Phần II
Khắc khoải
VIII
Sau cuộc biểu diễn ấy, tôi ốm. Ngọ và Lan sắp sửa đi du lịch hưởng tuần trăng mật. Trước khi đi, Lan bảo tôi:
– Em sẽ dắt anh Ngọ ra khỏi con đường cũ. Chúng em sẽ lên Yên Bái đến nhà một người bạn chiến đấu cũ của anh Ngọ, Chúng em sẽ có một mảnh vườn… Sẽ trồng cam, trồng sắn, trồng chè…và cả trồng hoa.
Tôi chợt mỉm cười vì cái ý nghĩ thơ dại đẹp đẽ ấy. Tôi và cháu Lê tiễn đôi vợ chồng mới ra ga. Dọc đường, Lan tâm sự với tôi:
– Bố mẹ em đã từ em rồi. Cả nhà vẫn cương quyết không chấp nhận anh Ngọ. Ngay cả gia đình anh Ngọ cũng lặng lẽ đối với anh ấy. Được cái anh Ngọ chẳng bực bội thù hằn với ai. Bố mẹ em, bố mẹ anh ấy khi nói điều gì quá đáng, anh chỉ cười. Nhưng rồi anh xem, chúng em cũng sẽ thành một gia đình bình thường như mọi người.
– Bình thường nghĩa là…?
– Nghĩa là chúng em sẽ có một căn nhà, sẽ có con cái…
Bên cạnh tôi, Ngọ và Lê cũng thì thầm. Lê hỏi:
– Anh định ra khỏi Hà Nội thật hay sao?
– Ngốc! Xa Hà Nội sao được. Cả cái gầm trời Việt Nam này, có chỗ nào có thể là đất dung thân cho cái anh “phó thường dân”?
– Vậy…Sao anh đi?
– Ngốc! phải chiều cô ấy chứ! Minh không tin có ngôi sao hạnh phúc chiếu vào mình. Nhưng dù sao được tưởng tượng về hạnh phúc, hay được hưởng hạnh phúc một chút cũng là sung sướng.
– Bao giờ anh về?
– Có thể một hai tuần, có thể một hai tháng, cũng có khi một hai năm.
Tiếng của cô phát thanh viên nhà ga đều đều ngái ngủ bỗng vang lên: “Quý khách đi tầu Yên Bái Phú Thọ chú ý!…”
– Ngọ và Lan bắt tay chúng tôi. Đôi vợ chồng đi lẫn vào đám đông hành khách. Chúng tôi nhìn theo. Chỉ nhìn cái cái dáng sau lưng của họ cũng hiểu là họ đang sung sướng.
– Cậu đi đâu bây giờ? – Lê hỏi tôi.
– Không biết!
– Hay cậu về nhà? Bố mẹ cháu, chiều này, nhắc đến cậu.
– Đêm nay cậu không về nhà cháu.
– Cậu định ngủ ở đâu?
– Thiếu gì nơi ngủ.
– Cậu ngủ ga chứ gì?
– Sao cháu biết?
– Vì cậu quen anh Ngọ.
– Lạ chưa!
– Và vì cháu cũng đã ngủ ga nhiều đêm.
– Cậu ngủ ga còn có lý; cháu có nhà, sao cháu cũng làm thế?
– Nhiều đứa bạn có nhà như cháu cũng ngủ ga.
Tôi chua chát nghĩ thầm: “Thế hệ trẻ đang trong cơn mê. Vị ngọt ngào không đủ sức hấp dẫn. Những bộ óc non đang tìm chất kích thích trong cái hoang dại và sự tàn nhẫn…”
– Tại sao cháu lại thích ngủ ga?
– Tại sao cậu lại bỏ nông trường để về Hà Nội?
– Vì cậu yêu âm nhạc.
– Vì âm nhạc một phần. Còn vì “cái khác” một phần.
