Văn học miền Nam 54-75 (510): Văn Quang (kỳ 2) Chân Trời Tím

Chương 1

Cánh cửa mày xám vừa bật mở, Phi bước vào trong căn phòng rộng. Động tác chào kín của chàng như một cái máy thuần tục. Nhận xét đầu tiên của Phi về người chỉ huy mới của mình là vị Trung tá này nhiều tuổi, nghiêm trang nhưng chắc là thứ nghiêm trang giả tạo bởi ông này có dáng người thô kệch và khuôn mặt dễ dãi như sằn sàng mở lời bằng một câu chửi thề kèm thêm một nụ cười.
Tiếng Phi dõng dạc trong thủ tục trình diện:
– Hạ sĩ nhất Vũ Tiến Phi, quân số 200.1.1. Đại đội Tổng hành dinh, trình diện Trung tá.

Vị chỉ huy nhìn Phi một lượt từ đầu tới chân rồi ông hất hàm:
– Hạ sỹ có bằng lái xe?
– Dạ, tôi có bằng lái xe “xi vin”, tôi lái xe nhà chứ không phải là tài xế xe nhà binh, sợ tôi lái… không quen.
Vị chỉ huy tỏ vẻ hơi ngạc nhiên trước câu trả lời cứng rắn đó của Phi, ông nheo mắt:
– Anh không muốn lái xe cho tôi sao?
Môi Phi hơi nhếch lên tỏ dấu một nụ cười, tiếng chàng mềm mỏng hơn:
– Nếu Trung tá cho phép tôi lựa chọn, tôi xin làm một công việc khác thích hơn là lái xe.
– Trong quân đội không có vấn đề thích hay không. Tôi biết là tôi đã xử dụng anh đúng khả năng. Anh hết chiến đấu được rồi phải không?
Phi lặng người, tiếng chàng như muốn đứt từng đoạn:
– Tôi chỉ bị hỏng một ngón tay trỏ trong cuộc tấn công cách đây hai tháng. Tôi hy vọng sẽ có ngày lành và lại ra chiến trường.
– Anh thích chiến trường?
– Không! Tôi nhớ các bạn tôi. Vì các bạn tôi đã chết hoặc… chưa chết nên tôi thích cuộc đời của những người lính chiến đấu. Trung tá chắc cũng thừa biết đơn vị tôi chỉ biết thắng, không biết thua bao giờ.
Tiếng vị Trung tá cười khanh khách có thể nghĩ là một tiếng cười mỉa mai:
– Anh bao nhiêu tuổi?
– Thưa hai mươi sáu.
– Anh còn trẻ lắm. Đánh nhau chỉ biết thắng không thua là tự sát. Thua trận nhỏ, thắng trận lớn mới là biết chiến đấu.
– Đơn vị tôi thắng trận nhỏ lãnh trận lớn.
– Tôi không muốn thảo luận chuyện đó với anh. Ngay từ bây giờ, anh lái chiếc jeep của tôi.
– Tuân lệnh Trung tá.
Phi đưa tay chào rồi xoay người định bước đi. Nhưng tiếng vị Trung tá đã vọng lên:
– Anh có điều gì cần nói?
– Thưa không.
– Anh biết tại sao tôi chọn anh?
– Thưa biết vì tôi có bằng liá xe và tôi có chiếc xe Simca vẫn thường lái vào trại, anh em ghét tôi, họ đẩy tôi lái xe cho Trung tá.
Mãi đến bây giờ vị Trung tá mới nở được một nụ cười thật tươi. Ông nhìn Phi một lần nữa rồi gật gù:
– Anh nói có phần đúng. Tuy nhiên tôi cũng đã xem kỹ hồ sơ cuả anh. Anh trốn động viên, xin vào làm lính văn phòng. Anh ba gai, đánh lộn với một tên “sẹc dăng” tây, anh bị đổi ra đơn vị chiến đấu. Sau đó anh xin giải ngũ, nhưng không được. Chiến đấu hai năm, đáng lẽ anh được giải ngũ, nhưng anh xin ở lại quân đội. Anh mê cái lon “cai xếp” à?
Phi cười, chàng biết là có thể nói đùa được nên chàng cúi đầu nói khẽ:
– Chắc vậy, thưa Trung tá.
– Anh hút thuốc?
– Cám ơn, tôi hút thuốc nhẹ.
Vị Trung tá đứng lên rời bàn giấy trong khi Phi móc túi lấy bao Salem và chiếc bật lửa Zippo. Vị Trung tá thân mật vỗ vai Phi:
– Ngồi đó đi. Tôi thích những người lính “gai góc” như anh. Anh nổi tiếng ở tiểu đoàn 10 về súng máy à?
– Tôi bắn súng nào cũng được.
– Có vợ chưa?
– Thưa chưa.
– Nhưng chắc có nhân tình?
Phi vừa ngồi xuống ghế vừa lắc đầu:
– Có, nhưng… cũng không phải là nhân tình.
– Vậy là… người yêu hay “phi ăng xê”?
– Không là gì cả…
Vị Trung tá nghĩ rằng Phi không muốn thố lộ chuyện riêng tư nên nói qua chuyện khác:
– Anh là con nhà giầu?
– Thưa, nhà cũng thường thôi. Tôi là con một.
– Anh học tới đâu?
– Tôi thi rớt tú tài phần nhất thì vào lính.
– Làm với tôi anh sẽ có thì giờ học thêm.
– Cảm ơn Trung tá.
Tuy nói vậy song Phi thừa hiểu mình không còn hơi sức đâu mà học thêm được nữa. Ngay thư hồi còn ngồi ở văn phòng, Phi cũng không thể học thêm. Hơn ba năm chiến đấu, Phi bỏ hẳn sách vở. Bây giờ thêm một chuyện tình đầy ray rứt. Phi biết mình không còn tâm trí đâu nghĩ đến sách đèn. Chàng ngồi im hút từng hơi thuốc dài.
– Tôi nghe thiếu úy Minh nói anh can đảm nhưng… chơi bời lắm phải không?
Phi thú nhận một cách hồn nhiên:
– Dạ.
Vị Trung tá vỗ vai Phi:
– Con trai đứa nào chẳng chơi. Hồi bằng cậu. Ở bên Pháp tôi còn chơi gấp bốn các cậu bây giờ. Nhưng đánh trận thì “suya” lắm.
Phi cười nhẹ. Vị Trung tá đứng dậy bắt tay Phi:
– Thôi, cảm ơn anh. Anh có thể bắt đầu ngay hôm nay. Nằm bệnh biện một tháng, về đây chơi nửa tháng, mình bắt tay vào việc là phải rồi. Anh đi lấy xăng.
Phi bước ra khỏi căn phòng, chàng nhìn chiếc xe jeep mới, được bọc nệm trắng dưới mái hiên. Một nỗi chán chường dâng ngập. Phi nhảy lên xe, rú ga phóng vút đi trên con đường đất đỏ nằm dài dưới cơn mưa buổi sáng. Gio từ hai bên ào ào chuyển động. Con đường xuống kho xăng qua một khúc quanh thật nguy hiểm, Phi buông lỏng chân ga một chút, nhưng tốc độ vẫn còn quá nhanh so với những người tài xế khác. Chàng muốn cho chiếc xe nghiêng đi nằm kềnh xuống rãnh nước. Song chiếc xe vừa chao đi, Phi đã nhanh nhẹn lái lại. Tiếng thắng xe rít lên. Chỉ chậm chút xíu, chiếc xe có thể đâm sầm vào mảnh tường bằng tôn.
