Dương Đình Giao
Cô bé học lớp 3, con một gia đình khá giả. Ở lớp, cô giáo ra bài về nhà làm. Đầu bài là: Em hãy trực tiếp làm một công việc gì đó giúp mẹ lau dọn nhà cửa. Sau đó, em hãy kể lại việc mình đã làm và nói lên suy nghĩ của mình.
Là một học trò ngoan (hầu hết, các cháu học tiểu học đều rất ngoan), cô bé đã nói với người giúp việc cho cô được lau nhà. Tất nhiên, công việc không đơn giản với một bé mới 8 tuổi. Nhưng cô cũng đã hoàn thành (mặc dù chưa hoàn toàn vừa ý). Trong bài làm, cô đã kể lại chân thực công việc. Sau đó, phần nói lên suy nghĩ, cô bé viết đại ý: sau khi lau nhà xong, em thấy rất mệt, hai tay mỏi rời, quần áo lấm bê bết. Em thấy mình phải cố gắng học tập giỏi để sau này không phải đi làm người giúp việc gia đình suốt ngày phải làm những công việc nặng nhọc như thế.
Sau khi nộp bài mấy ngày, một buổi chiều, trong bữa cơm, cô bé không được vui vẻ như mọi ngày. Cô kể lại chuyện và giải thích với bố mẹ:
– Cô giáo bảo con về nhà viết lại, không được viết như thế vì thế là thể hiện thái độ lười biếng, ngại lao động chân tay. Bây giờ con phải viết thế nào ạ?
Sau khi nói mấy lời an ủi con, người mẹ gợi ý:
– Con có thể viết: lau nhà xong, em mới thấy thương mẹ em hơn vì hàng ngày, mẹ em vẫn phải làm những công việc như thế.
– Nhưng con có thấy mẹ lau nhà bao giờ đâu ạ? Toàn cô giúp việc làm đấy chứ!
Người bố từ đầu chưa nói câu gì, nay mới tham gia để “gỡ rối” cho người mẹ:
– Con không biết là viết văn, người ta phải hư cấu sao? Không nhất thiết phải có thực thì mới được viết. Truyện của các nhà văn mà con đọc đều như thế cả mà!
Một người bạn kể cho tôi nghe câu chuyện này và hỏi:
– Bác thấy thế nào?
Suy nghĩ một lát, tôi trả lời:
– Đây chỉ là một câu chuyện nhỏ, không có gì gay cấn, nhưng nó phản ánh đúng đắn một thực trạng của giáo dục Việt Nam hiện nay.
Dạy trẻ em nói dối, thậm chí buộc trẻ em nói dối, có thể nói là căn bệnh nặng nhất của nền giáo dục từ hơn nửa thế kỷ nay. Từ khi tới nhà trẻ, mẫu giáo, trẻ em nước ta đã được nghe và dạy nói dối. Cách nay gần bốn mươi năm, khi ăn cơm, thấy món đậu phụ kho với cà chua, con gái tôi đã chỉ vào đĩa nói: “Con không ăn thịt bò đâu”. Mẹ cháu ngạc nhiên hỏi:
– Đây là đậu phụ, sao con lại gọi là thịt bò?
Cháu khẳng định:
– Cô giáo bảo đây là thịt bò màu trắng.
Hóa ra hàng ngày, đi nhà trẻ liên cơ (nhà trẻ cho con cán bộ nhiều cơ quan), cô giáo đã dạy cho các cháu nhiều điều không phải là sự thật, chẳng biết với động cơ gì?
Lớn hơn, khi học tiểu học, các cháu đã được dạy làm văn không được viết những điều mình suy nghĩ, phải viết theo những tiêu chuẩn đạo đức mà cô giáo xác định: như lao động tất phải là vinh quang, chăm chỉ học tập để sau này nhất định chỉ để góp phần xây dựng đất nước, ngày nay được sống no đủ, hạnh phúc nên rất biết ơn đảng, bác (mặc dù chúng chẳng biết đó là những ai)…
Rồi càng lên lớp trên, học sinh càng được làm quen và trở nên thành thạo với những lời nói sai sự thật, những biểu hiện giả tạo. Cổng trường treo khẩu hiệu to tướng “Tất cả vì học sinh thân yêu”, nhưng “học sinh thân yêu” và cha mẹ chúng được coi là những con bò sữa để một năm học không biết có tới bao nhiêu lần “tự nguyện” đóng góp các khoản cho trường. Hàng năm, học sinh phải tới trường học từ đầu tháng 8 để nhà trường thu tiền, nhưng tới ngày 5 tháng 9, vẫn phải giả vờ nô nức chào đón năm học mới, trình diễn làm đẹp lòng các vị quan khách theo yêu cầu của các thầy cô. Năm học nào cũng có nhiều cuộc thi tìm hiểu mà trong đó, để làm bài dự thi đạt chỉ tiêu 100%, học sinh cả lớp ngồi chép một bài dự thi theo bản phô-tô-cop-pi do cấp trên đưa xuống. Thầy cô bằng mọi cách ép học trò học thêm nhưng cứ đến ngày 20 tháng 11, ngày Tết nguyên đán, học sinh phải nô nức tặng hoa, tặng quà cùng với bao lời ca ngợi công ơn của những người luôn được so sánh “như mẹ hiền”. Rồi, thầy cô luôn luôn nhắc nhở phải trung thực, nghiêm túc khi làm bài kiểm tra, khi thi cử, nhưng trước mỗi kỳ thi, các em được thông báo nộp tiền “chống trượt” để có người ném bài giải sẵn. Học trò mang phao thi rồi rải trắng sân trường sau khi buổi thi kết thúc, nhưng thầy Hiệu trưởng giải thích với báo chí đó là những tờ rơi của các trường đại học tự giới thiệu phát cho học sinh…
Nếu cứ kể thì nói mỏi miệng không hết chuyện gian dối trong nhà trường Việt Nam.
