Người Việt – một câu hỏi lớn (2)

Năm 2020 mở ra với một biến cố chấn động: cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm của lực lượng vũ trang Hà Nội vào rạng sáng ngày 9 tháng 1. Nó đã giết chết người nông dân/cựu binh Lê Đình Kình, khi cụ đang ở trong nhà mình.

Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu? Đâu là con đường đúng để cả trăm triệu người Việt tự cứu lấy mình?

Văn Việt xin mời các anh chị tham gia cuộc trò chuyện về Người Việt, như cách giúp chúng ta nhìn/hiểu rõ hơn về chính mình, để có được lựa chọn đúng đắn/phù hợp cho đất nước, dân tộc trong tương lai.

Chúng tôi xin lần lượt đăng tải những câu trả lời đã nhận được.

Dưới đây là trả lời của nhà văn Nguyên Ngọc.


(Từ các câu hỏi gợi ý của Văn Việt:

-Ký ức tuổi thơ nào đã ảnh hưởng lên cuộc đời của anh/chị?

-Ngày nhỏ anh/chị có mơ lớn lên sẽ làm gì? Ở tuổi thành niên, anh/chị đã thực hiện được bao nhiêu % mong muốn? Con người hiện nay của anh/chị khác biệt với hình ảnh mong muốn ra sao, cả về mặt cá nhân và mặt xã hội? Anh/chị có muốn “thay đổi” gì trong những việc đã làm?

-Nhân sinh quan/thế giới quan của người Việt là gì, theo anh/chị? Nó đã chuyển biến thế nào theo tình hình đất nước trong từng giai đoạn?

-Theo anh/chị, lịch sử Việt Nam có gì đáng tự hào và có gì đáng hối tiếc?

-Cái gì hay nhất và dở nhất trong tính cách người Việt? Cái cần nhứt cho con người Việt hiện nay là gì? Làm sao để thay đổi theo chiều hướng tốt hơn?

-Anh/chị đang nghĩ/hy vọng gì về tương lai người Việt/nước Việt?).

NGUYEN NGỌC

1.

Tuổi trẻ của tôi có lẽ có hai điều đặc biệt. Một là tôi may mắn sống và lớn lên ở Hội An, được thấm tận máu thịt chất Hội An, bầu khí quyển trong lành, bình thản mà thâm thúy của Hội An, sẽ nuôi dưỡng và chi phối cách sống của tôi suốt đời. Sau Hội An lại có một may mắn lớn nữa: được gặp Tây Nguyên. Georges Condominas bảo người Mnoong Gar tự gọi mình là Phii Bre, Người của rừng. Không gì dạy ta đức hiền minh bằng rừng. Những khi gặp thách thức, khó khăn, hiểm họa trên đường, tôi lại tìm về sự hiền minh đó để đủ dũng cảm, kiên định và bình tĩnh vượt qua… Và chắc vì Tây Nguyên mà tôi viết văn và trở thành nhà văn.

Người ta giao cho tôi viết về một người anh hùng, về chủ nghĩa anh hùng trong chiến tranh. Tôi nhận lời, nhưng rồi tôi đi làm việc khác. Tôi viết để khoe Tây Nguyên “của tôi”. Tây Nguyên có một nền văn hóa chứa đựng hiền minh sâu thẳm và bí ẩn, mà ta đã ra sức phá gần tan tành suốt 45 năm nay bằng sự thô lậu và kiêu căng của mình. Tôi viết vì tôi yêu và tôi tiếc đến đứt lòng. Như viết bằng máu. Mong còn nhặt lại và cứu được một chút gì.

