Văn học miền Nam 54-75 (680): Xuân Vũ (kỳ 24)

XƯƠNG TRẮNG TRƯỜNG SƠN

24

Đơn vị lại tiếp tục dời một địa điểm khác nữa. Cả lũ tôi đi theo đơn vị như một lũ người không ra người, ngợm không ra ngợm. Cứ thỉnh thoảng lại dáo dác nhìn lên trời, một đứa quát: 
– Ê coi chừng B52! 
– Coi chừng B52!

Vẫn nghe tới những tiếng đó, mọi người cứ rã ra chạy tuôn bất kể sống chết vào những bụi rậm, nấp vào những gốc cây hoặc những gò mối, chờ cho bom rơi trên lưng mình. 
Còn những kẻ mất trí vì trận B52 thật sự thì cứ lâu lâu lại chạy vọt đi không cần ai la hét. Đồng đội của họ phải đi kiếm lôi về và đưa họ đi vào trong hàng một cách thật khổ ải. Rồi sau cùng một sáng kiến được thực hiện: Người ta giữ họ lại bằng những sợi dây mây bứt ngay bên ven đường, một đầu buộc vào lưng hoặc vào tay họ, còn một đầu do một người tỉnh trí giữ. 
Bác sĩ Năm Cà Dom thấy tội nghiệp thằng Mạnh Rùa quá nên thôi không giữ cái ý định chửi nó nữa. Còn Hoàng Việt có lẽ đã nguội lạnh đi cái tình cảm bực tức lúc nãy nhưng lâu lâu lại thốt ra vài câu: 
– Thiệt là hết chỗ nói! Đem những ông bần cố hỉ như thế đi đánh với thằng sừng sỏ nhất thế giới! 
Hoặc, mỉa mai hơn: 
– Coi chừng chớ còn vài ba vị còn lận cái máy đó trong lưng để dành chơi đấy. 
Nhưng sự bi đát nhất vẫn là cái chuyện sau đây: 
Số là trong lúc tẩn liệm các xác chết người ta thu thấy trong túi áo và trong ba-lô của hai xác chết những tấm giấy thông hành của quân đội đồng minh! Đó là vấn đề lập trường! 
Cho nên Mạnh Rùa và Tuất phải họp cán bộ để giải quyết vấn đề đó. Đúng ra là ban đầu Tuất muốn nhẹm luôn chuyện đó đi, nếu để nó lan ra thì làm công tác chánh trị nội bộ (nghĩa là bịp lẫn nhau) sao nổi, nhưng vì đã có người trông thấy chuyện đó rồi. 
Cái giấy thông hành màu vàng có nhiều lá cờ và nhiều thứ tiếng in ở một mặt, còn mặt kia thì có in hình một người lính đội mũ sắt trỏ tay chỉ đường cho một người mặc áo bốn túi đầu đội nón nan bao vải. Họ lục thấy một tấm trong áo người chết, còn một tấm trong ba-lô của một người khác. Như vậy làm sao giấu cho được. 
Tuất và Mạnh Rùa bàn cãi vấn đề nghiêm trọng này với các cán bộ rất lâu. Có người hỏi: 
– Như vậy là có nghĩa gì? 
Tuất nói toẹt ra: 
– Còn nghĩa gì nữa? Nghĩa là trong đám anh em mình, có nhiều đứa muốn đánh bài chuồn rồi. Phải chặn đứng lại ngay. 
Mạnh hỏi đám cán bộ: 
– Các anh có thấy những giấy tờ đó ở đâu không? 
Một cậu đáp: 
– Giấy đó thì nhiều lắm. Rải rác khắp trong từng. Đi lâu lâu lại gặp một tấm. Có tấm dính trên cành cây, có tấm nằm dưới đất. 
– Nhưng ban chỉ huy đã có lệnh cấm đọc truyền đơn địch mà! 
– Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi không thể kiểm soát được vì truyền đơn nhiều quá, nhiều loại quá, có loại in cả thơ lục bát gợi tình cảm nhớ nhà. Có tấm in cả lời kêu gọi của cán bộ mình. 
– Nghĩa là sao? Mạnh gắt hỏi. 
Anh cán bộ kia ngập ngừng một giây, rồi nói: 
– Tôi có đọc một tờ, thấy truyền đơn của một cán bộ trung đoàn của mình chạy về bên kia và viết lời kêu gọi chúng ta. 
Tuất nói: 
– Nghĩa là nó chạy qua hàng ngũ địch và quay trở lại kêu gọi chúng ta đi theo chứ sao! 
Mạnh Rùa chép miệng, thở dài: 
– Thế thì ngoài bom pháo, máy bay phản lực, B52, chúng ta phải đối phó với cái thứ ma quỷ này nữa! 
Tuất tiếp: 
– Mà thứ này còn nguy hiểm hơn bom pháo và máy bay! 
Cuộc họp bàn lung tung một chập rồi trở lại vấn đề truyền đơn bắt gặp trong túi áo và ba lô của những người chết. 
Có hai ý kiến của hai phe rõ rệt. 
Ý kiến thứ nhất là nên bỏ qua chuyện đó, làm như không có xảy ra vậy. Để tự nhiên người ta sẽ quên đi, dù ai có biết thì họ cũng sẽ coi đó là vấn đề không quan trọng. Lượm một “tấm giấy” hay hay bỏ túi chơi vô tình quên khuấy đi không vứt nó đi, cho nên chết còn mang nó trong mình. Thế thôi. 
