Lê Ký Thương: “Tình bằng duyên nợ cái văn chương!”

Nguyễn Thị Tịnh Thy

 

Suốt một đời gắn bó với văn học và hội họa, họa sĩ – nhà văn – dịch giả Lê Ký Thương đã có một gia tài đáng kể: 13 cuộc triển lãm hội họa, có nhiều tranh và tượng gốm trong những bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước, thành viên của nhóm chủ trương tạp chí Ý Thức, tác giả của hàng trăm tác phẩm văn học trên nhiều thể loại gồm thơ, truyện, ký, tạp văn, phê bình văn học… Với hội họa, tôi là người ngoại đạo. Bài viết này chỉ xin phác thảo chân dung văn học của Lê Ký Thương. Nhưng quả thật, trước một tác gia đa phong cách, đa đề tài như ông, chỉ sợ rằng “gương chẳng may gặp phải người đàn bà xấu, nghiên mực chẳng may gặp phải kẻ tục tử, kiếm chẳng may gặp phải vị tướng tồi…”.[1]

Trước hết, xin nói đến dịch thuật. Lê Ký Thương dịch không nhiều, chỉ bốn truyện thiếu nhi (Phép màu – Mary Kay Roth, Con bướm cuối cùng – Michael Welzenbach, Kỷ niệm ngày mãn trường – Shirley Lord Bachelder, Nàng tiên cá – Selma  Lagerlöf) dịch từ tạp chí Reader’s Digest và ba tác phẩm lớn được chuyển ngữ từ hai ngôn ngữ Anh và Pháp, nhưng chừng đó cũng đủ để khẳng định tài năng của dịch giả: Một nỗi đau riêng dịch từ bản tiếng Anh tiểu thuyết của Nhà văn Nhật Bản Kenzaburo Oe, Nobel văn chương 1994 (Nxb. Văn Nghệ, 1997); Phù thủy xứ Oz được dịch từ nguyên tác The Marvellous Land of Oz của nhà văn Mỹ L. Frank Baum (Nxb. Văn Nghệ, 1997) và Tchékhov – cuộc đời và tác phẩm dịch từ bản tiếng Pháp của Sophie Laffitte (Nxb. Thời Đại, 2009). Hai tác phẩm đầu là những tiểu thuyết kinh điển và tác phẩm sau thuộc thể loại nghiên cứu văn học. Một nỗi đau riêng thiên về nội tâm hơn là hành động, Phù thủy xứ Oz pha lẫn chất hành động với chất kỳ ảo, Tchékhov – cuộc đời và tác phẩm nặng tính học thuật. Mỗi cuốn thuộc một tác giả, một phong cách văn chương khác nhau và người dịch đã đáp ứng được các tiêu chuẩn của dịch thuật. Tôi đặc biệt ấn tượng với bản dịch Một nỗi đau riêng. Các đặc điểm về tư tưởng và nghệ thuật tiểu thuyết của văn học Nhật Bản hiện đại với những đổ nát, mất mát, thất vọng, mất phương hướng của con người và xã hội thời hậu chiến; tính tự thuật kết hợp với tính hư cấu; nỗi cô đơn, nỗi buồn đau muôn thuở mang đậm chất Nhật Bản tan hòa trong nỗi buồn đau của thời cuộc và của nhân loại; không gian – thời gian dồn nén, kịch tính, đầy mâu thuẫn giữa suy nghĩ và hành động; chất nội tâm với những giằng xé giữa thiện – ác, đánh mất – tìm lại; văn phong dòng ý thức với điểm nhìn đan cài, di chuyển liên tục… tất cả những điều đó đã được Lê Ký Thương chuyển tải sang tiếng mẹ đẻ thành công khiến cái tên Kenzaburo Oe trở nên thân quen hơn với độc giả Việt Nam.

Về sáng tác, có thể thấy nhà văn Lê Ký Thương có hai giai đoạn sáng tác rõ rệt, trước và sau 1975. Giai đoạn đầu tràn đầy nhiệt huyết tuổi thanh xuân, giai đoạn sau đắng đót với bao tân khổ, rồi quay về với cái thiên chân, và cuối cùng là tìm vui với trẻ thơ.

 

1.

Tập thơ đầu tay Bếp lửa còn thơm mùi bã mía của Lê Ký Thương (Ý Thức xuất bản năm 1974) chỉ vẻn vẹn có 11 bài. Cách chọn bài cho thấy nhà thơ Lê Ký Thương là người giỏi tiết chế. Tất cả các bài đều hay, rất hay. 11 bài nhưng đủ để khiến người đọc cảm giác rất đầy, rất dày, đọc đi đọc lại mãi không dứt ra được, đọc đến khi mỗi câu chữ, mỗi trích dẫn, mỗi lằn ngang vết dọc của nó hằn sâu tâm trí. Ta đọc thấy gì trong 11 bài thơ đó? Thấy chiến tranh và thân phận đất nước, thân phận con người, nỗi buồn thế hệ, nỗi đau thời cuộc; thấy bao chàng trai chung một bi kịch lầm đường, bao gương mặt người nữ muôn thuở dịu dàng – chịu đựng – tái sinh… Trí tuệ, da diết, dữ dội, cay đắng và thâm trầm là ấn tượng mà Bếp lửa còn thơm mùi bã mía gieo vào người đọc. Với tư cách là một trong những “quân cờ thí” của chiến tranh, Lê Ký Thương viết nên những vần thơ phản chiến đầy đau đớn như anh từng thừa nhận: “phải tự đào trong lòng một hố sâu, nói vào đó những lời chân thật” (Mùa đại hạn).

Chiến tranh trong thơ của Lê Ký Thương không có huy chương, không tiếng hò reo đắc thắng, không tinh thần “kiếm công lập nghiệp”, “da ngựa bọc thây”, cũng không có sự đớn hèn của phường giá áo túi cơm thích trốn chạy thực tại hiểm nguy, tìm bình yên cho riêng mình mặc ngoài trời mưa bão; mà chỉ có một nỗi bất bình lớn, nỗi cảm khái, dằn vặt, uất hận của cả một thế hệ bị đẩy vào khói lửa sa trường, binh đao trận mạc dù nhận ra sự vô lý của cuộc chiến.