Người Trung sỹ coi kho xăng đã để ý tới chiếc xe Phi lái ngay từ lúc ló khỏi đầu dốc. Hắn đứng chống nạnh nhìn Phi:
– Lái chậm thôi được không?
– Được, nhưng không thích.
– Muốn gì?
– Xăng.
Người Trung sỹ cười nhạt
– Nói thế mà nghe được à?
Phi nhẩy xuống đất, chàng gườm gườm nhìn viên Trung sỹ, chàng cũng đã tính gây sự, nhưmg khi nhìn vẻ mặt anh ta, Phi thấy không đáng nên chàng cười đấu dịu:
– Xe Trung tá mà. Trung sỹ phát cho ba chục lít.
– Nói thế có dễ nghe hơn không!
Phi đứng im, khoanh tay tước ngực. Từ ngày ở bệnh viện ra, bị gửi về đơn vị này, Phi thấy xa lạ với tất cả mọi người. Hình như mọi người đều nhìn chàng với một vẻ khó chịu? Cũng như ngày đầu tiên Phi đổi tới tiểu đoàn 10, anh em cũng xa cách với chàng như vậy. Nhưng sau mười lăm ngày chiến trận, người ta tự động xích lại gần Phi, và tình thương yêu mỗi ngày một sâu đậm. Còn ở đây, một đơn vị hành chánh, Phi thấy khó mà có thể gần gũi với bất cứ ai. Người ta ghét Phi, phải chăng vì chiếc xe Simca mới của chàng?
Phi mỉm cười một mình.
Người Trung sỹ đưa bông xăng và chỉ tay xuống đống “phuy” dưới hầm:
– Xăng ở dưới đó.
Phi ngoan ngoãn giao bông xăng cho người lính phát xăng rồi theo anh ta xuống xách hai tay hai “can” lên đổ vào xe. Phi làm cái công việc này với tâm trạng của một tên tù khổ sai, nhưng giỏi chịu đựng. Cuộc đời đã dạy cho Phi cách chịu đựng trong hồn nhiên, trong im lặng, trong kỷ luật.
Đổ xăng rồi Phi móc bao thuốc lá, mời viên Trung sỹ vừa gây sự với mình và mời cả anh binh nhì phát xăng. Viên Trung sỹ đầy tự đắc, cho rằng “thằng nhỏ” đã thần phục mình nên anh thản nhiên rút một điếu và chờ Phi bật quẹt. Phi hiểu rõ anh này nghĩ gì, nhưng Phi vẫn thản nhiên châm lửa cho anh ta và giới thiệu:
– Tôi là Hạ sỹ Phi, vừa được lệnh lái xe cho Trung tá.
Viên Trung sỹ thở khói thuốc xanh, môi dẩu ra:
– Tôi là Trung sỹ Thức, trưởng kho nhiên liệu. Cậu được làm với ông này thì sướng quá rồi. Ông ta vui tính, dễ dãi nhưng úynh trận thì… thần sầu, chắc không chê được.
– Tôi mong được đánh trận hơn là làm tài xế.
Thức cười mỉa mai:
– Ai xin cậu về đây?
– Ông Trung tá chọn tôi sau khi ở bệnh viện ra.
– Con gái ông ta đẹp lắm đấy. Toàn là con gái. Hình như cả hai đứa cùng học ở Saigon. Bà vợ Trung tá chết vì bệnh đau tim năm trước ở ngoài Trung.
Phi lơ đãng:
– Ông ta không có con trai à?
– Không! Cậu có thể… làm con trai ông ta hay làm… con rể. Cái “mã” cậu có vẻ được đấy.
Phi phì cười:
– Con gái Trung tá mà chịu lấy hạ sỹ nhất sao?
– Biết đâu.
Giữa lúc đó một chiếc xe G.M.C. dừng lại tước cửa kho, Phi vội vàng nhẩy lên xe lái trở lại bộ chỉ huy, quên hẳn ngay câu chuyện Thức vừa mới kể. Dừng xe lại trước mái hiên, Phi bật ngửa người ra phía sau. Chàng nghĩ đến Thanh và buổi chiều thứ bảy hôm nay. Chàng đã hẹn Thanh từ tuần trước, đúng bốn giờ, chàng sẽ đón Thanh đi ciné, đi ăn và sau đó hai đứa sẽ đi nhẩy. Thanh sẽ bỏ đi làm một hôm để đi với Phi.
Suốt một tuần lễ, Phi chỉ sống với bằng ấy hy vọng, với một chiều thứ bẩy sáng ngời lên trong tâm khảm. Mặc dầu từ trong đáy sâu trong tâm tư khác, chuyện tình giữa Phi và Thanh là một chuyện tình đau đớn, một thứ tình yêu khắc khoải, một đam mê hoảng hốt, nhói buốt và câm nín. Chính Phi cũng chẳng hiểu tại sao mình lại yêu Thanh đến như vậy. Phi đã yêu Thanh như mối tình thứ nhất của mình. Trong khi đó Phi nhìn rõ mình như một con thỏ non lăn xả vào vòng tay đầy nanh vuốt, vòng tay đó đã có thời kỳ cụp những móng nhọn lại, dâng hiến cho con thỏ non một thứ tình yêu giai đọan, nhưng rồi những vuốt nhọn đó mỏi mệt trong sự ngủ yên nó đã vùng dậy.
Phi nghĩ đến những ngày đầu gặp Thanh, hai người đã tìm đến với nhau hồn nhiên như hoa cỏ, Thanh dâng hiến tình yêu cho Phi thật dễ dàng, mặc dầu bên nàng không thiếu gì những kẻ hơn Phi. Hai người sống với nhau gần như chồng vợ. Năm tháng sau Thanh phá thai, Phi biết, song chàng yên lặng bởi nghề nghiệp của Thanh không cho phép Thanh… nghỉ dài hạn trong thời gian sinh nở.
Những lủng củng cũng bắt đầu từ đó. Những cuộc cãi vã tàn tệ, đôi khi là những cuộc xô xát, đập phá tan nát mọi thứ trong nhà. Phi đã bỏ đi. Nhưng rồi Phi lại trở về với Thanh. Ở Thanh, có một ma lực lôi cuốn, có một cái gì kỳ lạ kéo giật Phi trở về. Phi sợ hãi những cuộc đụng độ, Phi run rẩy trong tình yêu cay đắng đó, song Phi không thể bỏ Thanh. Tình trạng đó kéo dài. Tuy không sống với Thanh nữa và tuy Phi thừa biết mỗi tối Thanh có thể đi chới với nhiều người khách lạ hay quen. Phi đau tím ruột mà vẫn phải giả bộ làm lơ. Thỉnh thoảng Phi cũng hục hặc, khổ sở và tưởng như không thể chịu đựng được nữa, chàng đã để mặc cho sự ghen tuông hờn tủi bùng nổ.
