(Thời biến đổi gien)
Kỳ 4
Bùi Ngọc Tấn
Ăn đói mặc rách, các con tôi cứ lớn lên, cứ là học sinh giỏi, ba đứa đỗ đại học. Riêng Giáng Hương, quán xuyến mọi việc trong gia đình, ít có thời gian học tập, chỉ đỗ cao đẳng.([1]) Chúng là tất cả cuộc sống của tôi, là những gì tôi phải cố lo toan trong khi mình bị nhấn chìm và chỉ là một thứ phó người. Sự trưởng thành của chúng còn như một thách thức những người mà tôi có thể chỉ đích danh, sau khi bỏ tù tôi còn muốn vợ chồng tôi ngồi vỉa hè vá xe đạp, bán nước chè chén, các con tôi bơm xe hay móc túi. Mỗi thành công của vợ chồng tôi, của các con tôi đều nằm ngoài ý muốn của họ. Các con tôi đều là những người tử tế, những người lương thiện. Vâng. Chúng đều tử tế và lương thiện. Đó là niềm tự hào của vợ chồng tôi.
Rồi chúng lấy vợ lấy chồng.
Giáng Hương là đứa xây dựng gia đình đầu tiên. Buổi tối sau khi nhà trai đến đón dâu, gian phòng hai mươi mét vuông gắn bó cùng tôi bao nhiêu năm, quen thuộc từng miếng vôi tróc trên tường, từng tia nắng chiếu qua cửa sổ chênh chếch di chuyển theo mùa bỗng nhiên trống hơ trống hoác. Tôi khóc. Giáng Hương không còn trong nhà tôi nữa. Giáng Hương đã được hoài thai từ đây, tập đi từ đây, lớn lên từ đây. Đã đưa đôi vai non nớt của mình chia xẻ gánh nặng cuộc sống với chúng tôi từ đây. Từ nay tối tối lên giường nằm ngủ, không nhìn thấy Giáng Hương tắt đèn rồi sau đó bóng con gái vén màn bước vào và nằm xuống sàn. Bao giờ Giáng Hương cũng là người đi ngủ sau cùng và là người dậy sớm nhất nhà, vào bếp, nhồi mùn, nấu cơm, chuẩn bị bữa sáng. Để đến khi cả nhà dậy đã có cơm ăn, rồi mỗi người một phương, con cái đi học, bố mẹ đi làm. Những bữa cơm ăn trong đèn dầu lúc mờ sáng. Cũng có khi là cơm hâm tuỳ theo giờ làm việc ở cơ quan hay xí nghiệp. Cho cơm nguội vào sanh, lấy muôi miết cơm vào đáy sanh, chiếc sanh nhôm nhà tôi đáy bằng đã có đáy hình quả dưa từ những nhát miết ấy của Giáng Hương khiến tôi nhớ đến câu thơ của ai đó viết về độ dài của cuộc chiến tranh ở nước ta: Khẩu tiểu liên đã mấy lần ngắn lại.
Giáng Hương là đứa thay đổi nhiều nhất trong bốn đứa con tôi, sau khi tôi ra tù. Không còn là con bé con leo lẻo cái mồm, đôi mắt chứa đựng cả bầu trời đầy ắp niềm vui. Đứa bé biết được mọi người yêu quý, lúc nào cũng dang hai tay sẵn sàng đón nó vào lòng, nó chỉ cần tỏ một ý gì đó là tôi làm theo, như kể chuyện, như đèo đi chơi, đi uống cà phê…
Đã đành sau năm năm, không còn là một con bé con lên tám, nhưng nó cũng không phải là đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn cùng những đặc điểm của lứa tuổi, cởi mở, hồn nhiên. Giáng Hương đã già đi với lòng thương xót, với những suy nghĩ về trách nhiệm của đứa con gái lớn trong gia đình khi tai hoạ ập xuống, khi bố mẹ sa xuống vực sâu. Ngón đòn giáng vào tôi trông thấy nhỡn tiền sức nặng in trên thân hình con gái. Biến mất tăm rồi nụ cười và tiếng thỏ thẻ của con bé trước khi tôi đi tù: “Con với bố là đôi bạn tí teo nhỉ, bố nhỉ…”
Một núi việc không tên chất lên vai Giáng Hương. Chỉ một chuyện xếp hàng mậu dịch thôi đã là một cố gắng phi thường. Nấu cơm. Giặt giũ. Thức khuya học bài. Nửa đêm lấy nước.
