PHỎNG VẤN VỚI LINH DINH: “NGHỆ THUẬT LUÔN CÓ TÍNH CHÍNH TRỊ”

clip_image001

Cuộc phỏng vấn với Linh Dinh – nhà thơ, nhà văn viết truyện hư cấu, dịch giả, nhiếp ảnh gia người Việt, người từng dành được học bổng Pew Fellow – bàn về những thách thức trong việc dịch các tác phẩm từ nhiều ngôn ngữ khác nhau, những chủ đề trở đi trở lại về sự bẩn thỉu và kệch cỡm trong tác phẩm của anh, và chính trị được kết hợp chặt chẽ trong nghệ thuật như thế nào.

Bạn đã đăng ký nhận bài của diaCRITICS chưa? Đăng ký để trúng thưởng! Đọc thêm chi tiết ở đây.

Linh Dinh là một nghệ sĩ nổi loạn. Lần đầu tôi đọc những truyện ngắn của anh là hồi đại học; tôi học xã hội học, và tìm đường đến với lớp học viết văn, lớp học thổi bùng niềm thích thú của tôi với việc viết truyện hư cấu.

clip_image003

Linh Dinh

Truyện của Linh Dinh rất mắc cười. Chúng không giống bất kỳ thứ gì tôi đọc hồi sinh viên, các tác phẩm của Raymond Carver, Amy Hempel, Ann Beattie. Truyện của Linh Dinh không theo kiểu mô hình thu nhỏ được giới học thuật chào hàng. Trái lại, truyện của anh bùng nổ. Có những gã đàn ông mua các cô dâu ngoại quốc, các cô bồ tình cờ, các cô gái điếm Việt Nam có nhân cách. Có sự kệch cỡm trong tác phẩm của anh, sự kệch cỡm không tìm thấy trong các câu chuyện hiển linh trong nhà yên ả của các nhà văn viết truyện hư cấu khác.

Những thằng chồng tồi tệ, những bà mẹ kế giận dữ, nhà tù, gái điếm là đề tài trong tiểu thuyết đầu tay của anh, Yêu như ghét (Seven Stories Press, 2010), trong đó một bà chủ quán café người miền Nam Việt Nam tìm chồng Việt kiều cho con gái mình. Bà không biết rằng, Mỹ là một tai ương sầu thảm, y hệt Việt Nam hậu hiện đại, cái tai họa được xã hội hóa, tai họa được tạo ra từ những bảng quảng cáo lệch pha, dân bản xứ ăn đồ ăn ngoại quốc, các hộp đêm chơi nhạc heavy metal. Cuốn tiểu thuyết vừa là bức chân dung gần gũi về Việt Nam vừa là lời bình luận sâu sắc về đất nước này thời hậu chiến, đất nước giờ có đầy người có rất ít ký ức chiến tranh.

Dinh đã rất tốt bụng dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn qua email về tiểu thuyết của mình, hàng loạt công việc anh làm, và chính trị.

Nghệ thuật của anh chứa đựng nhiều phương tiện truyền đạt – một dạo anh vẽ tranh, một dạo anh làm thơ, viết truyện hư cấu, chụp hình, chưa tính đến những bài tiểu luận chính trị và dịch phẩm. Làm thế nào anh tham gia được nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau đến thế? Anh thích làm việc với hình thức nghệ thuật nào?

Hồi còn bé cho tới 32 tuổi, tôi bị thuyết phục rằng mình là một nghệ sĩ. Viết lách bắt đầu sau này, ở trung học, dù tôi không hoàn toàn chắc mình được quyền viết bằng tiếng Anh. Tôi tới Mỹ năm 11 tuổi, một lứa tuổi khá khó để học ngôn ngữ thứ hai, dù việc này cho phép tôi gắn bó với tiếng Việt. Ở đại học, trong khi theo chuyên ngành vẽ, tôi bắt đầu nghiêm túc nghĩ về việc làm thơ. Tôi cũng cố cho ra những bản dịch đầu tiên khi đó. Tôi đọc thơ dân gian Việt Nam, rồi Hồ Xuân Hương, các nhà văn thời kỳ Đổi mới, cụ thể là Nguyễn Huy Thiệp. Cuốn đầu tiên của tôi là một hợp tuyển văn Việt mới trong đó tôi dịch phân nửa số truyện. Để có cuốn này, tôi đã phải về Việt Nam, lần đầu vào năm 1995, và tôi có thể thực hiện điều này là nhờ học bổng Pew Fellowship dành cho thơ ca và hội họa mà tôi đã đạt được.