Thanh đã nói thẳng vào mặt Phi:
– Giữa tôi và anh không còn gì cả, anh đừng bao giờ tới đây nữa, tôi chán nhìn thấy anh. Anh để cho tôi làm ăn.
Nhưng lần nào cũng vậy, Phi xách xe về đơn vị nằm thở dài chán rồi chiều thứ bẩy, Phi lai. trở về tìm Thanh. Mà quái thật, Thanh vẫn niềm nở tiếp đón Phi như quên hẳn chuyện cũ. Phi sống dằng dai với những thương yêu kỳ lại, những thảm cảnh khôn lường đó.
Phi nghĩ đến tấm hình Phi và Thanh chụp chung với nhau vào những ngày mới yêu nhau ngoài Cấp. Tấm hình Phi đã xé đi ba lần và đi in lại ba lần. Chàng lẩn thẩn rút ví ra tìm hình Thanh. Thanh đang ở bên chàng, đang cười với chàng. Những kỷ niệm yêu thương sống lại mãnh liệt. Phi kỳ vọng buổi chiều hôm nay chàng sẽ được ôm Thanh vào trong vòng tay, buổi chiều Thanh hoàn toàn thuộc về chàng, ban đêm Thanh là của chàng. Đôi mắt Phi khép lại hình dung đến dáng người đậm đà của Thanh, nụ cười, khoé mắt và những vòng tay khăng khít…
Tiếng kèn bãi việc buổi sáng thứ bẩy đã lôi Phi ra khỏi giấc mơ chập chờn đó. Phi sửa lại mũ, ngồi ngay ngắn trước tay lái. Những tiếng máy xe nổ ròn, anh em tản mác dần ngoài cổng trại.
Năm phút rồi mười phút, căn trại đã vắng ngơ vắng ngắt, chỉ còn bóng người lính gác cổng dưới cơn mưa bụi buổi trưa và bầu trời thấp xám. Ruột Phi nóng như lửa đốt, chàng nhìn hoài về phía chiếc cửa ra vào phòng vị chỉ huy. Nhưng Phi vẫn không thấy bóng dáng ông ta đâu.
Phi nghĩ đến cách nói dối. Chàng sẽ gõ cửa vị chỉ huy và xin phép mình về sớm vì lý do bố đau nặng phải vào nhà thương. Một tuần mới được về phụng dưỡng bố già một lần, chắc chắn ông Trung tá sẽ… cảm động cho về. Song cứ nghĩ quanh nghĩ quẩn mãi, Phi dùng dằng không chịu bước xuống xe.
Nửa giờ sau, Phi không chịu nổi nữa, chàng bước xuống, nhưng lại ngần ngại không dám gõ cửa phòng. Chàng đi đi lại lại như điên trên chiếc hàng lang hẹp. Đúng một giờ vị Trung tá mới từ trong phòng đi ra. Phi vội vàng nhảy lên xe. Vị Trung tá mỉm cười nhìn Phi:
– Đói chưa?
– Thưa… chưa.
Chiếc xe rời khỏi căn trại. Phi giận mình, tự cho mình ngốc khi trả lời vị chỉ huy câu đó. Đáng lẽ Phi phải trả lời là đói quá rồi để lần sau ít ra ông ta cũng nghĩ đến sự chờ đợi rát ruột của chàng. Phi vòng xe ra con đường trải đá lồi lõm từng vũng nước đỏ ngầu nằm giữa lối đi. Chàng quen tay tính chạy thẳng ra đường lộ dẫn về Saigon, nhưng vị Trung tá đã vỗ vai Phi:
– Cho tôi xuống tiểu đoàn 9 một lát đi.
Phi ngước nhìn vị chỉ huy, một sự tức giận hậm hực vừa dồn đến như muốn bốc cháy trên hai khoé mắt. Vị Trung rá vẫn thản nhiên, đôi mắt đăm chiêu nhìn thẳng về phía trước không hề hay biết những cáu kỉnh bực bội của Phi. Chiếc jeep chồm lên quẹo vào con đường đất đỏ trơn trợt. Phi phải dằn mạnh tay lái mới kỏi đâm xuống ruộng nước. Nếu là một người chỉ huy khác Phi đã bị khiển trách, nhưng vị Trung tá này vẫn ngồi lì, không tỏ một thái độ nào, dù là một mảy may hoảng hốt.
“Cha này làm bộ gan lì hay mải suy nghĩ”.
Nghĩ vậy và Phi rú ga cho chiếc xe chạy vun vút trên khoảng đường nguy hiểm, chỉ cần có một chút sơ sót có thể quăng chiếc xe khỏi mặt đường. Vị Trung tá bấm lấy mép kính chắn gió rồi lại tiếp tục ngồi im mãi cho đến khi xe tiến vào chiếc cổng gỗ ngăn đôi hàng rào thép gai bao quanh trại của tiểu đoàn 9, vị này mới quay sang nhìn Phi khen ngợi:
– Cậu lái xe khá lắm.
Phi không ngờ vị Trung tá lại khen mình như vậy, chàng cũng nhếch môi cười và trong lòng thoáng một chút kiêu hãnh.
Trước khi bước vào bộ chỉ huy tiểu đoàn, vị Trung tá xoay người lại nói với Phi:
– Nếu đói, cậu vào câu lạc bộ ăn tạm cái gì đi. Tôi sợ công việc tôi hơi lâu lắc. Yên trí, sẽ có Thiếu tá tiểu đoàn trưởng trả tiền.
Bóng vị Trung tá mất hút sau cánh cửa. Phi tưởng mình có thể phát điên lên được.
Đúng năm giờ chiều hôm đó Phi mới đưa Trung tá Lạc – tên vị chỉ huy – về tới Saigon. Thế là cái hẹn với Thanh đã lỡ. Giờ này, không hiểu Thanh còn ngủ hay đã đi bát phố Catinat với một người con trai khác. Ý nghĩ đó như một ngọn roi quất mạnh vào đầu óc Phi, chàng bỗng cảm tháy choáng váng, mệt mỏi và chán nản lạ thường. Sự ghen tuông với Thanh đã trở thành thường trực. Phi chỉ còn thấy buồn nản, đớn đau tím ruột mà không hục hoặc, bực bội, như ngày mới yêu nhau.
Chàng lái xe vào ga ra rồi trở ra chiếc bàn kê dưới giàn hoa giấy leo ngồi uống nước. Sự nôn nóng từ trưa cho tới bây giờ đã nguội lạnh. Phi vứt chiếc mũ xuống đùi, ngồi cúi mắt trên bàn. Hình ảnh Thanh như một bóng dáng ma quái ám ảnh. Phi thấy nghèn nghẹn ở cổ, chàng muốn làm bất cứ một cử động nào như sự đổ vỡ.
Bỗng những tiếng cười ròn tan bên cạnh khiến Phi ngửng lên. Hai người con gái mặc cùng một kiểu sơ mi màu đỏ ngắn tay, quần “din” xanh, mái tóc buộc gọn bằng hai chiếc nơ màu trắng, ùa đến như một vệt nắng rực rỡ. Phi đóan là hai người con gái Trung tá Lạc như lời anh Trung sỹ coi kho xăng đã nói với chàng, Phi ngồi im trước cái nhìn tò mò của hai người con gái đó. Hai người giống nhau như hai giot nước, có lẽ hai chị em sinh đôi. Phi không hiểu ở đây người ta phân biệt hai cô này như thế nào.