Mẹ sinh em bé được mấy ngày đã phải lên công an nghe hỏi cung, ở nhà Giáng Hương 9 tuổi pha sữa cho em bé ăn, bế em đi quanh buồng dỗ cho em nín. Theo mẹ lên trường, Giáng Hương trông em, thay tã lót cho em, mò cua tát cá… Đêm đêm nằm cạnh mẹ, biết mẹ khóc thầm, nước mắt chẩy lặng lẽ, nhưng không một tiếng sụt sịt, không một tiếng thở dài, Giáng Hương ôm lấy mẹ. Và cùng mẹ từ Vĩnh Phú trở về Hải Phòng, chia xẻ với mẹ nỗi nhục nhã khi bị đuổi học cùng sự vất vả dọc đường.
Tôi quặn lòng thương con gái cái đêm sau Tết cùng mẹ mang nặng, lang thang trên đường phố Hà Nội tìm chỗ ngủ:
– Bây giờ đi đâu hở mẹ?
Và bảo mẹ khi mẹ muốn mang đỡ túi tắm trên vai:
– Con mang được. Con chỉ buồn ngủ quá.
Tôi thương con gái khi nó theo chị dâu tôi vào trại giam Trần Phú tìm tôi. Mấy tháng trước nó còn nằm trên giường, bé bỏng, trèo lên người tôi, đòi tôi kể chuyện. Nó nghĩ gì khi không thấy bố mà chỉ thấy cánh cửa sắt nhà tù?
Tôi nhớ những ngày Giáng Hương mới lên ba lên bốn, đi làm về, ngồi trên xe đạp, ngước nhìn lên cửa sổ căn buồng tôi ở — bao giờ đi đâu về tôi cũng ngước mắt nhìn lên đó, nơi có phơi những chiếc khăn mặt, những “tã trắng chưa khô”, những quần những áo bé xíu của các con tôi để gặp những thân yêu của tôi trước khi lên thang — và thấy Giáng Hương đứng ngoài ô văng, dựa vào cái chum sành con con đựng nước, vỗ tay reo:
– A! Bố về! Bố về!
Tôi sợ toát mồ hôi. Chỉ cần cháu sểnh chân là rơi từ tầng 2 xuống đất! Tôi biết không được làm cháu hốt hoảng, sợ hãi, chỉ cười:
– Chờ bố nhé. Ngoan quá. Đứng yên đấy chờ bố nhé.
Dựng xe ở sân sau, tôi lao lên thang gác với những bước sải dài, không một tiếng động, vào buồng chìa tay đón con. Con gái tôi toe toét cười, nhẩy đu lên cổ tôi, lao vào vòng tay ghì chặt của tôi.
Những ngày hậu tù, dán hộp giấy cho công ty vợ tôi, Giáng Hương cùng anh trai Bùi Ngọc Hiến, hai anh em kéo xe bò các-tông nặng lặc lè từ kho về nhà rồi kéo hộp đã dán giao cho công ty, chẳng nhìn thấy con đâu mà chỉ thấy chồng hộp cao ngất đu đưa rồi đổ nghiêng lăn lóc trên đường.
Thời gian bốc vác ngoài cảng, cả buổi kéo, lôi, vác những bao phân đạm nặng cả tạ, mệt, đói, khi tiếng kẻng nghỉ trưa vang lên, tôi lảo đảo đi về cổng cảng, để thấy con gái tôi bé con con, áo bông xanh sĩ lâm, chít khăn tu hú xo ro với chiếc cặp lồng cơm đứng chờ trong gió mùa đông bắc bên ngoài chiếc cửa sắt lăn trên đường ray như một thứ ba-ri-e:
– Bố…
Đưa qua cửa cặp lồng cơm, chừng như thấy vẻ mệt nhọc lam lũ của tôi, Giáng Hương hỏi:
– Vất vả lắm hở bố?