Tôi bỏ vẽ không lâu sau đó vì những lý do kinh tế và chiến lược. Như đã nói đâu đó, tôi không muốn mạo hiểm thất bại ở cả viết lách lẫn vẽ vời vì phân tâm, dù những năm sau này đã chứng tỏ rằng tôi hoàn toàn vui vẻ và hiệu quả khi bị chia làm hai, ba, hay nhiều hơn thế. Hiện giờ tôi chủ yếu viết các bài tiểu luận chính trị và chụp ảnh, thi thoảng vẫn làm thơ, bao gồm một bài thơ bằng tiếng Việt hai tháng trước. Nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Bình cứ email và gọi điện cho tôi về một bài thơ và tôi đã thô lỗ lờ chị đi cho tới một hôm tình cờ tôi mở điện thoại cầm tay xem, nghĩ đó là Press TV, kênh truyền hình của Iran, trên đó tôi xuất hiện nhiều lần. Cuối cùng, bị Bình bắt bí, tôi đã viết bài thơ tiếng Việt mà mình cảm thấy hay, thứ gì đó mình đã không làm trong nhiều năm. Khi sống ở Việt Nam từ năm 1999 tới 2001, tiếng Việt của tôi tự nhiên được cải thiện, nhưng tôi không bắt đầu viết bằng tiếng Việt cho tới khi trở lại Mỹ. Dù dịch hay sáng tác, tác phẩm bằng tiếng Việt của tôi rõ ràng ảnh hưởng tới việc viết bằng tiếng Anh, nhưng ảnh hưởng như thế nào và tới mức nào thì lúc này đây tôi chưa sẵn sàng xác định. Tôi đã sống gần ba năm ở Châu Âu, nên tiếng Ý và tiếng Anh của người Anh cũng ảnh hưởng tới tôi. Phân nửa cuốn Máu và Xà phòng của tôi được viết khi tôi ở Ý, trong hai năm nghe nói gần như không dùng tiếng Anh. Tôi đã dịch vài bài thơ tiếng Ý sang tiếng Anh và tiếng Việt, và nếu thế chưa đủ tự phụ, tôi còn quyết định dịch vài bài thơ bằng tiếng Anh của mình sang tiếng Ý. Tôi tin những thử thách điên khùng tốt cho bạn, vì chúng kéo giãn tâm trí bạn ra, nhưng cũng tốt khi bạn đứng ngoài một hay nhiều ngôn ngữ, để tươi mới, cười cợt, và đặt câu hỏi về nó. Tôi đã dịch bài thơ “Đất hoang” của Eliot sang tiếng Việt, và xuất bản. Đa phần những hoạt động này không được trả công, dù, xin nói thêm là, tôi đã may mắn dành được ít khoản tài trợ khi làm chúng. Song ở tuổi 49, tôi sống rất bấp bênh. Còn về phương tiện truyền đạt mà tôi thích nhất, thì đó là bất cứ thứ gì tôi hiện làm. Tôi là người khá tùy hứng. Tôi không thể không làm những gì đang làm ở mỗi thời điểm. Giống như hầu hết nghệ sĩ/nhà văn, tôi có thể dùng nhiều thời gian, tiền bạc hơn, nhưng trong phạm vi sinh kế của mình, tôi cố hết sức để vẫn hiệu quả. Tôi xua đi hầu hết những thứ làm mình xao lãng nhất. Nghĩ ngợi những gì tốt đẹp khiến tôi thấy vui.

Là dịch giả, anh đã đối mặt với những thử thách gì? Quá trình dịch với anh giống như cái gì – chẳng hạn, anh được tự do bao nhiêu với văn bản dịch? Anh có cho dịch là hành động sáng tạo hay hành động quay trở lại với ý định của người sáng tạo? Quá trình dịch khác nhau thế nào giữa dịch tác phẩm của người khác và dịch tác phẩm của chính mình?

