Frindle hay là sự ra đời của một con chữ

Tạp bút văn học nghệ thuật

Trần Doãn Nho


Frindle? Một nhân vật? Một địa danh?

Không. Đó là một từ vựng. Trong từ điển Webster’s College Dictionary, frindle thay thế hẳn chữ “pen” để chỉ cây bút. Từ này được phát minh bởi một cậu bé có tên là Nick Allen, gây một chấn động lớn trong quá trình hình thành ngôn ngữ. Nhưng trước hết, hãy theo dõi câu chuyện.

Nick là học sinh lớp 5 của trường Lincoln, một trường tiểu học ở một thành phố nhỏ nước Mỹ. Nick lanh lẹ, thông minh và tinh nghịch. Trên đường đi bộ về nhà, trong lúc bị ám ảnh bởi câu hỏi “chữ đến từ đâu”, một ý tưởng lạ bất ngờ nảy ra trong đầu Nick: thay vì gọi cây bút là “pen”, cậu tự đặt ra một tên mới là “frindle”, một từ chưa hề có trong từ điển. Nick cùng đám bạn viết một bản cam kết, thề rằng, kể từ nay, mọi người trong nhóm đều gọi cây bút là frindle thay vì pen. Từ đó, khi đi mua hàng cũng như khi vào trong lớp, đám học trò này nhất nhất gọi cây bút là frindle. Cô giáo của Nick, Granger, rất bực mình vì trò chơi chọc phá này, nên tìm cách thuyết phục các cậu học trò của mình từ bỏ trò chơi phá phách. Chữ pen, theo cô, “có một lịch sử lâu dài. Nó là một chữ có gốc có gác. Vì thế, nó tạo nên nghĩa.” Còn frindle là một chữ không gốc gác và vô nghĩa. Nick bướng bỉnh cãi lại: Chữ frindle có nghĩa đối với cậu và cậu chẳng có gì sai với chuyện này.

Sau nhiều lần không thuyết phục được cậu học trò cứng đầu, cô giáo nghĩ ra một kế khác. Cô gọi Nick vào phòng, rút ra từ trong ngăn kéo một phong thư. Cô bảo đây là lá thư cô viết cho Nick, nhưng sẽ chỉ gửi cho cậu chừng nào tất cả mọi chuyện xáo trộn mà Nick gây ra chấm dứt. Cô bảo Nick hãy ký vào sau bì thư như là dấu niêm phong để bảo đảm là sau này, khi Nick nhận được lá thư thì nội dung bên trong không có gì thay đổi. Biết cô giáo nhất quyết muốn ăn thua đủ với mình, Nick ký ngay không suy nghĩ.

Cuộc đấu tranh về chữ frindle giữa cô giáo Granger và cậu học trò Nick cùng các học sinh trong trường bênh vực cậu lần lượt vượt ra khỏi ngôi trường tiểu học nhỏ bé, đi vào báo chí và truyền hình, lan ra toàn thành phố và trở thành một sự kiện toàn quốc. Từ học sinh tiểu học cho đến học sinh trung học, tất cả đều dùng chữ frindle mà không dùng chữ pen nữa. Nick trở thành một nhân vật quốc gia, một anh hùng.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CBS, cô giáo Granger cho biết: Tôi luôn luôn cho rằng từ điển là dụng cụ tốt nhất nhằm dạy dỗ các trẻ em. Trẻ em cần biết rằng có những quy luật về chữ và ngôn ngữ, những quy luật này có một lịch sử tạo ra nghĩa cho chữ. Giả sử rằng một chữ tiếng Anh nào rất hay có thể được thay bởi một chữ được bịa ra ngớ ngẩn chỉ để làm trò đùa, thì đó không phải là điều khiến tôi ngồi yên nhìn mà không chống lại. Nick trả lời phỏng vấn bằng một lập luận khác: Cô giáo Granger của tôi cho rằng tất cả mọi chữ trong từ điển đều được tạo ra bởi con người, và chúng có nghĩa chỉ bởi vì chúng ta cho chúng ý nghĩa. Do đó, Nick nghĩ rằng sẽ là lý thú khi tạo ra một chữ mới và xem thử điều đó có đúng không. Điều nực cười là, theo Nick, ngay dù cậu phát minh ra, bây giờ, chữ frindle thuộc về mọi người chứ không còn là của riêng cậu nữa.

Từ hôm đó trở đi, toàn nước Mỹ dùng chữ frindle thay cho chữ pen. Nick thắng cuộc, cô giáo Granger thua cuộc. Mọi chuyện sau đó dần dần đi vào quên lãng. Cho đến một hôm, khi đã lớn khôn, Nick nhận được một bưu kiện gồm có cuốn từ điển “Webster’s College Dictionary” mới và một phong thư. Anh ngạc nhiên khi nhìn thấy lại chữ ký của mình trên phong thư. Và nhớ ra đó chính là phong thư cô giáo đã đưa cho anh ký 10 năm trước để làm dấu niêm phong.