“Cái khác”? Tôi giật mình. Cháu tôi đang phân giải tôi. Ừ… có lẽ tôi chưa kịp nghĩ đến “cái khác” ấy. Có phải đó là chất men hoang dại của nhiều đêm nằm rừng, hoặc nằm trong chiến hào còn dư âm trong lòng, nên tôi đã có đủ nghị lực để từ bỏ con đường mòn hẹp của đời mình, để dấn thân vào một con đường rừng đầy lau lách của đời người. Tôi chỉ quen nhìn cháu tôi bằng con mắt bề trên phán xét và xót thương. Đáng lẽ ra tôi phải tự phân giải, tự phán xét và tự xót thương mình trước đã….
– Đêm nay cháu cùng ngủ ga với cậu nhé?
– Cũng được.
Hai cậu cháu tôi lại tìm đến chỗ mà lần trước tôi đã ngủ cùng với Ngọ.
– Cháu quen anh Ngọ lâu chưa?
– Hơn một năm nay. Cháu mến anh Ngọ. Anh ấy rất từng trải, đọc nhiều sách…Cậu tha thứ cho cháu nhé… Cháu còn ít tuổi nhưng ham tìm hiểu về đời người. Từ năm lớp bẩy đến giờ, cháu đã ngốn bao nhiêu là sách. Cháu học giỏi, kiêu ngạo, và… Từ lớp bẩy cháu đã thấy… Nhiều điều bất bình khó hiểu. Ở lớp, cháu là đứa giỏi toán nhất. Hơn một chục đứa bạn lúc nào cũng xúm quanh cháu. Bài toán nào cũng chỉ mình cháu làm và bạn bè chỉ việc chép lại, đánh bóng mạ kền tí chút cho nó ra vẻ khác đi. Thế mà bọn bạn lại hơn điểm cháu. Điều đó cháu không cần, sở dĩ cháu cảm thấy vô lý chỉ vì cô giáo lại coi cháu như thằng học trò kém, ngỗ ngược, và coi lũ bạn bám lấy cháu là lũ trò giỏi, trò ngoan. Bọn nó sở dĩ được cô giáo yêu quí vì chúng khéo biết chiều ý cô, nịnh nọt một cách khôn ngoan. Rồi có đứa trong số đó được làm trưởng lớp, nó quay lại dèm pha cháu, dạy dỗ cháu…Đó là bài học thấm thía đầu tiên về cuộc đời. Tiếp theo là những gặp gỡ, va chạm khác với cuộc sống dẫn đến một kết luận: Có nhiều kẻ bỉ ổi, họ sống bằng sự dối trá, bợ đỡ, và những kẻ ấy phần đông thành công ở đời. Cháu đâm ra chán nản. Thú thật, cháu thiếu cả lòng tin vào bố cháu. Cháu sợ những câu nói đại ngôn, hoa mĩ. Chán nản ở cái tuổi mười tám như cháu thật kỳ quặc, chán nhà trường, cháu đi vào cuộc sống để thể nghiệm. Cháu học võ và tham gia những trận ẩu đả. Cháu làm thơ. Cháu chơi bời với bạn bè lưu manh. Cháu kiên quyết sống theo suy nghĩ riêng cuả mình. Chính lúc ấy cháu gặp anh Ngọ. Mới gặp anh Ngọ vài lần cháu đã mến anh ngay. Cháu đang ngã, anh nâng cháu dậy. Anh Ngọ cũng chán đời, nhưng khác cháu chán đời vì có một niềm tin vào cái đẹp đẽ. Anh ấy bảo cháu đang mắc bệnh “rã rời tư tưởng”. Anh Ngọ là người nghị lực nhất mà cháu đã gặp. Anh sống trong khốn cùng, nhưng vẫn cố gắng vươn lên trong sạch.
– Lần trước nói chuyện với cậu, cậu bảo cháu rằng con người cần phải cô một niềm say mê mãnh liệt. Có lẽ cháu không có niềm say mê ấy; vì cũng chưa gặp một việc gì có thể làm cho cháu say mê. Gặp bất cứ ai, đụng bất cứ một việc gì, cháu đã trông thấy ngay cái khía cạnh giả tạo của nó, cái mặt nạ dối trá của nó. Bố cháu đã chạy chọt xong cho cháu được đi học nước ngoài.. Anh cháu đang ở Liên Xô, còn cháu thì sắp sang Đức…Hay thật! cháu sẽ không đi. Cháu ghê sợ đặc quyền… Cái nước sơn chiếu cố sự hoạt động lâu năm của bố cháu thực chất chỉ là một bất công.
