TRAO ĐỔI VỚI PGS TS NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP

  VỀ BÀI VIẾT “THƠ VIỆT NAM SAU 1975 – TỪ CÁI NHÌN TOÀN CẢNH”

Quách Hạo Nhiên

Gần đây, trên một số trang mạng điện tử (trong đó có vanviet.info) có đăng biết bài viết “Thơ Việt Nam sau 1975 – từ góc nhìn toàn cảnh” của PGS TS Nguyễn Đăng Điệp. Theo như chú thích của tác giả thì bài viết này vốn đã in trên “Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 11, 2006” và mới đây đã được in lại trong sách “Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình & hiện tượng” – Nhà xuất bản Văn học, năm 2014.

Sau nhiều lần đọc đi đọc lại bài viết này chúng tôi nhận thấy, trên đại thể, bài viết này của PGS TS Nguyễn Đăng Điệp ít nhiều đã cung cấp cho người đọc một góc nhìn mang tính khái quát về thơ Việt Nam sau 1975. Tuy vậy, có thể thấy tác giả bài viết đã vướng phải những sơ suất trong thao tác tư duy và lập luận. Điều này ít nhiều đã làm giảm giá trị của những vấn đề mà tác giả trình bày.

1. Trước hết, trong phần “Quan điểm tiếp cận”, PGS Nguyễn Đăng Điệp viết: “Như vậy, sự đổi mới trong thơ bao giờ cũng là sự đổi mới đồng bộ giữa cái nhìn nghệ thuật sâu sắc của nhà thơ và ngôn ngữ của anh ta. Nó hoàn toàn khác xa với những trò chơi ngôn ngữ tân kì nhưng thực chất chỉ tạo ra những xác chữ không hồn. Bởi thế, muốn hiểu được những đổi mới thi pháp thơ sau 1975, nhất là thơ ca thời đổi mới, tôi nghĩ, trước hết cần phải nhập được vào mã ngôn ngữ của thơ đương đại”.

Nhận xét: Đoạn văn trên có 3 câu, nếu như hai câu đầu tuy không có gì sai nhưng nhìn chung cũng không có gì mới (vì đó là chuyện hiển nhiên ai cũng biết) thì ở câu thứ ba xét về mặt nội hàm ngữ nghĩa trong nghiên cứu khoa học là rất không ổn. Phải chăng ở đây PGS Nguyễn Đăng Điệp cho rằng 3 khái niệm “thơ sau 1975”, “thơ ca thời đổi mới” và “thơ đương đại” chỉ là một? Theo hiểu biết hạn hẹp của cá nhân tôi thì không thể hiểu 3 khái niệm trên là một được (ngay chính PGS Nguyễn Đăng Điệp sau đó cũng đã có ý thức phân chia thơ Việt Nam sau 1975 thành “hai chặng đường thơ” gồm: thơ giai đoạn 1975-1985 và giai đoạn sau 1986). Đặc biệt với khái niệm “thơ đương đại”, đây là khái niệm vốn có phạm vi và nội hàm không ổn định. Khái niệm này nếu PGS Nguyễn Đăng Điệp sử dụng vào thời điểm năm 2006 sẽ hoàn toàn khác với khi PGS Nguyễn Đăng Điệp sử dụng trong thời điểm hiện tại (năm 2014).

Từ đây có thể nói, nếu “thơ sau 1975”, “thơ ca thời đổi mới” và “thơ đương đại” không phải là một thì không thể có chuyện “muốn hiểu được những đổi mới thi pháp thơ sau 1975, nhất là thơ ca thời đổi mới, tôi nghĩ, trước hết cần phải nhập được vào mã ngôn ngữ của thơ đương đạinhư PGS Nguyễn Đăng Điệp khẳng định (chỗ in đậm là do chúng tôi nhấn mạnh).

2. Tiếp theo, cũng trong phần “Quan điểm tiếp cận”, PGS Nguyễn Đăng Điệp viết: “Sự đa dạng về phong cách và sự phong phú về giọng điệu là đặc điểm nổi bật của thơ Việt sau 1975. Nếu trước đây, Tố Hữu và Chế Lan Viên được coi là những người lĩnh xướng của thơ ca kháng chiến thì sau 1975, hiện tượng này không xuất hiện trở lại”.

