NGƯỜI VỀ
Hoàng Hưng
Người về từ cõi ấy
Vợ khóc một đêm con lạ một ngày
Người về từ cõi ấy
Bước vào cửa người quen tái mặt
Người về từ cõi ấy
Giữa phố đông nhồn nhột sau gáy
Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui
Hai năm còn mộng toát mồ hôi
Ba năm còn nhớ một con thạch thùng
Mười năm còn quen ngồi một mình trong tối
Một hôm có kẻ nhìn trân trối
Một đêm có tiếng bâng quơ hỏi
Giật mình
một cái vỗ vai. [1]
Người về nằm trong tập Người đi tìm mặt của Hoàng Hưng. Cái tiêu đề Người đi tìm mặt trên thực tế đã “ám” vào tâm trí nhiều độc giả và điều này có lí do của nó: Người đi tìm mặt là cảm hứng chủ đạo trong tập thơ này. Bản thân tiêu đề ấy cũng mang chứa một biểu tượng đặc biệt: Mặt – “đó là cái Tôi sâu kín đã bóc trần ra một phần” [2].
Người về gồm 13 câu, chia làm nhiều đoạn. Ba đoạn đầu, mỗi đoạn gồm hai câu. Đoạn thứ tư gồm bốn câu. Đoạn thứ năm trở lại hai câu. Riêng đoạn cuối, chỉ có một câu, nhưng được tách làm hai dòng. Xét về ngôn ngữ, Người về hết sức đơn giản. Không có một từ ngữ, hình ảnh nào phức tạp, khó hiểu. Tỉnh lược, điệp, liệt kê cũng là những biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, khi đọc xong những câu chữ cuối cùng của bài thơ, Người về vẫn hiện lên như một bí ẩn.
Ta biết gì về “Người về” – hình tượng trung tâm của bài thơ? Đây là một vài thông tin giản lược, trích xuất từ văn bản: “Người về từ cõi ấy”. “Người về”, “vợ khóc”, “con lạ”, “người quen tái mặt”. Nhiều năm sau “người về” còn “nghẹn giữa cuộc vui”, “mộng toát mồ hôi”, “nhớ một con thạch thùng”, “quen ngồi một mình trong tối”, còn “giật mình” vì “một cái vỗ vai”. Câu chuyện của “Người về” thậm chí có thể giản lược trong vài từ khóa: người về – cõi ấy – nghẹn – mộng – lạ – giật mình...
Không thổ lộ, giãi bày, cái tôi tác giả lùi lại phía sau, đẩy hình tượng “Người về” lên trên bề mặt văn bản. “Người về” là một cách định danh phiếm chỉ, nhằm tạo ra sự gián cách cần thiết giữa cái tôi tác giả và đối tượng. Bằng thủ pháp “cái tôi giấu mặt”, tác giả cho phép hình tượng trữ tình “tự trình bày” về chính nó. Cách mô tả ở đây thể hiện rõ nguyên tắc: chỉ tập trung vào những đường nét nổi bật, có tính tượng trưng, khái quát, vứt bỏ những chi tiết cụ thể, có tính nệ thực. Tình huống “Người về” là cái phải được làm nổi bật. Ngoài ra, tất cả đều không đáng kể. Do vậy, “Người về”, dẫu được đặc tả trong một số cảm giác, hành vi đặc biệt, vẫn hiện lên như một nhân vật bí ẩn. Ta chỉ “biết” “Người về” ở cái phần thông tin anh ta chủ động hé lộ, nghĩa là phần đời anh ta sau khi về từ “cõi ấy”. Những gì còn lại chỉ là một khoảng trống lớn, được khoét rỗng một cách cố ý.
