Văn học miền Nam 54-75 (470): Ngô Thế Vinh (14)

VÒNG ĐAI XANH (KỲ 8 – KỲ CHÓT)

CHƯƠNG MƯỜI CHÍN

Lại một sự trùng hợp đáng tiếc và tình cờ khi họ tới đây vào lúc này. Họ đây là ba chục lính Mỹ Mũ Xanh mới đặt chân tới Á Căn Đình để thiết lập một trại huấn luyện cho quân đội chánh phủ, và đó cũng là lời thanh minh của Bộ Ngoại giao Mỹ khi có một tờ báo tên là Garceta ở Buonos Aires tố cáo rằng trước đó cũng đã có những toán lính Mũ Xanh khác xuất hiện ở ven biên tỉnh Tucaman bí mật huấn luyện cho những phần tử phiến loạn chống chánh phủ. Phát ngôn viên Mỹ này chỉ xác nhận gửi toán cố vấn và không hề đả động tới sự kiện chánh phủ Á Căn Đình vừa bắt giữ mười ba phần tử nổi loạn mà những người lính Mũ Xanh có dính líu.

Nhà văn, cố vấn tướng Thuyết có vẻ ngạc nhiên về những sự kiện không lấy gì làm thuận lý như thế. Riêng tôi, một mẩu tin như vậy tự nó mang nhiều ý nghĩa, một chứng từ nữa cho vai trò những người lính Mũ Xanh ở cao nguyên. Sự trùng hợp đáng tiếc và tình cờ, đó thường là câu trả lời rất xuôi tai của bộ Ngoại Giao Mỹ về những biến cố khó khăn như vậy. Gửi sĩ quan cố vấn cho quân đội chánh phủ, giúp đỡ các phần tử phiến loạn khuynh đảo chánh phủ, trong canh bạc lớn người Mỹ đã giấu thêm một con tẩy nơi tay áo của mình. Và chánh sách đó phải kể là khôn ngoan nếu sự gian lận không bị thấy rõ. Ngoài sự cứng rắn, cả tướng Thuyết cũng không thấy rõ uẩn khúc đó.

Trên thực tế, ông Tướng có vẻ không thành công trong bước đầu cố gắng đồng hóa số Dân Sự Chiến đấu Thượng vào quân lực chính quy ở mấy trại nội địa thuộc vùng ông kiểm soát. Một sĩ quan Việt Nam chỉ huy trại đã bị giết và ngay sau đó ông Tướng đã phải nhượng bộ bằng cách thay thế cho trại một toán A Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam khác. Điểm thất bại rõ rệt nhất là quân số, mà phần đông là người Thượng suy giảm rõ rệt ngay sau khi có lệnh cải tuyển. Trừ một vài thành phần chỉ huy chịu ở lại khi được đồng hóa để trở thành sĩ quan, còn đa số nếu chưa đào ngũ thì tinh thần rất xuống và có vẻ chán nản. Ngoài cái lý do vật chất không được sung mãn như sống với những người lính Mũ Xanh Mỹ, những người Thượng này vẫn bị ám ảnh bởi sự bạc đãi của các viên chức Việt Nam mà họ đã có kinh nghiệm từ trước. Từ sự thiếu tin cậy đó, sớm muộn họ cũng sẽ lần lượt ra đi. Không phải trở lại để bơ vơ trong rừng rú mà họ sẽ trở lại với người Mỹ đang mở rộng vòng tay tiếp nhận họ ở vô số các địa điểm biên phòng khác. Điều này với tướng Thuyết có thể biết hoặc không, nhưng chắc chắn là ông thiếu cái nhìn thật xa, từ căn bản để khiến ông phải quan tâm tới. Hành động mạnh mẽ của ông, ngay đối với người Mỹ, bắt nguồn từ tự ái hay cái-thể-diện nói theo kiểu Á Đông hơn là từ một kế hoạch đã được kỹ càng khảo sát. Sâu sắc như nhà văn, cố vấn của tướng Thuyết mà xem ra ông không có một thẩm định đúng mức về tầm quan trọng của các biến động trên cao nguyên. Đối tượng sinh hoạt của ông hình như chỉ gồm sự thay đổi thành phần ở chánh phủ Sài Gòn và làm sao hòa hoãn để sống chung thuận hảo với các lãnh tụ Phật giáo. Nhìn quanh, xem ra tôi không có một đồng minh nào để làm sống lại vấn đề cao nguyên. Thảm kịch Dakto với hơn sáu trăm xác chết hầu như đã bị rơi vào quên lãng.

