Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 73): Ngự Thuyết – Mẹ biệt ly

LTS: Ngự Thuyết tên thật là Tôn Thất Ngự. Ông sinh tại Huế, trước là giáo chức, cựu sĩ quan VNCH, định cư tại Hoa Kỳ cuối năm 1990. Ông đã có bài biên khảo và truyện ngắn đăng trên các tạp chí Văn Học, Văn, Chủ Ðề. Tác phẩm đã xuất bản: Sóng Trôi (truyện, Thanh Vân, 1966); Ðào Thoát (truyện, 1998).

Ngự Thuyết_thumb

Mẹ biệt ly

Lúc đó là vào buổi chiều. Con đường xóm vắng teo không có một ma nào ngoài thằng nhỏ mặc quần xà lỏn đen, áo sơ mi bỏ ngoài quần màu xanh nhạt dính đầy mủ chuối nâu nâu, đi chân đất, tóc húi ca-rê, cổ quàng cái ná giàn thun, đứng thơ thẩn một mình trước một túp nhà tranh lụp xụp chưa lên đèn. Chốc chốc nó ngoảnh mặt nhìn về phía đầu xóm chắn ngang bởi một con đường cái trải nhựa trên đó lác đác vài ba bóng người đi chợ chiều về, kẻ thì nách rổ bên hông, kẻ thì đội thúng trên đầu. Lâu lắm mới có một chiếc xe hơi chạy qua, còi inh ỏi, hai đèn pha quét thành hai luồng sáng dài trong một khoảnh khắc. Rồi con đường xóm trở lại im lìm, vắng teo. Buổi chiều càng chiều hơn.

Vậy mà hay ghê, thằng nhỏ ngẫm nghĩ, hai cái đầu của ông Thiện ông Ác vẫn còn níu lại được chút bụi nắng vàng trong khi thân hình và tay chân đã sẫm màu. Bác nói hai cây bàng ấy là ông Thiện và ông Ác đứng giữ xóm. Cây cối gì mà to quá cỡ, đứng sừng sững ở hai bên con đường đất đầu ngõ, cao hơn tất cả những bụi hóp, bụi tre, cây đào, cây nhãn quanh vùng. Quả giống như hai ông lính gác khổng lồ, oai vệ.

Thằng nhỏ bỗng sực nghĩ ra. Hồi nẫy trời còn sáng nó quên bắn mấy trấy bàng chín vàng nằm khuất sau những chiếc lá to bản trên một cành cây cao chĩa ra ngoài đường cái. Nó bắn ná rất giỏi, loại ná giàn thun của con nít. Bàng chín ăn chát chát ngọt ngọt, trấy nào có vết chim mổ ăn càng ngon, rồi lấy đá đập bể lớp vỏ cứng bao bên ngoài hột bàng, ăn cái ruột bên trong bùi bùi. Ngon hơn đậu phụng sống. Sáng ngày mai thế nào tụi con nít lêu lổng ở xóm nó hoặc xóm trên, xóm dưới cũng thấy được mấy trấy bàng tê. Chúng nó chiều hôm trước đã tới lượn qua lượn lại đầu ngớp ngớp trông lên ngọn bàng tìm kiếm mấy lần rồi. Đó là chưa kể mấy chiếc lá bàng cũng sắp rụng để lộ mấy trấy chín ra thì tụi kia sẽ thấy ngay. Cái loại bàng cũng lạ, nó nghĩ, trấy, thôi đừng nói trấy nữa, thầy giáo la, mẹ cũng chê, trái, nhớ rồi, trái không bao giờ thấy rụng mà lá thì rụng hoài. Nó lại nghĩ trái rụng thế quái nào được, chưa kịp chín là đã bị tụi nhỏ, trong đó có nó, cốt hết rồi, còn mô nữa mà rụng.

Lá bàng rụng! Nó thích nhìn cảnh đó. Những chiếc lá bàng to gần bằng cái quạt mo rời khỏi cành xàng qua xàng về một chốc lâu mới chịu rớt xuống đất. Cũng có chiếc rơi xuống cái vèo, cũng có chiếc bay đi xa theo gió, có khi bay qua khỏi đường cái, bay qua cả bên kia con hói. Nhưng thường vẫn là cái điệu xàng xự xàng xê. Có một lần, lúc nó sắp sửa đi xa, mẹ chỉ nó cây bàng lá chín đỏ đứng một mình gần cồn mồ gió thổi tới lá rụng thật nhiều. Mẹ đố:

“Con thấy lá bàng rụng trông giống cái gì?”

“Giống chim bay.”

“Không phải.”

“Giống bướm lượn lập chập rồi đậu lên cỏ.”

“Cũng trật.” Rồi mẹ nói cho một mình mẹ nghe, mẹ có cái tật đó, đang nói chuyện với nó, đùng một cái, nói một mình. “Lá bàng rụng trông từ xa giống như ngươì ta đứng khóc. Có khi mô con thấy mẹ đứng khóc một mình không con? Có khóc thì phải ngồi mà khóc chớ, ai lại đứng, đứng ngoài hàng rào hóp mà khóc.”

Mình đi rồi tụi nó tha hồ bắn, bắn dở ẹc, nhưng bắn mãi chắc cũng phải trúng. Hay bây giờ mình ráng hạ những trái đó xuống, nó toan tính.

Không được! Không nên! Bác dặn buổi trưa đứng bóng, buổi chiều chạng vạng, không được đi chơi một mình trong xóm, không được chạy nhảy lăng xăng, không được la hét om sòm, không được lội nước, không được trèo cây, không được ra ngoài đồng trống, không được tới xóm Rột, không được liệng đá, không được … không được đủ thứ. Bác còn dặn thêm khi có việc cần phải đi ngang qua cái am đứng ngay bên cạnh ông Thiện ở phía trái kể từ đường cái nhìn vào thì phải bước thẹ thẹ, im hơi, lặng tiếng, cúi đầu, cho có khuôn có phép. Nếu không, có ngày bị Ngài vặn trẹo họng. Ngài là bức tượng thờ trong am.

Con đường cái cũng đã vắng tanh. Hết ngươì đi chợ về rồi. Bên kia đường là những thửa ruộng thấp, hẹp, dài, mùa này trơ gốc rạ, chạy men theo con hói. Tại sao gọi là con hói? Tại sao không gọi là con sông nhỏ hay con lạch như mẹ vẫn gọi? Thôi, con gì cũng được miễn là có cá, mà con hói này nhiều cá lắm: cá cấn, cá mại, cá ong bầu, cá ong hương, cá rô, cá bống, cá mương, những thứ cá nó thường câu được, do đó nó biết tên. Có mấy thứ cá khác nó không biết tên. Còn bên kia con hói? Mấy ngôi làng nhỏ nó chưa bao giờ tới từ khi về ở với bác. Và đằng sau mấy ngôi làng? Khi nào có dịp mình leo lên cây cau cao nhất coi thử cái gì sau đó. Ô, mà mình còn ở đây nữa đâu, nó sực nhớ.

Con đường xóm không dài. Đi bộ thủng thẳng mươi phút là hết. Có một lần nó đứng đầu xóm, hít một hơi thật dài, cắm cổ chạy một mạch đến cuối xóm, hơi vẫn còn. Cuối xóm là mấy cái mả ông Trạng xây bằng vữa hồ sơn vôi trắng nhỏ như cái nón lá. Chị Cháu nói cho nó biết mả ông Trạng là mả những đứa con nít mơí sinh ra là chết liền. Linh thiêng lắm. Tiếp theo đó là lũy tre già rậm rạp kêu kẽo kẹt suốt ngày đêm. Có con đường mòn trổ qua lũy tre, có cái cổng tre không bao giờ thấy đóng. Sau lũy tre, đồng ruộng mênh mông bát ngát trên đó làng mạc tụm thành từng cụm. Trèo lên cây đào cao nhìn xa thấy làng mạc trông nhỏ xíu chạy dài đến vùng quê của chị Cháu mà chị gọi là vùng Trài Hà. Xa hơn nữa, cuối chân trời, là biển.

Biển! Nghe ghê quá! Thế mà khuya nay mình đi về phía đó. Ngày mai thế là mất toi mấy trái bàng. Lẽ ra mình phải làm quen với tụi đó khi mình mới qua ở với bác. Mà mình có dịp nào nữa để gặp tụi nó không? Hai chị em con nhỏ, con chị tra trắn như mụ nội người ta, con em chua lét như mụ o nhọn mồm, coi bộ khó làm quen. Còn mấy thằng nhỏ trông không dễ ghét cho lắm. Bắn được chim, câu được cá, hái được sung, vả, ổi, đào, cho tụi nó ăn chút chút chắc cũng vui, hắn nghĩ. Lỡ có gì tụi nó không chọc phá mình. Tại sao mình không làm như thế, bây giờ sắp đi rồi còn làm gì được nữa! Nó nghĩ đến lúc còn ở Sịa. Ôi! Cái thời gian quá dài và quá khổ ở bên đó.

Nhìn mãi đầu xóm vẫn không thấy người nào. Trời chiều hơn, sắp chạng vạng. Sao vẫn không thấy ai cả. Mà làm sao thấy được. Mới đó mà! Mới gặp hồi chiều đó mà! Lỡ không gặp lại thì làm răng đây? Mắt nó rưng rưng.

Bỗng dưng nó thấy lòng bứt rứt, cồn cào, muốn kêu to lên một tiếng. Mình phải làm một cái gì cho khuây khỏa, nó lẩm bẩm. Thôi thì trở về nhà, chạy vô nhà bếp canh giùm nồi cám heo cho chị Cháu? Chị Cháu thương nó, cùng phe, vẫn thường canh chừng, báo động cho nó. Hay chạy tọt ra đường cái hoọng cho rồi? Ô, lỡ bác biết bác la. Nó muốn kêu to nhưng không dám kêu lên, hai tiếng “Mẹ ơi” dội dội như trái banh bông trong ngực nó. Hay là trong tim? Mình làm chi chừ? Kìa, trên trời có mấy con chim bay tới. Nó vội cởi chiếc ná giàn thun ra khỏi cổ, thò tay vào túi sau của chiếc quần xà lỏn móc một viên sỏi tròn tra vào da ná bắn lên một phát. Trật. Chim bay tỉnh bơ. Nó nghe được tiếng chim đập cánh và sau đó tiếng hòn sỏi rơi sạt vào một tàu lá chuối trong khu vườn bên cạnh nó.