Hai người con gái dừng lại trước mặt Phi. Chàng để ý thấy trên ngực áo sơ mi mỗi cô thêu một chữ rất nhỏ. Một cô thêu L và cô khác mang chữ P. À! Người ta phân biệt bằng hai chữ đầu tên của mỗi người đó. Có lẽ Loan và Phượng.
Phi mỉm cười vẩn vơ rồi quay đi, hai bàn tay ấp lấy ly nước lạnh.
– Anh mới lái xe cho ba tôi phải không?
Nghe giọng hỏi hơi có vẻ… hách ấy. Phi quay lại. Trước hết là chàng nhìn xem cô nào vừa hỏi chàng, cô mang chữ P trên ngực. Phi gật đầu:
– Phải, tôi mới làm việc cho ba cô sáng nay.
– Anh khiêng gíup tôi chiếc bàn này xích ra kia rồi kê hộ bàn ping pong một chút nhé?
Phi lừng khừng đứng lên, chàng hơi bực mình, song vì… lịch sự với con gái nên Phi keó chiếc bàn tròn ra phiá ngoài. Chàng quay lại hất hàm hỏi trống không:
– Bàn ping pong ở đâu?
Cô mang tên L nhanh nhẹn đỡ lời:
– Để tôi khiêng với anh một tay, bàn nặng lắm a.
Dáng chừng cô L đã nhận thấy rõ vẻ miễn cưỡng và điệu bộ ngang bướng của Phi nên cô mới có giọng nói dịu dàng như vậy. Phi ngước nhìn người con gái đó với một chút thiện cảm, tuy nhiên chàng vẫn làm ra vẻ lừng khừng “bất cần”. Chàng lẳng lặng rút thuốc lá mồi lửa hút một hơi dài rồi xoay người đi theo hướng người con gái vừa chỉ.
L đi theo Phi, nàng mỉm cười trước cái dáng điệu lừng khừng “con nhà lính tính nhà quan” của Phi. Nàng thấy anh chàng có một vẻ gì đặc biệt không giống như những thuộc cấp đã từng giúp việc cho ba nàng từ trước tới nay. Trước khi nghiêng người xuống để khiêng một đầu bàn, L tự giới thiệu:
– Tôi là Loan.
Phi đáp thản nhiên:
– Tôi cũng nghĩ thế. Nhưng… cái gì Loan.
– Cái gì… nghĩa là thế nào?
– Nghĩa là tên đệm. Kiều Loan à?
Đôi mắt Loan hóm hỉnh:
– Sao anh tinh thế. Biết hết.
Phi cười:
– Bởi cái tên đó… không có gì đặc biệt cả. Đã là Loan, người ta thường lấy tên đệm là Kiều Loan, Thanh Loan. Sao không chọn một cái tên đệm khác?
– Để làm gì?
Phi nhún vai:
– Để cho khỏi tầm thường.
– Tôi thích cái gì tầm thường. Còn anh?
– Tôi hả? Tôi là Phi.
– Cái gì Phi.
– Vũ Ngọc Phi.
Loan cười, hàm rằng đều, trắng bóng:
– Tên anh đặc biệt thật. Có vẻ là một cái tên trong một cuốn tiểu thuyết trinh thám tân thời.
Bị Loan trả miếng, Phi đau điếng nhưng sự thật chàng vẫn có phần nào thích thú ngấm ngầm. Chàng cú xuống khiêng với Loan chiếc mặt bàn phing pong. Loan nhăn nhó:
– Nặng quá.
– Cô để tôi vác một mình. Ăn no vác nặng là nghề của tôi mà.
Loan buông tay, mỉm cười. Phi nhấc bổng chiếc mặt bàn cồng kềng đó lên, Loan chỉ bám hờ vào mặt bàn cho khỏi đổ nghiêng qua một bên.
Hai người lúi húi kê bàn, chăng lưới, trong khi người con gái mang tên P. kéo cao chiếc mành cửa. Phi có thêm một nhận xét nữa là P. có vẻ khoẻ mạnh hơn Loan. Ý nghĩ khiến Phi phỏng đoán được thêm một chút nữa về hai người con gái chàng mới gặp lần thứ nhất. Họ là hai chị em sinh đôi, nhưng tính tình khác biệt. Loan hiền hậu, ngoan ngoãn, và mơ mộng. Còn P. ưa hoạt động, tươi vui nhưng hơi phách lối một chút.
Phi căng lưới bên mình xong, chàng vòng sang căng giúp Loan, lợi dụng cơ hội đó Phi khẽ hỏi:
– Trong hai cô, cô nào là chị?
Loan cười nhẹ:
– Đáng lẽ thì không ai nên là chị cả. Bởi cùng sinh một ngày một giờ. Nhưng không hiểu tại sao, ba tôi nói tôi là chị còn Phượng là em.
– Tại cô sinh trước vài phút. Nhưng nếu đánh lộn có lẽ cô Phượng sẽ thắng.
– Có thể. Nó ưa thể thao hơn tôi. Anh nên nhớ nó ưa coi đá banh lắm. Còn tôi thì không.
– Cô đọc sách.
Loan chúm chím cười gật đầu:
– Và đôi khi làm thơ nữa.
Phi thấy Loan chân thành, duyên dáng. Trong một vài phút, chàng quên hẳn những băn khoăn về cái hẹn chiều nay với Thanh.
– Anh chơi được bóng bàn không?
Nghe tiếng Phượng hỏi, Phi ngước sang nhìn. Giọng Phượng vẫn có vẻ hách dịch bởi khuôn mặt lúc đó tỏ một dấu hiệu kênh kiệu, có lẽ Phượng cho rằng Phi không biết chơi như một vài người lính đã từng giúp việc cho ba Phượng ở đây. Phi trả lời bằng một dáng điệu hết sức lừng khừng:
– Tôi biết qua loa thôi, nhưng không thích.
Sự thật Phi cũng chỉ biết qua loa thật, chàng vẫn chê trò chơi này là thức trò chơi của đàn bà. Chàng xoay người bỏ đi với ý định là lên nhà trên gặp Trung tá Lạc để xin phép về. Nhưng qua phòng tắm, tiếng nước đổ rào rào và giọng hát ồm ồm vọng ra, Phi biết là Trung tá Lạc ở trong đó. Chàng ngồi duỗi dài dưới một gốc cây soan tây, điếu thuốc lá lại cháy đỏ trên môi. Hình ảnh Thanh lại lở vởn hiện lên với chiếc jupe màu nâu thẫm, chiếc áo sơ mi màu mạ non, bộ ngực căng đầy, nụ cười mơn mởn trên khuôn mặt luôn luôn thoáng một chút đăm chiêu. Phi nhớ đến những kỷ niệm thắm thiết của nhừng ngày mới yêu Thanh, những vòng tay khoác chặt khi đi với nhau ngoài phố.
– Bây giờ Thanh đang đi với một gã con trai khác cũng với bằng ấy cử chỉ ái ân, cũng với bằng ấy lời nói thân mật ngọt xớt?