Tôi trở lại Sài Gòn với bớt nhiều hăng hái. Có lẽ bởi khoảng cách quá xa giữa huyền thoại và thực chất con người tướng Thuyết. Cũng có lẽ bởi sự đánh giá quá cao vai trò chánh trị của ông trong khi bản chất ông là một tướng lãnh, một nhà quân sự có tài theo đúng nghĩa chân thật của danh từ. Nhưng tôi cũng tin tưởng rằng, dầu sao sự trở lại cao nguyên của tướng Thuyết cũng vẫn có những hứa hẹn tốt. Từ thể chất tới tinh thần tôi khá mỏi mệt sau chuyến đi này. Tôi có dự định sẽ nghỉ cuối tuần, một mình ra sống ít ngày ở biển để bồi dưỡng và tìm lại con người mình tưởng như bị cuốn hút mù tăm vào giữa những biến cố. Thật bất hạnh cho một nghệ sĩ như tôi, ở giữa một tình trạng dao động tinh thần như vậy mà tôi phải chọn lựa, một chọn lựa quyết định sự ở lại và ra đi trong nghề cầm bút của mình. Đó là một đòn cân não chí tử mà sự yếu đuối ban đầu bảo tôi phải ra đi. Chỉ là thư nặc danh nhưng lời lẽ ngắn gọn và quyết liệt. Rất có thể và gần như đoan chắc mặt trận cộng sản muốn ngăn chận một hậu quả tâm lý bất lợi sau vụ thảm sát. Tôi sẽ thiếu thành thật nếu không tự nhận rằng mình đã có sợ hãi khi bị chụp mũ phản cách mạng và hăm dọa bị ám sát. “Chỉ có cộng sản mới hành động đâm sau lưng quân đội và làm suy giảm tiềm năng chiến đấu của quốc gia”. Tôi đã từng bị ông Tướng Cục An ninh gán cho như vậy. Và hiện giờ chính tôi bị cộng sản nặng nề lên án. Khi cầm bút chỉ để viết những điều thấy tận mắt hoặc tai đã nghe tôi cũng đã ý thức được sự nguy hiểm từ nhiều phía mà kẻ thù chẳng bao giờ được nhận mặt. Tôi cũng chua xót để nghĩ rằng ngay cả người Thượng mà đối tượng là sự sống chung và tiến bộ, chắc gì họ đã chấp nhận tôi, nhất là với phe tranh đấu. Nguyện đã nhiều lần bảo tôi là sự đơn độc của anh cũng chẳng thể làm được gì cho một tình trạng tồi tệ như hiện tại và nếu phải ngã xuống lúc này – bây giờ rất có thể, là một điều phi lý và vô ích, vả lại bản chất anh chỉ là một nghệ sĩ, vậy phải trở về với lãnh vực hội họa, quê hương đích thực của mình. Phải chi tôi đừng bước vào cái nghề vốn nhọc mệt và nguy hiểm này nhưng tôi cũng chẳng thể trở về thế giới hội họa như một tránh ẩn cơn nguy biến. Sự cô độc lúc này thật khủng khiếp khi nghĩ về một cá nhân bị chính xã hội chối từ, nhưng hắn cũng tự thấy bởi chính sự quạnh hiu mà con người hắn đã lớn ra. Cảm giác đó khiến bỗng chốc tôi vững vàng trở lại để chấp nhận đi tiếp con đường phải tới dù có bị ngã xuống. Nếu thiếu sự thách đố, ở một lúc nào đó người ta bỗng thấy cuộc sống vô vị, et soudain je m’aperçois que je n’aie aucune raison de vivre. Ở một cuộc sống vốn hữu hạn trong một thế giới vô thường, cái đe dọa bất chắc của ngày mai khiến tôi tha thiết vô cùng với sự sống. Tôi lại nghĩ tới Nguyện, tới gia đình và những người thân và cả tới bà mẹ già mà sao đến nay tôi mới lại thấy thương nhớ. Và tôi quyết định về thăm bà với cảm tưởng của một đứa con hoang tàng hối hận trở về với mái gia đình xưa. Khi tôi bước vào nhà thì bà vẫn mải mê đọc cuốn Tâm và Thức của đạo Phật. Tôi yên lặng ngồi xuống một chiếc ghế gần đó: một phút ngạc nhiên đến xót xa khi thấy mái tóc bà đã trắng bạc như sương. Tôi đã xa đời sống, xa bà bao lâu để mới nhận ra sự biến đổi này và bà đã ngồi đó tự bao giờ, trong bao nhiêu năm nay, vẫn trong chiếc ghế bọc da mầu nâu quen thuộc với những đồ vật trong phòng giữ nguyên chỗ đứng cũ. Hình ảnh bà gợi sự bình an trộn lẫn với xót xa. Cảm giác không tránh khỏi dưng dưng khi nhìn bàn tay bà với những ngón gầy khô se sắt. Tôi muốn được ôm hôn lên trán, gục mặt vào lòng bà và nắm lấy bàn tay gợi biết bao nhiêu nỗi êm dịu thời tuổi nhỏ nhưng cái không khí tẩm thẫm đạo giáo và sự thanh khiết khổ hạnh đã ngăn tôi lại, đó như một khoảng cách làm khô héo tình mẫu tử vuốt ve và tiếng nói của yêu thương chỉ còn là sự xót xa yên lặng. Bà vẫn còn sống nhưng lại xa hẳn với thế giới hệ lụy này. Tôi không còn hy vọng tìm thấy một bà mẹ hiền dịu trong ký ức. Và hình như sự tệ bạc vô tình của tôi trong bao năm qua đã làm chết mọi sự mong đợi trông ngóng nơi bà. Sự hối hận của tôi cũng không níu kéo được một sự mất mát lớn lao như thế. Lần đầu tiên tôi trải qua một đêm mất ngủ để thấy sợ đôi mắt mình ráo hoảnh suốt canh khuya. Phải chờ hết giới nghiêm tôi mới có thể xuống phố. Sự xa hoa của Sài Gòn vẫn ngủ kỹ, không khí còn trong nguyên sự tinh khiết làm tâm hồn tôi phần nào dịu xuống. Những xe vận tải thực phẩm đã từ các ngả đường ngoại ô chạy vào thành phố. Từ nhà tới tòa soạn tôi đã hai lần bị lực lượng an ninh chặn giữ mặc dầu đã chìa ra thẻ nhà báo. Ánh đèn pin chiếu rọi vào giữa mặt, hai tay phải giơ cao như ở một tư thế bị hành quyết. Liên tưởng đó đủ làm tôi lạnh buốt xương sống. Thế mà đã hơn một năm kể từ ngày tôi bước chân vào nghề báo với tất cả những cọ sát đến chai rạn của nó. Sau này vì khắt khe của kiểm duyệt khiến tôi không còn say mê săn tin và tự bằng lòng với bản tin của hãng thông tấn chánh phủ. Tôi đã phải hy sinh đi rất nhiều sáng kiến. Và đúng như ý muốn của ông chủ nhiệm, đã từ lâu chuyện gì tôi cũng chỉ tường thuật nội vụ một cách khách quan không bình luận hay thêm vào đó một cảm tưởng nào. Chính những nỗi khó khăn và cả nguy hiểm nữa khiến tôi càng tha thiết với nghề báo và hiện giờ tôi không nghĩ là mình có thể từ bỏ dễ dàng cái khu phố hỗn độn và nghèo khổ ấy để trở lại với cây cọ và giá vẽ.