Nhận thức là điểm đáng nói đầu tiên của toàn tập thơ. Nhà thơ nhận thức được nỗi đau thương của một đất nước bị chia cắt (Của Mẹ); nỗi bất hạnh của người dân trong cảnh “thành phố giăng kẽm gai mắc cửi/… Những họng súng đen ngòm/ lưỡi lê sáng chói/ những dùi cui/ khiên mây/ lựu đạn cay/ chờ đợi”; trách nhiệm của nam nhi trong cảnh loạn ly là phải “quyết đòi DÂN CHỦ – TỰ DO/ quyết san bằng những hàng rào ô nhục…” (Tiếng nói).

Tiếp theo sau nhận thức là thái độ và hành động. Chống chiến tranh, phản đối chính quyền, phơi bày những thảm họa của chiến tranh, đấu tranh vì một cuộc sống hòa bình là tiếng nói lương tri và trí tuệ của một thanh niên trí thức. Lê Ký Thương đã dũng cảm bày tỏ tất cả với một trái tim yêu đất nước mình, yêu tổ quốc mình một cách tha thiết, trong sáng và chân thành. Trái tim đó chỉ yêu chuộng chân lý, mong ước hòa bình, hành động cách mạng – một cách mạng vượt lên giai cấp, vượt qua chiến tuyến, không tùy thuộc một đảng phái nào mà chỉ vì một Việt Nam máu đỏ da vàng. Vì vậy, nhân vật trữ tình trong thơ anh luôn trút ra những lời gan ruột như đang xé toang lồng ngực mình, phơi bày trái tim đập những nhịp dữ dội mà âm thầm, sáng trong mà cay nghiệt, hy vọng mà chán chường, dịu dàng mà quyết liệt đầy nhức nhối. Đó là “tôi” của tuổi đôi mươi khi “lòng tôi đã cạn khô” vì trót để “nửa trái tim phung phí cuộc viễn trình” (Con đường). Tôi “vốn là người Việt Nam/ lòng thẳng băng ruột ngựa”, “Tôi đầu thai kiếp mới/ chưa kịp khóc chào đời/ chợt có người xông tới/ còng tay bắt tôi đi/… ném tôi vào cuộc chiến” (Trước sau gì cũng gặp). Chưa kịp làm người đã phải làm ma tử sĩ, bi kịch này không phải của riêng “tôi” mà của tất cả “chúng tôi”. Thế hệ “chúng tôi” của thập niên 60-70 chúc nhau những gì? “Chúc mày sống sót đến khi hòa bình” (Bạn bè đãi rượu tiễn ta). Lời chúc nghe sao mà chua xót, tuyệt vọng! Cũng đúng thôi, bởi ra đi là đối mặt với cái chết, với sự giết chóc, mà ở lại thì không thể. Bi kịch chọn lầm đường và bi kịch không được phép lựa chọn của thân phận “quân cờ thí” khiến người thơ rơi vào sự bức bối. Còn gì đau đớn hơn khi ta phải quăng thân vào chiến địa một cách uổng phí mà tâm thức thì đã thấm thía câu “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”.[2]

Bài thơ Về một cái chết trong một cái sống đăng trên Đối Diện số 27 (1971) từng bị thu hồi Linh mục Chân Tín, chủ nhiệm Đối Diện bị ra tòa đủ để nói lên tính quyết liệt của Lê Ký Thương. Mở đầu bài thơ, tác giả dùng thủ pháp “trăng rọi hành lang” hay còn gọi là ống kính camera, để đưa người đọc dịch chuyển điểm từ cái rùng rợn đến đỉnh điểm của cái rùng rợn:

“Tôi thấy tôi nằm trong băng ca

tôi thấy băng ca nằm trong nhà xác

tôi thấy nhà xác nằm cạnh bãi tha ma

nơi đó bạn bè tôi vừa đến ngụ hôm qua”.

“Bạn bè” ở câu thứ tư là những ai? Có thể bạn đọc sẽ cho rằng đó là những người cùng chiến tuyến với “tôi”. Nhưng không, thật bất ngờ khi nhà thơ nói rõ lai lịch của “bạn bè”. Họ “đã đến từ vùng hỏa tuyến”, “từ biên giới Việt-Miên”, “từ đâu nào ai biết”, “nhưng chắc chắn là trên đất nước Việt Nam”. Vậy là “trái tim phản chiến” của nhà thơ đã gõ nhịp ngay từ những câu thơ đầu. Nó làm ta nhớ đến những câu thơ của thi sĩ Trần Mộng Tú: “Anh tặng em mùi máu/ Trên áo trận sa trường/ Máu anh và máu địch/ Xin em cùng xót thương”. Tiếp đến là một loạt liệt kê thảm trạng của những “bạn bè”: gãy tay, cụt chân, mất đầu, đổ ruột… Tất cả đều chết “tức tưởi” trong cái tuổi hoa niên đẹp đẽ, để lại cho người thân nỗi đau đớn vô bờ.

Mong ước cuối cùng của người tử sĩ là được trở về nơi chôn rau cắt rốn: “Nếu thật lòng các người thương tôi/ hãy đưa xác tôi về với gia đình/ đặt xác tôi nằm chính nơi tôi sinh/… dùng ngọn đuốc đưa đường châm lửa bùng lên/ hỏa táng một kiếp người bạc mệnh…

Khi xác tôi hoàn toàn cháy ra tro

cha mẹ thương con hãy giữ phần đầu

bạn bè mến ta giữ lại tay chân

tôi gởi lại em trái tim phản chiến

còn dư bao nhiêu làm phân bón ruộng vườn

cho cây sai quả cho lúa đầy bông

để khỏi dùng trái cây của người ngoại quốc

để khỏi ăn gạo viện trợ hàng năm

để tôi còn có thể tin rằng mai sau

thịt xương tôi ở trong máu các người”.

Dẫu có ra đi, vẫn mong ước người ở lại được sống trong độc lập, tự do, không khuất phục bạo quyền, không lệ thuộc ngoại bang.

