Trần Đức Thảo (1993)
Nguyễn Hoài Vân dịch từ Pháp Văn
Phần II
Aristote đã định nghĩa thời gian như con số của sự chuyển động từ trước đến sau. Tức là cái giây lát (1) thể hiện bởi con số này, qua kim đồng hồ, chính là ranh giới ngăn cách quá khứ với tương lai. Đồng thời nó cũng nối kết quá khứ với tương lai vì qua nó, quá khứ và tương lai tiếp cận nhau. Sự tiếp cận này mang tính thụ động, khiến giây lát bị thu hẹp thành một điểm và trở nên bất động. Tính cách tự nó bất động của giây lát như thế khiến cho sự chuyển động của sự vật trở nên khó hiểu, vì sự chuyển động ấy phải lần lượt trùng hợp với vô số tư thế cũng hoàn toàn bất động. Điều chắc chắn là một « điểm » cần được hình dung như một cái gì trừu tượng, không thật, chỉ dùng cho việc tính toán. Nhưng khi định nghĩa giây lát như một điểm, người ta lẫn lộn hình ảnh trừu tượng với thực tế. Và đồng thời loại bỏ sự trở thành (vì muốn có « trở thành », phải có chuyển động – NHV).
Xem phần I: Vì một Luận lý Hình thức và Biện chứng
Phải đợi đến đầu thế kỷ 20, sự phát triển của phương pháp hiện tượng luận, trong giai đoạn thứ ba của công trình sáng tạo của Husserl, mới cho phép tiến vào vấn đề hội nhập thời gian trong Hiện Tại Sinh Động. Từ đó, người ta vượt qua được các vấn nạn nêu lên bởi Aristote, để vạch rõ tính biện chứng của giây lát trong chính nó.
Sự thực là quan điểm của Husserl về Hiện Tại sinh động chỉ giới hạn trong lãnh vực chủ quan của kinh nghiệm thuần túy. Tuy nhiên chúng ta có thể xét lại phần chính yếu của quan điểm ấy, và thêm vào đó những khai triển và thay đổi cần thiết, để xây dựng một luận lý biện chứng thể hiện vận động của toàn thể sự hội nhập thời gian, hay nói cách khác, một luận lý tổng quát của hiện hữu trong tiến trình chuyển động và trở thành của nó, cả trên phương diện chủ quan lẫn khách quan.
Một luận lý như thế có thể mở đường cho cái công tác mà Husserl, trong tập Krysis (Khủng Hoảng), đã chuyển giao cho hậu thế. Mục đích của công tác này là kiến tạo một quan niệm thực sự phổ quát về khoa học tự nhiên, về sử học, xã hội học và khoa học nhân văn, khả dĩ cho phép đạt đến một sự hiểu biết thực sự thuần lý về những vấn đề liên quan đến con người và các giá trị của con người, được lồng trong sự phức biến đa dạng, toàn diện và biện chứng, của dòng lịch sử nhân loại.
Chúng ta có thể mô tả Hiện Tại sinh động bằng cách quan sát hoàn cảnh của hiện trạng Lúc Này, và vạch ra tính tồn đọng (của quá khứ – NHV) bên trong giây lát hiện tại, cùng với sự chuyển trôi của cái Lúc Này ấy do áp lực hướng đến tương lai. Từ đó, chúng ta có thể vẽ ra một « sơ đồ hội nhập thời gian » như sau :
Sự nối tiếp của thời gian luôn bao hàm trong chiều sâu của nó một sự lắng đọng từ trên xuống, vận hành như được lưu trữ từ dưới lên.
Sự lưu trữ R (rétention) đến từ các lắng đọng S (sédiment), ở giây lát I (instant), gắn liền với lúc này M (maintenant) trong giây lát I ấy (= RM).
Hiện hữu vẫn có mặt trong sự lưu trữ R, qua liên hệ với hoàn cảnh của lúc này M, hàm chứa một áp lực hướng đến tương lai P (protention).
Chúng ta đặt trong cùng một ngoặc đơn sự lắng đọng R với lúc này M : (RM), để cho thấy rằng phạm trù R kế thừa từ quá khứ, vẫn còn hiện hữu, khi nó trôi chảy vào lúc này M, để hợp nhất với M, vì trong cái lúc này ấy, nó vẫn có mặt . Thế rồi chính lúc này M, mang trong nó sự lắng đọng từ quá khứ R vẫn còn có mặt, lại trôi chảy vào tương lai sắp đến, do áp lực hướng đến tương lai P (áp lực « hướng tiền » – NHV).