Sáng nay tôi dự định sẽ tới tòa soạn làm việc như bình thường và giữ kín luôn chuyện hăm dọa đã làm tôi sợ hãi không ít. Sau mấy chuyến đi Trung mà tôi biết chẳng có ích lợi thiết thực gì cho tờ báo nhưng vì biết tôi thích nên ông chủ nhiệm vẫn không có ý ngăn cản. Với một ký giả công nhân như tôi, một đối xử như vậy phải coi là đặc biệt. Mặc dầu có một khoảng cách rất xa về tuổi trời cũng như tuổi nghề, mọi giao hảo giữa tôi và ông vẫn dung hòa được giữa tính cách thân mật và sự tương kính. Hình như từ mấy hôm ông chủ nhiệm đã có ý chờ gặp tôi, vẻ mặt ông không dấu được nét băn khoăn lo lắng. Câu đầu tiên mà ông nói vẫn là một cố gắng đùa cợt để có được không khí hòa hoãn bình tĩnh.

– Vía cái nhà anh này có vẻ sát báo, lại bộ Thông Tin cảnh cáo lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng.

Tôi không ngờ ngòi bút của tôi là một đe dọa phiền nhiễu cho tờ báo và nhiều người khác đến như vậy. Lúc này tôi cũng có những ý nghĩ tự phiền trách mình không ít. Ông chủ nhiệm tiếp:

– Nếu không nhờ sự nể nang riêng tôi thì chắc chắn đã bị đóng cửa báo. Nhưng vấn đề cũng còn lòng dòng chưa xong, chính tác giả bài báo là anh phải lên gặp ông Ủy viên Thông tin để trả lời một số những nghi vấn. Câu chuyện hình như liên hệ tới nhiều Bộ và gây tức giận cho cả Thủ tướng vì những chỉ trích nặng nề của nhà sư. Tại mỗi Bộ đều có một bản sao toàn vẹn bài dịch năm ngàn chữ của tòa báo ông Davis đánh đi. Cả ông Ngoại giao cũng lại trút mọi tội lên đầu ông Thông tin thành ra không phải tôi mà chính anh phải có trách nhiệm giải thích những sự kiện đó.

Tôi tưởng rằng sau chuyến gặp gỡ ở Tổng cục An ninh, vấn đề được xếp lại và coi như đã giải quyết xong. Nhưng trái lại đây vẫn là hậu quả dắt dây của bài báo năm ngàn chữ. Tôi thừa hiểu rằng với một nhân vật có nhiều uy tín và nhiều chống đối như nhà sư Pháp Viên, chánh phủ có chủ trương cô lập hóa và bỏ rơi ông vào khoảng trống không trí nhớ của quần chúng. Tội trạng của tôi được coi như cố ý đi ngược lại đường hướng của nhà nước. Bài báo đã có một tác dụng tô vẽ phóng lớn khuôn mặt và huyền thoại của nhà sư, nhất là trên dư luận quần chúng Âu Mỹ. Biết tính tôi nóng nảy và nhiều tự ái, ông chủ nhiệm đã hết lòng khuyên tôi nên tỏ thiện chí bằng cách lên gặp ông Thông tin và hay nhất là tôi có một thái độ mềm dẻo để gián tiếp cho họ biết là mình đã nhận lỗi, cũng như chúng tôi đã nhận lỗi cách đây mấy tháng về những trần thuật các biến cố tại cao nguyên mà sau đó bị gán cho có hậu ý cố tình gây khó khăn cho chánh phủ. Tôi không quan tâm tới mức độ giá trị những gán ghép như vậy khi tôi đã tự giới hạn cái trách nhiệm của mình đối với độc giả và những dòng chữ xuất hiện trên mặt báo.

Cuộc gặp gỡ giữa tôi và ông Ủy viên Thông tin sau đó thật chán nản. Ở đó không có được cái gây cấn khích động như khi gặp ông Cục An ninh. Khuôn mặt ông này thật mờ nhạt và giọng nói thì giả tạo vô vị khi một lần nữa phải nghe ông nhắc nhở tới trách nhiệm trước thời cuộc của giới cầm bút nhà báo nhà văn. Ngôn ngữ của ông thật bít lối. Khi thì ông nhân danh một đồng nghiệp tâm tình, khi thì lấy cớ trách nhiệm lãnh đạo guồng máy thông tin nhà nước trong thời chiến. Nói gì thì ông cũng chỉ xoay quanh những đe dọa rằng ông có thể truy tố tôi ra tòa hay giao cho công an điều tra về cái tội mà ông gọi là xé rào kiểm duyệt, tiếp tay cho báo giới ngoại quốc phá hoại nền an ninh quốc gia. Tôi mệt, lúc này thì thực sự thấm mệt. Sự bình tĩnh đến tê liệt và thiếu phản ứng của tôi khiến ông ta có vẻ ngạc nhiên. Chắc chắn ông cũng đủ khôn ngoan để không gây một xì-căng-đan về báo chí mà lẽ phải và sự nổi tiếng khó thể về phía ông. Hình như ở những phút cuối cùng, ông đổi hẳn chiến thuật, từ bỏ sự hăm dọa để phủ dụ tôi hợp tác với nhiều hứa hẹn về vật chất. Lần đầu tiên trong cuộc gặp gỡ tôi đã ngạc nhiên khi nghe ông nhắc là biết đến tên tôi trong danh sách phái đoàn báo chí viếng sáu nước. Ông nói một cách tế nhị nhưng cũng đủ để cho tôi hiểu rằng chuyến đi này nếu thành tựu thì cũng bởi hảo ý của riêng ông chứ bên phía Ngoại giao đã có tiếng nói chống đối.

