NHỮNG ĐIỀU MUỐN NÓI sau MỌI ĐIỀU TA CHƯA NÓI

Lê Học Lãnh Vân

Chiều thứ Tư hôm nay gia đình tôi coi MỌI ĐIỀU TA CHƯA NÓI, vở kịch mới nhất của sân khấu Hồng Hạc, đạo diễn Việt Linh, chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Pháp Marc Levy.

Nội dung chính của vở kịch xoay quanh mối quan hệ giữa người cha, Anthony Walsh, và cô con gái, Julia. Julia luôn oán hận cha vì cho rằng ông vừa bỏ bê cô vừa luôn theo dõi, kiểm soát và can thiệp vào những sự kiện quan trọng của cuộc đời cô. Trong bảy ngày sau cùng hai cha con có dịp cùng về những vùng đất kỷ niệm của gia đình, hai người mới hiểu rõ nhau hơn. Hóa ra ông Anthony Walsh thương vợ và thương con sâu sắc. Do nhiều lý do, trong đó có lý do Julia không thông cảm cha, ông khó gần gũi con, nhưng luôn theo dõi từng bước đi của con. Theo dõi với tấm lòng thương yêu, và can thiệp khi thấy con gần bên thất bại hay hiểm nguy. Trong bảy ngày đó, ông đã kịp sắp xếp cho con gái gặp lại người bạn trai Thomas của tình yêu đầu tiên, tình yêu đẹp mà trước đây ông ngăn cản.

Những lời tâm sự sau cùng với con trước khi ra đi vĩnh viễn khiến người xem cảm động vì lòng cha mẹ. Cha mẹ biết con có cuộc đời của con, tôn trọng cuộc đời riêng đó, nhưng cha mẹ nào đành lòng nhìn con đang đi vào thất bại, đi vào nguy hiểm? Sự can thiệp của cha mẹ là vì tấm lòng đó, con có hiểu không?

Còn tấm lòng Julia với cha mình thì sao? Sự oán hận cô dành cho cha phải chăng là mặt trái của tình yêu lớn? Tình yêu lớn đưa ra đòi hỏi lớn, khi không/chưa được đáp trả, người chưa đủ từng trải dễ chuyển tình yêu thành lòng oán hận. Sau bảy ngày bên nhau, khi ông Anthony Walsh thực sự vĩnh biệt Julia, cô mới biết mình sợ mất ông tới mức nào!

Tại sao ông Anthony Walsh chỉ còn sống đúng bảy ngày với Julia? Thực ra không phải ông sống mà là một robot mang hình hài ông, được trang bị “chatbot” để, sau khi được huấn luyện với những thói quen, kiến thức của ông Anthony Walsh thủa sinh tiền, có thể tương tác với người thân như chính ông Anthony Walsh tương tác. Robot này sống bằng nguồn năng lượng tự hủy sau đúng bảy ngày. Thật thú vị khi đến cuối vở kịch, người xem ngồi cạnh tôi còn hỏi vậy ông Anthony chính là robot, hay robot chỉ là trò ông đặt ra để có cơ hội tiếp cận với cô con gái yêu, người có quá nhiều thành kiến không tốt với ông?

Cho dù kết cuộc trong tiểu thuyết và trong kịch có khác nhau đôi chút, cách dựng tiểu thuyết, phim, kịch như vậy cho thấy tính sáng tạo cao độ theo sát các tiến bộ mới nhất của khoa học, kỹ thuật. Chúng ta nhớ rằng tác phẩm xuất hiện lần đầu tiên năm 2008, gần mười lăm năm trước khi ChatGPT ra đời! Cho nên ý tưởng này được xem là viễn tưởng.

Tôi nhớ tới những tiểu thuyết, vở kịch quanh quẩn với căn nhà, chiếc xe hơi, điện thoại di động hay thậm chí con trâu, giếng nước… Bối cảnh đó nếu nhằm nội dung về một thời đã qua thì không có gì đáng nói, nhưng nếu được xem là tất cả cuộc sống hiện đại thì có thể hiện tầm nhìn luẩn quẩn không?

