, ầm ỹ, nhưng thường thường lại không giải thích được cặn kẽ nội dung của những chủ nghiã đó, và nhất là những isme đó phát xuất từ đâu, bởi họ coi thường hoặc không biết đến những chặng trước của tư tưởng. Chẳng khác gì học ngọn mà không học rễ. Rút cục bị rơi vào cái trống rỗng của những người muốn bước vọt quá cao mà không dựa trên một nền tảng suy luận vững chắc về “cái biết” của mình.

Bi kịch chung của người viết trong nước và ngoài nước hôm nay là có một khoảng trống tư tưởng của nhân loại chưa cập nhật được.

Một phần của khoảng trống đó là triết học hiện sinh.

 

*

Chúng tôi sẽ giới thiệu tác phẩm của Trần Thái Đỉnh làm hai phần.

Phần I: Trình bầy ba cuốn sách cơ bản: “Biện chứng pháp là gì? Hiện tượng học là gì?Triết học Kant.

Phần II: Giới thiệu cuốn Triết học hiện sinh.

 

Phần I

Biện chứng pháp là gì?

Cuốn Biện chứng pháp là gì? do Hướng Mới xuất bản năm 1969, là một trong những cuốn sách nhập môn của triết học. Chúng ta, ai mà chẳng nghe nói đến biện chứng pháp, nhưng biết những chữ đó nghĩa là gì và giải thích cho người khác hiểu, không phải là dễ. Cách đưa người đọc thẳng vào vấn đề chứng tỏ phương pháp dẫn giải độc sáng của Trần Thái Đỉnh, trong phần nhập đề ông viết:

“Biện chứng pháp là phương pháp nghiên cứu được con người sử dụng ngay từ những bước đầu của hai nền văn học Âu Á. Và càng ngày nó càng tỏ ra hiệu nghiệm cho việc tìm hiểu thực chất của xã hội và con người, xưa kia Platon coi toán học là điều kiện tất yếu để vào học triết, và ổng đã cho ghi trên cửa trường câu “Ai không giỏi toán xin đừng vào đây (…) Biện chứng pháp xuất hiện rất sớm, có thể nói là ngay từ khi con người biết suy tưởng. Mà cũng không thể khác được: sự suy nghĩ luôn tiến bước trên hai chân cũng như con người đi đứng bằng hai chân. Suy nghĩ của ta, nhận thức của ta chỉ có thể hoặc quyết, hoặc chối, khẳng định hoặc phủ định. Nếu chỉ có khẳng định mà không có phủ định, thì tư tưởng không thể tiến được bước nào nữa, cũng như người chỉ có một chân” (Biện Chứng Pháp là gì? Trang 6).

Đó là cách viết về triết học của Trần Thái Đỉnh, vừa ngắn gọn, vừa sáng sủa, và trực tiếp, luôn luôn có những thí dụ cụ thể bên cạnh những khái niệm trừu tượng, để người đọc dễ tiếp thu.

 Cuốn Biện chứng pháp là gì chia làm bốn phần: Phần nhập đề, tác giả lược tả những phương pháp biện chứng chủ yếu đã được dùng từ thượng cổ đến ngày nay, ở Phương Đông, trước khi nói về ba phương pháp biện chứng cơ bản của phương Tây: Biện chứng pháp duy niệm của Platon, biện chứng pháp duy linh của Hegel, và biện chứng pháp duy vật của Các Mác.

Phần nhập đề ngắn gọn nhưng cho độc giả một cái nhìn bao quát, về tiến trình triết học ở phương Đông: với Kinh Dịch, người xưa đã sớm tìm ra bản chất biện chứng của vạn vật. Quan niệm căn bản của Kinh Dịch là sự biến dịch của cặp phạm trù Âm Dương. Rồi đến quan niệm vũ trụ biến hoá trong Đạo Đức Kinh, trùng hợp với học thuyết Bà La Môn của Ấn Độ.

 Triết học Ấn Độ chia làm hai phái: phái Bà La Môn chủ trương vạn vật có bản tính sẵn tự ngàn đời trướcphái Hư Vô chủ trương vạn vật là hư vô, không có bản tính.