CHƯƠNG HAI MƯƠI

Nắng hồng ban mai chưa đủ làm tan hết lớp sương lạnh, tôi đã có mặt ở phi trường để theo chân phái đoàn tướng Trị tới dự lễ chuyển giao trại Daksut từ Mỹ sang Việt Nam. Hai chiếc trực thăng bốc chúng tôi thoát khỏi hai cây nấm mù bụi đỏ và trực chỉ hướng tây bắc. Sau bao ngày tháng, đây là lần đầu tiên tầm mắt tôi thoát khỏi căn phòng chật hẹp tù túng để lại có dịp trải rộng trên những núi cao sông dài. Bằng một tai nạn có thể gọi là nghề nghiệp, tôi đã phải vào nằm trong một bệnh viện trên cao nguyên suốt sáu tháng. Cùng chuyến đi này, Davis bị tử thương bởi một vết đạn ở đầu và chết ngay trên đường di tản. Sáu tháng trên giường bệnh sống như một kẻ ngoại cuộc, phấn đấu cô quạnh với sự hành hạ của những vết thương và không một tin tức thăm hỏi của Nguyện. Sự lãng quên gợi nhớ, con chim sơn ca đã cất cánh bay cao và chối từ quá khứ. Tôi đã tự cứu vãn sự sa sút bằng những đằm mình sinh hoạt trí tuệ và trong sự bận rộn viết lách. Sáu tháng đó một thời gian đủ dài để chồng chất bao nhiêu là biến cố làm biến đổi tất cả cục diện của đất nước. Dư vang những biến động ở cao nguyên như đã chìm sâu và thuộc về quá khứ. Xem ra các phe đã từng đối chọi nhau đều tự cảm thấy không có lợi lộc gì để tiếp tục cái trò chơi nhiều máu và nước mắt đó. Và cái buổi bình minh cách mạng đã hơn một lần tướng Thuyết hứa hẹn còn xa lắc khi lại xảy ra một cuộc chỉnh lý khác mà kết quả là sự ra đi khỏi nước của ba ông tướng trong đó có ông. Trong khi ở bên kia Thái Bình Dương, chính kiến thật chia rẽ. Cuộc chiến ở Việt Nam đã khiến dân chúng Mỹ hết kiên nhẫn và bắt đầu phân hóa. Người Mỹ đã thành công dự đoán ngày đặt chân lên nguyệt cầu nhưng họ lại đang bị sa lầy ở Viễn Đông. Bằng cách này hay cách khác, sớm muộn cuộc chiến tại Việt Nam rồi cũng tự nó phải tàn lụi. Đó chỉ là lời an ủi cho nỗi xôn xao thúc bách của quần chúng Mỹ. Và niềm hy vọng ra đi đó còn xa sự thực khi mà mỗi ngày Mỹ vẫn phải đổ thêm vào ngọn lửa chiến tranh ở đây hàng tỉ Mỹ kim hàng ngàn tấn khí giới và hàng sư đoàn quân Bắc Việt bất chấp pháo đài bay B52 vẫn lũ lượt ngày đêm men theo đường mòn Hồ Chí Minh tiếp tục cuộc xâm nhập vô Nam. Và khi mà cuộc chiến đã vượt qua giai đoạn du kích, Hà Nội đã ngang nhiên đương đầu với Mỹ ngay giữa tại các thành phố thì những âm thầm mưu toan khai thác sự chia rẽ đổ máu về chủng tộc trên cao nguyên không còn một giá trị chiến lược quan trọng để phải tiếp tục nuôi dưỡng. Đó cũng là lý do của vụ chuyển giao dễ dàng hàng loạt các trại biên phòng LLĐB Mỹ sang quyền kiểm soát của chánh phủ địa phương, một phần trong kế hoạch rút quân danh dự được mệnh danh là Việt Nam Hóa cuộc chiến.