Tôi cố càng trung thành càng tốt với văn bản gốc, và tôi làm việc này tốt hơn nhiều qua năm tháng. Ban đầu, tôi hơi vụng về, xin lỗi khi thú nhận thế, nhưng càng đi xa ta càng khôn hơn. Hồi còn thanh niên, tôi gặp nhà thơ Stephen Berg, và ông rất tử tế với tôi suốt nhiều năm, nhưng từ ông, tôi học cách không dịch là như thế nào. Dịch “các phiên bản” thơ của người khác, Berg rất tự do, nhưng đó chính xác là những gì tôi không muốn làm, trừ phi tôi dịch một trong số những bài thơ của mình, dĩ nhiên rồi, khi đó tôi không thực sự dịch mà sáng tác một bài thơ tương đương bằng một ngôn ngữ khác. Nhiệm vụ của người dịch là trong khả năng tốt nhất của mình bộc lộ được tác giả chứ không bôi trét mình vào tác phẩm, rồi bóp méo nó đi. Là người đã dịch nhiều tác giả khác, tôi biết rõ điều đó gây bực dọc đến thế nào. Trước khi viết trực tiếp bằng tiếng Việt, tôi đã dịch bảy, tám nhà văn Việt Nam, và dù họ đều viết hay, làm điều họ định làm đúng, thì tôi vẫn không vui. Đọc những bản dịch tác phẩm của mình sang tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha trước khi in, thực tế tôi đã chỉnh sửa mọi dòng, mọi câu. Dĩ nhiên, với một ngôn ngữ mà ta không thể giải mã, thì ta hoàn toàn phụ thuộc vào dịch giả. Cách đây không lâu, tôi nhận được email từ Sussu Laaksonen, “Tôi đọc tác phẩm của anh qua bản dịch tiếng Phần Lan trên mạng, và với tư cách cũng là nhà văn, dịch giả, tôi nghĩ trách nhiệm của mình là phải bảo anh rằng tôi nghĩ những bản dịch này chất lượng rất kém và không công bằng với tác phẩm của anh. Chúng đọc lên cứ như trò đùa. Tôi nghĩ lý tưởng thì chúng đừng nên đăng trên mạng, và hẳn nhiên không nên in nếu ai đó có ý định muốn in.”

Có thống kê là chỉ 3% sách ở Mỹ là tác phẩm dịch. Dĩ nhiên, điều này khiến nhiều nhà văn quan trọng nằm ngoài tầm ngắm của nhiều độc giả Mỹ. Tác giả nào viết bằng tiếng Việt mà chúng ta nên chú ý tới? Ai viết các tác phẩm quan trọng? Anh ngưỡng mộ tác phẩm của ai?

Nhiều nhà văn đang nằm ngoài tầm ngắm, chứ không chỉ nhà văn nước ngoài. Nhiều người bị truyền thông đại chúng xao lãng hơn bao giờ hết và với quá nhiều thứ vớ vẩn trên Internet, mọi người giờ đọc văn chương ít nghiêm túc hơn, rồi với nền kinh tế đang suy sụp, hầu hết các nhà xuất bản đang ngập đầu trong khó khăn. Còn với các nhà văn Việt Nam có tác phẩm đã được dịch sang tiếng Anh, tôi cũng không cập nhật như hồi trước. Song tôi cũng xuất bản một hợp tuyển thơ ca Việt Nam mới. Chỉ một nhúm 27 nhà thơ được nhắc đến và được độc giả tiếng Anh biết tới, mà vậy là rất ít. Trong số đó, chỉ một người, Phan Nhiên Hạo, có một tuyển tập đầy đủ bằng tiếng Anh, Đêm, cá và Charlie Parker, mà tôi dịch. Nguyễn Quốc Chánh cũng được mô tả tốt trong hợp tuyển này. Anh ấy chắc hẳn phải được nhiều người biết tới hơn. Vài năm trước, Chánh và tôi được mời tới đọc thơ ở Berlin, và tôi vui vẻ nói rằng người Đức tìm thấy Chánh qua dịch phẩm của tôi. Những gì chúng ta cần là thêm nhiều dịch giả từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Hải-Đăng Phan là một dịch giả mới tốt. Nhân thể, anh ấy viết phần giới thiệu cho hợp tuyển của tôi. Còn về văn, Trần Vũ có một tuyển tập bằng tiếng Anh, nhưng hầu hết truyện hay nhất của anh chưa được dịch ra. Vì chúng khó dịch hay. Thường những tác phẩm dễ đọc hoặc nhà văn dễ đọc được dịch ra, trong khi những người gắn với ngôn ngữ, những người giàu chất văn hơn lại bị bỏ qua. Trần Dần, một trong số nhà thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ 20, rơi vào số này. Nhân thể, nhân cách cũng nên được tính đến. Bùi Hoằng Vị là một nhà văn viết truyện hư cấu thú vị, nhưng anh ta rất khó làm việc. Anh ta nói xấu mọi người, quay lưng với tất cả bạn bè, kể cả tôi, nên không ai dịch tác phẩm của anh ta. Tôi nghĩ anh ta thực ra cố dịch một số truyện của mình nhưng kết quả thật khủng khiếp. Khi lần đầu gặp Vị hồi sống ở Saigon, tôi hỏi Nguyễn Quốc Chánh, “Mấy truyện này hay quá! Sao không ai kể cho mình nghe về tay này vậy?” Chánh đáp, “Ồ, thằng này không chơi được đâu. Không ai chịu nổi nó. Nó mới nói chuyện với cậu, lát cậu quay lưng đi, nó nói xấu cậu liền.” Dù sao, khi bàn về dịch thuật, thì có rất nhiều cạm bẫy khả dĩ, và có ít sự khích lệ rõ ràng, song tôi vẫn nghĩ tất cả các nhà văn nên được dịch ra. Đó là cách hay để học hỏi, rất sâu, về ngôn ngữ.

