Thơ Việt từ hiện đại đến hậu hiện đại (kỳ 16)

Irasara

ĐINH LINH

Sinh năm 1963 tại Sài Gòn, qua Mỹ 1975, đã về Việt Nam ba lần, lần cuối ở hai năm rưỡi từ 1999 đến 2001. Hiện hắn đang sống tại Philadelphia, Mỹ. Viết bằng tiếng Anh, hắn là tác giả của hai tập truyện ngắn, bốn tập thơ. Viết bằng tiếng Việt, hắn đã đăng thơ, ký và truyện trên Tiền Vệ, Talawas, Tạp chí ThơHợp Lưu. Hắn cũng là tác giả của tập thơ, Lĩnh Đinh Chích Khoái (TPHCM: Giấy Vụn, 2007).

Tuyển thơ

Nhưng rồi

Đứa con gái hư

Dục nết

Về thơ

Những trắc trở của thi ca

Giữa chị em ta

Một bài thơ hoàn toàn vô nghĩa

Hậu thời trang

Phim sếch

Hậu Việt ngữ

ĐINH LINH GIẢI PHẪU VÀNH TAI TIẾNG VIỆT

Chuyện tiếng Việt xảy ra từ lâu lắm. Từ nỗi địa lí Bắc Trung Nam: chén và bát, ngô và bắp, bánh tráng và bánh đa, đến vụ đa sắc tộc: làng, buôn, phum, sóc, plây. Từ Pháp đi và Mỹ đến, tiếng ta tiếng Tây giao phối ngẫu nhĩ hay có kế hoạch đẻ ra mênh mông là ngôn từ lai tạp. Từ sông Bến Hải xẻ đôi Nam Bắc tự do/ cộng sản với hàng ngàn tiếng khác lạ chào đời, tiếng giống nhau mà nghĩa khác nhau hay khác nhau nhưng nghĩa tương cận.

Hoặc như nó xảy ra mới đây, từ khi hai miền nhập một. Ở nông thôn phân chia ruộng đất rồi ba khoán rồi khoán sản phẩm rồi khoán trắng rồi lại giao đất thả nổi; ở phố chợ là chế độ tem phiếu với giá lương tiền, mở cửa hội nhập sang hậu đổi mới, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếng Việt ở Đức, Đài Loan, Canada; tiếng Việt của châu Úc, châu Âu, châu Phi; tiếng Việt dân đi kinh tế mới, của bạt ngàn cô gái quê đổ xô vào thành phố, của hàng vạn thân phận thất thế tràn ra vỉa hè, của cư dân mạng choai choai chat chit, hip hop…

Chuyện tiếng Việt đang xảy ra và sắp xảy ra. Bừa bộn, tạp nham và lí thú.

Tất cả, chúng xảy ra trong đời sống hàng ngày. Ruộng rẫy hay chợ búa, xí nghiệp hay nông trường, trại cải tạo, sân trường hay công viên. Chúng xảy ra ở mọi mọi nơi chốn nhưng tuyệt nhiên, vắng bóng nơi cõi sang trọng văn chương ghế cao ngồi tót. Có, nhưng hiếm hoi và nhất là, rất dè dặt. Mãi khi thế hệ thi sĩ hậu đổi mới xuất hiện, chúng mới hết bị phân biệt đối xử. Nguyễn Hoàng Nam và Đỗ Kh, Vương Ngọc Minh hay Lý Đợi, Bùi Chát với Đặng Thân…

Riêng chuyện…

Làm sao để giải phẫu hoàn toàn

Vành tai tiếng Việt?

Thì chưa thi sĩ nào đặt ra.

Đinh Linh, một Nacirema, kẻ tự nhận “một người Mĩ ngược chiều” đã hỏi thế. Và anh làm cuộc giải phẩu. Tới bến, đột hứng và nhất là, vui vẻ. Mổ xẻ “Hậu Việt ngữ”, “Những từ chính”, “39 động từ”, “Từ túng”, “Ngôn ngữ và thịt”, “Bún và phở”, “Cơm và cháo” để, làm ra “Những từ điển mới”. Từ điển dùng cho tra cứu Lĩnh đinh chích khoái và các tập thơ tương cận.

Xưa nay, chưa có nhà thơ nào [có ý định] làm cuộc giải phẫu toàn diện như thế, vành tai tiếng Việt. Đặng Đình Hưng “biến âm” và “rút gọn” các phụ âm đầu. Lê Đạt tự nhận phu chữ, mới lớt phớt sắp đặt, thay đổi vị trí mấy từ, cụm từ đã có hoặc tự chế để tạo hiệu quả nghệ thuật nhất định, những từ vẫn còn sang trọng lắm. Còn Bùi Chát của Xáo chộn chong ngày nhấn ở nhại mang tính phương ngữ. Chưa ai cả, ngoài trừ Đinh Linh, “một người Mĩ ngược chiều”, thi sĩ thành công trong thơ tiếng Mỹ, nay bốc đồng nổi hứng ba gai tập tò làm thơ tiếng mẹ đẻ.