Rời thượng lưu một con sông với nhiều ghềnh thác, đoàn trực thăng đổi hướng trực chỉ phương bắc. Rừng rộng mênh mông nhưng người Mỹ vẫn đủ chất Da cam khai quang để làm tất cả phải tàn lụi. Từng chòm cây trụi lá bạc trắng như mái tóc điểm phong sương. Sự sống chỉ còn thoi thóp ở dưới đó. Nền trời thấp, mưa bay trong những đám mây ẩm lạnh, phần hở của thân thể lạnh đến tê cóng. Sau ba mươi phút bay phi cơ bắt đầu giảm cao độ và lượn vòng đổi hướng. Trại tọa ngự trên cả một ngọn đồi bao vây bởi những thung lũng. Quanh trại bao bọc bởi nhiều vòng đai phòng thủ, có trang bị những cỗ trọng pháo 105 ly và một phi trường Caribou để nhận tiếp tế từ dưới đồng bằng. Không cách xa phi đạo là hai khu ấp tân sinh Kinh và Thượng với những mái tôn xan xát. Đây là trại Lực Lượng Đặc Biệt thứ chín và được coi là quan trọng nhất trong số 62 trại trên toàn quốc cho đến sáng nay được trao quyền cho một Toán A Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam. Mười hai người lính Mũ Xanh Mỹ thuộc toán A 243 sẽ bước lên hai trực thăng chờ sẵn để rời vĩnh viễn khỏi trại kiên cố như một pháo đài, nơi mà họ đã dày công xây dựng trong suốt tám năm kể từ ngày mạo hiểm đặt chân tới địa phương hoàn toàn mất an ninh và hoang vắng này. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng chính nơi đây bốn năm về trước đã có vụ thảm sát người Việt mở màn cho những đổ máu đau thương về chủng tộc dắt dây sau đó. Nó từng là một cái gai từ nhiều năm móc trong cổ họng tướng Thuyết. Phải chi ngày hôm nay nếu còn ở lại Việt Nam hẳn phải là một ngày sung sướng nhất của đời ông, và hiển nhiên ngược lại đó là giờ phút ảm đạm và đắng cay của viên trung tá Tacelosky và những người lính Mũ Xanh Mỹ. Kể từ ngày mà vị Tổng Thống cha đẻ của họ bị ám sát, cả một binh chủng hào hùng này đã gặp vô số những khó khăn và chẳng còn một chút ân xủng. Nhưng đó cũng là thời cơ dễ dàng của tướng Trị. Mở đầu bài diễn văn đọc trước buổi lễ tại đây, tướng Trị đã khôn ngoan, như ông đã từng khôn ngoan để hết lời ca ngợi sự hỗ trợ hữu hiệu của người Mỹ nói chung và các chiến sĩ LLĐB thuộc toán A243 Hoa Kỳ nói riêng, trong cố gắng chung lưng đấu cật để biến bộ mặt sơ khai của địa phương thành một căn cứ quân sự vững chắc khả dĩ giúp đỡ giúp đồng bào Kinh Thượng có một đời sống êm ấm và tiến bộ về mọi mặt. Và cho đến hôm nay ông tin tưởng rằng vẫn với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, với kinh nghiệm gặt hái được trong những năm qua, các toán LLĐB Việt Nam sẽ có thể tự đảm trách trực tiếp việc quản trị các trại Dân sự Chiến đấu Thượng.

Phần chuyển giao với đủ mọi nghi thức quan cách: trước một tiểu đội danh dự dàn chào với sự hiện diện của tướng Trị, hai trưởng toán A Hoa Kỳ và Việt Nam đã trao kỳ hiệu, cùng mỉm cười và bắt tay nhau chặt chẽ. Sau đó, đại úy Cobb trưởng toán A Hoa Kỳ nguyên quán tại Wellsboro, đại diện cho toán lên bày tỏ cảm tưởng của riêng ông khi rời khỏi nơi đây. Bằng một giọng Việt Nam thành thuộc nhưng không tránh khỏi run run cảm động ông nói. – Chúng tôi rất buồn và vô cùng quyến luyến khi phải rời bỏ doanh trại này, nơi mà nhiều năm tháng các chiến sĩ LLĐB Hoa Kỳ và Việt Nam đã đồng lao cộng khổ với các Biệt kích quân Kinh cũng như Thượng để khởi công gây dựng cơ sở, mở mang an ninh bảo vệ đời sống cho ngót sáu ngàn dân ở quanh vùng về quy tụ trong các ấp thiết lập gần vòng đai trại… Nhưng cũng cho đến hôm nay chúng tối cảm thấy vô cùng sung sướng để thấy lần đầu tiên có sự hòa bình chung sống và hợp tác chặt chẽ giữa hai sắc dân Kinh Thượng ngõ hầu xây dựng một quốc gia Việt Nam tân tiến… Và rõ ràng vì nghi thức ngoại giao, điều mà đại úy Cobb đã không tiện nói ra là mối ám ảnh của chính ông về những bất hòa Kinh Thượng và chính ông cũng đã cảm thấy bắt đầu có những dấu hiệu chống đối từ phía các lãnh tụ Thượng thân Mỹ từ khi khởi đầu kế hoạch Việt hóa các trại DSCĐ địa phương. Đại úy Cobb vừa dứt lời thì ban quân nhạc trình tấu bản hành khúc riêng của những người lính Mũ Xanh trong khi các toán Biệt kích quân dữ dằn trong những bộ áo da beo diễn hành qua khán đài quan khách.

Và cũng như mọi lần khác, không biết lần thứ bao nhiêu các giới chức Việt Nam đã lại phải chứng kiến cái cảnh giết trâu ăn thề để làm lễ tuyên thệ trung thành với chánh phủ của các toán Biệt kích Thượng. Từ trung tâm bộ chỉ huy trại, cờ Mỹ đã được từ từ hạ xuống, quốc kỳ Việt Nam được dâng lên cùng với bản quốc thiều quen thuộc hùng dũng.

Trong khi phải hướng dẫn các đại diện báo chí đi thăm các ấp trại, đại úy Cobb đã tỏ ra rất thông thạo tiếng Thượng khi ông vui vẻ chào hỏi các vị bô lão và gia đình con em họ. Những đứa trẻ con lem luốc đã không tỏ gì sợ hãi mà lại nhào tới ôm chân ông nô rỡn như đã từ lâu quen biết. Trả lời câu hỏi của một nhà báo Mỹ nêu thắc mắc về nỗi bất an của những người Thượng khi thấy các binh sĩ Hoa Kỳ bỏ đi. Đại úy Cobb xác nhận điều đó nhưng ông cũng lại nói thêm. “Mặc dầu vậy, cho đến ngày hôm nay dân chúng vẫn có cảm tình đứng về phía chúng ta. Họ đã có kinh nghiệm đắng cay với cộng sản. Vả lại họ cũng không dại gì bỏ vào rừng sâu để rồi đói khát và bị bắn từ cả hai phía”… Đó cũng là lý do được bộ Tư Lệnh Mỹ coi là vững chắc để có thể giao hoàn toàn thể các trại nội địa cũng như biên phòng cho chánh phủ Việt Nam.