Nhận xét: Trước hết, chúng tôi tôn trọng quan điểm cá nhân của PGS Nguyễn Đăng Điệp qua nhận định trên. Tuy nhiên, để chứng minh cho quan điểm này, PGS Nguyễn Đăng Điệp chỉ so sánh với thơ ca kháng chiến (chúng tôi hiểu là thơ ca giai đoạn 1945-1975 ở miền Bắc) thì e rằng rất khó thuyết phục. Thiển nghĩ muốn thấy và hiểu được những đổi mới về thi pháp của thơ Việt Nam sau 1975 cần phải đặt nó trong toàn bộ tiến trình thơ Việt Nam hiện đại để xem xét. Nghĩa là ở đây muốn thuyết phục người đọc, PGS Nguyễn Đăng Điệp cần mở rộng đối tượng so sánh (với thơ Việt Nam giai đoạn 1930-1945 đặc biệt là với thơ giai đoạn cùng thời 1945-1975 ở miền Nam Việt Nam) thì may ra mới đủ cơ sở để kết luận (và như vậy thì mới cho thấy “cái nhìn toàn cảnh”).

Ngoài ra, khi nói về phong cách của một nhà thơ thì thử hỏi, liệu sau 1975 đến nay có bao nhiêu nhà thơ đã xác lập được phong cách riêng để góp vào điều mà PGS Nguyễn Đăng Điệp gọi là “đa dạng về phong cách”? Trước năm 1945, trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân tuy rất “trực cảm” nhưng đã có một kết luận nói lên “sự đa dạng về phong cách và sự phong phú về giọng điệu” của các nhà thơ trong phong trào Thơ mới rất độc đáo:

“ Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên và thiết tha, rạo rực băn khoăn như Xuân Diệu.” (Thi nhân Việt Nam).

Từ đây, theo tôi nếu PGS Nguyễn Đăng Điệp cho rằng thơ Việt Nam sau 1975 “đa dạng về phong cách và phong phú về giọng điệu” thì không thể chỉ có so sánh với thơ Tố Hữu hay Chế Lan Viên giai đoạn 1945-1975 được. Muốn đưa ra kết luận này, theo tôi, cần đầu tư thời gian để khảo sát tư liệu trên tinh thần khoa học, khách quan và thận trọng chứ không thể chỉ bằng một hay một vài thao tác so sánh đơn thuần như thế được.

3. Tiếp theo trong phần “Các khuynh hướng nổi bật”, PGS Nguyễn Đăng Điệp chia thơ Việt Nam sau 1975 thành 4 xu hướng chính như sau: 1. “Xu hướng viết về chiến tranh qua những khúc ca bi tráng về số phận của dân tộc”; 2. “Xu hướng trở về với cái tôi cá nhân, những âu lo của đời sống thường nhật”; 3. “Xu hướng đi sâu vào những vùng mờ tâm linh đậm chất tượng trưng siêu thực; 4. “Xu hướng hiện đại (và hậu hiện đại)”.

Nhận xét: Qua cách làm trên, có thể thấy PGS Nguyễn Đăng Điệp không có sự thống nhất về tiêu chí khi tiến hành phân loại “các xu hướng nổi bật” của thơ Việt Nam sau 1975. Ở 3 xu hướng đầu, PGS Nguyễn Đăng Điệp chủ yếu căn cứ vào “nội dung phản ánh” của thơ để phân loại thì với xu hướng cuối cùng ông lại xuất phát từ sự thay đổi về hệ hình (“thơ hiện đại” và “hậu hiện đại”). Trong một hệ thống, cách phân chia và gọi tên như thế này mặc nhiên người đọc sẽ hiểu xu hướng cuối cùng sẽ loại trừ 3 xu hướng trước đó. Vậy phải chăng, “xu hướng thơ hiện đại hay hậu hiện đại” ở Việt Nam sau 1975 sẽ không mang những nội dung ở 3 xu hướng trước đó và ngược lại?

Thật ra, ở góc nhìn tiếp nhận thì việc phân chia, gọi tên các xu hướng như trên của PGS Nguyễn Đăng Điệp không phải không có cớ sở (nói cho cùng đó cũng là một quan điểm, một cách nhìn của cá nhân nhà nghiên cứu). Tuy nhiên, vấn đề là phải trên cùng một tiêu chí để đảm bảo tính hệ thống và tính logic của vấn đề.

Do không có sự thống nhất trong tiêu chí nên việc phân chia và gọi tên các xu hướng thơ Việt Nam sau 1975 của PGS Nguyễn Đăng Điệp như trên là khá lung tung và rối rắm. Ngoài ra, việc thuyết minh các xu hướng thơ sau 1975 cũng không cho thấy ông đã “nhập vào mã ngôn ngữ thơ” để tìm hiểu và lý giải (vấn đề mà PGS Nguyễn Đăng Điệp đã nêu ra ở phần “quan điểm tiếp cận”) mà chỉ dựa trên quan điểm xã hội học là chủ yếu.

