Trả lời câu hỏi của Ban Biên tập “Thế giới mới”

M.M. Bakhtin

Lã Nguyên dịch từ M.M. Bakhtin, Mĩ học sáng tạo ngôn từ (in lần thứ hai), M., “Nghệ thuật”, 1986, tr. 347-354.

Ban biên tập tạp chí “Thế giới mới” hỏi tôi đánh giá thế nào về thực trạng của nghiên cứu văn học hiện nay[*].

Một câu hỏi như thế tất nhiên sẽ rất khó trả lời nhất quyết và chắc chắn. Người ta thường hay phạm sai lầm (về phía này, hoặc phía kia) khi đánh giá hiện tại và thời đại của mình. Phải tính tới điều đó. Nhưng tôi vẫn sẽ cố gắng trả lời.

Nghiên cứu văn học của chúng ta hiện đang có những khả năng to lớn: chúng ta có nhiều nhà nghiên cứu văn học nghiêm túc và tài năng, trong đó có nhiều người còn trẻ, chúng ta có truyền thống khoa học cao được đặt nền móng từ thời trước (Potebnya, Veselovsky), lẫn thời xô-viết (Tynyanov, Tomashevsky, Eikhenbaum, Gukovsky và nhiều người khác) và tất nhiên, có cả những điều kiện thiết yếu khách quan để phát triển (các viện nghiên cứu, các Khoa, Bộ môn, kinh phí và khả năng xuất bản…). Nhưng, dẫu có tất cả những cái đó, tôi vẫn có thấy nghiên cứu văn học của chúng ta ở những năm gần đây (nhất là suốt một thập kỉ vừa qua) nhìn chung chưa biến được những tiềm năng nói trên thành hiện thực và chưa đáp ứng được những yêu cầu mà chúng ta có quyền đòi hỏi ở nó. Thiếu sự mạnh bạo trong việc nêu lên những vấn đề bao quát, không có những lĩnh vực khám phá mới, hay những hiện tượng riêng lẻ có ý nghĩa trọng đại trong thế giới vô tận của văn học, thiếu sự đấu tranh thực sự và lành mạnh giữa các khuynh hướng khoa học, ngược lại, chỉ thấy sự sợ hãi rủi ro trong nghiên cứu, sợ hãi đưa ra các giả thuyết. Nghiên cứu văn học thực ra là một khoa học còn rất trẻ, nó chưa có những phương pháp được phát triển và kiểm nghiệm trong thực tiễn giống như các phương pháp của khoa học tự nhiên, do đó việc thiếu tranh đấu giữa các khuynh hướng và bệnh sợ hãi đưa ra những giả thuyết táo bạo tất yếu sẽ dẫn tới sự thống trị của bệnh công thức, khuôn sáo, mà ở ta, rất tiếc không thiếu những cái đó.

Theo tôi, đặc điểm chung của nghiên cứu văn học hiện nay ở ta là như vậy. Nhưng chẳng có nhận xét khái quát nào lại hoàn toàn công bằng. Và tất nhiên, hiện nay có nhiều cuốn sách khá tốt và hữu ích đã được xuất bản (đặc biệt là sách về lịch sử văn học), đã thấy xuất hiện những bài báo thú vị và sâu sắc, cuối cùng, đã có những hiện tượng lớn mà nhận xét chung của tôi chưa thể bao quát hết. Tôi muốn nói tới cuốn Phương Đông và phương Tây của N. Konrad, Thi pháp văn học Nga cổ của D.S. Likhachev Những công trinh nghiên cứu các hệ thống kí hiệu (khuynh hướng khoa học của các nhà nghiên cứu trẻ do J. M. Lotman đứng đầu). Đó là những hiện tượng đáng khích lệ trong những năm gần đây. Có thể tôi sẽ trở lại với những công trình này ở những lần trò chuyện tiếp theo.

Nếu trình bày ý kiến của tôi về những nhiệm vụ hàng đầu đang đặt ra trước nghiên cứu văn học, thì ở đây tôi chỉ tập trung vào hai nhiệm vụ liên quan đến lịch sử văn học các thời đại trước, mà cũng chỉ nói ở dạng đại quát thôi. Nhìn chung, tôi sẽ không bản về những vấn đề của nghiên cứu văn học hiện đại và phê bình văn học, mặc dù ở đây đang có nhiều nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhất. Tôi chọn hai nhiệm vụ mà tôi dự định sẽ nói, vì theo tôi, chúng đã chín muồi và việc nghiên cứu đã bắt đầu có hiệu quả, cần tiếp tục đẩy mạnh.