Theo lời kể của trung sĩ da đen Wynne thuộc tiểu bang Texas, một chiến sĩ Mũ Xanh kỳ cựu đặt chân từ ngày đầu tiên tới đây thì trái với quan niệm thông thường của nhiều người cho rằng trại chỉ có giá trị của một căn cứ quân sự kiên cố và vững chãi để ngăn chận bước xâm nhập của địch quân qua ngả biên giới. – Sự thực công việc của chúng tôi mang nặng tính cách chánh trị. Đó là chiến dịch chinh phục cảm tình và lôi kéo dân chúng đứng vào hàng ngũ chánh phủ. Nói xong trung sĩ Wynne vừa cười vừa cúi xuống ôm xốc trên tay hôn một đứa bé gái Thượng bẩn thỉu lem luốc. – Dân làng không muốn thấy chúng tôi ra đi nhưng tiếc thay đó lại là quyết định của thượng cấp và là nỗi mong đợi của chánh phủ Sài Gòn… “How sad to be a montagnard !”. Wynne cũng đã ngậm ngùi thốt ra như thế. Khi nghe tôi nhắc tới tướng Thuyết, Wynne nói không dấu vẻ cay đắng. – Hôm nay nếu chưa rời khỏi Việt Nam có lẽ là ngày sung sướng nhất trong giấc mộng vương quốc của ông ấy. Riêng đối với bác sĩ Raphael, viên trung sĩ y tá Mỹ vẫn được dân làng kêu là bác sĩ tuy không có vẻ cay đắng như Wynne nhưng anh ta thực sự tỏ vẻ buồn rầu. – Thời gian càng khiến chúng tôi quyến luyến nơi đây. Ra đi ngày hôm nay tôi cảm tưởng như sắp phải rời một quê hương thứ hai của mình.

Cũng trong buổi lễ, tôi gặp lại tay nhà báo tài tử sinh viên độ nào. Anh đã ra trường, không còn làm báo và hiện là y sĩ trưởng của một C thuộc binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt. Anh bảo đùa sự lựa chọn của anh có lẽ do bởi mối nhân duyên sẵn có với người Thượng, nhưng tôi hiểu rằng với một người nhiều lý tưởng như anh sự lựa chọn này có ý nghĩa một dấn thân cho cái điều mà thời sinh viên anh đã từng nhiệt tình cổ võ.

– Bổn phận của tôi bây giờ là lo tiếp thu và đảm trách vấn đề y tế của toàn thể các trại DSCĐ. Tuy nhiên nói chung sự tiếp vận và yểm trợ còn lệ thuộc nặng nề ở người Mỹ.

Thật chẳng thể ngờ rằng những vấn đề tưởng như mâu thuẫn trọng đại ngày hôm qua bỗng chốc biến dạng và chẳng còn một chút ý nghĩa nào nữa. Khi được hỏi về những lý do nào đưa tới sự ổn định cao nguyên hôm nay, anh trầm tĩnh – điều này là một biến đổi tôi mới nhận thấy nơi anh, đưa ra một nhận xét không thiếu sắc bén:

– Trước khi đạt tới một thỏa hiệp như hôm nay, kinh nghiệm của những năm qua giúp họ – họ đây là người Mỹ, hiểu rằng nhúng tay vào những âm mưu dấy loạn như vậy chỉ gây tai tiếng vô ích mà không cải thiện thêm được chút nào vị thế của họ hơn hiện giờ. Và điều quan trọng hơn nữa là cả người Thượng và Kinh, sau mấy lần đổ máu đều hiểu thấm thía rằng bởi trong cái mối tương quan môi hở răng lạnh, họ chỉ còn một cách là xích lại gần nhau hợp tác để xây dựng một cộng đồng quốc gia Việt Nam mới.

Dù đã có dấu hiệu của một vài chuyển động tốt, tôi cũng đã không quá lạc quan như anh, và có lẽ quả đúng như Y Ksor nói là xa hơn một ly rượu tới môi cái viễn ảnh tốt đẹp của vùng Đất Hứa Cao Nguyên còn phải trải qua nhiều máu mồ hôi và nước mắt.

NGÔ THẾ VINH

Trại Bunard 1969

Delta 49

Kết Từ của Thế Uyên

Vào Vòng Đai Xanh từ những chương đầu, không gian được dùng làm bối cảnh đã mở ra bát ngát. Đó là không gian mênh mông chưa khai phá bao nhiêu của miền Tây nguyên với những sắc dân Thượng nói nhiều thứ ngôn ngữ, mặc nhiều thứ y phục, sống theo một văn minh xa lạ với những người Việt miền đồng bằng. Rừng thẳm chạy dài, cánh đồng cỏ tăm tắp tới chân dãy Trường sơn, núi cao bí mật và khó khăn. Trên một bối cảnh như vậy, các nhân vật xuất hiện với những vai trò khác biệt và có tác động mạnh. Những người da trắng mắt xanh trong quân phục có gắn sao hay chiếc cổ đen của một mục sư toàn quyền, một ngọn bút chì mỡ vạch một nét tròn hay hai nét tréo là đủ gây ra cả một trận địa chấn bom đạn san bằng đồi núi. Những tướng lãnh của quân lực Việt Nam lao vào một cuộc chiến tranh đầy khúc mắc chánh trị và ngoại giao, có thắng cũng không được nói tới chiến công và thua chỉ có đường rời nước lên đường lưu vong. Phía bên kia chiến tuyến, mập mờ ẩn hiện những tướng lãnh đối nghịch ngồi trên võng trên cây cao hay dưới hầm đào sâu trong lòng núi, cũng một nét bút gạch, một mệnh lệnh khô khan, là cả trăm cả ngàn người gục xuống, chết banh thây mổ bụng, chết thiêu chết cháy. Tất cả xoay quanh một cái trục: đó là chủ quyền nơi miền cao nguyên bát ngát đó.

