Bà Tổ nghề gốm sứ Chu Đậu là một nhân vật ngụy tạo

Đặng Văn Sinh

clip_image002

Chiếc bình gốm hoa lam đang được lưu giữ tại bảo tàng Topkap Saray, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

1 – Từ những dòng chữ Hán trên chiếc bình gốm hoa lam

Gần đây Đoàn Chèo tỉnh Hải Dương công diễn diễn vở chèo “Kỳ nữ xứ Đông” trên sân khấu ngoài trời mà kịch bản lấy cảm hứng từ nhân vật phụ nữ “nổi tiếng” Bùi Thị Hý, được suy tôn là bà tổ của nghề gốm Chu Trang đã thất truyền từ hơn bốn trăm năm. Chu Trang ngày nay chính là làng Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách , tỉnh Hải Dương, từ lâu vốn chỉ được biết đến với nghề trồng cói dệt chiếu.

Nghề gốm Chu Đậu giờ có vẻ như đang dần phục hồi và, tất cả câu chuyện ly kỳ xung quanh “nhân vật huyền thoại” Bùi Thị Hý được thiên hạ vinh danh như một tài nữ thế kỷ XV lại bắt đầu bằng chiếc bình gốm hoa lam trưng bày ở bảo tàng Topkapi Saray, thành phố Istanbul nước Thổ Nhĩ Kỳ mãi vùng Trung Á. Chiếc bình gốm Chu Đậu (dân gian gọi là bình củ hành hay củ tỏi) này do một viên chức sứ quán Nhật tên là Makoto Anabuki phát hiện ra trong chuyến công du Tây Nam Á. Ông ta đọc được những dòng chữ Hán trên lạc khoản, đã có nhã ý gửi thư cho người đứng đầu tỉnh Hải Hưng lúc bấy giờ là ông Ngô Duy Đông. Và, câu chuyện ly kỳ đã xảy ra…

Trên chiếc bình gốm hoa lam (tức bình củ hành, củ tỏi) hiện đang được lưu giữ trong bảo tàng Topkapi Saray mà nhà ngoại giao Nhật Bản phát hiện ra từ những năm tám mươi của thế kỷ XX có ghi dòng chữ Hán:

大和八年南策州匠人裴氏戲筆
Phiên âm Hán Việt: “Thái Hòa bát niên Nam Sách châu tượng nhân Bùi thị, hý bút”. Chữ 大 (đại) trong dòng chữ Hán ở trên là chữ thông giả (通假字) của chữ 太 (thái) nên đọc là “thái”, không phải là “đại” (chữ thông giả 漢字的通用和假借 nghĩa là các ký tự Trung Quốc phổ biến và giả mạo).

Dịch nghĩa: Năm Thái Hòa thứ tám (1450 dương lịch), người thợ họ Bùi ở châu Nam Sách viết chơi.
Chữ Hán cổ trong các thư tịch bao gồm cả văn bia, minh văn, gia phả, chúc văn… không có dấu ngắt câu và không thể viết hoa các danh từ riêng và có cấu trúc ngữ pháp khá rắc rối. Người ít học hoặc học theo lối “cưỡi ngựa xem hoa” không nắm vững quy tắc diễn đạt câu văn, không am hiểu điển cố, rất dễ rơi vào tình trạng đọc không vỡ chữ, dịch sai văn bản dẫn đến hậu quả khôn lường.

Một vấn đề tưởng cũng cần phải nhắc lại nữa là, xã hội phong kiến Việt Nam từ cả ngàn năm qua, luôn lấy mô hình Trung Quốc làm khuôn mẫu; mà học thuyết Khổng Tử thì trọng nam khinh nữ. Thân phận người phụ nữ ngay cả cái tên thời con gái cũng ít khi được cộng đồng biết, nói gì đến chuyện học chữ “thánh hiền” rồi tự tay cầm bút ghi cả họ tên vào bình gốm “xuất khẩu”.

