Thảo Dân
Tình cờ, đọc bài viết của nhà văn Tạ Duy Anh (fb Lao Ta) về vai trò hòa giải hòa hợp dân tộc của văn chươmg, tôi nghĩ, nhà văn rất thành tâm và nhiệt huyết, nhưng có lẽ ông lạc quan hơi quá. Cá nhân tôi cho rằng đó chỉ là ước mơ tử tế của người cầm bút tử tế mà thôi chứ chưa biết khi nào nó mới thành hiện thực.
Có thể khẳng định một cách buồn bã rằng, Không thể có hòa hợp thực sự khi chưa có hòa giải thật lòng, mà hòa giải sẽ phải đụng chạm nhiều về chính trị, sẽ phải xét lại và đính chính nhiều sự kiện lịch sử, sẽ phải chứng minh bằng việc làm cụ thể phi lợi nhuận.
Thứ nhất, hòa giải hòa hợp về chính trị, cần trả lời được câu hỏi:
– Bao giờ thì Nghĩa trang Biên Hòa nói chung và các nghĩa trang của tử sĩ VNCH được nhà nước tôn tạo, và tôn tạo theo nguyên bản, để nhắc người dân Việt Nam nhớ rằng, đó là những người lính chết trong chiến tranh Việt Nam, sống có thể không một mái nhà, nhưng chết nhất định phải có một nấm mồ. Mồ mả trong tâm linh người Việt vô cùng thiêng liêng, nhưng người nằm xuống vẫn bị coi là kẻ thù, bị hắt hủi, kỳ thị. Muốn để người sống tin tưởng thành tâm thì phải cư xử thế nào với người đã khuất?
-Bao giờ thì những bài viết kích động thù hận, khơi gợi đau thương trên báo được cấp môn bài, thậm chí cả thông tin bịa tạc về “tội ác lính ngụy” của dư luận viên các cấp không còn xuất hiện?
-Bao giờ thì những chiến công ném bom vào nhà hàng Mỹ Cảnh, khách sạn Caravel, Tổng tấn công Mậu Thân, ngày 30/4 được nhìn nhận đúng bản chất để thôi không nhắc về nó với tâm thế kẻ thắng cuộc nữa?
– Bao giờ thì mỗi dịp 30/4, thay vì phỏng vấn những nhân vật biệt động thành, những người lập chiến công đánh Mỹ diệt Ngụy, thay vì hát những bài ca hùng tráng kiểu Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù, thay vì kỷ niệm rầm rộ, người ta chỉ nhắc về một ngày thống nhất đất nước bên nào cũng có máu và nước mắt?
– Bao giờ thì những tên đường, tên phố, công viên, trường học với tên tuổi của các anh hùng dân tộc chống ngoại xâm trong sử sách được trả về đúng chỗ, thay vì những cái tên gợi nhắc bi thương, cắt chia lòng người, thậm chí chỉ là nhân vật hư cấu hoặc không xứng tầm mang tên phố phường?
– Bao giờ thì những người Việt yêu nước trên khắp thế giới được tự do trở về, tự do đi lại trên quê hương của mình?
– Cao hơn nữa, bao giờ thì VNCH mới được nhà cầm quyền công nhận là một chính thể để làm căn cứ khởi kiện Trung Quốc, đòi lại Hoàng Sa?
Sự chân thành, cao thượng, nhân văn chỉ được thể hiện ở hành động, bằng không, chỉ là sự lắt léo cơ hội hòng kiếm chác ngoại tệ. Đừng nghĩ vài ba lời ve vuốt sáo rỗng mà làm người ta quên đi nỗi nhục, nỗi đau mất nước, tan cửa nát nhà, của cải bị tước đoạt, thân phận bị lao tù, con cái bị chặn đường học vấn, ly tán phiêu dạt chân trời góc bể, có tổ quốc mà phải tha hương, có cội nguồn mà phải sống kiếp lưu dân vong quốc. (Nếu ai phản đối, xin hãy nhớ lại câu thơ của bà Huyện Thanh Quan: Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia. Thay đổi một triều đại chứ quê quán vẫn là quê quán cũ, vẫn sinh sống trên mảnh đất ông cha, mồ mả người thân không bị giày xéo, không bị tước đoạt bất kỳ thứ gì, thậm chí vẫn được trọng dụng mà kẻ sĩ còn mang tâm thế phủ nhận thực tại, hoài nhớ vua cũ như thế, huống hồ những gì mà người miền Nam phải trải qua và chịu đựng).
