Bài giảng cuối cùng

Nguyn Đức Tùng

image

Tôi có nhiều kỷ niệm ở miền Tây Canada, những năm vừa mới định cư. Xứ sở của các bộ lạc da đỏ và những người chăn bò đội mũ rộng vành, đồng cỏ xanh tận chân trời điểm cúc vàng, cẩm chướng đỏ mùa hè, mênh mang tuyết trắng mùa đông, xứ sở của những con chó sói, chồn hoang chạy lạc vào thành phố, bị xe cán nửa đêm trên đường. Như những người mới đến khác, sau bốn tuần nhận tiền trợ cấp của chính phủ, tôi lang thang kiếm việc làm, lê đôi ủng nặng năm ký lô do Bộ Di trú Canada tặng ở phi trường, khi ngoài trời nhiệt độ xuống âm 20 độ, nặng đến nỗi nhấc chân ra khỏi tuyết là một sự cố gắng. Sau vài năm vừa học vừa làm, tôi kết thúc chương trình đại học, chuẩn bị ghi danh học chuyên ngành. Trong một giảng đường mênh mông xây theo kiểu nhà hát, với các ghế từ thấp đến cao, từ trước ra sau, sinh viên đến nghe giảng cứ như những khán giả trả tiền mua vé vào cửa, không khí lạnh lùng nghiêm khắc, ít ai biết ai; chỉ trừ trong các giờ làm thí nghiệm của những nhóm nhỏ, với các giảng viên trẻ tuổi, chúng tôi mới có dịp trò chuyện cùng nhau. Tôi nhớ bà giáo sư tiến sĩ trẻ tuổi, thân hình đẹp, ngực nở, eo thon, nhưng khuôn mặt khắc khổ, giảng bài đều đều như một cái máy, đôi khi nói nhanh như chớp, chưa bước lên bục giảng đã bắt đầu nói, kết thúc bài là vừa lúc bước ra cửa. Thời đó các trường đại học thi bằng cách chọn các câu hỏi có nhiều chọn lựa (multiple choice questions), chứ không viết bài. Tôi vẫn nhớ một lần được nhìn tận mặt giáo sư James Watson, từ Mỹ đi tạt qua, ghé nói chuyện với sinh viên khoa học. Ông là cha đẻ của chuỗi xoắn kép double helix DNA nổi tiếng.

Một người quét nhà, làm vệ sinh, mặc đồng phục xanh dương, khuôn mặt rám nắng của một người da đen Phi châu, tóc bạc điểm sương, râu cũng trắng, thường đến vào cuối giờ học, rất đúng giờ, đi lau dọn phòng ốc, nhặt nhạnh các vỏ chai nước ngọt và rác để lại, lau phấn trắng trên bảng đen và lau mực đen trên bảng trắng. Phòng học có hai bảng để dùng cho hai mục đích khác nhau, một thứ vẫn dùng phấn trắng như ngày xưa, và một thứ dùng mực đen sau này phổ thông hơn. Bà giáo sư thường dùng mực đen viết bài giảng và dùng phấn trắng ghi những câu hỏi. Người làm công quét dọn làm việc lặng lẽ, với một cái chổi và giẻ lau, di chuyển như một cái bóng giữa các hàng ghế chật người ngồi. Không hiểu sao tôi tin đó là một người câm. Một người gầy, cao, khuôn mặt bình thản, phía túi quần sau bao giờ cũng nhét đầy các dụng cụ của người sửa chữa lặt vặt như sổ tay, bút chì, kìm và kéo. Ông ta có một cái xe đẩy nhỏ, trên ấy có giá để dụng cụ, nhưng có lẽ do thói quen thường nhét đồ vào túi.

Không ai chú ý đến ông ta, trừ một người, là tôi. Có lẽ vì quá tự tin, thuộc bài, hay có lẽ vì chẳng hiểu gì cả, tôi có thói quen ngồi trong lớp mà không mấy chú ý nghe bài giảng về vật lý, một nửa thời gian lơ đễnh nhìn trời nhìn đất. Vì vậy tôi nhận ra rằng bà giáo sư lúc nào cũng đi một đôi giày cũ, xấu, mặc dù áo quần thường thay đổi đúng mốt. Tôi thích đàn bà đi giày đẹp.