Tiếng nói ấy như một nhát búa dáng thẳng vào đầu một con vật bị thương. Sự đau đớn âm thầm, song nhói buốt đến nghẹn cổ. Tâm sự ray rứt đó của Phi luôn luôn mang một chút tủi nhục của kẻ bại trận. Sự bại trận câm nín mà Phi biết không bao giờ chàng dám nói ra, ngoại trừ với Thanh vào một giờ phút nào ở bên Thanh mà chàng không thể chịu đựng nổi? Những tàn phá âm thầm ấy nữa. Đã có lần, Thanh hiểu Phi, Thanh cảm động với nỗi đau đớn của Phi, Thanh ôm chầm lấy Phi và có lẽ là Thanh muốn khóc lắm. Nhưng rồi… sau đó Thanh lai. quên tất cả, Thanh lao mình vào cuộc sống ban đêm của mình, để hình ảnh Phi chỉ còn như một chiếc bóng mờ.
Phi cúi đầu như một tín đồ chịu tội trước đấng Tối Cao. Mẩu thuốc cháy khét trên mặt cỏ. Phi đón nhận sự đau đớn lớn rộng như kẻ hành xác. Chàng nhắm mắt, ngã đầu vào thân cây còn ướt nước mưa.
Văng vẳng bên tai Phi, tiếng reo cười của hai chị em Loan lẫn vào tiếng vợt cao su cùng quả banh nhựa qua lại đều đều trên mặt bàn gỗ. Phi hé mắt nhìn dáng Phượng khoẻ mạnh, chắc chắn trong những điệu bộ đánh bóng bàn thành thạo. Chàng phải công nhận là Phượng đánh thật hay so với những người con gái khác. Tuy nhiên, Phượng chưa chắc đã ăn nổi chàng. Hồi còn đi học, đã có thời Phi say mê chơi trò “thể thao đàn bà” này. Ít lâu sau, chàng ham đá banh nên bỏ. Từ đó, Phi không có dịp thử lại xem tài nghệ mình tới đâu. Dù sao Phi vẫn tin rằng khó mà chàng chịu thua Phượng.
Phi trở vào bàn ping pong, Loan vừa thua luôn hiệp thứ ba. Phượng vừa cười vừa buông vợt:
– Đánh mãi với chị chán chết, được hoài đâu có thích.
Loan đưa vợt cho Phi:
– Anh đánh với Phượng đi và nhớ hạ nó dùm tôi.
Phi ngần ngại nhìn Phượng, Phượng buộc lại mái tóc:
– Được lắm, thử coi.
Phi cầm vợt và với ý định “hạ con nhỏ này một phen cho bõ ghét”. Song ngoài miệng, Phi nhũn nhặn để đề phòng… mình thua:
– Tôi bỏ lâu, không hiểu còn đánh nổi không.
Loan kéo chiếc ghế đơn nylon vào khoảng giữa bàn:
– Cứ đánh đi rồi sẽ biết, để tôi làm trọng tài, đỡ mất công cãi qua cãi về.
Phượng giao banh bằng một đường banh xoáy hóc hiểm. Phi nhoài người ra đỡ, nhưng banh đụng lưới. Tiếng Phượng cười ròn làm Phi đỏ mặt. Chàng cũng dùng lối giao banh xoáy tít trả đũa. Đến lượt Phượng cho banh vào lưới. Loan vỗ tay reo lên:
– Có vẻ được lắm, trả lời rất đẹp.
Cuộc “đấu giao hữu” vì vậy mà gay cấn ngay từ phút đầu tiên trước đôi mắt thích thú của Loan.
Hiệp thứ nhất Phi thắng 21.18
Hiệp thứ nhì Phượng thắng khít khao 21.22
Sang tới hiệp thứ ba hai người cẩn thận đuổi nhau từng trái. Phi cũng trở nên thận trọng đến nỗi không dám “tiu” mạnh.
20.21 rồi 21.21 rồi 21.22
Tình trạng mỗi lúc một căng thẳng. Phi cũng quyết được và Phượng cũng quyết thắng. Loan ngồi ngoài vỗ tay khuyến khích lòng hiếu thắng của cả hai người. Giữa lúc đó thì một chiếc xe hơi chạy rào rào trên mặt đường sỏi và dừng lại sát chiếc bàn tròn. Phượng và Phi cùng ngừng tay ngoảnh ra. Phi nhận thấy một trong hai người này là Đại úy Minh, một vị đại úy trẻ tuổi có học nhưng… thích dùng mọi cách để ngồi lai. văn phòng hơn là thích chiến đấu. Phi làm một cử chỉ chào kính rất nghiêm trang. Minh tiến lai. xoè tay bắt tay Phi:
– Công tử Simca hôm nay lại có thì giờ đánh bong bàn ở đây kia à?
– Tôi lái xe cho Trung tá.
Phượng vừa lau mồ hôi trán vừa nói với Minh:
– Anh đợi em một chút, em đánh xong “xê” này đã nhé.
Minh gật gù:
– Đánh đi. Ai thua ai được?
Loan xen vào:
– Trong vài trái nữa anh biết ngay. Hai người đang huề và đang găng nhau ở ván quyết định này.
Người đi cùng với Minh sửa lại cập kính, anh ta nhìn Loan thật nhanh và khẽ hỏi:
– Có tranh giải gì không đấy?
Loan cũng cũng cười nhẹ:
– Anh treo giải đi, anh Toàn.
– Một chầu ciné nhé?
Minh vỗ tay:
– Hay lắm. Có nghĩa là hôm nay mày bao chầu ciné chứ gì?
Toàn cười hiền lành:
– Cũng được, không sao cả.
Phượng lại tiếp tục giao banh. Phi chỉ cần nhìn thoáng qua chàng cũng hiểu ngay là anh chàng Toàn và Đại úy Minh đến đây với mục đích gì. Có lẽ là Minh đến với Phượng, còn Toàn đến với Loan. Nhưng Minh có vẻ thân hơn, chắc Minh tới trước rồi sau đó mới giới thiệu Toàn cho Loan. Tình trạng giữa Toàn và Loan coi bộ còn … mới mẻ lắm.
Phi không keó dài sự chú ý của những người đứng ngoài nên mặc dầu đang dẫn trước Phượng một trái, chàng để thua luôn ba trái sau đó. Chàng buông vợt, lau mồ hôi trán:
– Xin chịu thua, cô Phượng đánh hay lắm.
Phượng nói thẳng ngay:
– Hôm nay chưa ai thua cả. Anh nhường tôi – vì lịch sự hay vì một lý do nào đó – chứ không phải anh thua. Để hôm khác mình đánh lại…
Phi định cãi, song Loan đã đứng lên giơ tay:
– Đừng chối, vô ích, ai cũng công nhận như vậy, kể cả địch thủ của anh.
Phi cười:
– Riêng tôi là không nghĩ vậy.
Nói rồi Phi xoay lưng bước ra ngoài sân. Bốn người keó nhau lên nhà trên. Phi đứng một lát dưới mái hiên rồi đi thẳng ra cổng kiếm taxi về nhà.
Mỗi lần về tới nhà điều khó chịu nhất của Phi là sự mừng rỡ của gia đình, từ ông bố tới bà mẹ đến cả chị người làm nhà chàng đều có nỗi vui mừng cứ như vừa thấy chàng mới thoát chết trở về.