Trường hợp câu văn ở dòng lạc khoản trên chiếc bình cổ gốm hoa lam chỉ có một cách dịch duy nhất và chính xác nhất là “Năm Thái Hòa thứ tám (1450 dương lịch), người thợ họ Bùi ở châu Nam Sách viết chơi”, hay theo kiến giải của học giả An Chi là “nghịch bút”. Còn giả thuyết về cách đọc thứ hai do ông Tăng Bá Hoành “sáng tạo”: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, TƯỢNG NHÂN BÙI THỊ HÝ, BÚT” (Năm Thái Hòa thứ tám người thợ BÙI THỊ HÝ ở châu Nam Sách viết”, thì có hai khả năng xảy ra, hoặc là vì dốt nát không đọc nổi văn bản cổ, hoặc đây là một ý đồ có tính toán trong kế hoạch ngụy tạo bằng chứng giả để trục lợi sau này. Bởi lẽ, phải cho ra đời nhân vật huyền thoại Bùi Thị Hý thì mới có bằng chứng để gắn với những sản phẩm gốm vớt được từ con tàu đắm ngoài khơi vùng biển Cù Lao Chàm. Đồng thời đây cũng là điều kiện cần thiết cho cuộc hội thảo khoa học hoành tráng về tượng nhân BÙI THỊ HÝ tại xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc năm 2009 nhằm quảng bá cho vùng gốm Chu Đậu, Hải Dương.

Tuy vậy, sau hội thảo, không phải nhà khoa học nào cũng bị lừa một cách ngọt ngào bằng văn hóa phong bì và nghệ thuật tiếp đãi cực kỳ nồng hậu của chủ nhà hiếu khách. Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến, cựu Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nhận xét “Những tư liệu mang tính hư cấu chúng tôi không tin. Tự dạng đầy đủ được tra trong từ điển là ‘họ Bùi vẽ chơi’. Không thể ép lấy cái tượng trong tàu Cù Lao Chàm gán cho bà Bùi Thị Hý được”.

Từ “hý bút” (戲筆) nghĩa đen là “viết chơi”, “viết đùa”, nghĩa bóng là “viết một cách ngẫu hứng”. Đây cũng là phong cách phổ biến của những nghệ nhân dân gian mà ta thường bắt gặp trên sản phẩm gốm sứ ở mọi thời đại. Tại cuộc triển lãm nghệ thuật gốm sứ Trung Quốc (Trung Hoa dân quốc) năm 1936 ở London Anh Quốc, cũng có một chiếc bình gốm được làm ở châu Nam Sách với dòng lạc khoản chữ Hán, trong đó cũng có hai chữ “hý bút”. Nguyên văn như sau:
大和八年匠人南策州裝氏戲筆
Phiên âm Hán Việt: “Thái Hòa bát niên tượng nhân Nam Sách châu Trang thị hý bút”
Dịch nghĩa: Năm Thái Hòa thứ tám, người thợ họ Trang ở châu Nam Sách viết chơi. Tư liệu về chiếc bình Chu Đậu thứ hai này, học giả An Chi đã cung cấp rất chi tiết trong bài “Bùi Thị hý bút nghĩa là gì” đăng trên tạp chí “Năng lượng mới” số 498 như sau: ” Số là, ngoài chiếc bình ở Bảo tàng Topkapi Saray (Thổ Nhĩ Kỳ), ta được biết là còn có một chiếc bình khác thuộc dòng gốm Chu Đậu cũng nổi tiếng không kém, được trưng bày tại cuộc triển lãm về nghệ thuật của Trung Quốc ở London (Anh) năm 1936. Chiếc bình này được nhắc đến tại mục “5. Việt Nam đào từ” [5. 越南陶瓷], trang 251 trong quyển “Trung ngoại đào từ bưu phiếu” [中外陶瓷邮票] của Nhâm Mẫn Cương – Ngụy Thanh Mai [任敏剛;魏清梅] do Thiểm Tây khoa học kỹ thuật xuất bản xã ấn hành năm 2002(hết trích)

Như vậy là đã rõ. Không hề có một nữ tượng nhân Bùi Thị Hý nào đó như ông Tăng Bá Hoành đã cố tình gán ghép mà đó chỉ là những người thợ (nam nhân) thỉnh thoảng viết họ của mình vào bình gốm nhân lúc ngẫu hứng mà thôi. Về sự kiện này, trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia nhận xét như một kết luận có tính khoa học “Bùi Thị Hý là một người phụ nữ được ông Tăng Bá Hoành, nguyên trưởng ban Thông sử Tỉnh ủy Hải Hưng, nguyên giám đốc Bảo tàng Hải Dương, cho là cụ tổ của nghề gốm Chu Đậu. Đây là một nhân vật không có thật, bắt nguồn từ việc hiểu sai ý nghĩa của một dòng chữ Hán trên một chiếc bình gốm Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Hoành đã chứng minh cho sự tồn tại của bà Bùi Thị Hý bằng các tư liệu ngụy tạo.