Cuộc chiến tranh ấy đã kết liễu hồi thứ nhất khi Ngô Thế Vinh đánh máy xong hàng chữ cuối cùng của truyện. Giấc mơ lập Vòng Đai Xanh của những người chiến binh ưu tú da trắng mắt xanh đội mũ nỉ xanh màu rừng đã tiêu tan trên lục địa da vàng. Nhưng ai là kẻ chiến thắng trận chiến?

Chưa ai có thể trả lời được dứt khoát câu hỏi ấy trong hoàn cảnh hiện tại của miền nam bán đảo đông nam lục địa Á châu này. Có thể nói kẻ chiến thắng là những người Kinh dưới miền đồng bằng duyên hải, nhưng chiến thắng đó cũng đáng ngờ vì hàm chứa quá nhiều ẩn số. Có thể nói những kẻ, ở bên kia Vòng Đai Xanh chưa bao giờ lập nổi ấy, là kẻ thua. Nhưng cái thua ấy cũng rất đáng ngờ vì cũng hàm chứa không kém những ẩn số chưa được giải đoán.

Sự thực trận chiến ấy chưa hề kết liễu mà chỉ đang chìm xuống trong một giai đoạn. Khi nó bùng lên lần nữa, chưa biết ai sẽ thắng, ai sẽ thua dứt khoát. Nhưng sự thắng hay bại ấy không quan trọng, không thể quan trọng bằng sự sống còn của quốc gia Việt miền nam, không thể quan trọng bằng sự sống còn của hơn nửa triệu sắc dân Thượng cư ngụ tại miền này.

Nếu nhìn vấn đề dưới khía cạnh như vậy, các giải pháp tự nẩy sinh khá giản dị. Trước hết, Vòng Đai Xanh đã không còn, những người lính Mũ Xanh màu rừng đã ra đi, tất không thể còn vấn đề tạo dựng một quốc gia riêng biệt tách rời khỏi Việt Nam nữa. Những sắc dân Thượng dù muốn hay không, dù nhìn thấy hay chưa, sẽ phải đối diện với thực tại duy nhất: sống chung và gia nhập vào cộng đồng xã hội Việt Nam. Và điều này không mấy khó: ngưới Việt miền đồng bằng chẳng bao giờ kỳ thị các người anh em miền núi của mình theo kiểu Mỹ da trắng Mỹ da đen bao giờ. Và suốt trong lịch sử dài rộng của Việt Nam từ khi lập quốc, chưa có ai, chưa bao giờ người đồng bằng Việt Nam nhìn các người miền cao như một thứ mọi-da-đỏ cần phải tiêu diệt hết. Từ bao lâu rồi, một người Kinh lấy một người Thượng là chuyện rất thường, quá thường đến nỗi không làm bất cứ ai ngạc nhiên nữa. Nếu có một sự phân cách nào đó, là do trình độ học vấn và kinh tế mà thôi. Một người Thượng có học vấn và kinh tế khá bao giờ cũng được đối xử y hệt những người Kinh ở bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam. Sự sống chung hòa bình như vậy chỉ còn là vấn đề thời gian. Với chính sách nâng đỡ đặc biệt về giáo dục đã có, với nỗ lực chấm dứt tình cảnh khốn cùng về thực phẩm (trung bình người Thượng canh tác theo lối đốt rẫy du mục, chỉ thu hoạch đủ gạo ăn chừng tám tháng trong một năm) bằng cách định cư định canh cho đồng bào Thượng, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng như thế.

Nếu đối với người Thượng, giải pháp chỉ là văn hóa và kinh tế, thì đối với những người Kinh, vấn đề lại khác hơn nhiều. Trước hết là yếu tố sống còn của quốc gia Việt miền nam. Không kiểm soát được cao nguyên, quốc gia chỉ còn hai phần đất chính: phần thứ nhất nằm trên địa bàn đã đưa quốc gia Chiêm Thành tới chỗ diệt vong và phần thứ hai còn tệ hơn, nằm trên địa bàn xưa đã chẳng giúp nổi vương quốc Phù Nam tồn tại và gần đây vài thế kỷ, người Khmer cũng chẳng giữ nổi. Nói một cách khác là xét theo khía cạnh địa lý chính trị và quân sự, quốc gia nằm dưới sông Bến Hải sẽ không thể bền vững trong thời gian nếu để mất miền cao nguyên. Nói xa và rộng hơn nữa, nước Việt nói chung tất cả, muốn tồn tại tại Đông Nam Á, bắt buộc phải tiến thật sát dẫy Trường Sơn – điều mà tiền nhân chúng ta đã định làm và chưa hoàn tất được.

Thứ hai là vấn đề kinh tế. Miền nam kể như không có một một tiềm năng kỹ nghệ nặng. Trong một thời gian lâu dài nữa, sức mạnh kinh tế của chúng ta chỉ có thể trông cậy ở nông nghiệp. Điều này, chúng ta đều đã ý thức nhưng ít ai chú ý tới dữ kiện là miền Trung đã nhân mãn từ lâu và miền châu thổ Cửu Long không còn bao nhiêu tiềm năng: khai thác tối đa, cũng chỉ đủ cung cấp thực phẩm nuôi đủ dân mà thôi. Cuộc Nam tiến của người Việt đã hoàn tất từ lâu rồi. Bởi thế, một vùng đất hứa mới cho người Việt chỉ còn thể là vùng cao nguyên.

Hai ông Nhu Diệm đã sáng suốt khi hết sức chú ý và thiết tha với cao nguyên. Nhưng chính sách dinh điền di dân lập ấp cùng cấp phát đồn điền cho tư nhân của hai ông đã có một khiếm khuyết từ căn bản: hai ông quên hay không tính tới thứ áp lực thường xuyên của người Trung Hoa phương Bắc. Bởi thế chúng ta đã thất bại.