– Vậy cháu sẽ làm gì?
– Cháu sẽ đi bộ đội. Mắt Lê chợt long lanh cái long lanh khác thường và đáng sợ.
– Đi bộ đội?
– Cậu ngạc nhiên ư? À cháu hiểu… Cháu làm gì có lý tưởng. Có đúng thế không? Cậu có lúc đã coi cháu như thằng lưu manh. Đúng đấy! Trong máu cháu hình như có chất lưu manh. Cháu thích tàn nhẫn. Cháu căm thù sự hèn yếu. Yếu ớt thuộc về người đàn bà…
– Tôi nằm yên nghe cháu tôi tự phân giải, tự sỉ vả, tự sám hối. Cháu muốn trôi đi những mặc cảm tội lỗi mà cháu nghĩ vì bố cháu đã không xứng đáng và cháu phải trả nợ. Trả nợ ai? Trả nợ những người bình thường, thơ ngây, cặm cụi, hy sinh mà ta thường gặp ở khắp mọi nơi. Trả nợ những giọt máu đã bao nhiêu kiếp rồi tưới lên đất quê hương…
Cháu tôi vẫn tiếp tục tự phân giải nhưng giọng nói dần bình tĩnh trở lại:
– Lạ thật! khi thường cháu rất hiền lành, nhưng hễ bị xúc phạm là cháu nổi sung lên ngay. Như con ngựa bất kham, rất khó kìm lại được. Tuần trước, cháu đánh chảy máu mồn thừng chửi cháu.
– Tại sao chửi?
– Chỉ vì một câu nói đùa đơn giản, cháu không nhớ nữa.
– Thế mà… máu đã chảy.
– Chậm một chút, cháu có thể đánh chết nó.
– Thằng điên rồ!
– Lắm lúc, cháu cứ tự trách mình sao có thể điên rồ như thế, nhưng có lẽ tất cả đều điên như cháu. Nhiều khi cháu thấy bồn chồn, oi bức trong lòng. Cảm thấy ngột ngạt. Nhiều đứa bạn cũng mắc thứ bệnh như cháu, cháu biết nhiều khi đâm chém nhau chỉ vì một cớ rất nhỏ nhoi. Không đáng kể. Bây giờ con người dễ dàng giết nhau mà không thù hằn lớn. Cháu có để ý hỏi. Có đứa trả lời “Máu bốc lên, thế là đâm ngay”.
Tôi nghĩ rằng mình kinh hãi vì nhận thấy một sự thật ghê gớm được thốt ra từ miệng một người rất trẻ. Ôi chao! Ngạt thở! Tôi cởi khuy áo ngực rồi nhổm dậy. Cháu tôi cũng ngồi dậy theo. Tôi lấy chiếc mũ cối của Lê mà quạt. Đầu óc tôi bỗng nóng ran, cái nóng tập trung nhất đằng sau gáy. Tôi quay đầu lại và chợt bắt gặp một đôi mắt sắc, nóng bỏng của một người tùm lum chăn ngồi ở xó buồng. Lê huých khuỷu, rồi thầm thì vào tai tôi:
– “Mú” đấy!
– “Mú”?
– Chứ sao! Công an họ theo dõi. Ở đâu chả có “mú”. “Mú” ở khắp mọi nơi.
– Sao cháu nhận biết được?
– Ở chỗ đông người, những con mắt chuyên dò xét dễ nhận ra ngay.
– Ai dạy cháu điều ấy?
– Anh Ngọ. Có bận hai anh em cháu rỗi rãi đến quán bia rồi cứ ở đó xem ai uống bia là “mú”. Cháu đoán đúng tới chín mươi phần trăm.
– Họ theo dõi chỗ này làm gì?
– Chỉ riêng cái việc ngủ ga? Tại sao anh không có nhà? Tại sao anh không có hộ tịch? Không có nhà cũng đáng là tội lỗi.
Tôi mỉm cười vì giọng lưỡi Lê đặc sệt Ngọ.
