Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ miền Nam (kỳ 86): Lam Phương: Khóc Thầm (tức Một Kỷ Niệm)

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2019)

clip_image001

clip_image002

clip_image003

clip_image004

Khóc Thầm (tức Một Kỷ Niệm) – Sáng tác: Lam Phương

Trình bày: Hoàng Oanh (Pre 75)

Nghe thêm:

Hoài Nam – 70 Năm Tình Ca (36) – Lam Phương

Đọc thêm:

Nhạc sĩ Lam Phương

Lam Phương (sinh 20 tháng 3 năm 1937), tên thật Lâm Đình Phùng, là một nhạc sĩ tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam với gần 160 tác phẩm.

Lam Phương sinh ra ở làng Vĩnh Thanh Vân, quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá (hiện nay là phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang). Nội tổ của ông vốn là người gốc Hoa, bỏ nước sang Việt Nam lập nghiệp trong đợt di dân ồ ạt của người Hoa chống đối với nhà Mãn Thanh. Đời ông nội của ông đã bắt đầu lai Việt Nam và đến đời cha của Lam Phương thì chẳng còn dấu vết gì là người Hoa nữa. Lam Phương là con đầu lòng, lớn lên với mẹ và năm người em trong cảnh nghèo nàn xác. Cha ông đã bỏ đi theo người đàn bà khác từ lúc ông còn nhỏ.

Năm 10 tuổi, mẹ gửi ông lên Sài Gòn học, sống ở nhà người bác ruột. Ông bắt đầu tự mày mò học nhạc, rồi may mắn được nhạc sĩ Hoàng Lang và nhạc sĩ Lê Thương chỉ dẫn. Ca khúc đầu tay của ông là bài Chiều thu ấy, viết vào năm 15 tuổi. Ông vay tiền của bạn bè để mướn nhà in in nhạc, sau đó thuê xe chở nhạc đi bán lẻ khắp Sài Gòn. Thời gian đầu sáng tác, ông gặp rất nhiều khó khăn về tài chính khi thường xuyên phải vay tiền những người bạn của mình để tự phát hành các tác phẩm âm nhạc. Thành công với tác phẩm đầu tay, Lam Phương càng miệt mài sáng tác. Ba năm sau, Lam Phương tung ra hàng loạt ca khúc viết về quê hương, trong đó nổi tiếng nhất là Khúc ca ngày mùa được hầu hết các trường học ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chọn để dạy cho học trò ca múa.

Bút danh Lam Phương do ông tự đặt, từ hai chữ trong tên thật của mình là Lâm và Phùng với ý nghĩa “hướng về phương trời màu xanh hy vọng”

Năm 1958, Lam Phương nhập ngũ Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trở về dân sự một thời gian thì được lệnh tái ngũ, gia nhập đoàn văn nghệ Bảo An. Sau khi đoàn này giải tán, ông tham gia ban văn nghệ Hoa Tình Thương và sau cùng là Biệt đoàn Văn nghệ Trung ương cho đến ngày Sài Gòn thất thủ.

Sáng ngày 30/4/1975, ông và gia đình lên tàu Trường Xuân để tị nạn mà không kịp mang theo tài sản gì. Sau đó, ông được chuyển đến định cư tại Virginia, Hoa Kỳ. Nhưng ông lại chuyển về Texas, rồi California. Để có tiền nuôi vợ con, Lam Phương phải làm đủ thứ nghề, từ lau sàn nhà, dọn dẹp cho hãng Sears, đến những việc nặng nhọc như thợ mài, thợ tiện,… Sau khi cuộc sống nơi xứ người dần ổn định, cứ mỗi cuối tuần ông cố gắng thu xếp thuê một quán ăn làm sân khấu ca nhạc kịch để bạn văn nghệ gặp nhau, để Túy Hồng và ông có cơ hội sống lại với nhạc kịch. Sau khi ly dị với Túy Hồng, ông rời sang Paris, Pháp. Sang đây, ông làm công cho một tiệm tạp hóa, quét dọn, đóng gói, khuân vác,… Cho đến một ngày, ông gặp được một tình yêu mới và ông đã kết hôn với người phụ nữ tên Hường, thế nhưng người này rồi cũng bỏ ông mà theo người khác.

Năm 1995, Lam Phương trở về Mỹ và kết hôn với một phụ nữ khác. Đầu năm 1999, ông bị tai biến mạch máu não và liệt nửa người. Thời gian này, ông gặp rất nhiều khó khăn nhưng cũng nhận được vô vàn tình cảm. Từ chuyện người em gái bỏ cả cửa hàng ăn bên Pháp bay sang Mỹ để chăm sóc cho anh, đến chuyện một người yêu nhạc từ bên Úc mua cho ông một căn nhà và ngày nào cũng gọi điện để bắt ông phải nói chuyện. Bà còn đến tận nơi, vứt chiếc xe lăn ra xa để bắt ông tự đi. Những tình cảm đó giúp nhạc sĩ Lam Phương đã dần bình phục, tuy nhiên không thể được như xưa.

Lần xuất hiện gần đây nhất vào tháng 8 năm 2016, ông cùng đoàn nghệ sĩ của Trung tâm Thúy Nga sang Singapore thực hiện chương trình Tình ca Lam Phương in Singapore.

Sự nghiệp


Tân nhạc

Lam Phương là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của tân nhạc miền Nam Việt Nam với gần 160 tác phẩm đã phổ biến.