Nhưng nó bị ý kiến thứ hai quyết liệt bác bỏ. Những người có ý kiến thứ hai cho rằng đây là vấn đề ý thức hệ và lập trường giai cấp. Tại sao nhặt một tấm giấy thông hành có những lá cờ đồng minh, có hình ảnh như đã kể trên kia, hơn thế nữa, có cả một câu chiêu hàng rõ rệt như thế này: “Cầm tấm giấy thông hành nầy trên tay, đi đến bất cứ đồn bót nào bạn cũng sẽ được tiếp đón tử tế” mà lại bỏ túi được? 
Bỏ túi một tấm giấy như vậy vào túi, dù chỉ một phút, cũng không được rồi. Huống nữa là họ đã giữ nó không biết bao nhiêu ngày và trong đầu họ nảy ra những ý nghĩ gì? 
Phe thứ hai này mạnh hơn áp đảo hẳn đối phương và cuối cùng đa số đã quyết định. 
Một là khai trừ đảng tịch của cả hai người chết kia (khốn khổ thay cả hai đều là đảng viên) để làm gương “xấu” cho quần chúng. (Đảng viên đi tiên phong cả trong việc “nghiên cứu” truyền đơn của địch!) 
Không biết những người đảng viên đang nằm dưới đất kia có phản đối cái bản án khiếm diện này hay không? 
Quyết định này được mang ra phổ biến cho những người còn sống sót sau những trận bom gây nên bởi sự tò mò của một người. 
Riêng tôi, tôi nghĩ khác: từ nay họ sẽ nhặt những truyền đơn nhiều hơn và cất giấu kỹ hơn. 
Một hôm đang nằm tôi bỗng nghe một mùi thum thủm. Tôi biết là mùi thịt thối, cho nên tôi ngóc đầu nhìn quanh. Sau cùng, tôi tìm thấy một cái đầu nai, một cái sừng ghim chặt xuống đất, còn cái sừng kia gãy trụi. Cái đầu nai đang bị dòi đục lúc nhúc. 
Tôi tiếc ngơ tiếc ngẩn. Một cái đầu nai, biết bao nhiêu là thịt, nếu tôi gặp nó trước một hai hôm thì hay biết mấy. Tôi cứ đứng ngơ ngẩn nhìn mãi. 
Hoàng Việt còn đang tức về cái việc bị lục soát ba lô hôm trước. Giữa lúc đó thì Mạnh Rùa lại đến. 
Mạnh Rùa tỏ vẻ nhận lỗi với chúng tôi, nhưng không dám nói mạnh dạn. 
Anh ta nói: 
– Thật ra chúng tôi cũng biết làm như vậy là không hay. 
Năm Cà Dom nói thẳng, không ngại ngùng: 
– Không! Làm như vậy là hay lắm chứ. Trắng đen đã rõ rồi. 
– Hóa ra lỗi tại chúng tôi.. 
Năm Cà Dom nói: 
– Thực tình, người của các anh, cả các anh nữa ngớ ngẩn quá. Không có một ý niệm rõ rệt gì về Mỹ và những hoạt động của họ trên đường Trường Sơn này cả. Ai đời lại bỏ một cái máy như vậy trong ba lô làm cho đơn vị bị bốn trận bom liền tan tác như thế! – Năm Cà Dom tiếp – Hôm nọ chính tôi phải giải phẫu cho một anh lính vì trông thấy trái “bom bi ” đẹp quá, nghịch chơi mà bị nổ phèo ruột! 
Mạnh Rùa cười ngượng ngập: 
– Tôi mong các anh thông cảm cho chúng tôi về cái chuyện hôm nọ. 
Hoàng Việt vẫn nằm dài phì phèo điếu thuốc, nói mát mẻ: 
– Tôi thông cảm hoàn toàn với các đồng chí mà, cũng như đồng chí Hoàng Văn Hoan (ủy viên Bộ Chính trị Trung ương đảng) thông cảm hoàn toàn với các đồng chí trong đội cải cách ruộng đất đuổi bà mẹ của đồng chí ấy ra làm ăn mày lang thang khắp tỉnh Nghệ An, thế thôi! Cũng như một đồng chí Xô Viết Nghệ Tĩnh ba mươi tuổi đảng thông cảm với đội cải cách ruộng đất đã đưa linh hồn của đồng chí xuống suối vàng… Thế thôi! 
Mạnh Rùa nói: 
– Không phải vậy đâu đồng chí. 
– Đúng là không phải như vậy nhưng cũng gần như vậy! 
Mạnh Rùa chống đỡ yếu ớt: 
– Đồng chí nói sao tôi đành chịu vậy chớ biết sao bây giờ! 
Mạnh Rùa ngồi lặng thinh trông tội nghiệp hết sức. Năm Cà Dom nói: 
– Thôi chuyện đó bỏ qua đi. Bây giờ tôi hỏi thật, có cho bọn tôi đi theo nữa không? 
Mạnh Rùa như kẻ chết đuối vớ được cọc. Hắn đáp ngay: 
– Đi thì đi chớ. Văn nghệ sĩ mà, chúng tôi quí lắm chớ. 
– Được rồi, nhưng nhớ đừng có xét ba-lô chúng tôi nữa nhé! 
Mạnh Rùa ngượng ngùng. Một chốc Mạnh Rùa nói: 
– Bây giờ chúng tôi nhờ các đồng chí một việc. 
– Việc gi đó? 
– Không nói giấu gì đồng chi. Chúng tôi đang có một bệnh nhân kỳ cục quá, chúng tôi không rõ hắn ta bệnh gì. 
– Anh ta ở đâu hiện giờ? 
– Đằng kia, chúng tôi đang trói hắn vào gốc cây. 
Năm buột miệng nói ngay: 
– Hay là thằng Roánh lại tái diễn cái màn cũ của nó? 
– Không phải đâu, anh này bệnh thiệt. 