clip_image004

Anh đã sơ lược chạm tới tình trạng của ngành xuất bản và các mối xung đột trong giới cầm bút. Thay đổi chủ đề một chút, anh có gặp khó khăn nào khi xuất bản tác phẩm của mình với tư cách một nhà văn người Mỹ gốc Việt không? Là nhà văn người Mỹ gốc Việt, thì tác phẩm của ai không nhất thiết trùng lắp các câu chuyện đồng hóa xã hội và hòa giải thời hậu chiến? Còn với tư cách nhà văn thể nghiệm thì sao?

Tôi không cố viết để được xuất bản. Trước khi cuốn đầu tiên của mình ở bất kỳ thể loại nào được in, tôi gửi thơ, truyện, bản dịch tới các tạp chí văn chương, và được đăng một mớ, dĩ nhiên không được đăng ngay. Giống mọi người, ban đầu tôi cũng thường bị từ chối. Năm 1995, tôi gặp Dan Simon, làm việc cho Nhà xuất bản Seven Stories Press, qua Phong Bùi, một người bạn cũ của tôi ở Philly, sau này làm việc với bên NXB Brooklyn Rail. Thật ra, chúng tôi gặp nhau ở Brooklyn, trong một quán rượu, và tôi bảo Dan rằng mình sắp về Việt Nam lần đầu. Dan khi đó đề nghị tôi làm một hợp tuyển cho anh, và kết quả khoảng một năm sau là cuốn Lại đêm. Việc hợp tác với Simon cho ra cuốn Nhà giả, Máu và Xà phòng, Yêu như ghét, ba cuốn truyện hư cấu của tôi. Còn về thơ, tôi tạo dựng danh tiếng của mình ở Philly nhờ các buổi đọc thơ, hầu hết ở quán Bacchanal, một quán rượu, nhưng cũng vì tôi cố dành cho được học bổng Pew Fellowship. Từ danh tiếng địa phương này, tôi có thể in một cuốn thơ bỏ túi thông qua NXB Singing Horse ở Philly, cuốn thơ nhanh chóng được Ron Silliman, người mới tới Philly, ca ngợi. Sau đó, Silliman kéo tôi sang Chax Press, giờ là nhà xuất bản chính thơ của tôi. Dù không thụ động, tôi cũng không quá hăng hái trong việc thúc ép bản thân hay tác phẩm của mình. Tiêu điểm chính của tôi, lúc đó lẫn bây giờ, là dùng thời gian viết nên tác phẩm. Tôi không tham dự các hội nghị. Thật ra, tôi khó hòa hợp với các nhà văn, cả trên mạng lẫn ngoài đời. Với niềm đam mê mới về viết văn chính trị, tôi đơn thuần gửi các bài viết tới CounterPunch, Dissident VoiceIntrepid Report. Common Dreams thường đều đặn đăng bài của tôi, và tôi được nhiều độc giả biết tới, xét từ khía cạnh bình luận, nhưng tờ báo ngừng đăng, vì rõ ràng, tôi quá cỡ với nó. Người ta không nên biến dạng bản thân để phù hợp với nơi nào đó. Dù từng xuất hiện vài lần trên báo GuardianThời báo New York, tôi không thực sự thuộc về những nơi đó, không phải vì dở, mà vì những gì tôi nói. Ngay cả khi cố hết sức, cũng rất khó để nói (gần như) tất cả hay (gần như) chính xác những gì bạn phải nói, những gì bạn có bổn phận phải nói, những gì bạn bắt buộc phải nói, nhưng nếu không cố làm thế, nếu quá hào hứng để thỏa mãn, thì bạn sẽ lạc lối. Bạn lạc lối và chẳng có giá trị gì.

