Lí luận văn học Nga hậu xô viết (10)

Chương IV

Y.M. LOTMAN VÀ TRƯỜNG PHÁI KÍ HIỆU HỌC VĂN HÓA

TARTUS – MOSKVA

I. Trường phái Tartus – Moskva

và sự lên ngôi của các hệ thống lí thuyết phi chính thống

Nền lí luận văn học Xô viết chưa bao giờ là một hệ thống thuần nhất. Ngay cả ở thời kì hoàng kim nhất của nền lí luận toàn trị, người ta vẫn nghe thấy những tiếng nói khác lạ. Chẳng hạn, năm 1934, Đảng Cộng sản Liên Xô và Hội Nhà văn Liên Xô đã quyết định lấy hiện thực xã hội chủ nghĩa làm phương pháp tốt nhất của sáng tác và nghiên cứu phê bình nghệ thuật. Chủ nghĩa Mác đề cao thuyết tiến hoá. Phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa đòi hỏi nhà văn phải miêu tả hiện thực “trong xu thế phát triển cách mạng”. Thế mà trong luận án Tiến sĩ Thi pháp truyện kể và thể loại, bảo về năm 1935, O.M. Freidenberg (1890 – 1955) lại chủ trương tiếp cận các hiện tượng văn hoá từ quan điểm “nòi giống”, “nguồn cội”, lấy thuyết “di truyền” để chống lại thuyết “tiến hoá”. Bà cho rằng, ở những giai đoạn phát triển khác nhau, dù hình thức biểu hiện có khác nhau thế nào, thì mọi hiện tượng văn hoá vẫn tồn tại trên nền tảng của một cái “gien” bất biết. Cho nên, khám phá quan hệ bất biến giữa “nhân tố” như là hạt nhân tiềm ẩn của mọi hình thức văn hoá, và “thực tế” như là sự biểu hiện của hạt nhân tiềm ẩn ấy trong hình thức cụ thể của các hiện tượng văn hoá – là nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà nghiên cứu[1]. Là Giáo sư, Chủ nhiệm Bộ môn Ngữ văn học cổ điển của Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Leningrad, năm 1950, O.M. Freidenberg từ chức chỉ vì không tán thành những phát biểu của Stalin chống lại quan điểm lịch sử của N.Ja. Marr (1864 – 1934)[2].

Từ cuối những năm 1950 – sau cái chết của Stalin, tệ sùng bái cá nhân bị lên án, tầng lớp trí thức không còn bị đàn áp khốc liệt, nhiều người bị tù đày trước kia nay được minh oan, chiêu tuyết – trong nghiên cứu văn học ngày càng thấy xuất hiện nhiều hơn những hệ thống lí thuyết độc đáo. Có những hệ thống lí thuyết của cá nhân các học giả. Nhưng cũng có những hệ thống lí thuyết tập hợp nhiều học giả làm thành một trường phái có uy tín quốc tế.

Có thể kể tên một loạt học giả Xô Viết, tuy không thuộc trường phái nào, nhưng từ lâu đã trở nên quen thuộc với các nhà nghiên cứu văn học ở Việt Nam. Chắc chắn, nhiều học giả Việt Nam, có thể từng là sinh viên, nghiên cứu sinh, đã đọc trực tiếp bản tiếng Nga, hoặc bản dịch sang tiếng Việt những công trình nghiên cứu tuyệt vời của S.S. Averintsev, M.L. Andreev, Iu. Borev, M.L. Gasparov, P.A. Grinser, D.S. Likhachev I. Ilin E.M. Meletinski, G.N. Pospelov… Các học giả ấy mỗi người theo đuổi một lĩnh vực nghiên cứu riêng, không ai giống ai. Xin dẫn một vài trường hợp cụ thể:

– M.L. Gasparov (1935 – 2005): Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Nga, là nhà ngữ văn học cổ điển lỗi lạc, là dịch giả uyên thâm chuyên dịch các văn bản cổ đại và trung đại, thơ và văn xuôi hiện đại. Tuy không phải là thành viên, nhưng ông từng cộng tác chặt chẽ với Trường phái kí hiệu học Tartus – Moskva, viết nhiều tiểu luận sâu sắc, đầy trang trọng về ý nghĩa phương pháp luận trong các công trình của Iu.M. Lotman, như Y.M. Lotman: Khoa học và tư tưởng hệ, Lotman và chủ nghĩa Mác (1995). Ông là tác giả của trên 200 công trình lớn nhỏ, trong đó có nhiều chuyên luận, tiểu luận mẫu mực, có giá trị khoa học cao. Theo trình tự biên niên, có thể liệt kê một số công trình cơ bản như sau: Ngụ ngôn văn học cổ đại (1971), Câu thơ Nga hiện đại: âm luật và tiết tấu (1974), Lược khảo lịch sử câu thơ Nga: âm luật, tiết tấu, vần luật, phân khổ (1984), Lược khảo câu thơ châu Âu (1989), Chủ nghĩa tiên phong hàn lâm: bản chất và văn hoá ơ Briusov giai đoạn cuối (1995), Hy Lạp lí thú: Những câu chuyện về văn hoá cổ đại Hy Lạp (1995-1998), Tuyển tập công trình 3 tập: Tập 1: Về các nhà thơ; Tập 2: Về các bài thơ, Tập 3: Về câu thơ: âm luật, vần điệu, phân khổ, mô hình xác suất của câu thơ. Blok, Pasternak, Majakovski (1987), Niêm luật và ý nghĩa: Về mộ loại cơ chế máy móc của kí ức văn hoá (1999). Ngày nay, để tưởng nhớ M.L. Gasparov, hàng năm, Viện Nhân văn học cao cấp tổ chức Hội thảo Đọc Gasparov, đề tài hội thảo phù hợp với các hướng nghiên cứu của ông: Ngữ văn học cổ điển, lí luận dịch thuật, văn học Nga thế kỉ XIX, văn học Nga đầu thế kỉ XX, lí luận thơ.

– D.S. Likhachev (1906-1999) là nhà nghiên cứu văn học và lịch sử văn hoá, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (từ năm 1953: Viện sĩ thông tấn. Từ năm 1970: Viện sĩ chính thức). Ông để lại một di sản đồ sộ. Công trình đầu tiên của ông được đăng báo vào năm 1930. Ông bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ vào năm 1941, đề tài luận án: Bộ luật biên niên sử của Novgorod thế kỉ XII. Năm 1942, ông in chuyên luận đầu tiên: Phòng tuyến của các thành phố Nga cổ. Những năm sau đó, ông cho xuất bản hàng loạt công trình có giá trị: Sự tự nhận thức dân tộc của nước Nga (1945), Văn hoá Nga ở thời đại giáo dục tinh thần quốc gia dân tộc Nga (từ cuối thế kỉ XIV đến thế kỉ XVI) (1946, tái bản 1967), Lược khảo các dạng thức văn học của sử biên niên từ thế kỉ XI đến thế kỉ XVI (1947, Luận án Tiến sĩ), Bài ca binh đoàn Igor (1950, dịch, giới thiệu và chú giải), Lịch sử văn học Nga (1952, giáo trình viết chung, Giải thưởng Quốc gia), Sự xuất hiện của văn học Nga (1954), Con người trong văn học Nga cổ (1958, tái bản vào các năm 1970, 1987), Thi pháp văn học cổ Nga (1967, Giải thưởng Quốc gia, tái bản vào các năm 1971, 1979, 1987), Di sản nghệ thuật của nước Nga cổ đại (1971)… Sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ di sản đồ sộ của D.S. Likhachev là nhiệt tình chứng minh vẻ đẹp thẩm mĩ độc đáo của nền văn hoá cổ đại Nga.

– G.N. Pospelov (1899 – 1992) là tác giả của gần 200 công trình lớn mhỏ[3]. Tiểu luận đầu tay Bàn về vấn đề hình thức và nội dung của ông được đăng báo vào năm 1825. Năm 1929, ông viết xong luận án Phó Tiến sĩ về I.S.Turgheniev, nhưng không bảo vệ. Năm 1940, ông xuất bản chuyên luận Lí luận văn học, đặt nền tảng cho quan niệm xem nghệ thuật là một dạng tư tưởng hệ phi lí thuyết. Năm 1945, ông bảo vệ luận án Tiến sĩ với đề tài Từ lịch sử văn học Nga thế kỉ XVII – XIX (Về sự phân định các khái niệm phong cách, phương pháp, khuynh hướng). Rõ ràng, hoạt động nghiên cứu của G.N. Pospelov ngay từ đầu đã có thiên hướng nghiêng về phía lí luận văn học. Cho nên, năm 1960, khi Bộ môn Lí luận văn học đầu tiên ở Liên Xô được thành lập tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov (MGU), Pospelov được làm Chủ nhiệm Bộ môn, và ông giữ chức vụ đó cho đến năm 1977. Suốt ba chục năm, từ những năm 60 đến hết những năm 80, mối quan tâm chủ yếu của G.N.Pospelov là những vấn đề lí luận văn học. Cuốn Dẫn luận nghiên cứu văn học xuất bản năm 1976 (tái bản vào các năm 1983, 1988) do ông làm chủ biên đã được dịch ra nhiều thứ tiếng: Đức, Bulgari và cả tiếng Việt. Ông có 7 chuyên luận và một tập tiểu luận dành riêng cho các vấn đề lí luận văn học và nghệ thuật học: Về bản chất nghệ thuật (1960), Cái thẩm mĩ và cái nghệ thuật (1965), Những vấn đề phong cách văn học (1970), Những vấn đề phát triển lịch sử văn học (1972 – Bộ môn Lí luận văn học, Khoa Ngữ văn ĐHSP Hà Nội đã dịch chuyên luận này làm tài liệu tham khảo nội bộ), Trữ tình giữa các thể loại văn học (1976), Những vấn đề phương pháp luận và thi pháp học (1983 – Tuyển tập tiểu luận), Nghệ thuật và mĩ học (1984), Sự phát triển theo giai đoạn của các nền văn học châu Âu (1988).