 Học thuyết của Phật Tổ là tổng đề của hai học thuyết trên: Phật dạy rằng vạn sự vô thường. Muôn vật luôn luôn sinh diệt, biến hoá, như bánh xe quay. Tuy nhiên trong cái vô thường này cũng có cái thường, vững như bàn thạch: đó là luật nhân quả, cũng gọi là Duyên Khởi Pháp.

Duyên Khởi Pháp là gì? là chuyển động biến dịch, con người “trầm luân” đắm chìm trong trong bể khổ, ăn những nghiệp quả do chính mình tạo ra.

Nhờ Duyên Khởi Pháp, Phật tổ đã giải quyết được cặp tương phản Bà La Môn và Hư vô: Bà La Môn chủ trương con người có bản tính bất biến và vĩnh cửu. Ngược lại nhóm Hư vô chủ trương chết là hết.

Tóm lại, theo đạo Bà La Môn thì mỗi khi luân hồi, chính ta sinh lại, còn theo thuyết hư vô thì đó là người khác sinh ra, chứ còn ta đâu mà tái sinh.

Phật tổ dung hoà hai lẽ: khi tái sinh, ta vừa là ta, vừa là không ta.

Cho nên Duyên Khởi Pháp, tức Thập nhị kỳ duyên của Phật tổ đánh dấu những tiến triển lớn lao của biện chứng pháp cho nền tư tưởng Ấn Độ. (Trang 13-14- 15).

Nhưng rồi chính trong lòng Phật pháp lại sinh ra hai khuynh hướng đối lập:

Thượng Tọa Bộ chủ trương bảo trì nguyên vẹn lời dạy của Phật tổ còn Đại Chúng Bộ chủ trương cải cách.

Một khuynh hướng thứ ba xuất hiện, đó là phái Trung Luận do Long Thọ chủ trương, lấy Kinh Bát Nhã làm nền tảng. Đó là thuyết chân không.

Long Thọ đã siết chặt tương quan hỗ tương giữa vô vi và hữu vi, để đi tới kết luận:

Cả hai, Vô viHữu vi cùng tương đối, vì phải liên hệ và tùy thuộc lẫn nhau.

Trần Thái Đỉnh viết:

“Phải đọc sách của Long Thọ mới biết rằng thời đó ngài đã thành thạo và sử dụng biện chứng pháp một cách tuyệt diệu là chừng nào (…) Xem thế, biện chứng pháp hầu như là một truyền thống của Phật giáo, bởi vì sau Long Thọ, người ta còn thấy phương pháp biện luận này được sử dụng một cách tài tình bởi tác giả cuốn Thủ Lăng Nghiêm, cũng như tác giả cuốn Pháp Bảo Đàn Kinh”. (Trang 17-18).

 

Sau khi duyệt qua những phương pháp luận chính của phương Đông, Trần Thái Đỉnh nhắc lại định nghiã của Jean Wahl, trong cuốn Siêu hình học (Traité de métaphysique), về biện chứng như sau:

Biện chứng pháp là con đường đưa tới thực tại, chứ nó không phải là tất cả thực tại. Đàng khác, nơi chữ dialectique có ý chỉ một dia, nghiã là vượt qua: cho nên biện chứng pháp là đường đi, chứ không phài là khởi điểm và cũng phải là chỗ đến”.

Và ông viết tiếp:

“Chữ dialectique của Pháp do phiên âm chữ dialecktikè của Hy Lạp, và chữ này thành bởi hai chữ: dia, nghĩa là cả hai, xuyên qualegein, nói.

Như vậy biện chứng pháp là đi từ đầu đến cuối đường, từ chỗ u minh tới chỗ sáng sủa, từ chỗ nghi hoặc đến chỗ phân minh: nó chính là con đường dẫn chúng ta đi tới như vậy. Đi tới luôn, không bao giờ dừng lại, bởi vì nó có ba nhịp:

Nhịp đầu là chính đề (khi hai chân còn liền với đất).

Nhịp hai là phản đề (khi chân đã lìa đất)

Và nhịp ba là tổng đề (khi chân lại đặt trên đất, nơi một chỗ xa hơn trước).