Giọng điệu là điểm nhấn của thơ của Lê Ký Thương, độc đáo nhất là bài thơ Tiếng nói. Giọng tự sự được đan lồng trong giọng trữ tình với hàng loạt câu hỏi lặp đi lặp lại như một niềm chua chát, phẫn uất đến tột cùng đã khiến từng câu chữ của bài thơ như xát muối vào lòng người đọc. “Bằng cách nào em đến thăm tôi?/ khi thành phố giăng kẽm gai mắc cửi/ thiết quân luật 24 trên 24 giờ”. Em đến đây và nghe “tôi” – một người bị thương vì tranh đấu chống cường quyền – nói về mệnh nước nổi trôi, về mệnh người bọt bèo trong thời buổi loạn ly.

“Em bật khóc làm chi?

Khi chúng ta không còn được thở nhịp nhàng…

Em bật khóc làm chi?

Khi bạn bè chúng ta

                     bị còng tay

                     bị lôi đi xềnh xệch…

Em bật khóc làm chi?

Khi trước mặt chúng ta

… bà lão ăn mày nằm ngủ đói…

Em bật khóc làm chi?

Khi trước mặt chúng ta

những em bé áo quần tơ xác mướp

… vớt vát từng miếng cơm thừa canh cặn

… Em còn nhớ không – nhớ không?

… Em còn nhớ không – nhớ không?

Hình ảnh những bác nông dân

… bị liệt vào thành phần tình nghi chờ thanh lọc

bị giam giữa vòng kẽm gai

                                  trùng trục

phơi nắng giữa đồng

bên cạnh đàn bò thong dong gặm cỏ”.

Vì những bất công thấu tận trời xanh kia, “tôi hợp cùng mọi người đấu tranh/ giành lại những gì chúng ta đã mất/ lời nói/ nụ cười/ câu thơ/ trang sách/ miếng cơm mặn mà hương vị Việt Nam/ những đoạn đường bị cấm ngặt lưu thông/ những tấc đất của núi rừng bị chiếm… ”. “Tôi tin – tôi tin – tôi không sợ/ tôi vững lòng đấu tranh” dẫu phải trả giá bằng sinh mệnh. Có thể xem bài thơ này là tiếng nói lương tri, tiếng nói của thế hệ “xuống đường” với bao đêm không ngủ. “Tôi” và những người yêu độc lập tự do, với lòng tự trọng dân tộc, đã tự quẹt diêm, đốt đuốc mà đứng lên.

Chen lẫn giữa mạch thơ tự sự của nhân vật trữ tình là lời của người kể chuyện – người quan sát. “Anh ta” chỉ tả về người nghe chuyện – nhân vật nữ của bài thơ – người nhẫn nại nghe “tôi” bày tỏ nỗi niềm trong giọng điệu uất hận. Sự hiện diện của nhân vật thứ ba này với những lời tường thuật khách quan như lời dẫn chuyện hoặc lời chỉ dẫn sân khấu khiến bài thơ Tiếng nói mang dáng dấp của một vở kịch hai người. “Người nữ gục đầu trên ngực chàng/ môi nức máu… Người nữ gục đầu trên ngực chàng/ trái tim đau nhói… Người nữ gục đầu trên ngực chàng/ uất nghẹn/… Người nữ băng lại những vết thương cho chàng/ mùa thu sáng ngời ánh mắt”. Người nữ không nói, chỉ uất nghẹn, đau nhói vì lời của chàng; chỉ gục đầu lên ngực chàng, băng lại những vết thương cho chàng. Bài thơ kết thúc bằng bàn tay xoa dịu nỗi đau và ánh mắt hy vọng của nàng. Sự nhẫn nại, dịu dàng, chở che và niềm hy vọng từ nàng như là ánh sáng cuối đường hầm cho cả bài thơ. Chất tự sự, chất trữ tình, chất kịch cùng hòa trộn trong một bài thơ khiến Tiếng nói không chỉ là “lời” mà còn là sự im lặng, chịu đựng lắng nghe, quan sát, sẻ chia. Nó không còn là tiếng của một người (độc thoại) mà trở thành tiếng của muôn người (đồng thoại), của nhân loại yêu chuộng hòa bình, dân chủ, tự do.

Tiếp nối mạch cảm xúc của bài thơ trên, ta sẽ thấy đối tượng giãi bày, ký thác tâm nguyện và lý tưởng của Lê Ký Thương đa số là nhân vật nữ. Hình tượng người phụ nữ trong thơ ông được nâng lên thành biểu tượng song trùng: Người Mẹ – Tổ quốc, hoặc biểu tượng đa trùng: “như MẸ – như EM – và như BẠN”.

Mở đầu tập thơ là hình tượng người Mẹ thiêng liêng, người Mẹ vĩnh cửu, người Mẹ – Tổ quốc với nỗi đau cắt lòng cắt dạ vì bị chiến tranh gây nên cảnh ngăn sông cách núi, cắt da cứa thịt:

“Mẹ nuôi con bằng sữa chín con rồng

pha nước sông Hồng bất tận

và Mẹ gom lá Trường Sơn

ấp ủ đàn con

 

Con của Mẹ hơn ba mươi triệu người

sống chung một khung trời

riêng hai mảnh đất

Mỗi lần muốn thăm con trong Nam

cầu Hiền Lương Mẹ chờ xe mỏi mòn con mắt

Mỗi lần muốn thăm con ngoài Bắc

sông Bến Hải bác lái đò ngủ quên

Mẹ kêu mãi không ơi

 

Nhớ con Mẹ khóc

nước mắt dâng thành biển – sông – hồ

trôi dạt mông lung

Mỗi lần muốn thăm Mẹ

con không biết Mẹ ở nơi nào”… (Của Mẹ).

Mẹ lạc con và con lạc mẹ. Mất nhau rồi. Mất nước rồi, tìm sao được mẹ – con. Lê Ký Thương đã thu gọn bao năm dài chia cắt, bao nỗi đoạn trường người Nam kẻ Bắc, bao đớn đau mà đất nước phải oằn mình gánh chịu qua hình ảnh người Mẹ tất tả ngược xuôi tìm lại máu thịt của mình. Câu kết của bài thơ “con không biết Mẹ ở nơi nào” như một tiếng thở dài khiến nỗi đau còn mãi đến hôm nay.