Buổi chiều răng im lặng quá! Những buổi chiều khác có lặng lẽ như thế này không, nó không nhớ, nhưng chiều hôm nay sao im lìm đến thế. Nước mắt nó lại rưng rưng. Mấy con chim đã bay khuất sau Đình Cả, nhìn theo nó bắt gặp cây hóp thẳng băng mọc trong hàng rào của ngôi nhà xóm trước. Nó đã canh chừng cây hóp đó cả tuần lễ này rồi. Cây hóp thẳng, cao, ngọn hóp thon, dài, nhỏ như sợi dây thép phơi áo quần, đu đưa trong gió. Tụi con nít chưa chặt trộm cây hóp đó để làm cần câu cá. Chúng nó đui, chưa thấy cây hóp nớ? Mình sẽ canh cây hóp này vài ngày nữa cho nó cứng cáp thêm mò tới rồi chặt. Ô mà khuya nay mình đã đi rồi. Mẹ! Mẹ! Mẹ cũng đã tới thăm nó lần chót rồi! Nó lại muốn la to lên một tiếng. Nước mắt nó không rưng rưng nữa, mà chảy xuống thành dòng. Mình phải làm chi chừ? Nó lại thọc tay vào túi sau lần lần lấy ra hòn sỏi tra vào ná nhắm vào cái đọt hóp cần câu mọc gần đấy. Mấy cây hóp đó cũng đẹp quá. Không nỡ bắn gãy đọt.

Nó mới về xóm này chưa quen ai, đi lớ ngớ một mình những lúc không biết làm gì. Nhưng không nên đi thơ thẩn vào lúc trời chạng vạng hoặc buổi trưa đứng bóng, là thời gian ma hay lui tới. Đó là bác nói. Còn về phần nó, nó thích những quãng thời gian ấy dù nó rất sợ ma. Mà trước kia kìa. Chứ bây giờ còn gì nữa. Đâu còn gặp được mẹ lúc trời chạng vạng, lúc trưa đứng bóng! Mẹ đã gặp nó lần chót hồi chiều. Mới đó mà! Nó lầm bầm, lầm bầm. Mình đứng đây hoài đâu được.

Nó đi thụt lùi từng bước, từng bước, mắt ngó thẳng đằng trước, tối quá thấy được chi mô, đi mãi, gần tới nhà bác. Bỗng nó đứng khựng lại, trố mắt nhìn. Ô mẹ, mẹ. Mẹ đang từ đầu xóm tối mờ mờ đi tới. Nó lui một bước, quay nhìn sau lưng xem có ai không. Vắng teo. Con chó Vàng của bác đứng nhổm dậy trên bậc thềm xi măng trước nhà chạy ra ngoe nguẩy đuôi mừng mẹ. Nó quay người trở lại, chồm tới và lọt vào trong vòng tay của mẹ. Mẹ hiện ra như ma. Nhưng đúng là mẹ rồi, con chó mới biết mà mừng chớ! Nếu là ma, nó đã sủa dai như giẻ rách. Chó sủa ma! Có thế chứ, nó biết thế nào mẹ cũng gặp nó thêm một lần chót nữa. Nghĩa là phải có hai lần chót, ba lần chót, rồi bốn lần chót không chừng. Nó cảm thấy hơi ấm trong người mẹ chuyền qua nó. Nó cảm thấy mấy giọt nước mắt ấm của mẹ rơi trên mặt nó. Nó nghiêng đầu né né, nhìn xéo thấy vẫn còn một vệt mây tím sẫm chạy dài cuối chân trời. Nhìn xéo thêm chút nữa, cảm thấy nước mắt mẹ ướt lên tóc nó. Con đường xóm vẫn vắng teo, chị Cháu chắc đang canh chừng giùm. Con chó Vàng đã quay lui, đến nằm xuống trở lại trên thềm nhà, không sủa. Vâng, ngoài chị Cháu, con chó lông vàng tên Vàng ấy cũng về phe nó. Mẹ! Mẹ! Nó nói thầm trong bụng. Mẹ nó buông nó ra, hai tay nắm chặt hai vai của nó, đẩy nó lui một bước, và nhìn nó từ đầu đến chân.

Nó nhìn lại. Ồ, mới đó, mới hồi chiều đến giờ mà mẹ đã ốm đi ngó thấy, hai con mắt trong bóng tối chập choạng trông loang loáng giống như hai con mắt con mèo Xiêm, mấy sợi tóc dài dán lên hai bên má ướt nhòe. Mẹ khóc nhiều mà không ra tiếng. Rồi nụ cười gượng hiện lên trên vành môi mệt nhọc. Mẹ khác hồi chiều quá. Mẹ vẫn vậy, nghĩa là mẹ có nhiều bộ mặt, nhiều cử chỉ trái ngược nhau mà nó không tài nào hiểu thấu.

Mẹ đưa mắt làm dấu, nó hiểu ý, cùng nhau đi nhanh về phía cuối xóm, nó đi trước, mẹ muốn thế. Đến gần mấy cái mả vôi ông Trạng, nó rùng mình đứng khựng lại, hai bàn tay nắm chặt, hai đầu ngón tay cái bấm đúng vào đốt trong cùng của ngón tay kế ngón út. Cái kiểu giống giống như thầy pháp bắt tay ấn như thế này khiến cho nó an tâm phần nào. Nó sợ ma lắm, mẹ biết. Khi mô sợ ma con bắt tay ấn như rứa nghe con, mẹ dặn nó nhớ. Mà hễ con còn sợ thì đọc thầm năm bảy lần sáu tiếng “Úm ma nê bế mê hum” là ma bỏ chạy đi hết. Mẹ dặn như rứa hay có khác chút chút, nó không nghe rõ, mà cũng không chịu hỏi lại cho rõ, “Úm ma nê bế mê hum.” Nghe tiếng chân mẹ đi theo sát, nó vững bụng thêm, vẫn không dám quay đầu nhìn lui, tiếp tục bước, mắt vẫn dán vào mấy cái mả ông Trạng. Qua khỏi vùng “dễ sợ” đó thì trời tối hẳn. Mẹ nắm tay nó kéo nó đi ra khỏi cổng tre. Cánh đồng mênh mông mịt mù trước mặt. Đường đê nhỏ, quá nhỏ, không đi song song với nhau được, nó lại đi trước, mẹ đi sát sau lưng che chở, vói một tay nắm vào vai nó. Hai mẹ con chốc chốc sỉa chân vào lỗ hang lỗ hủng, bước loạng choạng. Khi đến một mô đất cạnh cây sung mọc ven dòng suối chỉ rộng bằng hai chiếc chiếu, hai mẹ con dừng lại nhìn nhau. Rồi mẹ kéo nó ngồi xuống trên mô đất.

*

Mẹ đẹp ghê, nó nghĩ. Có lúc mẹ trông khắc nghiệt, mắt quắc long lanh, có lúc mẹ giống Phật Bà Quan Âm, nhưng lúc nào mẹ cũng đẹp. Có người nào trên đời này đẹp bằng mẹ không? Cái con em dâu hồng nhan xinh đẹp mà trắc nết, bác nói nhiều lần nó nghe lóm. Đó là bác nói, nó không tin. Mấy chú không biết hả, hồng nhan nghĩa là má hồng. Đẹp cho lắm rồi lại thế này thế kia … Hồng nhan đa truân! Bác cứ nói rứa hoài, trúng trật chi mô.

Rồi một ông già cà chớn không biết ở mô mò tơí. Phải chi mình sống với nhau, một mẹ một con, đừng có cái ông già ấy xen vào cuộc đời mẹ con mình. Phải chi bố đừng chết. Tụi nhỏ con nhà khác kêu cha mẹ là cụ mự, hay cậu mợ, hay ba mạ, hay chú thím, hay là chi chi nữa, nhưng mẹ muốn nó kêu rứa, bố mẹ. Mẹ bảo bố chưa chết, nhưng nó thừa biết bố không còn sống. Mà bố ra răng hỉ?

Hồi còn ở với mẹ, nó thường hay lấy tấm hình lồng kính của bố, trong bộ đồ trận màu xanh xám, đem ra ngắm nghía say sưa. Tấm hình được giấu kín bên dưới mấy cuốn kinh Phật.

“Con thương bố lắm hả?”

Nó gật đầu. Mẹ nó nói tiếp:

“Trời sinh cũng lạ,” mẹ nhìn ra xa cươì thì thầm, “chưa hề thấy mặt bố mà con đã rứa. Cha con có khác.”

Biết mẹ vui lòng nó lại gật gật. Thật ra nó chưa nhận thấy một tình cảm nào giữa nó và người đàn ông trong tấm ảnh toàn thân. Người đàn ông mặc bộ đồ trận trông không rõ mặt mũi, chỉ thấy lờ mờ trên mỗi bên cổ áo hai cái lon bông mai vàng, đầu đội nón sắt bọc lưới che khuất cả vầng trán, và đặc biệt là cái mà nó thường say sưa ngắm nghía, đó là khẩu súng lục bên hông phải đeo xệ trên dây thắt lưng da to bản có hai hàng lỗ tròn viền đồng đen. Khẩu súng trông oai quá! Thật hết sẩy! Nó thích bắn lắm. Nó có số sát điểu, bác nói. Nghĩa là bắn chim giỏi. Cũng hơi hơi sát ngư. Nghĩa là câu cá lâu lâu trúng một con. Nó có hai cái ná giàn thun tự làm lấy để bắn chim sâu, chim sẻ, chim rột rột, chim chào mào, nghĩa là loại chim nhỏ nhỏ. Cũng có khi nó hạ cả chim cu gáy, cu cườm. Một lần, nhờ chó dắt, nó bắn hạ hai con chim cu, chắc là một cặp vợ chồng chim. Buổi trưa nhớ mẹ, nó đứng một mình ngó lớ ngớ quanh vườn, ná giàn thun tròng vô cổ, bỗng từ đâu hai con chim bay trờ tới đậu trên cành thầu đâu mảnh và thấp xế xế phía trên đầu nó. Nó thẹ thẹ rút ná ra khỏi đầu, bắn trúng một con, vài sợi lông chim bứt ra khỏi cổ, khỏi ức, bay lửng lơ trên không khi thân hình lảo đảo rớt xuống đất trước. Con chim kia nhìn ngơ ngác dợm mình muốn bay theo nhưng nó đã lanh hơn tra hòn sỏi mới, bắn một phát, trúng cái chóc luôn. Đúng là nhờ có chó dắt. Một con bị trúng ức, một con bị trúng đầu. Nó lấy miếng da của chiếc ná giàn thun xát xát vào vết thương của hai con chim cho dính máu vô càng nhiều càng tốt, nghe nói làm rứa sẽ càng “sát điểu”, rồi kiếm một miếng mảnh sành cứa hai khứa vào cái nạng ná. Đã có hơn mười khứa, cái ná mới làm này thế là đã hạ hơn mười con chim.

