Việc khoa học và mặt trái của việc ngồi lê!

Nguyễn Hoàng Văn

Cảnh Bộ Khoa học và Công nghệ ấp a ấp úng giải thích việc phê chuẩn bộ xét nghiệm Việt Á làm tôi nghĩ đến lời biện bạch của mấy người đàn bà ít học và tầm thường khi bị vạch mặt chuyện ngồi lê đôi mách vô căn cứ.

Tiếng là cơ quan quản lý việc khoa học nhưng Bộ này không hề nhúng tay vào việc khoa học, ngay trong một vấn đề trọng đại của quốc gia, ngay giữa tình thế khẩn cấp của quốc gia, thậm chí còn tiếp tay cho trò gian lận khoa học. Chuyện vỡ lỡ, Bộ phân trần rằng chỉ hóng hớt tin tức trên báo chí rồi đưa lên trang thông tin chính thức của mình: “Báo chí nói sao, Bộ tôi thông tin y như thế”. Bộ này, xem ra, chẳng khác gì mấy ả đàn bà ít học và thiếu nhân cách nói trên: “Tôi không có ngồi lê ấy a. Tôi nghe người ta nói sao, tôi nói lại y như vậy!”

Bộ còn làm tôi nhớ đến đồ án tốt nghiệp kỹ sư cơ khí động lực của bạn tôi, một sinh viên Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, thực hiện vào giữa thập niên 1980: trong lĩnh vực chuyên môn, nó còn thua xa bạn tôi dù đồ án của bạn tôi thuộc loại vớ vẩn, thứ lý thuyết đi sau cuộc sống.

Đồ án ấy, tôi nhớ, là “Nghiên cứu cải tiến để thay thế động cơ IFA cho động cơ Perkins 354” và, nghe tôi thắc mắc, bạn tôi giải thích: Sau năm 1975 chính quyền tiếp quản rất nhiều xe bus chạy đường dài Đà Nẵng – Sài Gòn của hãng Phi Long – Tiến Lực, xe này sử dụng động cơ Perkins 354 của Anh nhưng đã hết niên hạn sử dụng mà không thể nhập phụ tùng do bị Mỹ cấm vận, buộc lòng phải dùng động cơ xe vận tải IFA của Đông Đức để thay thế.

Tôi tưởng vậy thì ít ra bạn tôi, chưa chính thức là kỹ sư, cũng làm được “việc lớn” khi mở đường cho việc thay ruột cho những chiếc xe chở khách vào cái thời mà muốn đi xa chừng 50 km phải chen lấn, phải xếp hàng có khi cả tiếng đồng hồ. Nhưng không, một ngàn lần không, cũng do bạn tôi giải thích: các xe bus trên đã nằm bãi từ lâu và các thợ máy đã “độ” lại bằng máy IFA, xe đã chạy ầm ầm mấy năm nay rồi. Vấn đề là mấy ông thợ chỉ làm bằng kinh nghiệm mà không thể tính toán về mặt lý thuyết, nay đại học phân bổ cho anh ta… tính.

Rõ là một đồ án vớ vẩn, là việc nghiên cứu chỉ chạy theo đuôi để điểm tô cho cuộc sống chứ không phải là mở đường, dẫn dắt cho cuộc sống, thế nhưng ít ra bạn tôi còn phải vẽ bằng tay đến mờ con mắt, phải tính toán rồi tìm cách “hóa giải” các dị biệt ở thông số kỹ thuật của hai động cơ trên mặt lý thuyết, đến bể hai cái đầu. Còn các “chuyên gia” của Bộ trên, theo lời phân trần của họ, thì chẳng cần làm gì cả, chỉ hóng hớt trên báo chí!

Nhưng thà là vậy. Vì nếu họ càng “làm khoa học”, đất nước sẽ càng nghèo thêm vì chỉ tổ mất tiền mà chẳng mang lại hiệu quả thiết thực nào.

Tôi không đi sâu vào những dự án khoa học thuần túy, chỉ nhắm vào những “khoa học” cao hơn, mang tính đầu tàu, như là “sợi chỉ đỏ xuyên suốt”, qua các cuộc “hội thảo khoa học”. Thực tế là những năm qua nước ta nảy ra thứ dịch này, hết “hội thảo khoa học” này đến “hội thảo khoa học” khác, lặp đi lặp lại đến độ hoá nhờn, thậm chí thành trò cười.

Bốn năm trước, ngày 5.12.2017 “Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tổ chức “Hội thảo khoa học toàn quốc” về đề tài “Các xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay – Thực trạng và định hướng phát triển” tại Quảng Ninh. Tại đây, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phan Trọng Thưởng đọc bản “Báo cáo đề dẫn”, bài này sau đó được ông hiệu đính, đăng lại trên báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/2/2018 với nhan đề “Vận động là quy luật phổ biến của Văn học, nghệ thuật”. [2]

Nếu đã đề cập đến “quy luật” thì phải nói rõ quan hệ, tác động qua lại và nhất là chu kỳ và tần số xuất hiện, diễn ra. Thí dụ có áp bức có đấu tranh. Hay “quy luật cung cầu”: cung giảm thì giá tăng, cung tăng giá giảm, cầu tăng giá tăng, cầu giảm giá giảm, v.v. Hay quy luật phun trào của núi lửa nào đó, sau 70 năm, 100 năm hay 200 năm thì nó phun trào một lần. Còn nếu chỉ là “vận động” khơi khơi thì có bất cứ thứ gì trên đời mà không vận động để tồn tại?