Có một con đường hoa phượng nở đỏ thắm mà nhà thơ gọi là “huyết lộ”. Huyết lộ nồng nàn, tha thiết, bung tỏa một luồng sinh khí mới bởi trong màu đỏ bỏng cháy đó có “đôi mắt thiết tha” của một người. Con đường huyết lộ đã cho chàng gặp lại một mùa hè truyền lửa đam mê, “đã cấp cứu Nàng Thơ” của chàng tỉnh dậy. Và chàng tìm thấy ba mùa còn lại ở trong đôi mắt em:

“Gặp lại ba mùa kia trong mắt người bạn gái

… Tôi biết, tôi biết hiển nhiên…

Nửa trái tim kia bắt đầu sống dậy

Cảm tạ con đường tôi xin ở lại…” (Con đường).

Bài thơ có hai hình ảnh sóng đôi, cũng là hai từ ngữ trùng điệp vừa bổ sung cho nhau vừa đối lập nhau: “huyết lộ” và “đôi mắt”. “Huyết lộ” dữ dội, chói chang, mạnh mẽ như một làn sóng ập vào bến bờ của nửa trái tim khô hạn. “Đôi mắt” của em chất chứa bao “nỗi buồn cách biệt”, “thương nhớ khôn nguôi”, “dằn vặt xót xa” với tất cả dịu dàng, đằm thắm, nhẹ nhàng, thẳm sâu, có sức mạnh của cơn sóng ngầm cuộn xoáy và neo giữ tâm hồn người phiêu bạt. Con đường huyết lộ của đất trời và con đường tình từ đôi mắt của em đã níu chân tôi ở lại. Nơi có em là nơi của bình yên. Em là tổng hòa, là kết tụ của tất cả những người nữ thăng hoa trong bài thơ cuối cùng của tập thơ Bếp lửa còn thơm mùi bã mía. Em là người cất giữ yêu thương, xua tan sóng gió, là “ NÀNG THƠ/ dạy tôi YÊU – dạy tôi SỐNG – dạy tôi CHỜ/ như MẸ – như EM – và như BẠN”.

“Bây giờ tôi còn có mỗi niềm tin

nơi người bạn gái

nàng là cội rễ duy nhất

giữ tôi đứng mãi”.

Tôi về bên mẹ, về bên em, bên “bàn tay – đôi cánh bao dung”, bên “bếp lửa còn thơm mùi bã mía” để được “quên hết thời phiêu bạt”. Trong đoạn kết của bài thơ cuối cùng này, Lê Ký Thương đã tìm thấy sự đồng điệu với nhà văn Hy Lạp Nikos Kazantzakis và nhà văn Nga Aleksey Nikolayevich Tolstoy: “Năm tháng đi qua, những cuộc chiến tranh đã thôi tàn phá, những cuộc cách mạng đã thôi gào thét, chỉ đọng lại không phôi pha tấm lòng em nhẫn nại dịu dàng và chan chứa tình yêu thương…”.[3]

Bếp lửa còn thơm mùi bã mía còn thể hiện tài năng sáng tạo của Lê Ký Thương qua nghệ thuật thơ điêu luyện. Thể thơ tự do phù hợp với mạch cảm xúc ào ạt như nước tràn bờ sau bao uất nghẹn, đắng cay của trang nam nhi giữa thời tao loạn. Nhà thơ không chú trọng trau chuốt hình thức, không câu nệ việc gieo vần nhả chữ, chỉ để tâm tình của mình dẫn dắt giọng điệu, giọng điệu khơi gợi hình ảnh, hình ảnh chất chứa tâm tư, tâm tư lôi cuốn cảm xúc. Và từ đó, ta nhận ra cái bản ngã thiết tha mà cay nghiệt, cầu khẩn mà bất cần, khổ đau mà ngạo nghễ của người thơ. Cái bản ngã đó được thể hiện qua một nội công thơ thâm hậu như muốn khẳng định rằng thơ không phải là vật trang sức cho cuộc sống hoa lệ hay tâm tình ủy mị, mà thơ là bài ca tâm trạng của thi nhân và thời đại, là tiếng nói của tấc lòng đau đáu với non sông.  

 

2.

Tập thơ thứ hai có tên là Hành trình nghiệp thơ với 317 bài, ngoài một số bài đã đăng ở tạp chí Ý Thức, còn lại đa số chưa được công bố. Ngay tên gọi Nghiệp thơ của bản thảo này cũng cho thấy tác giả Lê Ký Thương gắn thơ ca với số mệnh của mình. Vì vậy, mọi trạng huống sinh tồn, mọi biến động của cuộc sống đều được nhà thơ ghi lại như một cuốn nhật ký – hồi ký bằng thơ.

Hành trình nghiệp thơ chia làm năm phần: Lạy tạ tình, Lạy tạ thơ, Thơ cà khịa, Thơ tai biến Lướt gió xem mây. Lạy tạ tình gồm 75 bài thơ tình, thể hiện ý thức sáng tạo, nét bút tài hoa và cái duyên làm thơ của Lê Ký Thương. Ông luôn gây bất ngờ cho người đọc qua từng cách chọn hình tượng, thể thơ, cấu tứ, ngắt nhịp.

Tương tư là một đề tài phổ biến trong thơ tình Đông Tây kim cổ. Nhưng đến với nỗi tương tư của Lê Ký Thương, ta cũng sẽ tìm thấy sự mới mẻ trong những cảm xúc xưa cũ:

“Những sáng của thương

những chiều của nhớ

Những đêm thèm một giấc mơ hôn

Nằm đợi mãi trăng không về gọi cửa

Thơ cắn vào thơ

buốt cả hồn” (Tương tư).