Bài thơ sử dụng biện pháp giản lược tối đa. Văn bản không cho ta biết gì về “người về” cũng như “cõi ấy” trước thời điểm được kể. Nhưng nó chi phối tuyệt đối đến đời sống và cảm giác sống của Người về. Cuộc đời anh ta vĩnh viễn bị phá hủy sau thời điểm ấy. Bản thân người về là một nỗi ám ảnh tàn khốc, với người khác (vợ khóc, con lạ, người quen tái mặt), với chính anh ta (giữa phố đông nhồn nhột sau gáy, nghẹn giữa cuộc vui, nhớ một con thạch thùng, quen ngồi một mình trong tối…). Nỗi ám ảnh thường trực về sự bất trắc và phi lí của đời sống biến con người thành địa ngục của chính mình. Điệp khúc người về từ cõi ấy lặp lại đến ba lần, đóng đinh vĩnh viễn anh ta trong cảm thức “kẻ xa lạ”. Nhịp điệu chậm rãi mà dồn nén của những con số thời gian: một năm/ hai năm/ ba năm/ mười năm chỉ làm nhọn sắc thêm tính chất bi kịch của chi tiết kết thúc: Giật mình/ Một cái vỗ vai.
Mục đích của thơ là trữ tình, không phải tự sự, tự sự trong thơ chỉ là phương tiện. Đây là điều mà nhiều người biết rõ. Kết cấu kể chuyện của Người về, xét ở mục đích và phương thức tổ chức, không nằm ngoài quy luật thể loại. Vấn đề nằm trong cách kể của bài thơ. Đó là một cách kể đầy tiết chế, nó tước bỏ tối đa những chi tiết có thể tạo nên tính sinh động cũng như giản ước triệt để tính biểu cảm của sự trần thuật. Không có cơ hội cho những lời lẽ trữ tình. Chỉ có đơn thuần tường thuật sự việc. Như một lưỡi dao giải phẫu sắc bén, lạnh lùng lách vào nội tạng, gạt bỏ hết các bộ phận dư thừa, chỉ trừ lại trơ trụi cái “lõi sự vụ”. Tồn tại trong bài thơ, một bên là giọng kể, tả gần như lạnh lẽo, một bên là những sự kiện, hành động chất chứa sự kinh hoàng của con người.
Dù kết cấu theo lối kể chuyện, nhưng thay vì lựa chọn phương án tường thuật một cách chi tiết, tường tận, tác giả Người về lại lựa chọn phương án bỏ qua khá nhiều chi tiết, sự việc (theo lẽ thường là cần thiết, xét từ góc độ tự sự, chẳng hạn tên, “tiểu sử”, nhân dạng của Người ấy; chẳng hạn, các thông tin về “cõi ấy”…). Từ góc nhìn của đối tượng, trong câu chuyện anh ta tự kể, sự lược bỏ này có thể hiểu như một phản ứng của cơ chế tâm lí cá nhân sau cú sốc. Tổn thương quá lớn và để tự bảo vệ tâm trí, vô thức đã buộc con người quên đi kí ức hãi hùng bằng cách xóa tự động. Nhưng từ góc độ sáng tạo, việc kể mà không kể, không kể nhưng lại còn kể nhiều hơn thế, là một kĩ thuật mô tả rất đặc biệt của Người về.
Như đã nói trên, ta thực sự không biết “cõi ấy” là cõi nào (là “Lâu đài” trong tiểu thuyết Lâu đài của F. Kafka chăng?). Nhưng trở về từ “cõi ấy”, cuộc đời Người về vĩnh viễn bị kết án bởi nỗi kinh hoàng trước sự phi lí của cuộc đời, của số phận. Anh ta bị “lưu đày” trong chính bản án số phận – sống chính là lưu đày. “Cái vỗ vai” nhẹ như không đóng vai trò án tử đối với con người mà cuộc sống kéo dài chỉ để ngắc ngoải đợi chờ giây phút kết thúc. Tập trung vào phần dương bản, phần hiển lộ của hình tượng, Người về đã làm nổi bật thêm phần âm bản, phần bóng tối còn chìm khuất của những thiết chế quyền lực đầy âm u, kinh sợ. Tập trung vào một tình huống tồn tại, tác giả đã làm nổi bật cái vô nghĩa lí của đời sống và thân phận cá nhân. Cũng giống như Josef K trong Vụ án, hay K trong Lâu đài của F. Kafka, Người về – một kẻ (chắc chắn) có tên mà vẫn hoàn toàn vô danh tính, vô căn cước – đã bị kết án ngay từ khi sinh ra, khi bắt đầu thân phận người.