Nhưng nỗi vui mừng đó không bao giờ kéo dài được quá một giờ đồng hồ. Lần nào Phi cũng chỉ về qua nhà rồi lại đi ngay. Và lần này, Phi chỉ về nhà đúng mười lăm phút đủ để thay quần áo, trả lời vài câu hỏi của bà mẹ.
Phi bước xuống nhà để xe với nỗi trống trải mênh mang. Chiếc Simca lùi ra khỏi cổng, ròi bỏ lề đường mà chính Phi cũng không biết nên chạy về hướng nào. Đến nhà Thanh bây giờ chắc chắn Thanh đi rồi, không có lý gì Thanh nằm nhà giờ này. Tuy nghĩ vậy song Phi cũng vẫn đến nhà Thanh.
Một điều hết sức ngạc nhiên là cửa nhà Thanh vẫn mở, chứng tỏ Thanh có nhà. Người Phi bỗng nóng ran lên, chàng không thể ngờ được điều này. Thanh cố chờ chàng hay là Thanh có một lý do gì khác? Phi đi nhanh vào nhà Thanh nằm trên chiếc ghế xích đu với tờ tuần báo chuyên về điện ảnh và sân khấu trên tay. Nhìn thấy Phi bước vào. Thanh chỉ hơi nhỏm người lên, một chân đu đưa trên ghế.
– Gớm! Về đúng hẹn nhỉ. Chờ anh dài người ra.
Câu trách móc của Thanh đầy tình tứ khiến Phi cảm động. Chàng nhẩy ba bước đến bên Thanh. Chàng ngồi xuống bên nàng:
– Anh xin lỗi, vì… công việc nên về trễ. Anh cứ tưởng em… đi chơi rồi nên chưa chắc đã gặp em.
Thanh tát nhẹ lên má Phi:
– Em đã hẹn đi với anh là em đợi. Từ chiều, bao nhiêu kép đến, em cho “dọt ” hết. Nhưng nếu muộn một chút nữa thì chính anh “dọt”.
Phi gục đầu trên vai áo Thanh. Mùi nước hoa quen thuộc phủ lên mặt chàng, lùa vào gíac quan chàng một hương vị đặc biệt đánh thức những nhớ nhung say đắm từ trong tiềm thức. Những hối hận mong manh lại hiện đến với Phi, chàng hối hận vì khi xa Thanh chàng vẫn nghĩ là Thanh không hề chú ý đến mình. Tình yêu Thanh như mặt biển lớn đẩy vỡ tung bờ cát mỏng tràn về. Chàng ôm lấy má Thanh diễn tả những rào rạt yêu thương đó bằng những nụ hôn nóng bỏng.
Thanh phải gỡ tay Phi ra:
– Chúng mình đi thôi chứ anh?
Phi đứng dậy, chàng chọn áo cho nàng. Phi để ý đến vài chiếc áo mới mà chàng biết chắc là không phải của chàng may cho nàng. Chỉ cần một ý nghĩ nhỏ đó, lòng Phi đủ quặn đau, nhưng sự đau đớn âm thầm ấy, không bao giờ Phi nói ra. Chàng đi tìm chiếc áo cũ, có lẽ là chiếc áo Phi đã đưa Thanh đi may gần đây nhất, cách chừng… hai ba tháng gì đó, chàng keó mắc áo ra khỏi tủ:
– Trời này em mặc màu xanh thẫm là nhất.
Thanh đứng im, ngước nhìn chiếc áo puy lô vơ cũ. Có lẽ Thanh hiểu Phi muốn gì, nhưng sự đòi hỏi sang trọng và kiểu áo hợp thời trang đã khiến Thanh ngần ngại rồi đi đến quyết định dứt khoát:
– Không! Em không thích màu xanh đó đâu. Hôm nay em mặc bộ mới: anh kiếm cho em bộ màu trắng viền chỉ đỏ.
Phi cúi đầu, ngoan ngoãn đặt chiếc áo vào mắc. Tiếng Thanh lại ỡm ờ cất lên:
– Đi với anh phải mặc thế cho… hách.
Thừa biết là một câu nói vuốt đuôi, chỉ có giá trị bằng một lời an ủi cho vừa lòng nhau, Phi nuốt hận, chọn cho Thanh bộ áo mới đúng như lời Thanh nói. Chàng cố tạo một nụ cười đưa áo cho Thanh.
Thanh vuốt lại mái tóc:
– Được không anh?
Phi muốn trả lời: “Anh muốn dẫm nát bộ áo này dù rằng nó đẹp” nhưng Phi lại gật đầu:
– Đẹp lắm.
Rồi Phi thản nhiên hút thuốc lá chờ đợi Thanh trang điểm. Phi cố tìm lại những kỷ niệm quen thuộc trong căn nhà này, nhưng gần như kỷ niệm của riêng chàng đã biến hết. Từ một chiếc quạt máy đến chiếc radio, đến ngay cả những con vật nhỏ xíu bầy trong tủ buffet. Phi có cái cảm nghĩ mai mỉa rằng đây là một căn phòng góp nhặt toàn những kỷ niệm vô nghĩa, xuẩn ngốc, rỗng không và tượng trưng cho những sự sắp đặt, lừa lọc. Phi muốn bước khỏi căn phòng này không một chút hối tiếc.
Nhưng, đây không phải là lần thứ nhất Phi có cái ý nghĩ này. Đã bao nhiêu lần rồi, Phi mang cái tâm trạng buồn cách đó và Phi đã bước ra, song sự buồn chán không thể vượt nổi tình yêu ma quái sâu thăm thẳm luôn luôn kéo trở Phi lại với gian nhà này bằng một thèm khát, bằng cả một tâm sự sôi nổi say mê. Phi đứng xoay lưng vào tường nhìn khuôn nắng xuyên qua cửa sổ ngã dài trên sàn gạch hoa. Khuôn nắng vàng kệch, mệt mõi như muốn lịm tắt. Phi nghĩ khuôn nắng buổi chiều đó cũng như mối tình của mình và Thanh. Tại sao khi ở bên Thanh, đột nhiên có những phút Phi lại có thể lo sợ một cái gì sẽ mất? Chính Phi cũng không hiểu nổi mình. Chàng vặn lớn chiếc máy thu thanh. Tiếng hát Thái Thanh vút lên xóay hút thăm thẳm.
Gần một giờ sau, Phi và Thanh ra ngoài thành phố. Chân trời trước mặt ôm kín một màu tím thẫm, Phi hình dung đến khoảng thiên đường dành riêng cho những người yêu nhau ở đó. Không! Phải nói là những linh hồn yêu nhau mới tới được đó, mới sống trọn vẹn ở đó.
Còn con người tầm thường không bao giờ đi tới được chân trời. Phi mỉm cười với ý nghĩ này. Chàng quay sang phía Thanh:
– Anh muốn đi hết, đi mãi con đường này.
Có một phút nào đó, Thanh cũng bỗng thấy thương Phi, yêu Phi. Thứ tình yêu quái gở còn sót lại, Thanh chớp mau mắt gật đầu:
– Anh muốn đi tới đâu cũng được.
