Nên bỏ ý định thu hút ‘nhân tài’ về Việt Nam

Nguyễn Văn Tuấn

Có lẽ bạn đọc ngạc nhiên trước một cái tít mang tính báo chí đó, nhưng tôi đã suy nghĩ và đi đến kết luận trên. Tôi e rằng cách suy nghĩ kiểu tung tiền ra thì sẽ tìm người tài về Việt Nam là phi thực tế.

Báo VNexpress đi một loạt bài [1-3] về việc TpHCM ‘thu hút nhân tài’ (*) hé lộ vài chi tiết thú vị. Theo một bài báo [1], trong 5 năm TP HCM "chỉ thu hút 19 nhà khoa học về làm việc, nhưng sau đó 14 người rời đi, ba năm qua các đơn vị không tuyển được chuyên gia nào." Một bài khác cho biết một chuyên gia từ Canada về Việt Nam làm việc, nhưng đến tuổi 60 thì ông buộc phải… nghỉ hưu [2]. Ông cho biết sau này, TPHCM mời ông tham gia xét tuyển, nhưng ông từ chối nộp đơn, vì "Nếu cần đóng góp của chuyên gia, thành phố cần có lời mời và đối xử một cách trân trọng, chứ không phải ‘nộp đơn đây để tôi xét’."

Một bài khác có tựa đề rất độc: "Cách thu hút nhân tài của TP HCM bị cho là ‘trên trải thảm, dưới trải đinh‘."

Một bài báo trên Người lao động [4] tiết lộ thêm rằng trong 5 năm qua, "TP HCM chỉ thu hút 5 chuyên gia, nhà khoa học cho Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố." Nhưng trong số này chỉ có 1 người kí hợp đồng. Bài báo còn cho biết "kinh phí đã chi trả cho chuyên gia đã ký hợp đồng theo quy định của Nghị quyết số 20 đến nay là hơn 170 triệu đồng."

Tại sao chương trình đó không thành công? Tại vì, theo bài báo [3] cho biết do "chính sách mới và chưa có nhiều mô hình hay để tham khảo, học hỏi." Nói cách khác, lí do chánh là không biết cách làm.

Tôi nghĩ cách giải thích đó không thuyết phục.

Trong thực tế là đã có nhiều mô hình thu hút nhân tài để tham khảo. Và, mô hình đó chẳng đâu xa mà chính là từ… Trung Quốc. Trung Quốc thật ra có hơn 200 chương trình để thu hút nhân tài từ phương Tây, bất kể quốc tịch gì. Họ có hàng trăm trạm phát hiện và chiêu dụ nhân tài đang hoạt động ở các nước phương Tây. Một trong những chương trình đó có tên là "Thousand Talents Plan" (Dự án Ngàn Nhân Tài), với mục tiêu chánh là kéo người tài ở nước ngoài (bất kể quốc tịch) về các đại học Trung Quốc.

Theo một báo cáo của Mĩ, trong thời gian 2008 đến 2016 họ đã thu hút gần 60.000 nhà khoa học và nhân tài về Trung Quốc theo nhiều hình thức. Điều đó chứng tỏ rằng Dự án Ngàn Nhân Tài đã thành công. Sự thành công của họ làm cho các nước phương Tây phải duyệt xét lại chánh sách hợp tác khoa học và quản lí nhân sự tại các đại học và trung tâm nghiên cứu.

Nếu thật tâm muốn thu hút nhân tài, Việt Nam nên học Tàu.

Muốn biết họ làm như thế nào thì thử tìm hỏi những người trong cuộc (tức những người biết về Dự Án Ngàn Nhân Tài) hay tìm đọc các báo cáo. Chẳng hạn như báo cáo này [5] trên Nature. Thử tìm hiểu họ đã thu hút nhân tài như thế nào mà dẫn đến thành công. Một ứng viên được tuyển theo chương trình Ngàn Nhân Tài có bổng lộc rất hấp dẫn. Tuỳ chuyên ngành, nhưng những ngành dính dáng đến thí nghiệm có thể được cấp 500.000 đến 600.000 USD để thành lập labo nghiên cứu tại một đại học. Ngoài ra, còn có tiền đi lại khoảng 100.000 USD trong 3 năm. Tiền trợ cấp mướn nhà cửa cũng vài trăm ngàn USD. Với cấp giáo sư, lương căn bản là 15.000-25.000 USD một tháng. Chẳng những thế, họ còn tìm việc cho vợ/chồng nếu những người này về Trung Quốc làm việc.

Với những con số trên thì con số 170 triệu đồng (khoảng 8.500 USD) của Việt Nam không có ý nghĩa gì cả.