– Bệnh gì mà phải trói vô gốc cây? Đâu đưa tôi tới đó xem! 
Nói vậy rồi Năm Cà Dom đi theo Mạnh Rùa. Tôi cũng đi. 
Quả thật, một người đang bị trói úp ngực vào gốc cây. Thấy chúng tôi đến, hắn cười rũ rượi ra và nói: 
– Há há… ta là con của Trời cháu của Phật. Há há… 
Hắn cười to lên, lấy hơi bụng lên mà cười không dứt. Tôi nói ngay: 
– Sốt ác tính Năm Cà Dom ạ! 
– Có thể. 
Nói thế rồi Năm Cà Dom bước lại sau lưng hắn đưa tay sờ trán hắn, vầng trán đẫm mồ hôi vì lúc nào hắn ta cũng cựa quậy giãy giụa mong thoát khỏi sự trói buộc. 
Năm Cà Dom trở lại chỗ cũ rồi lắc đầu. Mạnh hỏi: 
– Sao đồng chí. Nó có nóng lắm không? 
– Không. Năm Cà Dom lắc đầu. Anh này có thể không phải bị sốt ác tính. 
Rồi Năm Cà Dom hỏi: 
– Hắn đau từ lúc nào? 
– Tôi cũng không rõ đích xác giờ đau của hắn, nhưng khi nghe báo cáo, tôi đến nơi thì thấy hắn ta bị trói như thế này rồi. Tôi được nghe anh em kể lại thì đêm qua lúc ai nấy đang ngủ, hắn ta cũng ngủ, bất thình lình, hắn tung màn ra nhảy xuống đất và kêu lên những tiếng thất thanh, rồi cứ như một thằng mất trí, hắn tuôn rừng lướt bụi chạy mãi, vấp té, lại ngồi dậy, lại chạy. Anh em đuổi theo bắt, nhưng không tài nào giữ hắn lại được. Mãi cho đến lúc trưa này, họ mới bắt hắn về trói lại và đi báo cáo cho tôi. 
Bỗng bệnh nhân cười lên và nói như hát. 
– Út út út! Rầm rầm rầm! 
Tôi nhớ lúc sau trận máy bay B52 oanh tạc, đơn vị phải gấp rút di quân, tôi thấy có một người bị đồng đội dắt đi bằng một sợi dây mây. Và một người khác chạy bạt mạng qua những hố bom còn nghi ngút khói. 
Tôi rỉ tai Năm Cà Dom, Năm Cà Dom cũng gật đầu đồng ý với tôi. Mạnh Rùa hỏi: 
– Bây giờ thế nào đồng chí? 
– Thả hắn ra rồi cho anh em giữ hắn được không? 
– Không được đâu đồng chí! Ai giữ cho nổi? Hắn mạnh lắm. Hắn làm náo động cả đơn vị lên! 
– Thôi cứ trói hắn như thế! 
– Đến chừng nào? 
– Chừng nào tôi bảo mở trói hắn thì hãy mở! 
Trên đường trở về, Năm Cà Dom nói: 
– Thằng này có cho đi Biên Hòa thì hoặc may có thể trị được. 
– Có cách nào chữa cho lành không? Tôi hỏi. 
– Thời gian! Chỉ có yếu tố thời gian cộng vào đó là tâm lý. Làm thế nào gột sạch sự kinh hãi đột biến trong đầu nó về B52. 
– Làm thế nào? 
– Ai biết. 
Nằm trên võng suy nghĩ, nhớ lại trận B52 vừa qua mà tôi cứ giật mình từng lúc. Hôm đó đâu có cảm thấy đầy đủ nỗi hoảng sợ. Ngay sau đó nỗi sợ đến với tôi cũng chưa hoàn toàn, vì đứng giữa cảnh hoang tàn khốc liệt bao quanh mình là những xác chết, mình có cái vui được sống nghĩa là sướng hơn mọi người… chết mà chẳng được toàn thây. 
Nhưng về sau, càng nhớ lại càng kinh hoảng, hãi hùng.Thỉnh thoảng một hình ảnh của trận B52 lại hiện lên trong đầu óc tôi. Đầu óc tôi lúc đó ví như một cái máy ảnh đã thu nhận hàng trăm bức ảnh trong một lúc vào phim, nhưng dần dần về sau nó mới cho in ra từng đoạn. Rừng Trường Sơn càng thưa đi thì xương người trên mặt đất càng nhiều, những mẩu xương, những ống xương, những bộ xương, những đống xương. 
“Nhất tướng công thành vạn cốt khô!”
Để vun bồi “uy tín” (hão) cho một người hoặc một vài người mà trên dãy Trường Sơn này, núi rừng đã phải nhận hằng vạn bộ xương khô hằng vạn nấm mồ không có nấm, không có bia. 
Trong không khí Trường Sơn lúc bấy giờ có vô số sự uế tạp: nào mùi thuốc đạn, nào mùi thây ma sình thối, nào hơi lá mục muôn thuở của rừng hoang, cộng vào đó trời mưa nắng bất thường. Cứ mưa xong lại nắng, đang nắng lại đổ cơn mưa, cho nên bình thương hàn, kiết lỵ rất phổ biến. 
Hay có thể nói là gần 70 phần trăm người mắc những chứng bệnh này. Thế là ngoài sốt rét rừng ra, chúng tôi còn có thêm thương hàn và kiết lỵ. 
Có người bị một lúc cả hai chứng: thương hàn và kiết ly hoặc kiết lỵ và sốt rét. Binh tướng nào còn tinh thần chiến dấu. Họa chăng có Gia Cát Lượng tái sinh mới điều khiển nổi đám quân ọc ạch như vậy. 