Nhưng khác tôi và hơn tôi – một cư dân đường biên, từ miền đất thơ ca Chăm nhảy sang làm thơ tiếng Việt, tôi đã jwak aih đạp cứt bao la nhà thơ và thơ Việt trước đó, đạp nhuyễn “đến mức tài hoa, điều mà không nhiều lắm tác giả người Kinh có được (Hà Văn Thùy), Nghĩa là ngôn từ thơ cứ là đẹp. Đinh Linh đã lanh trí tránh được mấy bãi cứt khổng lồ.

Suy nghĩ qua và bằng tiếng mẹ đẻ, khi sáng tác bằng tiếng của dân tộc khác (ở đây là tiếng Việt), các nhà thơ dân tộc thiểu số hiểu rõ mình cần gắng sức rất lớn, vừa học sử dụng tiếng Việt vừa tập suy nghĩ qua ngôn ngữ đó. Thế nào đi nữa, ở giai đoạn đầu, ta không thể rời bỏ dứt khoát lối suy nghĩ – bị quy định bởi/ bằng ngôn ngữ – đã ăn sâu vào máu từ thuở lọt lòng. Viết – ta luôn mang vào thơ mình lối nói, lối nghĩ dân tộc. Điều tưởng như bất lợi này lại là may mắn cho ta, ta tạo được bản sắc riêng, lạ. Thế nhưng nơi bề sâu tâm thức, ta vẫn mang mặc cảm ngoảnh mặt tiếng dân tộc; và tự ti, có gì đó chưa thật nhuyễn, chưa thật tinh như Kinh! Không chịu dừng lại, ta cặm cụi học tập, nỗ lực vươn tới. Chính tại đây nảy sinh rắc rối: bắt chước. Từ hình ảnh, cụm từ làm sẵn, ước lệ, lối ví von, ngắt câu sao cho như Kinh. Đâu đó, ta cũng khắc khoải ưu tư, cô đơn siêu hình, ta cũng hoang tưởng đen, khát cơn tội lỗi, nhiễm độc tinh khiết thơm, đường bay vọng động, cơn mưa huyễn hoặc. Mãi “thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng”, thỉnh thoảng để tránh tiếng mất gốc, ta lèn vào thơ mấy thắng cố, thổ cẩm, apsara, hàng xương rồng cho nó đậm đà bản sắc.

Tôi đã vậy, đạp cứ nhuyễn, thơ cứ mãi tót vời sang trong. Sang trọng đến nghiêm trọng. Có thể cho đấy là định phận khó tránh của kẻ từ ngoại vi đi vào trung tâm. Phải thật tỉnh táo và đầy ý thức mới thoát khỏi nó. Đinh Linh may mắn và cao tay hơn, anh làm thơ với con mắt mở lớn. Ý thức sâu đậm và thường trực cảnh giác về ngôn từ. Về mỗi từ, “thịt” trong “Thực đơn” chẳng hạn. Về mỗi âm tiết: “H” trong “Hát đi em” là một. Thậm chí về mỗi dấu, như dấu “!!!”. Mỗi chúng đều nặng trĩu ý nghĩa. Cả cái tưởng như vô nghĩa nhất cũng có ý nghĩa. Do đó, ví có muốn làm “Một bài thơ hoàn toàn vô nghĩa”, cũng chịu. Có thể làm thơ cải lương ba xu, thơ sến, thơ nhảm nhí, thơ dâm, thơ tục tĩu, nhưng không thể làm một bài thơ hoàn toàn vô nghĩa. Ngay cả bài thơ được cho là “Thơ trắng” của Hemingway cũng vẫn cứ đầy tràn nghĩa.

Một dấu câu, một từ, một cụm từ là một văn bản. Một văn bản lại là môt liên văn bản intertext. Nó luôn kéo lê sau mình một/ một vài chuỗi liên tưởng. Nhiều hay ít, nông hay sâu, giản đơn hay phức tạp, tùy kinh nghiệm cá nhân của người đọc, người nghe qua “tập khí”, nền văn hóa hay giáo dục cá nhân đó bị quy định. Trách vụ của nhà thơ là khám phá ra chúng, tìm sự kết nối giữa chúng với ý tưởng hay sự thể. “Đừng!” là một trong những:

Theo một lý thuyết [của Spengler chẳng hạn – Inrasara thêm], từ đầu tiên

Của nhân loại có lẽ là “đừng!”