Ba câu đầu là xúc cảm của nhung nhớ, nhớ nhung; của đợi chờ một tình yêu vô vọng. Thường thôi! Bởi thơ tình, thơ tương tư của ai, ở thời nào mà chẳng bổi hổi bồi hồi “như đứng đống lửa như ngồi đống than” như thế. Nhưng đến câu cuối cùng, điểm sáng thẩm mỹ của bài thơ mới được bừng tỏa: “Thơ cắn vào thơ/ buốt cả hồn”. Câu thơ này có đến ba tầng sáng tạo. Thứ nhất, “cắn” và “buốt” là những từ có sức mạnh cảm giác, giàu tính biểu cảm. Chúng tác động vào người đọc rất nhanh, dễ tạo nên nỗi đồng cảm với nhà thơ. Thứ hai, “thơ cắn vào thơ” chỉ sự cô đơn đến cùng cực, như thể là ta gặm nhấm nỗi buồn của ta, không thể/không muốn/không cần chia sẻ với ai. Thứ ba, câu thơ bảy chữ được tác giả ngắt làm hai: “thơ cắn vào thơ” đặt ở dòng trên và “buốt cả hồn” ở dòng dưới. Đây là thủ pháp “ngữ pháp vắt dòng”, dòng trên vắt qua dòng dưới. Cả hai dòng ghép lại mới thành một câu có ngữ pháp trọn vẹn. Ngữ pháp vắt dòng vừa tạo nhịp ngưng, vừa có tác dụng kéo dài, lan tỏa. “Thơ cắn vào thơ” là nỗi đau tự đày đọa. “Buốt cả hồn” là bổ ngữ của “cắn” – đau – một nỗi đau không hình hài mà có sức truyền cảm ghê gớm. Ngữ pháp vắt dòng khiến nỗi tương tư như dài thêm, nhức nhối thêm. Cũng đúng thôi, nếu nhung nhớ thoáng qua, nếu không chao đảo hồn phách, ngơ ngẩn dại khờ, bần thần lẩn thẩn thì còn gì là tương tư!

Những bài như Sáng tạo, Đêm thả thơ trên sông Hương, Nắng sớm vườn cà, Bất ngờ… lại phá cách bằng việc tạo nên sự mất cân đối giữa các đoạn thơ. Một/những đoạn đầu gồm bốn câu, đoạn kết chỉ vẻn vẹn có một câu: 

“Em vừa đến buổi chiều ào cửa

Đạp ta nhào xuống tận cõi cuồng điên

Dẫu tim óc bị cầm tù chăng nữa

Ta vẫn còn bốn mắt trộm nhìn em.

 

Em vẫn còn bốn mắt liếc nhìn ta” (Bất ngờ).

Nếu bỏ bớt câu cuối, bài thơ đã hoàn chỉnh chưa? Rồi! Nó diễn tả điều gì? Diễn tả sự cuống cuồng điên đảo vì say tình của chàng trai. Đó là tiếng sét ái tình được kết thúc bằng lời hứa theo mô thức ngữ dụng: “dẫu… chăng nữa… thì vẫn…”. Ta sẽ yêu, quyết yêu cho bằng được người con gái “đạp ta nhào xuống tận cõi cuồng điên”. Nhưng thêm câu cuối vào: “Em vẫn còn bốn mắt liếc nhìn ta” thì bài thơ sẽ cho một ý vị khác. Một mình, lửng lơ, câu cuối với ánh mắt em “liếc nhìn” gieo niềm tin về một tình yêu hai phía. Đồng thời, thấp thoáng đằng sau nó là vẻ hồ hởi tinh nghịch đáng yêu của chàng trai.

Lê Ký Thương còn dùng lối chơi chữ hoặc chọn những câu chuyện, hình ảnh, lối thơ đượm màu dân dã: “Sao sao sao lặng/ Sao lặng hết sao?” (Tìm sao), “Tôi viết lời chay lên cát mặn” (Biển có lúc), “Một mình mình một lang thang một mình/ … Ừ ra là vậy! Vì mình phụ ta” (Một mình), “Anh như thằng say say/ thương mình mình còn tỉnh/ bước bước đi vô định/ tìm em tìm tìm em…” (Thơ viết trên chiếc nón cời)… Điều đó cho thấy khả năng linh hoạt trong vận dụng từ ngữ nghệ thuật của nhà thơ.

Có thể xếp Triệu phú của Lê Ký Thương vào loại thơ tình kinh điển. Bài thơ thể hiện sự chân tình, đa tình, lụy tình một cách khéo léo, sâu sắc:

“Tôi tích lũy nỗi buồn nhiều hơn niềm vui

Bây giờ yêu em để thêm giàu có

Thế giới này mai sau không còn ai đau khổ

Tôi sẽ thành triệu phú của tình yêu”.

Biết yêu em sẽ tích lũy thêm nhiều nỗi buồn và đau khổ, nhưng tôi vẫn cứ muốn gom hết nỗi đau khổ trong thiên hạ, để trở thành triệu phú của tình yêu. Nghĩa là tôi cũng đã gom hết yêu thương trong thiên hạ trao về một người. Càng thất bại tôi càng giàu có. Bằng cách đánh tráo khái niệm, triệu phú của tình yêu thực chất là kẻ trắng tay tự nguyện đóng đinh mình trên thập giá tình yêu.

Dĩ nhiên, trong những bài thơ của Lạy tạ tình, các cung bậc hỷ nộ ai lạc của tình yêu đều được trần tình cùng với thi pháp thơ độc đáo, nhưng đọng lại trong tâm khảm người đọc vẫn là hình ảnh một “gã khờ” hái quả ngọt tình yêu:

“Thời thơ dại anh trồng cây si tiếng dế

… trồng cây si ngày này qua tháng nọ

đến bây giờ vẫn tính nào tật đó

anh trồng cây si trong cuộc đời em

cây si của anh kết trái: tim em(Thơ khắc trên cây si đại thụ).

Phần Lạy tạ thơ (183 bài) tập trung vào đề tài thế sự, nhân sinh. Ở đó, nhà thơ Lê Ký Thương tỏ bày quan niệm sống gắn với chữ “nhàn”. Bài ca chăn dê, Đời chăn bò, Tâm mục đồng, Tâm thanh thản, Lão Tử… rất xuất sắc khi thể hiện cuộc sống và tâm tình của người hàn sĩ.

“Trăng đứng tuốt trên ngàn

Giục gà gáy canh tan

Tỉnh giấc dậy nhen lửa

Đun một ấm trà sen

Nghe mùi mía khô cháy

Chờ khi trăng vừa tàn

Uống một ngụm trăng tan” (Tâm thanh nhàn).

Bài thơ sử dụng những thi liệu gần gũi, bình dị: trăng trên ngàn, ánh lửa, trà sen, mùi mía khô cháy, trăng tàn. Tất cả những hình ảnh, âm thanh, mùi vị quen thuộc đó gợi nhớ về một khung cảnh bình yên, thanh nhã. Cuối cùng, cái đời thường được thăng hoa, thoát tục trong hai câu thơ cuối: “Chờ khi trăng vừa tàn/ Uống một ngụm trăng tan”. Quá tuyệt! Ta thường nghe trăng tròn, trăng khuyết, trăng tàn. Nhưng “trăng tan” là một hình ảnh mới mẻ, độc đáo và tràn đầy thi ý. Trong khoảnh khắc của đêm tàn ngày tới, tay nâng chén giữa trời đón bình minh. Trăng đã tàn nhưng dư ba cuối cùng của ánh trăng còn lan tỏa trong trời đất, tưởng có thể tan nhẹ vào chén trà trên tay người, trôi vào lòng người như để thỏa mãn niềm khát khao giao cảm với đất trời của kẻ tao nhân.

