Thơ Việt từ hiện đại đến hậu hiện đại (kỳ 24)

Inrasara

LÊ THỊ THẤM VÂN

Hiện sinh sống tại Hoa Kì.
Tác phẩm đã xuất bản:

Đôi bờ (tập truyện ngắn) 1993
Mùa trăng (tiểu thuyết) 1995
Việt Nam ngày tôi trở về (tiểu luận) 1996
Yellow light (thơ) 1998
Xứ nắng (tiểu thuyết) 2000
Âm Vọng (tiểu thuyết) 2003
Bóng gãy của thần tích (tiểu thuyết) 2005

Tác phẩm sẽ xuất bản:

Những người đàn bà đến từ Hỏa Tinh (tiểu thuyết)
Mùi của riêng em (thơ)

Thơ tuyển

Thương

Anh phải sống

Cánh cửa

Mùi riêng của em

Nước

nhắc nhủ nhau, một nơi chốn

chiều 26 tháng 12

LÊ THỊ THẤM VÂN, TIẾNG THƠ NỮ QUYỀN HẬU HIỆN ĐẠI

Như đa số người nữ viết văn làm thơ, Lê Thị Thấm Vân khởi sự viết bằng ý thức về bản thân và qua những gì xảy ra xung quanh thân thể mình. Đó là “bài học vỡ lòng” giúp nhà thơ nhận thức thế giới. Vỡ lòng qua từng mốc thời gian. Năm mười ba tuổi, năm mười lăm tuổi, rồi:

Trong đêm đen

năm mười bẩy tuổi

lần đầu tiên

khám phá ra thân thể kì lạ của người đàn ông

sau nụ cười-giọt nước mắt (tự) dâng hiến

là khoảng cách

hun hút dài

thăm thẳm dài

chập chùng dài

…..

Ơi! em lạc mất em.

(“Bài học vỡ lòng”)

Lạc mất mình và lên đường đi tìm mình đã mất. Nhưng không như nhiều nhà thơ nữ với vụ “đi tìm mình”, “dám là mình”, “hãy là chính mình” của họ – nỗi đi tìm mình như là một bắt chước đua đòi, nên vướng đọng không ít sự giả tạo, Lê Thị Thấm Vân đã tránh được làm dáng đó. Sự khác biệt này đâm rễ thật sâu vào nhận thức về sự lạc mất. Chẳng những lạc mất vào đối thể đang [mưu toan] chiếm hữu tôi hay tôi tự nguyện dâng hiến như là một đối tác luôn ở thế yếu mà, lạc mất ngay trong cách tôi nhận thức.

Ở đây là người làm thơ, nó được thể hiện qua thơ.

Như rất nhiều người nữ viết văn làm thơ khác, Lê Thị Thấm Vân khởi sự cuộc chữ bằng thơ tình lãng mạn và lãng mạn hậu thời.

tôi giấu thời gian vào trong tóc

tôi ủ mùi hương dưới làn da

tôi vỗ nhẹ tim tôi, hãy khoan đập mạnh

đợi chàng đến

chàng sẽ đến

vào mùa đông năm nay

(“Sáu bài thơ tình yêu – đợi chờ”)

Nhưng Thấm Vân ý thức rõ nó và nhanh chóng vượt thoát. Sự thể này khác xa với nỗi hời hợt và đồng bộ trong cái mới [hay cái ra vẻ mới] của không ít nhà thơ nữ hôm nay. Các tác giả trang bị thứ tâm lí rất kì lạ, vừa khao khát đồng lúc vừa sợ khác các bạn đồng hành. Thế là lặp lại nhau, vô thức hay hữu thức. Không chỉ ở ngôn ngữ thơ mà, ở chính thi ảnh và ẩn dụ. Hình ảnh “ngựa” là rất điển hình. Việt Nam không phải xứ ngựa, ở thành phố càng hiếm hơn, nhưng thơ nữ đang tràn ngập ngựa. Nếu ngựa Xuân Diệu (Và hồn tôi như ngựa trẻ không cương / Con ngựa chiến ngất ngây đường viêu viễn) biểu hiện nỗi ngây thơ, mơ mộng đẫm chất lãng mạn; hoặc ngựa của Hoàng Hưng là ngựa cô độc đầy kiêu hãnh lạc giữa tập thể bầy (Em là con ngựa non thon vó / Lạc giữa rừng người hoang vu) thì ngựa của các bạn thơ nữ trẻ hôm nay nhất tề hô khẩu hiệu đòi tháo cũi sổ lồng, giải phóng mình khỏi buộc ràng phép nhà xã hội. Tất cả – một giuộc!(1)