Trước tiên, nghiên cứu văn học cần xác lập mối liên hệ chặt chẽ hơn nữa với lịch sử văn học. Văn học là bộ phận không thể tách rời của văn hóa, không thể hiểu nó bên ngoài ngữ cảnh thống nhất của toàn bộ nền văn hóa ở một thời đại nhất định. Không thể chấp nhận được việc tách văn học ra khỏi phần văn hóa còn lại và, như người ta vẫn thường làm, có thể nói, là vượt mặt văn hóa, trực tiếp xác lập quan hệ giữa nó với các yếu tố kinh tế – xã hội. Các yếu tố này tác động tới văn hóa trong tổng thể của nó và chỉ thông qua văn hóa và cùng với văn hóa tác động tới văn học. Suốt một thời gian khá dài, chúng ta quá tập trung vào những vấn đề đặc trưng văn học. Có thể ở thời trước làm như thế là cần thiết và hữu ích. Nhưng cần phải nói, chủ nghĩa đặc thù hẹp hòi là hoàn toàn xa lạ với những truyền thống khoa học tốt đẹp nhất của chúng ta. Chúng ta hãy nhớ lại tầm văn hóa cực kì rộng lớn ở những công trình nghiên cứu của Potebnya và đặc biệt là của Veselovski. Say sưa với chủ nghĩa đặc thù, người ta coi thường các vấn đề về mối quan hệ ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau giữa các lĩnh vực khác nhau của văn hóa, người ta thường quên rằng, ranh giới giữa các lĩnh vực ấy đều không phải là tuyệt đối, rằng ở những thời đại khác nhau, chúng hoạt động theo những cách khác nhau, người ta không tính tới việc đời sống văn hóa mãnh liệt và hiệu quả nhất luôn diễn ra ở ranh giới giữa các lĩnh vực riêng lẻ của nó, chứ không phải ở chỗ và không phải ở lúc các lĩnh vực ấy đóng kín trong tính đặc thù của chúng. Trong các công trình nghiên cứu lịch sử văn hóa, người ta thường nêu lên những đặc điểm của các thời đại liên quan tới những hiện tượng văn học được nghiên cứu, nhưng trong hầu hết các trường hợp, những đặc điểm này chẳng khác gì so với những đặc điểm của lịch sử nói chung thường được nêu ra mà không có sự phân tích riêng biệt các lĩnh vực văn hóa và sự tương tác giữa chúng với văn học. Mà phương pháp luận của việc phân tích như thế thì vẫn chưa được nghiên cứu. Và cái gọi là tiến trình văn học của thời đại được đưa ra nghiên cứu do bị tách khỏi sự phân tích văn hóa sâu sắc, nên đã bị qui giản thành cuộc đấu tranh trên bề mặt của các xu hướng văn học, còn đối với thời hiện đại (đặc biệt là thế kỷ XIX), thì thực chất, bị qui về những chuyện rùm beng khua chiêng gióng trống của báo chí chẳng có ảnh hưởng gì đáng kể tới văn học rộng lớn, đích thực của thời đại. Những dòng chảy văn hóa mạnh mẽ, dưới tầng sâu (nhất là những dòng chảy dân gian, bên dưới) thực sự quyết định sáng tác của các nhà văn vẫn chưa được khám phá, và đôi khi các nhà nghiên cứu hoàn toàn không biết tới. Bằng cách tiếp cận ấy, người ta không thể thâm nhập sâu vào những tác phẩm lớn và bản thân văn học thì bắt đầu có vẻ như trở thành thứ công việc nhỏ mọn và phù phiếm nào đó.

Nhiệm vụ mà tôi đang nói và những vấn đề liên quan tới nó (vấn đề ranh giới của thời đại như là sự thống nhất văn hóa, vấn đề loại hình văn hóa, v.v.) đã nảy sinh cực kì gay gắt khi thảo luận về văn học baroque ở các nước Slave và đặc biệt trong cuộc tranh luận đang diễn ra hiện nay về thời Phục hưng và chủ nghĩa nhân văn ở các nước phương Đông, ở đây càng bộc lộ rõ nhu cầu nghiên cứu sâu sắc hơn mối liên hệ không thể tách rời giữa văn học và văn hóa thời đại.