« Cái Hiện Tại luôn trôi chảy, chính là Hiện Tại của động lực chuyển trôi, để vừa trôi chảy vừa đến với sự trôi chảy. Người ta ý thức « lúc này », đồng thời với sự liên tục giữa những gì đã qua với chân trời sống động của tương lai, được phác họa trong áp lực hướng tiền. Sự « đồng thời » ấy mang ý nghĩa một « đồng thời » luôn chuyển trôi » (Husserl, C2I – 1932-1933 – dẫn bởi Trần Đức Thảo – Phénoménoogie et Matérialisme dialectique, tr. 143 – Note).
Cúng ta có thể nhận ra rằng « lúc này M », được biểu tượng bằng một đường thẳng đứng đi qua điểm M, bao hàm trong thực tế toàn bộ hiện trạng của thế giới (vì tất cả những gì hiện hữu đều trôi chảy vào nó – NHV).
Và chính trong sự đồng thời liên hệ với hiện trạng của thế giới mà cái di sản lắng đọng từ quá khứ được trộn lẫn với lúc này, để chịu sự lôi kéo của tương lai sắp đến, qua áp lực hướng tiền.
Lý thuyết cổ điển về thời gian chỉ quan niệm sự chuyển trôi đơn giản như xảy ra trên một đường thẳng. Điều này cho phép định nghĩa thời gian theo toán học, qua sự đo lường bằng đồng hồ, như con số của sự chuyển động từ trước đến sau.
Kết quả là giây lát hiện tại, vì chỉ được nhìn như giới hạn giữa sau và trước, nên bị thu hẹp một cách trừu tượng thành một điểm bất động. Với cách nhìn này, người ta không hình dung được sự chuyển động và trở thành, và càng gặp khó khăn hơn khi phải quan niệm một cách cụ thể dòng lịch sử với ý nghĩa thiết thực của nó. Thời gian bị rút gọn thành chiều kích thứ tư (cùng với ba chiều – NHV) của không gian. Đó chính là trở lại với cách nhìn trừu tượng về quan hệ nhân quả, xóa bỏ tính phong phú trong các tương quan thực tế, với những phương thức tương tác đa dạng, những hệ thống nhân quả phức biến (2).
Chỉ với quan niệm Hiện Tại Sinh Động, bao hàm thực tế cụ thể, và xem thực tế ấy như căn bản được lấy làm chủ thể, người ta mới có thể nhận ra rằng thời gian hình thành từ chính cái cội nguồn Hiện Tại ấy, với ba chiều kíchluôn tương tác với nhau một cách biện chứng :
– chiều dài của bản thân sự chảy trôi,
– chiều sâu của sự lắng đọng tồn trữ,
– và chiều kích diễn tả tính đồng thời trong tương quan với hiện trạng của thế giới (yếu tố « môi trường, hoàn cảnh » nói trong chú thích 2 – NHV)
Cần nhận xét là hiện trạng thế giới bao gồm nhiều tầng lớp được cấu thành trong lịch sử, chồng chất lên nhau một cách hệ thống.
Khám phá Hiện Tại Sinh Động của Husserl với ba chiều kích hội nhập thời gian như vừa nói, dẫn đến công tác hiện đại hóa phương pháp tư duy một cách triệt để qua sự hình thành của một luận lý học mới, Luận Lý Hội Nhập Thời Gian trong Hiện Tại Sinh Động, hay Luận Lý Hiện Tại Sinh Động. Điều này cho phép hình dung những giải đáp cụ thể, một cách vừa lý thuyết vừa thực dụng, cho một số vấn nạn nền tảng của truyền thống triết học, như : sự tổng quát, đặc thù và cá biệt, tất yếu và ngẫu nhiên, tính trung gian, sự tự phủ định và phủ định của phủ định, sự mâu thuẫn, bản thể và hiện hữu, hiện hữu tự thân, hiện hữu vị tha, hiện hữu vị kỷ (3), đại lượng, tỷ lượng và vô lượng, nô lệ và tự do.
Giữa di sản của quá khứ được trực tiếp cảm nhận , và áp lực hướng đến tương lai sắp xuất hiện, có một sự đối nghịch nền tảng. Đó chính là mâu thuẫn nội tại của thực tế, hiện diện trong mỗi giây lát, một mâu thuẫn luôn bao hàm tính thống nhất đồng thời với sự đối kháng giữa các mặt đối lập của nó.