Tôi cũng tin rằng mỗi người viết có một cái “tạng” riêng. Cái tạng của tôi là núi và rừng. Hễ gặp núi là tôi có thể viết say, viết dễ và hay. Tây Nguyên, rồi Đồng Văn, Mèo Vạc, đều đánh thức say mê và tài năng của tôi. Tôi tự hào là người đầu tiên “phát hiện” Tây Nguyên cho cả nước, góp phần định vị vai trò của nó trong đời sống dân tộc, không chỉ về vật chất, cả về tinh thần…

Đặc điểm thứ hai trong tuổi trẻ của tôi: Tôi là một đứa thất học. Tôi chỉ học được trọn cấp tiểu học ở trường Pháp Việt, học tiếp một năm thứ nhất trung học, chưa kịp sang năm thứ hai thì chiến tranh bùng nổ. Sau, vì trong kháng chiến ở Liên khu 5 vẫn giữ được một vùng tự do trong đó người ta vẫn mở trường, nên tôi lại đi học. Nhưng tôi sốt ruột nhảy cóc bỏ năm thứ hai và năm thứ ba, học liều luôn năm thứ tư, đi thi diplôme, học thêm một năm tú tài lở dở… rồi đi bộ đội. Từ đó không bao giờ trở lại trường nữa.

May là hồi đó tập kết ra Bắc tôi ở Hà Nội – chứ không phải ở một tỉnh lẻ xa xôi nào đó. Hà Nội, nói gì thì nói, là trung tâm văn hóa tinh hoa. Bấy giờ, vào năm 1956, tôi cũng đã có Đất nước đứng lên, nên có điều kiện hàng ngày được gặp những Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Nguyễn Khắc Viện…, cả Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, Hoàng Giác, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm…, có khi còn cả các cụ Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo…

Nghe các cụ, chủ yếu là nghe lỏm các cụ trò chuyện, bàn bạc, tranh cãi, hoặc rất lắm khi chỉ là bù khú nhậu nhẹt… Suốt bảy năm như vậy – tôi trở về chiến trường miền Nam năm 1962 – và bỗng nghiệm ra, tôi học được rất nhiều, trưởng thành hẳn lên trong cái có thể gọi là bầu khí quyển văn hóa tinh hoa cao cấp đó… Để từ đấy, tiếp tục tự học suốt đời…

Làm được điều đó cũng còn là do trước đấy tôi được tiếp cận với nền giáo dục Pháp-Việt, dẫu chỉ rất lõm bõm và đứt đoạn, vậy mà vẫn tạo cho mình một cái nền nào đó khá căn bản để có thể “nhập” được môi trường văn hóa kia, nhiễm được ít nhiều tinh hoa của nó. Tôi hiểu giáo dục không phải là trao truyền kiến thức, mà là đánh thức sự tò mò bất tận muốn biết, muốn hiểu, vốn có từ bất cứ đứa trẻ con nào. Tôi mãi là đứa trẻ tò mò.

Nền giáo dục Pháp-Việt bấy giờ là một nền giáo dục như vậy. Nó không dạy sự tin chắc, nó dạy đức hoài nghi. Nó cho người học niềm xác tín rằng trên đời này chẳng có gì là đã xong, là đương nhiên cả. Nó cho mình ham muốn và nghị lực tự đi tìm. Nó giữ cho ta cái ngộ lớn nhất ở đời là tin rằng mình chẳng biết gì cả… Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm: chớ nên quá đề cao tự học. Phải tự học và học nhảy cóc như tôi là vạn bất đắc dĩ. Tri thức cần được tiếp nhận trình tự lớp lang. Cần học lớp lang đầy đủ ít nhất cho đến hết phổ thông và đại học. Nói tự học là nói trên nền tảng đó, cần tiếp tục tự học suốt đời. Dừng lại là chết. Chết não.

2.

Chị bảo tôi nói về người Việt. Tất nhiên làm sao có thể không suy nghĩ, trăn trở, trằn trọc về người Việt, về dân tộc mình, số phận của nó, trầm luân của nó, hy vọng, thất vọng, cả tuyệt vọng nữa, hoang mang, và lại ước vọng, mong đợi về tương lai của nó. Tôi thường nghĩ về hai điều: một hay, một dở.