Năm 15 tuổi, ông đã bắt đầu sáng tác bản Chiều thu ấy nhưng mãi đến năm 1954, ông mới nổi danh với hai bài Kiếp nghèo và Chuyến đò vĩ tuyến. Nhạc của Lam Phương trong thập niên 1950 chủ yếu là cảm xúc về cuộc di cư năm 1954 bao gồm những bài như Chuyến đò vĩ tuyến, Nhạc rừng khuya, Đoàn người lữ thứ, Nắng đẹp miền Nam; nói về quân đội Việt Nam Cộng Hòa như Bức tâm thư, Tình anh lính chiến, Chiều hành quân.

Đến thập niên 1960, Lam Phương viết rất nhiều bản nhạc nổi tiếng và đem lại cho ông những khoản lợi rất lớn về tài chính. Thời điểm đó, lương một vị đại tá quân đội cả phụ cấp vào khoảng 50 ngàn đồng tiền VNCH, lương một vị giám đốc cũng vào tầm đó trong khi nhạc sĩ Lam Phương trong một lần lên Đà Lạt biểu diễn văn nghệ, ngồi trên khu nội trú nhìn xuống thung lũng ông viết bài Thành phố buồn và bán nó với giá 12 triệu đồng. Ngoài ra còn rất nhiều bản khác như Tình bơ vơ, Duyên kiếp… khiến ông có một tài sản lớn.

Song song với việc sáng tác và biểu diễn với các ban nhạc quân đội, Lam Phương còn cộng tác với trung tâm quốc gia điện ảnh, xuất hiện trong một số phim mang chủ đề vận động cải tiến xã hội như Chân trời mới, Niềm tin mới.

Sau thời gian đau khổ với những chuyện tình của mình, nhạc sĩ Lam Phương đã lập gia đình. Thời gian đó ông viết nhiều tác phẩm vui tươi điển hình nhất là tác phẩm Ngày hạnh phúc. Bài hát được chọn làm nhạc hiệu Chương Trình Gia Binh của Đài Phát Thanh Quân đội và được người dân dùng rất nhiều trong các đám cưới. Bài hát nổi tiếng với câu hát “Đêm về nghe con khóc vui triền miên”. Tiếng con khóc ở đây là con gái đầu lòng của nhạc sĩ, cô Ánh Hằng.

Khi ở Việt Nam, nhạc sĩ Lam Phương có một tài sản rất lớn trong nhà băng. Tuy nhiên, vào sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông và gia đình lên tàu Trường Xuân để tị nạn mà không kịp mang theo tài sản gì cũng như rất nhiều người khác, ra đi với hai bàn tay trắng. Khi ở trên boong tàu, ông viết bài Con tàu định mệnh với câu hát “Khi đi thấy đường đã xa, bây giờ đường về xứ còn xa hơn ngàn lần”. Khi đến đất Mỹ, ông viết tiếp bản Mất với câu hát da diết “Sau phong ba trời thêm đen tối, lìa quê hương khi mới đổi đời”.

Nhạc sĩ Lam Phương sau khi đến Mỹ, trong hoàn cảnh khó khăn khi phải kiếm tiền bằng những công việc chân tay nặng nhọc thì không may hạnh phúc gia đình tan vỡ. Ông vô cùng đau xót và viết hàng loạt ca khúc mà tiêu đề chỉ có 1 chữ như Điên, Mất, Tiếc… Trong đó nổi tiếng nhất có lẽ là bài Lầm và Say.

Một lần nữa, ông lại trắng tay rời sang Paris, mà như ông nói rằng người ta đi tị nạn chính trị còn tôi tị nạn ái tình. Ở đây ông đã gặp được một người phụ nữ tên Hường và viết hàng loạt ca khúc vô cùng tươi vui như Bé yêu, Bài tango cho em. Điển hình là bài Mùa thu yêu đương với câu hát “Đường vào Paris có lắm nụ hồng”, hồng ở đây là xuất phát từ người phụ nữ tên Hường. Tuy nhiên cuộc tình này không đi đến đâu, nên sau cùng ông viết Tình vẫn chưa yên. Cũng trong thời gian này, ông bắt đầu cộng tác và giúp đỡ trung tâm Thúy Nga cho đến tận nay.

Kịch nói

Ngoài sinh hoạt âm nhạc, ông còn cộng tác với ban kịch Thẩm Thúy Hằng và ban kịch “Sống” của kịch sĩ Túy Hồng.

Lam Phương và Túy Hồng cưới nhau năm 1959. Lúc đó, ngoài phần phụ trách nhạc cho ban kịch Dân Nam, Lam Phương còn viết nhạc nền cho các ban kịch lừng danh thời đó như: Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng. Đến năm 1968, với sự động viên của chồng, Túy Hồng đứng ra thành lập riêng một đoàn kịch – Đoàn kịch “Sống-Túy Hồng”. Chính đoàn kịch này đã đưa tên tuổi của Lam Phương và Túy Hồng lên tột đỉnh vinh quang. Đoàn kịch Sống – Túy Hồng còn có một lợi thế mà ít ban kịch nào có được, đó là ban kịch đưa các bài tình ca vào các vở diễn thành công nhất, nhờ phần lớn các bài hát tuyệt vời của người nhạc sĩ tài hoa Lam Phương, thời điểm đó là đức phu quân của Túy Hồng. Kịch do Sống-Túy Hồng dựng không quá bi thảm, kết thúc luôn dành chỗ đứng cho một niềm hạnh phúc nào đó, khán giả xem kịch Sống – Túy Hồng thường ra về với một tâm trạng nhẹ nhõm.

Tất cả những vở kịch của ban kịch Sống – Túy Hồng (do Túy Hồng đóng chính) đều ghép nhạc của Lam Phương vào phần ngoại cảnh, làm cho vở kịch sống động hơn, truyền cảm hơn, thu hút người xem nhiều hơn. Ngược lại, mỗi nhạc phẩm của Lam Phương vừa ra đời đều được “giới thiệu” trong một vở kịch của Túy Hồng. Thời ấy, cứ mỗi tối thứ năm hàng tuần, Đài truyền hình Sài Gòn có tiết mục “thoại kịch” và những vở kịch của ban kịch “Sống – Túy Hồng” bao giờ cũng thu hút nhiều người xem.

Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Lam_Ph%C6%B0%C6%A1ng

Nhạc sĩ Lam Phương , Nỗi buồn còn đó

Đoàn Dự ghi chép

Lam Phương – Tài hoa một đời
Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20/3/1937 tại làng Vĩnh Thanh Vân, hiện nay là phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá. Ông là con trai trưởng trong một gia đình gồm 6 người con. Các em của ông không ai theo con đường âm nhạc hay nghệ thuật gì cả.
Trước năm 1945, các quê miền Nam Việt Nam thường bị máy bay của quân đội Đồng Minh dội bom để đánh Nhật (lúc đó Nhật đang chiếm đóng toàn cõi Đông Dương). Nhiều gia đình đã phải lánh nạn, đàn ông đi trước tìm nơi định cư rồi trở về đón gia đình đi theo. Ba của cậu bé Lâm Đình Phùng cũng bỏ Rạch Giá lên Sài Gòn tìm đường sinh sống. Nhưng đã kiếm ăn được, ông không trở về đón vợ con mà ở lại luôn Sài Gòn gắn bó với những người đàn bà khác. Kết quả là sau này nhạc sĩ Lam Phương có rất nhiều em cùng cha khác mẹ.
Trong khi bị chồng bỏ rơi, người vợ tần tảo một mình nuôi 6 đứa con, đứa lớn nhất mới được 10 tuổi, tình cảnh cực kỳ khốn quẫn. Bởi vậy, cậu bé Lâm Đình Phùng rất thương mẹ, cậu nói: “Tôi đã thề là sau này sẽ kiếm ra tiền để trả ơn cho mẹ và nuôi các em”. Đáng quý trọng thay cậu bé Phùng! Với lời thề đó, chỉ 5 năm sau – tức năm 15 tuổi – cậu đã trở thành nhạc sĩ Lam Phương với bản nhạc đầu tay “Chiều thu ấy”.
Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, có lẽ chỉ có “cậu bé” Cung Tiến làm bản “Hoài Cảm” năm 12 tuổi, cậu bé Lam Phương làm bản “Chiều thu ấy” năm 15 tuổi, và cậu Chung Quân Nguyễn Đức Tiến làm bản “Làng tôi” năm 16 tuổi. Tất cả những bản nhạc này đều rất nổi tiếng sau khi xuất bản và được mọi người biết đến.
Lên Sài Gòn
Năm 1947, cuộc sống của gia đình ở nơi quê nhà Rạch Giá quá khó khăn nên cậu bé “anh hai” lớn nhất chỉ mới 10 tuổi phải liều lên Sài Gòn một mình, bỏ lại mẹ và các em, để kiếm ăn với mục đích giúp mẹ và nuôi các em.
Cậu đến tá túc tại nhà người dì ở Tân Định và đi làm thuê làm mướn kiếm sống. Khi đã tạm ổn định, cậu báo tin về cho mẹ dẫn các em lên. Cả gia đình mướn một căn nhà tồi tàn, chật hẹp trong một con hẻm lầy lội, tăm tối ở khu Đa Kao. Những đêm mưa, nước từ trên mái lá nhỏ xuống; nếu mưa lớn, nước không thoát được thì tràn từ ngõ xóm đằng trước vào trong nhà, càng thêm lầy lội.
Năm 17 tuổi (1954), cậu thiếu niên với bút hiệu Lam Phương của bản “Chiều thu ấy” quá tủi thân cho cảnh cơ cực nên đã sáng tác bản “Kiếp Nghèo”, trong đó có những giọt mưa và hình ảnh người mẹ hiền: “Đường về đêm nay vắng tanh. Dạt dào hạt mưa rớt nhanh, mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh. Êm êm tiếng hát ngân nga ôi lời mẹ hiền ru thiết tha. Không gian tím ngắt bao la như thương đường về quá xa. Mưa ơi có thấu cho ta lòng lạnh lùng giữa đêm trường. Thương cho kiếp sống tha hương thân gầy gò gởi cho gió sương…”.
Lên Sài Gòn, bà mẹ buôn thúng bán bưng ở chợ Đa Kao, cố gắng nuôi các con ăn học một cách thiếu thốn. Lúc ấy Lam Phương đang học trung học tại trường Les Lauriers, Tân Định. Đây là thời kỳ Lam Phương bi quan nhất. Suốt tuổi thanh niên, cậu đã sống rất cơ cực nên tư tưởng bi quan hằn sâu trong trí óc. Một nhạc phẩm nữa cũng được Lam Phương sáng tác để nói lên cảnh nghèo của gia đình mình. Đó là bản “Đèn Khuya”, sáng tác năm 1958: “Không biết đêm nay vì sao tôi buồn… Buồn vì trời mưa hay bão trong tim. Đã mấy thu qua tôi vẫn đi tìm, để rồi buồn ơi nghe tiếng mưa đêm. Khi bước chân đi lần trong cuộc đời. Lời mẹ hiền ru còn nhớ khôn nguôi: “Khi lớn con đi trên vạn nẻo đời, đừng buồn khi lúc tay còn trắng tay…”.