Anh có coi những bài tiểu luận chính trị của mình là thể loại viết hoàn toàn khác, hay anh coi nó như một sự mở rộng thơ văn của mình? Liệu ta có thể tách rời nghệ thuật và chính trị? Liệu chúng có nên như thế?

Đầu tiên, nghệ thuật luôn có tính chính trị. Bước vào bất cứ bảo tàng nghệ thuật hiện đại nào, bạn sẽ ngay lập tức được chào đón bằng những bức tranh sơn dầu dạng thu nhỏ, những thứ tương tự trang trí sảnh các công ty, và không giống những chữ chi làm hài lòng kẻ cục súc, những bệt màu, đường vằn vện được các CEO tài trợ có giá cao khủng khiếp. To lớn nhưng hời hợt, chúng làm ta kinh hãi, nhưng không làm khách hàng khó chịu. Chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng chẳng hạn. Tự do về mặt nội dung, nó gần như phi chính trị, nhưng nó trùng hợp chính xác với kiểu làm dáng quá nam tính của nước Mỹ, hay lấy Thơ Ngôn ngữ làm ví dụ. Với sự uốn khúc liên tục và những thay đổi nhanh chóng, dòng thơ này bắt chước truyền hình, nên cũng có tính chính trị, vì nó củng cố những phương thức truyền thông làm mê man, xoa dịu của các chủ nhân của chúng ta. Tôi có thể dẫn ra cả ngàn ví dụ khác, trong đó nghệ thuật hay văn chương phục vụ tầng lớp thống trị, hoặc củng cố tư tưởng của tầng lớp ấy. Cho nên không nên tách rời các bài tiểu luận chính trị khỏi văn thơ của tôi, không chỉ vì tôi cũng có tính chính trị như mọi người khác, mà vì tôi luôn chính trị một cách có ý thức, và luôn nêu bật suy nghĩ xã hội và chính trị trong mọi thứ mình làm. Hơn nữa, nghệ sĩ hay nhà văn đang ngày càng bị xếp ở chiếu dưới trong nền văn hóa này, khi mỗi người được mong là ngoan ngoãn, hiền lành trong căn nhà ổ chuột nhỏ bé của mình, nơi lòng tự trọng của anh ta được một nhóm người giống như anh ta dựng nên, dù xã hội lớn hơn chẳng để mắt gì tới anh ta. Tôi tin nhà văn và nghệ sĩ nên đấu tranh để trở thành những trí thức công khai. Rõ ràng không phải tất cả, vì tâm tính mỗi người khác nhau, nhưng khi hầu hết trí thức đều lảng tránh việc đối thoại công khai, thì xã hội của bạn đang gặp rắc rối to, mà đây chính xác là tình trạng chúng ta đang mắc phải. Tôi cũng xin nói thêm, tôi tiếp cận việc viết văn chính trị của mình bằng tất cả niềm đam mê và những kỹ năng xứng đáng, và việc viết văn làm thơ đã nhuộm màu, thấm nhuần một cách rõ ràng các bài luận chính trị của tôi.

Các bài tiểu luận chính trị của anh chạm đến nhiều đề tài khác nhau – truyền thông, bầu cử, kinh tế. Anh nghĩ xã hội chúng ta hiện đối mặt với vấn đề to lớn nào nhất? Hay đó là các vấn đề chồng chéo, xoắn bện vào nhau?