Tôi cho điều kỳ lạ, cũng có thể kỳ diệu nhất của nó là mấy nghìn năm dằng dặc phải sống sát rạt một Trung Hoa khổng lồ, cực kỳ tham lam bành trướng, luôn muốn ăn tươi nuốt sống cả thế gian – mà họ gọi một cách cực kỳ kiêu ngạo là “thiên hạ”, tức tất cả mọi thứ dưới gầm trời này – vậy mà ta vẫn là Việt Nam, ta không bị đồng hóa (cũng cần phải nói: ít nhất cho đến hiện nay!).

Người Trung Quốc gọi những dân tộc đã bị họ đồng hóa là những dân tộc đã bị họ “nấu chín”. Mấy nghìn năm, vừa tàn bạo vừa thâm hiểm, họ không nấu chín nổi ta… Vì sao? Chắc còn rất nhiều điều để nói về sức sống kỳ diệu này của dân tộc.

Song ở đời vẫn vậy, cái dở, cái kém lại thường nằm ngay trong và đi liền với cái giỏi cái hay. Tôi có một ý nghĩ thường trằn trọc, xin cứ thử mạnh dạn nói, để thử cùng nhau suy nghĩ. Có phải trong suốt lịch sử lâu dài, do những điều kiện khắc nghiệt như ai cũng biết, ta đã chủ yếu là sống còn, chứ chưa mấy khi được thật sự sống. Có thế kỷ nào ta được yên tĩnh để mà trầm tư thật sâu, thật kỹ về lẽ sống ở đời của con người, của dân tộc.

Có phải ta là một dân tộc không có triết học? Có mấy ông vua thời Lý, thời Trần đã leo lên Yên Tử để định làm một triết học, định một lẽ sống sâu xa lâu dài cho dân tộc, nhưng chưa kịp viết xong được một quyển sách đã lại phải vội xuống núi để đi đánh giặc, rồi lặn lội vào Nam để làm một cuộc ngoại giao hôn nhân đặng chiếm lấy hai châu Ô Lý của Champa bởi quả cái nước Đại Việt chỉ ngắn đến Đèo Ngang thì khó mà sống còn nổi với xâm lược liên miên của Tàu…

Cũng khá giàu có những điều ta gọi là “minh triết” (sagesse) trong dân gian, rất đẹp, nhưng là tản mạn, rải rác, không tụ lại nổi để thành một triết lý hoàn chỉnh cho xã hội, đặc biệt cho phát triển. Người Việt rất khéo, lanh, nhưng hình như là lanh và khéo vặt, gặp cái gì cũng học, nhưng là một kiểu học hời hợt và thực dụng để dùng ngay cho tồn tại, sống còn. Không bao giờ học cái gì cho đến cùng…

Rốt cuộc, cũng vì hời hợt, thực dụng, nóng vội mà đi học lấy một thứ học thuyết dở nhất trong các học thuyết, học thuyết chủ trương lấy cái ác diệt cái ác. Chọn con đường dùng cái ác diệt cái ác để giải quyết vấn đề của dân tộc cũng có được việc đấy. Nhưng mặt khác, chính người chủ trương và sử dụng cũng lại bị nó, cái ác ấy, nhiễm sâu, đến biến dạng con người, và cả xã hội… Kết quả bi thảm: các giá trị tốt đẹp lâu đời bị méo mó hết, đảo lộn, cái ác tràn lan, như hôm nay, như chưa từng bao giờ có trên đất nước này…

Tôi còn có một nhận xét: trước khi người Pháp đến, về cơ bản ta không có văn xuôi. Có thể nói ta hoàn toàn không có truyền thống tiểu thuyết. Có một cuốn “tiểu thuyết” duy nhất và đặc sắc nhất thì lại viết bằng thơ. Tôi hiểu tầm quan trọng to lớn và sâu xa của thơ. Nhưng thèm biết mấy một “Ký sự lên Kinh”, một “Vũ trung tùy bút”, chỉ có hai cái ấy, để mà biết qua loa cách đây mấy thế kỷ người Việt sống thực sự đời sống hàng ngày bình thường như thế nào, họ ăn mặc ra sao, nói năng xưng hô thực sự với nhau thế nào…