Nhà sư ngồi thiền tưởng là im lặng như mà không, tim ông ta vận động, phổi ông ta vận động, bộ máy tiêu hóa ông ta cũng vận động. Con cá đứng yên một chỗ nhưng bộ vây và đuôi cá vẫn phải họat động để giữ thăng bằng. Một tổ chức xã hội hay chính trị nếu muốn tồn tại thì phải hoạt động, không chỉ họat động với đời và hoạt động nội bộ giữa khác thành viên với nhau. Thành lập một tổ chức cho có tên rồi không hoạt động gì cả thì tổ chức đó sẽ chết. Nói “Vận động là quy luật phổ biến của Văn học, nghệ thuật” thì chẳng khác gì bảo “Ăn và ngủ là hai sinh hoạt phổ biến của con người”?

Không biết họ đã phung phí bao nhiêu tiền thuế của dân vào cái trò “khoa học” vớ vẩn này?

Trước đó, ngày 23/3/2017 Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức “Hội thảo khoa học quốc gia” với đề tài “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên”. [3]

Đảng nào cũng có “tổ chức đảng” và “đảng viên” cả, cũng như cháo gà có hai thành phần chính ngoài nước là gạo và thịt gà. Nói “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên” thì cũng chẳng khác gì nói “Đổi mới phương thức nấu cháo gà bằng gạo và thịt gà”!

Hai năm sau đó, ngày 5/12/2019 “Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương” tổ chức “hội thảo khoa học toàn quốc” tại tỉnh Vĩnh Phúc, đề tài là "Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay". Cuộc “hội thảo khoa học” này quy tụ gần 180 “nhà khoa học”, “nhà nghiên cứu”, “nhà lý luận phê bình” và “văn nghệ sĩ”, do Trưởng ban tuyên giáo Võ văn Thưởng chỉ đạo. Tất cả được ký giả Thiên Điểu tường thuật trong bài báo “Mặt trái của kinh tế thị trường làm tăng nguy cơ loạn chuẩn trong văn nghệ’”, đăng trên báo Tuổi Trẻ cùng ngày:

Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng nhiều bài phê bình chịu tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường đang làm tăng nguy cơ loạn chuẩn, loạn giá trị trong đời sống văn nghệ.”

Đây là “hội thảo khoa học” thì cần đặt vấn đề cho rành mạch, đâu ra đó.

Thứ nhất, thế nào là “mặt trái” của “kinh tế thị trường” tại Việt Nam?

Một tu sĩ thì phải đạo đức, không rượu chè trai gái, thế nhưng ông ta lại lén lút làm điều này, cái đó ta gọi là “mặt trái” của ông ta. Còn kinh tế thị truờng là một thực thể với những yếu tố tích cực và tiêu cực, chấp nhận một nền kinh tế như thế thì phải chấp nhận toàn bộ những yếu tố đó và vấn đề là đề ra những chính sách để khai thác yếu tố tích cực, kềm hãm yếu tố tiêu cực.

Thứ hai, Việt Nam không áp dụng kinh tế thị trường theo kiểu “tư bản chủ nghĩa” đúng nghĩa, mà là “tư bản thân hữu” (crony capitalism). Nếu nói đến “mặt trái” của nó thì phải nói đến quan hệ giữa các nhà tài phiệt có máu mặt và các quan chức chính trị cao cấp. Một công ty dựng lên, tưởng là một công ty tư nhân, chịu sự chi phối của quy luật thị trường nhưng không, nó là “sân sau” của anh Ba, anh Tư, đồng chí Y, đồng chí Z nào đó: chỉ cần một cú điện thoại, toàn bộ những quy luật kinh tế sẽ bị đè bẹp để sân sau của các “anh” làm bá chủ thị truờng!

Như vậy, có thể nói: mặt trái của cái gọi là “kinh tế thị trường” tại Việt Nam chính là những quan chức được phép dẫm lên pháp luật để bảo vệ sân sau của mình!

Phải chăng trong cái bộ trên cũng diễn ra tình trạng “khoa học thân hữu”? Chưa nắm bằng chứng trong tay, chúng ta vẫn có thể tin rằng chính những quyền lực “sân sau” là cái “mặt trái” trong “thông tin khoa học” của Bộ Khoa học và Công nghệ, khiến nó ấp úng như mấy người đàn bà tầm thường, vô học: “Tôi không có ngồi lê ấy a. Tôi nghe người ta nói sao, tôi nói lại y như vậy!”

Chú thích:

[1] https://tuoitre.vn/bo-khoa-hoc-va-cong-nghe-thong-tin-sai-who-chap-thuan-kit-xet-nghiem-cua-viet-a-la-do-bao-chi-20211227223707109.htm

[2] Vận động là quy luật phổ biến của Văn học, nghệ thuật – Báo văn nghệ Việt Nam (baovannghe.com.vn)

[3] Hội thảo khoa học quốc gia: "Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên" (hcma.vn)

[4] ‘Mặt trái của kinh tế thị trường làm tăng nguy cơ loạn chuẩn trong văn nghệ’ – Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)

Comments are closed.