Có vài chủ đề chính trong văn chính trị của tôi. Tôi vẫn nhấn mạnh rằng chính quyền Mỹ không phải vớ vẩn hay không có khả năng, mà là tội phạm khi nhà cầm quyền của chúng ta cứ tạo điều kiện cho các tội ác chiến tranh ở nước ngoài, các tội ác tài chính và sự xói mòn tự do ở trong nước. Những tên tội phạm mà chúng ta tiếp tục bầu lên này không phục vụ cũng chẳng quan tâm tới việc phục vụ chúng ta. Tôi trước vẫn nói, giờ thi thoảng vẫn thế, rằng nước Mỹ đang trong giai đoạn suy thoái không thể đảo ngược, nhưng điều đó không có nghĩa ta nên thụ động. Từ 2005, tôi đã dạy một khóa học có tên “Nhà nước Liên hiệp” ở ba trường đại học khác nhau, Naropa, Upenn và ĐH Montana. Hội thảo thơ năm đó, tôi yêu cầu sinh viên kết hợp viết về các vấn đề xã hội và chính trị. Nhà nước Liên hiệp cũng là tên bức hình và blog tiểu luận chính trị của tôi. Tôi bắt đầu viết năm 2009, và đã đi qua nhiều bang để quan sát, ghi chép trực tiếp sự hỏng hóc về mặt kinh tế, xã hội của các bang liên hiệp này. Dĩ nhiên, với nguồn tài chính rất hạn hẹp, tôi chỉ có thể làm đến thế. Nếu có nhiều tiền hơn, tôi sẽ lên đường suốt. Mối quan tâm tới sự sụp đổ xã hội của tôi cũng hiện diện trong cuốn tiểu thuyết Yêu như ghét, nhưng cuốn này cũng nói về sự tái sinh, dù là sự tái sinh đầy hỏng hóc. Tôi mất 9 tháng ở East Anglia, và chuyến đi ấy cho tôi cơ hội nghĩ sâu hơn về W. G. Sebald và cuốn Các vòng đai Thổ tinh, một suy ngẫm về sự chết của con người và xã hội. Vậy nên suy sụp là chủ đề chính trong tác phẩm của tôi, nhưng bạo lực, đặc biệt là bạo lực ngẫu hứng, không đáng có, và khoảng trống hay hố sâu giữa bề mặt và thực tại, cũng hiện diện, vì thế thơ, truyện, hay các bài tiểu luận của tôi tập trung vào ngôn ngữ.

Tôi có thể thấy một chủ đề khác trong tác phẩm của anh là sự bẩn thỉu và kệch cỡm. Chẳng hạn, tiểu thuyết của anh đầy những gái điếm, chiến tranh, nhà tù, v.v.. Song nó toàn được kể bằng sự hài hước thích thú. Anh đã nói “Tôi kết hợp sự bẩn thỉu hay không sạch sẽ để khiến bức tranh khỏe hơn – chứ không làm ô uế thứ gì.” Anh có thể giải thích rõ hơn về sự bẩn thỉu và khỏe mạnh trong tác phẩm của mình? Tại sao bẩn lại khỏe?

Chúng ta sống trong nền văn hóa tiêu thụ, nền văn hóa để bán, nên nó tán tụng mọi thứ, thậm chí cả sự đau đớn cùng cực hay dơ bẩn. Bẩn thỉu được xóa khỏi bức tranh, hoặc biến đổi, chuyển đổi thành thứ gì đó không thể cưỡng lại, hấp dẫn, và trên hết là có thể bán được. Tuy nhiên, sự suy đồi đó không bị che đậy trong tác phẩm của tôi. Bằng cách kéo sự suy đồi vào tranh, tôi khiến nó hoàn chỉnh hơn, vì thế khỏe hơn, hay lành mạnh hơn. Lành mạnh từ chữ “sanus” trong tiếng Latin mà ra, nhân tiện, có nghĩa là khỏe mạnh hay lành mạnh. Trong tiếng Ý đương đại, “sano” đơn giản nghĩa là “khỏe mạnh.” Dù sao đi nữa, khi kéo đất cát, cái chết, sự dơ bẩn từ sau tấm rèm, hay dưới gầm bàn ra, cho vào khung hình, là tôi chỉ cho thấy những gì mọi người chúng ta đã ý thức hằng ngày. Thật ra, nhiều lần hằng ngày. Trong bất cứ trường hợp nào, những gì tôi làm hầu như chẳng phải tiểu thuyết, mà gần với nghệ thuật nói chung, khi bàn về nghệ thuật hay văn chương nghiêm túc, vì một tác phẩm không nghiêm túc trừ phi nó chỉ ra sự mục rữa. Đó là chủ đề ẩn hiện trong mỗi bài thơ hay câu chuyện nghiêm túc. Nếu một tác phẩm liên quan tới thời gian, thì nó nhảy múa với sự mục rữa rồi. Còn về nhà tù trong văn của tôi, đó là ẩn dụ cho những khả năng bị ngăn trở, thứ mô tả toàn bộ cuộc sống của chúng ta trừ ngoại lệ.

clip_image005

Love Like Hate (Seven Stories Press 2010)

Anh nói Yêu như ghét là về sự tái sinh. Và việc nó chủ yếu diễn ra ở Việt Nam – chỉ có vài cảnh ở Mỹ – rất quan trọng. Nếu Mỹ đang trong quá trình suy sụp, thì anh nghĩ gì về xã hội Việt Nam?