Thứ 2. Hòa giải hòa hợp về phương diện đồng bào, mà theo ông Lao Ta hướng tới, là văn chương.
Nói thẳng, nếu không có hòa giải ở cấp độ chính trị, thì hòa giải đồng bào chỉ là sự gặp gỡ của những dòng nước nhỏ như sợi chỉ, chưa biết khi nào mới hòa cùng đại dương. Như thế, sự hòa giải hòa hợp, nếu có, chỉ mang tính chất cá nhân với cá nhân, hoàn toàn không phải sự hòa hợp trên tinh thần đại chúng.
Giả dụ, văn chương thực sự mang tâm thế hòa hợp, có sức nhiệm màu để hòa hợp đi. Nhưng:
– Có bao nhiêu nhà văn, nhà thơ Việt Nam cách mạng biết đến và đọc tác phẩm văn chương VNCH? Có bao nhiêu người trong số đã đọc thừa nhận các tài năng văn chương VNCH? Đọc rồi có hiểu và đồng cảm? Có muốn tác phẩm của họ được phổ biến với độc giả trong nước? Hãy nhớ sự kiện Thi nhân Tô Thùy Yên qua đời mới đây ở Mỹ. Tại sao ông Hữu Thỉnh thay mặt Hội Văn nghệ Việt Nam đích thân viết thư mời nhà văn Phan Nhật Nam về nước để hòa giải mà không viết nổi một dòng ai điếu tưởng nhớ người viết cùng thế hệ vừa nằm xuống, dù chỉ là dòng thông báo thuần túy?
– Những sáng tác văn học để hòa giải và kết nối là sáng tác như thế nào? Người viết là ai? Có trong các hội VHNT không? Xin nói thẳng, cá nhân tôi rất khó tin những sáng tác của nhà văn hội đoàn lại có thể thực hiện được sứ mệnh này, bởi vì họ nằm trong khuôn khổ, bị đeo vòng kim cô, bị canh gác tư tưởng nên tác phẩm thường vô thưởng vô phạt, có viết gì thì cũng chỉ nhè nhẹ chứ không ai dám chỉ ra nguồn cơn của những hệ lụy. Cả một nền văn học cách mạng Việt Nam, vô cùng đồ sộ nếu tính khối lượng, trọng lượng, và hẳn nhiên, nó có chỗ đứng và giá trị riêng, nhưng có được bao nhiêu tác phẩm tải văn ra thế giới như Nỗi buồn chiến tranh? Đọc văn chương VNCH, văn chương Việt hải ngoại và văn thơ xuất bản trong nước, thấy rằng, dù văn quốc nội có viết rất sắc sảo, rất tỉnh táo, những vấn đề đưa ra trong tác phẩm đầy ắp hiện thực thì vẫn cứ có sự uốn lượn, từ câu từ đến tư tưởng để chui lọt của kiểm duyệt. Đặc biệt, tiểu thuyết trong nước, cái thiếu nhất tôi cảm nhận được, là sự chân thực. Chân thực tận cùng không có đâu. Không phải vì họ không có tài. Đâu phải vô cớ mà lưu truyền tập ngữ “Truyện Bắc, thơ Trung, báo Nam”. Mà họ như con chim bị trói cánh không dám hót lời chân thật nhỏ máu từ tim. Văn thơ VNCH và văn in ở hải ngoại, ngược lại, không phải sáng tác nào cũng hay, cũng đẹp nhưng ít nhất đọc lên có cảm giác rất tự do, phóng khoáng và chân thực.
Văn học quốc nội, nếu có thể làm một nhịp cầu hòa giải, thì may chăng, hi vọng vào nhà văn tự do, hoặc những tác phẩm in ngoài biên giới Việt Nam mới có thể thực hiện sứ mệnh. Bởi ít nhất, họ được tự do sáng tác hoặc không bị kẻ gác đền xén gọt thô bạo. Khi không bị nghị quyết, luật lệ ngăn trở, văn sĩ, thi sĩ mới dám viết tận cùng bản chất và người đọc được đọc những tác phẩm ra hồn, chứ không uốn éo vòng vèo. Song tiếc thay, số đó quá hiếm.
– Bao giờ thì văn chương hải ngoại được chính thức xuất hiện trên các nhà sách quốc nội? Tại sao muốn người ta mở lòng với mình mà mình thì đóng chặt cánh cửa? Những tác phẩm của nhà văn, nhà thơ hải ngoại chỉ đến được với số ít độc giả quốc nội bằng những bản điện tử. Không danh chính ngôn thuận thừa nhận nhau thì làm sao có sự hiểu biết qua lại một cách chân tình thiện chí?