Rồi nhịp ba này tức khắc trở thành nhịp một cho một vận động khác tiếp theo.

Trên con đường biện chứng pháp, chính đề là nhận thức đầu tiên, phản đề là nhận thức kế tiếp và chống lại nhận thức trước: do sự cọ sát của hai nhận thức tương phản này mà sinh ra nhận thức thứ ba, vừa phủ nhận hai nhận thức trên đây, vừa giữ lại những gì là tích cực của hai nhận thức đó”. (Trang 20-21).

 

Cuốn Biện chứng pháp là gì? cốt trình bày hai phương pháp biện chứng chủ yếu của triết học: Duy tâm biện chứngduy vật biện chứng.

Nhưng muốn hiểu rõ hai phương pháp này thì phải trở về nguồn, tức là phải tìm hiểu phương pháp biện chứng duy niệm của Platon ngày trước. Và trước khi đi vào biện chứng duy niệm của Platon, Trần Thái Đỉnh nhắc lại tiến trình lịch sử của biện chứng pháp phương Tây, từ thời thời tiền Socrate đến Platon. Như thế người đọc sẽ có một cái nhìn tổng thể về lịch sử triết học nói chung.

Hy Lạp, ngay từ thế kỷ thứ bảy, thứ sáu, trước Tây lịch, đã có một nền văn minh cao lắm. Người ta gọi thời này là thời đại thất hiền.

Thalès nói rằng vạn vật do biến dịch mà ra và theo Thalès, nguyên ủy của vũ trụ vạn vật là nước.

Thalès là triết gia đầu tiên của nhân loại vì ông là người đầu tiên nhận ra rằng vũ trụ vạn vật là một toàn thể duy nhất, một khối duy nhất, có một nguồn gốc chung.

Đông cũng như Tây, cổ kim vẫn định nghiã hiền triết là người thấu được cái “cùng kỳ lý của vũ trụ vạn vật” cái nguồn gốc sâu xa nhất của muôn loài. Thalès đã trực giác thấy cái “cùng kỳ lý” đó” (Trang 28).

Trần Thái Đỉnh viết tiếp: “Dầu sao Thalès cũng chỉ là bước đầu, phải đợi đến Héraclide, đầu thế kỷ thứ sáu trước Tây lịch, với thuyết Biến dịch của Héraclide chúng ta mới có một nền triết học xây trên biện chứng pháp và được quảng diễn đầy đủ.

Héraclide coi Lửa là nguồn gốc vạn vật.

Một thứ Lửa linh động và vô cùng biến dịch.

Lửa này có hai hướng biến hoá. Theo hướng đi xuống thì một phần lửa này sẽ lỏng ra thành nước của bốn bể: một phần nước sẽ chết đi để thành đất, nghiã là đặc lại, hoá ra đất. Còn hướng đi lên là hướng của những khí bốc lên từ Đất và từ biển, thành mây rồi cháy thành Lửa. Khi cháy thành Lửa. Thế là hết một vòng.

Nhưng rồi lửa lại tuần tự kết tụ lại thành Nước, rồi Nước thành Đất, Đất thành Khí,… hết vòng này đến vòng khác, cuộc biến dịch không ngừng.

Vạn vật vay sống trả chết, Nước là sự chết của Lửa, nhưng rồi đất lại là sự chết của Nước, và Khí sẽ là sự chết của Đất, để rồi Lửa sẽ là sự chết của khí:

Chết là khởi đầu một sự sống, nhưng sống và chết vẫn chỉ là những hình thái xuất hiện của cùng một bản thể duy nhất mà Héraclide gọi là Lửa Linh Động(Trang 28-30).

Xem như thế thuyết tuần hoàn biến dịch của Héraclite đã ảnh hưởng sâu xa đến những triết gia đời sau như thế nào, đặc biệt Nietzsche, và những nhà phê bình văn học như thế nào, đặc biệt Bachelard đã dùng lý thuyết này để dựng nên một vũ trụ phê bình độc đáo, dựa trên bốn yếu tố Lửa, Nước, Đất và Khí trời.

 

 

Hiện tượng học là gì?