Lại thêm cái nạn biệt kích! 
Chắc độc giả còn nhớ cái vụ biệt kích chớp nhoáng vừa mới xảy ra trên kia xảy ra cho hai vợ chồng ở một trạm nọ. Đó là cái anh biệt kích người Thượng. 
Còn thêm biệt kích Mỹ nữa. Nói là biệt kích Mỹ nhưng là người Việt. Họ hành động bạo dạn vô cùng. Thú thật rằng chúng tôi không dám xa cái lều con, thơ thẩn ra bờ suối như trước kia tôi và Thu đã từng làm nữa. 
Tôi đã từng nghe một câu chuyện biệt kích đột nhập một đơn vị sau đây: 
Lúc đó khoảng 3 giờ chiều. Anh em trong đơn vị đi lãnh gạo ở một kho cách xa đơn vị tám tiếng đồng hồ lội bộ. Đi từ sáng tới chiều mới vác gạo về tới nơi. Đó là chuyện thường đối với anh em. 
Một số anh em yếu sức đi lê thê ở phía sau. Vì gần tới nơi rồi, không sợ gì nữa, cho nên số anh em này cứ đi chậm rãi cho khỏe. Chẳng ngờ các chàng biệt kích Mỹ nắm chắc các qui luật đi lãnh gạo của các đơn vị. Họ bèn mò theo và bám sát các anh bạn mệt mỏi rơi rớt lại phía sau. 
Một toán biệt kích dùng dao găm đâm chết mấy chàng và lập tức vứt xác vào bụi, cởi áo của họ ra mặc vào rồi vác những ruột tượng gạo cứ đi theo đường mòn dẫn tới đơn vị. Họ trà trộn vào những toán đang còn đi trên đường. Qua câu chuyện của những người kia, những chàng biệt kích hiểu thêm vị trí, bố phòng và sinh hoạt của đơn vị về buổi chiều. Và cuối cùng họ đã đột nhập được vào địa điểm đóng quân của đơn vị này một cách êm ái. 
Họ đi tìm văn phòng của Ban chỉ huy. Họ đi lại như những người khác nhờ bộ quần áo và nhờ trời tối, trong rừng không có đèn đóm gì, cho nên không ai nhìn rõ mặt ai. Và sau cùng họ hành động Họ dùng tiểu liên mà họ giấu trong người, hạ sát gần sạch ban chỉ huy, họ bắn vào những đám đang tụ tập quanh mâm cơm và trở lại phóng hỏa đốt kho gạo. 
Cả đơn vị bị tấn công từ trong ruột và quá bất ngờ nên không trở tay kịp. Xong họ rút vào rừng và chỉ vài phút sau, ba chiếc trực thăng tới xạ kích ác liệt vào đơn vị này. Cả quan lẫn lính chạy hoảng loạn. Không ai bắn trả được một phát. Rồi sau một chập dọn bãi là một cuộc đổ quân bằng trực thăng… 
Vì thế cho nên ở đây lính thường nhắc nhở nhau đề phòng biệt kích: “Coi chừng biệt kích nó lấy mất nồi cơm!”
Tôi đã từng trông thấy một bộ quần áo da cọp ở vùng này. Đúng là da cọp. Con người mặc quần áo ấy vào có lẽ cũng mang ít nhiều bản chất của chúa sơn lâm. Bạo dạn, nhanh nhẹn và dũng mãnh. Quả thật, bộ quần áo rằn ri màu da cọp đó làm cho tôi cảm thấy mạng sống mình mong manh thêm nữa, sau những đe dọa chết chóc khác. Tôi tưởng tượng những toán biệt kích mặc bộ áo quần này đi lẩn trong từng ngày đêm, bước đi mềm như nhung chạy nhanh như gió, và hành động như chớp. Tôi rùng mình. 
Một hôm tôi nấu cạn cà mèn cơm, tôi gạt than, đi xuống suối múc nước lên để nấu uống. Khi quay trở lại thì chiếc cà mèn đã biến mất. Tôi hoảng hốt gọi Năm Cà Dom và Hoàng Việt để hỏi. Cả hai đều đáp là không rõ. Tôi nói: 
– Biệt kích nào mà vô đây tài vậy! 
– Mất thiệt sao? Hay là la hoảng? 
– Rõ ràng mà. 
– Thì tôi cũng có thấy cái cà mèn treo đó. 
Năm Cà Dom ngẫm nghĩ một giây rồi gật gù: 
– Thế là ông biệt kích Roánh rồi! 
– Nó có đi ngang qua đây sao? 
– Không thấy. Nhưng chắc là nó chớ ai. Chung quanh đây hễ ai mất bất cứ món gì thì cứ lôi thằng Roánh ra mà khảo. Anh em người ta kể lại với tôi rằng có lần đơn vị đi qua một cái buôn, Mạnh Rùa đổi được con gà, về làm thịt luộc vừa chín quay qua quay lại thì con gà bay mất, chỉ còn lại nồi cháo. Mạnh ức quá bèn cho cả đội trinh sát đi lùng. Kết quả chỉ tìm được mớ xương gà ở một hốc đá. Biết là thằng Roánh nhưng không có bằng chứng, nên không làm gì được hắn. 
Rồi Năm Cà Dom đi tìm ông Thần Roánh. 
Năm gặp Roánh tại lều của hắn ta. Hắn ta đang nằm trên võng rên hừ hừ. Năm Cà Dom đập đập võng: 
– Roánh! Roánh! 
– Hừ hừ… 
– Dậy anh bảo cái này tí! 
– Em không có lấy đâu. Em sốt cả ngày nay nằm liệt không cơm cháo chi hết. Các anh mất cái gì cũng nghĩ cho em! 