Ta là một dân tộc gần như không có lịch sử xã hội, một dân tộc không thực sự biết quá khứ thật của mình, cái quá khứ thật của đời sống xã hội và con người Việt, chứ không chỉ lịch sử của các vị vua và các triều đình… Hình như chưa ai để tâm nghiên cứu chuyện này trong lịch sử văn học, văn hóa Việt Nam và nghiêm túc nghĩ về ảnh hưởng của nó với sự phát triển xã hội và con người Việt, cho đến tận hôm nay. Có phải một dân tộc không có văn xuôi, không có tiểu thuyết là một dân tộc chưa phát triển? Không có văn xuôi thì làm gì mà có triết học, càng làm gì có khoa học. Làm sao phát triển được tư duy lô gich?.. Chỉ có thể trầm tư một cách… mơ mơ màng màng về trời đất ma quỷ, tuy lại rất thơ mộng!

Nghĩa là còn rất nhiều chuyện phải nghĩ, phải bàn, dù chỉ thử bắt đầu bằng văn học…

3.

Nhân chị nêu ra một số câu hỏi về người Việt, xứ Việt của mình, song lại cho phép không nhất thiết bám theo các câu hỏi đó, mà có thể nói rộng lang bang đôi chút, vậy xin nói thêm đôi điều về thế sự hôm nay, là điều chắc đang ám ảnh tất cả chúng ta.

Quả thật chúng ta đang sống trong một thế giới rất lộn xộn. Từ chuyện ông Trump ở Mỹ, cái ông tổng thống kỳ quặc chưa từng có ở cái nước được coi là văn minh nhất thế giới, ông Tập ở Tàu, nghiễm nhiên tự xưng là “vua cộng sản” suốt đời, đến ông tổ của chủ nghĩa cộng sản cũng chưa từng tưởng tượng ra được. (Vậy mà mấy ông cộng sản to nhất ở ta vẫn nhất mực đắm đuối coi ông ấy không chỉ là đồng chủng, đồng văn, mà còn là đồng chí tâm huyết nhất nữa, “đồng ý thức hệ”, như có một ông thượng tướng muốn dạy toàn dân ta). Đến ông Putin, một thứ Stalin mới của Nga, ông Erdogan hung hăng ở Thổ, ông Ủn đã có vũ khí hạt nhân trong tay và vừa tuyên bố hết kiên nhẫn với Mỹ rồi, rồi cái nước Anh vốn nổi tiếng phớt Ăng-lê lại đang đâm đầu vào cái bụi gai Brexit như một tờ báo Pháp viết không biết bao giờ gỡ cho ra (interminable)… Lại còn cuộc chiến chống người Kurd ở Syria cả Thổ, cả Nga, cả Mỹ đều nhập nhằng dính vào… Và vô số sự vụ rắc rối lu bù khắp nơi…

Tuy nhiên, có lẽ cũng có một cách nhận ra một cái “đường ranh” nào đó giữa mớ bòng bong có vẻ rối mù ấy, để mà cố hiểu một cách đại thể mà cơ bản về thế sự hôm nay. (Và có lẽ không chỉ hôm nay, trước nay vẫn đã thế rồi). Vấn đề của con người, của mỗi đất nước, mỗi dân tộc là phát triển, phát triển như thế nào, theo cách nào, bằng con đường nào, đặng mà sinh tồn, sống còn, và giữ được một vị trí một vai trò mình mong muốn trên thế gian này.

Xét như thế thì theo tôi, dù rất đa dạng, nói chung đại thể có hai con đường, tôi xin thử gọi là hai mô hình phát triển.

*Mô hình thứ nhất: Phát triển bằng chuyên chế, độc tài, toàn trị đến triệt để, bằng tất cả các biện pháp từ ngu dân, tẩy não, lừa bịp, đàn áp kết hợp đồng bộ, để huy động, tập trung tối đa mọi con người thành công cụ vô tri cho phát triển. Nói nôm na, phát triển bằng nô lệ, biến mọi con người, tất nhiên theo những cách khác nhau, thành công cụ nô lệ cho mục đích phát triển.