Cảnh nghèo, phận khó của cha mẹ, của bản thân và những người lao động cực khổ khác cũng là một đề tài không thể thiếu của nghiệp thơ Lê Ký Thương (Nghĩ về cha, Mồ hôi muối, Miếng trầu cay, Nghèo khó, Người xà ích, Bếp lạnh…). Tuy nhiên, ngay cả trong nghèo khó, kẻ sĩ dù đói lòng, đói rượu nhưng không thể đói thơ, đói chí khí. Vì vậy, vẫn có những bài thơ rất nên thơ trong cảnh cùng bần: “Nắng cháy da người/ Lốc xoáy ngút trời/ Tôi thương thằng tôi/ Còng lưng đẩy gạch/ Còng lưng xúc hồ/ Đêm mơ làm vua” (Trên công trường sông Lũy), “Chú chuột nhắt khua môi liếm mép/ Hũ gạo trống trơn/ Chuột ơi!/ Ta không có gì hơn/ Ngoài trăng đang giận hờn…” (Trống trơn), “Nhà vắng teo/ Bếp chiều héo khói/ Lũ chuột lục cơm nguội/ Nồi niêu trống trơn/ Ruột rỗng không/ Tay chân bủn rủn/ Vẫn còn lạc quan: Không ai giàu ba họ/ Không ai khó ba đời” (Héo khói). Thật là cười ra nước mắt! Có phải đây là những lúc nản lòng biết “vịn câu thơ mà đứng dậy”[4]? Cho nên Lê Ký Thương vẫn có thể trào lộng với lũ chuột đói, vẫn sáng tạo được từ “héo khói” để chỉ bếp lạnh, vẫn biết no trăng lúc rỗng ruột, và nghĩ đến một ngày mai tươi sáng hơn. Đó là gì nếu không phải là sự khẳng định khí chất “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”?

Khí chất ấy khiến nhà thơ có can đảm và sự chính trực để viết nên những bài thơ thương cảm với dân nghèo và vạch mặt chỉ tên những kẻ cường hào ác bá của thế kỷ XXI:

“Thấy người gặp cảnh cùng đường

Lại càng căm hận cái phường hại dân!” (Tiếng rao)

Nhà thơ còn mượn hình ảnh loài chó, loài quạ đen để ví với “những phường bán nước buôn dân ấy” (Đầu năm dạy chó) bằng nỗi căm phẫn và tuyệt vọng của người dân đen:

            “Bầy quạ đen/ Tranh nhau miếng mồi ngon/ Đêm hố thẳm/ Đen như mõm chó/ Đen nỗi kinh hoàng/ Phẫn nộ.

Chai lì!

Tuyệt vọng!

Đen vô cùng tận

Đen không thể nào trắng mọng

Biết đến bao giờ đen hết đen? (Đen)

Bài thơ tuyền một màu đen. Màu đen của kẻ cướp, đen của đêm đen, đen của dân đen, đen hiện tại và đen cả tương lai. “Biết đến bao giờ đen hết đen?”. Ai có thể trả lời cho câu hỏi đen tối mờ mịt này, khi mà hiện thực vẫn chất chồng những ngang trái, khổ đau:

“Lương công nhân chết đói

Nhà nước như gà mắc tóc/ loay hoay/ đổ thừa cơ chế 

(Khi cơ chế nắm trong tay quyền lực)

Đảng độc quyền ra nghị quyết …

Chỉ tội dân nghèo

Thấp cổ bé miệng

Không biết đổ thừa ai (Thời sự 2012). 

Từ nhan đề cho đến nội dung, bài thơ như một bản phóng sự về đời sống của tầng lớp được cho là chủ nhân của đất nước – những chủ nhân làm thuê cực nhọc và chịu thiếu thốn triền miên. Nỗi cực khổ của họ là bằng chứng nghịch lý giữa “nói” và “làm” của các “đầy tớ nhân dân”.

Phần lớn các bài thơ trong phần Lạy tạ thơ đều rất ngắn. Một số bài mang dáng dấp của thơ haiku và thơ tứ tuyệt (mặc dù về hình thức và thi pháp, tác giả không cố ý trình bày theo lối haiku hoặc tuân thủ luật thơ tứ tuyệt). Tính cô đọng và giàu sức gợi từ những hình ảnh nhỏ nhoi, bình thường; câu chữ ngắn gọn hàm chứa sự nhiệm mầu vừa sâu lắng uyên thâm, vừa đơn sơ giản dị như một công án khiến ta có cảm giác đang được chiêm ngưỡng những bức tranh thi trung hữu họa: “Phiến cỏ/ bờ mương xanh mộng/ Thảnh thơi/ chuồn đậu/ tím mồng tơi” (Thảnh thơi), “Cuốn chiếu đo thời gian/ Thiếu đi một khắc/ Ngỡ ngàng!” (Đo thời gian), “Chim hót!/ Chim hót!/ Tiếng chổi quét đường/ Rất ngọt” (Chim hót), “Vũng chân trâu tĩnh mịch/ Nhái bén đang đắm mình/ Trong mỗi giọt chân kinh” (Chân kinh), “Trầm mình dưới lá/ Con ốc sên/ Vểnh râu nghe kinh” (Nghe kinh), “Mủn mỉn non trăng/ Tiếng gà gáy sáng/ Tỉnh giấc kê vàng/ Bạc đầu thiên thu” (Non trăng), “Trời nổi trận tam bành/ Mưa thình lình trút xuống/ Con bướm cánh mỏng tanh/ chết oan!” (Chết oan)… Cảm hứng thơ chợt đến như một ngẫu nhiên, tình cờ. Nhà thơ đã chộp lấy những khoảnh khắc của thế giới tự nhiên quanh mình, nhìn thế giới ấy bằng cái nhìn Phật tính, thiền tính và cấu tứ từng bài thơ theo các motif bất ngờ – đốn ngộ, tương hợp – tương phản, liên tưởng – so sánh… rất điệu nghệ.