Yêu như ghét có nói tới Chiến tranh Việt Nam, sự sụp đổ kinh tế thời hậu chiến, rồi sự bình phục do Đổi Mới, nghĩa là “Quá trình tái sinh”, đem tới. Suốt cuộc chiến, nhiều tiền của đổ vào miền Nam Việt Nam, nên có sự thịnh vượng ở đây, dù dĩ nhiên, khổ ải mà con người gánh chịu do bạo lực đến từ mọi phía thì không diễn tả nổi. Tuy nhiên, sau khi miền Nam sụp đổ, đất nước bước vào thời kỳ khó khăn mới, mà một trong những hậu quả là làn sóng thuyền nhân rời bỏ đất nước. Lòng hận thù, sự tham lam và kém cỏi của chính quyền Cộng sản đóng vai trò then chốt, nhưng cũng không giúp Việt Nam tránh khỏi bị Trung Quốc tấn công, nhằm đáp trả việc Việt Nam xâm lược Cam-pu-chia, điều dĩ nhiên khiến Việt Nam tốn nhiều tiền của và nhân lực. Trong khi đó, Mỹ áp đặt lệnh cấm vận, còn Liên Xô cắt viện trợ vì Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc và cũng vì nền kinh tế Liên Xô đang gặp khó khăn do việc Liên Xô dính líu ở Afghanistan. Trong cơn có thể nói là bĩ cực ấy, Việt Nam chỉ có thể tiến lên, và nhờ Đổi mới, Việt Nam đã tiến lên thật, dù nhiều vấn đề vẫn tồn tại. Việt Nam cũng luôn chịu sự cai trị chuyên chế, dù là phong kiến, thuộc địa, chính quyền bù nhìn có sự trợ giúp của nước ngoài, hay, giờ đây là Đảng Cộng sản. Dù nhiều nhà bình luận thường khuôn các vấn đề nghiêm trọng nhất của Việt Nam vào thuần túy về mặt chính trị, thì nhiều vấn đề trong số đó, tỉ như tham nhũng, chế độ gia đình trị, và bạo lực với kẻ yếu, rõ ràng có tính xã hội và về bản chất thuộc về văn hóa. Một nhà văn lớn như Hồ Biểu Chánh hiểu điều này rất rõ, vậy nên mục tiêu chính của 64 cuốn tiểu thuyết của ông là cải tạo nhân cách người Việt. Ông muốn chỉ ra những thói hư tật xấu, dĩ nhiên, cả những điều hay, của người Việt, và thường làm nhục họ để họ hành xử tốt hơn. Tiến lên phía trước, Việt Nam dĩ nhiên có thể cải thiện, không chỉ về mặt chính trị, mà còn về mặt văn hóa và xã hội. Ta có thể nói rằng trừ phi có những thay đổi về mặt văn hóa, xã hội, còn thì một đảng, hay nhiều đảng, cầm quyền đều không quan trọng. Thách thức mà Việt Nam, một nước nhỏ sống dưới bóng gã khổng lồ Trung Quốc, đối mặt rất khác với những gì đe dọa Mỹ, một nước siêu cường, nhưng những gì sắp tổn thương hai nước, và cả thế giới, là cái kết của sự tăng trưởng mà ta đã từng biết và mong đợi được biết. Tăng trưởng kinh tế đã được xác định dựa vào sự sẵn có của năng lượng giá rẻ, tức dầu mỏ, và khi đỉnh xăng dầu đã đạt, thì ta đang chứng kiến sự sụp đổ tài chính và chính trị nhanh chóng ở nhiều nước. Tất cả chúng ta sẽ nghèo hơn, chắc chắn là thế, nhưng mối đe dọa thực sự là cuộc tranh giành sắp tới đối với nguồn dầu, khí tự nhiên còn lại và các nguồn năng lượng khác. Nhờ dầu lửa, thế kỷ 20 là giai đoạn tăng trưởng chưa từng có, nhưng cũng vì thế là nỗi kinh hoàng không tưởng tượng nổi. Trong đại tiệc hỗn loạn này, Việt Nam nhận được nhiều máu hơn thức ăn, và giờ khi nó tham gia một phần vào bàn tiệc đó, thì bữa tiệc đã gần tàn.

Khi xã hội đi xuống, thì nhà văn – hay bất cứ nghệ sĩ nào – nên làm gì? Anh có lời khuyên nào cho các nhà văn hiện cầm bút hay không?