Những công trình nghiên cứu văn học xuất sắc trong những năm gần đây mà tôi vửa kể ra ở trên – của Konrad, Likhachev, Lotman và trường phái của ông – bên cạnh những điểm khác biệt về phương pháp luận, đều có một điểm chung là không tách văn học ra khỏi văn hóa. Ở đây cần nhấn mạnh rằng văn học là hiện tượng cực kì phức tạp và đa diện, mà nghiên cứu văn học lại còn rất non trẻ để có thể nói về một phương pháp “vạn năng duy nhất” nào đó trong nghiên cứu văn học. Phải có những hướng tiếp cận khác nhau là điều hợp lí và thậm chí là cần thiết, miễn sao đó là những hướng tiếp cận nghiêm túc và giúp khám phá được một điều gì mới mẻ trong hiện tượng văn học được nghiên cứu, giúp ta hiểu về hiện tượng ấy sâu sắc hơn.

Nếu không thể nghiên cứu văn học trong sự cô lập với toàn bộ nền văn hóa của một thời đại, thì lại càng nguy hiểm hơn khi đóng kín một hiện tượng văn học vào mỗi thời đại nó được sáng tạo ra, hay nếu có thể nói, vào tính đương thời của nó. Chúng ta thường cố gắng lí giải nhà văn và tác phẩm của nhà văn ngay trong thời đại của anh ta và quá khứ gần nhất (thường là trong giới hạn của một thời đại, như chúng ta vẫn hiểu nó). Chúng ta sợ vượt ra ngoài thời gian cách xa với hiện tượng được nghiên cứu. Trong khi đó, tác phẩm lại thường cắm rễ sâu vào quá khứ xa xôi. Những tác phẩm văn học vĩ đại luôn được chuẩn bị trong nhiều thế kỉ, ở thời đại sáng tạo ra chúng, ta chỉ ghi lại được hình ảnh những quả đã chin mọng sau cả một quá trình ủ chin lâu dài và phức tạp. Nỗ lực nghiên cứu và giải thích tác phẩm chỉ từ những điều kiện ở thời đại của nó, chỉ từ những điều kiện của thời gian gần nhất, chúng ta sẽ không bao giờ thâm nhập được vào bề sâu tư tưởng của nó. Việc khép vào một thời đại sẽ không cho phép hiểu được đời sống tương lại của tác phẩm ở những thế kỉ tiếp theo, đời sống ấy sẽ hiện lên như một nghịch lí nào đó. Các tác phẩm luôn phá vỡ ranh giới thời gian của mình và tiếp tục sống trong nhiều thế kỉ, tức là sống trong thời gian lớn, hơn nữa, thường thì (riêng những tác phẩm vĩ đại thì bao giờ cũng vậy) chúng có một cuộc sống mãnh liệt và đầy đủ hơn so với đương thời của chúng. Nói hơi đơn giản và thô thiển một chút: nếu ý nghĩa của một tác phẩm nào đó được qui về ví như vai trò của nó trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ nông nô (trường phái trung đại vẫn làm vậy), thì một tác phẩm như thế sẽ phải đánh mất hoàn hoàn ý nghĩa của mình khi chế độ nông nô và tàn dư của nó biến mất khỏi đời sống, vậy mà ý nghĩa của nó lại thường không ngừng tăng lên, tức là nó đã nhập vào thời đại lớn. Nhưng tác phẩm sẽ không thể sống trong các thời đại mai sau, nếu nó không hấp thụ bằng cách nào đó vào bản thân những thời đại đã qua. Nếu nó được sinh ra chỉ hoàn toàn vào ngày hôm nay (tức là vào thời hiện tại của nó), nếu nó không kế tiếp quá khứ và không hề gắn bó mật thiết với quá khứ, thì nó không thể sống trong tương lai. Tất cả những gì chỉ thuộc về hiện tại đều sẽ chết cùng với hiện tại.

