Duyên Anh
Chương 20
Sự hãi hùng chỉ xẩy ra vào đêm khuya và chỉ một số người biết. Và cũng bởi thị xã bé nhỏ nên Vencuzenđơ chẳng có bao nhiêu. Vài đêm là hết. Ai chưa bị bịt mắt dẫn tới gầm cầu Bo thì trốn biệt tích, bán xới khỏi thị xã. Lại thêm những người ra đi. Cầu Bo không còn là nơi chứa đựng nỗi vui buồn mùa nước lũ. Nó bất động, câm nín nhưng có đôi mắt chứng kiến. Đôi mắt mở lớn. Cảnh người chết vì đói, cảnh người chết vì người và rồi người chết vì những lý do nào nữa đây? Thị xã ồn ào náo động như thường lệ, kể từ sau ngày cách mạng mùa thu. Đám nhi đồng khuấy động đời sống thị xã cho đến ngày tổng tuyển cử. Không chuyện gì xẩy ra. Không một tên phản động phá rối bầu cử quốc hội. Bầu cử thành công. Nhi đồng tuần hành hoan hô thắng lợi bầu cử. Ở Hà Nội, ở Hải Phòng, ở những đâu đâu, bầu cử có thành công, có bị Việt gian phản động phá rối, dân thị xã Thái Bình không biết. Không nên biết. Người ta muốn quên Vencuzenđơ như hồi Nhật đảo chính quên những người thân Tây, như hồi cách mạng mới bùng nổ quên những người thân Nhật. Nhớ là ăn ngủ không ngon. Biết là phiền phức, lo sợ. Đời sống, thành ra, lại có gông cùm, thứ gông cùm vô hình sẵn sàng khóa chặt số phận con người.
Cách mạng chưa thay đổi gì hết ngoại trừ thay đổi sự bình thản cố hữu của thị xã. Thay đổi chút bề mặt. Như mặt nước ao thu gợn sóng bởi những mảng sàng ném thia lia của bọn trẻ con ham nghịch ngợm. Dường như, sau những ngày cuồng nhiệt, người ta vừa thấy nỗi hoang vu bủa quanh tương lai mình. Tại sao phải đợi giặc Pháp chiếm Thái Bình mới thái bình, kháng chiến mới thành công? Cái tại sao được nuốt rất khẽ. Cách mạng có hình phạt mới, cách mạng giết người mới. Và hình phạt của cách mạng không cho kẻ bị kết án giãi tỏ, bào chữa. Có lẽ, cách mạng nào cũng giống nhau vì không làm ra yêu thương. Cách mạng thường đem đến náo động giai đoạn rồi khi náo động chìm lắng thì phiền muộn giăng lưới chụp xuống đời sống. Và đời sống khe khắt hơn, siết chặt hơn tự lúc nào mình chẳng biết. Mình mang cảm giác của kẻ vừa chợt tỉnh giấc mê đời. Con người chỉ hoàn toàn hạnh phúc nếu thoát khỏi mọi ràng buộc. Mà cách mạng không giải phóng ràng buộc, cách mạng thay thế ràng buộc cũ bằng ràng buộc mới. Rốt cuộc, con người vẫn bị nô lệ. Vẫn đau khổ. Và thêm nhiều người trở thành những người thiếu quê hương ngay trên đất quê hương mình.
Bầu cử xong xuôi, thị xã giống hệt cảnh những ngày hội tàn. Sinh hoạt cách mạng thu gọn trong phòng họp, dưới chân cột đèn. Phái đoàn chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thương nghị với Pháp ở Đà Lạt, chủ tịch Hồ Chính Minh sang tận nước Pháp dự hội nghị Fontainebleau không mấy quan trọng đối với dân thị xã. Ngay cả những nhà ái quốc đắc cử vào quốc hội trong một cuộc vận động tranh cử không đối thủ cũng bị quên lãng, mặc dù, báo chí làm rầm rộ chuyến đi của Hồ chủ tịch và trên tường phố, khẩu hiệu mới khích động mãnh liệt: Tất cả cho cách mạng tháng tám, Bầu cử thắng lợi là cái tát đập vỡ mộng xâm lăng của thực dân Pháp. Tất cả cho cách mạng tháng tám. Còn gì nữa mà cho? Vàng cho hết rồi. Niềm tin cho hết rồi. Bây giờ, chỉ còn lo ngại trước mặt. Buôn bán ế ẩm. Thóc cao gạo kém. Nhiều gia đình đã phải nhịn ăn một bữa. Nhiều gia đình sáng cháo, chiều cơm. Đó là lý do chua xót nhất khiến dân thị xã quên cách mạng, quên Nam Bộ kháng chiến, quên Hồ chủ tịch, quên hội nghị Fontainebleau, quên quốc hội…
Nhưng Vũ không quên Thúy. Làm sao có thể quên được hơi thở của đời sống mình? Chẳng cần dẫn đội nhi đồng hô hoán om xòm, Vũ vẫn qua nhà Thúy. Qua hai ba bận mỗi ngày. Vũ không phân vân, ngại ngùng khi rẽ vào phố nhà Thúy như năm xưa, như hôm xưa. Năm xưa, Vũ tưởng chừng xa vời vợi. Rồi mọi đứa trẻ đều phải làm người lớn, đều phải có trách nhiệm. Muốn mãi mãi hồn nhiên, vui đùa cũng không được. Vũ sẽ làm người lớn, song chưa bây giờ. Bây giờ, Vũ mới bước qua ngưỡng cửa niên thiếu vài bước, Vũ cần dừng lại để hưởng trọn vẹn mật ngọt của tuổi vừa lớn. Mật ngọt ấy ở đôi môi Thúy, ở đôi mắt Thúy, ở trái tim Thúy, ở mái tóc Thúy, ở bàn tay Thúy. Mật ngọt ấy là xuân đời. Phải hưởng hết xuân đời cho no đầy mộng tưởng, chín vàng ước mơ rồi bằng lòng tàn tạ với lá mùa thu. Vũ đã nằm một mình dưới giàn hoa lý sau vườn, thổi ác mô ni ca bài Chiều quê, bài Trường cũ. Buồn thoang thoảng. Nếu có bao giờ, ở nơi nào đó, Vũ cũng nằm một mình dưới giàn hoa lý, tưởng nhớ Thúy như một kỷ niệm thiết tha, chắc chắn, Vũ sẽ khóc. Và Vũ sẽ làm bất cứ một việc gì cho Thúy, vì Thúy để được mãi mãi gần Thúy, vuốt tóc Thúy mà nghe hồn mình dậy mùi hương tóc người yêu.