Một nhà văn có bức tranh to lớn trong tâm trí mình. Anh ta phải nhận ra những cuộc khủng hoảng ảnh hưởng tới cộng đồng tức thời của mình, tới đất nước, thế giới. Anh ta sẽ đọc sai các chi tiết nếu không hiểu những động lực lớn hơn đằng sau chúng. Sự thật là nếu anh ta làm việc bán thời gian hoặc làm công việc được trả lương thấp, sắp li dị, gần như không có nhà, nghiện sách báo khiêu dâm chẳng hạn, thì chuyện đó chẳng phải những sự kiện riêng tư, đơn lẻ mà là các phần của bức tranh to lớn hơn. Sự liên quan và cộng hưởng của tác phẩm phụ thuộc vào tầm nhìn của anh ta, vậy nên nếu anh ta hẹp hòi, tự mãn, tậm tịt, thì tác phẩm cho thấy hết. Đơn giản mà nói, nhà văn phải hiểu những gì đang diễn ra. (Không đùa đâu!) Dù phải có cái nhìn toàn diện về những gì đang xảy ra, dĩ nhiên nhà văn cũng phải chú ý tới những điều cụ thể, khi chúng hiển hiện trong môi trường tức thời của mình. Anh ta phải ở gần mặt đất, và nói thế, ý tôi là anh ta phải điều tra, theo nghĩa đen, nơi mình đang ở, và những người xung quanh. Anh ta phải liên tục quan sát mọi người, trực tiếp, và nghe những gì họ phải nói, và anh ta phải trải nghiệm thế giới của mình về mặt vật chất, bằng cách di chuyển trong đó bằng chính cơ thể mình, chứ không chìm xuống như những phiên bản bị lọc lựa, làm phai màu khi chiếu qua màn hình. Đây cũng là lúc tái sinh chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa đã mang hàm ý tiêu cực quá lâu. Hãy chào đón những nhà văn đậm chất San Mateo, Allentown hay Lake Charles, cách mà Hồ Biểu Chánh đậm chất Gò Công.

Người dịch: Nguyễn Vân Hà, M.A., Giảng viên Khoa Ngữ văn Anh, ĐH KHXH&NV, Tp.HCM. Đã dịch các tác phẩm Việt-Anh, Anh-Việt như truyện ngắn “Gấu vượt núi” và “Đầm đỏ” của Alice Munro đăng trên Tiền vệ và báo Hội Nhà văn, truyện “Của thừa kế” của Virginia Woolf đăng trên Phụ nữ Chủ nhật số 35/2002, Hồi ký Điện Biên Phủ của họa sĩ Phạm Thanh Tâm “Drawing under fire” (Sherry Buchanan biên tập, Asia Ink, London, 2005) và nhiều sách, truyện khác.

Linh Dinh sinh ra ở Sài Gòn, Việt Nam, năm 1963, đến Mỹ năm 1975, và đã sống ở Ý và Anh. Anh là tác giả hai tuyển tập truyện, Nhà giả (Seven Stories Press 2000) và Máu và Xà phòng (Seven Stories Press 2004), bốn tập thơ, Xung quanh trống rỗng cả (Tinfish 2003),American Tatts (Chax 2005), Cơ thể không biên giới (Factory School 2006) và Jam Alerts(Chax 2007), và tiểu thuyết, Yêu như ghét (Seven Stories Press 2010). Tác phẩm của anh lọt vào vài ấn bản hợp tuyển Thơ Mỹ hay nhấtNhững bài thơ vần Mỹ vĩ đại từ Poe cho tới hiện tại, và xuất hiện trong nhiều cuốn khác. Linh Dinh cũng làm công tác biên tập cuốn Lại đêm: Văn hư cấu đương đại từ Việt Nam (Seven Stories Press 1996) và Ba thi sĩ Việt Nam(Tinfish 2001), và dịch cuốn Đêm, cá, và Charlie Parker, dịch thơ của Phan Nhiên Hạo (Tupelo 2006). Anh cũng có nhiều tác phẩm tiếng Việt được xuất bản rộng rãi.

Eric Nguyen có bằng về xã hội học của ĐH Maryland và chứng chỉ về Nghiên cứu người đồng tính, song tính, chuyển giới. Anh hiện là ứng viên Thạc sĩ Chương trình Nghệ thuật của ĐH McNeese State và sống ở Louisiana.

Bạn có thích đọc diaCRITICS không? Nếu có thì xin mời đăng ký nhận bài ở đây.

Vui lòng bỏ chút thời gian chia sẻ bài này. Chia sẻ (qua email, Facebook, v.v.) giúp quảng bá diaCRITICS. Mời bạn tham gia vào câu chuyện và để lại lời bàn.

______________________________________________________________________

Nguồn: http://diacritics.org/?p=26035

Comments are closed.