Tuổi thọ của những tác phẩm lớn trong tương lai, trong những thời đại rất xa với thời đại của chúng, như tôi đã nói, có vẻ như là sự nghịch lí. Trong quá trình kéo dài tuổi thọ của mình, chúng sẽ được làm giàu thêm bằng những nét nghĩa mới và những ý nghĩa mới; những tác phẩm ấy tựa như trở nên lớn hơn so với bản thân chúng ở thời đại chúng được sáng tạo ra. Có thể nói rằng bản thân Shakespeare, lẫn những người cùng thời với ông đều không biết cái ông "Shakespeare vĩ đại" mà chúng ta biết ngày nay. Không thể nào nhét Shakespeare của chúng ta vào thời đại Elizabeth. Khi xưa, lúc còn sống, Belinsky từng nơi rằng mỗi thời đại đều khám phá ra một cái gì mới mẻ trong những tác phẩm vĩ đại của quá khứ. Vậy phải chăng chúng ta đang tưởng tượng, gán cho các tác phẩm của Shakespeare những gì chúng không có, chúng ta đang hiện đại hóa và xuyên tạc ông ấy. Tất nhiên đã từng có và sẽ còn có những sự hiện đại hóa và xuyên tạc. Nhưng Shakespeare không lớn lên nhờ vào những điều đó. Shakespeare lớn lên nhờ vào những gì thực sự đã có và hiện đang có trong các tác phẩm của ông, nhưng đó là những gì mà bản thân ông và những người cùng thời với ông đều không thể nhận ra và đánh giá một cách có ý thức trong bối cảnh văn hóa của thời đại mình.

Các hiện tượng ngữ nghĩa có thể tồn tại dưới dạng tiềm ẩn, tiềm năng và chỉ được khám phá trong bối cảnh văn hóa ngữ nghĩa của các thời đại sau, thuận lợi hơn cho việc khám phá này. Kho báu ngữ nghĩa được Shakespeare đặt vào các tác phẩm của mình đã được tạo ra và thu thập qua nhiều thế kỉ và thậm chí hàng thiên niên kỉ: chúng ẩn giấu trong ngôn ngữ, không chỉ trong ngôn ngữ văn học, mà còn trong những lớp ngôn ngữ dân gian mà trước Shakespeare vẫn chưa đi vào văn học, trong các thể loại và hình thức giao tiếp lời nói đa dạng, trong các hình thức văn hóa dân gian mạnh mẽ (chủ yếu là lễ hội hóa trang), được hình thành qua hàng thiên niên kỷ, trong các thể loại sân khấu và giải trí (thần bí, khôi hài, v.v.), trong các truyện kể có nguồn gốc từ thời tối cổ tiền sử, và cuối cùng, trong các hình thức tư duy. Shakespeare, giống như bất kỳ nghệ sĩ nào, đã xây dựng các tác phẩm của mình không phải từ những yếu tố chết, không phải từ những viên gạch, mà từ những hình thức đã mang đầy nghĩa, chứa đầy ý nghĩa. Shakespeare, giống như bất kỳ nghệ sĩ nào, đã xây dựng các tác phẩm của mình không phải từ những yếu tố chết, không phải từ những viên gạch, mà từ những hình thức đã mang đầy ý nghĩa, chất đầy nghĩa. Tuy nhiên, ngay cả những viên gạch cũng có một hình thức không gian nhất định và do vậy, trong tay người xây dựng, chúng cũng thể hiện điều gì đó.

Các thể loại có ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Các hình thức của cái nhìn và sự nhận thức về các mặt khác nhau của thế giới được tính lũy trong các thể loại (thể loại văn học và thể loại lời nói) qua nhiều thế kỉ tồn tại của chúng. Với người viết như một thợ thủ công thì thể loại chỉ là cái khuôn mẫu bề ngoài, nhưng người nghệ sĩ lớn thì đánh thức dậy những khả năng ngữ nghĩa vốn có trong đó. Shakespeare đã sử dụng và đưa vào các tác phẩm của mình những kho báu ngữ nghĩa tiềm ẩn khổng lồ mà ở thời đại của ông không thể phát hiện và nhận ra một cách trọn vẹn. Bản thân tác giả và những người cùng thời chỉ nhìn thấy, nhận ra và đánh giá trước tiên những gì gần gũi hơn với ngày hôm nay của họ. Tác giả là tù nhân của thời đại mình, của cái đương thời của mình. Các thời đại về sau sẽ giải phóng ông ta khỏi sự giam cầm ấy, và nghiên cứu văn học có sứ mệnh hỗ trợ cho sự giải phóng này.

