Dự thảo Luật về Hội (3): Ý kiến tôi: Nên bỏ quy định tại điểm 3 điều 9

 

bài viết này đã gửi tới các báo “Đại Biểu Nhân Dân”, “Đại Đoàn Kết”

Lại Nguyên Ân, nhà nghiên cứu văn học

GÓP Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO LUẬT VỀ HỘI:

Ý kiến tôi: Nên bỏ quy định tại điểm 3 điều 9, bởi nếu giữ quy định này, các hội được cấp phép sẽ đều là những tổ chức độc quyền

Xung quanh vấn đề hoạt động của các tổ chức gọi là hội, nhất là liên quan đến khu vực văn học nghệ thuật, tôi đã viết khá nhiều bài báo, từ 1988 đến gần đây. (1) Nhân có việc công bố và lấy ý kiến về dự thảo luật hội, tôi xin góp một ý kiến sau đây.

Theo tôi, nên bỏ quy định tại điểm 3 điều 9 (điều kiện thành lập hội) trong dự thảo (theo đó, “lĩnh vực hoạt động chính” của một hội mới lập “không trùng lắp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động”). Tôi cũng đã thấy nhiều ý kiến theo hướng đề nghị bỏ quy định kể trên.

Như ai nấy đều biết, ở xã hội văn minh, tôn trọng quyền con người, thì “tự do hiệp hội” là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi nhận trong Tuyên ngôn quốc tế về Quyền con người năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị năm 1966. Ở Việt Nam, quyền tự do lập hội được hiến định tại điều 25 của Hiến pháp Việt Nam sửa đổi năm 2013. Tự do lập hội là một quyền cơ bản của con người, có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy các quyền con người khác.

Trong thực tế, ở xã hội Việt Nam từ thời đầu của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945), và nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (từ 1976) cho đến gần đây vẫn có các loại hình hội theo lứa tuổi (đoàn thanh niên, đội thiếu nhi, hội người cao tuổi, v.v.), theo giới tính (hội phụ nữ…), theo loại hình lao động (hội nông dân, công đoàn…), theo các lĩnh vực hoạt động (hội nhà văn, hội nghệ sĩ sân khấu, v.v.).

Hệ thống các hội đoàn này rất đông đảo, nhưng đều mang hai thuộc tính: tính chất độc quyền và tính chất “nhà nước hóa”.

Một là mỗi phạm vi hoạt động chỉ có một tổ chức hội duy nhất, và Hai là cơ quan, hội sở các hội ấy đều được coi như những cơ quan nhà nước, “cán bộ khung” (các chức danh lãnh đạo, nhân viên văn phòng) đều được coi như viên chức nhà nước, được hưởng lương từ ngân sách; hoạt động của các hội đều được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước, tức là từ tiền đóng thuế của người dân.

Tính chất “nhà nước hóa” của hệ thống các hội như trên thể hiện đặc biệt rõ rệt ở thời bao cấp (trước 1986 ở phạm vi toàn quốc) với hệ thống các hội bao trùm từ  cấp trung ương đến cấp địa phương.

Sang thời đổi mới, rõ nhất là các năm 2000-2005, có lúc từ phía lãnh đạo đã muốn thay đổi hệ thống các hội đoàn này, tìm cách “xã hội hóa” các hoạt động của nó, và điều đó cũng có một số kết quả nhất định. Song tiến trình này đã sớm bị ngừng lại, rồi dường như có xu hướng muốn khôi phục hệ thống hội đoàn bao cấp. Rốt cuộc, cho đến nay, về căn bản, hệ thống hội đoàn “nhà nước hóa” vẫn chưa được tái cơ cấu; các hội này, trong thời kỳ mới, đã tạo thêm lợi thế cho mình ở thuộc tính “độc quyền” vốn có của mình.

Thật vậy, do chỗ ngay từ đầu, mỗi phạm vi hoạt động chỉ có một tổ chức hội duy nhất, cho nên mỗi hội đương nhiên có được vị thế độc quyền. Hoạt động của mỗi hội từ đây trở nên rất giống với các tổ chức kinh tế nhà nước, các tập đoàn kinh tế như Vinashin, Vinalines… Trong những hội hiện đang hoạt động bằng các nguồn kinh phí bao cấp đều đặn, nếu thâm nhập sâu, có thể ta sẽ thấy đó đều là những Vinashin, Vinalines tiềm tàng.