Sự thống nhất của các mặt đối lập tồn đọng và hướng tiền cho thấy hiện thực của giây lát trong tính đồng nhất của sự hiện hữu của nó, như công thức luận lý trực tiếp : « Cái gì hiện hữu, thì hiện hữu »
Đồng thời, sự đối kháng giữa các mặt đối lập kia, tức giữa tương lai xắp xảy đến qua áp lực hướng tiền, với quá khứ còn tồn đọng, làm cho cái hiện thực ấy chìm trong lưu chuyển dẫn đến tan biến, như được biểu hiện qua công thức luận lý được trung gian hóa :
« Cái gì hiện hữu thì hiện hữu,
và đồng thời nó hiện hữu và không hiện hữu, vì nó không còn hiện hữu »
Sự biến mất của Lúc Này vào quá khứ được thể hiện qua công thức phủ định trực tiếp của luận lý hội nhập thời gian : « Cái gì không hiện hữu, thì không hiện hữu ».
Tuy nhiên, khi biến đi thì quá khứ vẫn duy trì sự tồn đọng của nó, được thể hiện qua công thức của luận lý biện chứng được trung gian hóa
« Cái gì không hiện hữu thì không hiện hữu
và đồng thời, qua hình dáng của cái không còn hiện hữu nữa, nó vẫn hiện hữu »
Sự tồn đọng này hoàn tất chuyển biến bên trong giây lát hiện tại, khẳng định thực tế của giây lát ấy qua sự hiện hữu đã kiện toàn của nó, như được thể hiện qua công thức luận lý trực tiếp tổng quát : « Một sự hiện hữu chỉ có thể hoặc là A hoặc không A, không có giải pháp thứ ba »
Đồng thời, sự kiện toàn của chuyển biến bên trong giây lát hiện tại I, với sự tồn đọng đã nói, thực hiện tiến trình bước sang giây lát kế tiếp I1. Điều này thể hiện qua công thức biện chứng tổng quát được trung gian hóa, như sau :
« Một sự hiện hữu chỉ có thể là A hoặc không A
và đồng thời, qua hình dáng đã hiện hữu của tương lai đang hiện lên, nó vừa là chính nó vừa là cái khác ».
Sự kiện là chính nó và là cái khác, trong chuyển động nội tại của giây lát I, diễn đạt việc bước sang giây lát I1.
Tóm lại, trong vận động nội tại của giây lát hiện tại có một sự chuyển biến song hành : giây lát là giây lát của chuyển biến từ quá khứ còn tồn tại, và chuyển biến đến tương lai sắp xuất hiện, từ tồn đọng đến hướng tiền. Kết quả của tiến trình ấy là sự chảy trôi từ giây lát hiện tại đến giây lát kế tiếp.
Thật vậy, sự lắng đọng của giây lát I trong chuyển động « trôi chảy, chảy đi, và đến với sự chảy đi » tạo nên sự tồn đọng « r » của chính nó, trong sự chảy đi của lúc này M với lực hướng tiền P, khiến cho sự tồn đọng ấy trở thành tương lai sắp xảy ra, trong và dưới ảnh hưởng của lực hướng tiền P. Sự sắp xảy ra của tương lai được nhìn như sự nảy sinh cụ thể của tương lai ấy, chính là sự kiện toàn của giây lát hiện tại I, đưa nó sang giây lát kế tiếp I1.
Đến giây lát I1, sự tồn đọng « r » của giây lát trước đó được giải thoát để nối kết với hoàn cảnh mới, và trở thành lúc này M1 trong giây lát I1.
Sự chuyển biến từ mỗi giây lát hiện tại I sang giây lát kế tiếp I1, qua sự vận động nội tại của chính giây lát I, chính là sự kiện toàn của tiến trình « trôi chảy, chảy đi, và đến với sự chảy đi », để sự chuyển biến được kiện toàn ấy tự nó trôi chảy từ một giây lát sang giây lát sau đó.
Như thế, sự vận động nội tại của mỗi giây lát hiện ra như một khoảng thời gian. Và những khoảng thời gian không ngừng trôi chảy từ cái này sang cái kia, chính là Dòng Thời Gian.
28/12/1992.
