Những tin tức về một ngôi làng (kỳ 1)

Những tin tức về một ngôi làng là tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Thanh Hiện, viết về một ngôi làng rất thật mà cũng vừa hư ảo, như được lọc ra từ một giấc mơ của quá khứ lẫn vào hiện tại, bằng một thứ ngôn ngữ chưng cất như thơ và những cảm xúc vẫn đang dồn dập trong một trái tim vừa đỏ vừa xanh. Xanh vì tất cả những gì cao quý/đẹp đẽ/nhân văn hàm chứa trong từng câu chữ, còn đỏ là Vì tất cả máu đã đổ ra, cho những thứ chẳng biết để làm gì…

Như không thể khác được.

Vì đó là lịch sử.

Và là lịch sử của một ngôi làng Việt Nam từ một quá khứ chưa xa.

Tiểu thuyết về lịch sử một ngôi làng, có vẻ như rất nặng, rất đau buồn, rất kỳ lạ… vậy mà khi đọc xong người ta cứ phải muốn trở lại đọc từ đầu, để rõ hơn cái gì đã xảy ra, cái gì lẽ ra nên và không nên, cái gì tác giả muốn nhắn gởi, khi vắt tim óc ra để nhờ câu chữ giữ lại dùm mình.

Một vài câu trích từ các chương sách:

Về lịch sử: “Lịch sử chỉ là một thứ bản nháp, chẳng có gì là chắc chắn hết, chẳng có gì là thật hết, con ạ, cha tôi dặn tôi, rồi dắt mẹ tôi băng ra ngõ…”/“Lịch sử là những con người ngã xuống cùng với giấc mơ của mình…”/“Cứ phủi hết rong rêu trên mặt đá là thấy được thứ khái niệm mong manh thỉnh thoảng người ta lôi ra khỏi dòng chảy lịch sử rồi lại hô hoán là không phải…”.

Về rượu: Hạt gạo vốn mang trong mình tiếng nói của trời đất giờ đem ấp ủ chúng giữa trời đất suốt cả năm là để cho tiếng nói ấy rõ hơn..”/“Rượu vào ta, trời đất vào ta…”/“Rượu chưng cất tới đâu uống tới đó, uống rượu nóng, uống cho đến khi không còn giọt rượu nào mọi người mới được về, vào ngày ấy, ở làng tôi, chỉ trừ những em bé, còn lại, tất cả đều say…”.

Về nghề viết: “Ta thấy chúng còn nhả ra những cách thức chế biến rác, tức, chế biến từ những thứ thế giới đã vứt bỏ từ lâu, những thi văn ca tụng đám vua chúa tàn bạo, những cuốn sử chép không thật, những thuyết lý từng mang lại chết chóc cho con người, ta thấy chúng cong môi lại để nói lại thành những lời mới mẻ từ những gì từ lâu đã thành rác rưởi, ôi, thời con người chế biến chữ cũ thành chữ mới, thời con người chế biến chữ từ rác…”.

Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn.

VĂN VIỆT

Những tin tức về một ngôi làng

Tiểu thuyết Nguyễn Thanh Hiện

đất quê tôi nghe con gà gáy sáng thì thức dậy

KỲ 1.

1.

Có một buổi sáng trong đời tôi không thể nào quên, buổi sáng vừa mở cửa đã nghe thấy những tiếng hô hét của bọn họ

chúng ta hãy cùng tiến lên

bao giờ là cũng bắt đầu bằng câu ấy

những nhà nghiên cứu xã hội nói về cuộc tiến công của những người mù

không còn kịp nữa rồi

tôi kêu lên với cha mẹ tôi khi nhìn thấy có rất nhiều những người mù trên con đường làng

một buổi sáng tệ hại, cha tôi thức dậy chưa kịp súc miệng đánh răng đã đi đan chiếc giỏ bịt mõm bò cho xong, nói chi tới chuyện ăn sáng, còn mẹ tôi thì vẫn còn loay hoay với lũ heo con mới đẻ ở ngoài chuồng, nghe tiếng kêu có vẻ bất thường của tôi, bà hoảng quá ẵm cùng lúc ba con heo con chạy vào nhà

về chuyện những người mù đang tiến công khắp nơi trên thế giới thì cả nhà tôi rất nhiều lần đã nghe nói đến, còn như việc họ tiến đến làng tôi thì thú thật là chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới

tiến công vào cái làng nghèo xơ xác lúc nào cũng thấy nỗi buồn lẩn quất trên những con đường làng để làm gì nhỉ, cha tôi nói, thản nhiên, như thể chẳng có chuyện gì đang xảy ra

giờ thì làm sao hả ông, mẹ tôi nói

trước sao thì nay làm vậy, cha tôi đáp

không có người mù nào vào nhà, cũng khiến cho không khí yên ổn trở lại với mọi người trong nhà tôi, không thả bò ra đồng, không ra chuồng heo với lũ heo con mới đẻ, không nấu cơm để cho người ta không trông thấy khói bốc lên nơi mái nhà, nhưng tối đến thì không ai dám ở nhà

tất cả đều phải ra đình làng

đây là lệnh, thứ lệnh tựa như sấm thần, chỉ trong chốc lát đã truyền đi khắp làng, sự lan truyền nhanh chóng là do người ta đã nghe nói đến những cái chết lạnh lùng trong các cuộc tiến công của người mù

chúng ta chỉ có mỗi mục tiêu là tiến đến một thế giới không người lái (đơn giản, và cô đọng)

người chỉ huy những người mù nói, và toàn thể người làng lắng nghe

chúng ta hãy cùng tiến lên

người chỉ huy những người mù nói thêm

bao giờ cũng không thể bỏ quên câu nói ấy

những nhà nghiên cứu xã hội nói về cuộc tiến công của những người mù

đêm.