Qua những dẫn chứng trên có thể thấy, giới nghiên cứu văn học Liên Xô (cũng giống như ở Việt Nam, Trung Quốc và nhiều nước xã hội chủ nghĩa trước đây) được chia thành hai phái rõ rệt: phái Lí luận và phái Lịch sử văn học. Y. Borev, G.N. Pospelov, I. Ilin… thuộc phái lí luận. D.S. Likhasex, G.N. Gasparov, S.S. Averinsev, M.L. Andreev, P.A. Grinser thuộc phái văn học sử. Tuy đối tượng quan tâm có thể gần nhau, nhưng công trình khoa học của họ bao giờ cũng để lại dấu ấn của một tư tưởng khoa học tầm cỡ, một hướng tiếp cận cách tân và một hệ thống phương pháp, thao tác nghiên cứu độc đáo. Những nhân tố đó làm nên tính lí luận trong những công trình nghiên cứu của họ. Cho nên, ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định, ở Liên Xô trước kia, bên cạnh hệ thống lí luận chính thống, còn có rất nhiều hệ thống lí thuyết của cá nhân các học giả. Rất tiếc là trước kia, khi Việt Nam bắt tay xây dựng nền lí luận văn học hiện đại, chúng ta chưa nhìn thấy hết giá trị của những hệ thống lí thuyết này.

Ngoài những hệ thống lí thuyết của cá nhân các học giả, trong nền lí luận văn học Xô viết còn tồn tại cả hệ thống lí thuyết của một trường phái mang tầm cỡ quốc tế, không thua kém bất kì một trường phái nào ở các nước Âu – Mĩ: Trường phái kí hiệu học Tartus – Moskva. Ở thế kỉ trước, từ sau những năm 60, trong lĩnh vực xã hội – nhân văn, đây là trường phái khoa học duy nhất của Liên Xô. Hoạt động của nó bao trùm những lĩnh vực vô cùng rộng lớn: ngôn ngữ học, nghiên cứu văn học và chủ yếu là kí hiệu học văn hoá học. Thực tiễn hoạt động của trường phái này chứng tỏ, nó không có tham vọng nghiên cứu lí thuyết để trở thành triết thuyết, mà chỉ có chủ trương ứng dụng hệ thống phương pháp của chủ nghĩa cấu trúc và kí hiệu học vào việc phân tích các ngôn ngữ văn hoá và các văn bản văn hoá. Cho nên, người ta còn gọi nó bằng cái tên đầy đủ hơn: Trường phái cấu trúc – kí hiệu học Tartus – Moskva. Phải nói ngay: trường phái này có cả một quá trình hình thành và phát triển lâu dài. Trong quá trình phát triển, nó thu hút được sự tham gia của rất nhiều học giả, tư tưởng khoa học của nó vì thế cũng rất phức tạp và không ngừng tiến hoá. Ngày nay, danh mục các công trình nghiên cứu, bao gồm tiểu luận, chuyên luận, ghi chép, hồi kí… viết về nó nhiều không kể xiết. Cho nên, bàn về hệ thống lí thuyết, số phận lịch sử và vị trí của Trường phái Tartus – Moskva trong cấu trúc chỉnh thể của nền lí luận văn học Nga hậu Xô viết chắc chắn không phải là việc dễ dàng và đơn giản.

Tên gọi trường phái tự nó đã cho thấy, đó là sự hợp nhất của hai nhóm học giả ở hai địa phương khác nhau: nhóm Tartusnhóm Moskva. Nhóm Tartus là một tập thể giảng viên và sinh viên Khoa văn học Nga thuộc Đại học Tổng hợp Tartus (Estonia), hạt nhân là B.F. Egorov, Iu.M. Lotman, Z.G. Mintz, A.I. Tzernov…Nhóm Moskva gồm các nhà ngôn ngữ học, ngữ văn học, tiêu biểu nhất là B.A. Uspenski, V.N. Toporov, V.Vs. Ivanov, Iu.K. Lekomsev (Y.K. Lekomsev là chuyên gia tiếng Việt). Thời gian tồn tại của Trường phái Tartus-Moskva thường được tính từ đầu những năm 60 cho đến cuối những năm 70. Nếu nói thật chính xác, có thể khẳng định, từ đầu năm 1986, trên thực tế, trường phái này hoàn toàn chấm dứt sự tồn tại của mình[4].