Những lúc ngồi một mình không biết làm gì, không có chim để bắn, nó lấy ná giàn thun ra ngắm nghía, cột lại miếng da cho cân đối, điều chỉnh hai sợi thun cho đều đặn, nó có kinh nghiệm lâu lâu phải làm rứa, bằng không cái ná sẽ xộc xệch khó coi, rồi luyện tay nghề: bắn vào bất cứ cái gì chợt thấy trước mặt, miếng mảnh sành bể lấp lánh dưới nắng trên luống khoai ngoài vườn, gọi là bắn lết, hơi khó trúng, bắn chùm nhãn đu đưa, cái bông cẩn đỏ chót trong hàng rào dâm bụt, hoặc con chó hàng xóm vô phúc xớ rớ tới. Nó bắn giỏi. Bắn chán rồi cuối cùng vẫn là chạy vô bàn thờ lấy tấm hình của bố ngắm nghía bố với khẩu súng lục đeo xệ bên hông. Oai ghê! Lớn lên mình sẽ đi lính như bố. Mình sẽ có súng lục thiệt. Mình bắn, bắn vào quân địch, trúng đầu, trúng ngực, trúng bụng, như bắn chim sâu, chim sẻ.

Mà bố ra răng hè? Bác nói ba mi là đồ mê gái. Đó là bác nói. Ba mi đã có nơi có chốn, sắp đám cưới tới nơi, tới đóng quân vùng Sịa lại đi mê mạ mi. Mạ mi cô giáo hoa khôi ở Sịa mà. Cái thứ đồ hồng nhan đa truân, má hồng phận bạc.

*

Khi nó còn trong bụng mẹ, bố đi tù. Đi thật xa đâu ngoài Thanh Hóa rồi ngoài Bắc, và thật lâu. Nay nó sắp lên mười một tuổi, bố chưa về. Nó bắt đầu biết suy nghĩ. Mẹ bảo bố còn sống nhưng nó biết chắc là bố đã chết. Nó biết nhận xét rằng lá thư cuối cùng bố gởi về từ miền Bắc đã cách đây đến mấy năm. Rồi hết thư. Từ đó mẹ nó kéo nó đi coi bói nhiều nơi. Ông thầy Trầu ở Gia Hội coi bói bằng lá trầu do mẹ nó chọn mang tới, ông thầy Mù ở Mậu Tài thì có tài sờ vào xấp tiền đặt quẻ là nói trúng ngay chóc bao nhiêu tiền trước khi bói, bà thầy Sùi Bọt Mép gần xóm Chùa Bà lại tuôn ra làu làu những câu chữ Tàu, chữ Phạn, chữ Miên nghe muốn khùng luôn. Còn ăn Tết xong thì mẹ đem giò gà ngâm rượu đầu năm lên Long Thọ, Lương Quán nhờ Ôn Nghè coi. Và đi nhiều nơi nữa, mỗi thầy một tài riêng. Thầy nào cũng nói bổn mạng của bố lớn lắm, bố sẽ về. Mẹ cũng bảo bố luôn luôn có số may, không sao đâu con, chỉ có mẹ là số ăn mày mà thôi.

Mẹ dần dần bán hết tư trang của mẹ, hết đồ đạc của bố, bán cả món cuối cùng có thể bán được mà nó rất ưa thích, là chiếc Vespa để đó không ai đi lâu ngày hai bánh xép ve, hai cái yên xe bụi bám dày đến nỗi mỗi lần nó muốn lên xe ngồi giả làm bố ngày xưa, mẹ nó phải lấy khăn ướt kỳ cọ cái yên đến mất cả tiếng đồng hồ. Đó là mẹ nói. Chi mà lâu dữ thần như rứa. Cái đồng hồ độc nhất trong nhà đã bán đi rồi làm sao mẹ biết được giờ mà biểu kỳ cọ cả tiếng đồng hồ! May quá, mẹ chưa bán luôn cái nhà mình đang ở. Ô, sức mấy mà bán, không có nhà thì ban đêm chui vô bụi ngủ như chim, như chuột, như rắn? Mẹ không được đi dạy lại thì kiếm mô cho ra tiền hả con, tiền ăn ngày hai bữa, tiền cho con đi học, mẹ cứ lầm bầm nói một mình hoài câu nói nớ.

Rồi ông ấy mò tới. Ông quen mẹ lúc nào nó hoàn toàn không biết. Ông tới khiến cho bác giận bác không qua thăm. Nghe nói con gái của ông ấy vượt biên đã lâu, đã có chồng con hiện ở Úc, thường gởi thuốc tây, gởi quà, gởi tiền về cho ông xài. Nghĩa là … nghĩa là bà đó cũng đã lớn tuổi rồi, biết đâu lớn hơn cả mẹ! Ông thường cười với nó nhưng nó không thể cười lại được. Hai ba thằng nhỏ trong làng không biết ai sanh sử, từ ngày ông ấy lai vãng tới nhà nó, đã mở một “chiến dịch tố khổ” nó. Nó không hiểu nghĩa bốn chữ quá lạ đó, nhưng nó biết đó là bốn chữ trời đánh. Mỗi lần nó đi đâu một mình mà rủi gặp mấy thằng tiểu quỷ ấy, nó chỉ muốn độn thổ. Nhưng không thể nào trốn thoát khỏi tay mấy thằng độc ác đó. Một thằng bắt nhịp rồi hô to mệnh lệnh, rồi cả ba thằng bèn “tốp ca” uốn éo giọng lên cao xuống thấp như giọng hò của mấy chú đạp nước ngoài đồng hò ô hò ống đối đáp với nhau:

Dượng chưa qua mần gà chi mạ?

Dượng qua rồi bắt trạ lên hon.

Miếng mô chon chon để dành cho dượng.

Miếng mô sượng sượng mạ con mình ăn.

Làm chi có chuyện nớ. Oan quá là oan! Nó biết mẹ nó không phải vậy. Nó cũng không phải vậy. Ông ấy sợ và chiều mẹ nó như chiều vong. Không những thế, ông luôn luôn làm thân với nó để mẹ vui lòng nhưng nó thì cứ “lẻng lẻng” tránh xa.

Cái trò “tốp ca” này thường làm cho nó nổi sùng xông tới để bịt miệng chúng lại, cuối cùng lãnh đủ những đòn hội chợ bầm tím cả mặt mày tay chân! Nhưng đau rồi ít bữa cũng lành, chỉ khổ một nỗi là áo quần rách bươm, mẹ phải mày mò thâu đêm khâu vá. Chỉ có ba tên con nít ấy trong làng mà thôi, những đứa khác có độc địa như rứa mô, đó là chưa nói tới những ông kẹ người lớn khác, cũng đủ khiến nó nhiều khi tức muốn chết đi cho rồi đời. Là vì hết “tốp ca” thì đến cái trò “mất dạy”: “Ê! Ê! Coi tề! Cái thằng khỉ nhỏ con của cô giáo ngụy ‘mất dạy’!” Tụi mày mới là đồ mất dạy, nó rủa thầm. Phải chi mình biết “hóa phép” biến thành con cọp rằn nhảy tới vồ chúng nó. Vâng, đúng như rứa, nó cũng đã biết từ cái ngày xa xưa lúc nó chưa ra đời mẹ nó là cô giáo dạy trường trung học đàng hoàng. Bây giờ, vì bố “phản động”, mẹ nó không được đi dạy chớ đâu phải là đồ mất dạy như bọn mi!

Không còn cách gì để kiếm sống, mẹ bán luôn căn nhà đang ở và đi theo ông già ấy. Dắt nó theo. Hôm đó nó muốn trì lại, trong lòng nó muốn thế. Trì lại thì giống như con heo bị người ta nắm hai lỗ tai kéo tới, coi không được con mắt, phải đi theo thôi. Nhưng, khổ quá, biết làm răng đây. Ở nhà ông ấy không được bao lâu, mẹ bảo qua bác ở.

“Con này, vài hôm nữa con qua ở bên bác nghe! Con, con để cho mẹ nói tiếp. Không ở lâu đâu, rồi con đi nữa. Một tháng nữa đi không chừng, vài ba ngày nữa đi không chừng. Đi đâu hả? Mẹ chưa thể nói được, nhưng mẹ thương con lắm, con đi sẽ sung sướng. Con cứ nghe lời mẹ. Mẹ luôn luôn lo lắng cho con, con biết chớ. Con của mẹ chịu rồi phải không?”

Nó mếu máo:

“ Đi hả? Đi xa hay gần mẹ?”

“Cái đó còn tùy. Chắc là xa, nhưng…nhưng không sao cả. Mẹ sẽ cho con biết sau. Có điều là con phải tuyệt đối nghe lời mẹ, nghĩa là nghe lời mẹ hoàn toàn. Mẹ biểu chi con làm nấy.”

Nó hiểu lờ mờ, đoán lờ mờ. Vài đứa học cùng lớp xin nghỉ bệnh một hai ngày, rồi xin nghỉ thêm, rồi nghỉ luôn. Mấy đứa bạn của tụi đó lại có dịp tụm năm tụm ba thì thầm bàn bạc. Nó nghe ngóng đuợc ít nhiều. Nó nói thêm giọng bị nghẹn:

“Đi ra biển chớ gì!”

“Ai nói với con như vậy? Con đừng hỏi nữa, và cũng không được nói chuyện đó với ai. Mai đi học không được nói với thầy, với bạn. Ở nhà cũng không được nói với chị Cháu. Nhớ là phải giữ kín nghe con. Chắc con đã biết hết cả rồi. Thằng Tốn con bà Nhân nhỏ hơn con một tuổi mà cũng đã đi, huống là con.”