2 – Đến phiến gạch nung khắc hình “tổ cô”

clip_image004

Phiến gạch nung khắc hình người được cho là bà tổ nghề gốm Bùi Thị Hý

Sau khi cố tình dịch sai những dòng chữ Hán viết trên chiếc bình gốm hoa lam đang được bảo tồn trong Viện Bảo tàng Topkapi Saray ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ông Tăng Bá Hoành cùng các cộng sự, được sự hỗ trợ nhiệt tình của một số quan chức vai vế tỉnh Hải Dương bắt đầu chiến dịch truy tìm nhân vật Bùi Thị Hý. Nhưng khốn nỗi, làm gì có mà tìm? Sau một thời gian đắn đo, cân nhắc họ mới nghĩ ra hạ sách, cho dù có phải đào bới, lật tung các tầng đất hay cưỡng bức lịch sử cũng phải tạo ra cho được một Bùi Thị Hý bằng xương bằng thịt, giống như trước đây đã từng hư cấu ra nữ tiến sĩ Hán học Nguyễn Thị Duệ làm vẻ vang cho nền văn hóa Xứ Đông

Thế là nhất hô bá ứng, hình như có sự phù trợ của âm hồn người nữ tượng nhân, chỉ sau một thời gian ngắn, hàng loạt những “tư liệu quý” dồn dập đổ về bằng nhiều kênh khác nhau mà nguồn hiện vật quý nhất do chính tay ông Bùi Văn Lợi ở thôn Quang Tiền (thời Hậu Lê gọi là trang Quang Ánh), xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, trực tiếp giao cho ông Tăng Bá Hoành. Trước đấy ít lâu, cũng chính ông Lợi đã từng mang gia phả dòng họ Bùi đến nhờ ông Hoành thẩm định.
Theo mô tả của hai phóng viên bảo Tuổi Trẻ Thái Lộc và Trần Mai, thì, “trong nhà có rất nhiều gốm hoa lam phế phẩm. Ông Lợi đưa ra hai viên gạch cỡ lớn, trên có khắc hình, được ông Hoành giới thiệu là hình nhân của cụ tổ Bùi Thị Hý và danh tướng Bùi Quốc Hưng – một trong 18 người tham gia hội thề Lũng Nhai mà sử sách ghi lại.

Hình khắc chìm trên viên gạch có nét tương tự với bức tượng gốm tìm thấy trong con tàu đắm Cù Lao Chàm, được ông Hoành khẳng định: “Đây là cơ sở gốc để chứng minh bức tượng tàu Cù Lao Chàm là của cụ tổ nghề gốm Bùi Thị Hý!”.

Vật chứng tiếp theo là một cái mâm đồng cháy sém một phần, ông cho biết đó là “văn bia mộ chí của bà Bùi Thị Hý, được sao từ bia đá vào năm 1932”.
Ngoài ra còn có một vật gốm khác dài chừng 50cm, cũng có khắc chữ Bùi Thị Hý… Dẫn chúng tôi đến ngôi chùa làng “Viên Quang tự”, ông chỉ vào cột trúc đài cổ bằng đá thời Lê dựng trước chùa có ghi chữ “Bùi Thị Húy Hý” (báo điện tử Tuổi Trẻ ra ngày 28 tháng 1 năm 2016).

Thế nhưng, chuyện chưa dừng lại ở cuốn gia phả họ Bùi vốn rất đáng ngờ, chiếc mâm đồng có những dòng chữ Hán cháy sém một cách cố ý, những đống phế liệu gốm hoa lam được di dời từ nơi khác về nhà ông Bùi Văn Lợi, hay cột trúc đài cổ bằng đá có ghi danh Bùi Thị Hý với thứ chữ mới viết thêm vào theo vết lồi lõm do phong hóa ở chùa Viên Quang… Những sản phẩm ngụy tạo này, sẽ bàn đến trong một dịp khác. Trong phạm vi bài này, mục đích của chúng tôi là vạch trần sự giả dối của ông Tăng Bá Hoành, người được coi là nhà sử học Hải Dương, từng làm giám đốc Bảo tàng tỉnh, đã cố tình ngụy tạo bức chân dụng “cụ tổ nghề gốm” Bùi Thị Hý trên phiến gạch nung và sự thật về những dòng chữ Hán viết trên đó như thế nào.