Cho nên không lấy làm lạ khi trong một điều tra gần đây, người ta công bố: số học sinh tiểu học nói dối là 20%, con số này gấp đôi, rồi gấp 3, gấp 4 lần lượt khi lên cấp THCS, THPT và đại học.
Có lẽ nói dối đã thành thói quen, không ý thức được rằng thế là nói dối nên lời khuyên của người mẹ, người bố của cháu bé trên kia cũng là kết quả họ được đào tạo gần hai chục năm trên ghế nhà trường và những năm tháng va chạm với môi trường sống và làm việc. Đúng là trong sáng tác văn học, nhà văn thường dùng hư cấu. Hư cấu là việc tạo ra (nói nôm na là “bịa”) những chi tiết để phục vụ cho việc trình bày một tư tưởng, cảm xúc. Hư cấu được trình bày những cái gì có thể xảy ra chứ không nhất thiết phải nói cái đã xảy ra. Nhưng người ta chỉ có thể hư cấu được chi tiết, cảnh vật, con người, sự việc, … cụ thể. Không ai hư cấu tư tưởng, tình cảm. Trong tác phẩm, nếu trình bày những tư tưởng tình cảm bịa đặt hay vay mượn của người khác, không phải là những tâm niệm, những khao khát cháy bỏng của mình, nhà văn đã làm việc dối trá, lừa người đọc. (Thật xót xa khi trong văn học Việt Nam ta không thiếu những trường hợp thế này). Tả việc lau nhà, cô bé có thể thêm thắt chi tiết để thể hiện sự vất vả, cũng có thể nói mẹ thỉnh thoảng có lau nhà, nhưng không thể nói thương mẹ vì mẹ phải lau nhà vất vả. Em rất thương mẹ bởi nhiều lý do chứ không cần phải bịa tạc ra cái lý do không có này.
12 năm được dạy nói điều giả dối trong nhà trường, lớn lên, mỗi người chúng ta quen nói sao cho đẹp lời, nói sao cho thể hiện lập trường quan điểm đúng đắn, nói sao cho vừa lòng người nghe, nhất là khi người nghe là cấp trên, là người có quyền sinh quyền sát với cuộc đời mình. … chứ không quen nói đúng suy nghĩ, với tình cảm xuất phát từ đáy lòng.
Hết thế hệ này tới thế hệ khác, hơn năm mươi năm qua, nền giáo dục của chúng ta đã liên tục cho ra đời những con người dối trá, luôn luôn “diễn”, diễn lời nói, diễn việc làm, dù đó chỉ là một việc nhỏ như trồng một cái cây, nói một vài lời trong những cuộc thăm viếng, … Báo chí, truyền hình, phát thanh hoạt động suốt ngày đêm, nhưng những điều đăng tải trên đó có bao nhiêu phần trăm là sự thật?
Tôi luôn cho rằng cái cần cải cách nhất trong giáo dục hiện nay không phải là chương trình, sách giáo khoa. Chương trình, sách giáo khoa có hay đến mấy nhưng vẫn dạy học sinh theo kiểu này thì kết quả chắc không có gì thay đổi so với hiện nay. Bộ Giáo dục khẳng định lần cải cách này sẽ chuyển mạnh từ dạy chữ sang dạy người. Lại coi lần này sẽ là một trận đánh lớn. Trong trận đánh ấy, nếu Quý Bộ định tiêu diệt sự dối trá thì đó là một đại hồng phúc cho không chỉ học sinh mà cho toàn thể nhân dân ta. Còn nếu không, chẳng lẽ chúng ta sẽ vẫn cứ dạy người như thế này sao?
Nguồn: http://onggiaolang.com/chang-le-van-cu-day-nguoi-nhu-the-nay/