Ái quốc

Truyện Trần Mộng Tú


Buổi chiều bắt đầu xuống, bụi lau bên kia sông những thân lá đã nhòa vào nhau, bên này bờ sông của thành phố Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh – Trung Quốc, có người đàn ông khoảng trên dưới sáu mươi tuổi, khuôn mặt buồn buồn, hai con mắt long lanh sau cặp kính trắng như rớm lệ, ông ngồi như đang chờ một ai đó. Chốc chốc ông lại nghểnh cổ lên một chút như cố nhìn xem có chiếc thuyền nào đã vào con sông này chưa.

Ông lang thang cả hai ba hôm nay rồi, cứ quanh quẩn ở đây và chờ đợi. Ông tuy không có hẹn chắc chắn với hai người bạn đó, nhưng ông nghĩ là họ sẽ đến. Nhất định họ sẽ đến tìm ông. Tuy thời gian cách nhau cả mấy chục năm nhưng họ là người cùng chí hướng thì thời gian không phải là điều đáng nói. Ông đang suy nghĩ không biết sẽ xưng hô thế nào. Nói về tuổi tác thì họ kém tuổi ông, nhưng về thời gian thì họ lại đi trước ông cả năm mươi năm (1).

Cả hai bên bờ sông đã thực sự chìm vào bóng tối, gió thổi nhẹ trên đầu những khóm lau. Một chiếc thuyền nhỏ cập bờ. Hai người trẻ, một nam, một nữ nhanh nhẹn nhảy lên bờ, sau khi buộc thuyền vào một chiếc cọc to có sẵn ở đó. Họ tiến về phía ông, cả hai cúi đầu chào lễ phép:

-Thưa anh.

Ông vội vàng đứng phắt lên, cúi đầu đáp lễ:

-Chết, xin đừng gọi tôi như vậy, tôi tuy lớn tuổi hơn nhưng lại là kẻ sinh sau. Đừng để tôi thất lễ.

Ba người, hay nói đúng hơn là ba chiếc bóng đứng chụm vào nhau cùng nhìn ra sông.

Người đàn ông của sông nước Liêu Ninh – Trung Quốc cất tiếng trước.

-Tôi được thả xuống đây mấy hôm rồi, cứ lang thang dọc theo bờ sông chờ hai bạn.

Hai người bạn đến từ Yên Bái – Việt Nam cùng nói:

-Chúng tôi biết trước là họ sẽ thả anh xuống đây, họ không dám giữ anh trên bờ, vì họ sợ dân chúng sẽ lập miếu thờ, rồi sẽ tụ tập, cúng vái, tưởng niệm anh.

Người đàn ông Trung Hoa nói:

-Chỉ tội nghiệp cho vợ tôi, nàng không còn gì để giữ lại ngay cả tàn tro. Không biết bây giờ nàng còn bị quản thúc ngay trong chính nhà mình hay không. Người ta chỉ cấm, chỉ bỏ tù được thân xác chứ không bỏ tù được tư tưởng – ông thở dài, nói tiếp – Chúng tôi không đòi người lãnh đạo điều gì quá đáng. Chúng tôi chỉ đòi tự do, đòi nhân quyền cho người dân ngay chính trên đất nước mình.

Người phụ nữ vấn tóc trong chiếc khăn nhiễu nâu non nói:

-Tôi rất yêu thích những câu thơ anh viết trong tù, nhất là câu anh viết cho chị Hà: “Tình yêu của em là ánh mặt trời lên khỏi bức tường cao và rọi chiếu xuyên qua những song sắt cửa sổ nhà tù của anh, xúc chạm trên từng mảnh da, làm ấm áp từng tế bào thân xác anh, cho phép anh luôn luôn giữ được bình an, cởi mở, và tươi tắn trong tâm hồn, và làm đầy mỗi phút giây trong đời sống tù của anh với ý nghĩa”.

Người thanh niên có hàm râu quai nón và cặp lông mày lưỡi mác tiếp theo:

-Chúng tôi trong quá khứ cũng không chịu được sự đô hộ hà khắc của người Pháp nên phải đứng lên lãnh đạo một cuộc cách mạng cho dân tộc.

Người bạn Trung Hoa nhấc cặp kính xuống, lấy vạt áo lau lau, rồi lại đeo lên nhìn xa xăm tận cuối dòng sông, thở dài:

-Hai bạn ơi, đây lại chính là người lãnh đạo của nước mình tước đoạt quyền tự do nhân quyền của dân mình.

Thiếu phụ nhẹ nhàng nói:

-Tôi cũng yêu những câu thơ tình của anh, tôi đã thuộc từng chữ:

Khi đem trái tim giao cho em

Là anh đã lìa bỏ em rồi

Trong tĩnh sáng của ngày thu

Tay còng, cháy bỏng vết thương dưới ánh mặt trời.

Anh bị giải đến nơi rất xa

Một địa phương em tìm không thấy

Chỉ có ánh mắt em sau khi tỉnh dậy

Vẫn còn thiêu đốt chiếc bóng sau lưng anh.

Người đàn ông bên cạnh nàng tiếp theo:

-Tôi rất cũng thích đoạn thơ này của anh, nó nhắc nhở tôi thời tôi bị quân Pháp bắt khi làm cách mạng:

Giữa đêm khuya trước gian hàng thuốc lá
Mấy gã to con chèn ép tôi chặn đường
Tay tra còng mắt bịt miệng nhét giẻ
Quẳng xe tù chạy đi đâu chẳng biết (2).