4. Trong phần “Những động hình ngôn ngữ mới”, ngay ở tiểu mục nhỏ đầu tiên PGS Nguyễn Đăng Điệp có đưa ra một nhận định về “loại hình ngôn ngữ nổi bật” của thơ Việt Nam sau 1975 là: “ngôn ngữ đậm chất đời thường”.

Nhận xét: Thiển nghĩ những ai quan tâm đến vấn đề ngôn ngữ thơ sẽ thấy vấn đề “ngôn ngữ thơ đậm chất đời thường” xuất hiện trong vô số các bài viết, các luận văn, luận án (từ sinh viên đại học cho đến những học viên cao học và nghiên cứu sinh) về bất cứ nhà thơ từ cổ chí kim ở Việt Nam. Tôi từng thấy có người nói về “ngôn ngữ thơ đậm chất đời thường” của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Tản Đà, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Nguyễn Duy hay như Bùi Chí Vinh với hai câu thơ mà PGS Nguyễn Đăng Điệp đã dẫn ra để minh họa: “các em thất tiết nhiều hơn trước/bộ ngực nào cũng nhuốm phong sương.”

Nói điều này để thấy rằng, nếu nói ngôn ngữ thơ Việt Nam sau 1975 “đậm chất đời thường” với ý nghĩa là một “động hình ngôn ngữ mới” thì cần một sự xác lập, minh định phạm vi và nội hàm ngữ nghĩa của khái niệm “đậm chất đời thường”. Hay ít ra cần cho thấy “ngôn ngữ đậm chất đời thường” trong thơ thời trung đại khác với “ngôn ngữ đậm chất đời thường” thời hiện đại (hậu hiện đại) như thế nào; “ngôn ngữ đậm chất đời thường” trong thơ sau 1975 khác với thơ giai đoạn 1930-1945 và thơ giai đoạn 1945-1975 như thế nào… Nếu không thì những kết luật như thế này rất dễ rơi vào sự trừu tượng, chung chung hay nói… cho có mà thôi.

5. Cuối cùng, nhìn chung với “Thơ Việt Nam sau 1975 – từ góc nhìn toàn cảnh” có thể thấy, dù PGS TS Nguyễn Đăng Điệp có “tham vọng” và nỗ lực nhìn “toàn cảnh” thơ Việt Nam sau 1975 từ góc nhìn thi pháp. Tuy nhiên, đọc toàn bài viết chúng tôi nhận thấy về cơ bản vẫn là cách tiếp cận vấn đề theo quan điểm xã hội học chứ không phải thi pháp học nhất là thi pháp về ngôn ngữ, giọng điệu thơ… Chính vì bị chi phối bởi quan điểm xã hội học nên khi lý giải nguyên nhân dẫn tới “sự thay đổi sâu sắc về tư duy nghệ thuật” của thơ giai đoạn này, PGS Nguyễn Đăng Điệp vẫn chưa thoát khỏi câu “văn mẫu” của những người làm công tác tuyên giáo (thường hay phát biểu trong các hội thảo) nhằm “kết tội” nền “kinh tế thị trường”:

“Không thể phủ nhận một thực tế là cơ chế kinh tế thị trường đã làm cho cuộc sống khởi sắc hơn, nhưng mặt khác, con người dường như sống với nhau lạnh lùng hơn, mối quan hệ giữa các cá nhân trong xã hội lỏng lẻo hơn (…). Điều đó dẫn tới sự thay đổi sâu sắc về tư duy nghệ thuật thơ giai đoạn này qua ba điểm đáng chú ý sau đây…”.

Tóm lại, có thể thấy có không ít nhận định của ông trong bài viết này khá chung chung và cũ kỹ, vì thế, nhìn chung bài viết vẫn chưa cho người đọc thấy những đổi mới về quan niệm, “về tư duy nghệ thuật, về khuynh hướng thẩm mĩ, về bút pháp và ngôn ngữ” của các nhà thơ Việt Nam sau 1975 cụ thể như thế nào.

——————-

Nguồn tham khảo:

Nguyễn Đăng Điệp – Thơ Việt Nam sau 1975 – từ cái nhìn toàn cảnh” http://nguyentrongtao.info/2014/10/26/tho-viet-nam-sau-1975-tu-cai-nhin-toan-canh/

Và: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tho-viet-nam-sau-1975-tu-ci-nhn-ton-canh/

CT, 11/11/2014

Q.H.N

Comments are closed.