Trong lại dòng xanh

(Rút từ facebook của Dạ Ngân)

Lần đầu tiên thực sự đi chùa đi đền thì đã 33 tuổi. Nghe như thể không phải người Việt, đúng không? Xin thưa, đã rất mê múa hầu đồng từ thời bé tí. Đã nghe bà nội ao ước một ngôi chùa một mái đình như quê gốc Cao Lãnh nhưng không thể, vì gia tộc đã dời đến tận cuối sông Hậu khỉ ho cò gáy ôm mộng nối dài miệt vườn. Đã thấy đêm đêm người bà thành kính sống áo tóc tai nghiêm trang bước ra bóng tối khấn nguyện thần phật mẹ độ mẹ sanh phù hộ độ trì cho bom thôi rơi đạn thôi nổ bá tánh an lành. Nhưng bà không chờ được đến hòa bình. Bà mất thì đã có má có cô lầm rầm khấn suông mỗi khi gặp chuyện. Chiến tranh kết thúc, dân chúng thở phào, ai cũng bận rộn, đinh ninh đời sống tâm linh sẽ được phục hồi. Nhưng cán bộ bọn mình thì phải nghiêm chỉnh vô thần, đi đình đi chùa, đi cúng đi bái… đều bị xem là phản lại lý tưởng cách mạng!
Hàng ngày đi làm ở thị xã tỉnh lẻ bé nhỏ hồi ấy, mình lướt qua đến mấy loại chùa. Một ngôi chùa của người Hoa viền trụ cổng bằng những mảnh sành sứ rất công phu giống kiểu viền của lăng vua Khải Định. Một ngôi chùa Khmer với lối kiến trúc độc đáo không lẫn vào đâu được. Và có đến hai ngôi chùa Việt thi thoảng ngày rằm ít vắng hơn, lui tới toàn những người không gần đất xa trời thì cũng là thường dân phố thị, một đô thị chưa kịp văn minh đã tan hoang vì các đợt cải tạo tư thương và làn sóng vượt biên “bỏ của chạy lấy người”.
Không dám bước vào những nơi được liệt vào cụm từ “tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng nhân dân”, may sao người cô đã kịp ấn vào đầu mình những điều răn của Phật. Cán bộ của guồng máy thì phải nằm lòng “Phát huy quyền làm chủ tập thể, ba dòng thác ba ngọn cờ, nhất định tiến lên vô sản toàn thế giới”, ai lại đi thấm nhuần Mười bốn điều răn của Phật. Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung, quả vậy, riêng lời răn thứ 12 ấy thôi cũng đã khuyến khích mình tựa vào đó để hành động giữa ngổn ngang không có hòa giải hòa hợp.

Năm 1985 lần đầu ra Bắc. Đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nghèo khó ngự trị và cũng giăng mắc chùa đình khắp nơi để người dân thỏa ước trở lại với xác tín của tổ tiên ông bà. Nguyễn Quang Thân viết hẳn một danh sách phải đi: chùa Trấn Quốc, đền Trấn Vũ, phủ Tây Hồ, chùa Keo, chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Mía, chùa Tây Phương… Một thời khá dễ chịu, người vãn cảnh còn biết dọn mình hành lễ, các sư trì còn nhiều ánh từ bi, nhiều tượng cổ đẹp không nói nên lời và hòm công đức rất kín đáo. Anh đèo đi lăng quăng bằng xe đạp cốt tìm ra một ngôi chùa bất kỳ khuất nẻo “để em biết cửa Phật nguyên thủy thì như thế nào”. Chùa Rừng, còn nhớ đó là chùa Rừng dù chung quanh vẫn là đồng bằng Bắc bộ ruộng mật bờ xôi đất ít người đông. Chùa được lập cho cư dân của mấy xóm, chỉ có mỗi tượng Như lai, không có vị La hán nào. Ngày rằm các bà các chị đưa oẳn đưa bánh nếp nhà làm và những nải chuối trong vườn đến cúng, khẽ khàng chuyện vãn, mời nhau miếng trầu trong khi chờ tàn nén nhang. Vậy mà nhớ mãi, ngôi chùa đơn sơ, nhỏ nhắn thanh tịnh, từ lòng người. Anh hẹn lần sau, những danh thắng mà ai là người Việt đều phải một lần hành hương để chiêm bái, gột rửa. Chúng ta gột rửa gì, rằng đã lỡ tay một thời đập phá, rằng đã bất cần thần Phật quá lâu, rằng đã làm ô trọc thế hệ con và cháu của chính mình? Có kịp không, có còn kịp không?