– Vất vả nhưng bố vui. Mẹ về chưa?
– Mẹ đi làm về rồi. Con về đây, bố ạ.
Tôi nhìn theo con gái tôi bé bỏng lũi cũi đi một quãng trên con đường Trần Khánh Dư bụi bậm rồi mới xách cặp lồng cơm về ăn ở cầu tầu.([2])
Tôi nhớ đến những ngày Giáng Hương đi bốc cá. Ngày ấy tôi đã được ông Hoàng Hữu Nhân xếp cho đi làm ở Quốc Doanh đánh cá Hạ Long. Ngày ấy Giáng Hương đã là thiếu nữ, đã tốt nghiệp trung cấp sư phạm, đang chờ phân công công tác. Giáng Hương muốn làm một việc gì đó kiếm tiền đỡ đần bố mẹ. Tôi làm đơn xin xí nghiệp cho Giáng Hương được vào bốc cá. Tất nhiên xí nghiệp ủng hộ.
Buổi đầu tiên con gái tôi đi làm là thuộc ca chiều trên một con tầu Na Uy 600 mã lực, một tầu ướp đá nhưng có máy lạnh chạy hỗ trợ. Ca chiều làm từ 2 giờ, 10 giờ đêm tan, 11 giờ về đến nhà. Chúng tôi chờ tiếng chân lên thang của Giáng Hương. Cháu Hiến sẵn sàng xuống thang, vác xe đạp cho em gái. Cả nhà không ngủ. Cả nhà mở cửa thức đợi Giáng Hương. Đã 12 giờ. Rồi 1 giờ. Chưa thấy tiếng chân nào ở cầu thang. Chúng tôi lo. Nhưng vẫn nghĩ có thể còn một ít cá dưới hầm, tổ bốc cá làm cố. Nhưng 2 giờ. Tới 3 giờ. Và trời rạng dần. Tôi ngồi nhìn ra cửa sổ, cái cửa sổ năm nào Giáng Hương đứng ngoài ô văng dựa vào chum nước reo to: “A! Bố về!” Đã nhìn thấy ánh hồng ở chân trời — ngày ấy chưa có những nhà xây cao chen chúc khắp nơi, từ cửa sổ nhà tôi có thể nhìn thấy những con tầu nhả khói ở Cảng chính cũng như phóng mắt tới nhà máy điện Cửa Cấm — tôi lo quá, không còn hiểu chuyện gì xẩy ra nữa. Có thể đêm qua con tôi đã về. Một mình đạp xe trong đêm khuya vắng, xẩy ra chuyện gì dọc đường chăng?
Trời sáng hẳn. Những cành lá và những chùm hoa phượng trên con đường xuống xí nghiệp hiện rõ trước mắt, con đường con gái tôi sẽ đạp xe về. Tôi giục cháu Hiến xuống xí nghiệp xem em ra làm sao. Thì Giáng Hương về. Nghe tiếng líp xe, tiếng xe dựng vào tường bên dưới, chúng tôi xô ra cửa. Thức trắng đêm, làm việc thông từ hai giờ chiều hôm trước tới sáng hôm sau, con gái tôi nét mặt tươi rói, xách túi cá nặng vào nhà. Chúng tôi xúm lại quanh chậu cá Giáng Hương vừa đổ ra. Cá đầy cắn miệng chiếc chậu nhôm Liên Xô tôi làm miến thất bại vẫn dùng làm chậu giặt. Phải đến chục cân. Cá của chị em tổ bốc thì toàn cá ngon rồi. Những con cá khế, cá bạc má còn nguyên sắc óng ánh hai bên lườn. Có cả mấy con cá cam. Vợ tôi giục Giáng Hương rửa mặt rồi đi ngủ, nhưng nào con tôi ngủ được. Niềm vui giúp được bố mẹ làm Giáng Hương quên cả mệt nhọc.