Phi sung sướng với câu trả lời đó, mặc dầu chàng biết đối với Thanh, tình yêu chàng chỉ còn là một khoảnh khắc bất chợt, một thoáng qua ẩn hiện trong tâm hồn Thanh như ma chơi. Có thể là một giờ, vài giờ, một đêm, một ngày nào đó tùy theo những diễn tiến tình cảm hoặc ngoại cảnh chi phối tâm hồn Thanh. Có trời mới hiểu nổi.
Hai người bước vào một tiệm ăn ven đường. Tiệm ăn được cất giữa một hồ nước hình chữ nhật. Vào giờ này nhà hàng vắng khách, mới chỉ lác đác vài ba cặp ngoài khoảng sân lộ thiên. Phi chọn chiếc bàn ngoài cùng, nơi mà Phi và Thanh vẫn thường ngồi với nhau vào những ngày mới quen, Phi tưởng khi gặp Thanh, ngồi với Thanh như thế này, chàng sẽ nói được nhiều, rất nhiều, mà lần nào cũng vậy, Phi ít nói hơn cả những ngày bắt đầu yêu. Phi thấy mình không có chuyện gì để nói cả.
Nói về tình yêu ư? Đối với Thanh và chàng là thừa! Nói về nỗi nhớ nhung Thanh những ngày nằm ở trại ư? Phi thấy ngớ ngẩn lạ thường. Chàng ngước lên nhìn khung trời. Vẫn một màu tím sẽ ngả dần sang màu đen của đêm tối, cũng như tình yêu, sự đam mê và buổi tàn đêm trở về với một hình hài rã rượi.
Phi hoảng hốt nghĩ đến sự đam mê bây giờ để rồi sáng sớm ngày thứ hai, chàng trở lại con đường đất đỏ, con đường nhầy nhụa như lòng chàng, Phi buông trôi ý nghĩ ghê rợn đó như người tử tù uống ly rượu cuối cùng.
Thanh vẫn có cái tài đặc biệt mỗi khi cần làm cho người đi với mình được hoàn toàn vui vẻ. Trong bữa ăn Thanh nói liên miên, từ một chuyện của tài tử chiếu bóng đến một cái tin trên báo hàng ngày đều là đề tài cho Thanh bình luận một cách vô cùng dí dỏm. Thanh chiều chuộng Phi khiến Phi tưởng như luôn luôn Thanh là một người vợ chung tình, một người vợ mới cưới yêu chồng nhất thế gian.
Đó là bản chất Thanh, bởi chính Thanh cũng muốn vui chứ tuyệt nhiên không phải là một thủ đoạn.
Phi bị cám dỗ điêu đứng trong tình yêu Thanh một phần lớn cũng vì những thứ đó.
Sau bữa ăn, Thanh bắt Phi đưa đi ba bốn tiệm khiêu vũ khác nhau. Thanh không muốn phá phách của Phi, song tính Thanh vẫn thích chơi như vậy. Nàng là thứ thiêu thân lao vào ánh đèn và hình như chỉ ban đêm nghe tiếng nhạc vũ trường, nhìn ánh đèn màu và khung cảnh của những hộp đêm khác nhau Thanh mới thấy ý nghĩa của cuộc đời nàng. Có lẽ Thanh muốn quên, muốn đắm mình trong say mê cuồng loạn để bỏ hẳn ra ngoài xa cả một dĩ vãng đớn đau, cả một quãng đời trôi nổi vừa đau nhục vừa sung sướng lẫn lộn. Nhưng rồi cuộc đời đó tới khi nhìn lại chỉ toàn là những kỷ niệm tê dại đến uất nghẹn. Tâm sự Thanh cũng tương tự như tâm sự của tất cả những nàng Kiều ban đêm của thời đại này. Thanh đã suy nghĩ, đã thấm đau và thấm mệt nên bây giờ Thanh muốn quên.
Tình yêu Phi đến với Thanh cuốn hút như một chiếc xoáy lớn giữa thác lũ. Nước sẽ cuốn theo thác lũ cùng với bèo bọt, nhưng xoáy rồi cũng phải tan, thác lũ điên cuồng vẫn là thác lũ thản nhiên trôi. Thanh biết mình không hề yêu Phi mãi mãi trong cái cảnh này. Nàng buông rơi Phi với hy vọng Phi đau đớn một thời gian rồi Phi sẽ quên nàng. Nhưng bao nhiêu lâu rồi Phi không quên nổi. Phi vẫn trở lại đây với nàng. Có lần Thanh đón tiếp Phi bằng những vui thích cảm động như khi còn yêu Phi. Có lần Thanh đón tiếp Phi với một tâm trạng buồn nản, chán chường, nàng muốn đuổi Phi đi ngay cho khuất mắt, nàng không muốn nhìn thấy Phi biểu diễn một điệu bộ si ngốc mãi như vậy, nhất là những trò ghen tuông rất trẻ con.
Lắm lúc Phi bị sỉ nhục tàn tệ bằng tất cả những lời lẽ tàn nhẫn nhất. Phi tưởng không bao giờ mình có thể trở lại đây được nữa.
Nhưng chính Thanh lại là kẻ lôi Phi trỏ lại, nàng hối hận và thương Phi vô kể, nàng nhắn bạn bè kêu Phi trở lại thăm nàng. Những lần, sau một cuộc “khủng hoảng” Thanh và Phi thường yêu nhau như những ngày đầu tiên.
Cũng như lần trước, sau nửa tháng Phi giận Thanh tới khi Phi trở lại, Thanh ôm đầu Phi hôn như mưa. Tình yêu đó keó dài cho tới cuộc hẹn hò lần này.
Vì một chuyện rất trẻ con, một chuyện tầm thường nhỏ nhặt trong tiệm khiêu vũ. Phi bực mình với Thanh bởi Thanh vừa nhẩy với chàng vừa nghịch ngợm với một người khách quen. Phi bỏ dở bản tango kéo Thanh về bàn. Thanh biết lại sắp có chuyện lộn xộn, nhưng Thanh bình thản đón nhận.
Vào đến bàn, Thanh ngồi phớt lờ như không, nửa chờ đợi nửa khiêu khích cho Phi nói. Phi hậm hực:
– Đi với anh, em là vợ anh chứ không phải là một… con điếm tầm thường, em hiểu không. Anh không muốn em chào hỏi thằng nào, đùa nghịch với bất cứ đứa nào khi ở bên anh như vậy. Em muốn sỉ nhục anh à?
Thanh bật người ra ghế, vẻ chán nản, khinh khi:
– Cần gì tôi phải sỉ nhục anh. Anh đi với tôi, một con điếm tầm thường không đủ là một sỉ nhục rồi sao?
– Em thật… trơ trẽn. Anh không còn danh từ nào để dùng trong trường hợp này.
Thanh cười:
– Anh dốt! Thiếu gì danh từ người ta vẫn thường dùng với một con điếm! Anh có quyền dùng tất cả những danh từ đó.
Phi choáng váng, ngồi lặng đi. Khói thuốc lá cay đắng trong cuống họng. Chàng cúi đầu khẽ hỏi.
– Thằng đó là gì của em?
– Bồ!
Sự thật người khách quen đó của Thanh cũng chỉ là một người quen như tất cả những người khác, nhưng Thanh muốn trêu Phi chơi cho bõ ghét.