Đó chỉ là khẩu hiệu, đơn và thuần. Lê Thị Thấm Vân ngược lại – hành động. Sự sâu sắc trí tuệ và sức bùng vỡ bản năng đã giúp nhà thơ này làm được cuộc vượt thoát tâm thức lãng mạn hậu thời một cách ngoạn mục. Thân xác chỉ được khám phá trọn vẹn khi nó “tương giao” với thân xác khác, thân xác của giới khác. Thử xem “nhân vật” của Thấm Vân khám phá mình qua “Căn phòng 2.2 – âm thanh sóng”. Nhân vật này dõi theo từng động tĩnh của đối tác cùng chuyển biến tâm lí của mình. “Khi anh… khi anh…/ em…”. Để cuối cùng:

Khi anh bước ra khỏi bồn tắm, lau vội làn da đẫm nước, bên ngoài này, em trở người quay mặt vào vách, ngó bức tranh treo trên tường: màu lam trời chiều, vòm lá sồi vươn lên từ phía sau nóc nhà ngói đỏ, ô cửa sổ rất rộng. “Để người đàn bà dễ leo.” Anh nói. “Không phải, để cả hai cùng dễ leo.” Em nói.

(“Căn phòng 2.2 – âm thanh sóng”)

Anh nói: – Để người đàn bà dễ leo. “Đàn bà dễ” bật ra trên môi anh ngay lúc đó tưởng là ngẫu nhĩ, nhưng nó có cội rễ từ thẳm sâu tiềm thức anh, từ dài và lâu của truyền thống văn hóa dân tộc Việt: Đàn bà đái không qua ngọn cỏ. Nhưng không, em nói: – Không phải, để cả hai cùng dễ leo.

Không chút lép vế của giới nào xảy ra ở đây! Yêu nhau say đắm thể nào, làm tình cuồng nhiệt tận đâu nhưng vẫn bình đẳng trong cách suy nghĩ, hành động. Hố phân cách giới hoàn toàn bị san lấp. Suy nghĩ và hành động này còn được Thấm Vân khuếch trương ra bên ngoài xã hội, một xã hội lâu nay mãi sống trong nếp nghĩ, nếp làm đầy phân biệt đối xử: Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng.

Con gái mẹ,
Yêu ai, con cứ fuck họ
Ghét ai, con cũng có thể fuck họ.
Khinh ai, mẹ để tuỳ ý con.
 
Ai quý mến cưng chiều
con luôn tử tế biết ơn
nhưng không nhất thiết phải để họ fuck.
 
… Bố con biết tự sướng thân, vác cặc đi đụ tứ phương thiên hạ.
Còn lồn mẹ, cứ ủ kín để dành hiến dâng bố con đêm động phòng.
Đó là điều ngu nhất đời mẹ.

(“Trăng trối”)

Cái yếu nhất của đa số người nữ làm thơ là hiếm khi đưa thơ thoát khỏi quỹ đạo thân xác mình, giường chiếu hay ngôi nhà mình. Chỉ khi nào tôi học biết “tương giao” với thế giới bên ngoài, tôi mới nhìn ra bản thể tôi rõ hơn, từ đó tôi hi vọng lớn khôn thêm. “Tiếng kẹt cửa réo vang – một con đường”, như cách nói của Mai Văn Phấn.

Bên trong và bên ngoài. Thế giới của tôi hay không phải? Cắt chia cánh cửa bởi con ngươi mục ruỗng. Điều đã biết, chưa biết, không thể biết. Cánh cửa lôi tôi đi hay tôi trì giữ? Là biểu trưng bản sắc hay vói người nhìn lui? Cánh cửa vạch định thế giới tôi đang thuộc về đâu. Nhận diện gặp gỡ và đánh mất. Là xung đột (âm ỉ) mãnh liệt liên tục.

(“Cánh cửa”)

Thế giới là cánh cửa kín bưng. Giữa thế giới và tôi hiện hữu những cánh cửa. Đàn ông với tôi cũng là một loại cánh cửa. “Những người đàn ông đến với tôi mang theo trong họ biết bao cánh cửa. Họ mở miệng hoặc câm nín”. Bổn phận của tôi là khiến họ mở miệng. Để tìm đối thoại và đả thông. Đã lâu quá rồi thế giới bị áp đặt bởi độc thoại của đàn ông. Nữ quyền luận không chấp nhận hiện trạng đó. Bắt tay với hậu hiện đại, nữ quyền luận quyết giải tinh thần xã hội xây dựng trên nền tảng ở đó người nam được coi là trung tâm, người nữ chỉ là giới tính hạng hai le deuxième sexe chuyên đóng vai phụ hoặc không vai trò gì cả.

Tại sao “đàn bà không quan trọng bằng đàn ông”? Ai bày đặt ra câu mênh lệnh cấp “đừng có học cái thói cãi lời chồng”? Nếp nghĩ thâm căn ngàn năm ấy cần phải bị lật trái và xét lại, ở mọi khía cạnh và cấp độ. “Không” phải là tiếng nói phản kháng đầu tiên. Mượn cốt truyện “Anh phải sống” của Khái Hưng, Lê Thị Thấm Vân chế tác [đầy xuyên tạc] để lái câu chuyện sang hướng khác, phục vụ cho ý đồ bài thơ:

tôi muốn sống

… sao tôi không muốn sống?