– Nhà ăn con nào hở mẹ. Để con đi gọi bà Mùi.
Bà Mùi là bà bán cá ở Ngã Sáu. Từ ấy bà Mùi là người thân của gia đình tôi. Không có văn chương nữa, tôi có bà Mùi. Bà Mùi với vẻ chân chất, răng nhuộm đen, môi đỏ vôi trầu, mùa hè chiếc áo cánh trắng ngả mầu nước dưa, mùa đông chiếc áo len xanh xác xơ với đôi má hóp dăn deo, cách nói chất phác và nụ cười làm ta tin ngay, đã lên nhà tôi trả tiền, nhận cá hôm ấy và nhiều ngày sau nữa. Bà đã kể cho chúng tôi nghe bao chuyện về cuộc sống của những người bám lấy vỉa hè.
Bà Mùi đã mất. Giáng Hương cũng đã bặt tiếng gần chục năm rồi. Không biết hai bác cháu có gặp nhau ở bên kia thế giới không? Sống lam lũ, vất vả cực nhọc và một tí tẹo sung sướng với những niềm vui nhỏ bé giành giật được. Rồi ra đi. Chỉ còn trong trí nhớ, trong xót thương của những người thân yêu ruột thịt và biến mất hoàn toàn khi những người thương xót mình cũng không còn nữa.
Giáng Hương đi bốc cá suốt mùa hè năm ấy. Và bỗng nhiên Giáng Hương hồn nhiên ngây thơ như những ngày nào:
– Bố ạ. Đang bốc cá mà buồn đi giải, con với các bà ấy cứ đi ngay dưới hầm thôi. Tầu Việt Xô đông lạnh đi giải vào băng cá nó đông ngay bố ạ.
Một lần Giáng Hương bị ngã xuống sông, giữa hai tầu. Luồng nước chẩy giữa các tầu áp mạn bao giờ cũng tạo nên một dòng xoáy, hút xuống dưới sâu, có khi tận đáy tầu. Thật may người ta vớt được Giáng Hương ngay. Cũng bởi con tôi không giắt cá vào người nên còn quẫy cựa chống cự được với luồng nước xoáy.
Những ngày có tầu về bến, ngồi trong khu văn phòng, tôi biết trong đám chị em bốc cá quần áo bảo hộ lao động dầy cộp, ủng cao su tới đầu gối lệt sệt, găng tay bảo hộ lao động ướt sũng, mũ bông bịt kín, gò má ửng đỏ vì lạnh, người lúc nào cũng toả ra mùi cá ủng đang làm việc ngoài cầu cảng, có Giáng Hương, con gái chịu thương chịu khó của tôi. Và kết thúc một ca hay một ngày làm việc, bao giờ cái chậu nhôm làm miến thất bại khi tôi ra tù cũng đầy cá tươi ngon. Cũng cần nói rõ hơn là tiêu chuẩn mỗi người trong tổ bốc là mấy cân cá đó, nhưng ai cũng được nhiều gấp đôi gấp ba số cá tiêu chuẩn. Giáng Hương thuộc số người chấp hành nội quy tốt nhất. Không giắt cá vào người. Không có những túi vải dài may thành từng ô nhỏ để giắt cá như những băng đạn rồi quấn quanh đùi, quấn quanh người như những người bốc cá chuyên nghiệp lâu năm khác. Giáng Hương chỉ giắt hơn chục con cá nục hay bạc má vào đôi găng tay bảo hộ và nhặt vào túi vải lượng cá gấp đôi lượng cá tiêu chuẩn thế là cũng được non chục ki lô rồi. Tất cả đều giao cho bà Mùi.