Tượng hình bà Bùi Thị Hý và danh tướng thời Lê Bùi Quốc Hưng được khắc chìm trên hai phiến gạch cỡ lớn đang được bảo quản tại nhà ông Bùi Văn Lợi. Theo ông Lợi (đương nhiên là do ông Hoành tư vấn), thì bản khắc này “có nét tương tự với bức tượng gốm tìm thấy trong con tàu đắm ở Cù Lao Chàm”, từ đó có thể khẳng định đây chính là cụ tổ nghề gốm Chu trang.

Tuyệt vời! Nhưng trước hết ta phải khảo sát những dòng chữ Hán viết trên phiến gạch màu đỏ nhạt, chiều dài 22 cm, chiều rộng 17,2 cm, hình nữ tượng nhân nghề gốm mà ông Cựu Trưởng ban Thông sử Tỉnh ủy Hải Hưng gọi là “minh văn” đã. Đó là một sản phẩm đất nung mà trên đó vẽ bôi bác hình một phụ nữ trong trang phục mớ ba mớ bảy chẳng khác gì loại áo quần của các bà đồng thời nay, hình dáng khá xấu giống như hý họa của tích chèo nào đó. Chỉ dựa vào bức ký họa thô sơ ấy mà bảo “có nét tượng tự với pho tượng gốm tìm thấy trong con tàu đắm ở Cù Lao Chàm” thì tôi xin bái phục ông Tăng Bá Hoành có đầu óc tưởng tượng của người ngoài hành tinh. Nhưng chuyện ấy cũng không mấy quan trọng, quan trọng là 27 chữ Hán mà ông bịa tạc để lừa thiên hạ kia. Nó đây:
古像形祖姑號望月元是主十餘庄坊陶磁瓶大亂化像畫來傳後也
Phiên âm: Cổ tượng hình tổ cô, hiệu Vọng Nguyệt, nguyên thị chủ thập dư trang phường đào từ bình, đại loạn hóa tượng họa lai truyền hậu dã
Dịch Nghĩa: (lời dịch chắc là của tác giả Tăng Bá Hoành): Hình tượng cổ tổ cô tên hiệu là Vọng Nguyệt, nguyên là chủ trên mười trang phường gốm. Do đại loạn tượng phải hóa (hủy đi) mất, vẽ lại để truyền cho đời sau.

Xin nói ngay, đây là một đoạn văn bất thông, sai nghiêm trọng cả về cách dùng từ lẫn cấu trúc ngữ pháp. Tôi phỏng đoán, người viết chỉ nhận mặt được khoảng vài trăm chữ, thậm chí đọc lõm bõm, không đủ trình độ tra cứu các sách công cụ như “Hán điển”, “Hán ngữ từ điển” hay “Từ nguyên”, “Từ hải” để tìm được chữ thích hợp, tránh chuyện “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, bởi tất cả các sách này đều bằng chữ Hán trung đại (hoặc Trung văn). Tin tôi đi, ông Tăng Bá Hoành nhìn vào những cuốn sách này khác gì nhìn vào bức vách(?!).
Trước hết là từ 祖姑 (tổ cô). Người đảm nhận cương vị bà Tổ cô phải thỏa mãn hai điều kiện, một là chưa lấy chồng, bị chết khi còn trẻ, có khi chỉ vài tháng tuổi, và hai là, vong linh dưới cõi âm tu tập theo đạo Mẫu hoặc đạo Phật. Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ là bà Tổ cô không theo đạo nào, có người còn bị giam dưới địa ngục. Trong khi ấy bà Bùi Thị Hý đã có đến hai đời chồng mà lại không chết trẻ, vậy làm sao có thể trở thành bà Tổ cô?

Thứ hai là, tại sao lại dùng từ 古像形 (cổ tượng hình)? Thời điểm vẽ chân dung bà chủ phường gốm là đồng thời hoặc sau khi đương sự chết ít lâu, vì thế nó chỉ “cổ” với thời nay, còn lúc ấy không thể là “cổ”. Chữ “cổ” là rất thừa, không hợp văn cảnh.
Thứ ba là hai chữ 元是 (nguyên thị). Chỉ riêng hai chữ này vô hình chung đã chỉ ra sự dốt nát của người viết. Chắc chắn không có từ 元是(nguyên thị). Đây là sự lắp ghép vô tội vạ hai từ Hán Việt theo cấu trúc từ loại hiện đại với hàm ý “vốn là…” hoặc “nguyên là…”. Nhưng hại thay, ngay cả chữ “nguyên” trong tổ hợp “nguyên thị” cũng sai be bét. Cực chẳng đã, nếu buộc phải chấp nhận “nguyên thị” thì phải dùng chữ原(nguyên) mới đúng.