Cả hai bài “Kiếp Nghèo” và “Đèn Khuya” đều được Thanh Thúy là ca sĩ đang ăn khách lúc ấy trình bày và rất nổi tiếng suốt thập niên 60. Riêng bản “Kiếp Nghèo” thì bị sửa lời nhiều nhất. Cỡ… 80% các sáng tác của Lam Phương nếu không bị các danh hài như “quái kiệt” Trần Văn Trạch, Tùng Lâm, Khả Năng, Phi Thoàn và các hề cải lương hát nhái thì cũng bị các dân chơi hè phố hay các anh em phu xe xích lô “biến tấu”. Kể cả nhạc Hoàng Thi Thơ cũng vậy: “Ai đang đi trên Cầu Bông, té xuống sông ướt cái quần ny-lông. Vô đây em, chờ quần khô tui sẽ đưa em về, tui sẽ đưa em về…”. Tại sao như vậy? Bởi vì nhạc Lam Phương và nhạc Hoàng Thi Thơ rất gần gũi với mọi người, ai cũng thuộc một vài câu, nhái theo là rất “ăn khách”.
Nói tóm lại, sự nghiệp âm nhạc của cậu bé Lâm Đình Phùng khởi nguồn từ lòng thương mẹ. Lúc ở Đa Kao, mẹ cậu thường nói rằng điều bà mơ ước nhất là có được một nơi trú ngụ đỡ khốn khổ hơn. Vốn có năng khiếu âm nhạc, câu nói của mẹ là ngọn lửa hun đúc tâm hồn cậu. Cậu quyết tâm sẽ nuôi mẹ và các em bằng âm nhạc. Mẹ của nhạc sĩ Lam Phương qua đời năm 1979 tại Việt Nam, khi ấy Lam Phương 42 tuổi, đang lận đận với cuộc sống ở bên Mỹ, tức cách đây đã 35 năm. Nhưng ngày nay, hễ nhắc tới mẹ là ông vẫn còn rơm rớm nước mắt.
Việc học hỏi và sáng tác nhạc
Như trên đã nói, lên Sài Gòn cậu Lâm Đình Phùng học trung học tại trường Les Lauriers, Tân Định (trường tư thục, dạy bằng tiếng Pháp theo chương trình Pháp). Như mọi trường trung học khác, cả chương trình Việt lẫn chương trình Pháp lúc bấy giờ, ngoài văn hóa, các trường còn phải dạy thêm các môn phụ như Vẽ và Nhạc. Tại trường Les Lauriers, hai vị giáo sư dạy Nhạc lúc ấy là nhạc sĩ Hoàng Lang và nhạc sĩ Lê Thương. Thấy cậu học sinh Lâm Đình Phùng là học trò nghèo nhưng có năng khiếu và rất chăm chỉ, tự mày mò học nhạc bằng các sách tiếng Pháp, tự chơi đàn guitare rất hay, hai vị nhạc sĩ bậc thầy này bèn chấp nhận cho cậu học tại lớp nhạc riêng của mình ở đường Bùi Viện, không lấy thù lao. Thầy Hoàng Lang dạy nhạc lý và thực tập cách chơi guitare. Thầy Lê Thương dạy phương pháp sáng tác. Như vậy, “sư phụ” của Lam Phương chính là hai nhạc sĩ Hoàng Lang và Lê Thương.
Sau khi sáng tác bản nhạc đầu tay “Chiều thu ấy” với bút danh Lam Phương, cậu học sinh 15 tuổi nghèo rớt mồng tơi “uống thuốc liều”, mượn tiền của bạn bè để in, sau đó chở xe đạp đi bán dạo khắp Sài Gòn. Rồi bản nhạc được các ca sĩ hát trên Đài Phát thanh Pháp Á (tức Đài Sài Gòn sau này) nên việc mời khách tương đối cũng dễ, cậu thu lại được vốn, đủ tiền trả nợ bạn bè lại còn dư được chút đỉnh “ăn mừng” chiến thắng!
Thành công với tác phẩm đầu tay, Lam Phương càng miệt mài sáng tác. Ba năm sau, chàng tung ra hàng loạt các ca khúc viết về quê hương, trong đó nổi tiếng nhất là các bản: Nắng đẹp miền Nam, Khúc ca ngày mùa, Trăng thanh bình, Nhạc rừng khuya, v.v. Đặc biệt, nhạc phẩm “Khúc ca ngày mùa” thành công vượt bực với tiếng hát của đôi song ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết. Các hãng đĩa nhựa như Dư âm, Sóng nhạc, Asia… thi nhau ký hợp đồng với Lam Phương để được thu âm bản nhạc. Ngoài ra, “Khúc ca ngày mùa” còn được hầu hết các trường ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chọn để dạy cho học sinh ca múa. Lam Phương đã thật sự thành danh khi mới 18 tuổi.
Năm 1954, sau khi ký kết Hiệp định Genève chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 17 với hơn 2 triệu người từ miền Bắc di cư vào Nam. Ở miền Nam, tinh thần chống cộng lên rất cao, đầu năm 1955 Lam Phương viết bản “Chuyến Đò Vĩ Tuyến”, danh tiếng càng nổi như cồn. “Đêm nay trăng sáng quá anh ơi! Sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu… Lênh đênh trên sóng nước mênh mông, bao đêm lạnh lẽo em chờ mong gặp bóng chàng…” Lời lẽ bản nhạc rất tha thiết, êm đềm, gần như chứa chan nước mắt, ai cũng nghĩ Lam Phương là một nhạc sĩ “Bắc Kỳ di cư”, rất ít người biết chàng là người Nam gốc ở Rạch Giá(1).
Năm 1958, Lam Phương nhập ngũ. Từ đó, ông quay qua sáng tác nhạc lính. Những bản nhạc như “Tình anh lính chiến”, “Chiều hành quân”, “Kiếp tha hương” của ông hết sức nổi tiếng.
Năm 1959, Lam Phương giải ngũ rồi gia nhập Ban văn nghệ Bảo An và đoàn Hoa Tình Thương. Sau đó, ông cộng tác với Đài Phát Thanh Quân Đội, Đài Phát Thanh Sài Gòn và Biệt Đoàn Văn nghệ Quân khu Thủ đô…