– Thế sao cái cà mèn cơm của người ta mới chín lại bay đi đâu? Cậu không trả lại, tôi sẽ báo cáo lên đồng chí Mạnh! 
Roánh vừa rên vừa đáp: 
– Anh báo thì báo chứ em không có lấy thật mà. Anh có thuốc cho em vài viên. 
– Cậu trả cà mèn cơm rồi tôi cho thuốc uống. 
Vừa nói Năm Cà Dom đưa tay sờ trán cậu bé. Năm giật mình: 
– Thằng này sốt kinh quá! 
Năm Cà Dom hỏi: 
– Cậu không còn thuốc uống à? 
– Hết rồi anh ạ! 
– Y tá không cho à? 
– Y tá y tướng gì đâu! Một miếng thuốc đỏ nó còn không thí cho nữa là thuốc uống. Cả túi thuốc của đại đội bây giờ thành thuốc riêng của hắn. Hắn chỉ đổi chứ không cho. 
– Đổi cái gì? 
– Có cái gì đổi cái ấy. Ví dụ như em có cái quai dép dư thì lấy quai dép đó mà đổi lấy vài viên ký-ninh… Em sợ em bị thương hàn quá anh. Thương hàn thì chết. 
– Thương hàn? Tại sao cậu biết? 
– Em nghi nghi như thế. 
– Đừng có dại mồm! 
– Em biết thằng chả có cả Biomycine, thuốc trị thương hàn hay lắm. Thằng chả có hai lọ bốn mươi viên. Của đơn vị để dành cho anh em mà vừa báo cáo là mất rồi. Anh biết không? Ở vùng này đồng bào Thượng còn biết danh thuốc Biomycine đó. Một lọ có thể đổi một con heo to. Năm sáu viên được một con nhỏ, hai viên một con gà. Bệnh nặng chỉ cần hai viên là hết tuốt! 
Rồi Roánh nói tiếp: 
-Em mà bệnh thiệt thì thế nào em sẽ lấy cả hai lọ của hắn ta cho coi. Uống vài viên, còn bao nhiêu thì đem đổi heo. 
Năm Cà Dom bật cười: 
– Cậu thì lúc nào cũng vậy! 
– Anh ghét em anh nói thế. Chứ không phải em muốn ăn cắp làm chi đâu. Em là học sinh lớp mười mà. Em há không biết ăn cắp là tính xấu hay sao? Nhưng em phải ăn cắp, mặc kệ người ta khinh em. 
– Cậu nói vậy nghe sao được? Năm Cà Dom cười. 
Roánh đáp thẳng thắn: 
– Tại anh không biết, cho nên anh mới nói thế. Chứ khi anh biết rồi thì sẽ không nói thế. Anh nên nhớ rằng em không bao giờ đụng tới các bạn đồng đội của em mà luôn luôn em phá ban chỉ huy. Ban chỉ huy toàn ăn sướng. Thí dụ đi tới gần một cái buôn có thể đổi đồ ăn được thì họ ra lệnh cấm binh sĩ không được rời đơn vị vì “tình hình nghiêm trọng”. Như vậy là đúng y như rằng họ sẽ lén đi vô đó đổi gà. Em thú thực với anh là có lần họ đi đổi được một con gà về định chè chén với nhau, nhưng luộc con gà vừa chín thì nó bay đi mất! 
Roánh nói một cách say mê. Có lẽ câu chuyện làm giảm phần nào cơn sốt của nó. Roánh nói tiếp.: 
– Mất miếng mồi quá ngon, nhưng các vị ấy lại không dám kêu lên vì nếu kêu là binh sĩ sẽ hay, sẽ hỏi “Ban chỉ huy mất cái gì?” Nếu họ nói thật mất cái gì, thì binh sĩ sẽ hỏi tiếp “Cái đó ở đâu mà Ban chỉ huy có?” Thế thì làm sao mà trả lời cho trôi? Cho nên các vị ấy hầm hầm cho trinh sát đi lùng. Hai thằng trinh sát cũng vâng lệnh đi lùng, nhưng gặp em, em ngoắc vào ba đứa cùng xơi phéng con gà luộc vứt xương trong hốc đá rồi hai cậu ta trở về báo cáo là không thấy dấu vết gì cả. Trời đất! Mất cả một con gà luộc ở giữa Trường Sơn này anh thử tưởng tượng xem vấn đề to tát biết bao? 
Roánh ngưng một chốc, ho hen rồi lại tiếp. 
– Cái thằng thứ hai mà em luôn luôn phá phách là thằng quản lý. Cái thằng quản lý này luôn luôn ăn xén cơm của anh em. Nó vo tròn từng viên một để phát cho anh em, một cách công khai, ai cũng tưởng rằng nó vô tư nhưng sự thực ra nó ăn cắp rất tinh vi. 
Năm Cà Dom bị câu chuyện của Roánh cuốn hút vào. Roánh kể tiếp: 
– Anh biết không trong đơn vị này ngày nào mà không có những đứa ốm không ăn được cơm, đã xin lãnh gạo để nấu cháo, hoặc những đứa không ăn được cả cơm lẫn cháo. Đó là chưa kể những đứa đi bệnh xá hoặc những đứa đã chết mẹ nó đi từ ba mươi lăm kiếp rồi, thế nhưng tất cả những thằng không ăn đó lại cứ được quản lý chiếu cố đến chia khẩu phần cho đều đều. Anh thấy không? Nó tinh vi quá chớ hả? 
Roánh kể tiếp liên miên: 
– Thằng quản lý nào mà không ăn trên đầu cha lính. Trong lúc mỗi đứa chúng em mỗi tháng chỉ được một nắm cơm to bằng quả trứng thì hắn lại có cả chục nắm. Đó là em chỉ kể về cái vụ cơm thôi, nó cũng đủ mập rồi. 