Nó muốn nói một câu gì đó mà nó chưa nghĩ ra, nhưng như bị tắt tiếng, hai vai run. Mẹ im lặng một hồi, ứa nước mắt nói tiếp:

“Mẹ xin con, con nghe lời mẹ nghe con!”

Nó bám vào hy vọng cuối cùng:

“Đi đâu cũng được. Xa gần chi cũng được. Miễn là có mẹ đi với con.”

Mẹ nó trố mắt nhìn nó đăm đăm. Cặp mắt mẹ nó bỗng trong veo và sáng rực lên. Làm nó sợ. Nó vội lập cập nói tiếp:

“Hoặc năm ba bữa mẹ tới thăm con một lần cũng được.”

Mẹ im lặng quay ngó nơi khác, thở dài, nói lẩm bẩm một mình cái chi đó mà nó không nghe ra nổi.

Từ Sịa qua nhà bác làng Nam Phổ phải đi nửa ngày trên hai ba chuyến xe đò cà rịch cà tang. Ngày xưa, khi bố mẹ nó chưa gặp nhau, bố ở chung với bác trong ngôi nhà rườn ba gian hai chái của ông bà nội để lại. Lớn lên một chút, bắt đầu biết nhận xét lơ mơ, nó nhớ đã mấy lần tới thăm ngôi nhà đó, nó nhớ sau lưng nhà là khu vườn khá rộng. Vườn có nhiều loại cây ăn trái, ổi, bưởi, thanh trà, chanh, cam, quýt, nhãn, đào, thơm, khế ngọt, khế chua, v.v… mỗi thứ một ít, nhưng nhiều nhất là cau và chuối. Cau thì chỉ một loại cau ngon Nam Phổ nổi tiếng khắp nơi, còn chuối có nhiều loại, chuối sứ, chuối tiêu, chuối mật mốc, chuối bà hương, chuối bà lùn, chuối già, chuối cau, chuối ngự … nó không nhớ hết. Ở hai góc vườn là bốn cây dừa lửa lấy giống từ Bồng Sơn trái nhỏ và đỏ, nghe nói nước ngọt như đường phèn. Nó thèm húp nguyên một trái nuốt cái ực cho bể bụng luôn. Trước mặt nhà là cái sân khá rộng, tiếp theo là cái bình phong xây bằng xi măng chạm hình con cọp. Từ bình phong nhìn ra cổng có lối đi nhỏ hai bên là hai hàng chè Tàu được cắt tỉa gọn gàng. Cuối sân gần nhà bếp có cái bể nước hình chữ nhật cao tới ngực nó, cũng được chạm trổ bông hoa đẹp đẽ. Có mấy cây cau đứng quanh bể nước, trên thân mỗi cây cau đều có buộc ngược tàu lá cau đã khô, sống lá chĩa vào bể, để khi mùa mưa tới, nước từ ngọn cau đổ xuống sẽ dồn lại vào các tàu lá rồi theo sống lá mà rót xuống bể. Cạnh bể nước, mấy bụi bông trang xanh um lâu lâu nở chùm bông đỏ choét. Lại có cả cây mai lâu đời đứng gần cái bình phong nghe nói đúng vào dịp Tết Nguyên Đán là trổ toàn bông là bông vàng rực không còn một chiếc lá xanh.

Trước khi nó qua nhà bác ở, mẹ đưa nó đi chơi, đi từ sáng sớm tửng bừng bưng trên mấy chiếc xe đò chất đầy hành khách và hàng hóa. Khi đến Huế, mẹ ghé chợ Đông Ba mua cho nó một đôi guốc. Nó đưa hai bàn chân cho ông thợ đo guốc, đóng quai, vừa vặn, êm ái. Nhưng mới đi ra khỏi chợ để qua dãy phố bên kia đường, hai bàn chân nó bong lên. Mẹ đành xách guốc cho nó, thuê xe đạp ôm mà đi. Nó ngồi chung yên với ông già đạp xe, ngồi ngay trước bụng của ông, tay vịn ghi đông. Mẹ ngồi sau “bót-ba-ga”. Ông già ốm yếu gò lưng đạp xe ì à ì ạch trông không ngon lành chút nào. Nhưng ngán nhất là những lúc phải tốp xe lại chờ đoàn ngươì đi bộ băng ngang qua đường. Một chân chống của ông già không đủ sức giữ xe cho vững, mấy lần chiếc xe xiêu xiêu muốn ngã. Cuối cùng mẹ phải đổi cách ngồi, không khép nép hai chân về một phía mà phải cho hai cẳng ôm lấy hai bên xe để chống chỏi giúp ông già.

“Con biết cửa Ngọ Môn không?” mẹ nói vói từ đằng sau. “Mà làm sao con tôi biết được. Vua chúa ở đó. Ngày xưa.”

Tơí nơi, mẹ mua một vé vào cửa. Nó con nít, mẹ năn nỉ, nó được vô khỏi trả tiền. Ông già xe đạp ngồi ngoài chờ. Có khách du lịch người nước ngoài, chắc là người Liên Xô, hoặc ngươì Ba Lan, cao lớn, râu ria, tóc vàng, dễ sợ là hai con mắt trông giống hai hòn bi chai màu đục đục hoặc xanh lơ. Hồi đó đối với nó, ngươì nước ngoài là Liên Xô và Ba Lan thôi, ngoài ra nó không biết nước nào khác nữa. Cũng có người mình du lịch, trong đó nhiều người ốm o như ông già xe đạp, lại thêm mắt sâu, răng vẩu, giọng nói lạ lạ, nhưng ai nấy đều quần áo nón mũ giày dép đàng hoàng, túi rết bên hông, túi ngực có viết máy, cổ tay có đồng hồ. Dép thì dép Nhật hoặc dép râu. Mẹ nó và nó thì chẳng giống ai cả. Mẹ mặc cái quần tây màu xám vừa vặn có mấy chỗ vá kín đáo và khéo. Nhưng cái áo sơ mi tay cụt trông kỳ kỳ. Nó rộng thùng thình và dài thoòng. Mẹ ăn mặc bình thường nghĩa là cái quần dài đen, cái áo bà ba màu gì cũng được, coi đẹp hơn nhiều, nó ngẫm nghĩ. Có lẽ buổi sáng sớm đi vội mẹ bận lộn áo của ông ấy. Nhưng thật ra mẹ có cái áo sơ-mi nào ra hồn đâu. Còn nó thì ngược lại mặc cái quần “soọt” rộng rinh may từ Tết năm kia mà bây giờ vẫn rộng, nhưng áo sơ – mi thì cũ, chật và ngắn lòi lỗ rún. Nó thích mặc cái quần xà lõn có túi sau thường mặc ở nhà, nhưng mẹ nó không chịu. Đi dinh phải ăn mặc tử tế, mẹ nói. Chân bong nó phải bỏ guốc đi chân đất.

Mẹ một tay xách đôi guốc của nó, tay kia nắm chặt lấy nó, dòm dòm ngó ngó nơi ni nơi tê. Nó nhìn lấm la lấm lét. Cặp mắt của mẹ sao trông lạnh tanh, nét mặt mẹ trơ trơ như đá. Nó vừa đi vừa liếc mắt nhìn mẹ, sợ. Vài ba du khách tò mò nhìn theo. Bỗng nó cảm thấy mẹ con mình khác ngươì ta quá, như ngươì đi lộn nhà, nó chột dạ.

“Thôi mẹ. Về đi mẹ!

“A cái thằng này! Không được! Ngó đó tề! Con rồng con phượng giống như thiệt. Cái hồ nữa, có cá đỏ, cá vàng, có bông sen, bông súng, con thấy không? Và cái cầu gỗ kia kìa, mấy tấm ván mục bị gãy, chốc nữa tới coi chừng lọt chân. Con mang guốc nghe? Không hả? Còn đau? Thì thôi. Ngó ngó đi con, có quá nhiều cảnh đẹp đó con.”

Mẹ nói một dây dài như có người nào khác nói giùm, giọng nói lạ lạ, cặp mắt không vui như lời nói. Nó nói thầm, mẹ ơi, con thấy mẹ không vui chút nào cả, sao mình phải tới nơi đây. Thôi về đi mẹ, về đi mẹ. Rồi nó buột miệng:

“Mẹ, mẹ. Con ưng về!”

“Về? Về mô? Con đừng đòi về. Mẹ có nhiều tiền. Con không thích nơi ni thì mẹ cho con đi chơi nơi khác. Mình lên Kim Luông, mẹ cho con ăn bánh ướt thịt nướng, bánh bèo, bánh nậm. Rồi đi thăm chùa Thiên Mụ. Con có nghe nói đến chùa Thiên Mụ chưa? Chưa hả? À mà phải chụp vài tấm ảnh mới được. Tới anh tê chụp mẹ con mình vài tấm. Mẹ con mình sắp xa nhau, phải đi chơi với nhau một lần chớ. Tội nghiệp con tôi, có bao giờ con đuợc đi mô chơi đâu!”

Nó nhón chân thì thầm bên tai mẹ:

“Mẹ coi tề. Hai ba cái ông râu râu đang chụp hình tề. Họ chụp mẹ con mình đó. Răng rứa hả mẹ?”

Mẹ nó chau mày nhìn lại nó, rồi quay nhìn mấy du khách đang chĩa máy hình về phía mẹ con nó, mắt long lên dữ dội, rồi kéo nó rượt rượt ra phía cổng đằng xa. Mấy ông râu nhìn theo nhún vai. Ông già xe đạp đang ngồi chờ bên ngoài vội vàng dẫn xe lon ton chạy tới.

Ba người lên xe. Gò lưng đạp xe tới phía cây cầu sắt cách cửa Ngọ Môn một khoảng đường ngắn thì ông già bắt đầu thở hổn hển. Nó nghĩ rằng ông già này chỉ đủ sức chở được một người mà thôi. Nghĩa là chỉ chở được một mình ông thôi. Lạ quá, răng ông không chịu đổi nghề hè, nó nói thầm trong bụng. Đi thêm một chút là phải lên dốc chiếc cầu ấy. Ông già dừng xe trố mắt nhìn mẹ. Mẹ biết ý xuống xe đi bộ. Từ đó về sau mỗi khi lên dốc, hoặc xuống dốc, mẹ trụt xuống khỏi xe, gọn gàng, lẹ làng. Nó nghĩ chắc ngày xưa mẹ làm cô giáo thể thao. Nhưng nó vẫn đuợc ngồi trên yên xe, mẹ muốn thế, tay vịn vào cánh tay mặt của ông già đang kềm chặt cái ghi-đông xe, dẫn xe đi phía trái, còn mẹ thì đi bộ bên phải canh chừng lỡ xe ngã về phía mẹ.