– Lẩm cẩm! Thôi, ngủ đi!
Thế là cậu cháu tôi ngủ. Cháu Lê ngủ say, còn tôi thì chập chờn. Một giấc ngủ đầu nóng như rang. Một giấc ngủ hễ cứ chợp mắt là thấy hiện ra một đôi mắt đỏ than hồng, rừng rực nhìn mình.
– Ôi chao! Nóng! Nóng! Nóng! Cái nóng hầm hập không gian. Cái nóng như làm thức dậy trong con người sự hằn học. Nàng Ăngtigôn, áo dài thướt. đang ôm mặt rồi gio tay cầu nguyện “Ta sinh ra để yêu thương”. “Chúa giê-su mỉm cười xót thương”. Các con không biết đổi thay những quan niệm cố hữu, cổ xưa. Lửa hận thù, ngọn lửa mạnh nhất trong không gian và thời gian sẽ đốt trụi đi những cái gì là hèn yếu. Tôi thét lên kêu cứu: Nóng! Nóng! Và tôi choàng tỉnh giấc. Cháu Lê đang sờ trán tôi:
– Cậu ốm to mất rồi.
Cũng may lúc đó trời đã bắt đầu rạng sáng.
Cháu Lê khôn ngoan đến tìm họa sĩ Minh! Minh chạy đi tìm Hưng.
Hưng mắng mỏ tôi:
– Tại sao hôm ấy đang bữa cơm cậu lại bỏ đi?
Hưng nhấc chiếc kính trắng ở mắt ra lau, triệu chứng anh xúc động nhiều – Tôi biết rồi, ông sĩ diện, ông không muốn làm phiền tôi. Khi gặp khó khăn, người ta hay nghĩ xấu về người khác. Hãy tin tôi, vợ tôi là người đàn bà tốt bụng. Cậu phải thực tế thêm một chút. Hãy nhớ là cậu đang ốm. Ôm to đấy. Cậu không được phép đi lang thang khi tôi còn sống. Và…Hãy nhớ thêm một điều này nữa: Ở đời còn rất nhiều người tốt…
Hưng mắng mỏ tôi rất đại ngôn. Anh khoa trương cái chủ nghĩa nhân đạo của anh. Nhiều người khoa trương nghe rất chướng, nhưng ở anh sự khoa trương nghe lại được, bởi một lẽ đơn giản: anh rất thật bụng.
Chị Hưng đón tôi ở ngõ. Chị có vẻ hối hận. Sự hối hận ấy chỉ có tôi và chị hiểu vì tôi là thằng ăn xin, còn chị hiểu vì chị đã để lộ đôi mắt hằn học trong bữa cơm cho tôi thấy. Tôi vẫn ngượng ngùng. Người đàn bà béo hiền lành ấy xí xóa ngay sự ngượng ngùng của tôi bằng những câu tâm sự rất thành thực:
– Hôm anh bỏ đi, ông Hưng nhà tôi buồn rũ hẳn đi. Mấy hôm liền, ông ấy bồn chồn như kẻ mất hồn. Ông ấy cáu kỉnh với tôi, với con. Ba, bốn tối liền, ông ấy đi tìm anh. Quen anh chưa lâu, nhưng anh ấy quý anh lắm. Anh Hưng rất quý bạn, nhưng chưa bao giờ tôi thấy anh lo buồn như bận ấy. Anh ấy bảo anh phẫn chí. Anh Hưng chỉ lo anh liều.
Nghe chị Hưng nói, tôi thấy nao nao. Chị Hưng đi chợ, anh Hưng đi làm, tôi nằm mê mệt trên giường. Đầu óc bê bối lạ lùng. Cái nóng hành hạ liên tục. Tôi thiếp đi, lúc nào cũng thấy đôi mắt lửa. Suốt hai ngày trời, tôi mê sảng và luôn miệng kêu: Nóng! Nóng! Chị Hưng, cháu Hoàng, anh Hưng săn sóc tôi như người ruột thịt nên bệnh tôi cũng mau khỏi.