Từ những gì chúng tôi vừa nói, hoàn toàn không có nghĩa là có thể coi thường thời đương đại của nhà văn, rằng tác phẩm của anh ta có thể ném vào quá khứ hoặc phóng chiếu vào tương lai. Cái đương thời vẫn giữ được tất cả tầm quan trọng to lớn và quyết định của nó ở nhiều khía cạnh. Sự phân tích khoa học chỉ có thể xuất phát từ đó, và luôn luôn phải dựa vào nó để soát lại trong quá trình phát triển tiếp theo. Tác phẩm văn học, như tôi đã nói từ trước, được khám phá chủ yếu trong sự thống nhất khác biệt của nền văn hóa ở thời đại đã sáng tạo ra nó, nhưng nó không thể bị đóng kín trong thời đại ấy: toàn bộ ý nghĩa đủ đầy của nó chỉ có thể được khám phá trong thời gian lớn.

Nhưng cả văn hóa của một thời đại, cho dù thời đại ấy có cách chúng ta bao xa về mặt thời gian, thì cũng không thể bị khóa chặt trong bản thân nó như một cái gì đã hoàn bị, đã hoàn tất và đã chết, đã một đi không trở lại. Những ý tưởng của Spengler về các thế giới văn hóa khép kín và đã hoàn tất vẫn có ảnh hưởng to lớn đến các nhà sử học và nghiên cứu văn học. Nhưng những tư tưởng ấy cần một sự đính chính đáng kể. Spengler hình dung văn hóa của một thời đại như một vòng tròn khép kín. Nhưng sự thống nhất của một nền văn hóa cụ thể là một sự thống nhất rộng mở.

Mỗi sự thống nhất như vậy (ví như thời cổ đại) với tất cả sự độc đáo của nó sẽ nhập vào một tiến trình hình thành văn hóa duy nhất của nhân loại (mặc dù không thẳng tuột). Trong mỗi nền văn hóa của quá khứ đều chứa đựng những khả năng ngữ nghĩa to lớn vẫn chưa được khám phá, chưa được nhận ra và chưa được sử dụng trong suốt chiều dài đời sống lịch sử của nền văn hóa ấy. Bản thân thời cổ đại không biết về thời cổ đại như chúng ta biết bây giờ. Có một câu đùa của học trò: người Hy Lạp cổ đại không biết điều cơ bản nhất về mình, họ không biết rằng họ là người Hy Lạp cổ đại, và họ không bao giờ gọi mình như thế. Nhưng trên thực tế, cái khoảng cách thời gian đã biến người Hy Lạp thành người Hy Lạp cổ đại đó có ý nghĩa tái tạo to lớn: nó chứa đầy sự phát hiện ngày càng nhiều giá trị ngữ nghĩa mới trong thời cổ đại mà người Hy Lạp thực sự không biết đến, mặc dù chính họ đã tạo ra chúng. Phải nói rằng chính Spengler, với sự phân tích tuyệt vời của mình về nền văn hóa cổ đại, đã biết khám phá trong đó những chiều sâu ngữ nghĩa mới mẻ; quả là ông đã nghĩ ra điều gì đó về nó để mang lại cho nó sự khép kín và hoàn tất lớn lao, nhưng rốt cục, ông vẫn tham gia vào công việc vĩ đại là giải phóng thời cổ đại ra khỏi sự giam cầm của thời gian.

Cần nhấn mạnh rằng ở đây chúng tôi đang nói về những chiều sâu ngữ nghĩa mới vốn có trong các nền văn hóa ở những thời đại trước, chứ không phải về việc mở rộng tri ​​​​thức thực tế và chất liệu của chúng ta về chúng, những tri thức đã không ngừng thu được nhờ các cuộc khai quật khảo cổ học mà có được các văn bản mới, nhờ sự cải thiện việc giải mã, giải cấu trúc, v.v. Ở đó, đã phát hiện được các vật mang nghĩa mới, có thể gọi là cơ thể ngữ nghĩa. Nhưng trong lĩnh vực văn hóa, không thể kẻ đường ranh giới tuyệt đối giữa cơ thể và ý nghĩa: không thể tạo ra văn hóa từ những yếu tố chết, như chúng tôi đã nói, trong tay người xây dựng, ngay cả một viên gạch cũng biểu hiện một cái gì đó bằng hình thức của mình. Do đó, những khám phá mới về các đại diện vật chất mang nghĩa sẽ điều chỉnh các các quan niệm ngữ nghĩa của chúng ta và thậm chí có thể yêu cầu kiến tạo lại về cơ bản cấu trúc của chúng.