Nó ngượng. Nó cũng muốn nhảy xuống đi bộ như mẹ. Nó cao tới vai của mẹ nó rồi, mạnh chụi ụi, không chừng mạnh hơn ông già, mà mẹ coi nó như đứa con nít ba tuổi không bằng. Nó nhìn mẹ bằng con mắt van lơn, chỉ nhìn, không dám nói. Nó biết mẹ muốn thế, muốn nó được đi xe, và nó cũng muốn làm vui lòng mẹ. Mồ hôi của mẹ thấm ướt vài chỗ trên chiếc áo sơ mi rộng. Mồ hôi bắt đầu chảy trên trán mẹ. Còn ông già thì khỏi nói, mồ hôi chảy ra như tắm. Những người đi đường đứng lại tò mò nhìn theo ông già xe đạp và hai mẹ con nó.

Tới một quán nhỏ bên đường trước một cái chợ, mẹ biểu dừng xe lại. Ông già tay bóp thắng, chân co lên cạ vô vành xe sau nghe sột sột. Xe đứng, nó nhảy xuống, cảm thấy như thoát nợ. Ông già đứng ngoài quán xin một gáo nước lạnh ngửa cổ uống ừng ực, nước chảy tràn ra khỏi miệng, tuôn ra hai bên mép, chảy xuống ướt cổ, ướt ngực, ướt áo, chưa ướt quần, còn mẹ thì vô quán kêu một dĩa bánh ướt thịt nướng. Chỉ mấy phút thôi mà nó đã thấy dĩa bánh mang tới khói lên nghi ngút, thơm phức. Sáu cái xinh xinh sắp chồng lên nhau, dưới ba, giữa hai, trên một. Hai mẹ con kéo ghế ngồi cạnh nhau trước một cái bàn nhỏ. Kéo ghế! Hay quá! Mẹ vói tay lấy hai đôi đũa, xin thêm nước chấm cho vào chén nhỏ, để hai mẹ con cùng ăn một dĩa. Ngon ngoài sức tưởng tượng, nó cúi đầu ăn ngốn ngấu. Kịp khi nó sực nhớ dừng lại, dĩa bánh chỉ còn một cái. Nó hơi giật mình, vội vàng nhìn mẹ. Mẹ cũng đang nhìn nó xót xa, tay cầm đôi đũa khều khều mấy cọng rau ngò xanh, vài tép tỏi tươi trắng, hai ba lát ớt đỏ.

“Con ăn nữa đi, mẹ kêu thêm.”

“Mẹ kêu thêm một dĩa cho mẹ đi! Để con ăn hết dĩa này.”

“Con cứ ăn thêm một dĩa nữa. Để mẹ kêu.”

“Không, con no. Mẹ kêu cho mẹ nghe!”

Thật ra nó còn thèm lắm, mới xức răng mà, nhưng nó biết nó không thể nuốt thêm được nữa nếu mẹ không chịu cùng ăn. Cái cổ nó tự nhiên thấy có cái cục chi chận ngang. Nghẹn. Mẹ nó không chịu gọi thêm bánh, bằng lòng ăn nửa cái, bắt nó ăn nửa cái còn lại, rồi gọi một chén chè đậu xanh đánh, món nó thích. Lần này nó giữ ý chờ mẹ cùng ăn. Mẹ lấy chiếc muỗng cà phê múc em em một muỗng ăn trước, và bắt nó ăn hết phần còn lại trong chén. Ăn uống xong nó năn nỉ mẹ đừng bắt nó đi xe đạp ôm nữa.

“Mẹ có nhiều tiền. Đừng có lo. Đi xe đi cho sướng!”

Nó mếu máo. Mẹ nó mắng nó là đồ khó dạy và xin lỗi ông già. Trả tiền cho ông già xong hai mẹ con đi bộ về phía chùa Thiên Mụ. Bên trái con đường là dòng sông trong xanh lác đác mấy chiếc đò, chiếc thì cắm sào đậu ven bờ, chiếc thì trôi chậm chậm theo nhịp mái chèo. Như sực nhớ điều gì quan trọng, mẹ dừng chân cúi xuống nói vào tai nó:

“Con ngó đó tề, đừng ngó chỗ khác. Ngó con sông Hương. Con sông đẹp lắm, nước trong xanh, ngọt và thơm, nhiều người cho là rứa. Để sau này ở xa con còn nhớ nó. Thêm cây cối nhà cửa hai bên bờ sông trông không khác gì tranh vẽ.”

Nó gật gật. Nghĩ tiếp. Sông chi mà lạ rứa. Nước trong leo lẻo làm chi có cá. Cho dù có cá đi nữa cũng khó câu. Nước trong như ri cá thấy sợ đâu chịu cắn mồi.

Bên phải con đường những ngôi nhà thụt sâu vào những khu vườn cây cối um tùm. Nó vừa đi vừa nắm chặt tay mẹ mắt nhìn ngang nhìn ngửa, mũi hít vào đầy lồng ngực mùi gió thơm thơm. Nó lầm thầm tự hỏi không biết đó là do mùi thơm của con sông hay của những vườn trái chín. E có lẽ của cả hai, nó đoán. Lòng nó thấy nguôi ngoai đôi chút.

Đi thêm một quãng đường, một chiếc guốc của mẹ đứt quai. Mẹ cúi xuống cởi luôn chiếc guốc kia, lồng hai chiếc vào nhau, một tay xách hai đôi guốc, tay kia nắm lấy tay nó, tiếp tục đi. Trời nắng chang chang. Con đường lên chùa Thiên Mụ chắc còn dài lắm, đi mãi sao không thấy tới. Thỉnh thoảng những chiếc xe đạp, xe gắn máy chạy xoẹt qua mặt hai mẹ con nhả lại những lớp bụi đỏ. Trưa đứng bóng.

“Thôi mẹ. Đừng lên cái chùa đó nữa. Làng mình cũng có chùa.” Nó vừa đi lúp xúp theo mẹ, vừa nài nỉ.

“Cái thằng con trai của tôi, thiệt tình! Có phải mẹ dẫn con đi chùa cúng Phật đâu mà chùa làng mình với chùa làng họ. Mình đi chơi mà, đi du lịch ngắm cảnh mà, như mấy cái ông râu râu …”

Tiếng nói của mẹ bỗng tắt ngang, hai dòng nước mắt chảy ròng ròng trên má. Nó sợ. Chắc mẹ bị ma ám. Phải rồi, những buổi trưa đứng bóng, những buổi chiều chạng vạng là giờ ma hay lui tới. Bác đã nói rứa. Nhưng cũng có thể vì cái ông già dịch, cái ông có cử chỉ thật khó hiểu, lở đứng lở ngồi, bửng lửng bơ lơ, miệng thì cười với nó mà cặp mắt trông như nạt nộ. Chắc ông là phù thủy. Trước kia khi chưa về với ông đó, mẹ đâu có thế. Ông đó bỏ bùa hại mẹ rồi!

Đến một gốc cây bên đường có bóng mát, hai mẹ con dừng lại. Mẹ nó ngồi bệt xuống đất, nó đứng xớ rớ lòng dạ bồn chồn.

“Ừ, con muốn về thì về. Về Sịa ở thêm một đêm với mẹ rồi mai mẹ đưa con tới bác.”

“Dạ, mai con tới ở với bác. Mà con ở Sịa luôn với mẹ cũng được. Con không cứng đầu cứng cổ nữa mô. Không làm phiền ai mô. Không làm phiền ông nớ nữa mô. Con về ở với mẹ, nghe mẹ!”

Mẹ nhìn nó thở dài:

“Không, không được đâu con. Con ở tạm với bác rồi con đi. Con phải đi, mẹ muốn rứa. Con không thể nào ở đây được với mấy đứa con nít ác ôn đó. Tụi nó hiếp đáp con của mẹ đủ điều, mẹ biết hết, mà chẳng làm chi được. Và con của mẹ phải có tương lai nữa chớ.”

Mẹ lại nói một mình, “Còn tôi hả? Tôi thì kể làm chi … cho chật đất!”

*

Chỉ ở với bác một thời gian ngắn trước khi đi xa mà nó đuợc mẹ tới thăm hoài. Từ Sịa qua thăm, đường xa tít mù. Thăm công khai và thăm chui. Nó thích đuợc thăm chui. Có bánh bò bánh tiêu ăn liền, ly chè bột lọc, chén đậu hủ ăn liền. Lâu lâu còn được ly sữa uống liền. Sữa bò ngon quá, hồi nhỏ còn bú sữa mẹ chắc không ngon bằng, nó tự nhủ. Và ăn nhiều thứ nữa. Ăn uống xong nó luôn luôn được nhắc nhở lấy tay áo lau sạch miệng trước khi vô nhà. Sợ hai bác biết, nhất là bác gái, tinh ý lắm. Những món ăn đó, gặp lúc hối hả, thường được mẹ chuyền tay qua hàng rào dâm bụt, chuyền qua những bụi hóp, những buổi trưa đứng bóng không một ai đi ngoài xóm vắng, những buổi chiều chạng vạng im lìm chỉ có mấy con chim đêm bay trên nền trời nhá nhem. Có một lần hấp ta hấp tấp vì cái con chó vàng ngoe nguẩy đuôi mà nó cứ tưởng có người đi tới, nó chạy vội vào nhà quên chùi miệng để mấy hột mè còn dính trên má. Bác gái ngó nó cười mà không ra cười, rồi quay đít bỏ đi không nói một tiếng. Nó bồn chồn lo lắng.

Nhưng đó là chuyện cũ. Còn bây giờ …. bên bờ hói này, những con đom đóm bay vật vờ, cây sung đứng im đợi gió, cái mô đất trơ khất, và hai mẹ con ngồi bên nhau thì thầm.

“Con ơi, mẹ mất hồn mất vía. Đi về Sịa nửa đường mẹ mới nhớ ra. Mà hồi chiều đông người quá, có nhớ cũng chẳng làm được gì.”