Cụm từ 陶磁瓶 (đào từ bình) cũng có chuyện cần phải bàn. 陶磁 (đào từ) là gốm sứ (lẽ ra phải dùng chữ 瓷 của thời trung đại mới đúng), còn 瓶 (bình) là danh từ chỉ các loại chai, lọ. Hóa ra, sản phẩm của phường gốm Chu Trang chỉ là chai lọ, còn các đồ gia dụng khác như bát, đĩa, âu, chum vại thì không làm? Vì thế ở phần này chỉ cần viết “đào từ phường” là trọn nghĩa. Chưa hết, các thư tịch cổ người ta không viết 大亂 (đại loạn) mà thường dùng 亂世 (loạn thế), còn từ 化 (hóa) thì hoàn toàn của ngôn ngữ thời @ được hiểu như là hóa vàng mã hay hay hình nhân thế mạng.
Về cấu trúc ngữ pháp, một đoạn văn chỉ có 27 chữ nhưng vừa đọc lên tôi đã phải phì cười vì sự ngây ngô, liều lĩnh của người viết bởi trật tự mẹo luật bị đảo ngược theo lối hành văn chữ Quốc ngữ. Và chính bởi đây là sản phẩm ngụy tạo, người “sáng tác” không am hiểu cách viết văn bản chữ Hán trung đại nên dẫn đến một sản phẩm bát nháo, nửa dơi nửa chuột, không thể nào dịch thoát nghĩa trừ người bịa ra nó. Ví dụ, văn ngôn không ai viết “Cổ tượng hình tổ cô” mà phải viết “Tổ cô cổ tượng hình”. Tương tự, không ai viết “nguyên thị chủ thập dư trang phường đào từ bình” mà phải là “đào từ bình phường thập dư trang chi chủ” v.v…

Vẫn 27 chữ, viết đúng trật tự ngữ pháp và dùng từ loại hợp lý sẽ là:
鄧夫人裴氏號望月像形,陶瓷坊十餘庄之主,世毀,重繪以傳後也
Phiên âm: Đặng phu nhân Bùi thị, hiệu Vọng Nguyệt tượng hình, đào từ phường thập dư trang chi chủ, loạn thế hủy, trùng hội dĩ truyền hậu dã
Dịch nghĩa: Hình của vợ ông họ Đặng là bà Bùi thị, tên hiệu Vọng Nguyệt (ngắm trăng), là chủ phường gốm hơn chục làng, thời loạn tượng bị hủy, vẽ lại để truyền cho đời sau.

Với những dẫn chứng và kiến giải ở trên, một lần nữa ta có thể khẳng định, Bùi Thị Hý là nhân vật hư cấu của ông Tăng Bá Hoành. Cũng vì sự hư cấu bất chấp sự thật lịch sử này, mà tỉnh Hải Dương tốn khá khiều công sức và tiền bạc, mở các cuộc hội thảo với tham vọng quảng bá cho Gốm Chu Đậu, một xí nghiệp được truyền thông địa phương quảng cáo khá rùm beng nhưng giờ đây đang đứng trước tình trạng làm ăn thất bát vì sản phẩm không cạnh tranh được với gốm Bát Tràng. Vậy sự thực gốm Chu Đậu có phải của người Chu Đậu, chúng tôi sẽ trình bày trong loạt bài tiếp theo.

3- Và vở chèo “Kỳ nữ xứ Đông” trên sân kháu thành phố

clip_image006

Chiếc la bàn bằng đá được cho là của

bà Bùi Thị Hý dùng để đi biển

clip_image008

Tấm bản đồ da dệ đang được lưu giữ tại nhà ông Phí Văn Chiến ở Mỹ Đình, Hà Nội

Như hai bài trước chúng tôi đã chỉ ra, Bùi Thị Hý chỉ là nhân vật lịch sử tưởng tượng của ông Tăng Bá Hoành hoàn toàn với mục đích trục lợi.

