Hiện đại đấy mà cổ lỗ đấy!

Vương Trí Nhàn

 

“Đi chậm thôi! Đừng có phóng! Nhớ là con nhà cô Mơ đã bị dập sọ vì xe bị rải đinh trên đường từ cầu Thăng Long lên Nội Bài đấy thôi !”.

Buổi chiều một ngày cuối năm âm lịch, vợ tôi ngồi sau xe máy luôn mồm nhắc tôi như vậy, khi chúng tôi đi theo con đường cao tốc từ Hà Nội lên Bắc Ninh để về quê Đông Hồ.

Vì muốn đi nhanh, nên lần đầu chúng tôi chọn con đường này. Đường vắng. Xe pháo thưa thớt.

Nhưng chỉ một lúc thì thấy ngần ngại.

Hóa ra cái điều mà con người ta từng ước ao, lúc đối mặt lại thoáng qua một chút rợn ngợp, và có lúc như là hãi sợ.

Mình thuộc về những con đường mấp ma mấp mô và xe cộ chen chúc, còi bóp inh ỏi cơ!

Chứ mình không sinh ra để đi trên con đường này.

Từ mạn Từ Sơn trở lên, bắt đầu thấy có những chiếc cầu vượt bắc ngang. Dưới chân cầu, hiện ra những hàng rào lưa thưa đan bằng dây thép gai. Đã đoán được là cần làm thế để ngăn không cho dân lợi dụng mở quán bán hàng (?), song bọn tôi vẫn cứ thấy chương chướng thế nào.

Dây thép gai gợi một thời rất hung dữ và rất hoang dại, chẳng nhẽ không có gì thay thế chăng? Cả con đường còn làm được, sao không làm nốt ít tấm chắn bảo vệ?

Đã đến khu vực ngoại ô Bắc Ninh, trước một cây cầu bắc ngang, chúng tôi tìm biển trỏ đường về Cầu Hồ không thấy, đành phóng độ nửa cây số lên cây cầu phía trước.

Đến đây mới lại thấy bảng chỉ dẫn là cầu sau này đi về Phả Lại.

Tức là đáng lẽ phải rẽ lên từ cây cầu đã bỏ qua. Đành quay ngược xe tìm đường cũ. Mà có đơn giản đâu, phải lên cầu ngang rồi rẽ theo đường xuống, sang con đường xuôi về Hà Nội. Rồi lại qua cây cầu vượt thứ hai mới tới đường rẽ về Hồ.

Lòng vòng một hồi, tính ra mất hơn nửa tiếng đồng hồ, nghĩa là bao nhiêu ý định đi theo con đường hiện đại cho nó nhanh, hóa ra hỏng hết.

Rút kinh nghiệm đợt đi, lần ra, chúng tôi đi theo con đường liên tỉnh, từ Đông Côi qua Dâu Keo, đổ về đường 5.

Vì có nhiều công trường mới mở, đường bụi mù.

Và cũng vì bị xe công trường chở cát san lấp mặt bằng quần suốt ngày, đường đầy ổ gà. Suýt nữa vì muốn tránh một đoạn ổ gà đó (đúng hơn là ổ trâu), xe tôi đã húc phải một xe tải.

Lúc này, mới thấy nhớ đoạn đường cao tốc buổi sáng, và tự nhủ không chừng bận sau, mình sẽ vẫn đi con đường ấy, ít ra là một lượt.

NHỮNG NỖI HÃI SỢ TRUYỀN KIẾP và MỘT SỰ QUYẾN LUYẾN VÔ LÝ

Câu chuyện một ngày trên đường cũng là cái tâm trạng của bọn tôi trước nhiều vấn đề xã hội.

Từ lâu tôi đã bị ám ảnh bởi cái thành kiến là ở xứ mình, chẳng bao giờ có cái gì hiện đại cho được triệt để. Chẳng nói đâu xa, cầu Thăng Long tồn tại đã từng ấy năm nhưng riêng đoạn đường từ đê sông Hồng lên cầu vẫn như dang dở, cát có chỗ từ đường đất tràn ra tận đường nhựa, tha hồ bốc bụi. Cái tình trạng nửa chừng xuân ấy, chỗ nào là chẳng có mặt.

Cái mới bao giờ cũng đòi hỏi một quá trình thích ứng. Nghe dân tình đồn đại là một vài người Hà Nội có tiền lần đầu sang châu Âu, đến với những Venise, Milan, Madrid, thấy xa lạ quá, khóc đòi về.

Chắc lúc ấy họ cũng ở vào cái tâm trạng của chúng tôi trên đường cao tốc hôm ấy. Sống quá lâu trong cái cổ lỗ thô sơ, làm sao người ta quen ngay với những cái hiện đại kia!

Muốn theo kịp những văn minh tiến bộ ấy, phải có trình độ, chúng tôi đâu có ai bảo để học, và giá kể có ai bảo học thì cũng viện cớ đã mệt mỏi quá rồi tìm cách thoái thác..

Trước mọi cái mới, lòng người tự nhiên ngần ngại, và trong thoáng chốc chợt nhận ra một ước ao mơ hồ, giá kể quay về quá khứ thì thích.

Nhưng làm gì có quá khứ mà về! Cuộc sống thô sơ hôm qua đâu có đứng nguyên như chúng ta vốn nghĩ. Mà nó đang trong tình trạng thoái hóa. Như con đường trở ra chúng tôi đã đi. Cũ càng. Mục nát. Đầy tai vạ. Sở dĩ cái hiện đại hôm nay nham nhở nhếch nhác, thì cũng vì nó là con đẻ của cái tình trạng thô sơ đã tha hóa đó.

Mọi sự quyến luyến vừa nói ra đã thấy vô lý. Ấy vậy mà không gạt bỏ hẳn nó đi được, nghĩ cũng thấy lạ cho lòng mình.

Trong truyện ngắn “Con so về nhà mẹ”, nhà văn Thanh Tịnh từng kể trường hợp một cô gái đi làm dâu ở làng xa, cứ về nhà chồng thì nhớ nhà mẹ đẻ, lúc quay về nhà mẹ đẻ lại nhớ nhà chồng.

Vì cả hai nơi đều không dễ chịu gì.

Nơi nào cũng quá lệch so với cuộc đời mà người ta, – với tất cả sự biết điều vốn có – tin rằng mình được hưởng. Nên sinh ra những thấp thỏm phân vân lưỡng lự rất buồn cười.

Nhiều người chúng tôi hôm nay cũng ở vào tâm trạng như vậy, xin đừng có ai cười cả.

Nguồn: FB Vương Trí Nhàn

Comments are closed.