Tôi từng được chứng kiến không ít tình bạn khác chiến tuyến mà văn chương đem lại. Quan sát từ xa mà xét, đó là những tình bạn đồng cảm về mặt con người, ở những cá nhân mang tư tưởng tự do và tâm hồn mã thượng. Nhưng để hòa hợp đúng nghĩa, không còn phân biệt bên này bên kia thì cần nhiều hơn thế, ở cấp cao hơn thế.
Người Việt vốn có căn tính tiểu nông, thích chia rẽ, chỉ cần họ có lý do để phân chia chiến tuyến. Họ chỉ đoàn kết thực sự khi có ngoại xâm ở vào thời kỳ mà mỗi quốc gia tồn tại độc lập chưa có hợp tác đa phương, bảo vệ độc lập dân tộc là nghĩa vụ sống còn, vì nước mất đồng nghĩa nhà tan và đối mặt nguy cơ diệt chủng, xét theo nghĩa đó thì vì nước cũng là vì nhà, vì cái chung để giữ cái riêng chứ thời nay thì cũng không dám chắc đâu. Mạnh ai nấy chạy. Đại gia thì di tản bằng tiền. Trí thức đi bằng trí tuệ. Vô sản thì chạy bằng thân xác miễn là ra khỏi xứ. Những người ở lại, bao người thực sự vì yêu nước? Bao người ở lại vì không có khả năng thoát thân? Cứ nhìn vào lực lượng thể hiện quan điểm trong chiến tranh thương mại Mỹ- Trung thì thấy rất rõ. Kẻ bênh Tàu người cổ vũ Mỹ. Số người tỉnh táo nhận thức vấn đề rất ít, quá ít, và đồ rằng, nếu có ngoại xâm thì cũng chia phe phái thế thôi. Ngay trong lực lượng cấp tiến nhất của xã hội, chung mục đích lý tưởng đã phân hóa sâu sắc, như mỗi chiếc đũa đều muốn tách ra chứng tỏ mình là cột cờ, nói gì tới những người khác ý thức hệ, khác nền giáo dục, khác tư duy, khác thể chế, một bên mang nặng mặc cảm thua cuộc và niềm kiêu hãnh ngấm ngầm về nền học thuật khai phóng, nhân văn được thụ hưởng, một bên vẫn tự cho mình thuộc về công lý, lẽ phải, tư duy nặng tính giáo điều, không ít trong số đó còn bị nhồi sọ và khắt khe tới mức hẹp hòi trong tiếp nhận thông tin.
Người Việt lại nhu nhược, bảo thủ, lười tư duy, ít phản biện, thích dẫn dắt và dễ bị dẫn dắt. Chỉ cần cho họ một tượng đài, một kẻ cầm cờ, và một chút roi vọt thì dắt đi đâu cũng đi. Nên khi một phía mặc định mình là bên thắng cuộc thì thành kiêu ngạo, tự cho mình quyền khinh miệt, truy đuổi đối phương tận cùng và dẫn dụ được đội ngũ đông đảo những kẻ thích gây chia rẽ, nhu nhược, bảo thủ, lười tư duy…. kia làm phát ngôn viên. Ở những đầu óc bệnh hoạn này, khái niệm hòa giải hòa hợp là chuyện nhảm nhí, nực cười. Mà họ lại chiếm số đông, ở mọi giai tầng trong xã hội.
Vì thế, tôi chẳng hi vọng nhiều vào chuyện văn chương kết nối tâm hồn dân tộc, một tâm hồn vỡ nát bởi những tháng năm dài li loạn, bị cư xử thô bạo bởi những kẻ tiểu nhân thiển cận ít học. Nó chỉ là chuyện cá nhân với cá nhân chứ để đạt tới tầm vóc quốc gia, văn chương làm sao gánh vác được khi nó là thân phận con rùa mang cái mai nặng nề có tên “Định hướng”. Văn học chân chính đi nữa, cũng chẳng nhiệm màu đến nỗi có thể làm thay đấng sáng thế, nếu trong lòng người còn những uẩn khúc, ngăn trở, hận thù… Lòng người, tình người chỉ có thể tái sinh khi mà đất nước này thoát thai thành một nước Việt Nam thống nhất từ giang sơn đến nhân tâm. “non nước chung màu cờ”. Màu cờ đó chẳng phải màu vàng hay màu đỏ.
Nguồn: FB Thảo Dân