Năm Cà Dom ngẩn người ra. Roánh kể tiếp: 
– Ở trong ba lô của hắn bây giờ có ít ra là một kí lô bột ngọt. Anh không tin để rồi hôm nào em khỏi sốt, em sẽ đánh cắp luôn cái ba lô của nó cho anh xem! Nhất định em sẽ không tha thằng quản lý mà! 
Năm Cà Dom đi tìm cái cà mèn cơm nhưng rốt cuộc không tìm được nó mà lại phát hiện ra một vấn đề quan trọng về tâm lý con người trên Trường Sơn này. 
Cho nên Năm Cà Dom về kể lại cho tôi nghe câu chuyện gặp Roánh rất tỉ mỉ. Năm Cà Dom kết luận: 
– Toàn những nhân vật có nét cả phải không cậu? Viết vấn đề này lên thì hay lắm. 
– Làm sao viết được? Tôi cười. 
– Cậu không thể viết nổi những nhân vật đã quá rõ nét như thế à! 
– Không phải là không viết được, nhưng những sự thực như thế không được đưa lên sách báo, mà phải mô tả họ như những “anh hùng tuyệt vời!” Cậu hiểu ý tôi nói chưa? 
Năm Cà Dom gật gù, nói: 
– Hèn chi các chả chủ trương cái gì cũng “khơi”! Cứ nghe đài phát thanh Hà Nội và đọc báo Nhân Dân mà không khơi làm sao được? Ví dụ như con đường mình đang đi, cứ ở Hà Nội nghe đài và đọc báo thì cho nó là đệ nhất thơ mộng!
Một hôm vào buổi chiều, tôi và Hoàng Việt đang ngồi bàn chuyện thế giới năm châu, bỗng Năm Cà Dom đi đâu về, mặt mày tái xanh tái mét, vừa nói vừa thở không ra hơi: 
– Bắt được biệt kích mày ạ! 
– Ở đâu? 
– Ở trên chỗ Mạnh Rùa. 
– Cậu có trông thấy không? 
– Nghe tin nó bảo nhau thế. 
– Biệt kích người Kinh hay người Thượng? 
– Đâu có rõ. Ai xem làm gì! 
Hoàng Việt nói: 
– Sao cậu không thẩm vấn nó xem nó có lấy cái cà mèn cơm của ông nhà văn không? 
Rồi chúng tôi quay sang chuyện khác, rồi mạnh ai về võng nấy nằm. Chập sau, có hai anh chàng đi ngang qua lều tôi. Họ bàn về cái tên biệt kích kia. Một anh có vẻ tò mò: 
– Gớm, sao lại nó khai nó trước đây cũng ở một đơn vị đi vào Nam nhỉ! 
– Nó bảo là nó bị sốt rét, đơn vị nó bỏ nó lại và sau khi khỏi bệnh nó không tìm về đơn vị mà cứ sống lang thang trong rừng để tìm đường về Hà Nội. 
– Trông hình thù nó gớm chết! 
Bỗng tôi thấy có điều gì xảy đến cho Thu. Tôi gọi giật hai anh kia lại, và hỏi thêm vài câu. Xong tôi chạy bay tới chỗ tên biệt kích đang bị giam giữ. 
Tôi phải nhìn kỹ mới nhận ra đó là thằng Hồng. Vì không có ánh lửa, và cái mớ tóc bù xù của nó rũ xuống che kín cả gương mặt của nó đang sưng lên vì bị đòn. Tôi gọi: 
– Hồng! Hồng! 
Thằng bé ngước nhìn tôi, chưa nhận ra tôi, nhưng tôi vẫn hỏi ciếp: 
– Sao em ra thế này? 
Hồng trả lời gọn khô: 
– Em đi tìm chị em. Mà họ bảo em là biệt kích. Họ đánh em. Họ trói em! 
Nếu là một thằng bé thường thì đã khóc, nhưng nó không khóc. Trường Sơn đã rèn luyện nó trước một ngược cảnh phải tìm cách giải quyết có lợi cho bản thân mình. Ít ra nó đã học được bài học đó sau khi bị đồng đội bỏ rơi. 
Tôi đến ban chỉ huy tìm Mạnh Rùa và nói ngay: 
– Thằng bé kia không phải là biệt kích đâu đồng chí ạ. 
– Không phải biệt kích chứ là gì? 
– Nó thuộc một đơn vị võ trang đi vào Nam. 
– Nhưng bây giờ nó đã là biệt kích. 
– Nó sống một mình mà, biệt kích gì? 
– Thế thì nó là phỉ. Thiếu gì tên phỉ nguồn gốc là lính võ trang. 
– Nhưng nó là em tôi. 
Mạnh Rùa vẫn có lý để bắt bẻ tôi. Anh ta hỏi: 
– Hắn nói tiếng Bắc rõ ràng, còn anh là dân Nam Kỳ mà! 
Tôi bắt buộc phải nói rõ hơn. 
– Nó là em trai của cô bạn mình đấy. 
– Thế hả? Sao nó không giống cô ấy chút nào hết vậy? 
– Bây giờ nó đã trở thành con ngợm rồi còn giống ai nữa! 
Sau một hồi phân trần giải thích và năn nỉ, tôi được nhận thằng bé để dắt nó về cho chị nó. 
Mạnh Rùa còn nói với nó: 
– Sau đây là phải tìm về đơn vị hả? Đi lang thang thế này ai nhận mày? Nếu không gặp người quen thì tao bắn và vứt xác mày trong rừng rồi! 