 

Trong lời tựa cuốn Hiện tượng học là gì? Trần Thái Đỉnh có nhắc lại thời kỳ du học ở Pháp:“Sau hai năm nhiệt thành theo các bài dạy của Merleau-Ponty ở Pháp Quốc học viện (Collège de France), 1955-1957, tôi rất mến phục ông”. Và đó là lý do giải thích việc khi giảng dạy về Hiện tượng học ở đại học Việt Nam, Trần Thái Đỉnh đã dùng sách của Merleau Ponty, để dạy học trò. Và cuốn Hiện tượng học là gì? cũng dựa trên nền tảng cuốn Học về hiện tượng tri giác (Phénoménologie de la percepcion) của Merleau-Ponty.

Năm 1945, khi cuốn Học về hiện tượng tri giác của Merleau- Ponty ra đời, nó được coi là cuốn sách súc tích và đầy đủ đầu tiên về hiện tượng học ở Pháp. Và hai triết gia Merleau-Ponty và J.P Sartre là những người tích cực nhất trong việc truyền bá tư tưởng của Husserl ở Pháp. Từ đó hiện tượng học ảnh hưởng đến sáng tác văn học trong nửa sau thế kỷ XX, đặc biệt trường phái tiểu thuyết mới đã chịu ảnh hưởng sâu sắc phương pháp tri giác sự vật của Husserl.

Luôn luôn đi trực tiếp vào vấn đề, Trần Thái Đỉnh viết:

“Mục tiêu duy nhất của Hiện tượng học là nói cho biết làm sao ta có tri thức về vạn vật”. (Hiện tượng học, trang 8). Và ông viết tiếp:

Hiện tượng học là khoa nghiên cứu về những bản chất (Essences, Wesen). Và đối với khoa này thì tất cả mọi vấn đề đều quy về việc xác định những bản chất: chẳng hạn bản chất của tri giác, bản chất của ý thức. Nhưng hiện tượng học cũng là một triết học đặt các bản chất lại nơi hiện hữu, và nó quyết rằng chúng ta không thể hiểu được con người và thế giới, nếu không khởi sự từ những kiện tính (facticité) của chúng … Chữ kiện tính mà Merleau-Ponty dùng ở đây có nghiã là tính cách thực nghiệm của một hiện hữu hoặc của một sinh hoạt” (Hiện tượng học, trang 16). Điều này có nghiã là: Hiện tượng học là khoa nghiên cứu về các bản chất, nhưng bản chất ở đây được xét như một hiện hữu, và chính tính cách sự kiện mà nó phơi bày nói lên bản chất của nó.

Nói cách khác: chỉ cần nhìn sự hiện hữu của anh thì biết bản chất của anh. Và như vậy: hiện hữu có trước bản chất. Đó sẽ là điểm quan trọng nền tảng của triết học hiện sinh.

Vì thế, Merleau-Ponty nhấn mạnh rằng: “Hiện tượng học là một cố gắng để mô tả trực tiếp cái kinh nghiệm sống của ta sao cho thực đúng”.

 

Để giải đáp câu hỏi: thế giới hình thành thế giới như thế nào? Lập trường của Hiện tượng học là không đi tìm những nguyên nhân, hoặc đưa ra những giả thuyết, (như những nhà khoa học), mà chỉ cố gắng mô tả cho thật đúng cái kinh nghiệm sống, tức là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ta và thế giới.

Husserl nói đây là sự mô tả trực tiếp (Hiện tượng học, trang 32)

Và đó là lý do khiến những nhà tiểu thuyết mới như Alain Robbe-Grillet, Nathalie Sarraute tuyệt đối nghiêng về mô tả.

 

Phương pháp của hiện tượng học là giảm trừ (réduction).

Phương pháp này chia làm ba giai đoạn: Giảm trừ triết học, giảm trừ bản chất và giảm trừ hiện tượng.