20/01/1993
Lý thuyết Hiện tại sinh động như lý thuyết của cá tính
Trong suốt truyền thống ba ngàn năm tư duy khoa học, người ta quan niệm đối tượng của nghiên cứu như một hệ thống tương quan giữa những sự vật. Tức là các sự vật chỉ được biết đến qua tương quan giữa chúng với nhau, khiến cho mỗi sự vật tự nó được định nghĩa như giao điểm của vô số tương quan mà nó có thể có. Nói cách khác, sự hiện hữu của sự vật ấy được biết đến như sự thu hẹp vào một trung tâm giữa các tương quan, cụ thể là bị trừu tượng hóa thành một điểm.
Đây chính là vấn nạn mà Aristote đã nêu lên qua câu nói vẫn còn giá trị cho đến ngày nay, rằng : « Chỉ có khoa học trong tổng quát, chỉ có hiện hữu trong cá biệt » (4).
Người ta có thể tạo nên những liên hệ rất tế nhị giữa khoa học nói chung và những ngành khoa học, hay nói cách khác, đặc thù hóa sự tổng quát. Nhưng cái đặc thù ấy vẫn còn tổng quát đối với sự cá biệt. Nó sẽ không bao giờ trở thành cá biệt.
Thật ra, khoa học có thể đạt đến hiện hữu qua kỹ thuật. Tuy nhiên, một cách cụ thể, khoa học chỉ đạt được đến hiện hữu ở một số điểm gặp gỡ. Nó không thể nắm bắt hiện hữu tự thân, tức hiện hữu cá biệt, hay cá tính của cái hiện hữu cá biệt ấy (4).
Tóm lại, triết lý khoa học, toán học và khoa học thực nghiệm, trong suốt ba ngàn năm phát triển, đã đem lại cho loài người những thành quả lớn lao trong việc làm chủ thiên nhiên, trong khi chính con người là một hiện hữu thuộc về thiên nhiên. Nhưng loài người đã không tiến được bước nào trong việc giải đáp bài toán đặt ra bởi sự hiện hữu cá biệt, và bởi vấn đề cá tính của sự hiện hữu ấy, vì nó đã bị đơn giản hóa thành một điểm, qua việc lượng tính các tương quan.
Đến thời đại tân tiến, chủ nghĩa phê phán đã thần thánh hóa phát biểu của Aristote, cho rằng : sự hiểu biết chỉ có khả năng nắm bắt những hiện tượng được xác định bởi tương quan giữa các hình thái của cảm thọ và lý trí. Hiểu biết không thể đạt đến sự vật tự nó, sự vật tự thân.
Nhược điểm ấy được bù đắp bởi các chủ nghĩa lãng mạn và hiện sinh, với cái giá phải trả là khước từ khoa học và suy tư thuần lý.
*
* * *
Mãi đến giữa những biến động của thế kỷ 20, triết lý của Husserl mới vượt qua được những giới hạn của chủ nghĩa phê phán (cho rằng hiểu biết không thể đạt đến sự vật tự thân – NHV), với luận lý hình thức và tiên nghiệm (5). Rồi, trong thập niên 1930, triết học này đi sâu vào những phân tích nền tảng về Hiện Tại Sinh Động, được hướng dẫn bởi thuyết Nhân Bản và sử quan thực tế, qua tập Krysis (Khủng Hoảng).
Thực tại sinh động chủ yếu là cá tính cụ thể, đặc thù, của hiện hữu, được cấu thành vào mỗi giây lát qua sự hội nhập thời gian, tức trong sự vận động nội tại của giây lát ấy, hay sự trở thành nội thân của nó, để tự nó kiện toàn sự chuyển dịch của mình sang giây lát kế tiếp.
Một thí dụ biện chứng nội tại của Hiện Tại Sinh Động có thể được nhìn thấy qua sự hội nhập thời gian trong sinh học.
Vào mỗi giây lát, cá thể sinh học (6) xuất hiện như một hệ thống chức năng kế thừa quá khứ, với những gì lắng đọng từ quá khứ ấy, nhưng vẫn còn hiện hữu qua sự tồn đọng, để kết hợp với hiện trạng của lúc này.
Hệ thống chức năng sinh học tồn đọng trong hiện trạng của lúc này, đồng thời liên hệ với hoàn cảnh của cái lúc này ấy, tạo nên một sức ép trên sự chuyển hóa hoạt động của hệ thống chức năng kia, đưa nó hội nhập vào tương lai sắp xảy đến.