Ngoài các môn học chính, toán tích phân, toán thống kê, vật lý, sinh hóa, sinh học, Anh ngữ, chúng tôi cũng còn nhiều môn phụ khác như tâm lý học xã hội, phân tâm học, văn chương thơ phú lăng nhăng tất cả chỉ còn đọng lại trong tôi mỗi một bài thơ của Emily Dickinson, my life had stood – a loaded gun, đời tôi đứng đó, một khẩu súng đạn lên nòng. Nhưng lúc ấy tôi không có đạn. Sau này nhớ lại, tôi ngạc nhiên thấy mình hình như không học được bao nhiêu trong mùa hè đó, trừ một lần. Lần đó vị giáo sư vật lý xinh đẹp và khó tính chuẩn bị kết thúc nửa năm học, dành nhiều thời gian hơn để kiểm tra bài và rà lại các chương đã học trong năm. Tôi mất ngủ nhiều đêm vì lúc nào cũng hồi hộp và hào hứng bám chặt màn vô tuyến truyền hình. Tình hình Ba Lan và các nước Đông Âu thay đổi từng ngày. Giờ học đã qua lâu mà bài giảng vẫn còn, cả cô giáo và sinh viên không ai chú ý. Một chuyện bất ngờ xảy ra.

Người quét dọn vệ sinh đến đúng giờ như thường lệ, thản nhiên lặng lẽ làm hết những công việc của mình trong giảng đường và tiến đến phía bục giảng, đi qua trước mặt giáo sư rồi đi vòng lại phía sau bà. Giáo sư đang giảng bài, trả lời các câu hỏi, dừng lại một giây ngắn, liếc nhìn ông ta rồi quay lại với chúng tôi ngay. Trên bảng lúc đó có một bài giảng và những câu hỏi với nhiều chọn lựa.

A. Câu thứ nhất đúng

B. Câu thứ hai đúng

C. Câu thứ ba đúng

D. Tất cả đều đúng

E. Tất cả đều sai

Ông già từ từ tiến lại gần bảng đen, dùng tấm vải lau đi lau lại các hàng chữ một, từ góc thấp nhất đến chỗ cao nhất, chậm đến nỗi thấy được từng chữ lần lượt biến mất dần. Lúc ấy mọi người mới bắt đầu nhìn ông ngạc nhiên. Đó là một bài giảng quan trọng gợi ý rất nhiều cho kỳ thi sắp tới.

Tôi nhìn đồng hồ và biết là lớp học đã chấm dứt mười phút trước đó. Không ai nói gì, kể cả vị giáo sư. Mọi người đều yên lặng như tờ. Ông già lau tất cả bảng đen, lau sạch, chỉ chừa một câu, câu D. Mới đầu tôi tưởng ông không để ý, nhưng một lát sau khi ông bỏ đi rồi, câu ấy vẫn còn nguyên vẹn trên bảng.

Mùa hè ấy tôi còn học ở đại học thêm một vài tuần nữa trước khi dời đến một thành phố khác. Lao vào học hành thi cử, tôi không để ý đến người quét dọn cho đến khi tan trường. Sau này nhiều năm, có việc trở lại thành phố cũ, vào đại học để rút học bạ làm hồ sơ thi vào med school, tôi có để ý xem người dọn vệ sinh có còn ở đó không, nhưng tuyệt nhiên không gặp ông ấy nữa.

Mỗi lần nghĩ đến bài giảng, những khúc quanh, các phán đoán vội vàng, quyết định nhầm lẫn, phân vân giữa tính quyết đoán và tính hấp tấp, giữa sự thận trọng và sự hèn nhát, giữa sự giận dữ vị tha và sự giận dữ ích kỷ, ranh giới giữa chúng là sợi tóc, mỗi năm đến mùa tựu trường, tôi đều nhớ chuyện cũ và tự hỏi câu nào là đúng, câu nào là sai, hay tất cả đều đúng, hay tất cả đều sai, tôi thật không biết chính xác. Có thể có một người biết hơn tôi về một chuyện, về mọi chuyện. Một người bí ẩn.

NĐT

Comments are closed.