Tình huống nhân sinh trong Người về vừa có những mối liên hệ xã hội cụ thể, vừa mang màu sắc tượng trưng, siêu hình rõ nét. Nhưng Người về không chỉ bày tỏ một trải nghiệm cá nhân kinh hoàng hay một triết đời sống bi đát có tính phổ quát. Anh ta muốn đặt câu hỏi về “Cõi ấy”, về cái đời sống mà bản chất của nó là phi lí và bằng cách đó, xác định sự tồn tại của chính mình như một cá nhân có ý thức, có trách nhiệm. Khởi thủy của hành động tìm lại nhân diện, nhân tính đã mất, đã bị hủy hoại của Người về bắt đầu từ nhận thức. Nhận thức về “Cõi ấy” như một cõi tàn bạo, bất công, phi nhân tính. Nhận thức về cuộc đời mình như một cơn ác mộng dằng dặc. Hiểu về sự phi lí, thậm chí, vô nghĩa lí của đời sống cá nhân mình, với Người về, chính là dấu hiệu thức tỉnh. Nó có ý nghĩa với anh ta như một hành vi xóa bỏ sự phi lí.
Không phải ngẫu nhiên mà trong tập Người đi tìm mặt, hiện diện một nội tâm đầy cảm giác nát tan, đơn độc, âm thầm, bồn chồn… Đó là con người “đã mất những tháng năm đẹp nhất”, là “kẻ biết mình vô tích sự”; là kẻ “tha hương nửa đời vật lộn/ Sống chỉ còn như một thói quen”… Đó là một con người có nhân diện phức tạp và luôn luôn trong cuộc "đi tìm mặt mình":
Mặt tôi trong gió cuốn
Mặt tôi trong nắng đốt
Mặt tôi trong lá ngón
Mặt tôi còi vọng cô liêu
Mặt tôi bàn tay ôm ấp
Mặt tôi đá núi im lìm
Mặt mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình đi tìm…
(Người đi tìm mặt)
Thật ra, nhận thức về cuộc đời như một kiếp nạn, con người “bị đẩy xuống tàu” và tồn tại trong sự tuyệt vọng, trong sự buông tay bất lực là chủ đề quen thuộc trong triết học phi lí của Albert Camus. Suy tư về nỗi đau khổ và sự kinh hoàng, vô nghĩa của đời sống trong Người về nói riêng, Người đi tìm mặt nói chung, có thể khiến ta nghĩ đến những dòng Albert Camus viết về Sisyphus: “Số phận của chàng thuộc về chính chàng. Tảng đá kia là công việc của chàng. Cũng như vậy, con người phi lí, khi suy tư về sự đau khổ của mình, làm im tiếng tất cả các thần tượng” [3].
Người về là sự kết hợp ấn tượng giữa tư tưởng, độ sâu trải nghiệm và kĩ thuật viết hiện đại. Chối từ dừng lại ở một kinh nghiệm sống riêng tư, đóng kín, Người về là một tình huống hiện sinh mang tính phổ quát. Tính chất tượng trưng của hình tượng Người về và Cõi ấy, sự giản lược và sắc gọn của những chi tiết, sự đối lập giữa giọng điệu trần thuật trung tính, rành mạch và trạng thái tồn tại bi đát được diễn tả…, tất cả đã đưa Người về giã từ việc tả thực để trở thành một biểu tượng hiện đại.
Vinh, 18/6/2021
[1] Hoàng Hưng (1993), Người đi tìm mặt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
[2] Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (2016), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, (nhiều người dịch), Nxb Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, trang 572.
[3] Albert Camus (2014), Thần thoại Sisyphus, Trương Thị Hoàng Yến – Phong Sa dịch, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, tr. 180.