Có điều quan trọng cần chú ý: mô hình phát triển này rất hiệu quả, nó từng tạo nên sức mạnh có thể đến vô địch, không chỉ để chiến thắng những lực lượng cực kỳ hùng mạnh, khổng lồ, mà còn có thể tạo nên những thời kỳ thịnh vượng huy hoàng. Chế độ Lênin và Stalin là một ví dụ hùng hồn. Không chỉ đánh bại phát xít Đức, còn phát triển Liên Xô sau chiến tranh từ một nước lạc hậu và đổ nát, thành một siêu cường cạnh tranh với Mỹ, một thành tựu cũng thần kỳ không kém thời chiến tranh.

Trong các tác phẩm của Solzhenitsyn, có một tiểu thuyết đặc sắc được đặt tên là “Tầng đầu địa ngục”. Trong cái địa ngục lớn là xã hội xô viết tuyệt đối chuyên chế thời bấy giờ, Stalin dành riêng môt “tầng đầu”, tập trung những nhà bác học lớn nhất của nước Nga, cũng là những tù nhân nhưng đặc biệt được ưu đãi. Chính họ là tác giả bom nguyên tử và hạt nhân Liên Xô, cả những thành tựu vũ trụ huy hoàng mà sau đó Hoa Kỳ đã hoảng hốt cố đuổi theo…

Một ví dụ hùng hồn khác của mô hình phát triển này chính là Trung Quốc ngày nay. Bằng một chế độ toàn trị ngày càng tuyệt đối, hầu như chưa từng có xưa nay, trong đó Tập Cận Bình công khai buộc toàn đảng toàn dân tôn mình là Hoàng Để Đỏ vĩnh củu, Trung Quốc đã đạt được phát triển thần kỳ trong mấy chục năm qua, trở thành siêu cường thứ hai của thế giới, và còn muốn là siêu cường duy nhất, thống trị toàn cầu. Trung Quốc cũng là nước đang tận dụng những phát minh mới nhất của công nghệ để kiểm soát tới từng con người trong hàng tỷ dân của họ, không chỉ đến từng hành vi mà từng rung động nhỏ trong trí óc và tâm hồn, yêu ghét, giận hờn, ham muốn… nhỏ nhất của họ… Một siêu cường cực kỳ giàu có, thinh vượng, hùng mạnh hung hăng thống trị toàn nhân loại sẽ gồm toàn nô lệ robot bị điều khiển triệt để… Họ gọi đó là Giấc mơ Trung Hoa …

Cũng nên biết rằng lịch sử Việt Nam cũng không ngoại lệ. Lịch sử đều ghi rõ thời thịnh vượng nhất của chế độ quân chủ ở Việt Nam là thời Lê Thánh Tông. Đất nước hùng mạnh. Cương vực Đại Việt được nhân đôi. Cho đến văn hóa cũng rực rỡ, với Tao Đàn thập nhị bát tú lừng danh… Lê Thánh Tông đã tạo nên một triều đại cực thịnh, bằng chuyên chính tuyệt đối theo mô hình Tống Nho. Đến thời ông, tuyệt đối không còn sự hài hòa nhuần nhị tam giáo đồng nguyên của những xã hội Lý, Trần… Vậy đó, hóa ra chính ở ta cũng từng có kinh nghiệm thực tế: Chuyên chính tuyệt đối có thể tạo nên sức mạnh và sự thịnh vượng tuyệt đối.