Yên Tử những năm đầu thập niên 90 ấy còn thâm nghiêm đúng mực. Áng phải hàng ngàn bậc đá rêu phong. Khách hành hương cần chuẩn bị tâm thế xứng đáng với nơi này. Giày bệt, xăng-đan, ba lô nhỏ, một nắm cơm và ít nhất một chai nước. Nhập vào nhóm của các cụ bà địa phương để thấy mình thật là bé nhỏ. Các cụ chỉ gậy trúc, cơm mo, khăn chéo, răng ám trầu và chao ơi, chân trần nữa hở cụ? Vâng, chân trần cho chắc chân chứ các cháu! Các cụ làm cho các chàng nàng đô hội không khỏi tự vấn. Đua với các cụ nổi không? Rừng Trúc, Đường Tùng rồi khu xá lỵ của Điếu Ngự Giác Hoàng. Dường như mấy mươi năm chiến tranh ở đây không bị bom rơi đạn nổ. Sau đó ai cũng tịnh nghèo nên di tích vẫn trong. Chùa Hoa Yên ở độ cao trên năm trăm thước, muốn lên đỉnh phù vân còn một chặng gần như vậy nữa. Người khỏe bám đá leo lên, ấn giày vào những gờ rễ cây để kéo tay người yếu. Có thế chứ, có như vậy mới biết Vua hiền đã chủ ý lấy cốt cách mà trị quốc và làm gương. Hẳn Trần Nhân Tông phải giày cỏ tự đi chứ không để ai kiệu ông lên. Sau này nhà Hậu Lê mới đặt Chùa Đồng, vì vậy, đây chỉ là nơi để phật hoàng tịnh tọa với cao xanh, với non sông gấm vóc. Râm ran nghe mấy vị khách áng là quan chức đi cầu xin hay thực địa, rằng sẽ có cáp treo cho Yên Tử để du khách dễ lên Chùa Đồng. Nguyễn Quang Thân bầm gan tím ruột, đùng đùng thề sẽ không trở lại Yên Tử nữa nếu ở đây có cáp treo.
Ngay sau đó “Mình phải đi Chùa Hương sớm kẻo họ vẽ rắn thêm chân thì mang bực về nhà!” Đã “lên đời” bằng chiếc Ba-bét-nhè ( Babetta) để đèo nhau. Đã có chèo kéo khách ở bến thuyền nhưng còn dè dặt. Thuyền nhẹ nhàng Suối Yến, lòng thênh thang niềm tri ân sâu sắc với người xưa. Níu nhau từng bậc thang lên Hương Tích và ngủ lại một đêm trong khí núi thanh tao. “Ai rau sắng không?”, đúng là hơn bắt được vàng. Cậu thanh niên chủ cái sạp mưu sinh mấy thứ nước uống nấu rau sắng với mì gói, có lẽ đó là bữa ăn hay nhất trần gian của em và anh. Lại qua đêm trong chiếc mùng trần ai chung với chủ sạp nữa, nghe tình người, hoẵng tác, nai khịt, sóc nhảy và sương rơi lộp độp. Thảo nào rau sắng ngon đến nhớ đời!