Cuộc sống của chúng tôi cải thiện rõ rệt. Vợ tôi dành dụm mua được hai chỉ vàng bằng tiền bán cá của Giáng Hương. Với hai chỉ vàng ấy, tôi gửi tầu cá chở hàng đi Hồng Kông mua về cho tôi chiếc tivi Tam Dương 12 inch đen trắng — nhờ đó tôi được xem cảnh Ceaucescu bị bắn, — những chiếc áo rét cho Giáng Hương và Hải Yến và cả một cái cát-xét hai cửa băng.
– Giáng Hương là người mẹ thứ hai trong gia đình.
Bùi Ngọc Hiến nói như vậy về em gái.
Giáng Hương lấy chồng, căn buồng rỗng hẳn đi. Con tôi non nớt, tốt bụng, thương người, dịu dàng, xởi lởi, nhường nhịn không còn trong đôi tay che chở của tôi nữa. Nó đã bước vào đời. Cuộc đời biết bao bất trắc. Cái gì chờ đợi con gái? Cầu mong con gặp những điều tốt lành. Khi Hải Yến kết hôn, tôi cũng có cảm xúc ấy nhưng đã quen rồi. Không bị sốc nữa. Đành rằng mừng cho hạnh phúc của con, nhưng cuộc đời này những điều tốt đẹp rất ít mà đầy khó khăn và cả hiểm nguy. Nhất là điểm xuất phát của chúng lại là con một tù chính trị.
Năm 1985, đúng một giáp sau khi tôi được tha, một sự kiện lớn lao đến với gia đình tôi. Bố tôi mất. Một điều tôi chưa bao giờ nghĩ đến.
Đêm cha tôi ra đi ấy nóng khủng khiếp. Cả gia đình tôi, nghĩa là vợ chồng tôi và bốn đứa con lăn lóc trên sàn nhà, không màn. Phục vụ chúng tôi là mấy cái quạt ghẻ lờ đờ gửi tầu cá mua được ở Hồng Kông, thứ vất đi ở bãi rác, niềm mơ ước của bao người. Còn đang ngái ngủ, có tiếng chân lên thang gấp gáp và tiếng đập cửa dồn dập. Tiếng lên thang, tiếng đập cửa bất bình thường vào lúc còn tinh mơ khiến tất cả chúng tôi giật mình, nhỏm dậy hoảng hốt. Kiểm tra hộ khẩu phải là nửa đêm. Lại bắt bớ nữa hay sao?
Tôi sợ hãi ra mở cửa.
Thằng Toàn, thằng cháu con anh Thành tôi báo một tin rụng rời:
– Ông mất rồi!
– Ông mất đêm qua. Sáng nay bác Châu mới cho người ra báo tin được…
Tôi không nghe thấy gì nữa. Chỉ hiểu rằng một tai họa ghê gớm đã ập xuống đời tôi. Một khoảng trống vô tận mở ra trước mắt tôi. Một khoảng trời sập ngay trên đầu tôi. Dựa lưng vào cửa, nhìn xuống cầu thang, nơi sắp bước qua để trở về với bố, tôi rên khe khẽ:
– Khổ thân ông…
Cha tôi suốt đời là một người lương thiện, cha tôi luôn đối xử tốt với mọi người. Vì sao cha tôi lại chết, trong khi bao kẻ bất lương, lừa đảo, bao tên độc ác sát nhân lại vẫn còn sống? Sống khỏe, sống lâu, sống dai, sống sung sướng??? Sống ác độc và miệng luôn giảng dạy về điều thiện!?
Sau này tôi được biết trong buổi chiều nóng như thiêu hôm trước, cha tôi vẫn làm vườn, rồi vo gạo rửa rau cho mẹ tôi nấu — mẹ tôi bị ngã, chân đau, đi lại khó khăn. Tắm rửa, ăn cơm xong, hai cụ còn ăn chè hạt sen do anh Châu, anh cả tôi ở liền bên biếu hai cụ. Ăn xong, mắc màn cho mẹ tôi rồi cha tôi đi nằm và không trở dậy nữa. Chưa bao giờ tôi nghĩ cha tôi chết. Cha tôi còn khỏe. Hì hục cuốc cuốc xới xới tưới tắm ngoài vườn suốt ngày. Vẫn có thể đạp xe mười cây số. Ăn uống kham khổ nhưng rất điều độ. Sáng nào cũng mở vung nồi cơm nguội đặt trên bức tường lửng trước bếp, xúc đúng ba thìa, đứng nhai rồi ra vườn làm việc.