Tuy vậy, đó chưa phải điều chính yếu, bởi điều chính yếu là quy chế trong mỗi phạm vi hoạt động chỉ có một tổ chức hội duy nhất tức là đảm bảo sự độc quyền của cái hội đã có, do vậy, tước mất quyền liên kết, hiêp hội của những thành viên khác, vốn cũng hoạt động ở lĩnh vực ấy, nhưng muốn liên kết với nhau, hoạt động cùng nhau theo những mối quan tâm chung mà không bị chi phối bởi cái hội hiện đã có.

Trong tình thế như vừa phân tích, dự thảo luật hội, với điểm 3 của điều 9, quy định “lĩnh vực hoạt động chính” của một hội mới lập “không trùng lắp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động”, đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật,  sẽ chỉ có ý nghĩa là hợp thức hóa diện mạo hội đoàn hiện có, − đó là những hội đoàn còn chưa được đưa hoàn toàn ra khỏi quỹ đạo “nhà nước hóa” đã lại được cấp thêm quy chế độc quyền.

Sự tồn tại hệ thống hội đoàn văn nghệ này sẽ tiếp tục làm méo mó hoạt động trợ cấp cho văn hóa nghệ thuật của nhà nước, gây bất công cho tất cả những văn nghệ sĩ nào không là thành viên các hội sẵn có đó nhưng lại cần được tài trợ cho các dự án nghệ thuật của mình. Mà đó cũng mới chỉ là một trong số các hệ quả.

Nhân đây cũng lưu ý các nhà làm luật rằng, các tổ chức được dự luật này gọi chung là “hội”, thật ra cũng có khá nhiều điểm chung với các tổ chức được gọi là “doanh nghiệp”, ở chỗ đó đều không phải là những cơ quan nhà nước để quản lý xã hội; chỉ hơi khác là “doanh nghiệp” thì hoạt động kinh tế, nhằm đạt những lợi ích kinh tế, còn các “hội” thì được định nghĩa là “hoạt động không vì mục đích lợi nhuận”.

Tuy vậy ranh giới sẽ không thật khác biệt khi ta nói tới loại hình doanh nghiệp xã hội, mà hoạt động phải nhằm khắc phục những hệ quả xấu về xã hội vốn phái sinh từ các hoạt động do nhà nước chủ trương thực hiện, ví dụ tiến trình công nghiêp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa…

Do vậy, cần phải đối chiếu các quy định trong luật hội với các quy chế trong luật doanh nghiệp, sao cho không để phát sinh những trái nghịch.

Chẳng hạn, luật doanh nghiệp đã ngăn chặn tình trạng độc quyền, tạo điều kiện cho sự cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật cho nhiều tổ chức cùng hoạt động trên một lĩnh vực; vậy cũng phải có quy chế tương ứng cho các tổ chức gọi là “hội” cùng hoạt động trên một lĩnh vực văn hóa, xã hội.

Chính vì vậy, tôi đề nghị bỏ quy định tại điểm 3 điều 9 của dự thảo luật hội, bởi nếu giữ quy định này, các hội được cấp phép sẽ đều là những tổ chức độc quyền. Điều đó đi ngược lại quyền hiệp hội, quyền lập hội, một trong những quyền con người cơ bản. 

29/7/2015

LẠI NGUYÊN ÂN

Nhà nghiên cứu văn học, Hà Nội

lainguyenan@gmail.com

Chú thích

(1) Xem:

– Lại Nguyên Ân: Cơ chế hành chính quan liêu bao cấp và hoạt động văn hóa văn nghệ // Nhân dân, 30/1/1988

– Lại Nguyên Ân: Để các tổ chức xã hội không bị quan liêu hóa // Nhân dân, 20/1/1988

– Lại Nguyên Ân: Cần một thiết chế văn hóa văn nghệ phù hợp trong nhà nước pháp quyền // Tạp chí “Tuyên truyền” (Ban Tuyên giáo trung ương), s. 9/1991

– Lại Nguyên Ân: Chuyển các hội văn học nghệ thuật về đời sống dân sự // Người đại biểu nhân dân, 23/2/2005

– Lại Nguyên Ân: Phê bình văn nghệ và đời sống xã hội // Hội thảo về pê bình văn học, Hội nhà văn VN, 4&5/10/2006

– Lại Nguyên Ân: Tái cơ cấu thiết chế văn nghệ: một nhiệm vụ khả thi // Hội thảo tại ĐHQG Hà Nội, 20/2/2014

– Lại Nguyên Ân: Văn học đổi mới hay là sự thức tỉnh nửa vời của một lớp nhà văn // Hội thảo Viện Văn học, Viện HLKHXHVN, Hà Nội, 28/5/2015

Comments are closed.