Giảm trừ triết học là gì? Là gạt bỏ tất cả những gì ta đã đọc, đã biết do giao tiếp xã hội và do sách vở. (…) Bởi vì biết bao điều sai lầm đã được truyền tụng từ đời này qua đời khác, biết bao sách viết bạy bạ võ đoán hoặc thiên kiến, vậy mà người ta vẫn tin hoàn toàn, chứng cớ là “Nói có sách”. Vậy việc của tôi phải làm là tìm lại kinh nghiệm sống của tôi. Nếu tôi nói về một ngày viếng thăm Đà Lạt thì tôi phải quyết liệt tránh không dùng những hình ảnh và những lời văn của người khác, mà phải dùng kinh nghiệm nhìn ngắm Đà Lạt của tôi” (Hiện tượng học, trang 66-67).

Điểm thứ nhì là giảm trừ bản chất. Nếu giảm trừ triết học là chặng đường đầu tiên của hiện tượng học, tức là phải gạt bỏ phần biết mà ta thâu lượm được từ bên ngoài về sự vật, để chỉ chú ý đến kinh nghiệm tiếp xúc trực tiếp của ta với sự vật, thì giảm trừ bản chất là bắt tay vào việc moi cái kinh nghiệm sống đó ra.

Muốn làm được như thế thì ta phải đặt thế giới thiên nhiên vào trong ngoặc đơn. Nói khác đi, là phải gạt bỏ hoàn toàn cái thiên kiến cho rằng thế giới đã có như thế từ ngàn đời trước. Và cái mà chúng ta muốn tìm đến, muốn moi ra, là cái kinh nghiệm của ta trong lúc này, ở giờ phút này, hệt như bức hình chụp phố Bàn Cờ phút ấy, giờ ấy, nó khác hẳn với phố Bàn Cờ giờ này, hôm nay. Mục đích của giảm trừ bản chất là để đạt đến sinh hoạt hiện hữu, tức là thế giới mà ta ý thức và nói đến.

Và sau cùng giảm trừ hiện tượng học có mục đích làm cho thế giới xuất hiện lại đúng như nó đã xuất hiện trong kinh nghiệm sống của ta (trang 69).

Vì vậy, trong văn học, tả một cách đại khái, sít soát thì dễ, nhưng mô tả lại cái kinh nghiệm đã sống, không thêm không bớt, không vay mượn, không thêu dệt, mới thực là khó. (Hiện tượng học, trang 71).

 

Hiện tượng học được coi là bước tiến lớn trong tư tưởng triết học Tây phương thời nay, nó làm nền cho triết học hiện sinh, đi từ khởi điểm: hiện hữu có trước bản chất và về phương pháp khoa học mô tả hiện hữu.

 

Năm 1945 khi Merleau- Ponty cho xuất bản cuốn “Học về hiện tượng tri giác”, cũng là luận án tiến sĩ của ông, luận án này khởi sự bằng câu: “Hiện tượng học là gì? Nửa thế kỷ sau khi những tác phẩm đầu tay của Husserl ra đời, mà còn phải đặt câu hỏi này, thoạt xem có vẻ kỳ dị làm sao. Tuy nhiên câu hỏi này vẫn chưa giải đáp chi hết”.

Xem như vậy, thì thấy rằng năm 1945, mà Merleau Ponty ở Pháp còn viết như thế, mặc dù ở Pháp tư tưởng của Husserl đã dần dần được truyền bá qua các học giả và các triết gia đương thời, vậy mà cho tới năm 1945, ở Pháp vẫn chưa có một cuốn sách biên khảo nào dành riêng cho hiện tượng học.

 

 Và như thế chúng ta càng thấy rõ, tại sao các nhà văn, nhà thơ, cần biết về hiện tượng học nếu muốn cho cái viết của mình có một chiều sâu, một chất lượng.

Trở vào thực tế đời sống, chỉ cần nhìn những biến chuyển trong các phim điều tra trinh thám, ta sẽ thấy những áp dụng thực tiễn của hiện tượng học: Trong những phim điều tra hình sự phỏng theo tiểu thuyết của Agatha Christie và những tác giả cùng thời, tất cả dựa vào trí thông minh, óc suy luận của một người, người thám tử (Hercule Poirot), chính thám tử và chỉ có thám tử điều tra, bằng khoa lý luận và khoa tâm lý để tìm ra thủ phạm.