Đạp xe trên đường về nhà, tôi thấm thía với ý nghĩ mình là cái ách quàng vào cuộc sống bố mẹ. Tôi là thằng con khốn nạn. Không làm được một việc cỏn con báo hiếu nào. Ngược lại còn gây cho cha mẹ bao lo lắng phiền muộn, vất vả, nhục nhã. Khi thằng con út của hai cụ là tôi bị bắt, nhìn đứa con dâu bé bỏng, đau khổ, nhìn lũ cháu ngây thơ, lòng mẹ cha hẳn bao thương xót. Không có gì cho con dâu thì gói mấy bánh thuốc lào trồng ngoài vườn để con dâu đem ra phố bán, thêm tiền đi tiếp tế cho con trai. Nhường cơm, nhường thức ăn cho cháu. Quạt cho cháu cả đêm. Ngơi quạt là giẫy. Đan mũ rơm cho cháu đi học. Thương cháu, lo cho cháu, ông đi cùng cháu xuống cuối huyện, đến tận nơi tập trung, giao cháu cho cô giáo bồi dưỡng thi học sinh giỏi. Rồi khi cháu nhớ nhà quá, bỏ về, ông lại khuyên nhủ, động viên rồi cùng cháu vượt hơn chục cây số đến địa điểm tập trung. Đẵn tre cho cháu mang tới trường làm hầm kèo. Cắt tóc cho cháu. Con cháu, họ hàng biếu đồng quà tấm bánh lại nhường cháu. Đứa nào chẳng thích ăn chung na với ông với bà, vì chúng được ăn gần như cả quả.
Tôi nhớ bữa ăn cuối cùng của tôi với cha tôi. Không. Không thể nào quên được bữa ăn đó. Vào đầu tháng Ba âm, ba tháng trước, khi chúng tôi về quê thanh minh. Bữa ăn có bốn người. Bố mẹ tôi và vợ chồng tôi.
Bao giờ thấy con cái về, bố mẹ tôi cũng vui. Cuộc sống của hai ông bà già hiu hắt giữa một mảnh vườn, một căn nhà mà tiếng động duy nhất là tiếng gió, tiếng lá rụng, tiếng chân con chó già uể oải đi từ trong nhà ra ngoài hè để đổi chỗ nằm. Tôi không nhớ hôm thanh minh ấy có mang được chút quà nào cho bố mẹ không. Chỉ nhớ có miếng thịt mồi và một đĩa cơm nếp vợ tôi chuẩn bị sẵn ở Hải Phòng. Một đĩa hoa và một cút rượu trắng con con. Và vàng hương. Tôi đạp xe. Vợ tôi ngồi sau ôm làn đựng đồ cúng.
Sau một tuần trà với bố, vợ chồng tôi đèo nhau ra khu Sáu Đường, khu đất cao giữa cánh đồng lúa có tên gọi là ổ Tép, nơi yên nghỉ ông bà tôi. Đây là nơi mà khi còn bé, đứng ở cổng nhìn ra thấy xa mịt mù, và tôi cũng đã một hai lần cùng anh Chương tôi đến đó tìm cỏ mật, biết bốn góc mảnh đất xây lăng ông nội trồng bốn cây có lá nhỏ mềm và quả giống như quả đỗ ván.
Những cây ấy biến mất từ bao giờ rồi. Cỏ mật cũng không còn nữa. Chúng tôi hạ mâm, đặt đồ lễ đơn sơ lên mâm trước lăng ông nội, thắp hương cắm lên mộ ông bà và các mộ chung quanh. Tàn tuần nhang, trở về nhà, mẹ tôi đã nấu xong cơm.
