Tâm Don (VNTB) – Khi đọc những status – bài viết của các nhà báo Thủy Cúc, Mạnh Quân, Thế Đạt, liệu chúng ta có nên đưa ra câu hỏi: Phải chăng đã đến lúc phải đọc lời ai điếu cho một nền báo chí vô trách nhiệm và sa đọa?
Báo chí nhà nước càng ngày càng nhận được nhiều những lời than vãn – phàn nàn và phẫn nộ từ chính những nhà báo chuyên nghiệp sống và làm việc trong môi trường đó. Tại sao lại có những lời ấy từ chính những người trong cuộc? Không còn nghi ngờ gì nữa, những người trong cuộc đó chính là những những người đã nằm lâu trong một cái chăn – mền luôn bốc mùi thum thủm. Họ hiểu và, họ đã lên tiếng, để cảnh báo một nền báo chí sa đọa.
Nhà báo Thủy Cúc trước đây là phóng viên của báo Tuổi Trẻ, và vừa mới nghỉ hưu chưa lâu. Chị được làng báo Sài Gòn đánh giá là một nhà báo tài năng, có lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp. Mới đây, chị cho đăng lên FB của mình một status, không, đúng hơn là một bài viết đau đớn về nghề báo quốc doanh. Hãy cùng chị Thủy Cúc nhận chân một sự thật khủng khiếp!
ĐỀ TÀI SỚM CHO NGÀY 21/6: BÁO CHÍ GIẺ RÁCH
Ngày của nghề, của ngành là để tôn vinh, không tôn vinh được thì lờ đi chớ cũng không nên đem chuyện xấu ra mà nói, lệ thường là vậy rồi. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, nếu không nói chuyện xấu của báo chí vào ngày 21/6 này thì e rằng sẽ khó có ngày nào khác, hoặc có lý do khác để đề cập.
Tôi mong bài này sẽ được các anh chị nhà báo đàng hoàng vào đọc. Nếu các anh chị thực hiện đề tài này trên mặt báo, tôi rất biết ơn.
—–
Chưa khi nào báo chí xuống tới mức mạt hạng như hiện nay, chắc không cần nhắc lại ở đây. Những bài “nổi bật” mà tôi nhớ được là Người mẫu bán dâm hiện giờ ra sao, Hoa hậu lừa đảo đã từng gõ cửa phòng Giám khảo, bác sĩ từ chối mổ cấp cứu vì biết bệnh nhân là nhà báo, loạt bài về bà Trần Lệ Xuân,…
Hôm thứ Bảy, 28/3/2015, Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA – nơi tôi làm việc ) tổ chức buổi nói chuyện đề tài “Giải quyết khiếu nại của khách hàng : Sao cho hợp luật hợp tình”. Trong buổi nói chuyện, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự sợ hãi báo chí.
Một số luật sư cũng cho biết trong quá trình giải quyết khiếu nại khách hàng tại Hội bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng, chuyện nhà báo xuất hiện, “đứng về phía” người khiếu nại để hăm dọa, tống tiền doanh nghiệp… là chuyện thường gặp. Thậm chí, có cả chuyện “tống tiền tập thể”, cả BBT cùng tham gia.
Trong những buổi làm việc khác với doanh nghiệp, tôi cũng được nghe nhiều về sự nhũng nhiễu của những nhà báo, đến từ những tờ báo có cái tên rất kêu nhưng quanh năm suốt tháng chẳng thấy có bài viết nào cho ra hồn. Có giám đốc phải “đánh dấu” tên của những nhà báo loại này; có giám đốc truyền đạt kinh nghiệm, thủ thuật né tránh nhà báo hội thảo; có giám đốc nói một tháng nhận hàng trăm cuộc gọi xin quảng cáo, nhà báo tới gặp xấc xuợc, hù dọa, khoe khoang quen anh Ba, chị Tư, chú Bảy, cô Tám …
Từ lâu tôi đã nhận ra, từ vị trí được người dân tin tưởng – đến mức quá đáng, báo chí nói chung đã đi đến chỗ bị coi thường, khinh bỉ. “Bị coi thường”, có khi không hẳn lỗi 100% do báo chí nhưng “bị khinh bỉ” thì không chạy tội đâu cho được. Nhà báo, tờ báo có thể không được viết, được đăng những điều nên viết và phải viết (và có thể được thông cảm), nhưng tự nguyện viết/ cho đăng những điều mà chính bản thân mình thấy không đúng, không ngửi được thì phân trần vào đâu?