Song đi liền với đó, cũng lại là một kinh nghiệm lịch sử lớn: Liền sau Lê Thánh Tông, là sụp đổ hết sức đột ngột, và cũng “tuyệt đối”: loạn nhà Mạc, chế độ kỳ quặc Vua Lê-Chúa Trịnh, giặc giã khắp các miền, chiến tranh Trịnh Nguyễn/ Nam Bắc phân tranh, dai dẳng đến mức mà chỉ cuộc hưu chiến tạm thời giữa hai bên đã kéo dài đến 100 năm, trước khi lại lao vào sống chết đánh nhau huynh đệ tương tàn…

Riêng tôi, tôi có nghĩ đến một hiện tượng lịch sử hình như tương tự và lại gần ta hơn nhiều để ta co thể tận mắt nhìn thấy và suy nghĩ: Sự suy sụp cũng toàn diện của xã hội từ sau 1975, cũng hết sức đột ngột, bất ngờ liền ngay sau chiến thắng huy hoàng. Vì sao? Có gì mang tính chất quy luật trong sự lặp lại cứ như là định mệnh của lịch sử này không? Rất cần suy nghĩ.

*Mô hình thứ hai là mô hình phát triển theo con đường dân chủ, như Hoa Kỳ, như đa số các nước phương Tây hiện nay, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… sau thế chiến II. Về con đường này, Wilson Churchill sâu sắc từng có một câu nói thâm thúy, ông bảo: “Chế độ dân chủ là một chế độ tồi, nhưng là chế độ ít tồi nhất trong tất cả các chế độ”. Quả thật nó khá tồi, nó cũng lắm rắc rối. Nó thường xuyên khủng hoảng, định kỳ khủng hoảng, mỗi lần khủng hoảng lại làm khốn khổ cả thế giới. Rồi cũng chính ở nó đã nảy nòi ra nhân vật kỳ quặc Trump cho đến nay vẫn chưa biết đâu mà lường. Rồi Brexit còn bao rắc rối. Và vân vân. Chắc chắn còn liên miên…

Tuy nhiên, bất chấp tất cả, mô hình phát triển bằng con đường dân chủ có hai đặc điểm lớn thuộc bản chất: Nó phát triển trên nền tảng của tự do. Của những con người tự do, và vì mục đích hạnh phúc của con người, nên luôn sáng tạo.

Đồng thời, điều rất quan trọng và cũng thuộc bản chất của nó: Nó có khả năng tự điều chỉnh bởi vì nó đa nguyên, nó nuôi đối trọng và phản biện. Thế giới dân chủ, như Churchill nói, không bao giờ có thể hoàn chỉnh, hoàn thiện. Nó là cơ chế để liên tục, mãi mãi sửa chữa, cho hoàn thiện hơn một chút, rồi lại một chút nữa, mãi mãi… Nó là một mô hình động, luôn luôn động, trong khi chuyên chế tự nó đã có nghĩa là một, là nhất nguyên, là ứ đọng.

Trả lời những câu hỏi đầy gợi ý hay ho và cho phép tự do của Kim Cúc, tôi đã nói lang bang đủ thứ, chắc lạc đề khá nhiều; và lại kết thúc bằng những ý nghĩ chắc hẳn còn khá rắc rối, về cái tôi gọi là hai mô hình hay hai con đường phát triển mà chúng ta đang nhất thiết phải lựa chọn trong thời điểm có thể là bước ngoặc lớn và quyết định hôm nay.

Sở dĩ tôi liều lĩnh đề cập đến câu chuyện khó và hẳn rất nhạy cảm này, bởi vì trong thực tế đang có một hiện tượng không ai có thể bỏ qua, với ta càng không: Con đường chuyên chế ngày càng triệt để và tàn khốc mà kẻ láng giềng phương Bắc ngày càng thù địch và tham lam, đã chọn, đang quyết liệt chọn, lại cũng là con đường đã mang lại cho họ một thời kỳ phát triển thần kỳ, lại có thể còn kéo dài.

Nó rất hấp dẫn, nó đang rất hấp dẫn!

Tôi lo.

Nó có hấp dẫn những người đang chủ trì vận mệnh của đất nước và dân tộc ta không?

Sống bao giờ cũng có nghĩa là lựa chọn.

Cuộc lựa chọn này là sinh tử.

Cho hôm nay, và cho vận mệnh lâu dài của đất nước và dân tộc.

Comments are closed.