Có một ý kiến ​​​sống dai dẳng, nhưng phiến diện và do đó không chính xác, rằng để hiểu rõ hơn về một nền văn hóa khác, người ta phải thâm nhập hẳn vào đó và quên đi nền văn hóa của mình, phải nhìn thế giới qua con mắt của nền văn hoá khác ấy. Quan niệm này, như tôi đã nói, rất phiến diện. Tất nhiên, một sự thâm nhập nhất định vào một nền văn hóa khác, cơ hội để nhìn thế giới qua con mắt của nó là yếu tố thiết yếu trong quá trình hiểu nó; nhưng nếu sự hiểu biết được vắt ra hoàn toàn bằng một yếu tố như thế, thì sự hiểu biết ây sẽ chỉ là một sự trùng lặp đơn thuần, nó sẽ không làm phong phú thêm, không mang lại điều gì mới mẻ. Sự hiểu sáng tạo không từ chối bản thân mình, từ địa điểm đến thời gian của mình, từ nền văn hóa của mình, nó không quên gì cả. Công việc vĩ đại để hiểu đó là vị thế đứng ngoài của người tìm hiểu – đứng ngoài về thời gian, về không gian, về văn hóa – trong quan hệ với những gì mà anh ta muốn được hiểu một cách sáng tạo. Ngay cả ngoại hình của chính mình người ta cũng không thể thực sự nhìn thấy và không thể hiểu được tất cả về nó, chẳng có tấm gương nào, bức ảnh nào giúp được anh ta; diện mạo thực sự của anh ta chỉ những người khác mới có thể nhìn thấy và hiểu được nhờ vào vị thế đứng ngoài về mặt không gian của họ và nhờ họ chính là những người khác.

Trong lĩnh vực văn hóa, vị thế đứng ngoài là đòn bẩy mạnh nhất của sự thấu hiểu. Một nền văn hóa xa lạ phải qua đôi mắt của nền văn hóa khác mới có thể phát hiện về bản thân đầy đủ hơn và sâu sắc hơn (nhưng không phải là đầy đủ hoàn toàn, vì rằng đến lúc sẽ xuất hiện những nền văn hóa khác có khả năng nhìn thấy và hiểu thấu nhiều hơn). Một ý nghĩa sẽ phát hiện ra các chiều sâu của mình khi nó gặp gỡ và tiếp xúc với một ý nghĩa khác, của người khác: giữa chúng bắt đầu diễn ra một cuộc đối thoại giúp khắc phục sự khép kín và tính phiến diện của những ý nghĩa ấy, những nền văn hóa ấy. Chúng ta đặt ra cho nền văn hóa khác những câu hỏi mà tự nó không đặt ra, chúng ta tìm kiếm trong đó câu trả lời cho những câu hỏi ấy của chúng ta, và nền văn hóa khác kia sẽ trả lời chúng ta, mở ra trước mắt chúng ta những bình diện mới, những chiều sâu ngữ nghĩa mới. Không có những câu hỏi của mình, không thể hiểu một cách sáng tạo bất kì điều gì ở cái khác và người khác (tất nhiên đó phải là những câu hỏi đích thực, nghiêm túc). Với cuộc gặp gỡ đối thoại như vậy của hai nền văn hóa, chúng sẽ không bị hòa tan và không bị trộn lẫn, mỗi nền văn hóa vẫn giữ được sự thống nhất và toàn vẹn cởi mở, nhưng chúng sẽ làm giàu cho nhau.

Về đánh giá của tôi với triển vọng phát triển của nền nghiên cứu văn học của chúng ta trong tương lai, tôi tin rằng những triển vọng ấy là khá tốt, vì chúng ta đang có những khả năng to lớn. Điều chúng ta đang thiếu là lòng dũng cảm khoa học, là sự mạnh dạn khám phá, không có nó, chúng ta không thể vươn lên tầm cao và thâm nhập vào chiều sâu.

[*] Bài trả lời của M.M. Bakhtin được công bố lần đầu trên tạp chí “Thế giới mới”, năm 1970, số 11, tr. 237-240.

Comments are closed.