Phải đặt hoạt động của Trường phái Tartus – Moskva vào bối cảnh của đời sống khoa học ở Liên Xô vào những năm 60 của thế kỉ trước, ta mới thấy sự ra đời của nó là tất yếu. Các nhà khoa học đến với “Tartus – Moskva” bằng những con đường khác nhau, rồi khi rời bỏ nó, người ta cũng ra đi bằng những con đường khác nhau. Nhưng vẫn có một điểm chung gắn kết họ lại để làm thành sức mạnh của một trường phái. Điểm chung ấy là sự bất mãn với chủ nghĩa thủ cựu, thói tuỳ thời của giới hàn lâm Xô viết, là sự thất vọng với hệ thống phương pháp luận khoa học hiện có (chủ yếu là phương pháp luận Mác xít trong cách vận dụng thô thiển của đội ngũ học giả đã hoá thành cán bộ, thành công chức nhà nước) và niềm khát khao mở ra những con đường mới, những lối đi mới để đến với chân lí. Trường phái Tartus-Moskva không chỉ là một khuynh hướng khoa học có công đem đến cho công chúng một ngôn ngữ mới, mà nó còn là hình mẫu của một phương thức hoạt động và tồn tại kiểu mới. Nó biến “trường phái” thành một kiểu “trường học chưa từng có ở đâu”, “mật khẩu” riêng của nó là “tinh thần tự do nội tại” và ngôn ngữ miêu tả kí hiệu học. Bàn về ngôi trường ấy không thể quên Y.M. Lotman, người sáng lập ra nó và là linh hồn của nó.

Y.M Lotman (1922 – 1993) vốn là sinh viên Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Leningrad. Ông từng là học trò của những danh sư lỗi lạc, như M.K. Azadovski, V.Ja. Propp, G.A. Gukovski, V.M. Zirmusnki, B.M. Eikhenbaum. Mùa thu năm 1940, vừa kết thúc năm thứ I, ông bị gọi vào lính. Năm 1946, ông giải ngũ và lại tiếp tục học đại học. Lotman đã tham gia nghiên cứu khoa học ngay từ khi còn là sinh viên. Trong hai năm 1949, 1950, ông công bố nhiều nhiều bài nghiên cứu viết về tư tưởng xã hội và tư tưởng văn học Nga giai đoạn cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX. Năm 1950, Lotman tốt nghiệp đại học loại xuất sắc. Đây là lúc ở Liên Xô, nhất là ở các cơ quan khoa học xã hội – nhân văn, đang ráo riết tiến hành chiến dịch bài Do Thái, chống lại những kẻ theo cái gọi là “chủ nghĩa thế giới”. Với Lotman, một người Do Thái, cánh cửa nghiên cứu sinh và mọi nẻo đường dẫn tới bục giảng ở những thành phố lớn như Leningrad đều bị đóng chặt. Thế là số phận đã run rủi, đưa Lotman đến với Estonia. Bình luận về sự kiện này, B.F. Egorov viết: “Có những cơ quan nào đó – về lí, chẳng dính dáng gì tới khoa học và giáo dục, nhưng trong thực tế lại nắm giữ tất cả, quản lí tất cả – đã đẩy Yuri Mikhailovich vào chỗ “cùng đường tuyệt lộ”, rào kín mọi lối đi của ông ấy- thế mà những công trình nghiên cứu của học giả ấy đã vượt qua mọi biên giới, được dịch ra hàng chục thứ tiếng, làm cho tên tuổi của tác giả được cả thế giới biết tới và Tartus, một thành phố Estonia vốn lặng lẽ, nơi mà chẳng phải người nước ngoài nào cũng dễ dàng tới được, trở thành địa điểm hành hương của giới nhân văn, cả già lẫn trẻ”[5]. Phải có tài năng lớn và nghị lực phi thường, Lotman mới làm được những điều kì diệu như vậy. Ở Estonia, Y.M. Lotman làm giảng viên, sau đó giữ chức vụ Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ và Văn học Nga của Đại học Tổng hợp Tartus. Năm 1952, Lotman bảo về luận án Phó Tiến sĩ với đề tài: A.N. Radisev trong cuộc đấu tranh với những quan điểm chính trị – xã hội và mĩ học quý tộc của N.M. Karamzin. Luấn án Tiến sĩ với đề tài Những con đường phát triển của văn học Nga giai đoạn tiền tháng Chạp được ông bảo về thành công vào những năm 1961. Vào những năm 50, đối tượng quan tâm của Lotman đã bao trùm một phạm vi rất rộng, gồm lịch sử báo chí và phê bình, lịch sử văn học Nga ở những thời đại khác nhau. Thông qua hoạt động giảng dạy và nghiên cứu, Lotman đã tập hợp được một nguồn tư liệu khổng lồ. Nhưng ông ngày càng ý thức rõ không thể hệ thống hoá nguồn tư liệu ấy bằng những phương pháp văn hoá – lịch sử truyền thống. Từ cuối những năm 50, niềm đam mê của Lotman chuyển dần qua các vấn đề phương pháp luận, trước hết là phương pháp ngôn ngữ học, kí hiệu học và chủ nghĩa cấu trúc. Năm 1958, lần đầu tiên ở Đại học Tổng hợp Tartu, Lotman chính thức giảng dạy giáo trình “Thi pháp cấu trúc và sự vận dụng phương pháp cấu trúc – kí hiệu học vào viêc phân tích văn học và văn hóa”. Về sau, Lotman đã trình bày những tư tưởng mới mẻ của mình trong chuyên luận Những bài giảng về thi pháp cấu trúc, xuất bản lần đầu vào năm 1964. Đó chính là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho sự ra đời của Trường phái Tartus – Moskva.