Những bài thơ ngắn trên thể hiện cảm thức thẩm mỹ yêu quý những vẻ đẹp tao nhã, u huyền, trầm lắng chứ không chuộng cái lộng lẫy rực rỡ. Con chuồn chuồn, con bướm, con ốc sên, phiến cỏ, cơn mưa… đã làm nên nhịp điệu bình thường của sự sống. Đằng sau những hình ảnh bình dị đó là tâm hồn yêu vạn vật, sự chiêm nghiệm về lẽ đạo và lẽ đời đầy thâm trầm của nhà thơ:

“Mở mắt xuống biển

 Ngắm sóng bạc đầu

Thấy cành khô mục

Nghĩ về mai sau” (Sóng bạc đầu).

Nghĩ gì về mai sau khi chợt thấy cành khô mục nổi trôi giữa mênh mông sóng biển? Đừng hỏi! Vì sẽ không có lời giải đáp. Phép bỏ lửng, tính không hoàn kết và thi pháp chân không khiến bài thơ rất giàu sức gợi. Người đọc không thể, không muốn biết nhà thơ nghĩ gì mà sẽ quay về với nội tâm của chính mình, tự tra vấn mình sẽ nghĩ gì khi đứng trước khung cảnh ấy. Ở đây, kết thúc không có nghĩa là chấm dứt, mà là khơi mở đến vô tận, vô biên.

Trong bài thơ Lạy tạ, nhận thức về quy luật cuộc đời được xuyên thấm qua triết lý vô thường của nhà Phật:

“Lạy tạ lá khô rơi

Cho cành non nẩy lộc

Lạy tạ cả cuộc đời

Lẽ vô thường là thật!”

Lạy tạ lá khô cho cành non nảy lộc, lạy tạ cái mất cho cái còn sinh sôi, lạy tạ vòng luân hồi cho sự sống miên viễn. Cái bền vững nhất, thật nhất, cái còn nhất chính là cái vô thường, là vòng luân chuyển của sắc sắc không không. Giản dị mà uyên áo, không cần thiết phải cao đàm khoát luận, bài thơ chạm vào lòng người sự thức tỉnh, cảm nghiệm về lẽ nhân sinh nhẹ nhàng như một chiếc lá rơi.

Các phần Thơ Cà khịa (31 bài) và Lướt gió xem mây (19 bài) có giọng điệu tươi tắn, hài hước xen lẫn giễu nhại, trào lộng, đánh dấu một chặng đường khá thảnh thơi trong cuộc sống và từng bước buông bỏ trong tâm trí của Lê Ký Thương. Thơ Tai biến (9 bài) lại minh chứng cho “Lẽ vô thường là thật” như nhà thơ từng nói. Đi qua lằn ranh sinh tử, mẹ, em, và quê hương vẫn là ba góc khép kín của tam giác yêu thương trong đời nhà thơ. Thơ đã giúp ông chuyển tải những lời chân thành nhất: “Xin lỗi ngày/ Xin lỗi đêm/ Xin lỗi em/ Tôi không nói được/ Tiếng lòng/ Của tôi” (Xin lỗi). Và đây là hình ảnh đầy cảm động: “Tóc bạc hết đầu/ Vẫn còn ngây dại/ Nắm tay mẹ lại/ Mẹ dìu con đi” (Số phận). Lời xin lỗi thực chất là lời biết ơn, nắm tay mẹ không chỉ là hành động thực thể mà còn mang ý nghĩa tượng trưng. Trải qua bao sóng gió của cuộc đời, nhà thơ lại may mắn được tựa vào người nữ “như MẸ – như EM – và như BẠN”, để dù đi đến tận phương trời nào thì quê hương vẫn đọng trong đáy mắt:

“Băng tuyết như pha lê

Tôi soi mình trong đó

Thấy rõ cả trời quê” (Soi).

 

3.

 So với toàn bộ sáng tác của Lê Ký Thương, thơ văn thiếu nhi chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ: 18 bài thơ và 5 truyện ngắn. Tuy nhiên đây là một sự chuyển hướng sáng tác quan trọng. Nó thể hiện tình yêu đối với trẻ thơ và thái độ sống muốn tìm về với vẻ đẹp thiên chân, xa dần những phức tạp của thế giới người lớn. Lê Ký Thương khá thành công với lựa chọn này. Từ thể thơ linh hoạt, cách ngắt nhịp trùng khớp với nhịp hoạt động, cách quan sát rất sát thực, giọng điệu thơ ngây ngô, ngộ nghĩnh phù hợp với tâm lý lứa tuổi (Lời hát dỗ bé ăn cơm, Thời gian, Bé làm người lớn, Bài toán chia, Vật nào chỗ đó, Ngày đỏ ngày đen…), tác giả đã có những món quà thơ đáng quý để tặng cho thiếu nhi.

Thơ thiếu nhi của Lê Ký Thương vừa đảm bảo yêu cầu thẩm mỹ và tiếp nhận, vừa đảm bảo mục đích giáo dục một cách nhẹ nhàng thông qua hệ thống đề tài và hình tượng phong phú. Nhiều bài thơ viết về thế giới tự nhiên và cuộc sống qua đôi mắt trẻ thơ đầy hồn nhiên là những bài học về hành vi, nhận thức, hoặc bài học lịch sử, đạo đức rất nhẹ nhàng mà sâu sắc: “Tôi mới tập đi/ Cần tay bạn dắt/ Thẳng theo đường gạch/ Đừng vẹo, đừng xiêu/ Nét chữ thật đều/ Thầy khen, bạn quí” (Cây bút nhắn bạn), “Buổi sáng bé vừa dậy/ Biển chơi trò ú tim/ Trốn mặt trời sóng chạy/ Lẫn vào bãi cát êm” (Sóng), “… Đây là thuyền Critôp Côlông/ đã tìm ra châu Mỹ/ Còn chiếc thuyền bé tí/ của Rôbinsơn/ Thuyền Ngô Quyền thắng trận Bạch Đằng/ giết chết Hoằng Thao con vua Nam Hán/ Chạy song song là thuyền Trần Quốc Tuấn/ đã bắt sống Ô-mã-nhi…” (Đua thuyền).