Nhưng trong những phim bộ (feuilleton) điều tra hình sự hiện đại của Mỹ, loại Les Experts, sự điều tra không còn quy tụ vào một người nữa, mà vào một tập thể nhân viên (dưới quyền điều khiển của một người) và công việc điều tra là trực tiếp, không qua phán đoán, mà dựa hoàn toàn vào hiện tượng luận, để khảo sát hiện tượng án mạng, đặt án mạng lên bàn mổ, xem xét và phân tích từng chi tiết li ti qua kính hiển vi, để tìm những sơ xuất nhỏ như sợi tóc của kẻ sát nhân.

Không chỉ có địa hạt điện ảnh, mà trong tất cả những địa hạt khác, bất cứ ngành nghề nào, nếu muốn đạt tới chiều sâu, cũng phải dùng đến phương pháp hiện tượng luận.

 

 

Triết học Kant

 

Immanuel Kant (1724-1804) đã gây một cuộc cách mạng trong triết học, với câu hỏi: có thể có một nền Siêu hình học theo lối suy nghĩ cổ điển về linh hồnthượng đế hay không? Và ông trả lời: phải xây dựng một nền siêu hình học mới dựa trên trí năng (entendement) của con người.

Nền siêu hình học mới mà Kant xây dựng đã ảnh hưởng sâu xa đến các trào lưu tư tưởng ngày nay. Kant đã làm thày cho Heidegger về nội dung, làm thày cho Lévi-Strauss về phương pháp: quan niệm sinh hoạt đạo đức của Kant đã giúp cho Heidegger xây dựng triết học hiện sinh và phương pháp hình thức của Kant giúp ta hiểu phương pháp phân tích cơ cấu của Lévi-Strauss và thuyết cấu trúc luận. Trần Thái Đỉnh viết:

“Kant được coi là người đầu tiên trong lịch sử loài người đã đứng ra nghiên cứu về khả năng cũng như giới hạn của tri thức con người. (…) Ông đã làm việc này trong cuốn Phê bình lý trí thuần tuý (critique de la raison pure). Đây là cuốn đầu trong bộ ba cuốn phê bình đúc thành hệ thống triết học của Kant: Phê bình lý trí thuần tuý, phê bình lý trí thực hành (critique de la raison pratique) và Phê bình khả năng phán đoán (critique de la faculté de juger)”.

Phê bình lý trí thuần tuý là cuốn sách dày nhất và khó hiểu nhất.

Chủ ý của Kant trong trong cuốn sách này là chứng minh rằng không thể có khoa siêu hình học theo kiểu một khoa học thực nghiệm. Vấn đề Kant muốn giải quyết là: theo khả năng tri thức của con người, thì có thể có khoa siêu hình học không? Nghiã là: Con người có tri thức về những thực tại siêu hình như linh hồnthượng đế hay không? (Triết học Kant, trang 7-8-9).

Trần Thái Đỉnh viết tiếp: Kant là triết gia đầu tiên đã phân biệt rõ ràng thế nào là tri thức và thế nào là suy tưởng, ông còn phân biệt rõ ràng giữa hai loại tri thức của con người : tri thức thường nghiệmtri thức thực nghiệm, tức là tri thức vụn vặt của người đường phố với tri thức chứng minh của nhà bác học.

Tóm lại, trong khi Descartes lẫn lộn tri thức với quan niệmHume đồng hoá tri thức với cảm giác, thì Kant quả quyết rằng: tri thức con người phải luôn luôn có đủ hai yếu tố quan niệmcảm giác.

Thiếu cảm giác, những quan niệm của ta chỉ là những quan niệm rỗng tuếch, không đáng gọi là tri thức; và thiếu quan niệm, thì những cảm giác của ta chỉ là những cảm giác mù, nghĩa là cảm giác mà không biết mình cảm giác gì.

Nhưng với cái tri thức lưỡng diện, vừa là quan niệm vừa là cảm giác đó, thì con người có thể có khoa siêu hình học được không?

Và Kant đã trả lời câu hỏi đó trong cuốn Phê bình lý trí thuần tuý.