Đúng vậy, nó nghĩ. Hồi chiều có hai bác, một người lạ mặt, hai mẹ con. Năm người tất cả. Những người khác ở trong nhà đều đi đâu hết. Mẹ nó trả lời hai bác bằng cái giọng xẳng xẳng, nói chuyện với người lạ bằng thái độ khủng khỉnh, và nói với nó một cách nghiêm khắc.

“Vinh! Đi không phải là đi chơi. Ai ở đây cũng hy sinh cho con, trông đợi nơi con, nhất là hai bác. Tới nơi phải lo ăn học đàng hoàng để sau lớn trở thành người hữu dụng, ích quốc lợi dân, để … để cho hai bác mày nhờ. Rồi tao nhờ ké…”

Bác gái vội nói chen vào:

“Thím nói nghe hay ghê, như cô giáo giảng bài trong lớp. Nhưng tui không dám nhờ hắn mô. Đừng tính toán xa như rứa. Bây giờ thím nên kiếm chỗ dạy học đi thím để có tiền gởi cho thằng Vinh xài. Ở nhà hoài, uổng cái tài quá!”

Mẹ nhìn thẳng vào bác, mỉm cười nói tiếp:

“Cám ơn chị quá khen, nhưng tôi đã mất dạy rồi, chị quên hả?” Quay qua nó, “Còn Vinh, nếu đi xa mà con không làm được trò trống gì thì thà ở đây hơn. Ở với hai bác. Hai bác sẽ nuôi cho ăn học đâu vào đấy. Xin anh chị chấp nhận cho, tôi sẽ tính toán tiền nong sòng phẳng, và…và hết sức đội ơn anh chị cưu mang cháu. Riêng nó, nó sẽ nhớ ơn anh chị suốt đời. Vinh ơi, mẹ chỉ có bấy nhiêu lời, nói ít con hiểu nhiều.” Quay qua người lạ mặt, “Chú này, ráng cẩn thận chú nghe, đừng có để tôi phải tiền mất tật mang. Vinh! Lại mếu máo hả? Thằng con trai của tôi mít ướt xấu hổ quá. Thôi, kính chào anh chị, chào chú. Con, mẹ đi.”

Đó là mới hồi chiều, mẹ xảnh xẹ. Bây giờ mẹ khác hẳn. Răng mẹ buồn mau rứa, ốm xo mau rứa? Tóc bù xù, mặt mày phờ phạc, nước mắt lằm lòa lằm luện. Nó nghiến răng lại, cố cầm nước mắt mà không được.

“Vinh ơi, mẹ nhớ con quá. Khuya này con đi sáng mai về ngay với mẹ nghe con. Hoặc là sau vài ba ngày con về cũng được. Nhớ về liền, đừng có lạc đường lạc chợ, sa quán sỉa cầu như ba con ngày xưa. Cứ dẫn con tôi về bình an vô sự là tốt, khỏi trả lại tiền cọc, khỏi nói năng dài dòng lôi thôi. Con biết không, gần đến ngày con đi đêm nào mẹ cũng vô ngồi một mình trong xó bếp cầu Trời khẩn Phật cho con đi đến nơi về đến chốn. Cho con được khỏe mạnh, bình yên. Có người chết bụi chết bờ, chết sông chết hói, chết trên đường bộ, chết trên đường biển, còn con của tôi không bao giờ có chuyện đó. Con đi vài ngày rồi họ dẫn con về với mẹ. Về đây, con ở với mẹ cũng được, ở với hai bác cũng được. Rồi quen đi, lâu ngày cái gì cũng quen, cũng qua. Không, không, con không thể ở với hai bác. Mẹ thù bác. Phải chi bác chịu ly một tí tiền cho mẹ làm vốn buôn bán lặt vặt qua ngày. Phải chi bác chịu bán bớt nhà đất của ôn mệ để lại mà một phần cũng là của ba con thì mẹ đâu đến nỗi. Bác keo kiệt độc ác.”

Mấy con đom đóm bay chấp chới gần lùm cây rọi ánh sáng yếu ớt khi tắt khi cháy như ma trơi. Nó rùng mình nhìn thấy cặp mắt mẹ nó loang loáng trong đêm. Mẹ lại nói giọng rít lên như tiếng rắn kêu:

“Tiền thì không chịu ly ra mà cứ thậm thà thậm thọt. Tao phải nói ba mày còn sống vậy mà cũng cứ muốn giở trò. Tốt đẹp quá mà, tuần nào cũng đi Sịa thăm cháu tốn cả mấy ngàn bạc. Nói mà không biết ngượng miệng. Tao chịu hết nổi. Tao nhắm mắt đưa chân, theo … theo ông già ấy cho thoát khỏi cục nợ, rồi mẹ bòn rút tiền của lão dành dụm để lo cho con. Bao nhiêu tiền đều rốc hết đưa cho bác con lo liệu chuyến đi. Bác quen biết nhiều, có thiệt không đó, bác có làm mấy chuyến trót lọt mà. Chuyến này ra sao hả con? Đi xa con đừng nhớ mẹ nghe con. Đừng bắt chước mẹ. Yên tâm học hành cho giỏi rồi bảo lãnh mẹ qua. Mẹ con mình trước sau gì rồi cũng sum họp.”

Nó ngồi im sửng sốt không hiểu mẹ nói gì. Cơn “ma ám” của mẹ dần dần dịu bớt, mẹ quay nhìn kỹ nó, nói tiếp:

“Sao con đeo ná đeo niếc nơi cổ hoài vậy. Tội nghiệp cho con tôi không có chi chơi suốt ngày ôm cái ná. Nhưng mà sau này con qua bên đó đừng có đi bắn chim câu cá nữa nghe. Chim trời cá nước, có khác chi con người. Đừng giết hại bừa bãi. Ở nước họ có nhiều súng nhiều đạn. Con hứa với mẹ đừng có dính vào súng đạn. Bây giờ con đưa bàn tay mẹ coi, bàn tay trái. Nam tả nữ hữu. Ngón tay con tôi từ hồi mới đẻ mẹ đã nắn nắn cho thành búp măng sau con lớn lên cầm viết làm ông này ông kia khỏi làm thợ làm thuyền. Con đưa bàn tay trái cho mẹ.”

*

Hơn mười năm trôi qua. Anh chàng mít ướt ngày xưa nay đã trở thành một thanh niên hai mươi, đã sống nhiều nơi trên đất Mỹ. Anh ta nói thạo tiếng Anh, học xong Trung học, dù phải chuyển trường nhiều lần, và có thêm được nghề sửa máy điện toán.

Những năm đầu tiên trên nước Mỹ, anh tưởng như anh không thể nào tiếp tục sống nổi. Sợ, buồn, chán, bơ vơ, lạc lõng, cô đơn. Tính anh rụt rè, không thích giao du, không có bạn. Anh thường nghĩ đến mẹ anh. Có khi nhớ quay quắt, nhớ cặp mắt loang loáng sáng, nhớ khuôn mặt phờ phạc đêm hôm đó, có khi cái cảm giác nhờn nhợn lại đến khiến anh buồn nôn. Mẹ bị ma ám, anh cho là vậy. Càng lớn lên, ám ảnh cũ càng phai đi. Anh dần dần hiểu mẹ hơn, thấy được tất cả những nỗi khổ tâm của mẹ, và cái cảm giác buồn nôn khi nổi dậy cũng bớt gay gắt. Nhưng cái phút cuối cùng kỳ cục giữa hai mẹ con vẫn là một vết thương nơi anh không lành nổi, vẫn là dấu chấm hỏi lớn mà anh không có giải đáp.

Mẹ bây giờ đã ở Úc với người chồng già và gia đình đứa con gái của chồng. Đó là một người đàn bà tính tình dễ dãi, có lẽ xấp xỉ tuổi của mẹ. Anh vẫn viết thư cho mẹ đều đặn và cứ vài ba tháng anh nhận được thư trả lời của mẹ. Qua một số thư của mẹ gần đây, anh cảm thấy mẹ đã tìm được một phần nào sự bình tĩnh trong tâm hồn và dường như muốn cam phận sống âm thầm bên đó, nhưng anh vẫn cố dành dụm tiền để năm bảy năm sau bảo lãnh mẹ qua Mỹ sống với anh những ngày còn lại của cuộc đời mẹ quá nhiều buồn khổ. Mà mẹ có chịu đi không? Anh chắc chắn mẹ anh sẽ chiều theo ý anh. Là vì mẹ không nói rõ ra, có bao giờ mẹ nói hết ý nghĩ của mình đâu, nhưng anh vẫn biết rằng mẹ thương con nhất trên đơì.

Trong hơn mười năm ở Mỹ anh đã trải qua một thời gian dài nhất tại thị trấn Elgin cách thành phố Chicago khoảng 40 dặm về phía tây. Đó là một thị trấn nhỏ nhắn, xinh đẹp, êm đềm, có những trái đồi thấp, có những con đường uốn lượn quanh co lên xuống, hai bên lề đường là hai hàng cây xanh tươi quanh năm. Vùng này với khoảng hai, ba chục ngàn dân mà chỉ có bảy hoặc tám gia đình người Việt. Hầu hết người mình làm nghề điện tử hoặc thợ máy ở những hãng xưởng nằm trong thị trấn. Một vài người có việc làm ở Chicago, sớm đi chiều về. Ăn uống thì đến các chợ Mỹ mà mua, vừa tươi vừa rẻ. Nhớ món ăn Việt Nam, có thể lái xe đi Chicago đến các siêu thị của người Tàu, người Việt. Lái xe chỉ hơn nửa tiếng là tới. Và cũng chỉ hơn nửa tiếng có thể đến hồ Michigan đẹp đẽ và rộng mênh mông như biển. Tóm lại cuộc sống ở đây đơn sơ, yên ổn. Những gia đình người mình ở đây biết thương yêu đùm bọc nhau. Hiếm đâm ra qúy, anh ngẫm nghĩ.