Bữa cơm hôm ấy có món rau dền tía luộc, nước rau đánh dấm me với lá lốt thái nhỏ, một món ăn tôi rất thích, một đĩa cá kho và mấy miếng thịt mỡ, từ mâm cúng thanh minh của chúng tôi. Ăn mà không biết đây là bữa cuối cùng được ngồi ăn với bố.
Giờ đây bố mẹ tôi đã mất, bữa cơm hôm ấy đóng đinh vào trí nhớ tôi như cái mốc của sự tan rã bắt đầu.
Khi tôi về đến nhà, trong nhà ngoài sân đã đông người. Bố tôi nằm một mình trong màn trên cái giường tôi đã ăn bữa cơm cuối cùng với bố gần cửa sổ, nhìn ra vườn sau. Bố đắp một cái chăn can bằng vải vụn cũ, im lặng trong màn, xa lánh với tất cả. Tôi vén màn nhìn bố. Không phải bố nữa rồi. Bố không nằm như thế khi con về. Bố không im lặng như thế khi họ hàng con cháu đến nhà. Mọi người nhìn tôi. Anh Cả tôi rống lên:
– Bố mất rồi!!!
Anh Bùi Văn Nghiêm, trưởng họ nói:
– Ông Tấn thương cụ nhất, để ông Tấn đặt cái bùa này cho cụ.
Tôi đỡ lấy cái bùa, một miếng giấy bản đã được xoắn vặn lại. Và run run chạm vào đôi môi lạnh mềm của bố, tách ra, đặt vào miệng bố. Giữa hai môi bố là những lớp bọt nhỏ li li xếp chồng lên nhau che kín hàng răng đã rụng nhiều chiếc. Tôi hiểu bố không còn là bố nữa. Bố đang là một sự phân hủy.
Để bố nằm trong màn, tôi ra ghế ngồi nghe anh cả tôi bàn công việc. Tôi vốn là út, mọi công việc đã có các anh lo. Nghe đấy mà chẳng hiểu gì. Nắng tháng Sáu. Chang chang. Tất cả những gì trong nhà, ngoài sân đều có dấu vết bàn tay bố, sự chăm sóc của bố. Cây bưởi đầu nhà, một cành đội lên hai quả tròn to, phơi ra dưới nắng hè được bố tôi đắp lên một tầu lá chuối khô cuộn khoanh lại như một cái mũ. Những cây cam quả còn xanh, đất dưới gốc được băm xới. Cái đó đơm cá để bên cạnh rãnh gần bụi tre. Và những mô đất bùn lẫn với lá tre bố moi lên từ rãnh đã khô đanh lại…Tất cả đều in dấu bàn tay bố, thấm mồ hôi của bố. Tất cả đều nói về bố. Tất cả đang chờ bố, mong bố và côi cút lối đi này, mảnh vườn này, côi cút cái rãnh nước sát bờ tre im lặng này…
Cùng với thời gian, tôi càng ngấm nỗi đau mất bố. Và một nỗi dầy vò: Sao từ tháng Ba — thanh minh — tới tháng Sáu không về thăm bố được một lần. Bố đem tuổi già ra chống chọi với tất cả. Từ công việc, miếng ăn, tới thiếu thốn, bệnh tật, nỗi mong con cháu. Chỉ cách 20 cây số mà không về với bố với mẹ được một lần. Cả đời mình chưa biếu bố mẹ được cái gì. Có, hình như là một cái nồi nhôm hay chậu tôn gì đó, vào thời gian mới chuyển về Hải Phòng, lĩnh đồng nhuận bút của tập sách Vượt Thời Gian viết về những đơn vị hoàn thành vượt mức kế hoạch. Toàn bộ nhuận bút của tập sách văn chương tổ đội ấy tôi dùng để mua nồi, sanh, chậu cho vợ chồng tôi khi mới chuyển về Hải Phòng và biếu hai cụ. Chỉ có thế. Tôi nhớ ra rồi. Còn. Còn bộ quần áo nâu trại tù Vĩnh Quang phát khi tôi được tự do. Bộ quần áo dệt bằng mồ hôi thần kinh não tủy, máu xương, nhục nhã và căm giận của 5 năm địa ngục. Tài sản duy nhất của thằng con tù đầy khổ sai 5 năm mặc về nhà rồi cởi ra biếu bố. Còn nữa: Đâu như cũng có mấy lần đèo cho bố mẹ chục cân cá ướp đá và đông lạnh mua theo tiêu chuẩn hoặc xin — thực chất là ăn cắp — được…
Sau khi bố mất, chúng tôi hiểu những ngày còn được gặp mẹ cũng không nhiều nữa.