“Khi em đọc lá thư này thì chữ frindle đã được ghi thêm vào trong từ điển. Chúc mừng em.” […]

Thế giới đã thay đổi bằng một triệu cách khác nhau. […] Có quá nhiều điều đã thành lỗi thời. Nhưng sau bao nhiêu năm tháng, những con chữ vẫn còn quan trọng. Mọi người đều cần chữ. Chữ được dùng để suy nghĩ, để viết, để mơ mộng, để hy vọng và để cầu nguyện. Đó là lý do tại sao cô mê từ điển. Nó kéo dài. Nó hoạt động. Và như em biết, nó cũng thay đổi và phát triển.”

Thì ra, cô Granger không hề thua cuộc như anh nghĩ. Chính cô giáo đã thầm lặng chấp nhận trò chơi đầy sáng tạo của cậu học trò nhỏ và biết rằng Nick chắc chắn sẽ thành công.

*

Thực ra, frindle chỉ là hư cấu. Nó là tựa đề một tác phẩm, tác giả là Andrew Clements, một nhà văn sinh trưởng năm 1949 tại Camden, tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ. Là một truyện dành cho trẻ con lứa tuổi 8-12, nội dung của Frindle chỉ giới hạn trong một số chi tiết đơn giản và dễ hiểu. Dẫu vậy, đây là một truyện có tính cách luận đề. Tôi thích truyện trẻ con này chỉ vì, khác hẳn với những luận đề vẫn thường bắt gặp trong các truyện trẻ con như tình gia đình, tình bạn hữu, tình thầy trò, tinh thần kỷ luật, sự chăm chỉ học hành, nó đưa ra một luận đề khá “cao cấp”: sự ra đời của một con chữ. Luận đề đó được gói ghém trong một cuộc “chiến tranh chữ” giữa đám “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” và cô giáo.

Image result for Frindle Andrew Clements,Đi vào thực tế, trước hết, chữ chỉ là ký hiệu. Tự nó, nó vô nghĩa. Nghĩa chỉ là cái con người áp đặt một cách độc đoán vào ký hiệu. Một chữ có thể bắt đầu do có ý định hay do tình cờ, đôi khi rất vô nghĩa, thậm chí kỳ quặc. Ấy thế mà khi đã được cộng đồng chấp thuận (một cách vô thức) do sự lặp đi lặp lại lâu ngày, thì nó trở thành từ vựng và lúc đó, nó không thuộc về ai cả, kể cả người tạo ra nó. Rất nhiều chữ mới đã được tạo ra trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại và đã trở thành từ vựng một cách tự nhiên: cờ máu, đón gió trở cờ, Little Saigon, cưỡng chiếm, thuyền nhân… hay những từ ghép nửa Việt nửa Mỹ như “ăn oeo-phe”, “róp” (job; tôi vừa được một cái róp thơm), óp (layoff) (Hắn bị óp rồi), “cày” (đi cày hai, ba róp), “mu” (move: chuyển chỗ ở; Nàng mới “mu” qua Texas). Cũng như trong nước: báo chí lề trái, dân oan, khủng, giường cứng giường mềm… Hay như trước đây thời Việt Nam Cộng hòa: bề hội đồng, dân biểu gia nô, nằm vùng, đối lập cuội, xuống đường, đêm không ngủ, đi bưng… Hàng năm, người ta ước tính có chừng 800 từ vựng mới gọi là neologism thêm vào trong tiếng Anh. Để có từ mới, Peter Sokolowski, cộng tác viên biên tập của Công ty biên soạn từ điển Merriam-Webster’s Collegiate® Dictionary, cho biết: “Chúng tôi theo dấu những con chữ […] năm này qua năm khác cho đến khi chúng tôi cảm thấy nghĩa của chúng đã ổn định đủ để cho chúng vào trong từ điển. Tiếng Anh mới đây cũng có những từ mới: Trumpism (tính cách của ứng cử viên tổng thống Donald Trump), Brexit (nước Anh ra khỏi Cộng Đồng Âu Châu).

Hai mươi năm sau khi tác phẩm ra đời, Andrew Clements nhận được tin vui: Frindle nhận được giải thưởng Phoenix Award 2016. Đây là giải thưởng văn chương dành cho những tác phẩm viết về thế giới trẻ con bằng tiếng Anh, do hội “The Children’s Literature Association” thành lập. Đây là một tổ chức gồm có các thầy cô giáo, học giả, quản thủ thư viện, nhà xuất bản, nhà văn và phụ huynh nhằm khuyến khích những tác phẩm văn chương dành cho thiếu nhi. Trong lời loan báo trao giải, hội nhận định: “Tác giả đã nắm bắt được tinh thần cầu học đích thực và ca ngợi quyền năng của ngôn ngữ. Frindle đồng thời cũng chứng minh một thầy giáo giỏi có thể gây cảm hứng cho học trò của mình như thế nào, và quan trọng hơn, làm sao mà một cá nhân có thể ảnh hưởng đến toàn nhân loại. Một cậu bé bướng bỉnh, gây phiền phức đôi khi lại đưa đến những thành công bất ngờ.”

________

Tham khảo:

– Frindle, nxb Aladdin Paperback, NY 1988.

– Andrew Clements, Wikipedia: https://en.wikipedia.org/wiki/Andrew_Clements

Comments are closed.