Một điểm đáng chú ý của Dự án Ngàn Nhân Tài là họ không đòi hỏi ứng viên phải bỏ nước ngoài về Tàu làm việc; họ có thể chỉ cần ‘hợp tác’ vài tháng trong một năm qua nhiều năm. Điều này chứng tỏ giới quản lí khoa học Trung Quốc hiểu rất rõ rằng người tài ở nước ngoài sẽ khó có thể về Trung Quốc làm việc toàn thời gian lâu dài, nên họ tranh thủ kiểu ‘hợp tác’.

Tôi nghĩ Việt Nam nên bỏ ý định thu hút người nước ngoài về Việt Nam làm việc dài hạn. Viễn cảnh đó rất khó xảy ra. Tại sao? Có nhiều lí do, nhưng để minh hoạ, thử xem xét 2 nhóm tiêu biểu dưới đây để thấy họ không thể về Việt Nam.

Nhóm 1: Những nhà khoa học đã có vị trí ổn định ở nước ngoài. Xác suất họ về Việt Nam rất rất thấp. Lí do là không ai đi từ môi trường ổn định sang môi trường bất định. Đây là nhóm người đã thành danh, họ được trọng dụng ở nước sở tại, và có cơ sở vật chất để theo đuổi những ‘ý tưởng trên mây’ (blue sky research). Đang trong tình trạng ‘ăn nên làm ra’ thì họ không có lí do gì để về Việt Nam mà tương lai thì có thể là bất định. Bất định là vì quĩ tài trợ nghiên cứu khoa học hạn chế và khác biệt về văn hoá khoa học.

Nhóm 2: Những người tài trong giới kĩ nghệ. Đó đây, có lãnh đạo ở Việt Nam đề cập đến ‘nhân tài’ là những người nắm lấy công nghệ hay bí quyết công nghệ quan trọng. Nhưng những người này thì chắc rất rất hiếm trong giới khoa học gốc Việt ở nước ngoài. Những người này nếu có thì họ thường làm việc trong các tập đoàn kĩ nghệ, và các tập đoàn này không bao giờ muốn họ ‘bay’ đi cả. Điều đó có nghĩa là khó có tập đoàn hay cơ quan nào ở Việt Nam có thể thu hút những người này về Việt Nam làm việc.

Thật ra, những người nắm được bí quyết công nghệ quan trọng thì xác suất cao là họ tự lập công ti, chứ không cần phải làm cho đại học và chắc không cần phải về Việt Nam.

Điều thú vị là trong khi Việt Nam tìm cách thu hút nhân tài từ ngoài về, nhưng nước ngoài đang tìm cách thu hút nhân tài của Việt Nam. Trong thực tế, hàng năm có hàng ngàn người có trình độ học vấn cao rời Việt Nam. Không biết các vị cầm quyền có biết điều này và có con số người Việt bỏ nước ra đi theo các chương trình tài năng của nước ngoài.

Do đó, Việt Nam hãy bỏ ý định kéo người tài từ nước ngoài về Việt Nam. Thay vì kéo họ về dài hạn, hãy (i) tập trung đào tạo và giữ chân nhân tài trong nước, và (ii) lập ra những chương trình hợp tác hấp dẫn (như Dự án Ngàn Nhân Tài bên Trung Quốc) thì thực tế hơn. Tuy nhiên, bàn cho vui thôi, chứ trong thực tế thì đâu vẫn vào đấy, tức chẳng có gì thay đổi cả.

________

(*) Thật ra, rất khó biết mấy vị trong giới lãnh đạo hiểu như thế nào là ‘nhân tài’. Thỉnh thoảng họ đề cập đến nhân tài như là những nhà khoa học. Nhưng trong giới khoa học thì có rất nhiều đẳng cấp, từ người mới tốt nghiệp tiến sĩ, hậu tiến sĩ, giảng viên, giảng sư, giáo sư, giám đốc labo, khoa trưởng, v.v. Vậy thì khi nói ‘nhân tài’, các vị ấy nghĩ đến giới/cấp nào?

[1] https://vnexpress.net/tp-hcm-loay-hoay-thu-hut-nguoi-tai-4466037.html

[2] https://vnexpress.net/tp-hcm-can-lam-gi-de-thu-hut-nguoi-tai-4466690.html

[3] https://vnexpress.net/cach-thu-hut-nhan-tai-cua-tp-hcm-bi-cho-la-tren-trai-tham-duoi-trai-dinh-3718582.html

[4] https://nld.com.vn/chinh-tri/trong-5-nam-tp-hcm-chi-thu-hut-duoc-5-chuyen-gia-nha-khoa-hoc-20220523175046931.htm

[5] https://media.nature.com/original/magazine-assets/d41586-018-00538-z/d41586-018-00538-z.pdf

Comments are closed.