… Anh phải sống

đó là lời hắn nói chứ không phải tôi đó nghe

(“Anh phải sống”)

“Anh phải sống” là tiếng nói đại biểu cho chế độ nam quyền, bật ra trong giây phút hiểm nghèo của số phận. Ngay cả một Diêm Vương nào đó, Diêm Vương được người nam bày đặt để thay mặt họ phát ngôn:

lời nói chị tôi ghi nhận

nhưng mà chị là đàn bà

đàn bà vốn lắm chuyện

không biết tôi có nên tin chị hay không?

(“Anh phải sống”)

Một phát ngôn khốn nạn! Nhưng tôi phải sống. “Đàn bà nơi đây đéo được phép ăn no nhưng hai bầu vú lúc nào cũng phải căng phồng chứa sữa tươi cho chabúchồngbúconbú và giờ thêm kháchbú” (“Iden(tôi)ty”). Tôi phải sống, nhưng muốn sống cho ra sống, tôi phải đi tìm tự do. Cho dù “giá tự do” có thể trả bằng đại dương nhục nhã, ê chề tù đày hoặc tôi phải mang chính sinh mệnh mình ra đặt cược:

Nhưng trời che mắt, bịt tai, ngoảnh mặt.

Con gái tuổi trăng rằm

ba lần bị

chín giống đực xịt tới tấp tinh khí vào âm hộ-hậu môn-mắt-mũi-miệng-tóc-tai-bụng-đùi-ngực…

Thân xác người thiếu nữ

là bữa cỗ ngon cho bầy cá

dưới ánh trăng rằm.

(“Giá tự do”)

Người con gái Việt Nam da vàng thời tiền chiến, thời chiến hay thời hậu chiến, cả người con gái Việt Nam thời bình, muôn đời vẫn thế. Họ đang trôi giạt Hàn Quốc, Đài Loan hay mắc kẹt “căn nhà thổ, trên đất Phnom Penh”. Họ bị mọi loại đàn ông đủ màu da sắc dân nằm phủ đè trên tấm thân quen chịu đựng. Họ chấp nhận chịu đựng với định đề muôn thuở: “Đàn bà không quan trọng bằng đàn ông”.

Nhận thức thế phận người nữ trong một xã hội còn chịu dư hưởng nặng nề của tư tưởng trọng nam khinh nữ của Khổng Mạnh, nhìn thẳng thực tế thảm trạng của người nữ Việt hôm qua và hôm nay, – bên cạnh Lê Thị Huệ viết để chống lại cơ chế xã hội được tạo dựng bởi chế độ đực tính qua hàng loạt kí sự sắc sảo hoặc, Phạm Thị Hoài phê phán kịch liệt “tư cách trí thức [đàn ông] Việt Nam” trong suốt quá trình lịch sử hay, ở chân trời khác, Trịnh T. Minh-hà, nhà nữ quyền hậu hiện đại sáng giá, vì những ý tưởng “là người Việt Nam” và “là đàn bà”, dù được chị trình bày thẳng thắn và thường xuyên, đã chỉ tồn tại như những đề tài trong nghệ thuật của chị và đã không che khuất cái độc đáo của nghệ thuật của chị”(2) – Lê Thị Thấm Vân đã dũng mãnh nói tiếng nói của mình.

Hết còn lưỡng lự thời Yellow Light, Thấm Vân sẵn sàng bày tỏ thân thể mình để nói lên tư tưởng bình đẳng giới. Sự nghịch với mấy sợi lông măng quanh vú hay chụp ảnh lỗ rốn, là một; lùng sục vào kho lưu trữ văn hóa đực tính để làm cuộc công phá: quan niệm về cái màn trinh hư ảo, phận mỏng cánh chuồn, là những.

Tiếng nói phản kháng lung linh trên đôi cánh thi ca không phải không đẹp và độc đáo ấy đã bay qua đại dương đến với chúng ta. Nó có xuyên được bức tường thành kiên cố và dày đặc của định kiến văn hóa cũ kĩ hay không, thì không ai biết được.

Nhưng đó chắc chắn là tin lành.

Sài Gòn, 29-1-2009

____________________

(1) Inrasara, “Thơ trẻ và vài hiện tượng lặp lại mình”, Inrasara.com.

(2) Hoàng Ngọc-Tuấn, Birgit Hussfeld, Bàn tròn Talawas “Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?”, Talawas.org, 25-10-2002; xem thêm: Inrasara, “Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’”, Song thoại với cái mới, NXB Hội Nhà văn, H., 2008, tr. 95.

Comments are closed.