Mối tình rất đẹp với Túy Hồng
Túy Hồng tên thật là Trương Ánh Tuyết, sinh tại Bình Dương và lớn lên tại Sài Gòn. Cô có người anh trai là bạn thân của Lam Phương, những ngày Thứ Bảy và Chủ nhật, Lam Phương thường đến nhà bạn để hòa tấu và dạy hát cho Túy Hồng. Túy Hồng rất ngưỡng mộ Lam Phương vì mới 15 tuổi đã sáng tác được bài “Chiều thu ấy”. Về phía Lam Phương, chàng nhạc sĩ trẻ này cảm thấy chưa có cô gái nào hát nhạc của mình hay bằng Túy Hồng.
Thời điểm này, Lam Phương lại đang hợp tác với ban kịch Dân Nam của nghệ sĩ Anh Lân nên đề nghị Túy Hồng đầu quân về đoàn cùng với mình. Kể từ đó, Túy Hồng bắt đầu trình diễn các ca khúc của Lam Phương trước khán giả và rất thành công với các ca khúc: Đèn khuya, Kiếp nghèo, Kiếp ve sầu, Tiễn người đi, nhất là hai bản Chiều tàn và Phút cuối.
Đưa nhau lên đỉnh vinh quang
Lam Phương – Túy Hồng yêu nhau và làm đám cưới với nhau vào năm 1959. Lúc đó, ngoài phần phụ trách nhạc cho ban kịch Dân Nam của hai nghệ sĩ Anh Lân và Túy Hoa, Lam Phương còn viết nhạc nền cho các ban kịch lừng lẫy danh tiếng thời đó như ban Kim Cương, ban Thẩm Thúy Hằng. Đến năm 1968, với sự khuyến khích của chồng, Túy Hồng đứng ra thành lập ban kịch “Sống” của mình. Chính ban kịch này đã đưa tên tuổi của Lam Phương và Túy Hồng lên tột đỉnh vinh quang.
Đoàn kịch Sống của Túy Hồng còn có một lợi thế mà ít ban kịch nào có được, đó là ban kịch đưa các bản tình ca của Lam Phương vào các vở diễn do đó gặt hái nhiều thành công. Ngoài ra, các vở diễn của ban kịch Sống đa số đều không quá bi thảm, kết thúc “có hậu” nên khán thính giả xem với tâm trạng nhẹ nhõm, vui vẻ, thoải mái.
Thời ấy, cứ mỗi tối Thứ Năm hằng tuần, Đài Truyền Hình Sài Gòn có tiết mục “thoại kịch” và những vở kịch của các ban “Kim Cương”, “Sống”, “Thẩm Thúy Hằng”, v.v. rất được hâm mộ. Thời đó, tivi còn rất hiếm vì rất mắc tiền, khoảng 30 ngàn tức 2 cây vàng một chiếc loại 32 inches. Các gia đình “có tivi” còn ít, dân chúng thường kéo nhau đến coi nhờ những gia đình đã sắm. Đặc biệt, hầu hết các gia đình “có tivi” này thường thích hàng xóm đến coi cho vui, gần như một sự hãnh diện. Mọi người ngồi la liệt đầy phòng khách (tivi và tủ lạnh lúc ấy, gia đình nào có thì đều chưng trong phòng khách), vừa coi vừa chuyện trò, phê bình ỏm tỏi. Kể ra, những đêm có ban kịch Sống, ban Kim Cương hay ban Thẩm Thúy Hằng mọi người đều coi như nhau. Trong nhà, cửa ra vào, ô cửa sổ… đều chật cứng người xem. Người ta còn nhớ, khi bài hát “Thành phố buồn” của Lam Phương được hát trong suốt một vở kịch của Túy Hồng phát trên truyền hình, sáng hôm sau bài hát ấy bán đắt như tôm tươi, chàng học sinh, sinh viên nào cũng muốn mua bài “Thành phố buồn” về để trên kệ sách.
Trong khoảng thời gian này, sức sáng tác của Lam Phương càng dàn trải trên nhiều thể loại phong phú, hầu hết các ca khúc ông đưa ra đều in đậm dấu ấn trong đời sống âm nhạc miền Nam, điển hình như: Chờ người, Tình bơ vơ, Duyên kiếp, Thành phố buồn, Tình chết theo mùa đông…
Ông bước lên vị trí một nhạc sĩ thành công nhất miền Nam về mặt tài chánh. Còn Túy Hồng thì cũng sánh ngang với những Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng trên sân khấu kịch nghệ.
Vợ chồng Lam Phương – Túy Hồng cất nhà lầu, sắm xe hơi, trở thành đôi vợ chồng nghệ sĩ giàu có bậc nhất lúc bấy giờ.
Sáng 30/4/1975, vào phút chót Lam Phương – Túy Hồng rời Việt Nam, đem các con ra khơi trên tàu Trường Xuân cùng hơn 4.000 người khác. Vì trước đó không có ý định ra đi, nên Lam Phương xuống tàu với hai bàn tay trắng, bỏ lại hai căn nhà lầu, chiếc xe hơi mới toanh và khoảng 30 triệu đồng trong ngân hàng (lúc đó vàng Kim Thành tốt và uy tín nhất Việt Nam chỉ khoảng 36.000 đồng/lượng, 30 triệu đồng tương với 830 lượng vàng, nhưng Lam Phương ra đi trắng tay).
Đời buồn và nước mắt