Quá trình đến với phương pháp cấu trúc – kí hiệu học của nhóm Tartus và nhóm Moskva diễn ra gần như đồng thời, nhưng hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc vào nhau. Năm 1962, dưới sự chủ trì của Viện Nghiên cứu Slavơ và Ban Nghiên cứu điều khiển học, nhóm Moskva đã tổ chức một hội nghị khoa học chuyên đề về về nghiên cứu các hệ thống kí hiệu từ giác độ cấu trúc. Hội nghị nghe các tham luận về kí hiệu học ngôn ngữ, kí hiệu học lôgíc, việc dịch thuật thực hiện trên máy, kí hiệu học nghệ thuật, huyền thoại học, miêu tả ngôn ngữ của các hệ thống giao tiếp ngoài lời, kí hiệu học giao tiếp của người câm điếc, kí hiệu học lễ nghi…Tham gia hội nghị là những nhà khoa học có uy tín, như P.G. Bagatyrev, V.Vs. Ivanov, V.N. Toporov, L.F. Zegin, A.A. Zaliznjak…Sau khi được đọc đề cương của các bản tham luận của hội nghị khoa học nói trên, Y.M. Lotman đã đề nghị nhóm Moskva hợp tác nghiên cứu trên cơ sở của Đại học Tổng hợp Tartus. Năm 1964, hai nhóm Moskva và Tartus hợp nhất với nhau làm thành Trường phái Tartus – Moskva. Lịch sử của nó được khởi đầu bằng hoạt động của “Trường kí hiệu học mùa hè lần thứ nhất”. Từ đây, nói tới Trường phái này, bao giờ người ta cũng nghĩ ngay tới 3 loại hình hoạt động hoạt động sau đây:

+ Thứ nhất: Hội thảo khoa học. Hội thảo thường được tổ chức 2 năm một lần. Có 5 cuộc hội thảo lớn: 3 lần (1964, 1966, 1968) họp tại Kjaerika, 2 lần (1970, 1974) họp ở Tartus. B.A. Uspenski đánh giá rất cao vai trò của những cuộc hội thảo này. Ông viết: “Không khí trong các cuộc hội thảo rất thoải mái. Hội thảo có vai trò vô cùng lớn lao trong việc tạo ra những quan niệm chung, một cương lĩnh thống nhất, làm cho những tư tưởng khác nhau xích lại gần nhau theo cùng một hướng. Giữa các tham luận tất nhiên là có tranh luận, nhưng không phải hình thức độc thoại, mà chính là đối thoại mới giữ vai trò chủ đạo trong tranh luận. Điểm khác biệt nổi bật của những cuộc hội thảo này là hoàn toàn vắng bóng bất kì một sự tổ chức nào đó”[6].

+ Thứ hai: Trường kí hiệu học Tartus – Moskva. Tất cả có 5 khoá:

– 1964 – Trường kí hiệu học mùa hè lần thứ nhất,

– 1966 – Trường kí hiệu học mùa hè lần thứ hai,

– 1968 – Trường kí hiệu học mùa hè lần thứ ba,

– 1970 – Trường kí hiệu học mùa hè lần thứ tư,

– 1974 – Trường kí hiệu học “mùa đông” lần thứ năm (Hội thảo về các hệ thống mô hình hoá phái sinh toàn Liên Xô).

+ Thứ ba: Xuất bản ấn phẩm định kì: Những công trình về các hệ thống kí hiệu.