Phi tưởng như bị một gáo nước lạnh hắt vào mặt, chàng ân hận vì đã hỏi Thanh một câu ngu xuẩn như vậy. Chàng thở dài liếc nhanh vào khuôn mặt Thanh. Chàng thấy khuôn mặt đó có phần nào đĩ thoã thật. Tại sao Phi lại có thể say đắm một khuôn mặt trơ trẽn, một tâm hồn qúa lầy lũa như vậy. Phi ghê tởm cả chính mình. Chàng không muốn hỏi Thanh thêm một câu nào nữa, nhưng khi xuống đến xe, không thể chịu đựng nổi, Phi lại nói một câu không suy nghĩ:
– Từ giờ anh cấm em không được làm như vậy nữa. Lần sau thì… biết anh.
Thanh cười khanh khách:
– Lần sau thì quá muộn. Anh cũng không nhân danh gì để mà cấm tôi được. Thích gì tôi làm nấy. Tôi đã nói với anh bất cứ trường hợp nào tôi cũng hoàn toàn tự do.
Nỗi đau đớn dàn trải minh bạch trước mắt Phi như con đường rộng vắng hun hút nằm dài dưới ánh đèn đêm thành phố. Chiếc Simca gầm lên, lao như tên bắn. Mọt lần nữa cái ý nghĩ đâm xe vào gốc cây lại hiện đến ám ảnh Phi. Nhưng không bao giờ Phi làm như vậy cả.
Từ đó Phi im lặng. Thanh cũng im lặng cho đến khi đưa Thanh về tới nhà. Thanh đẩy cửa xe bước xuống ném lại hai tiếng cụt ngủn:
– Chào anh.
Phi không kịp nhép môi cười Thanh đã đi vào trong bóng tối. Phi lái xe trở lại con đường cũ, nỗi buồn càng toả rộng. Mỗi lần ở nhà Thanh về là mỗi lần Phi thấy người nhẹ bỗng, mất mát, trống rỗng. Chàng ghé vào một tiệm khiêu vũ, nơi mà ngày xưa chàng đã gặp Thanh. Phi ngồi ở quầy uống rượu nét mặt lầm lì khổ sở. Một vài cô vũ nữ quen tìm đến châm chọc. Phi chỉ biết lắc đầu lặng thinh. Phi nghĩ: có lẽ chúng nó cho rằng mình bị Thanh bỏ rơi. Ngụm bia cay nồng, Phi thú nhận một cách can đảm:
– Mình bị bỏ rơi thật còn gì! Phi muốn nhẩy thật nhiều cho quên.
Chàng nhìn thấy hai cặp Minh Phượng và Toàn Loan ngoài Piste. Có lẽ họ đã thấy Phi ngay từ lúc mới vào.
Loan đi qua trước mặt Phi, nàng khẽ vẫy mỉm cười. Phi cũng nghiêng đầu chào lại. Chàng thấy Loan thật tử tế, dễ thương. Trái hẳn với Phượng, khi nhìn thấy chàng, Phượng lãnh đạm thản nhiên như một kẻ hoàn toàn xa lạ. Phi không đòi hỏi một cảm tình đặt biệt, song ít ra người ta cũng không nên coi thường chàng. Mặc cảm đó dẫn Phi tới chỗ ghét Phượng lạ lùng.
Lựa một bản boston, Phi kiếm Liên mời nhẩy. Liên là bạn Thanh và thật ra Liên quen Phi trước Thanh. Vì một chút tự ái, Liên dấu kín tình yêu của mình để rồi Phi ngã vào tay Thanh một cách điên đảo, Liên đành mất Phi từ đó. Mối tình câm nín của Liên lẳng lặng, câm nín đến nỗi ngay cả Phi cũng không hề hay biết. Chàng chỉ coi Liên như một cô gái quen thân hơn những người khác chút đỉnh. Liên cũng không hề tỏ một cử chỉ nào khác ngoài những cảm tình đã được Liên giới hạn ngay từ khi biết Phi yêu Thanh. Nhưng nhẩy với Phi, Liên cảm thấy gần gũi và rung động như muốn gục đầu vào vai chàng hoặc hơn thế, ghì chàng thật chặt trong vòng tay. Song, không bao giờ Liên làm như vậy cả.
Một phút, nhìn vẻ mặt đăm chiêu của Phi, Liên biết Phi buồn lắm và chắc chắn Phi buồn vì Thanh. Liên thấy lòng mình quặn đau vì… hờn tủi, ghen ghét, nhưng sự hờn tủi đó không vượt nổi tình yêu Phi thầm kín đã từ lâu chìm lắng, bây giờ mới có dịp sống dậy, Liên khẽ hỏi:
– Vợ con anh đâu?
– Bỏ lâu rồi mà, em không biết sao?
Liên gật nhẹ:
– Biết. Nhưng hồi chiều em mới thấy anh chị đi với nhau du dương lắm mà? Bỏ dễ thế sao?
Phi cười nửa miệng:
– Lâu lâu về thăm một lần, đi với nhau không đầy ba tiếng đồng hồ lại chán nhau ngay.
– Ai chán?
– Lẽ dĩ nhiên là “nó” chán anh.
Liên cũng cười, nàng làm bộ hồn nhiên cúi đầu vào ngực áo Phi, song sự thật là Liên rung động. Liên thương Phi hơn bao giờ hết. Nàng dò hỏi:
– Anh còn yêu Thanh lắm phải không?
Yên lặng vài giây. Phi thú nhận:
– Bằng một thứ tình yêu quái gở, dằn vặt, phi lý, song không thể nào thoát được. Không có lý do nào buộc anh phải ở lại bên Thanh cả, thế mà anh vẫn phải ở lại. Bỏ đó anh có cảm tưởng… bị phản bội. Sự tưởng tượng về Thanh và kẻ khác đau thấm hơn là sự thật.
Liên đã từng yêu, đã từng bị đày đoạ bằng những mối tình tương tự như vậy nên nàng hiểu Phi, đồng thời nàng nhìn rõ mối tình của Thanh đã dành sẵn cho Phi. Phải nói thẳng ra rằng đã đến lúc Thanh chán Phi, có thể vì tình yêu một người kh’ac cũng có thể tình yêu Phi kéo dài một cách bình dị, vô nghĩa, Thanh chẳng có ích lợi gì cả ngoài những chuyện bực mình. Khi tình yêu đã coi như một sự hưởng thụ thì trở nên nhàm chán cũng như người ta ngồi mãi trong một lâu đài tất là phải nhớ cuộc đời, thèm muốn những đổi thay, mua một chút cảm giác lạ, Thanh ở trong trường hợp này. Liên kéo mạnh vai Phi:
– Bây giờ anh và Thanh ra sao?
– Hết rồi.
Liên lắc đầu:
– Mới vừa cãi nhau xong thì anh tới đây phải không?
– Ừ, Không bao giờ anh gặp Thanh nữa.
– Ông nào cũng tưởng vậy. Bỏ nhau khó lắm chứ không phải dễ đâu. Anh đã hứa với anh như thế cả ngàn lần chưa?

Nguồn: http://vietmessenger.com/books/?title=chantroitim

Comments are closed.