Đến định cư ở Mỹ, để có tiền nuôi vợ con, Lam Phương phải làm đủ thứ nghề, từ lau sàn nhà, dọn dẹp cho hãng Sears, đến những việc nặng nhọc như thợ mài, thợ tiện… Sau khi cuộc sống nơi xứ người dần ổn định, cứ mỗi cuối tuần ông lại cố gắng thu xếp thuê một quán ăn làm sân khấu ca nhạc kịch để bạn văn nghệ gặp nhau, Túy Hồng và ông có cơ hội sống lại với nhạc và kịch.
Chính trong khoảng thời gian này, một điều mà Lam Phương không bao giờ ngờ tới đã xảy đến: Túy Hồng không còn chung thủy với ông nữa, cô đã “ôm cầm sang thuyền khác”. Trong tâm trạng đau khổ, uất hận, Lam Phương cho ra đời một tuyệt phẩm mang tên “Lầm”, với lời lẽ chua xót: “Anh đã lầm đưa em sang đây. Để đêm thường nghe tiếng thở dài. Thà cuộc đời yên trong lòng đất. Được trở về tiếng khóc ban sơ, hơn là mang kiếp mong chờ. – Anh đã lầm đưa em về đây. Cho tâm hồn tan nát từng ngày. Cùng điệu nhạc lâm ly huyền bí. Dìu lòng người sang chốn đam mê. Đưa anh vào khổ lụy hôm nay…”.
Sang Pháp
Lam Phương rời Mỹ để trốn chạy niềm đau. Ông sang Paris làm công cho một tiệm tạp hóa, quét dọn, đóng gói, khuân vác… Cho đến một ngày, ông gặp được một tình yêu mới và đã kết hôn với người đàn bà này. Lam Phương như cây khô được hồi sinh, ông lại sáng tác các ca khúc ngợi ca tình yêu, như: Mùa thu yêu đương, Tình hồng Paris, Tình đẹp như mơ, Bài tango cho em…
Tuy nhiên, chỉ được vài năm, người phụ nữ đã từng tạo cho ông niềm say mê để viết nên câu ca: “Từ ngày có em về, nhà mình tràn ánh trăng thề”, rồi cũng bỏ ông không hề thương tiếc.
Năm 1995, Lam Phương trở về Mỹ và kết hôn với một phụ nữ khác. Định mệnh xui khiến thế nào, ông sáng tác bản “Một mình”, đây có lẽ là bản nhạc “xúi quẩy” nhất đối với ông: “Sáng mai thức giấc nhìn quanh một mình. Ngoài hiên nắng lóe đàn chim giật mình biết lời tỏ tình đã có người nghe. – Nắng xuyên qua lá, hạt sương lìa cành. Đời mong manh quá, kể chi chuyện mình. Nắng buồn cuộc tình bỗng tắt bình minh. – Đường xưa quên lối, tình dối, người mang. Tình riêng trăm mối, một kiếp đa đoan. Cố tìm tình chồng chất ngổn ngang. – Còn bao lâu nữa, khi ta bạc đầu, tình cờ gặp nhau, ngỡ ngàng nhìn nhau, để rồi còn gì nữa cho nhau. – Sáng trưa khuya tối nhìn quanh một mình. Đường quen không tới, tìm nhau ngại ngùng chỉ vì đời mình chưa có bình minh…”
Tháng 3/1999, ông bị tai biến mạch máu não, liệt nửa bên người, giọng nói không được bình thường. Rồi người đàn bà thứ ba cũng lẳng lặng rời xa ông. Giờ đây, ông sống một mình với chiếc xe lăn trong căn nhà hiu quạnh. Hơn 50 năm sáng tác với khoảng 200 ca khúc để cuối cùng bài hát “Một mình” đã vận vào ông ở khoảng cuối đời.
Tâm sự của Lam Phương đối với mẹ và quê hương
Như chúng ta đã biết, khi Lam Phương còn nhỏ, cha của ông lên Sài Gòn rồi bỏ gia đình, dính líu với nhiều người đàn bà khác. Kết quả là Lam Phương có một số khá đông các em cùng cha khác mẹ. Cũng vì thế, ông dồn hết tình thương cho người mẹ quê mùa nhưng chân chất, nghèo nàn và giàu tình thương của mình. Chính vì lòng thương mẹ khiến Lam Phương đã viết nên những ca khúc nổi tiếng. Ông từng bật khóc khi nhắc đến người mẹ thân yêu đã qua đời năm 1979 tại Sài Gòn.
Từ khi mẹ mất, ông không về Việt Nam để chăm sóc mộ phần mặc dầu rất nhớ thương mẹ. Lý do, theo Lam Phương, là chế độ hiện nay không thích hợp với ông. “Rất nhiều người hỏi tại sao tôi không về. Quê hương thì ai chẳng thương chẳng nhớ. Nhất là tôi, tôi đi từ năm 75, lại càng nhớ nhiều hơn nữa. Nhưng tôi không về tại vì chế độ chưa phù hợp”.
Để tưởng nhớ người mẹ thân yêu, Lam Phương đã viết ca khúc “Khóc Mẹ” vào năm 1984 tại Paris: “Suốt một đời tảo tần gian nan, lo cho con quên tháng ngày trôi… Ôi, hạnh phúc nửa đời, tình duyên con xa vời vợi… Ôi, đây quê hương của người, mùa đông rét mướt, buồn thì bao quanh… Ôi, thịt xương còn lại, mẹ ơi, con mơ một ngày nằm im trên cánh tay mẹ, cho con đi vào trong cõi thiên thu…”. Ông nói: “Tôi thương má tôi lắm. Ngày trước má tôi chỉ ao ước có một nơi trú ngụ khá tươm tất cho bầy con đông đúc của má. Bây giờ, ngay chính cái thân tôi cũng như thế này…”.
Một tâm hồn lãng mạn
