Mạc Văn Trang
Thú thực, chẳng muốn góp gì nữa, vì góp mãi rồi. Nản! Nhưng hôm qua GS Phạm Tất Dong gọi điện trao đổi, bảo: Nếu bây giờ khuyên Bộ trưởng Nhạ mấy điều thì ông khuyên gì? Vậy xin khuyên mấy điều:
1.Tìm ra cách tuyển chọn được những GV (giáo viên/giảng viên) tốt làm HT (hiệu trưởng) các trường từ Mầm non đến Đại học; đồng thời loại bỏ được những HT hư hỏng. Vì sao ư? Vì tất cả các hoạt động giáo dục đều cơ bản diễn ra tại nhà trường; tất cả kết quả giáo dục HS là do nhà trường. Nhà trường là “công xưởng” của nền giáo dục, quyết định sản phẩm giáo dục. Chất lượng, hiệu quả giáo dục không phụ thuộc vào trường to hay nhỏ, mà ở đó có đảm bảo các điều kiện tốt cho hoạt động giáo dục không? Bao nhiêu doanh nghiệp quốc doanh hoành tráng, được đầu tư không tiếc của, nhưng hầu như phá sản; trong khi đó nhiều doanh nghiệp nhỏ lại hiệu quả cao. Nhà trường cũng tương tự như vậy. Cái gì quyết định thành công? Người HT nhà trường. HT là linh hồn của nhà trường. HT là “Bộ trưởng tại chỗ” (Hồ Ngọc Đại). HT tốt – nhà trường tốt; HT hỏng – nhà trường hỏng!
HT tốt gắn liền với quyền tự chủ và dân chủ hóa nhà trường; phát huy tự do sáng tạo của GV, tận dụng được sự đóng góp đúng đắn của Hội cha mẹ HS để chấn chỉnh đội ngũ GV, nền nếp dạy – học trung thực; loại bỏ thi đua chạy theo các chỉ tiêu thành tích phi giáo dục, phản giáo dục… HT quản lý tập trung vào đổi mới cách dạy – cách học, làm cho việc học chân thật, nhẹ nhàng, thích thú, quan hệ thầy trò dân chủ, cởi mở; phát huy tính chủ động, tích cực, tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt, hướng HS vào những giá trị Chân – Thiện – Mỹ – Ích có tính nhân loại phổ quát.
2. Khi đã trao quyền tự chủ cho HT, cho nhà trường và quản lý theo “chính phủ điện tử”, thì XÓA BỎ CÁC PHÒNG GIÁO DỤC ĐI, bớt đi một cấp “chung chung, gian gian”, chuyên bày trò vô tích sự cho nhà trường và làm khổ GV. Bớt đi một cấp quan liêu chuyên bầy đặt các chỉ tiêu thi đua và kiểm soát bên ngoài quá trình giáo dục, gây căng thẳng, cản trở cho hoạt động của HT, của GV…
3. Vấn đề SGK (Sách giáo khoa) Bộ GD không nên ôm lấy rồi chìm ngập vào trong đó. Rồi Bộ có căng sức ra cũng không chống đỡ nổi búa rìu của dư luận xã hội. Chuyện làm SGK có quá nhiều vấn đề, nó lại gắn với Dự án nhiều ngàn tỉ, nên rất nhạy cảm! Trước hết, tại sao không có nghiên cứu đánh giá SGK cũ một cách thật khách quan, cụ thể, xem cái gì được, cái gì cần thay; môn nào vẫn ổn, chỉ điều chỉnh chút ít… Tại sao lại thay rụp phát toàn hệ thống từ A đến Z? Lý lẽ chưa thật thuyết phục.
Thứ hai là, Bộ chỉ nên đưa ra yêu cầu, các tiêu chí, còn việc biên soạn nên giao vài ba nhóm chuyên gia độc lập, trình bầy các phương án và họ vừa biên soạn vừa bồi dưỡng GV dạy; môn nào đáp ứng yêu cầu thì cho áp dụng trước; môn nào chưa đáp ứng yêu cầu, bỏ, thay bằng sách của nhóm khác. Không nhất thiết phải “đồng loạt, cuốn chiếu” (cách này làm mấy lần không hiệu quả rồi). Cần thay đổi tư duy giáo dục cho rằng, cứ vạch ra một ma trận: môn 1, môn 2, môn 3, môn 4…môn n; rồi bài a,b,c,d,e…z; và cứ “lùa” HS đi qua cái ma trận đó, sẽ thành mẫu người như nhà giáo dục/ xã hội mong muốn. Còn nhớ ông Tố Hữu từng tuyên bố: Mỹ có tên lửa 4 tầng, ta cũng có tên lửa 4 tầng; đó là Đội Nhi đồng, Đội Thiếu niên, Đoàn Thanh niên và tổ chức Đảng; Con người được đào luyện qua 4 tầng “lò luyện” đó, sẽ trở thành “con người mới XHCN” – có sức mạnh vô địch!… Bây giờ mọi người đều thấy, những con người được đào luyện qua 4 tầng đó đã trở thành những “con người mới XHCN” như thế nào? Vì vậy trong giáo dục cần tránh ảo tưởng, rằng con cái mình sẽ trở thành mẫu người này, mẫu người kia…Giáo dục thực chất là có sứ mệnh, tổ chức sự trưởng thành của thể hệ trẻ của dân tộc; hướng dẫn cho trẻ biết tự học, tự giáo dục, tự rèn luyện để phát triển theo khả năng của mình, trưởng thành trong những điều kiện của mình, sẽ chẳng ai giống ai khi gia nhập vào đời sống xã hội.