Tôi cũng nhận ra bây giờ người ta sợ báo chí là sợ bị dây với đám kền kền, với kẻ tiểu nhân, chớ không phải là nỗi sợ bị phanh phui tiêu cực như đã từng có một thời ngày trước.
Việc những nhà báo, tờ báo đàng hoàng lên tiếng về tình trạng báo chí như giẻ rách này không chỉ là nghĩa vụ với xã hội mà còn vì sự sống còn của các bạn. Các bạn làm sen giữa bùn? Được thôi, nhưng nếu vũng bùn quá ngập ngụa, hôi thúi và đầy độc chất, ai thuởng lãm được sen? Các bạn đừng chờ tới lúc đi đâu cũng nghe thiên hạ nói câu “Anh chị xyz đó là nhà báo nhưng tử tế”.
TB: Sực nhớ ông bà xưa có câu “Giẻ rách cũng đỡ móng tay” nên viết thêm phần “TB” này . Đúng là giẻ rách cũng có lúc hữu dụng nhưng bốc mùi và dơ lắm lắm.
Gần như cùng thời điểm chị Thủy Cúc viết status-bài viết nói trên, cũng trên FB, nhà báo Mạnh Quân ở báo Thanh Niên cũng có status-bài viết về một nỗi đau nhức nhối và âm thầm về nghề báo quốc doanh.
Lại nói về quy hoạch báo chí
Có nhiều tờ báo bị dừng xuất bản trong số này là những tờ mình chưa bao giờ đọc và cơ bản là không hứng thú lắm với các báo, tạp chí của các ngành. Đa phần là cách viết rất xơ xứng, nặng thông tin tuyên truyền ngành, và thường không khách quan, viết thật về vấn đề của ngành đó.
Cho nên, ở mức độ nào đó, thực hiện quy hoạch báo chí mà cắt bỏ bớt các tờ báo dạng báo ngành, hiệu quả kém, nội dung nhạt, chỉ tổ tốn tiền ngân sách có khi cũng tốt.
Nhưng quả thực, vẫn không nuốt trôi cái kiểu điều hành, sắp xếp cắt giảm, sáp nhập …báo chí một cách hành chính. Bởi mỗi lần như vậy, có hàng trăm, hàng ngàn người sẽ phải ra đường, liên quan đến cuộc sống của rất nhiều gia đình.
Trong số các báo ngành, dù sao vẫn có một tỷ lệ nhất định tờ báo đọc được, vẫn có những nhà báo, phóng viên giỏi. Đùng một cái, họ bị đẩy ra đường, thất nghiệp.
Có một cách làm nào đó đúng đắn, nhân văn hơn không ? Cắt hết ngân sách, để các báo tự vận động theo thị trường. Viết được, kinh doanh có lãi thì tồn tại, lỗ vốn thì đóng cửa.
Thế thôi. Nếu có tờ báo nào đang làm tốt, nội dung hay, có lãi mà chỉ vì quy hoạch, đóng cửa tờ báo đó chẳng phải cứng nhắc, thô bạo quá hay sao?
Tôi đã từng được làm ở một tờ báo, tuy cũng lỗ, nhưng cơ bản vẫn có thể tồn tại và phát triển tiếp được (SGTT), thấm nỗi buồn mất việc, vất vả tìm việc mới khi tờ báo bị sắp xếp, tôi hiểu, những tờ báo đang và sắp bị đóng cửa, có bao nhiêu thân phận, con người… cũng sẽ rơi vào tình thế như anh em SGTT chúng tôi hơn 1 năm trước.
Nghe đâu là còn có những tờ báo của các cấp sở quản lý cũng sẽ bị dừng, sắp xếp… Đã có anh em một số báo như Pháp luật TP HCM lo lắng, tìm chỗ dung thân.
Theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách ban hành ra phải được lấy ý kiến của đối tượng bị tác động. Luật mới ký, ban hành chưa ráo mực nhưng có vẻ như vẫn có rất nhiều chính sách tác động làm thay đổi rất lớn đến hàng vạn người đã không cho những đối tượng đó một ý kiến nào cả!
Chính sách đó có mặt tích cực là sẽ góp phần thúc đẩy mạng xã hội VN phát triển mạnh mẽ, sôi động do sẽ có thêm hàng trăm cây viết có nghề, có kiến thức, có sự bất mãn từ báo chính thống, mất việc chuyển qua!
“Tái cơ cấu”, sắp xếp… theo mệnh lệnh, cưỡng ép… là cái gì đó, rất dã man!