Với trên 200 nhạc phẩm được sáng tác và phổ biến rộng rãi tại Việt Nam cũng như tại hải ngoại sau này, Lam Phương được đề cao như một trong những nhạc sĩ sáng chói của Việt Nam với năng khiếu về âm nhạc và một tâm hồn nhiều xúc cảm. Ông cho biết, khi còn nhỏ ở dưới quê Rạch Giá ông đã có tâm hồn lãng mạn: “Hồi ba tôi chưa bỏ đi, lúc ấy tôi còn nhỏ lắm, ba tôi bắt lên Sài Gòn ở nhờ nhà bà dì để đi học, tôi buồn lắm nhưng là con, mình phải nghe lời cha mẹ. Trước khi đi, dù còn nhỏ tôi cũng đi cùng hết cả xóm để chào mọi người, dòm từng cái cây, ngọn cỏ mà lòng nao nao…”.
Tại quê hương, Lam Phương đã gửi đến người nghe những ca khúc chứa chan nét đẹp của nơi quê nhà. Ra hải ngoại, hoàn cảnh thay đổi đã khiến dòng nhạc của Lam Phương cũng nhiều thay đổi. Sau một thời gian ở California, Lam Phương đã qua sống tại Paris, khung cảnh mới lạ mang tính cổ kính đó đã ảnh hưởng khá nhiều đến dòng nhạc của Lam Phương. Ông nói: “Âm nhạc thay đổi theo hoàn cảnh sống của mình. Ngày xưa ở Việt Nam, tuy cũng do cái xúc động tự nhiên mà tôi làm nhạc nhưng sự thiệt là vì thương mại nhiều. Qua Pháp thì đâu có bán nhạc để sống được, vì vậy mình làm thật lòng mình và làm cho chính mình nhiều hơn”. Từ đó, những tác phẩm đặc sắc của Lam Phương ra đời: Mùa thu yêu đương, Tình hồng Paris, v.v…Về ngôn ngữ cũng vậy, lời nhạc của Lam Phương hải ngoại cũng có phần bóng bẩy hơn khi còn ở trong nước. Ông nói một cách thành thật: “So lại thì thấy có khác nhau. Thời gian bên Pháp mình viết có vẻ bóng bẩy hơn một chút, ở Việt Nam hồi đó mình viết do nhu cầu nên lời hơi khác một chút.”(2)
Tài nghệ của Túy Hồng
Công bằng mà nói, Túy Hồng là người đa tài và có nhan sắc. Cô đóng kịch, đóng phim, làm ca sĩ, tất cả đều rất thành công. Chỉ đáng tiếc, đến nửa sau cuộc đời, cô chia ly với Lam Phương, một nhạc sĩ cũng nhiều tài năng, nhiều tính tốt và giàu tình cảm như vậy, khiến mọi người không bằng lòng. Sau đây chúng ta thử nghe vị đạo diễn trưởng thượng Lê Dân (năm nay đã 86 tuổi) kể về Túy Hồng khi cô được ông mời đóng phim Nhà tôi, phỏng theo tác phẩm của nhà văn Duyên Anh, do chính ông đạo diễn. Đây là lời kể của đạo diễn Lê Dân tức luật sư Lê Hữu Phước.
“Trước hết, người ta nghĩ rằng tôi là một luật sư chững chạc ngoài đời thì khó mà làm phim gây cười được. Vậy mà khi phim ra mắt thì mọi người đều cười thỏa thích, từ cười mỉm đến cười ngả nghiêng.
Phim được phóng tác từ tiểu thuyết cùng tên của Duyên Anh, được Hãng LIDAC của ông Phạm Hoàng Kim sản xuất. Phim truyện màu, màn ảnh rộng, thời lượng 90 phút.
Hiệu quả cuối cùng đúng như tôi dự đoán, một phim hài có ý nghĩa, có nhiều tình tiết và đối thoại lý thú, hấp dẫn, với sự đóng góp của những diễn viên nổi tiếng và các danh hài có duyên như: La Thoại Tân, Túy Hồng, Mai Lệ Huyền, Hà Huyền Chi, Kim Cúc, Thanh Việt, Phi Thoàn, Khả Năng, Hoàng Mai, Bé Bự…, một bộ phim như thế thỏa mãn được đông đảo người xem. Kết cuộc, phim “Nhà tôi” đã thu hút một lượng khán giả kỷ lục, với dư luận tốt từ công chúng xem phim và báo chí lúc bấy giờ. Phim đã nhận được hai giải Kim khánh báo chí năm 1973: Phim hay nhất và Đạo diễn được ái mộ nhất.
Tôi đã cố ý chọn hai vai – nam và nữ chính – không phải là những diễn viên chuyên về hài, vì tôi muốn họ diễn tự nhiên, không sa đà vào lối diễn cường điệu để chọc cười, chuyện đó đã có những danh hài vây quanh làm giúp họ trong phim. Đúng theo ý tôi, La Thoại Tân và Túy Hồng, diễn viên kịch lần đầu đến với tôi, đã diễn như không diễn trong những tình huống nghịch lý khiến họ phải ngẩn ngơ, bối rối, thất vọng hoặc miễn cưỡng hài lòng. Thế là người xem phim phải cười.
Mối tình “người đẹp” và nhạc sĩ
Chuyện tình trong phim là của hai nhân vật chính: Phượng và Lương. Chuyện tình ngoài đời liên quan tới người trong cuộc là chuyện của diễn viên Túy Hồng và chồng là nhạc sĩ Lam Phương.