Đất nước hiện tại của chúng tôi bây giờ không còn Pháp đô hộ nữa nhưng người dân vẫn phải tranh đấu từng ngày cho nhân quyền. Vẫn bị bỏ tù, vẫn bị bắt bớ có khác gì bên Trung Quốc. Cái cảnh tra còng tống lên xe chẳng lạ gì với người dân.

Người phụ nữ nắm tay người đàn ông của mình, nói:

-Chị Lưu Hà yêu người anh hùng này vì ông còn là một thi sĩ nữa, vì tình ông cho bà luôn được chuyển qua ngôn ngữ thơ. Cả hai con người trong ông đều làm bà cảm phục, em nhớ bà viết trong một bức thư cho Hội Văn Bút Mỹ:

Tôi cảm nhận Hiểu Ba đang dùng ý chí và cảm xúc như một nhà thơ để đẩy phong trào dân chủ tiến tới tại Trung Quốc. Anh ấy la hét như một nhà thơ “Không, không, không” đối với những nhà độc tài. Trong chỗ riêng tư, anh ấy thì thầm với những tâm hồn chai điếng của ngày 4 tháng 6, những người, cho đến hôm nay, vẫn chưa nhận được công lý, cũng như với tôi và tất cả bạn bè của anh: “Vâng, vâng”.

Cả ba cùng im lặng một lúc. Người đàn ông Trung Hoa lại lên tiếng trước:

-Hai bạn có biết là nếu người dân mất Tự Do thì đất nước sẽ tụt hậu, sẽ đi giật lùi không? Đây không phải là suy nghĩ của riêng tôi mà là lời phát biểu của nhà nghiên cứu kinh tế học Trung Quốc Trương Duy Nghênh. Theo ông Trương: “Sức sáng tạo là dựa vào sự tự do! Sự tự do về tư tưởng và tự do về hành vi. Đặc điểm cơ bản của thể chế của Trung Quốc đã hạn chế sự tự do của người dân, đã bóp nghẹt tính sáng tạo, giết chết tinh thần của các nhà khởi nghiệp. Người Trung Quốc có sức sáng tạo nhất là vào thời Xuân Thu và thời Tống, đây không phải là ngẫu nhiên. Hai thời đại này cũng là thời đại người Trung Quốc tự do nhất (3).

Người đàn ông đến từ Yên Bái trả lời:

-Vâng, chúng tôi biết, người dân của chúng tôi đang bị kiểm soát từ hành động đến tư tưởng. Thế giới đang đánh giá nhân quyền ở nước tôi theo số lượng những người tranh đấu bị mang ra tòa. Chúng tôi ước ao chúng tôi có thể trở lại tranh đấu cùng với người dân trong nước tôi bây giờ.

Người đàn ông Trung Hoa đưa cả hai tay mình ra nắm lấy hai bàn tay của hai người bạn mới, ngậm ngùi nói:

– Chúng ta là những người yêu nước, yêu dân tộc mình, muốn nhìn thấy đất nước mình thanh bình không chiến tranh khói lửa và luôn mong ước cho con người được hưởng trọn vẹn quyền làm người. Đó là Nhân Quyền. Tôi rất cảm phục câu nói của anh trước khi bị quân Pháp chém đầu:

Chết vì tổ quốc chết vinh quang

Lòng ta sung sướng trí ta nhẹ nhàng (2).

Hình như mặt trời vừa mọc trên bờ bên kia một quầng sáng màu hồng nhạt. Một ngày mới đã bắt đầu. Những tiếng động trên con đường xa xa vọng tới. Họ bùi ngùi chia tay nhau.

Nguyễn Thái Học và Cô Giang lên thuyền quay về Yên Bái nước Việt. Lưu Hiểu Ba ở lại Liêu Ninh nước Hoa. Cả ba cùng hiểu rằng họ đã tranh đấu cho dân mình ngay trên đất nước mình, đến hơi thở và giọt máu cuối cùng.

Lưu Hiểu Ba đứng nhìn cho đến khi con thuyền của hai người bạn khuất sau phía hàng lau bên kia bờ phía nước Nam. Trong trí của anh bỗng vang lên mấy câu thơ của Cô Giang trước khi tuẫn tiết:

Thân không giúp ích cho đời!

Thù không trả được cho người tình chung!

Dẫu rằng đương độ trẻ trung,

Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh.

Con đường tiến bộ mông mênh,

Éo le hoàn cảnh buộc mình biết sao! (2).

                 7/30/2017

——————————————-

(1) Nguyễn Thái Học (1904-1930), chết lúc 26 tuổi.

Cô Giang (1906-1930), chết lúc 24 tuổi.

Lưu Hiểu Ba (1955-2017), chết lúc 62 tuổi.

(2) Các câu thơ, nguồn trên mạng.

(3) Ngày mồng 1/7/2017, nhà nghiên cứu kinh tế học Trung Quốc Trương Duy Nghênh phát biểu đại diện cho giáo viên với chủ đề “Tự do là một trách nhiệm”, tại Đại học Bắc Kinh.

Comments are closed.