Trong vòng trên dưới 20 năm tồn tại, các thành viên của Trường phái Tartus – Moskva đã để lại một số lượng công trình khổng lồ. Chỉ cần liệt kê số lượng công trình của riêng Y.M. Lotman, người sáng lập ra trường phái, và công trình được công bố trên ấn phẩm chính thức của trường phái ấy, ta đã có một danh mục rất dài. Từ 1964 đến 1992 (sinh thời Y.M. Lotman), Trường phái Tartus – Moskva đã cho ra mắt độc giả 25 “quyển” dưới dạng tuyển tập Những công trình về các hệ thống kí hiệu. Quyển số 1 in trọn vẹn Những bài giảng về thi pháp cấu trúc của Y.M. Lotman. Thống kê bài vở của cả 25 “quyển”, ta sẽ thấy có 278 công trình lớn nhỏ, trong đó, nhiều công trình rất có giá trị[7]. Như đã nói, từ 1964, Y.M. Lotman bắt đầu công bố các chuyên luận, tiểu luận nghiên cứu cấu trúc – kí hiệu học. Nhìn vào danh mục công trình của Y.M. Lotman từ năm 1964 đến năm 1992, ta sẽ thấy, ông có tới 722 công trình đã được công bố[8].

Những đóng góp to lớn của Trường phái Tartus – Moskva, của cá nhân Y. Lotman cho nghiên cứu văn học và văn hoá học – ở nước Nga, nói riêng, và trên phạm vi toàn thế giới, nói chung – là hiển nhiên. Hoặc chỉ cần đọc những chuyên luận, ví như Lược khảo các dạng thức văn học của sử biên niên từ thế kỉ XI đến thế kỉ XVI, Thi pháp văn học cổ Nga của D.S. Likhasev, Câu thơ Nga hiện đại: âm luật và tiết tấu, Lược khảo lịch sử câu thơ Nga: âm luật, tiết tấu, vần luật, phân khổ, Lược khảo câu thơ châu Âu của M.L. Gasparov, Trữ tình giữa các loại thể văn học, những vấn đề phát triển lịch sử của văn học của G.N. Pospelov, hay một vài tiểu luận, ví như Các phạm trù thi pháp trong sự thay đổi của các thời đại văn học của S.S. Averinsev, M.L. Andreev, M.L. Gasparov, P.A. Grinser, A.B. Mikhailov, ta sẽ tin, sự tồn tại của những hệ thống lí thuyết thể hiện tư tưởng của cá nhân các học giả trong nền lí luận văn học của Liên Xô trước kia cũng là có thật. Nhưng vẫn còn một sự thực khác: trước cải tổ, khi khoa học bị nhà nước hoá, bị đồng nhất với quan điểm tư tưởng và lập trường giai cấp, các hệ thống lí thuyết mang dấu ấn tư tưởng cá nhân và hướng nghiên cứu cấu trúc – kí hiệu học chỉ là những hệ thống lí thuyết phi chính thống. Chúng không bao giờ nhận được sự khuyến khích của các nhà chức trách. Người ta thấy cần phải hạn chế tầm ảnh hưởng của chúng. Chẳng những thế, tác giả của những hệ thống lí thuyết ấy đã nhiều phen bị đấu tố, thậm chí, bị tù tội. Chẳng hạn, D.S. Likhashev từng bị tù tội, còn G.N. Pospelov có đến ba lần bị đấu tố. Năm 1928, D.S.Likhachev bị bắt vì tham gia câu lạc bộ sinh viên “Viện Hàn lâm vũ trụ khoa học”. Ông bị quy tội “phản cách mạng” vì đã đọc ở đó một tham luận nói về luật chính tả cũ của tiếng Nga “đã bị kẻ thù của nhân dân Nga và chính thống giáo sửa chữa và xuyên tạc”. Vì tội ấy, ông lĩnh án 5 năm cấm cố trong trại giam đặc biệt dành cho các tù nhân chính trị (từ năm 1928 đến năm 1931). Năm 1929, Pospelov bị đấu tố lần thứ nhất trên các báo “Ấn loát và cách mạng”, “Trên vọng gác văn học”. Ông bị đấu tố chỉ vì đã “phát triển đến giới hạn logic cuối cùng” các luận điểm của V.F. Pereverzev[9] – những luận điểm mà lúc ấy đang bị giới phê bình chính thống xem là “biến tướng của chủ nghĩa Melsevich trong nghiên cứu văn học”. Kết quả của