Tuần lễ dưỡng bệnh ở nhà Hưng là những ngày sung sướng của đời tôi. Cơn sốt dứt, lòng tôi bỗng trở nên thanh thản. Anh chị Hưng đi làm suốt ngày. Buổi sáng rỗi rãi vắng vẻ, tôi lại bắt tay vào làm việc. Những thứ rời rạc mà tôi nghiên cứu được tổng hợp lại.
Một buổi tối, Hưng bảo tôi:
– Có người hay nghĩ Trương Chi là câu chuyện đơn thuần tình yêu. Dĩ nhiên đó là một chuyện tình hay. Song mình nghĩ có lẽ Trương Chi là hiện thân của cái đẹp siêu việt, cái đẹp thực xù xì đau đớn có đủ màu sắc trắng, đen, đỏ, xám… Cái đẹp tuyệt vời ấy con người tục khó nhận thấy. Cô Mị Nương là hiện thân của cái đẹp tầm thường trần thế. Mị Nương yêu Trương Chi nhưng không tự diệt nổi để vươn tới cái đẹp tuyệt vời siêu việt.
Tôi gật đầu:
– Tôi hiểu. Đó là cuộc xung đột hằng diễn của lịch sử. Cái đẹp thực sự bao giờ cũng ẩn giấu… Những ý nghĩ ấy vẫn le lói trong đầu óc, mà tôi chưa biết diễn tả gãy khúc.
Cả đêm hôm ấy, những nét nhạc cứ ào ào đến trong tôi. Những nét nhạc làm hiện ra những đêm ga… Đám người nông dân, tay dắt con, vai gánh sắn… Một người đàn bà bán con khóc sướt mướt… Có cả Ngọ và Lan dắt tay nhau đi giữa dòng người. Lẩn vào hỗn độn ấy là tiếng súng của tôi giữa rừng Trường Sơn. Giê-su Chúa trời… Con vượn mất con hú gọi… Ngà dắt con bò sừng hươu ngơ ngác… anh Trần nghiêm nghị và lạc lõng…. Đám cưới quán bia.. Anh Trương Chi chở con đò nát trong chén trà xanh biếc… Ăngtigôn giơ tay cầu xin: “Ta sinh ra để yêu thương”… Đức Chúa Trời cười một nụ cười bí hiểm.
Cái tuần lễ thanh thản hạnh phúc ấy giúp tôi làm những nét nhạc hiện ra và quan hệ chặt lại với nhau. Tôi sung sướng, nhưng cảm thấy còn có điều gì đó mà tôi chưa nói được.
Sau một tuần trăng mật với tôi, những nét nhạc bỗng nhiên dừng lại. Tôi hiểu cuộc sống cuả tôi mới chỉ cho phép tôi hiểu được Trương Chi đến thế.
Những đêm nằm tâm sự với tôi làm Hưng xúc động đến bồn chồn. Anh đi đi lại lại, tay lau kính hoài và nói:
– Cảm ơn cậu đã làm thức dậy trong lòng mình sự sôi nổi. Cậu nằm bẹp tại đây, nhưng thực ra mình thấy cậu đang di động. Còn mình, kẻ mắc bệnh di động nhưng suốt đời mình chỉ ngồi im. Trường học của mình, bạn bè mình và bạn thân mình là những đồ “đồng nát” han gỉ. Mình thèm cầm bút viết nhưng mình không bao giờ dám đẻ ra trên giấy một cái gì. Sự lười biếng bao giờ cũng mơn trớn êm dịu. Sự lười biếng thường là người biện hộ hùng biện. Thôi được, mình sẽ làm, sẽ làm…
Tôi kể chuyện với ah Hưng về Ngọ. Hưng hỏi:
– Anh ta sống bằng gì?
– Anh ta làm khuân vác, làm gác đêm rồi lê la ở quán bia, có thể làm nghề bưng bia, nghĩa là vì xếp hàng đông khó mua bia, nên phải nhờ Ngọ mua bia hộ để trả công… Ngọ không có nhà, không hộ khẩu… Nói đúng hơn, nhà anh ta ở bến tầu, ở sân ga.
– Anh ta muốn làm gì?
– Có lẽ đó là một người viết văn, song điều này anh ra chưa thổ lộ với tôi.