Tầm lục lạo rộng dần, Hải Phòng, Ninh Bình, Huế, Đà Lạt, Côn Đảo và cả quay lại Yên Tử khi ở đó khánh thành Thiền viện. Nhận diện một sự thật bất an, rằng rõ ràng các danh thắng ở phía Bắc đã bắt đầu không khí kinh doanh, xộc xệch và người hành hương cũng bắt đầu bon chen, xô bồ, cầu khấn thưc dụng. Không quên được một dãy hòm công đức gắn biển vàng chữ đỏ như thùng phiếu bầu trước gian tam bảo ở một ngôi chùa khả kính. Ở sân Đền Gióng là những cây quý mới trồng la liệt tên họ chức vụ các vị quan cao chức trọng (dĩ nhiên ban quản lý di tích phải chuẩn bị sẵn cây cho các vị đặt xuống). Bày vẽ đến thế là cùng! Sao không lo dựng lại người dựng lại văn hóa mà đi dựng cây khắp nơi để quay phim chụp ảnh truyên truyền? Rồi không biết từ lúc nào, Chùa Hương có cả nạn bày bán thịt thú rừng! Và phát ấn đền Trần, cướp phết, cả chém lợn cũng thành lễ hội. Cơ sự đã đến mức này rồi ư, tín ngưỡng, văn hóa và cả đạo đức nói chung đã lộn tùng phèo đến mức này ư?
Một lần đưa người bạn Việt kiều và vợ của anh ấy, một cô Mỹ chính cống đi Đền Hùng. “Đi để vợ em nó biết dân tộc mình có tới bốn ngàn năm văn hiến chứ đâu chỉ có mấy trăm năm như họ!” – lời của người bạn ấy. Nhưng Đền Hùng thế kỷ 21 đã thành nơi bóng bẩy hoành tráng, những bậc xi măng mới cứng, nhiều mái đền giả cổ và nhiều hòm công đức quá. Lại đi sang di tích Cổ Loa, chao ơi, có một người dấn ra hỏi có muốn tự tay cầm dùi đánh trống thiêng không, đánh thì đưa tiền đây đã! Tiền không là bao nhưng quá thể, không khỏi xấu hổ với cô dâu người Mỹ và chúng tôi đành ngân nga với nhau mấy câu của Tản Đà “Dân hai nhăm triệu ai người lớn. Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”. Ở Côn Đảo, Côn Đảo gần gũi, Côn Đảo linh thiêng. Đêm ở Hàng Dương thật kỳ lạ, có lẽ không đâu trên thế giới này nhiều oan hồn xào xạc trên cây trên đất trên cỏ như ở đó, ban đêm. Thế nhưng đêm đêm ở Hàng Dương không còn vẻ tĩnh lặng uy nghi như trước nữa, chỉ vì quá nhiều người từ Hà Nội từ Sài Gòn bay ra để khấn cầu chị Sáu cho họ tiền tài và danh vọng. Họ bay ra, bằng phương tiện liên lạc hiện đại, một đội ngũ hậu cần ngoài đảo sắp sẵn cỗ cúng, họ đứng xếp hàng nhang chạm vào lưng nhau cấp rấp khấn khứa, hóa vàng, chia lộc, ngay hôm sau bay về!
Giờ thì rất nhiều quan tướng về hưu đi xây chùa, đi mở Thiền viện và xây đền xây đài. Không vì chuyện họ làm mà dân chúng trật tự, tịnh tâm, thành kính. Mùi tiền sặc sụa ở những nơi đáng ra phải dung dị, thanh tao và cả minh bạch. Chúng ta đã đi quá xa cái gốc của ông cha. Nhưng không gì mạnh hơn văn hóa và bản sắc, rồi dân chúng sẽ tự sàng lọc, sẽ lập lại màu trong cho dòng chảy tâm linh kết nối với tiền nhân. Lại nhớ điều răn thứ 9 của Phật Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng, anh và em, tôi và chúng ta xin đừng tuyệt vọng, mỗi người một chút hãy làm cho đất nước này trong lại, thơm lại và nhờ thế, mà bền vững, âu vàng.

Comments are closed.