Sự đối kháng giữa chức năng tồn đọng và chức năng hướng đến tương lai, chính là mâu thuẫn nội tại của cá thể sinh học.
Mâu thuẫn này mang tính thống nhất trong sự đồng hóa (tức việc thu nhập các chất nuôi dưỡng được cá thể sinh học biến thành chính nó – NHV), để tái tạo cá thể sinh học trong sự hiện hữu vào lúc này của nó, khiến cho : nó là cái nó là, thể hiện công thức luận lý trực tiếp : điều gì hiện hữu thì hiện hữu.
Tính thống nhất của mâu thuẫn (giữa chức năng tồn đọng và chức năng hướng đến tương lai – NHV) đồng thời đi chung với sự đối kháng giữa các mâu thuẫn ấy, thể hiện bằng sự phân hủy và đào thải, đặt cá thể này trên con đường tan biến, khiến cho : nó hiện hữu và không hiện hữu, theo nghĩa nó không còn hiện hữu.
Tuy nhiên khi chuyển từ hiện hữu sang không hiện hữu, theo nghĩa không còn hiện hữu, chỉ một phần của cá thể sinh học biến đi, đó là chất liệu bị phân hủy và đào thải. Phần được tái tạo của nó vẫn tồn tại, qua sự đồng hóa. Phần được tái tạo ấy là cái cấu trúc của cá thể sinh học tuần tự lắng đọng theo nhịp tái tạo, trong dòng chảy của sinh hoạt của nó, từ lúc này hướng đến tương lai. Tức là : cá thể kia không còn hiện hữu, nhưng vẫn hiện hữu.
Sự lắng đọng tức thời, tái tạo cấu trúc sinh học qua sự đồng hóa, và biểu hiện như sự tồn đọng bên trong chức năng sinh học, được lưu truyền bởi chính sự chuyển trôi của nó. Đồng thời cái chức năng được tái tạo và vẫn còn hiện hữu ấy (« vẫn còn hiện hữu » vì vẫn giữ những đặc tính của nó – NHV), hiện lên như tương lai sắp xảy đến, trong đó sự trở thành của cá thể sinh học vào giây lát hiện tại, kiện toàn vận động « trôi chảy, chảy đi, và đến với sự chảy đi » trong nó, để chuyển sang giây lát kế tiếp.
Như thế, vận động nội tại của cá thể sinh học trong giây lát hiện tại, được định nghĩa như bước chuyển của chức năng tồn đọng trong hiện trạng lúc này, sang chức năng hướng đến tương lai, với sự đối kháng giữa « chức năng » và « vận hành » bên trong cá thể ấy. Sự thống nhất của mâu thuẫn bên trong này chính là khả năng đồng hóa. Và sự đối kháng giữa các mặt đối lập của nó, là phân hủy và đào thải.
Bước chuyển nội tại từ Tồn Đọng trong hoàn cảnh của Lúc Này, đến áp lực Hướng Tiền, được nhìn như khái niệm « Nisus », tức đà phóng ẩn tàng trong cá thể sinh động. Điều này hoàn tất với sự lắng đọng tức thời và sự tồn trữ trong cá thể ấy của công năng đồng hóa đang diễn ra, khiến cho cấu trúc chủ trì chức năng sinh học của nó được tái tạo. Cấu trúc được tái tạo và lập tức lắng đọng này hiện ra, qua sự tồn đọng trong nó, như chiều hướng sắp đến của tương lai, để biểu hiện bằng tương lai thực sự sắp hiện lên. Như thế, đà phóng nội tại, Nisus, chấm dứt bằng thôi thúc lao tới, hay Appetitus (Appetitus đến từ căn Ấn Âu « pete- » là « lao tới » – NHV). Trong Appetitus, cá thể sinh học kiện toàn sự vận động bao gồm « trôi chảy, chảy đi, và đến với sự chảy đi » trong giây lát hiện tại , để chuyển trôi vào giây lát kế tiếp.
*
* * *
Rõ ràng là trong toàn bộ sự hội nhập thời gian của cá thể sinh học, chúng ta đã giả định trước những dữ kiện từng được thu đạt bởi khoa học thực chứng. Những dữ kiện này định ra các khái niệm chức năng và cấu trúc sinh học, khái niệm chuyển hóa, vận hành, đồng hóa, phân hủy và đào thải, cùng với sự tái tạo của cấu trúc chức năng.