Tôi đưa nó đến lều Thu và nói tỉnh khô với cô nàng lúc đó đang nằm đắp chăn trên võng: 
– Thằng Hồng đây Thu. 
Trong bóng tối Thu ngước lên nhìn. Hồng không nói gì. Tôi có cảm giác là nó đang cắn môi để khỏi bật khóc. Tôi bảo nó: 
– Hồng, chị em đó. 
Nó cũng đứng trơ trơ, không nói không rằng cũng không làm một cử chỉ gì tỏ ra rằng nó vui mừng trong một cuộc gặp lại chị nó bất ngờ như thế này. Trong lúc đó thì Thu cứ sờ soạng mãi không tìm thấy chiếc đèn pin trong ba lô. 
Tôi không thể đứng im. Tôi nói: 
– Hôm nọ thiếu tá Kim có đến gặp anh và chị em. Ông ta chờ em mãi. Anh với chị em cũng chờ em. Chị em cứ đinh ninh rằng em lọt vào trận B52 hôm đó. 
Thằng bé đang câm lặng, bỗng lên tiếng: 
– Em bị trận B52 đó thật. 
– Thế à? 
– Vâng! Bác sĩ Cường chết. Thiếu tá Kim chết hụt. Em bị đất vùi may mà ngoi lên được. 
Thu bỗng lao tới với hai bàn tay như vệt ánh sáng ôm lấy cổ thằng bé lôi nó lại mình và ghì nó vào lòng. Có lẽ giọng nói của cậu bé cùng những sự việc nó vừa kể xác nhận với Thu rằng đó là em trai của Thu: thằng Hồng khốn nạn! 
Cái đèn pin của Thu đã hết điện rồi. Tôi cứ vỗ vỗ vào nó, mong kích động được nó để nó mang thêm dòng sinh lực cuối cùng ra phục vụ cho cuộc gặp gỡ ly kỳ này, nhưng nó vẫn cứ như ánh sáng của con đóm đóm với vòng ánh sáng nhợt nhạt in trên mặt đất. Tôi treo dốc ngược nó trên nóc tăng và quờ quạng đi nhóm bếp. 
Cái bếp nấu cơm chiều của Thu vừa dập, hãy còn than dưới tro. Cho nên chỉ trong giây phút là tôi đã thành công trong việc khơi ngọn lửa hồng. 
Thu quệt nước mắt, và nhìn Hồng rõ nét hơn, điềm tĩnh hơn: 
– Sao em thế này? 
– Người ta đánh. 
– Sao người ta lại đánh em? Bỏ rơi em chưa đủ sao bây giờ còn đánh? 
– Người ta bảo em là biệt kích. 
– Nguy hiểm quá em ơi! 
– Không có tôi đến kịp thì nguy to rồi. – Tôi nói – Giữa rừng này mà trông thấy em như vầy ai tin em là người lương thiện? Họ định giết em đó. 
Một tay Thu nắm chặt cánh tay của Hồng, một tay nàng đưa lên vén mái tóc của cậu ta và nhìn thẳng vào mặt, nàng nghiến răng: 
– Lần này thì em đừng có cãi chị nữa. Em không được rời chị nửa bước, nghe chưa? 
Câu chuyện dần dần trở lại bình thường. 
– Sao em không đi với thiếu tá Kim? Sao ông ta không chờ em để cùng về Hà Nội? 
– Em bị đất vùi. Chắc ông không biết em bị đất vùi. Sau khi B52 dứt dội bom, ông chạy bán sống bán chết còn tưởng nhớ tới ai nữa. 
Hồng tiếp: 
– Em ngoi lên thì không thấy ai hết. Chỉ còn mấy người thương binh nằm rên la om sòm nghe thảm quá. Em muốn đem họ đi mà không biết làm sao. Ghê quá chị ạ! 
Hồng ngồi lặng im. Nhìn vẻ mặt của Hồng, tôi thấy nó hơi lơ láo. Trước khi nói, cậu ta phải nghĩ ngợi giây lâu. 
– Em có ra chỗ cũ của anh và chị Thu không? Tôi hỏi. 
– Không. 
– Em không nhớ rằng em hứa với anh và chị Thu rằng em sẽ trở ra à? 
– Ba hôm sau em mới nhớ. Em ra đó thì không còn ai ở bên bờ suối hết cả. 
– Rồi em làm sao? 
– Em cũng không biết làm sao. Em cứ đi lang thang như lâu nay. Mãi đến mấy hôm sau em mới lần lượt nhớ lại mọi chuyện. Em nhớ rằng trong đời em có một người đã nuôi sống em, người đó là bác sĩ Cường. 
Tôi hỏi: 
– Hồi nãy em nói bác sĩ Cường đã chết, tại sao em biết? 
Hồng nói: 
– Em đi tìm mãi mà không thấy. Những người còn sống cũng không trông thấy anh ấy ở đâu. 
Hồng ôm đầu khóc hu hu như khóc dối. Tôi nói với Thu: 
– Thằng Hồng có cho em cái nanh heo rừng linh lắm. Nếu em đeo trong người thì em có thể biết trước những việc xảy đến cho em. Lấy mà đeo vào cổ đi. 
Thu không đáp. Hồng vẫn khóc. Còn tôi không biết nói gì. Chắc Thu lại nghĩ về Hà Nội. Lâu nay tôi ít nói chuyện với Thu, nên không hiểu nàng suy nghĩ thêm những gì. Quả thật tôi thấy đó là một chuyện hơi kỳ lạ. Nhưng trong tình cảm, cả hai đều không thấy lý thú khi nói chuyện hoặc gợi chuyện với nhau nữa. “Đồng sàng dị mộng” là tình trạng giữa tôi và Thu. 