cuộc đấu tố này là Pospelov buộc phải thôi việc ở Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva[10]. Cuộc đấu tố lần thứ hai diễn ra vào năm 1947 trên tờ “Báo Văn học” sau một bài phát biểu của Pospelov tại hội thảo khoa học về A.N.Veshelovski. Lần này Pospelov bị buộc tội vì “không thừa nhận quan điểm của Veshelovski là một bước lùi so với những nguyên tắc mĩ học của các nhà dân chủ cách mạng”. V. Novikov phê phán: “Ý kiến đặc biệt của G.N. Pospelov chẳng phải là gì khác, mà chính là sự phát triển một quan niệm cũ mèm, từ lâu đã bị phê phán về sự xung khắc giữa khoa học và chính trị, về sự độc lập của khoa học “chân chính” với đời sống xã hội và đấu tranh chính trị”[11] . Năm 1949, sau khi đăng bài Vấn đề chủ nghĩa lãng mạn, Pospelov lại bị E. Kovalsik đấu vì tội “tách rời văn học với chính trị”. Theo dõi những ý kiến đấu tố nhắm vào tiểu luận Vấn đề chủ nghĩa lãng mạn, ngày 3 tháng 10 năm 1949, thân phụ Pospelov đã viết thư cho ông: “Cha đã đọc bài phê bình chống lại tiểu luận của con về chủ nghĩa lãng mạn trên “Báo văn học”. Cha chỉ muốn biết, hiện con đang phải lo lắng thế nào trước lời buộc tội ấy và con sẽ phản ứng ra sao?. Tiểu luận của con chỉ có một sai lầm, ấy là con đã nẩy ra ý định thực hiện quyền nghiên cứu tự do trong một bối cảnh không thích hợp”[12]. Có một thời, hướng nghiên cứu cấu trúc – kí hiệu học của trường phái Tartus – Moskva từng bị xem là một thứ “tà thuyết”. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự tan rã của nó. Trong bài Trường phái Tartus – Moskva. Lịch sử giản yếu, nhà nghiên cứu I. Vasiliev nhận xét: “Thời kì cao trào của kí hiệu học ở Liên Xô, thời kì “bão táp và cách mạng” đã kết thúc phần lớn không hẳn là do sự phân rẽ mà thực tế là có thật trong nội bộ của những thành viên tham gia quá trình ấy, mà chủ yếu là do áp lực từ bên ngoài đè nặng lên trường phái. Một bộ phận các thành viên của Trường phái Tartus – Moskva đã buộc phải di tản ra nước ngoài, ấn phẩm Những công trình về các hệ thống kí hiệu nhiều lần bị giữ lại, bài vở của các thành viên Trường phái Tartus – Moskva đều bị kiểm duyệt”[13]. B.F. Egorov, thành viên chủ chốt của trường phái Tartus – Moskva, cũng kể về thái độ của chính quyền Xô viết và các nhà chức trách đối với Y. Lotman, với Bộ môn Văn học Nga do ông làm Chủ nhiệm: “Vào đầu những năm 70, các tổ chức có nhiệm vụ theo dõi cuối cùng rồi cũng để lộ ra, đối với hệ tư tưởng Xô viết, Lotman và bộ môn của ông nguy hiểm chẳng kém gì so với cánh giáo sư “tư sản” Estonia”. Nhằm loại bỏ mối nguy hiểm ấy, người ta đã tìm mọi cách để giải thể Bộ môn Văn học Nga, miễn nhiệm chức vụ quản lí của ông và đến năm 1980, ông còn bị điều chuyển sang Bộ môn Văn học nước ngoài”[14]. Năm 1995, trong bài phát biểu mở đầu cho một cuốn sách của Y. Lotman về Puskin, nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của một học giả từng là người sáng lập ra cả một trường phái trong niềm phấn khích và tự hào, B.F. Egorov vẫn không sao nén nổi một tiếng thở dài: “Vào mấy năm thoát khỏi mọi sự cấm đoán và hạn chế, Iuri Mikhailovich đã đi gần khắp trời Tây, từ Ý đến Venezuela, ông đọc tham luận ở những cuộc hội thảo khác nhau, giảng bài ở nhiều trường đại học. Giá mà trước kia cũng được như thế!”[15].