– Anh Vũ!
Thằng Khoa cắt đứt ý nghĩ tuyệt vời của Vũ. Nó hỏi:
– Anh làm gì mà đần mặt ra thế?
Vũ cáu:
– Đi chỗ khác chơi.
Khoa nói:
– Em nhờ anh đi “a văng xăng” hộ. Chiều nay tụi em đá với tụi trường Tầu.
Vũ mỉm cười:
– Em “bốc” anh đá cho lớp em?
Khoa nháy mắt:
– Thiếu Vọng ghẻ tầu thì anh là vua “ngả bàn đèn”. Anh mới tuyệt cú mèo.
Khoa nói những tiếng nói của Vũ. Khoa là Vũ năm xưa. Nó gạ Vũ:
– Có anh, em mới dám cộp tụi Tầu lỏi trả thù tụi Tầu phù dạo nọ.
Vũ khẽ lắc đầu:
– Anh không thích đá bóng nữa. Em nhờ anh Lộc, anh Luyến là thừa sức hạ tụi nó.
Khoa khoe:
– Anh Luyến bắt “gôn”, anh Lộc đứng “đờ mi”. Thiếu “a văng xăng”.
– Nhờ anh Côn.
– Anh ấy bảo anh ấy chán đá bóng rồi.
– Anh cũng chán luôn.
– Sao thế?
– Tại hết vui.
– Tụi em bị thua, em sẽ giận anh.
– Không thua đâu. Em chiến nhất.
Vũ đứng dậy, vỗ vai em, khích lệ:
– Nhất định tụi em bắt tụi Tầu lỏi mang xe bò chở trứng vịt thối.
Khoa hí hửng vùng chạy. Vũ nhìn theo em, nhìn hình ảnh năm xưa của nó rực rỡ trên sân cỏ. Nó lại ngồi xuống chỗ cũ, tiếp tục ý nghĩ tuyệt vời. Nhưng ý nghĩ trốn theo Khoa rồi. Vũ lấy xe, mở cửa, phóng lên cầu Bo. Nó dựng xe ở đầu cầu, thả bộ dọc theo hành lang, tới giữa cầu thì dừng chân. Vũ nhìn nước sông Trà Lý lững lờ chảy xuôi ra biển. Bên kia sông, nắng nhẩy múa trên những ngọn cây xanh. Vẫn là nắng ấy. Chỉ thiếu tiếng tu hú kéo dài thời gian và trải rộng không gian. Vũ ngước trông cái vồng cầu cao nhất mà năm xưa Vũ đã biểu diễn leo qua cho Thúy xem và ngã trong giấc mơ êm ái. Dòng sông, cây cầu, xóm làng bên kia đã trở thành kỷ niệm để Vũ man mác nhớ, thoang thoảng buồn. Giá đứng đây, nhớ Thúy phương trời xa, tương tư hai hàng cây hồi ở phố nhà Thúy, tiếc nuối những đêm hai đứa khoác vai nhau đi giữa con đường thơm, nghe gió thầm thì luồn qua lá hồi rung rinh kỳ ảo, Vũ sẽ khóc. Nước mắt Vũ sẽ rơi xuống sông. Sông chở giùm nước mắt của Vũ cho Thúy như sông đã chở nước nguồn cho biển.
Vũ sợ phải khóc. Không, không bao giờ có chuyện ngăn cách, chia ly. Đời sống mãi mãi thế này. Đời sống êm đềm với mộng ước thấp nhỏ như những cây hồi trên vỉa hè thị xã. Nếu dời bỏ khung trời quen thuộc này, Vũ sẽ hết sung sướng. Hạnh phúc của Vũ đã có sẵn ở đây, chẳng cần đi đâu xa hơn. Tự nhiên, Vũ lẩm nhẩm lạy trời đừng bắt những người thân yêu của Vũ xa Vũ. Và Vũ bước nhanh trở lại đầu cầu. Nó leo lên xe, đạp nhanh về con phố có hàng cây hồi mùi thơm lạ lùng không hăng hắc giống mùi thơm của những cây hồi ở phố khác. Dưới ánh nắng chiều, chắc lá hồi cũng đẹp lắm.