Bài thơ Tìm bạn còn vượt ra khỏi khuôn khổ của văn chương thiếu nhi, làm lay động cả trái tim của người lớn: “Cha ơi! Mua cho con/ Chùm bóng bay xanh đỏ/ Con sẽ buộc vào lưng/ Bay lên xem thành phố/

… Trường của con sụp đổ

Bàn ghế nằm ngổn ngang

Thư viện giờ trống trơn

Sách cuốn theo mưa bão.

 

Nhà bạn con cũng biến

Nền đất lạnh giữa trời

Không biết bạn đâu rồi

Con tìm hoài không gặp…”

Giọng điệu, cái nhìn, nỗi lòng của đứa trẻ trong bài thơ làm lan tỏa một cảm giác đau xót vì những mất mát do thiên tai. Như thế cũng có nghĩa là Lê Ký Thương có dụng ý hướng trẻ thơ đến với hiện thực của cuộc sống. Tương tự, những truyện viết cho thiếu nhi như Mừng tuổi thị, Ngựa lưới, Ngựa trời… cũng nhẹ nhàng chuyển tải những bài học về tình yêu thương con người và loài vật, bài học về trách nhiệm một cách hiệu quả.

Nhìn vào toàn bộ sáng tác thơ, truyện thiếu nhi, có thể thấy tài năng đa dạng của nhà văn Lê Ký Thương. Ông đã hóa thân, nhập vai rất tốt để “trẻ hóa” văn chương của mình. Đó chắc chắn là kết quả của lòng yêu thương, gần gũi với trẻ thơ và ý thức sáng tác nghiêm túc của một người nghệ sĩ. Công bằng mà nói, so với thơ, truyện của Lê Ký Thương phải đứng dưới một bậc. Truyện Cái bóng nắng là một minh chứng. Tác giả đã ngây thơ hóa nhận thức của hai đứa bé gái ở tuổi biết chơi đồ hàng, diễn kịch. Hai em nhầm tưởng cái bóng nắng là quả trứng gà, nhiều bóng nắng là ổ trứng chuyển động sắp nở con, cho đến khi người mẹ giải thích các em mới hiểu ra. Chi tiết này không phù hợp với tâm lý và trí tuệ nhân vật, gây lẫn lộn giữa cốt truyện thực và ảo, lại vừa bị đẩy đi quá xa như là tình tiết chính của truyện khiến logic truyện bị lung lay. Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể, đây là vết xước không làm ảnh hưởng nhiều đến vẻ đẹp của khối rubic mà Lê Ký Thương nâng niu trao tặng bạn đọc thiếu nhi. Và tôi tin rằng, ngay cả những bạn đọc “người lớn” cũng sẽ muốn thốt lên câu “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”[5] khi đọc những tác phẩm này của ông.

 

*

Chiêm ngắm chân dung Lê Ký Thương qua văn chương, tôi thật sự có ấn tượng với hình ảnh chàng trai tuổi đôi mươi trong một thời với Ý Thức và hình ảnh của “lão ngoan đồng” thích chơi với trẻ con trong độ bạc đầu. Tuổi thanh niên sôi nổi, dũng cảm chống chiến tranh, bất công, bạo quyền; tuổi lão niên đằm thắm, hiền lành góp từng tiếng lòng phụng sự lứa măng non. Vậy thì, xin mượn hai câu thơ của văn hào Lỗ Tấn để phác thảo chân dung văn học của Lê Ký Thương: “Trợn mắt coi khinh nghìn lực sĩ/ Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng”.

Trợn mắt hay cúi đầu đều là sự lựa chọn thái độ sống dấn thân, hết mình rất đáng trân trọng. Thái độ đó đã được lưu giữ trong hành trình sáng tác lắm chông gai, nhọc nhằn của đời “phu chữ” được Lê Ký Thương kín đáo gửi gắm trong bài thơ Nợ văn chương như sau:

“Suốt một đời

Tường dính mồ hôi

đậm dấu lưng người – máu rỉ

Nhòe mặt chữ

Tình bằng duyên nợ cái văn chương!”

Gom hết mồ hôi, máu và nước mắt dồn vào hơn 350 tác phẩm cũng bởi vì duyên nợ với văn chương. Hiểu ý người sáng tác là vậy, lại biết rằng Lê Ký Thương công bố rất ít, phần lớn tác phẩm của ông còn ở dạng bản thảo, người đọc như tôi càng cảm thấy mắc nợ nhà văn. Viết những dòng cuối của bài này, trong tôi vang lên câu nói của Kim Thánh Thán khi bàn đến việc bình phẩm văn chương: “Nhắn các bạn tài tử…: Tôi muốn cùng bạn khêu đèn ngồi kề, chuốc rượu vui cười. Đọc đi! Hát đi! Bàn đi! Gọi đi! Lạy đi! Đời không ai hiểu thì đốt đi! Khóc đi!”.[6] Thưa vâng! Đã đọc, đã hát, đã bàn, đã khóc! Vì vậy, xin đừng đốt, bởi vì chắc chắn sẽ có nhiều người hiểu, cho dù họ và cả tôi nữa, vì nhiều lý do khác nhau mà không thể viết hết, nói hết những cảm nghĩ trong lòng…

 

Nguyễn Thị Tịnh Thy



[1] U mộng ảnh, Trương Trào (Huỳnh Ngọc Chiến dịch), Nxb. Văn hoá Thông tin, 2007, tr. 100.

[2] Lương Châu từ, Vương Hàn, in trong Đường thi tuyển dịch, Lê Nguyễn Lưu, Nxb. Thuận Hoá, tr. 273.

[3] Con đường đau khổ, Aleksey Nikolayevich Tolstoy, https://www.dtv-ebook.com/con-duong-dau-kho-aleksey-nikolayevich-tolstoy_11906.html.

[4] Thơ của Phùng Quán.

[5] Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ – thơ của Robert Rojdesvensky, Thái Bá Tân dịch, https://www.thivien.net/Robert-Rozhdestvensky/V%C3%A9-%C4%91i-tu%E1%BB%95i-th%C6%A1/poem-JkCaIT7M–xZv4VUUVlOrw

[6] ). Mái Tây, Vương Thực Phủ (Nhượng Tống dịch), Nxb. Lao động –  Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, tr. 153.

Comments are closed.