Nhà báo Thế Đạt là phóng viên của trang tin autodaily.vn, cũng vừa mới đây thôi đã buộc lòng phải cất tiếng chửi trên FB của mình. Với anh, không chửi không được khi sự phẫn nộ đã dâng cao, khi sự uất ức đã lên đến đỉnh.
Mẹ cha mấy thằng “làm” báo
Ấy ấy, xin các phóng viên chân chính, các nhà báo nhớn ở những tờ báo to đừng vội giật mình. Em không chửi các anh, các chị. Em chửi là chửi những thằng “ngồi nhầm chỗ”. Cũng mang danh phóng viên đấy nhưng kiến thức chuyên ngành báo chí thì ít mà kỹ năng “xào, nấu”, chém gió thì nhiều.
Cơ mà nó “xào” lại những bài báo chính thống thì còn đỡ. Vì dẫu sao nguồn thông tin đó còn được tổ chức, viết ra và biên tập bởi những “đại nhà báo” như các anh, các chị. Đằng này, chúng nó đi lấy tin trên… phây búc mới chết cha con nhà người ta không. Mà tin phây búc thì các anh chị đã biết, không ai kiểm chứng đúng sai, bạ cái gì người ta đăng lên cái nấy.
“Đời báo” của em gặp rất nhiều thằng kiểu này. Hằng ngày chúng chịu khó như những người nông dân. “Bán mặt cho máy tính, bán lưng cho bờ tường”, luôn chân luôn tay cày, cuốc trên “mảnh đất” phây búc.
Ờ mà công nhận chúng nó cũng giỏi thật. Chúng nó biến chuyện trên trời dưới biển, chuyện phét lác, chém gió, chuyện cá nhân, riêng tư, chuyện chửi thề, chửi đổng trên “phây” thành tin chính thống hết. Chữ chúng nó hay dùng nhất là “theo một nguồn tin từ Facebook”, “từ trang cá nhân” của người này, người nọ.
Chả phải riêng ông “sao”, bà “sậu” nhiều phen tức điên lên vì cái lũ này, mà đến người thường cũng lắm quả khốn đốn. Em chẳng nói xa xôi chuyện của ai đó, cũng không buồn đề cập đến chuyện vài ba năm trước, em lấy ví dụ trực tiếp người nhà em, ngay hôm qua thôi.
Chuyện là có cô em họ đang bán xăng dầu tận Tuyên Quang. Sáng qua vừa hết ca thì gặp 2 ông khách cầm súng hơi vào đổ xăng. Thấy lạ, nó cầm lên ngắm nghía. 2 ông khách coi ngồ ngộ rút điện thoại ra chụp luôn đăng lên “phây”. Khổ thân con bé, đến lúc mặt mình chình ình trên báo rồi mới biết.
Vâng, những “phóng viên chiến trường… trên phây búc” của chúng ta đã lấy ngay tấm ảnh từ trang cá nhân của vị khách nọ, viết thành bài báo với tựa đề “Chân dài thử súng cạnh cây xăng”. Thế là ôi thôi, hàng chục trang lá cải khác dẫn lại, hàng trăm diễn đàn mang hình ảnh con bé ra bình luận.
Nó vừa gọi cho em, vừa khóc. Nó “sốc”. Nó mất ăn mất ngủ. Nó bị hẳn Tổng công ty xăng dầu gọi lên bắt làm tờ trình. Bị Công ty xăng dầu Tuyên Quang triệu tập họp kỷ luật. Ngày mai nó sẽ nhận được lệnh điều chuyển công tác.
Giờ thì người trong cơ quan ai nhìn nó cũng xì xào. Chưa hết, về nhà bố nó nói, mẹ nó la. Bà con chòm xóm người hỏi ra, hỏi vào. May là nó không nghĩ tiêu cực.
Đấy, chỉ một chút sơ suất của nó mà mấy thằng phóng viên phây khốn nạn “bé xé ra to” làm nó mất danh dự, mất việc làm, mất cả niềm tin. Mẹ cha mấy thằng “làm” báo!
Khi đọc những status-bài viết của các nhà báo Thủy Cúc, Mạnh Quân, Thế Đạt, liệu chúng ta có nên đưa ra câu hỏi: Phải chăng đã đến lúc phải đọc lời ai điếu cho một nền báo chí vô trách nhiệm và sa đọa?
Nguồn: http://ntuongthuy.blogspot.com/2015/04/vntb-viet-som-cho-216-loi-ai-ieu-cho.html