Ông nêu lên và giải quyết ba vấn đế:

1- Thế nào là một tri thức khoa học đích thực

2- Khả năng và cơ cấu của tri thức con người

3- Giới hạn của tri thức con người (Triết học Kant, trang 18-19-20).

Tại sao Kant lại cho rằng ta không thể có tri thức xác định về những thực thể như linh hồn Thượng đế? Là bởi vì các thực thể đó không trở thành đối tượng cho cảm giác ta, mặc dầu ta có quan niệm về nó, nên nó không thể trở thành đối tượng cho tri thức thực sự được.

Tính chất lưỡng nan của siêu hình học (vừa cần phải được ta chấp nhận, vừa không thể trở thành tri thức thực sự) lại chính là cái làm nên đặc tính của siêu hình.

 Tri thức về siêu hình, từ Kant, sẽ là một tri thức không xây dựng trên những sự kiện tiên thiên và tất định, nhưng xây trên chữ phải (devoir): ta phải làm như vậy, phải có như vậy…mới được.

Nhưng cái phải ở đây là phải do ta tự quyết, cái phải do ta tự do quyết định phải làm như vậy. Nếu không có cái phải này, sẽ không có tự do và cũng không còn bản tình tự do nơi con người. Khoa siêu hình học của Kant đã xây dựng trên nhận định căn bản này.

(Triết học Kant, các trang 43- 44-45).

 

Trong cuốn Phê bình lý trí thực hành (Critique de la raison pratique) Kant xây dựng khoa siêu hình học trên những nền tảng mới ấy.

Và trong cuốn Phê bình khả năng phán đoán, Kant hình thành một nền Đạo đức học dựa trên nền tảng tự do, tự trị đã ảnh hưởng sâu xa đến triết học đương thời, đặc biệt triết học hiện sinh.

 

Đạo đức học của Kant không có gì giống với chữ nhân đức thông thường mà chúng ta hiểu, mà ông đề cao thiện chí (bonne volonté), ông coi thiện chí là yếu tố đạo đức duy nhất (trang 135).

“Kant viết: Thiện chí không được coi là thiện vì những gì nó thể hiện, cũng không phải là vì nó giúp ta dễ dàng đạt được mục tiêu ta theo đuổi, nhưng nó được coi là thiện vì hành động ước muốn (par le vouloir même) của ta, nghiã là nó tốt tự nó” (trang 139).

Trong cuốn Những nền tảng của khoa siêu hình học về luân thường (Fondements de la métaphysique des moeurs), 1785, sau khi chứng minh rằng tri thức khoa học không giúp gì cho con người trong sự nhận xét thiện ác của hành vi, vì trong việc này một người vô học và có lương tri có khi còn phán đoán ngay thẳng và đúng hơn một triết gia có óc phán đoán sai lạc, Kant viết: “Sự nghiên cứu những ý tưởng đạo đức của tâm trí bình dân (raison vulgaire) dẫn ta tới nguyên lý của những ý tưởng đó: tâm trí bình dân không quan niệm nguyên lý này một cách tổng quát và trừu tượng, nhưng luôn luôn đặt nguyên lý này trước mắt và coi đó là thước đo những phán đoán của mình”.

Cái Kant gọi là tâm trí bình dân về đạo đức cũng chính là cái mà ta gọi là lương tri (conscience), là ý thức đạo đức tự nhiên của con người.

Ý thức này vừa chắc chắn, vừa hiển nhiên, vừa tiên thiên, nghiã là do tạo hoá phú bẩm cho mọi người, chứ không do học tập mà có. (Trang 141-142)

Kant phân biệt rõ ràng: hành động theo bổn phận (conformément au devoir) và hành động vì bổn phận (par devoir).

Người tốt là người hành động vì bổn phận, bởi vì người ấy ý thức rõ ràng điều mình phải làm, chứ không làm việc ấy theo ý người khác bảo hoặc vì sợ dư luận (trang 147).

Đó là một tự quyết định. Tự do là do tự mình quyết định. (trang 163)

Chính nhờ đạo đức mà ta biết mình tự do, và cũng nhờ đạo đức mà quan niệm tự do đạt tới tính chất thực tại khách quan, một thực tại tích cực và xác định. (trang 165).