Bây giờ tiến về vùng đất hứa, chúng ta phải đặt vấn đề một cách toàn diện và triệt để hơn. Cuộc Tây tiến lần này phải là một nỗ lực hình thành một xã hội mới, một căn bản cho một nền văn minh Việt Nam mới, có thể làm khuôn mẫu cho các nước nhược tiểu Á Phi và Châu Mỹ la-tinh.

Trước hết bắt đầu bằng sự công bố vùng xưa kia được gọi là Hoàng Triều cương thổ là công thổ quốc gia, ngoại trừ những phần đất đã được phân phối cho các sắc tộc Thượng theo tiêu chuẩn không những đủ để nâng cao mức sống hiện tại, còn phải đủ để cho con cháu họ trong tương lai. Dĩ nhiên cũng tôn trọng quyền sở hữu đã có của người Kinh đã lên lập nghiệp từ lâu đời – trong một diện tích được giới hạn nào đó, sao cho không thể còn các đại địa chủ, chủ đồn điền nào nữa. Kế đó là một công cuộc điều nghiên rộng lớn về phương diện nông tác để có thể phân loại ít nhất cao nguyên ra làm hai loại vùng chính: loại khai hoang và loại cần chế ngự.

Chúng ta sẽ tập trung những quân nhân sắp được giải ngũ hay giải ngũ rồi thành những trung đoàn nông tác. Họ vẫn là một đơn vị bình thường, chỉ khác một điều là bây giờ nhiệm vụ của trung đoàn nhẹ về chiến đấu và nặng về khai hoang. Trung đoàn sẽ tới đồn trú ở những vùng đất đai đã được chọn lựa kỹ, không phải chỉ về phương diện chiến lược mà còn về phương diện kinh tế nữa. Họ sẽ được mang toàn thể gia đình theo. Sau khi khai hoang xong đất đai sẽ chia lô phân phối cho mỗi người lính, không phải chia dứt khoát mà chỉ là cho mướn trong thời hạn 49 năm. Hết thời gian này, người thụ hưởng đương nhiên, kể cả con cái thừa kế đều được ưu tiên thêm kỳ hạn nữa với điều kiện phải tự mình canh tác. Bất cứ ai, lúc nào bỏ đất về miền xuôi quá ba hay năm năm, là đương nhiên đất trở về với công thổ quốc gia. Quốc gia sẽ phân phát cho người khác mướn. Với quy chế này chúng ta sẽ giữ được dân ở lại, đồng thời tạo được một xã hội không còn địa chủ bóc lột, không còn tá điền nghèo khổ nữa.

Dĩ nhiên là trung đoàn nông tác chỉ có tính cách bắt buộc lúc đầu cho những người lính chưa mãn nhiệm kỳ phục vụ pháp định mà thôi. Khi đáo hạn giải ngũ, họ toàn quyền trở về miền đồng bằng – dĩ nhiên với sự chấp nhận thiệt thòi là lô đất do chính họ góp phần khai hoang sẽ bị thu hồi phát cho kẻ khác. Có thể nói ngay rằng phương sách khai hoang này là một rút kinh nghiệm từ chính sách đồn điền của các chúa Nguyễn ngày xưa (dĩ quân vi nông, dĩ nông vi binh) và từ phương thức Mochav của người Do Thái gần đây.

Đối với các loại vùng đất thứ hai, cần phải chế ngự thiên nhiên rồi mới khai thác được, hoặc tại những địa điểm chiến lược khó khăn chúng ta có thể thành lập các kibbutzim gồm toàn những người trẻ tự nguyện, nam và nữ. Họ chiến đấu chống mọi địch thù – dù là người hay thú hay khí hậu – sát cánh bên nhau trong tình yêu nước, tình yêu nam nữ. Tất cả như một cuộc phiêu lưu lãng mạn và kỳ thú cho tuổi trẻ. Khi họ đã thấm mệt, đã có con cái, muốn lui về với gia đình ổn cố, chúng ta sẽ biến các kibbutzim ấy thành các mochav hay để họ tự do trở lại đồng bằng. Bấy giờ có thể kể như họ đã thi hành xong mọi nghĩa vụ quân sự đối với quốc gia.

Mới phác lược như thế, chúng ta sẽ thấy ngay đó phải là công cuộc của tuổi trẻ Việt Nam. Chỉ có tuổi trẻ mới có thể làm được, mới có thể mơ đến một công trình Nghiêu Thuấn, một sự nghiệp kiến quốc như thế. Một giấc mơ vĩ đại, nhưng đáng để chúng ta mơ tới.

Lý do bởi như đã trình bày ở trên, nếu thực hiện được giấc mơ này, chúng ta vừa xây dựng được một xã hội mới cho Việt Nam, vừa tạo một gạch nối cho con cháu chúng ta thống nhất với nhau sau này, vừa tạo ra một phương thức hữu hiệu để đương đầu với áp lực của Trung Hoa lục địa, vừa nêu một phương thức cách mạng tuyệt hảo cho các nước nhược tiểu khác trên thế giới. Còn cuộc cách mạng nào hơn cuộc cách mạng vừa ít đổ máu, xây dựng được xã hội mới, vừa bảo vệ được quốc gia mình.

Thế Uyên

Tháng 9-1970

CHỮ VIẾT TẮT:

AP Associated Press

BBC British Broadcasting Corporation

CIA Central Intelligence Agency

CIDG Civilian Irregular Defense Group

DSCĐ Dân Sự Chiến Đấu Thượng / CIDG

FULRO Front Unifié de Lutte des Races Opprimées

3K Ku Klux Klan

LLĐB Lực Lượng Đặc Biệt / Special Forces

MACV Military Assistance Command Vietnam

USIS United States Information Service

USOM United States Operations Mission

VOA Voice of America

Comments are closed.