Túy Hồng hợp tác với tôi lần đầu, nhưng được tin tưởng giao vai nữ chính trong phim vì cô đã trải qua nhiều kinh nghiệm diễn xuất trên sân khấu của ban kịch nổi tiếng Dân Nam. Lúc bấy giờ Túy Hồng đã là trưởng ban kịch Sống do cô thành lập, với sự hỗ trợ của nhạc sĩ Lam Phương. Hai người trước đây đã cùng làm việc chung trong ban Dân Nam, mà Lam Phương lại là bạn của anh trai Túy Hồng, giao tình thân thiết ấy dẫn đến hôn nhân của hai nghệ sĩ trẻ tài năng.
Nhạc sĩ Lam Phương bắt đầu sáng tác từ năm 1952, khi mới 15 tuổi với bài “Chiều thu ấy”, được phát liên tiếp mấy tháng trên Đài Phát thanh Pháp-Á. Từ đó Lam Phương bắt đầu nổi tiếng trong giới âm nhạc.
Trong số tất cả những nhạc sĩ nổi tiếng của tân nhạc Việt Nam giai đoạn 1954-1975 như Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên hay Vũ Thành An…, nhạc sĩ Lam Phương long đong lận đận hơn hết. Suốt cuộc đời nhạc sĩ này chỉ chơi vơi trong thương đau, nước mắt, chia ly và nỗi buồn.
Cũng từ đó, người nhạc sĩ tài hoa này đã chinh phục được trái tim của cô nữ sinh Túy Hồng trẻ đẹp. Vốn là bạn thân của anh trai Túy Hồng, những ngày Thứ bảy và Chủ nhật, Lam Phương thường đến nhà bạn để hòa nhạc và dạy hát cho Túy Hồng cùng vài nữ sinh khác. Túy Hồng rất ngưỡng mộ Lam Phương vì mới 15 tuổi mà đã sáng tác được bài “Chiều thu ấy”, một ca khúc khắc khoải và nặng nợ với duyên phận tình yêu đến thế. Về phía Lam Phương, chàng nhạc sĩ trẻ cảm thấy chưa có cô gái nào hát nhạc mình hay bằng Túy Hồng. Thời điểm này, Lam Phương lại đang hợp tác với ban nhạc kịch lớn Dân Nam nên liền đề nghị Túy Hồng cùng với mình “đầu quân” về đó làm việc. Kể từ đó, Túy Hồng bắt đầu trình diễn các ca khúc của Lam Phương và rất thành công với các ca khúc: “Đèn khuya”, “Kiếp nghèo”, “Kiếp ve sầu”, “Tiễn người đi”, nhất là hai bản “Chiều tàn” và “Phút cuối”.
Gần nhau, lại hợp nhau về nghệ thuật nên hai người đã quyết định tiến tới hôn nhân. Vậy mà cuộc tình đẹp đó cuối cùng lại chia ly.
Tháng 4.1975, Lam Phương cùng Túy Hồng ra hải ngoại, đến ngụ tại Virginia, rồi Texas (Mỹ). Sau khi gia đình đổ vỡ, Lam Phương một mình sang Paris năm 1980. Năm 1995 mới trở lại Mỹ, định cư luôn ở Little Sài Gòn, Orange County.
Lam Phương vẫn tiếp tục sáng tác nhiều bản nhạc tình, kể cả những đổ vỡ, sau khi chia tay Túy Hồng, như: “Mùa thu yêu đương”, “Tình hồng Paris”, “Cho em quên tuổi ngọc”, “Tình đẹp như mơ”, “Bài tango cho em”…
Năm 1999, một cơn tai biến xảy ra, Lam Phương bị đứt mạch máu não, liệt nửa thân người. Về sau, Lam Phương có phần hồi phục, nhưng đi đứng rất khó khăn.
Về phần Túy Hồng, sau khi chia tay Lam Phương từ nhiều năm trước, người nghệ sĩ này vẫn luôn đam mê với sân khấu. Túy Hồng đã gầy dựng lại ban kịch Sống ở hải ngoại.
Đối với hai nghệ sĩ Túy Hồng và Lam Phương, tình yêu cá nhân có thể đổ vỡ, nhưng tình yêu nghệ thuật là vĩnh cửu”. — Đạo diễn Lê Dân Đoàn Dự ghi chép
————————————————————-
Chú thích của Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn:
1. Lúc ấy nhạc sĩ Phạm Duy đang làm việc ở Trung Tâm Quốc Gia Điện Ảnh, nghe tiếng Lam Phương, cho người mời Lam Phương tới, giới thiệu với đạo diễn Lưu Bạch Đàn. Lam Phương được mời đóng vai chính trong phim Chân Trời Mới bên cạnh nữ tài tử Mai Ly và kịch sĩ Vũ Huân. Cuốn phim này nhằm cỗ võ cho quốc sách Ấp Chiến Lược của Đệ Nhất Cộng Hòa. Sau đó Lam Phương cũng còn xuất hiện thêm vài phim nữa, nhưng điện ảnh không phải là con đường chính của anh. Anh vẫn quay về với sở trường của mình là âm nhạc.
2. Lam Phương là nhạc sĩ duy nhất được Trung Tâm Thúy Nga thực hiện đến 4 chương trình Paris By Night để giới thiệu thân thế và sự nghiệp của ông. Ông cũng là nhạc sĩ duy nhất được mời đi khắp các thành phố ở Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu và Âu châu để gặp gỡ khán thính giả mến mộ ông, và bất cứ show nào của ông cũng thành công vượt bực. Chủ đề “Tình ca Lam Phương” trong bao nhiêu năm qua vẫn có sức thu hút mãnh liệt, bởi nhạc ông phong phú đa dạng và làm sống lại trong lòng khán giả cả một trời kỷ niệm.

Nguồn: https://hoiaihuuangiang.org/tacphammoi-nhacsi.php

Comments are closed.