Các nhà viết tiểu thuyết và soạn kịch vẫn khai thác những va chạm giữa những mối tình: nên đặt tình phụ tử lên trên lòng ái quốc hay đặt tình yêu lên trên tình cha con.

Đối với Kant tất cả những tình đó chỉ là tình cảm và thường nghiệm.

Phải vươn lên tới lý trí và quy luật đạo đức thì mới tiến tới tự do.

Kant cho rằng: không có đạo đức thì không có tự dokhông có tự do thì cũng không có đạo đức. Như vậy: luật đạo đức là gì? là tôi tự buộc mình phải hành động theo lẽ phải, dầu hành động đó có đem lại hậu quả tai hại cho tôi. Vì bổn phận làm người buộc tôi phải hành động như thế.

Như vậy chính quy luật đạo đức, dưới hình thức những mệnh lệnh tuyệt đối, đã cho tôi chứng nghiệm một cách tuyệt đối chắc chắn rằng tôi tự do. Tự do, có nghiã là tôi có thể làm hay không làm. (trang 171).

“Sự tự trị (autonomie) của ý chí là nguyên tắc duy nhất của tất cả các quy luật đạo đức và của tất cả các bổn phận tương ứng với các quy luật đó” (Raison pratique pure, trang 33).

– Tại sao Kant dám coi sự tự trị của ý chí, tức sự hoàn toàn tự chủ của con người là căn bản mọi tư tưởng đạo đức?

– Vì ông coi trọng con người: ông đã đặt con người vào đúng địa vị của nó trong vũ trụ. Danh từ tự trị cũng chỉ nói lên những gì hàm chú trong danh từ tự do, nhưng tự do có một y nghiã quá rộng rãi, gần như không xác định, còn tự trị cho ta một quan niệm rõ ràng về tự do: đó là hành động của ta không bị chi phối bởi các quyền lực, các áp lực bên ngoài. (trang 181-182).

Khi cuốn sách này được tái bản, Kant còn nói rõ hơn: “Cuốn Phê bình lý trí thuần túy chỉ là cuốn biên khảo về phương pháp luận, chứ không phải là một hệ thống khoa học. Tuy nhiên nó cũng vạch ra tất cả phạm vi của lý trí (…) lý trí có thể kê khai tất cả những cách đặt vấn đề, đồng thời nó có thể tự vạch ra một kế hoạch về hệ thống siêu hình học”. (Critique de la raison pure, trang 21).

Triết học Hy Lạp và truyền thống Tây phương, trước Kant, vẫn đề cao Logos, coi lý trí là cái gì tuyệt hảo nhất trong con người.

Ai cũng biết đối với Socrate thì “tội lỗi chỉ là một sự dốt nát”: con người nhất thiết hướng về Chân Thiện Mỹ; và nếu con người hướng về điều ác thì chỉ vì sai lầm trong công việc tri thức.

Kant có cái nhìn khác hẳn, ông phân biệt hai lãnh vực:

– Lãnh vực của lý trí lý thuyết (raison pure spéculative) là lãnh vực của tri thức thực nghiệm, nhắm những sự vật trong thiên nhiên, những thực tại ta có thể tri giác được.

– Và lãnh vực của lý trí thuần túy thực hành (raison pure pratique), tức lãnh vực của sinh hoạt nhân linh và tự do, liên can đến những thực tại mà không một khoa học thực nghiệm nào có khả năng nghiên cứu, bởi nó vượt qua khỏi tầm kinh nghiệm giác quan của con người.

Kant đặt một vực thẩm cách biệt giữa tri thức thực nghiệmtri thức siêu hình, giữa vật lý họcsiêu hình học.

Đối với Kant, bản chất của triết học nằm trong siêu hình học. Như vậy, siêu hình học là một tri thức đạo đức, vì nó liên can đến đời sống con người: nó phát xuất từ kinh nghiệm sinh hoạt và kinh nghiệm sống.

 

Thụy Khuê

Soạn lại hai bài đọc trên RFI ngày 4 và 11/2/2006, trong chương trình tưởng niệm giáo sư Trần Thái Đỉnh

Les Issambres 1/8/2014

Comments are closed.