Từ khi con tàu đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm được khai quật đến nay, cũng đã có một số bài viết đăng tải trên một vài tờ báo chính thống cũng như báo mạng “lề trái” lật tẩy trò ngụy tạo này, nhưng chẳng hiểu vì sao Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, trong đó có nhiều chuyên gia gốm sứ, cũng như các nhà quản lý chuyên ngành vẫn không có biện pháp xử lý dứt khoát.

Chính vì thái độ lừng chừng của giới chuyên môn nên vụ việc gian lận ngày càng được đẩy đi xa hơn, khi mà nhân vật Bùi Thị Hý được xã hội đương đại tôn vinh như bà tổ của nghề gốm sứ Việt Nam thông qua các loại hình nghệ thuật như thơ, văn và đặc biệt là kịch. Chẳng phải là vô tình mà mới đây, trên sân khấu ngoài trời thành phố Hải Dương, người ta cho công diến vở chèo “Kỳ nữ xứ Đông”. Sau đó VTV1 cũng nhanh tay đưa lên màn ảnh nhỏ nhằm cố xúy cho hình ảnh một kiều nữ đẹp như tiên, tên tuổi nổi như sóng cồn bởi nghề đi biển từ thế kỷ XV. Cứ với đà này, tôi dám chắc, chẳng bao lâu nữa nhà nước Việt Nam sẽ làm hồ sơ đề nghị tổ chức UNESCO công nhận Bùi Thị Hý là danh nhân… hàng hải có tài chinh phục Thái Bình Dương (!?).

Từ việc khai quật trầm tích gốm nơi con tàu cổ dưới lòng biển Cù Lao Chàm thu được 240.000 hiện vật (theo thông báo chủ yếu là gốm Chu Đậu), ông Tăng Bá Hoành đã vội kết luận, thế kỷ XV, ở vùng Hải Dương đã có những làng nghề chuyên sản xuất gốm cao cấp xuất khẩu. Sự kiện trọng đại quá. Vinh quang này hẳn là thuộc về người xứ Đông. Vậy là, Chu Đậu nghiễm nhiên trở thành ĐIỂM NÓNG. Từ điểm nóng này, những kẻ cơ hội, háo danh và sẵn có cánh mũi thính hơi đồng, bắt đầu bài binh bố trận, thiết lập các mối quan hệ, xâu chuối các sự kiện để biến Chu Đậu thành thủ phủ gốm sứ Việt Nam, thậm chí Đông Nam Á để thỏa mãn thói quen cái gì cũng phải nhất thiên hạ mới chịu.

Có được Bùi Thị Hý rồi, việc tiếp theo là phải nhờ đồng chí “Thạch Hầu” dùng 72 phép thần thông biến người đàn bà hư cấu thành hậu duệ của danh tướng Bùi Quốc Hưng qua công nghệ lắp ghép hai địa danh Quang Ánh và Chu Nhẫm (Chu Đậu) cách xa nhau mấy chục cây số với đầy đủ các chứng cứ bịa tạc như thật. Nào là, Bùi Thị Hý văn võ song toàn, từng giả trai (giống như Nguyễn Thị Duệ) đi thi Hội đỗ tam trường (chúng tôi phỏng đoán, vì đã chót tự phong cho một bà phi thời nhà Mạc lên hàng tiến sĩ bất chấp tên tuổi các ông nghè đã được ghi trong “Đăng khoa lục”, bị thiên hạ đàm tiếu, lần này “học giả” họ Tăng chỉ dám để Bùi Thị Hý ở cấp độ “tam trường”. “Tam trường” thì chẳng sợ bố con thằng nào lục vấn). Nào là Bùi Thị Hý học được nghề gốm do ông nội đem về, bèn mở xưởng, sản xuất, sau đó đóng thuyền vượt đại dương, mang gốm Xứ Đông bán khắp thế giới. Thần kỳ hơn nữa, Bùi Thị Hý còn là nhà hàng hải dạn dày kinh nghiệm đi biển, tự tay lái tàu, vật chứng là chiếc la bàn bằng đá mà nhà phù thủy Tăng Bá Hoành, chẳng biết moi ở đâu ra, nhưng nói chắc như đinh đóng cột rằng đích thực của “kỳ nữ xứ Đông” họ Bùi.