SGK chỉ là vật liệu để GV tổ chức, hướng dẫn việc học của HS một cách hiệu quả, giúp các em tự nhận thấy từng bước trưởng thành. Người làm SGK cần 2 điều kiện: Một là biết chọn những vật liệu giàu giá trị đích thực, sắp sếp theo logic phát triển, hợp với HS; hai là biết hướng dẫn GV ngay trong SGK, cách tổ chức việc học của HS một cách hiệu quả. Vậy thôi!
4. Bộ cần tập trung vào ra soát toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân, chỉ ra những lỗi hệ thống, những u bướu thừa, cần cắt bỏ; những khâu yếu, thiếu cần chấn chỉnh cho toàn hệ thống tinh giản, vận hành trơn tru, hiệu quả. Đặc biệt phải có chính sách giúp cho những vùng giáo dục yếu kém, vươn lên; giải quyết chỗ học cho trẻ em những vùng di dân…
– Bộ cần kiên trì tập trung xây dựng đội ngũ HT các trường thật tốt, tìm ra cơ chế đánh giá, thải loại người thoái hóa, bất cập. HT phải ra HT – một nhà giáo dục! Và do đó cần có chế độ tương xứng.
– Có cơ chế chính sách kiên định, phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng mạng lưới các GV giỏi ở các tỉnh để làm nòng cốt cho việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục. Xem lại cách thi GV giỏi hiện nay, thay bằng cách bình chọn, đánh giá thực tế của tập thể GV và những bài viết về kinh nghiệm giáo dục, ảnh hưởng của GV đó với đồng nghiệp… để công nhận. Các HT tốt cùng với đội ngũ GV giỏi này sẽ là các chuyên gia tin cậy nhất của Bộ.
– Có chính sách cải thiện điều kiện sống, làm việc của GV, nhất là GV vùng khó khăn. Người GV không đủ sống bằng nghề, phải bươn chải làm nghề khác để sống, hoặc “ăn vào HS”, thì nền GD chưa tử tế được!
– Các cơ sở nghiên cứu và đào tạo sau đại học, cần ổn định lâu dài, mới hy vọng đào tạo ra những chuyên gia giáo dục đích thực. Bởi vì muốn thành chuyên gia trong lĩnh vực khoa học giáo dục, sau tốt nghiệp đại học, ít ra phải chuyên tâm vừa nghiên cứu, vừa vận dụng, tổng kết, học hỏi quốc tế, viết sách, báo… mất chừng 15 – 20 năm. Tức là mới thành chuyên gia về Tâm lý học giáo dục, Tư vấn học đường; nhà Kinh tế học giáo dục, nhà Xã hội học giáo dục; nhà Sư phạm học; Chuyên gia về giáo dục dân tộc thiểu số, chuyên gia về làm Chương trình, SGK; chuyên gia về Quản lý giáo dục; chuyên gia về Giáo dục thể chất, Giáo dục âm nhạc, nghệ thuật v.v… Thế mà không hiểu sao, mấy đời Bộ trưởng gần đây, ông nào lên cũng nhập, tách mấy cái Viện, bây giờ gom lại thành Viện KHGD Việt Nam, không có gì để nhập thêm nữa, nhưng cứ xáo trộn loạn cả lên! Các cơ sở nghiên cứu, nó đòi hỏi tương đối ổn định mới có truyền thống, có kế thừa thành hệ thống, thành trường phái khoa học được. Các cơ sở nghiên cứu, cứ mỗi nhiệm kỳ lại đảo lộn sắp xếp lại, sẽ chẳng có thành tựu khoa học gì đáng kể, chẳng tạo ra được các chuyên gia đích thực nào!
– Có một đề nghị nữa, Bộ nên bổ sung Luật Giáo dục là cho chế độ trẻ em học tại nhà, rồi đến kỳ thi thì tham gia thi. Nên mở một kênh cho những trẻ em khó/không có điều kiện đến trường, sẽ “tự học” tại nhà. Đây cũng là một thực nghiệm thú vị, làm cho giáo dục bớt khuôn mẫu, khô cứng, o ép mọi trẻ em!
5/5/2017
MVT
Nguồn: https://www.facebook.com/macvan.trang/posts/763625890472693