Niềm hoài cổ của B.F. Egorov dẫu da diết đến đâu thì thời gian vẫn không thể quay ngược bánh xe lịch sử. Sự thực là từ năm 1986, Trường phái Tartus – Moskva không còn tồn tại như một tổ chức khoa học hiện hữu. Ngoài nguyên nhân khách quan, sự tan rã của nó còn có những lí do nội tại. Ví như, vào cuối những năm 70, Trường phái Tartus – Moskva không thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng chung của chủ nghĩa cấu trúc trên phạm vi toàn châu Âu. Đã thế, ngay ở thời kì hoàng kim của trường phái này, nhiều nhà nghiên cứu đã tỉnh táo nhận ra quan niệm giản đơn, có phần ảo tưởng của nó về kí hiệu học như là bộ môn khoa học có khả năng sáng tạo ra một thứ từ điển thuật ngữ văn hoá toàn thế giới. Nhưng rời Trường phái Tartus – Moskva mà ra đi, các nhà khoa học chân chính không quên mang theo vũ khí ngôn ngữ kí hiệu học đã vận dụng và mài giũa ở đó để chuyển qua một giai đoạn mới trong cách hiểu về văn hoá. Ngày nay, với ngôn ngữ kí hiệu học, người ta không dừng lại ở việc nghiên cứu văn hoá trên bình diện cơ học, mà đi sâu cắt nghĩa nó trong một cơ cấu hữu cơ phức tạp hơn. Cho nên tuy không còn tồn tại như một trường phái, nhưng tư tưởng khoa học của Trường phái Tartus – Moskva vẫn tiếp tục đơm hoa, kết trái, mang lại mật ngọt cho đời. Ngày nay, “Trường phái Tartus – Moskva” trở thành một mục thuật ngữ trang trọng trong Bách khoa từ điển Văn hoá học thế kỉ XX[16]. Có rất nhiều chuyên luận, tiểu luận, luận văn, luận án viết về Trường phái Tartu – Moskva với những khám phá, phát hiện đầy thú vị. Những thông tin về trường phái này được đăng tải đầy ắp trên các trang mạng bằng tiếng Nga. Lần đầu tiên trong hệ thống sách giáo khoa học đường ở Nga, bộ giáo trình Lí luận văn học mới xuất bản năm 2004 do N.D. Tamarchenko làm chủ biên đã dành hẳn chương đầu để viết về “Bản chất kí hiệu của văn học”[17].

Với ý nghĩa như thế, chúng tôi nói về sự lên ngôi của những hệ thống lí thuyết từng một thời bị xem là “phi chính thống”.


[1] Xem: O.M. Freidenberg – Thi pháp cốt truyện và thể loại. “Labirint”. M., 1997

[2] Xin xem: Văn hoá học thế kỉ XX.- Bách khoa từ điển, T. 2, “Sách tổng hợp”, St-Peterburg, 1998, tr. 315.

[3] Xem: Gennadi Nhikolaevich Pospelov (1899-1992) – Danh mục công trình đã xuất bản// Trong sách: Tư tưởng sống động: Tiến tới kỉ niệm 100 ngày sinh G.N. Popelov.- Nxb “MGU”, M., 1999, tr. 325-336.

[4] Xem: Trường phái Tartus-Moskva. Lịch sử toát yếu.- Nguồn: http:// www.zone. ee/run/TMS/htm

[5] B.F. Egorov – Cá nhân và sáng tác của Y.M. Lotman.- Bài giới thiệu sách: Lotman Y.M..- Puskin: Tiểu sử nhà văn; Bài báo và bình luận, 1960 – 1990; “Evgheni Oneghin”. Bình chú.- SPb., 1995.

[6] Xem: B.A. Uspenski – Bàn về vấn đề nguồn gốc trường phái Tartus – Moskva// Trong sách: Y.M. Lotman và trường phái kí hiệu học Tartus – Moskva. “Giozis”, M., 1994, tr. 270 – 275

[7] Xem: Những công trình về hệ thống kí hiệu.- Nguồn: http:// www.zone. ee/run/Trudy.htm

[8] Xem: Yuri Mikhailovich Lotman. Bảng tra cứu thư mục công trình in bằng tiếng Nga. Nguồn: http://vivovoco.rsl.ru/VV/PAPERS/LITRA/LOTMAN_0.HTM

[9] V.F Pereverzev (1882-1968): Nhà lí luận văn học tài năng, tác giả của những chuyên luận nổi tiếng về Gogol, Dostoevski, Goncharov. Ông là người hướng dẫn khoa học của Pospelov, khi Pospelov viết luận án Phó Tiến sĩ

[10] Xem: L.V. Tzernes – Gennadi Nicolaevich Pospelov (1899-1992). Tiểu sử tóm tắt.- Nguồn: http://www.philol.msu.ru/~tlit/zhm/2ch1.htm

[11] V. Novikov – Ý kiến đặc biệt của Giáo sư G.N. Pospelov. “Báo văn học”, 1947, 15 tháng 10

[12] Dẫn theo: L.V. Tzernes.- Tlđd.

[13] Xem:Trường phái Tartus -Moskva. Lịch sử giản yếu.- Nguồn: http:// www.zone. ee/run/TMS.htm

[14] B.F. Egorov – Cá nhân và sáng tác của Y.M. Lotman.- Tl đd.

[15] B.F. Egorov.- Cá nhân và sáng tác của Iu.M. Lotman.- Tl đd.

[16] Xem: Văn hoá học thế kỉ XX. Bách khoa từ điển.- “Sách Tổng hợp”, St-P, 1998. T.2, tr. 246 – 247

[17] Xem: N.D. Tamarchenko (Chủ biên).- Lí luận văn học (hai tập).- “Academa”, M., 2004. T.1, tr.16-104.

Comments are closed.