– Ngọ đã có vợ chưa?
– Mới cưới vợ, lấy một cô sinh viên. Cưới ở quán bia.
Hưng lắc đầu:
– Thế thì anh ta là công an. Hay ít nhất, anh ta gặp cảnh khốn cùng. Được công an cứu vớt, và giờ đây làm việc cho công an. Anh ta không phải nghệ sĩ, không phải kẻ bần cùng, mà là người đóng kịch giỏi.
– Anh mà cũng nghĩ như thế sao?
– Vì tôi biết bây giờ ở chỗ nào cũng có loại như thế. Biết làm sao được! mình sa cơ, mình khốn khó, có người giơ tay ra cho nắm, cho khỏi chết đuối…Luật vay trả ở đời. mà con người thì yếu đuối…
Tôi không tin lời Hưng, nhưng sau câu nói của anh, tôi bỗng nhớ lại đôi mắt than hồng của người trùm chăn trong nhà ga, đôi mắt đã kích thích làm mồi nhen cơn sốt của tôi suốt tuần qua.
Thì ra Ngọ là một nhà văn, một nhà văn đang tìm lối, một con chim đang tìm âm sắc cho giọng hót của mình. Sau khi đi tù về, anh ngừng làm thơ, và anh chuẩn bị một cuốn sách mà anh đặt tên là “đi tìm nhân dạng”… Khi ra đi với Lan, Ngọ gửi Lê quyển nháp. Cuốn sách chưa thành hình, có thể nó là tiểu thuyết vì ở đó đây trên những trang sách thấy ghi những tên riêng, tôi đoán đó là tên của những mẫu người, có thể nói là tiểu luận, vì tôi thấy rất nhiều đoạn có tính bút ký và nhận xét khá đặc sắc. Cái tên sách “đi tìm nhân dạng”… cũng bị xóa bỏ mấy lần và thay bằng những tên khác, nhưng cuối cùng nó được giữ lại trong một khung đậm nét. Cháu Lê, có lẽ vì không muốn tôi có những ý nghĩ sai lệch về Ngọ, người mà cháu quý mến, nên dù đã thề thốt với Ngọ là sẽ không trao cuốn sách cho ai xem, đã phản bội lời thề, đem cho tôi mượn đọc sau khi đã dặn dò tôi rất kỹ lưỡng…
Cũng nhờ đó, đêm nay tôi và Hưng mới cùng đọc cuốn “Đi tìm nhân dạng”… dưới ngọn đèn dầu mà tôi trích ra đây vài đoạn:
Đối cực
Cuốn sách hay là cuốn liên kết được nhiều đối cực trong đó. Nếu không có đối cực cuốn sách chỉ là đường thẳng giản đơn.
Tôi ao ước một cuốn sách gần sự thực nhất nhưng cũng vô cùng tách tời khỏi sự thực. Một cuốn sách thực sát đất sẽ chán phè. Một cuốn sách siêu linh cũng làm ta ngáp dài. Cực thực hòa vào cực ảo sẽ đem lại hiện thực.
Tôi ao ước một cuốn sách rất chung mà cũng rất cá nhân. Thiếu cái khái quát tài năng thì làm sao tâm hồn ta cảm được cái độ sâu ngộp thở, thiếu chiếc tâm linh biến hình chủ quan thì làm sao thấy được vận mẫu hoa trong một giọt sương.
Cuốn sách hay còn nằm ở trên cầu nối giữa cái cực cặn bã và cái đại trí tuệ.
Trí tuệ và tri thức chính trị
Kit-xinh-giơ ngày nay chẳng qua áp dụng lại thuyết liên hoành của Trương Nghi thời chiến quốc. Người ta liên minh các nước mạnh lại. Còn các nước nhỏ thì đoàn kết với nhau chống lại các nước lớn chẳng qua là thuyết hợp tung của nước Tô Tần. Phải chăng trí tuệ chính trị của con người không phát triển mà chỉ trí thức chính trị mới phát triển.
