Thương Phương!

Lê Học Lãnh Vân

Tôi gặp Phương hai lần, nói chuyện qua điện thoại ba lần.

Lần thứ nhất khi Phương theo nhà văn Nguyên Ngọc vào Sài Gòn gặp gỡ anh chị em Văn Việt. Buổi gặp tại tiệm ăn mặt sau Dinh Thống Nhất. Tình cờ, tôi ngồi bên Phương.

– Cháu dạy ngành Toán…

Miệng cười tươi và mắt trong veo. Gương mặt đầy nét hồn nhiên, có phần thánh thiện nữa!

– Từ rày về sau, bố cháu vào Sài Gòn là cháu theo. Bố cháu không đi một mình được nữa đâu!

Lúc đó chị Tâm còn. Phương kể về gia đình mình qua cách sinh hoạt trong gia đình. Không một chữ thương nhớ Mẹ, Cha mà âm trầm cả một niềm chăm sóc.

– Chân bố cháu yếu rồi. Ở nhà bố cháu còn đi một mình được, nhưng ông vịn bàn, vịn tường đi cho chắc…

Ấn tượng đầu tiên của tôi về cô cháu dịu hiền như thế nên khi nghe anh Nguyên Ngọc nói “nó bướng lắm” thì tôi không cảm được!

Sau ba lần nói chuyện qua điện thoại với Phương, rồi tôi cũng hiểu. Lần đầu gọi Phương, cô nhận ra tôi ngay. Cháu nhớ rồi, chú nói chuyện với cháu hôm ở dinh Thống Nhất ấy mà. Ba cháu nói chú biết tiếng Pháp, tiếng Anh, chú là em của người quen ba cháu. Bạn của ba cháu, cháu biết hết, nhớ hết!

– Cháu thích Toán. Nhưng phải vào Hội An với Bố Mẹ thì phải bỏ thôi. Việc phải làm thì không tiếc!

Anh Ngọc và chị Tâm là những người rất cương liệt, quyết tâm theo điều mình nghĩ là đúng. Cả cuộc đời của anh và chị toát lên điều đó rõ rệt. Phương có tính đó của Cha Mẹ! Rất dứt khoát! Vậy nên mới có nhận xét của nhà văn Nguyên Ngọc, nó bướng bằng bà Tâm với tôi cộng lại! Tham gia biểu tình chống Trung Quốc năm 2011, Phương bị bắt. Khi được thả ra trước, Phương nhất định không ra một mình, ở lại cho tới khi mọi người cùng được thả. Điều này là một kiểu biểu hiện tính bướng của cô chăng?

Tôi gặp lại Phương khi ra Hội An dự lễ bốn mươi chín ngày của chị Tâm, lần gặp đó cho tôi cảm nhận nền để viết bài này: Phương giản dị, thẳng thắn, không màu mè, bướng vì dứt khoát chứ không vì cái tôi.

Về sau, tôi càng nghĩ tới Phương khi có ai đề cập tới thầy Minh Tuệ. Hoàn toàn không có ý so sánh tầm vóc với nhau, chỉ muốn nói Phương gợi cho tôi những đức tính của thầy Minh Tuệ. Điều cốt lõi là Phương rất thật, chưa bao giờ tôi cảm nhận một điều gì không thật, hay màu mè, nơi Phương.

Nhiều bạn tôi, nhất là những người quen với nhà văn Nguyên Ngọc, rất thương Phương. Có người khóc trước sự ra đi của Phương. Chắc rồi, họ thương Phương vì thương anh Nguyên Ngọc. Nhưng cũng vì thương chính Phương nữa. Và trong Phương có hình bóng Mẹ, Cha!

Sống thật với những giá trị đẹp như vậy, làm sao không được thương, được quý?

Mong sao tính trung thực, thiện lành, nghĩa khí, nếp kiến nghĩa bất vi vô dõng giã, được người dân bảo tồn trong lòng xã hội Việt và ảnh hưởng trở lại giới hữu trách!

Thương Phương!

Ngày 20 tháng 11 năm 2024

Comments are closed.