Chưa hết. theo ông Tăng Bá Hoành, người từng có tham vọng “làm tiến sĩ” về gốm Chu Đậu như một động thái ăn theo nhân vật hư cấu Bùi Thị Hý, thì cách chứng minh tốt nhất về nhân thân “cụ tổ nghề gốm” là khảo cổ. Thế là “Vừng ơi! Mở cửa”. Cần thứ gì, lập tức như có phép mầu, thứ ấy “hiện ra” trong các hố khai quật. Tuy nhiên với cách khai quật hầu như bí mật, chỉ một số người được biết, hơn nữa, dấu tích hiện trường đã bị xóa, liệu có thuyết phục được các nhà chuyên môn?

Câu chuyện ông Bùi Văn Lợi từ thôn Quang Tiền, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc mang gia phả đến nhờ ông Hoành thẩm định liệu có phải là tình cờ? Phiến gạch nung khắc chìm chân dung Bùi Thị Hý với những dòng chữ Hán sai be bét liệu có niên đại mấy năm? Chiếc “châm bàn chu hải khứ Bùi Thị Hý” dùng để đi biển với cấu trúc ngữ pháp lộn tùng phèo được chế tác từ xưởng đá Kinh Môn hay Đông Triều? Hơn nữa, nhà nghiên cứu Đặng Văn Lộc còn phát hiện một chi tiết đáng ngờ trên chiếc la bàn là, thời trung đại không có chữ 东 (đông). Chữ 东 chỉ xuất hiện vào thời điểm sau năm 1956 khi mà Mao Trạch Đông ký sắc lệnh cho toàn dân Trung Quốc phải dùng hơn một nghìn chữ giản thể thay cho chữ phồn thể khó viết và khó nhớ. Đúng là giấu đầu hở đuôi. Ông Hoành hãy lục tìm trong tất cả các bộ từ điển chữ Hán trước năm 1956 xem có không?

Một người sống cách đây 5 thế kỷ mà sao còn lại lắm thông tin như vậy, trong khi trên thực tế, các bi ký, gia phả các dòng họ ghi chép nhiều lắm là đến cuối Lê đầu Nguyễn. Gia phả chi tiết đến mức khó tin. Ấy là bà Hý có đến hai đời chồng kèm theo danh tính hẳn hoi. Tuy nhiên, cuốn gia phả ấy, theo Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, chuyên gia hàng đầu về gia phả, nhận xét “thể thức của gia phả khá lạ, không như thường thấy ở những nơi khác. Cách viết và dùng từ trên các văn bản không như các văn bản thường thấy cùng thời, một số chữ trong đó ghi theo lối của thời nay” (“Tuổi Trẻ”, Giải mã gốm Chu Đậu, kỳ 4: “Bùi Thị Hý bút”, Thái Lộc – Trần Mai)

Cái gọi là phế phẩm gốm hoa lam ở xã Đồng Quang liệu có phải được lấy lên từ các hố khai quật hay mang từ nơi khác về nên khi phóng viên hỏi thì dân làng trả lời lạnh lùng “Đến nhà ông Lợi mà hỏi”.

Chuyên đề “Bùi Thị Hý” còn được mở rộng biên độ đến dòng họ Phí ở Mỹ Đình, Hà Nội với tấm bản đồ da dê được cho là từ thời Lê do ông Phía Văn Chiến đang bảo quản, bởi theo ông Tăng Bá Hoành thì, họ Bùi làng Quang Tiền chính là họ Phí được đổi sang dưới triều nhà Trần. Tuy nhiên các phóng viên bảo Tuổi Trẻ không được phép tiếp cận vì nó “là tối mật liên quan đến nhiều chuyện!”.

Cùng với cuốn gia phả, dòng họ Bùi, thôn Quang Tiền còn lưu giữ những hiện vật “vô giá” liên quan đến “cụ tổ nghề gốm” mà ông Tăng Bá Hoành cũng chính là người giám định. Đó là chiếc “mâm đồng cháy sém một phần, là văn bia mộ chí của bà Bùi Thị Hý, được sao chép từ bia đá vào năm 1932”. Khoan hãy nói đến chiếc mâm đồng mà tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến cho rằng “có niên đại rất muộn”, vậy tấm mộ chí đâu? Thông thường bia đá dễ bảo quản hơn gia phả, chỉ cần trưng tấm bia cổ ấy ra là mọi sự hoài nghi đền tan biến. Lại còn chuyện thanh “Vọng Nguyệt bảo kiếm” tìm được từ trong mộ Bùi Thị Hý từng gây tranh cãi cho các nhà khảo cổ nữa.