Quản lý một đàn con mất dạy

Bà mẹ tiền sử cứ phải “đừng!”

Đừng [bỏ món đó vào miệng]!

Đừng [trèo lên cành cây đó]!

Đừng [đánh thức ba mày dậy]!

Cách đây 150.000 năm, mục đích chính

Của ngôn ngữ là cấm đoán. Hiện nay,

Ở vài nước trên thế giới, mục đích chính

Của ngôn ngữ vẫn là cấm đoán

Đó là liên tưởng của Đinh Linh về “đừng!”. “Đừng” từ thuở ăn lông ở lỗ kéo tận thời hậu hiện đại. “Đừng” cấm đoán internet, bịt lối giao lộ thông tin, cản mũi sáng tạo, khu trục văn chương, bó hẹp thơ ca trong “Ô hẹp của thi ca”. “Đừng” khiến thơ khép nép trong văn hóa sợ (từ dùng của Phạm Lưu Vũ). “Đừng” sợ việt vị khỏi quỹ đạo đề tài văn chương quen thuộc, sợ phạm húy, hãi các vùng nhạy cảm cùng mênh mông từ nhạy cảm.

Nhưng tại sao phải “đừng”? Phải “đừng” về “sự khêu gợi của cái nách hay cái muỗng”, về “cha mẹ chồng, cha mẹ vợ, con thằn lằn hay con gián?”. Đinh Linh, kẻ lạ trong ngôn ngữ Việt (bắt chước lối nói của Đoàn Cầm Thi) không cần phải “đừng”. Không phải đừng bợ chồng hay , không phải đừng choãi vã, bơ phở, đại đường, không phải đừng “Thơ kiểu Trung Hoa”, “Thơ ba cạnh”, “thơ một câu”, “Thơ song nghĩa”, “Thơ hậu chiến”, “thơ đen”, hay bất kì loại thơ nào anh chợt nghĩ ra. Anh thoải mái dùng “tiếng” bất kì nào anh chôm hay lượm nhặt được dọc đường.

Ngôn ngữ, từng chữ, từng dấu phẩy một, luôn phản bội tôi, để đi ăn nằm với những thằng không xứng đáng khác. Thỉnh thoảng tôi phải tra từ điển để hiểu sáng tác của chính mình. Truyền thống không phải là những lề lối, cách dùng cũ nhạt, ứ đọng, mà là di sản ngôn ngữ linh động của cả một dân tộc. Ngôn ngữ chợ búa, du đãng, những bài thơ tiền vệ, chữ lóng cũng thuộc về truyền thống. Thậm chí ngôn ngữ dùng sai, bởi con nít, những kẻ nói tiếng Việt không rành, chẳng hạn Hoa Kiều, Việt Kiều hay những nhân vật tỉnh Nghệ An, cũng thuộc về truyền thống. Nhà thơ có quyền, thậm chí có trách nhiệm, đùa với truyền thống, tìm những chức năng mới cho nó. Hơn nữa, bạn còn có thể mượn truyền thống người khác để làm phong phú ngôn ngữ mình

(“Đinh Linh trò chuyện với Lý Đợi”, Tienve.org).

Hiếm nhà thơ Việt nào ý thức về mỗi từ sử dụng một cách thường trực như thế, cảnh giác với mỗi từ đầy chăm chú như thế. Cảnh giác như thể ta đang làm việc với vài con rắn độc đang bò trong phòng. Càng hiếm hơn nữa nhà thơ xử sự vô phân biệt với ngôn từ như thế, vú là là, vú chỉ là, vú là… Đinh Linh co chân đạp đổ mọi bức vách ngăn trung tâm với ngoại vi, vô ngại trong đề tài, thể thơ, thi ảnh, tiếng hay con âm. Vô ngại trong thể loại. Người đọc từng biết đến các bài thơ Đinh Linh có thể được đọc như một truyện rất ngắn, nhưng đến “La đi man o li din” thì Đinh Linh xóa bỏ luôn ranh giới tiểu luận ngôn ngữ học, tạp bút, truyện ngắn và thơ.

Thơ cũng vậy, chú em. Phải chôn ngàn năm mới tạm nhai được

Với Lĩnh Đinh Chích Khoái, Đinh Linh đã góp một nhát cuốc đáo để để đào chôn nỗi ngàn năm ấy, khai mở một thế giới khác cho thơ Việt và, khai sinh một loại thơ khác.

Sài Gòn, 5-1-2009

Comments are closed.