Giữ chút gì của phố đi em

Lam Điền

Vậy là cái vòng xoay với hàng liễu rủ “nên thơ nhất Sài Gòn” ấy không còn nữa. Giao lộ đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ mai này sẽ thế nào thì người dân thành phố sớm muộn cũng sẽ thấy thôi. Nhưng mấy chục cây xanh hơn trăm tuổi từng quen thuộc với cư dân thành phố trong hình ảnh con đường Lê Lợi ở trung tâm quận 1 trước nhà hát bỗng dưng bị đốn hạ, dọn sạch, mang lại cảm giác hụt hẫng thật lớn.
Cùng với hàng loạt cây xanh, vòng cung liễu rủ trước tòa nhà UBND cũng không còn. Người ta sẽ xây một nhà ga cho tuyến Metro ở đây. Công trình mang hình ảnh hiện đại cho thành phố đang phát triển.
Nhưng, người dân Sài Gòn lại chứng kiến nhiều hình ảnh kỷ niệm của mình đang mất đi.
Nhớ đêm kỷ niệm Sài Gòn 300 năm, đám sinh viên trườn Đại học Xã hội và Nhân văn đi từ ký túc xá Trần Hưng Đạo dọc ra khu trung tâm, rơi vào một biển người đông nghẹt thở, nhóm bạn nam nữ ở quê lên đã ngồi xuống “vòng xoay cây liễu” này để… thở dốc, mới có thể đi tiếp được. Một thằng bạn người Sài Gòn kể hồi nhỏ vẫn thường đi bộ ra nhà sách 40 Nguyễn Huệ đọc cọp, rồi chơi đùa vòng quanh khu công viên trước tòa nhà Ủy ban Nhân dân Thành phố, và hàng liễu này là một phần kỷ niệm của tụi nó từ thời bé thơ.
Rồi đêm giao thừa năm 2000 vang dội cả phố phường, hàng cây và khóm liễu nơi đây chứng kiến cả chục nghìn người đổ về khu trung tâm để dự lễ hội giao thừa chuyển giao thế kỷ. Trong biển người hôm đó, cánh phóng viên ảnh chen lấn vất vả nhất, còn nhớ anh bạn ở báo SGGP bị cả dòng người đẩy trôi đi không dừng lại được, đến chỗ vòng xoay này, anh ráng sức nhảy vào hàng liễu, thoát khỏi dòng “thác người”.
Nay, cả lũ ngẩn ngơ trước sự ra đi từ liễu xanh đến cổ thụ. Hàng loạt bạn trẻ mấy hôm trước đã rủ nhau ra chụp hình trước tán liễu rũ nơi này để “giữ chút gì của phố đi em”.
Không như cách đây mấy năm khi quán cà phê Givral góc Đồng Khởi mất đi do tòa nhà Vincom xây mới, lần đốn hạ các cây cổ thụ trăm tuổi để làm Metro này đặt dấu hỏi khó chịu hơn về môi trường. Một anh bạn trong hội kiến trúc băn khoăn: Tại sao phải đốn cây xanh để làm Metro, nhất là những cây đã trồng đến trăm năm, đã trở thành hình ảnh, ký ức, thậm chí là di sản của một thành phố mà trong trăm năm qua có lẽ chỉ cây xanh là phát triển liên tục nhất?
Có thể, các thế hệ cư dân Sài Gòn sau này sẽ có cách khác để hình thành kỷ niệm với thành phố của mình. Chứ còn như nhiều người đã yêu, đã sống, đã khắc khoải với Sài Gòn thì hình ảnh sẽ có một nhà ga Metro ở sát gần mặt tiền nhà hát hiện tại mang lại nhiều lấn cấn. Một bên là những liên tưởng đến chộn rộn ồn ào khách khứa hành lý tới lui; một bên là không gian yên tĩnh lịch thiệp trang trọng tôn vinh nghệ thuật âm nhạc. Đặt gần nhau như vậy, có gì bất tiện không?
Mà, có ai thống kê trong gần bốn mươi năm phát triển thành phố, người ta đã trồng được bao nhiêu cây xanh cho phố và đã đốn bao nhiêu cổ thụ ở các tuyến đường? Vấn đề này được một anh bạn ngành ngôn ngữ chơi chữ: Nếu nhân danh phát triển mà chặt bỏ cây xanh, thì đó là loại phát triển rất rừng rú.

P.S. Nếu đọc bài trên báo thì đây. Ôi biên tập!
http://tuoitre.vn/Van-hoa-…/…/giu-chut-gi-cua-pho-di-em.html

 

Nguồn: FB Nguyễn Lam Điền

Comments are closed.