Đó là cuộc sống chung chung tại nơi này. Còn riêng anh? Vì cố gắng để dành cho đủ tiền bảo lãnh mẹ qua thật sớm, sau khi tốt nghiệp trung học, anh làm việc bán sống bán chết. Làm hai việc toàn thời gian. Ban ngày làm tại một hãng điện tử từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, ban đêm từ 6 giờ chiều đến 2 giờ sáng đi làm gác dan tại một nhà cao tầng. Thời gian để ngủ không được bao nhiêu. Nhiều lần lái xe về nhà đường dài gần 30 dặm vào khoảng hai ba giờ sáng, anh phải quyết liệt chống cự “con ma” ngủ. Anh véo vào đùi, áp bịch nước đá vào trán, hát hò huyên thuyên, nhai kẹo, nghiến răng, nghiến lợi, hét to lên, để chống lại giấc ngủ ào ạt tới. Nhưng hễ có dịp ngủ được vài phút là anh nhắm mắt lại ngay. Chẳng hạn gặp đèn đỏ, anh tự nhủ đạp chân thắng cho mạnh để bảo đảm xe ngừng hẳn, rồi chớp mắt một cái cho đỡ mệt. Lúc giật mình dậy thấy mấy chiếc xe hai bên sao lạ quá đang de lui. Chợt nghĩ ra là xe mình đang từ từ lủi tới, những xe khác vẫn đứng yên, ngay lúc ấy xe anh đã đụng vào cảng sau của xe đậu đằng trước. Thì ra chân thắng của anh buông thỏng lúc anh ngủ quên. Cố nhiên là anh phải bồi thường thiệt hại cho người ta.

Rồi một lần đến cổng xe lửa, biết rằng phải ngừng xe chờ một hồi lâu, anh cẩn thận gài số “parking” xong ngủ thiếp lúc nào không hay. Cảnh sát công lộ đến bấm đèn chiếu vào mặt, anh mới choàng thức dậy. Anh nhìn người cảnh sát rồi nhìn lui thấy năm bảy xe đằng sau đang nằm chờ. Lại bị phạt. May không bị thâu bằng lái.

Một ngày nọ, chuyện phải tới đã tới. Trong cơn buồn ngủ, anh đâm xe vào chân cầu xa lộ. Bị thương nặng, được đưa vào bệnh viện, anh nằm mê man trong hai tuần lễ và về nhà dưỡng thương hơn ba tháng. Anh giấu kín, mẹ anh không hề biết chuyện này, anh vẫn thư từ đều đặn.

Cuộc sống cũng lạ lùng, trong cái rủi ngầm chứa cái may. Trong thời gian dưỡng thương anh may mắn gặp được hai người.

Người thứ nhất là cụ Giai. Cụ là người láng giềng sát vách, người mà trước kia, khi còn đi làm việc lu bù, anh chưa bao giờ có dịp gặp mặt lâu hơn một phút. Cụ sống ở thị trấn này với con cháu trước anh mấy năm, đến khi anh bị tai nạn cụ sang thăm. Thế là dần dần cụ tìm được một người để chuyện trò giải buồn. Về phần anh, được hầu chuyện với cụ là một hạnh ngộ. Cụ thích thơ phú. Cụ cũng có làm thơ nhưng, theo lời cụ nói, thơ cụ không hay.

“Thơ mình không hay thì mình đọc thơ người khác vậy, phải không anh Vinh? Người Tàu có câu ‘Văn mình, vợ người’. Câu đó có thể đúng với một số người nào đó, còn với tôi thì hoàn toàn ngược lại. Bà xã tôi là nhất, thơ tôi là bét. Ha ha … ha ha …”

Cụ có lối nói sảng khoái và có lẽ cụ cũng cần có người để san sẻ nỗi sảng khoái đó. Nằm dài cả ngày dưỡng bịnh mà được nghe cụ kể chuyện thì còn gì bằng. Anh nghe cụ một cách thích thú và chăm chú, vì vậy mà cụ mến anh chăng?

“Anh Vinh có đồng ý với tôi về điểm này không nào? Chỉ phương Đông mới có thơ, và người làm thơ hay nhất của phương Đông là Nguyễn Du. Tôi cũng có đọc thơ Pháp, thơ Anh, thơ Mỹ. Thơ phương Tây có nhiều xác mà ít hồn, anh có thấy vậy không?”

Anh không biết trả lời sao đành gật gật cho cụ vừa lòng. Thật ra anh có bao giờ đọc thơ đâu. Anh nghĩ rằng thơ khó hiểu, nhất là khi nó được viết bằng thứ ngôn ngữ mà mình không thông thạo. Thế mà anh chưa bao giờ thấy cụ nói nguyên một câu tiếng Anh hoặc trò chuyện riêng với một người láng giềng Mỹ, hoặc cầm một cuốn sách ngoại ngữ trên tay. Cho nên anh có phần nghi ngờ khả năng cụ nhận định thơ phương Tây. Nhưng điều đó có hề gì, cụ say sưa nói chuyện thơ, anh vui vẻ nằm nghe, thỉnh thoảng chêm vào vài lời tán thưởng, thế là một già một trẻ cùng thấy thời gian qua mau một cách thích thú.

“Tôi đi Đông, đi Tây, đi Nam, đi Bắc gần hết cuộc đời, lúc về già trở lại cụ Tiên Điền càng thấy thấm thía. Mỗi câu thơ là một dòng máu từ trong tim chảy ra, mỗi chữ là một giọt nước mắt nóng hổi. Anh đọc cuốn Kiều đi, đọc rồi nói lại cho tôi nghe.”

Nể lời, anh ráng đọc cuốn Kiều do cụ cho mượn. Nhưng anh không thể đọc hết. Không hiểu được mấy, anh thấy chán và nghĩ rằng những đoạn nào hay thì cụ đã đem ra tán rồi, còn gì nữa đâu mà đọc. Có khi cụ tán quá trớn chăng.

“Này anh Vinh, ai đọc xong câu này chẳng hạn, một câu thơ nghe qua tưởng vô thưởng vô phạt, vô duyên, rồi lòng dửng dưng, thì tức là người ấy phải có trái tim bằng gỗ bằng đá.”

Cụ lấy giọng ngâm lên một cách bùi ngùi:

“Vương Quan là chữ nối dòng Nho gia … “

Cụ nói tiếp:

“Nào để tôi xin được giải bầy. Mấy đứa con tôi, mấy đứa cháu tôi ở nhiều nơi trên trái đất này có đứa nào đáng mang được cái ‘chữ nối dòng’ đâu. Toàn là một lũ lai căng, một lũ đua đòi vong bản. Tôi chết đi là đứt đoạn. Nhánh họ Lê Phú đến tôi là chấm dứt. Cho nên đọc câu thơ xong, tôi buồn không biết mấy!”

Anh chẳng hiểu cụ nói gì, lại gật gật đầu. Dần dần sau nhiều lần nghe cụ nói, anh lờ mờ thấy nhiều câu trong Kiều có chứa những nỗi niềm nào đó, nhưng phải chờ cụ Giai khai giải anh mới “ngộ”. Ngộ, cái chữ cụ thường nói.

Một hôm cụ Giai đề cập đến biệt ly trong văn thơ. Bỗng dưng anh cảm thấy bàng hoàng. Rồi anh gợi chuyện để cụ nói thật nhiều về biệt ly. Biệt ly? Hai tiếng đó khơi dậy trong anh nhiều thứ tình cảm lẫn lộn không rõ nét. Nghĩ đến biệt ly, nghĩ đến mẹ, anh tìm cách nén xúc động xuống để quên nó đi, quên những điều anh muốn nhớ hoặc không muốn nhớ. Anh có quên được không? Những điều đó đang âm ỉ cháy trong lòng anh chờ dịp bùng lên, hay đã biến dạng thành một thứ tình cảm nào khác chưa định hình? Bây giờ cụ Giai sắp nói đến vấn đề đó, anh tự nhủ, mình thử xem nó ra sao đây.

“Tôi nói cho anh biết điều này, ngươì phương Tây thời đại này, nhất là ngươì Mỹ, không có cái tình cảm biệt ly. Đi, đi, đi, đó là lối sống của họ. Làm việc trong một công ty, chán nhau, đi. Ở tại một vùng nào lâu ngày thấy nản, đi. Thương nhau một thời gian thấy mệt, lại đi. Cho nên đi đi là chuyện bình thường, ở với nhau lâu mới là chuyện bất thường. Mà đã là bình thường thì có gì đâu để nói. Không kỷ niệm, không quyến luyến, không nước mắt, không thương, không nhớ. Đông phương mình khác. Biệt ly được trân trọng đưa vào văn thơ từ cổ chí kim. Thơ Đường nói rất nhiều đến biệt ly. Anh nghe đây này, có mấy chữ thôi mà mông lung lắm:

Thử địa nhất vi biệt

Cô bồng vạn lý chinh

Có nghĩa là, tôi dịch nôm na anh ráng mà thưởng thức nghe:

Một khi đã chia tay nhau nơi cái đất này

Thì mình có khác gì ngọn cỏ bồng lẻ loi bay đi muôn dặm …

Đó, ông Lý Bạch đó, cách đây hơn một ngàn năm. Nghe có lâm ly không anh Vinh?”

Cụ Giai ngừng nói rung đùi tay vuốt râu chờ xem anh phản ứng ra sao.

“Thưa cụ, cháu cũng cảm thấy rất hay.”

Cụ tiếp:

“Ngươì Tàu còn làm nhiều thơ biệt ly lắm, một dịp khác tôi sẽ nói cho anh nghe, nhưng nghĩ cho kỹ, cũng không hay bằng cụ Tiên Điền nhà ta.”

Anh tỏ vẻ ngạc nhiên.

“Anh không tin tôi sao? Thử tưởng cảnh này. Hai người sắp sửa xa nhau. Nàng một tay nắm áo chàng một tay trao ly rượu tiễn đưa và tha thiết dặn dò ngày tái ngộ. Chàng nhắp cạn ly, nhảy lên ngựa, liền ra roi phóng như bay như thể sợ rằng mình còn chần chờ bịn rịn thì không thể nào dứt áo đi nổi. Chéo áo của chàng tuột ra khỏi tay nàng mất rồi. Trời đất trước tình cảnh đó làm sao dửng dưng được, tất cả đổi thành màu quan tái. À à còn gì nữa, còn con đường dài hun hút, còn lớp bụi cuốn theo vó câu, cuốn theo chiếc yên ngựa, rồi cả chàng lẫn ngựa biến mất sau ngàn dâu không còn lại vết tích gì. Mà biệt ly nghĩa là không cùng sống với nhau, phải xa nhau, tách rơì nhau, đối nghịch với nhau, chén đưa đối với chén mừng, hôm nay đối với năm sau, ngươì lên ngựa đối với kẻ chia bào, vừa tài tình, vừa bi tráng và sống động như khúc phim diễn ra trước mắt. Anh nghe tôi ngâm đoạn thơ ấy đây:

Chén đưa nhớ bữa hôm nay

Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau.