Cùng lúc, chúng ta đã hội nhập các dữ kiện thực chứng ấy trong sự vận động nội tại của cá thể ở giây lát hiện tại. Tức là : quá khứ được tồn trữ, sự hiện hữu trong lúc này, áp lực hướng tiền, thống nhất mâu thuẫn nội tại và đối kháng giữa các yếu tố đối nghịch, sự tái tạo của cá thể và sự lắng đọng lập tức của nó như sự tồn đọng nội thân, trong đó, việc tự nó trở thành được kiện toàn trong sự chuyển trôi sang giây lát tiếp theo. Nói cách khác, « biện chứng sinh học hội nhập thời gian » thu nạp các dữ kiện khoa học thực chứng, mang tính cách đơn thuần trí năng, rồi nâng chúng lên dạng thức cảm thông (7) để hiểu cá thể sinh học trong sự hiện hữu của nó. Cá thể ấy không còn bị đơn giản hóa, bởi trí năng phân tích thực chứng, như một tập hợp các tương quan bên ngoài nó, được tập trung vào một giao điểm trừu tượng. Cá tính hiện ra qua vận động nội tại, trong giây lát hiện thời, được kết thúc trong chính nó, bằng sự chuyển trôi vào giây lát kế tiếp.
*
* * *
Sự « hiểu biết cảm thông » (7) cho phép chúng ta nắm bắt tính đồng nhất cụ thể của một cá thể sinh học trong sự trở thành của nó ở giây lát hiện tại. Sự trở thành ấy tự chấm dứt và tự đổi mới bằng cách chuyển trôi từ chính nó sang giây lát kế tiếp. Như thế, sự lưu chuyển nội tại từ giây lát hiện tại đến giây lát tiếp theo, duy trì cái cá tính trong nó, suốt dòng thời gian (tức là duy trì những đặc tính đủ để người ta vẫn nhận ra « nó là nó » – NHV).
Sự hiện hữu của một cá tính có giới hạn, nhưng di sản của nó được truyền lại trong sự chuyển lưu đến các thế hệ sau. Như thế, trong sự vận động nội tại nhân lên nhiều lần của chúng, các cá thể sinh học liên tục chảy trôi, với những thời kỳ, chu kỳ, thời đại, để qua sự trở thành nội tại của chúng, cấu thành các hình thức sinh học phát triển (« nó là nó », nhưng cũng « không còn là nó », cho phép sự tiến hóa thành những sinh vật mới, phát triển hơn – NHV).
Trong sự phát triển nội thân của các cá thể sinh học như thế, sự xuất hiện của những hình thức mới mẻ làm cho khoa học thực chứng lúng túng. Lý do vì khi chỉ phân tích các tương quan ngoại tại, tập trung vào cá thể như một giao điểm trừu tượng, thay vì thông hiểu sự vận động nội thân của các cá thể hiện thực, thì, dù cho sự phân tích từ bên ngoài ấy có phong phú cách mấy, cũng không thể hiểu nổi tính sáng tạo của các cá thể này. Trước vấn đề đặt ra bởi thuyết tiến hóa, sinh học cơ giới tự phân ra thành rất nhiều trường phái, mà vẫn không cho thấy được là làm thế nào để liên kết các kết quả nghiên cứu của mỗi phương pháp, nếu tiếp tục đứng trên quan điểm thực chứng của sự phân tích ngoại tại.
Chỉ có sự « hiểu biết cảm thông » mới làm sáng tỏ sự phát triển nội thân trong tiến trình tiến hóa. Điều này càng đúng trong lãnh vực tiến hóa của hành vi. Sự phong phú của lãnh vực này, ngay từ khởi thủy của sinh vật đa bào, đã xây dựng nên tiền đề của sự vận động có xu hướng với tính đối kháng giữa vận động trương lực và vận động từng kỳ (sẽ được khai triển – NHV), trong đó người ta nhận ra, từ loài « ruột khoang » (Coelentéré), cáinguồn gốc sẽ cho ra ý thức nơi con người. Tuy nhiên, sự phong phú này lại bị thần kinh học cơ giới xóa nhòa và đơn thuần làm lẫn lộn với khái niệm phản xạ, được sơ lược hóa một cách trừu tượng.
21/2/1993
Nguồn: http://nguyen.hoai.van.pagesperso-orange.fr/