Ôi phương Đông bí ẩn! Tần Thủy Hoàng xưa đã đốt sách chôn nhà nho, Hitle và lũ bạo chúa thời nay cũng làm trò đốt sách và đốt các kẻ sĩ, chẳng qua vì chúng mang trong lòng một nỗi sợ thẳm sâu phủ tạng: Nỗi sợ trí tuệ con người.
Tính dân tộc
Một nhà nghiên cứu người Pháp trên quan điểm miệt thị nói: Người Việt Nam điển hình là Trạng Quỳnh , chắc họ chê ta tủn mủn và ranh vặt.
Các nhà sử học nói: Nhân dân ta anh hùng. Điều này không cần bàn cãi. Một nhà xã hội học chứng minh dân tộc ta ưa nhàn. Ý hẳn nhà nghiên cứu muốn liên hệ tới chỗ chúng ta lười biếng.
Điều tôi lo ngại là các nhà nghiên cứu ấy muốn tìm ra cái bất biến trong tính cách một dân tộc.
Văn hóa tuyệt vời ai bằng dân tộc Do Thái, một dân tộc đã viết nên Cựu ước, một cuốn sách cổ nhất, sâu sắc nhất của loài người. Thế mà dân Do Thái đã phải lưu tán hàng ngàn năm nay trên khắp địa cầu.
Anh hùng ai bằng Thành Cát Tư Hãn. Thế mà dân Mông Cổ ngày nay lại phải đứng vào hàng nhược tiểu.
Tính dân tộc không bất biến, sự sáng tạo, sự nỗ lực sẽ đẻ ra tính dân tộc mới đẹp đẽ: cũng như sự tự mãn tự kiêu và lười biếng sẽ làm một dân tộc ốm đau quặn quẹo, thậm chí có thể tàn lụi.
Quốc Đạo
Thời Lý Trần, quốc đạo là sự song hành của đạo Phật và đạo Khổng, nhưng đạo Phật mạnh hơn . Và cái Tâm (chủ nghĩa nhân đạo Phật giáo) đã thấm nhuần khắp đất nước. Các vua thời Trần vĩ đại như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tôn là những người độ lượng nhân hòa bậc nhất, thương dân bao la, ra pháp luật khoan dung. Các vua đó lại là những bậc đại trí tuệ, có trí lớn, viết Phật luận và thành lập hẳn một dòng Thiền- phái Trúc Lâm độc đáo. Chính vì vậy, thời Trần là một thời nhân đạo nhất, sáng tạo nhất trong lịch sử Việt Nam.
Sang thời Lê, đạo Khổng thống trị. Nguyễn Trãi nói nhân nghĩa tức là nói đến thứ Khổng học chân truyền. Nhưng còn các vua nhà Lê, họ không nói ra nhưng thực chất họ lại ưa thuyết Hàn Phi, thứ Khổng học thực dụng, Khổng học Pháp gia, họ ưa sự hà khắc vì nó có lợi cho kẻ cầm quyền.
Hàn Tử Phi viết: “Cái gì có lợi cho vua, cái đó là nhân nghĩa”. Vì thế cho nên Lê Lợi đã giết Trần Nguyên Hãn, đuổi Nguyễn Chích, và con cháu ông đã giết nốt Nguyễn Trãi, Lê Sát, Lê Ngân…. Ta chợt hiểu: trong mỗi đạo có nhiều biến loại, ta chọn đạo mà đi.
…. ….
Những ghi chép của Ngọ còn nhiều. Đọc anh chợt nhớ thấy anh, nhớ dáng trễ nải phiền muộn trong những lời tâm sự, lại nhớ cả lúc hai vợ chồng anh dắt lấy tay nhau lủi thủi đi trên sân ga.
Không hiểu sao lại thấy Trương Chi hiện ra trong chén trà đang uống.
Trương Chi ơi! Sao hôm nay anh buồn thế?
Tôi cứ tưởng chuyện của riêng tôi như thế là xong. Ai ngờ Mai vẫn cố tình gặp mặt tôi. Suốt tuần qua, bóng dáng Ngà hình như mờ đi trong óc, lúc này bỗng hiện dậy. Mai tìm đến nhà Hưng để gặp tôi. Tôi bực bội:
– Anh tìm tôi làm gì?