Từng ngày từng ngày của mẹ là nhích đến cái kết thúc. Là mẹ đi theo bố. Không có cách nào níu giữ được mẹ. Mẹ bị đau chân, người phục vụ trước đây là bố. Bây giờ là anh chị cả. Mặc dù anh chị Châu là những người tuyệt vời, nhưng cũng không thể nào bằng bố, không phải vì bố khỏe hơn, chịu khó hơn mà vì bố là chồng của mẹ. Mẹ hay nằm im lặng không nói một lời, mắt nhìn vào một điểm nào đó hoặc không nhìn gì cả. Mẹ nghĩ gì? Nghĩ đến bố? Đến ông bà. Đến những đứa con đã bỏ mẹ ra đi vĩnh viễn khi còn thơ ấu và nằm lại trên đường tản cư? Đến dinh cơ của bố mẹ tòa ngang dẫy dọc thời mẹ còn trẻ đã biến thành tro bụi khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Chắc hẳn mẹ cũng nghĩ đến thời thiếu nữ của mẹ. Thời mẹ còn là một cô gái và bố là một chàng trai…
Ai mà không có một thời trai trẻ, một thời thiếu nữ. Tôi, giờ đây gần tám mươi, đêm đêm thường trở về sống trong thời niên thiếu rồi thời bắt đầu yêu, và thấy những ngày hạnh phúc thật màu qua và cuộc đời mới nhiều khổ đau làm sao và ngắn ngủi làm sao!
Mẹ mất sau bố 5 năm.
Ngày 14 tháng Giêng âm lịch. Tôi hoàn toàn trơ trọi. Đoạn tuyệt hẳn với cuộc sống còn bố còn mẹ, còn là một đứa con, còn chỗ dựa, còn một sự bao bọc, chở che.
Khi thế hệ cha anh mình mất đi, mình bỗng thấy trơ trọi. Không còn nữa cái tuyến một vẫn đứng chắn giữa mình với vô cùng, che chở cho mình bình yên sống. Mình không an toàn nữa, mình bỗng biến thành tuyến đầu. Từ nay mình nằm phơi ra trước họng súng bắn tỉa của Thần Chết.
Tôi đã viết cảm giác ấy trong tập Một Thời Để Mất, tập sách đầu tiên của tôi được in sau hơn 20 năm im lặng, khi cha mẹ tôi và Nguyên Hồng qua đời.
B.N.T.
([1]) Nguyên chuyện xếp hàng mua các thứ phiếu của mậu dịch thôi cũng đã mất bao nhiêu công sức thời gian và sự kiên nhẫn rồi. Trong một gia đình nghèo đông con, thế nào cũng có một đứa chịu thiệt thòi hơn những đứa khác.
(2) Có vẻ đây chính là một cảnh trong tập sách tôi nghĩ sẽ viết khi chuyển về Hải Phòng mô tả cuộc sống của những người lao động đã sang trang, có điều chắc chắn anh phu bốc vác phải bay lên với ý nghĩ về ngày mai, còn con bé con nhí nhảnh tràn ngập niềm vui khi đưa cặp lồng cơm cho bố, nhẩy chân sáo trên đường về nhà!
(Xem tiếp kỳ sau)