Nhà gia phả học Trần Đại Vinh nhận xét: “Tuy thế cứ cho rằng đúng đi nữa thì vẫn có hàng chữ… “đáng ngờ” là “Vọng Nguyệt Bảo kiếm”… Quả tình tôi chưa hiểu đây nghĩa là bà Hý có thanh “Bảo kiếm” hay chỉ là để “yểm”? Nếu bà có cả “Bảo kiếm” thì lại quả thật là lạ thưòng! Đúc kiếm vốn chẳng phải là mặt mạnh của truyền thống trọng văn khinh võ Việt Nam. Có đào được mộ của các quan võ cũng chẳng thấy “bảo kiếm” nào chôn kèm. Còn nếu ta ra phố đồ cổ nghe tán là thanh kiếm này nọ là của ông cha là quan võ để lại từ mấy trăm năm thì nên cầm chắc là ta sẽ mua phải đồ giả mới làm… năm ngoái! Tóm lại , tôi thấy trong việc này , có quá nhiều bằng chứng, quá nhiều chi tiết hơn “bình thường” để có thể yên tâm mà tin được.

Và tôi cũng xin đề nghị viện Bảo tàng trước khi mang những di vật này vào nên giám định kỹ về niên đại”.

Hai “di vật” quan trọng nữa cũng cần được nhắc đến là tượng con rồng và cột trúc đài ở chùa Viên Quang đều được ghi tên bằng chữ Hán như một minh chứng khẳng định có một Bùi Thị Hý nổi tiếng ở thế kỷ XV về nghề làm gốm và đi biển. Thế nhưng, trên mình con rồng (hoặc con nghê) đã để lại dòng chữ khiến người đọc đặt dấu hỏi nghi ngờ “Quang Thuận NHẤT NIÊN, Quang Ánh Trang, Bùi Thị Hý tạo”.

Về dòng chữ này, vẫn nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh nhận xét: “Quang Thuận là niên hiệu đầu tiên thời vua Lê Thánh Tông, Quang Thuận nhất niên là năm 1460. Năm bà Hý 40 tuổi. Khổ nỗi! Vấn đề là người xưa không dùng “nhất niên” cho năm đầu tiên của niên hiệu! Chỉ từ năm thứ hai trở đi mới đếm là nhị niên, tam niên v.v. Năm đầu người ta dùng chữ “nguyên niên” hay “sơ”.

Thí dụ “Chính Hoà Nguyên niên”: năm Chính Hòa thứ nhất. “Quang Trung sơ”: Quang Trung năm thứ nhất. Trên các đồ gốm hoặc người ta chỉ viết niên hiệu để chỉ cả thời gian đó như “Vĩnh Thịnh niên” hay “Vĩnh Thịnh niên chế”. Hoặc để viết năm rõ hơn thì như khá nhiều gốm thời nhà Lê/Mạc, người ta viết chẳng hạn như: “Hưng Trị nhị niên”: Hưng Trị năm thứ hai, “Vĩnh Tộ vạn vạn niên chi tứ”: Vĩnh Tộ năm thứ tư. Riêng năm đầu niên hiệu như ở một chân đèn thời nhà Mạc thì ghi:

Diên Thành vạn vạn niên chi SƠ tam nguyệt tam thập nhật” (tức 30/3 năm Diên Thành năm thứ nhất (1578))”. Cách viết “Quang Thuận nhất niên” ĐỂ LỘ KHẢ NĂNG LÀ NGƯỜI ĐỜI NAY VIẾT DO KHÔNG NẮM PHONG CÁCH CỔ” (Nguồn: https://dzjao.wordpress.com/2010/03/03/co-dung-la-mo-ba-bui-thi-hy-to-nghe-gom-chu-dau-hay-mot-vu-dan-dung-5/).

Từ những ý kiến phản biện và luận chứng dựa trên sự phân tích khoa học của tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến và nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh mà chúng tôi trích dẫn ở trên, ta có thể kết luận, Bùi Thị Hý là một nhân vật hư cấu trăm phần trăm của “học giả” Tăng Bá Hoành. Bà không phải là “Kỳ nữ xứ Đông” như tác giả vở chèo mang phong cách “sến” ngộ nhân. Đó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của một đầu óc hoang tưởng…

Chí Linh, ngày lập Hạ năm Mậu Tuất

Đ.V.S.

Comments are closed.