Mai vạm vỡ, đeo bên mình cái sà cột cán bộ. Anh điềm tĩnh mở sà cột, lấy thuốc lá ra mời tôi hút. Cái điềm tĩnh của kẻ thắng thế. Anh ta là dạng người nếu thua thì đùng đùng nổi giận, còn nếu thắng thì kiêu ngạo quá sớm. Mai đi thẳng ngay vào chuyện.
– Chắc anh biết rồi chúng tôi đã lấy nhau. Tôi gật đầu. Mai nói tiếp:
– Tôi đề nghị anh đừng viết thư cho Ngà nữa. Tôi ngạc nhiên:
– Từ khi được tin Ngà lấy anh, tôi không hề gửi cho Ngà một dòng chữ.
Mai đưa lá thư cuối cùng của tôi ra. Tôi chợt hiểu: Anh nhầm rồi. Anh nên xem lại ngày đề ở cuối thư. Tôi viết cách đây đã hai tháng. Anh mới nhận được chứ gì. Có lẽ do mưa lũ, xe thư lên Tây Bắc bị chậm lại. Mai lặng lẽ quan sát tờ giấy. Tôi châm thuốc lá, hỏi:
– Ngà dạo này thế nào?
– Khỏe!
Tôi gật đầu. Mai thêm:
– Cô ấy buồn!
Tôi gật đầu, ngạc nhiên về sự thành thực của Mai. Mai vẫn rất điềm tĩnh:
– Cô ấy…. vẫn thích anh, nhưng cô ấy không thể lấy anh được.
Tôi gật đầu. Mai vẫn nói:
– Anh có nhiều điều khác Ngà. Anh mơ ước không giống cô ấy, không giống chúng tôi. Anh không có điều kiện lập gia đình. Anh sống lang thang. Đừng giấu tôi, tôi đã biết . Anh đã bỏ cơ quan. Nếu anh là người biết điều và yêu Ngà, anh phải công nhận là nếu anh lấy Ngà, anh sẽ chỉ làm cho Ngà héo hon khổ sở. Đừng kéo cô ấy vào con đường phiêu lưu. Anh là người không bình thường, còn tôi và Ngà là những người bình thường. Tôi có khả năng để tạo cho Ngà một gia đình êm ấm.
Mai có một niềm tự tin thơ trẻ. Mai lại thành thật, tôi thích cái thành thật đến dại dột ấy của anh. Con người ăn cướp tình yêu ngốc nghếch ấy, cuối cùng mở sà cột, lấy ra một gói giấy báo rồi đưa cho tôi:
– Chắc là anh cần tiền. Vợ chồng tôi biếu anh.
Tôi đỏ mặt đưa trả lại. Tôi vừa ngượng ngùng vừa tức cười:
– Anh Mai ơi! Anh thành thực quá, nhưng chẳng hiểu gì mọi người quanh mình . Tôi cũng xin thực bụng với anh nhé. Anh thô bạo lắm. Rồi anh sẽ làm khổ Ngà. Lúc nào đó, khi anh thấy cô ta khổ, anh hãy nhớ lại lời tôi khuyên anh: “ Đừng làm khổ Ngà….”
Mai cười. Tôi biết anh ta sẽ cãi rằng không bao giờ anh hành hạ Ngà. Nhưng những người như Mai sẽ hành hạ mọi người và luông đinh ninh rằng sự hành hạ của mình là một ân huệ, sự đem lại hạnh phúc cho kẻ khác.
Tôi bắt tay tiễn Mai:
– Anh về đi, cứ yên tâm. Không bao giờ tôi gửi cho Ngà, dù chỉ một chữ. Hạnh phúc khó khăn đấy, nhưng xin chúc anh hạnh phúc.
Mai ra đến cửa, bỗng quay lại và nói:
– Suýt nữa tôi quên.
Cái vóc dáng vạm vỡ của anh lừ lừ tiến vào góc nhà cầm lấy khẩu AK mà anh đã dựng nó đấy từ bao giờ không biết. Tôi giật mình: “Chà! Anh ta mang súng vào nơi ta ở. Mang súng đi đàm phán tình yêu.”