Từ sau khi thằng Hồng đi biệt, Thu buồn và thất vọng, cái tia hi vọng mong manh cuối cùng của Thu chỉ có thể thực hiện được với thằng bé phiêu lưu kia: “về lại Hà Nội.”
Tôi nhận thấy Thu lạnh nhạt đối với tôi, một sự lạnh nhạt cố tình làm ra, hay sự lạnh nhạt tự nhiên cũng thế. Nó không gây một sự phản ứng gì trong tôi. Vả chăng nàng cũng không thân mật với ai khác khi đối xử với tôi như vậy. 
Đôi mắt nàng đăm đăm nhìn rừng núi, tia mắt như muốn xuyên qua sự dày đặc hắc ám của núi rừng gửi hơi ấm tâm linh về Hà Nội xa xăm. 
Tôi bị buồn lây, cho nên mỗi bước đi “vô” là mỗi bước tôi gần lại được quê hương thêm một ít, đáng lẽ tôi phải vui mừng và tỏ nỗi vui mừng đó với những người chung quanh, trong đó nàng là người thân thiết nhất, nhưng tôi đành giấu bặt cái tình cảm đó đi đối với nàng. Và tôi cũng không dám nói chuyện đó nhiều với hai ông bạn kia nữa. Tôi biết nàng như con tàu đang lao về trước nhưng trái tim nó quay ngược về sau. 
Còn một lý do nữa khiến chúng tôi không còn đầm ấm nồng cháy với nhau như trước nữa, mà có lẽ là lý do chính, là sức khỏe. Tôi biết tôi yếu hơn trước nhiều. Tôi ngồi đâu thì muốn ngồi luôn đó và khi đứng dậy phải chống tay lên gối đứng lên bằng hai “thì” và chậm chạp. 
Lúc nào cần đi xuống suối thì phải tính toán thật kỹ, để đi xuống đó giặt giũ, rửa mình, xách nước lên nấu uống, v.v. sao cho không phải đi lên đi xuống nhiều lần. Sức khỏe được tính từng bước đi, từng cử động một. 
Còn Thu thì gầy trông thấy, từ sau khi nàng có kinh mà phải ngâm minh dưới suối, nàng có vẻ đau đớn liên miên. Tôi không tiện hỏi, nhưng tôi đoán biết như vậy. 
Hôm nay, đùng một cái thằng Hồng xuất hiện. Thực như cơn gió nhẹ giữa trưa hè oi bức. 
Hai chị em ngồi nói chuyện với nhau không ngớt. Thu cứ sụt sịt mãi, thằng Hồng gần như không nói gì, chỉ trả lời theo câu hỏi của chị nó. Thu hỏi: 
– Sao em biết chị ở đây mà đến? 
– Em đi tìm. Ba hôm sau đầu óc em mới tỉnh ra và em sực nhớ rằng em có hứa với chị… 
– Hứa gì em nhớ không? 
– Nhớ chớ! Nếu không nhớ thì sao em đi tìm chị? 
– Em đi như thế này thì làm sao có thức ăn? 
– Có chớ. Em không bị đói bao giờ. Hôm nọ em vô đây, em trông thấy cái cà mèn cơm của ai mới vừa chín tới, em không trông thấy ai cả em xách đi luôn. 
– Có ngày họ bắt được họ đánh em chết. 
– Bắt sao được, em có phép tàng hình mà! 
Bỗng Thu nói: 
– Bây giờ mà hai chị em mình trở ra Hà Nội, thầy mẹ gặp được thì thầy mẹ mừng biết bao nhiêu. Em nhỉ? 
Hồng gạt ngang: 
– Mừng gì. Thầy mẹ tưởng em là con vật quái gở. 
– Nói nhảm! 
– Thật mà. Chị trông thấy em mà chị không gớm ghiếc hay sao? 
Thu hỏi Hồng: 
– Bây giờ em về Hà Nội thì em làm việc gì đầu tiên? 
– Việc đầu tiên hỉ? Em đi ăn kem. 
– Rồi kế đó làm gì? 
– Đi coi xi nê. 
– Tuồng gì? 
– Tuồng gì cũng được, miễn đừng tuồng Trung Quốc thôi! 
Tôi nằm nghe hai chị em trò chuyện với nhau mà thương họ vô cùng. Bây giờ giá tôi có phép tôi sẽ bất chấp tất cả tôi sẽ đưa họ về ngay Hà Nội. Bây giờ đây họ đã cách xa Hà Nội một ngàn cây số. Tôi nằm tôi tính nhẩm thay cho họ. Từ Hà Nội vô Vĩnh Linh ở tại đầu cầu Vĩnh Linh là bảy trăm hai mươi tám cây số, từ Vĩnh Linh vô đây đi bộ mất hai tháng trời khoảng đường rừng núi đó nếu căng thẳng ra đâu có dưới ba trăm cây số. 
Con đường đó không phải là xa lắm đối với những người có sức khỏe bình thường, nhưng bây giờ đây, hai chị em nàng làm sao đi nổi? Đó là chưa tính những trở ngại khác còn quan trọng hơn cả sức khỏe của hai người. 
Ý định trở về Hà Nội gần như bị dập tắt sau khi Hồng hẹn đến mà không đến. Bây giờ với sự có mặt của Hồng, tôi chắc chắn Thu sẽ lại tìm cách để thực hiện ý định đó. 
Đường kẹt, không đi được, treo võng nằm, cứ nghĩ vơ nghĩ vẩn. Và nhớ lại những quãng đường qua…

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=vuot%20truong%20son%202%20%20%20xuong%20trang%20truong%20son&page=24

Comments are closed.