Người lên ngựa, kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.

Dặm hồng bụi cuốn chinh an

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh …

Đó là đoạn Thúc Sinh từ giã Kiều về quê.”

Anh xúc động thật sự, xúc động vì lời thơ đẹp và buồn mà cũng vì giọng ngâm trầm trầm, rầu rầu của cụ. Cụ Giai chậm rãi nói như nói cho chính cụ nghe:

“Có người vô ý thức bảo rằng chẳng qua cụ Tiên Điền dịch Kiều từ tiếng Tàu. Quả có dịch từ truyện Tàu viết bằng văn xuôi, dịch lấy cái ý. Từ một ngoại ngữ bằng văn xuôi chuyển qua thành tiếng nước mình bằng những câu thơ tuyệt tác là cả con đường dài vạn dặm.”

Nhưng cũng có vài thắc mắc, nể cụ, anh không dám nói ra. Anh nghĩ rằng cổ nhân đa sự. Cảnh biệt ly giữa nàng Kiều dày gió dạn sương và chàng Thúc ăn chơi vong mạng mà được mô tả như thế quả có phần vẽ vời. Trông người lại nghĩ đến ta, người ta biệt ly như thơ như mộng, anh cùng mẹ biệt ly đau đớn quá, nhất là trong những giây phút cuối cùng. Mà hễ anh nghĩ đến chuyện đó, những cảm giác lẫn lộn nào buồn khổ nào khó chịu kéo theo. Để khỏa lấp, anh hỏi tiếp cho có chuyện nói:

“Thưa cụ, thế những nhà thơ sau này thì sao? Họ có viết về biệt ly đẹp như vậy không?”

“Ồ, ồ. Chắc là phải có chứ. Hàng triệu người bỏ nước ra đi thì hẳn phải có hằng triệu cảnh biệt ly. Chắc chắn phải có nhiều bài thơ loại đó. Nhưng thế giới rộng quá, các người làm thơ ở rải rác nhiều nơi, mình làm sao biết hết. Giá mà có người ra công sưu tập lại, chọn lọc giùm. Vả tôi thuộc thế hệ già chỉ nhớ chuyện cũ. Cái thời của tôi, cái thời thơ mới ra đời cách đây ờ, ờ, thế mà hơn nửa thế kỷ. Cái thời gian ngắn ngủi đó kéo dài mươi mười lăm năm là cùng, mà lạ quá, sản xuất ra nhiều người làm thơ hay. Còn bây giờ? Cũng có thơ hay chăng, biết đâu đấy. Hậu sinh khả úy.”

“Xin cụ ngâm cho cháu nghe vài bài nữa đi! Thơ biệt ly. Thơ biệt ly thời nay, nghĩa là đồng thời với cụ.”

“Vâng, nhưng hôm nay câu chuyện dài dòng quá rồi, tôi chỉ đọc lên cho anh nghe thêm một đoạn thôi nhé. Mình còn gập nhau nhiều mà. Đây:

Cơn gió thổi…lá bàng rơi lác đác

Cùng rơi theo loạt nước đọng trên cành

Những cây khô đã chết cả màu xanh

Trong giây phút lạnh lùng tê tái ấy.

Anh bỗng thấy nhói trong tim. Anh ngập ngừng tiếp lời cụ:

“Thưa cụ, lá bàng rơi trong đoạn thơ đó làm cháu nhớ quá. Hồi nhỏ xóm cháu ở có hai cây bàng. Mẹ cháu nói cây bàng rụng lá trông như người ta đứng khóc. Đó là đầu xóm. Còn cuối xóm có cái cổng tre không bao giờ đóng. Đi ra khỏi cổng tre thấy đồng ruộng mênh mông. Mấy cái mả ông Trạng, con hói… Hồi đó cháu sợ ma, mẹ cháu đi theo sau lưng mà cháu vẫn sợ. Mẹ cháu nắm lấy vai cháu cho cháu yên tâm. Rồi đi tới một mô đất, những con đom đóm, những cây sung bên dòng nước… Ô, cháu nói lung tung không đâu vào đâu. Vâng, lá bàng to bản, muà thu thì vàng, chín, đỏ, rơi thật nhiều khi có gió.

*

Thời kỳ dưỡng thương của anh gần hết. Nghĩ đến tương lai, nghĩ đến công việc làm ăn, anh muốn chùn bước. Rồi nghĩ đến mẹ, lòng anh xót xa. Có lẽ mình phải bỏ nghề gác-dan rồi kiếm công việc làm bán thời gian. Ban ngày trở lại hãng điện tử, ban đêm làm việc gì đó đến 11 giờ về là vừa. Công việc không khó kiếm lắm. Phải làm việc. Phải dành dụm thêm tiền.

Một hôm cụ Giai dẫn một bà già qua thăm anh.

“Chắc chắn anh Vinh phải chịu tôi là tài. Đây, tôi đã tìm cho anh một bà cụ Huế. Thưa cụ, anh Vinh đây là người Huế cùng quê với cụ đấy cụ ạ. Anh nhớ Huế như chúng tôi nhớ thuốc lào. Cho nên tôi bằng mọi cách phải thỉnh cụ qua đây. Cụ mới từ Cali vùng quận Cam qua thăm bà con bên này đấy, anh Vinh.”

Bà cụ tóc bạc phơ, lưng còng, người choắt lại, nhưng mắt còn sáng và đặc biệt là giọng nói trong trẻo như tiếng nói một cô gái. Nghe lại giọng Huế sau bao nhiêu năm, anh có cảm tưởng đang sống lại những ngày ở Sịa, ở Nam Phổ, gặp lại mẹ, dù mẹ anh trẻ hơn cụ nhiều. Lại được nghe cụ kể chuyện bên đó, bên quận Cam, nơi có nhiều người mình, chỉ cần biết tiếng Việt là cũng đủ xài, đủ để kiếm việc mà sống, có phố xá bảng hiệu bằng tiếng Việt, có nắng ấm quanh năm, có đủ thức ăn quê hương, không thiếu một món gì, kể cả những món hiếm hoi như bánh tro, bánh đúc chấm mắm nêm, cà pháo, trái cóc, sầu riêng v.v… Lại có nhiều chùa chiền, nhà thờ, nhiều hội hè, có cả lên đồng xuống bóng. Anh ngồi nghe như nuốt từng lời của cụ.

Rồi cụ kể chuyện Việt Nam trước khi cụ đi Mỹ theo diện đoàn tụ. Câu chuyện dần dần dẫn tới xứ Huế. Đối với xứ Huế, anh chỉ biết Nam Phổ và Sịa, còn cụ quả là cuốn tự điển sống về địa danh, phong tục, câu hò điệu hát … Thấy cụ biết nhiều, tính tình lại xuề xòa dễ dãi, anh đánh bạo hỏi điều mà anh nghĩ là không thể có lời giải đáp. Thế mà, may mắn thay, anh đã hỏi đúng chỗ.

“Như rứa là phải rồi đó chú Vinh ơi. Xưa bày nay làm, ôn mệ mình vẫn làm rứa. Để chú gớm ghiếc. Để đi xa khỏi nhớ mạ, yên tâm học hành. Chớ cứ nhớ nhớ thương thương là đầu óc luôn luôn vướng vướng víu víu, mà người thì càng ngày càng ròm, sinh bịnh, làm răng học hành cho nên ngươì.”

Anh nghe xong, sững sờ. Ôi! Lại biệt ly theo kiểu mẹ! Mẹ gánh chịu bao oan khuất từ trước đến giờ mà mình đâu biết. Mọi chuyện như diễn ra rõ mồn một trước mắt anh.

*

Tối hôm đó, cuối xóm, sau cổng tre, ngoài đồng vắng.

“Con đưa bàn tay trái cho mẹ.”

Giọng nói của mẹ uất nghẹn. Trong bóng tối nó vẫn cảm thấy có một cái gì khác thường nơi mẹ. Một cơn gió mạnh thổi giạt đàn đom đóm vào một cành sung sà xuống mặt hói ngúc nga ngúc ngắc như cái đầu của một con đồng đang lên. Ánh lửa đom đóm màu xanh mờ nhạt âm u chớp chớp một cách ma quái trông chẳng khác gì những chấm sáng yếu ớt loé lên lần cuối trên mấy cây nhang tàn đã cháy đến chân cắm trên mả ông Trạng. Nó bỗng cảm thấy một luồng khí lạnh chạy dọc theo xương sống từ trên xuống dưới. Nó rùng mình, sợ. Nhưng không dám trái lời mẹ, nó run run chìa bàn tay trái ra. Lanh như chớp, cặp mắt sáng loang loáng trong ánh lửa đom đóm, mẹ vung tay ra, cầm chặt lấy bàn tay nó, rồi nhổ toẹt vào đấy một búng nước miếng trong khi ngón trỏ bàn tay kia của mẹ chấm vào nước miếng, xong dí mạnh lên trán nó. Nó hoảng hốt giật tay ra khỏi bàn tay nắm chặt của mẹ, vùng chồm dậy chạy, băng qua cổng tre, vượt qua mấy nấm mả ông Trạng, giông tuốt vào trong xóm tối thui, như bay như biến. Mẹ chạy theo trên con đường đê nhỏ, tiếng chân mẹ hối hả, nó vội quay đầu nhìn lại trong một giây, mẹ sỉa chân ngã, mẹ lồm cồm đứng dậy chạy tiếp, nó càng ra sức phóng nhanh. Bỗng nó nghe tiếng mẹ gọi vang vang trong gió tiếng được tiếng mất. Rồi nhỏ dần, nhỏ dần. Rồi tắt lịm. Nó đứng khựng lại trong giây lát rồi lại cắm cổ chạy nhanh vô nhà bác. Con chó Vàng chỉ sủa vài ba tiếng rồi nhận ra nó ngay. Thôi, thế là hết! Mẹ ơi, mẹ không chạy kịp con đâu!

Mẹ biệt ly! Hồi chiều mẹ đã đi, tối nay mẹ còn quay lại. Để mẹ suốt đời thương nhớ đàn con. Để đàn con mau quên mẹ.

Nguồn: https://damau.org/archives/3368

Comments are closed.