Lời thoại của hai cha con cho thấy lòng yêu con sâu sắc và chu đáo của người cha Anthony. Không chỉ nhìn trước các diễn biến sắp tới của hoàn cảnh, ông còn nhìn thấu tấm lòng của người thân qua những biểu hiện tinh tế. Lời thoại khi hài hước trí tuệ, khi sâu lắng đều cho thấy kiến thức về tâm lý học, mỹ học, triết học…

Tôi nhớ tới những tiểu thuyết, vở kịch đầy sướt mướt kể lể, kêu gào than khóc, toe toét cười nói trong những tình huống rất và chỉ cần một ánh mắt lặng lẽ buồn đau… đầy những lời thuyết giảng ngô nghê về tổ quốc, quê hương, gia đình, giai cấp của cuối thế kỷ thứ mười chín trong khi độc giả, khán giả đợi chờ thảo luận những kiến thức đó của thập niên thứ ba thế kỷ hai mươi mốt!

Chủ đề chính của vở kịch là tấm lòng yêu thương và oán hận nhau giữa người thân trong gia đình. Khi người ta ý thức mình chỉ còn bên nhau một thời gian ngắn thôi, người ta mới thực sự muốn hiểu người thân hơn.

Hiểu rồi mới thấy hóa ra từng lời nói, từng hành động của người ấy chứa đầy tình yêu thương, sự chăm sóc.

Hóa ra nền tảng của lòng oán hận không vững chắc, chỉ là những hiểu biết hời hợt, cảm xúc vội vàng, đánh giá phiến diện…

Hóa ra nền tảng của lòng thương yêu bền vững hơn nhiều, cần dành thì giờ với nhau nhiều hơn để nói chuyện, giãi bày, để lắng nghe, gẫm suy, thấu hiểu, để có giải pháp cho yêu cầu của người thân và để người thân có giải pháp cho yêu cầu của mình. Để để tới khi không cần nói chuyện với nhau vẫn hiểu nhau, không cần bên nhau mà vẫn gần gũi yêu thương…

Hóa ra nền tảng của lòng thương yêu không chỉ cần bản năng mà cần những kiến thức học hỏi. Thiếu tâm lý học, xã hội học sao đoán được lòng người thân, người yêu, bạn bè, tâm lý xã hội để phán đoán, cảm nhận và ứng xử thích hợp? Một nền văn chương, văn học yếu ớt các mặt mỹ học, tâm lý học, triết học, nền văn chương ấy giúp gì trong việc nâng cao dân trí, tạo nền cho xã hội phát triển văn minh?

Bối cảnh thời gian của kịch bắt đầu từ cuối thập niên 1980, khi Đông Đức và Tây Đức chưa tái thống nhất. Thomas, tình yêu đầu tiên thắm thiết của Julia, tâm sự rằng đứng trên lầu nhà anh nhìn thấy biên giới. Câu nói đó khiến tôi tự hỏi phải chăng tác giả, qua câu chuyện của hai cha con, cũng muốn đề cập tới những bất đồng, giữa Đông Đức và Tây Đức, hai thực thể cùng là chủ nhân lãnh thổ Đức nhưng lại coi nhau như thế lực thù địch! Xa hơn nữa là đề cập tới các quốc gia từng lập khối ý thức hệ để cô lập lẫn nhau, các cuộc chiến từng xảy ra làm chậm đường phát triển của nhân loại như một loài sinh vật Homo sapiens chung, tất thảy những điều đó cũng do thiếu tương tác, hiểu biết hời hợt, cảm xúc vội vàng, đánh giá phiến diện? Giữa cha con không tranh giành quyền lợi mà còn oán hận nhau thì giữa những tập họp con người quyết tâm giành “lợi quyền qua tay mình”, cuộc “đấu tranh này” ắt hẳn trời long đất lở không từ thủ đoạn nào?

Nghĩ những điều như thế, không thể không nhớ tới cuộc chiến Nga – Ukraine đang tàn khốc, và cũng tưởng đến những cuộc chiến tàn khốc hơn có thể sẽ xảy ra, biết đâu liên quan tới khu vực hay trực tiếp tới nước?

Bà xã nói, thôi anh ơi, anh lên tưởng xa xôi quá, nội dung của kịch chỉ nói về câu chuyện trong gia đình thôi! Nãy giờ em khóc nhiều vì lòng cha sâu sắc thương con!

Ngày 14 tháng 2 năm 2023

Comments are closed.