chúng tôi đóng kín cửa nằm im trong nhà, từ cuộc mít ting trở về, như trong mỗi chúng tôi có một hình ảnh khác nhau về những người mù, cha mẹ tôi nghĩ về bọn họ thế nào tôi không biết, nhưng tôi thì thấy bọn họ có vẻ giống với những kẻ giang hồ trong những câu chuyện mạo hiểm thời trung cổ
mạo hiểm, và lãng mạn

lại xảy chuyện nữa rồi

tôi lo lắng nói khi nghe có rất nhiều tiếng chân chạy ở ngoài đường làng

chỉ là chuyện con mèo rừng đuổi bắt con mèo nhà, không sao đâu

cha tôi nói

chính là tính hiếu kỳ trước những lời khó hiểu trong đêm của cha tôi đã giúp tôi có đủ can đảm ra đường vào lúc sáng sớm, tôi ra đường, và thấy chỗ này là xác ông trưởng làng, chỗ kia là xác những tùy tùng của ông trưởng làng

tất cả bọn họ như đã bị ai đó bóp cổ chết

tôi nói với cha tôi

không sao đâu, trong cuộc đời của cha, cũng thường thấy những chuyện như thế

cha tôi nói

không thấy có tiếng súng nào, nhưng có vẻ những người mù đã chinh phục toàn thể dân làng tôi
này, hãy hô to lên, hoan hô thế giới không người lái
này, hãy cầm súng cùng chúng tôi tiến lên
có vẻ như mọi người trong làng đều đang chờ đợi những mệnh lệnh như thế

chúng ta hãy tiến lên, những người mù hô to

dường bọn họ chẳng nhìn thấy, hay chẳng cần nhìn thấy, hay chẳng thể nhìn thấy, thế giới đang tiến lên thế nào, giống như những người mù, hay cũng có thể nói bọn họ là một thể loại của những người mù

những nhà nghiên cứu xã hội nói về những người mù với những lời thận trọng

và sáng hôm ấy là bọn họ tiến về phía rừng núi phía nam làng tôi, rừng núi Mun

cả làng kéo nhau đi xem
mẹ tôi sợ, nằm nhà
chỉ mỗi cha con tôi đi

có sự cản trở

người chỉ huy những người mù được cấp báo

hãy lập tức tiêu hủy nó

lập tức những người mù xông vào đập phá bảng cáo thị những điểu nên biết trước khi vào rừng núi Mun, bằng đầu súng, bằng búa, và cả bằng tay, cái bảng cáo thị bằng xi măng cốt thép vẫn sừng sững đứng bên con đường vào rừng núi Mun

tôi có ý kiến

tôi thấy cha tôi bước lên phía trước những người làng

mục tiêu tiến công của các ngài thì đã cũ như những chiếc áo cũ, nhưng những lời ghi trên bảng cáo thị là những nghĩ ngợi của những con người đang sống trong một thế giới mới mẻ

cha tôi nói, điềm tĩnh, và lắng đọng (như hòn sỏi dưới đáy một con suối rừng)

những người mù đã trói cha tôi, để dẫn đi, hình như đó là mật lệnh

tôi khóc

không sao đâu, trong cuộc đời của cha, vẫn thường thấy những chuyện như thế

cha tôi nói

rồi khuất dạng trong rừng núi Mun

tôi không biết những người mù sẽ làm gì cha tôi (*), sẽ giết ông, tôi nghĩ, và cảm thấy đau nhói, nhưng là bọn họ định tiến công tới đâu vậy nhỉ?

—————————–

[*] Ghi chú về cha tôi:

(đêm tháng ba tôi ra nằm nơi bờ cỏ đồng làng)

bi kịch của cuộc đời cha tôi là người ta vẫn đánh đồng ông với những người cày ruộng khác ở làng tôi, ngay cả những người cùng lớp tuổi ông, ngay cả những người ruột thịt trong dòng họ nhà tôi luôn gần gũi ông, không một ai biết ông cầm cày và thở ra thơ, kẻ luôn muốn tạo ra một bước đột phá về cách nhìn thế giới, đêm, tôi lại ra đồng làng nằm dài nơi bờ cỏ mà nghĩ ngợi về cha tôi, người đã khơi gợi cho tôi biết bao điều về cuộc sống, cả đời ông, nghiền ngẫm sách vở, nghiền ngẫm đường cày, nghiền ngẫm cuộc sống xóm làng, canh cánh gầy dựng mối duyên giữa lúa, vải với thơ, giữa đất với triết lý nhân sinh, giữa sách và cày, cái cuộc sống người ta bưng chén cơm ăn, thấy như không, chẳng chút nghĩ ngợi, từ đâu lại sinh ra hạt lúa (cũng có thể chẳng biết hay chẳng cần biết hạt lúa là gì) làm như thể cứ là con người được sinh ra là có cơm ăn, cái cuộc sống người ta mặc quần áo vào người, thấy như không, làm như cứ là con người trần thế thì có áo quần để mặc, nói là thờ ơ, hay bàng quan đều không phải, giữa dòng nghĩ ngợi (thứ nghĩ ngợi tổ tiên con người phải bằng máu xương trong cuộc trường kỳ tiến hóa mới có được) giữa dòng chảy lồng lộng sắc nước hương trời ấy cứ xen vào những con suối ngầu đục sự vô tư ngu ngốc, ông muốn nói với tất cả mọi người, nói trong thầm lặng, đêm tháng ba, tôi nằm nơi bờ cỏ đồng làng, lặng ngắt hương lúa, lặng ngắt sương đêm, làng đang trong những nghĩ ngợi mong manh, vô định (nếu không nói là huyễn hoặc) về chuyện cơm áo, lặng lẽ và bộc bạch, những tiếng khóc yếu ớt của trẻ thơ cất lên giữa tiếng côn trùng ra rả và tiếng hát ru mệt nhọc của người lớn từ trong làng vọng ra là sự bộc bạch của một nơi chốn đã được định vị trong cuộc sống với vẻ miễn cưỡng, cả cuộc đời cha tôi là sự chăm chú (một cách hơi quá sức) vào sự bứt phá cách nhìn về một nơi chốn, cái nơi chốn được định vị có vẻ miễn cưỡng bỗng trở thành một trước tác lớn nhất trong những trước tác: ta, nơi xóm làng thân yêu, cùng lũ bò bước đi trên mảnh đất cha ông để lại, dưới chân ta đất đai vẫn âm thầm triển nở những nguồn mạch của sống (lúa và vải, niềm vui và hy vọng) và trên đầu ta, bầu trời vẫn rộng, gió vẫn thổi, và chim chóc vẫn bay, hót, cái cách ta thư thả bước theo lũ bò trên ruộng thì thế giới bao giờ cũng bình yên…ông muốn nói với tất cả mọi người, bằng cách cả đời đọc sách và cùng lũ bò bước đi trên đất ruộng đồng làng, đêm tháng ba, bỗng sáng lên hình ảnh của một người cầm cày trên ruộng cùng lúc nghĩ ra được cái cách làm sao cho cây lúa nặng hạt và cái cách làm sao chấm dứt cảnh u tối vẫn cứ lẩn quất trên đầu những người dân quê cầm cày trên ruộng như một thứ định mệnh nghiệt ngã, đêm tháng ba thăm thẳm ký ức, sáng và vang động, đã biết nhau đến bạc đầu mà còn rút gươm ngờ nhau, người đến trước được cửa son lại cười người phủi mũ sửa soạn ra làm quan, câu thơ cổ trôi trong quá khứ, tiếng ngâm nga của cha tôi vẫn còn nguyên trong ký ức tôi, từ trong quá khứ cha tôi bước vào cuộc đèn sách theo hai nghĩa, một là thực sự tiếp xúc với sách vở đông tây kim cổ, và hai là soi sáng cho sự bứt phá cách nhìn thế giới: lúa, vải và những trước tác khoa học, văn chương là trí tuệ và tâm sức ngang nhau, khi một hạt cây rơi xuống mặt đất là khởi đầu cho một chuyển động mới, một bứt phá mới, hạt cây sẽ nẩy mầm, chồi cây sẽ thành cây, hạt thóc hay hạt ngô, hay hạt đậu, cũng thế, khi thấy sự hiện hữu khác của chúng, ta bỗng thấy nảy ra trong lòng bài ca của đất, tất cả đều là những trước tác vĩ đại của tồn tại, ông muốn nói với mọi người bằng những lời lẽ thật cao sang về cuộc sống, mà có lẽ thật lâu sau đó người ta mới hiểu ra, cuộc đèn sách của ông đã khiến cho làng tôi, heo hút đến cả tiếng chim kêu buổi sáng, heo hút đến cả tiếng bà ru cháu buổi trưa, một nơi chốn tồn tại có vẻ miễn cưỡng, đã trở nên tồn tại, vào một ngày cuối tháng chạp, làm như thể để tổng kết một khúc năm tháng vừa trôi qua, lũ cò trắng kéo về đồng làng tôi thật đông, mẹ tôi và anh em tôi tất bật sắm sửa các thứ để đón tết, cha tôi sau khi bị bắt đi trong cuộc tấn công của những người mù rồi được trả về, ông ít nói hẳn, trong lúc cả nhà tất bật đón tết, ông cũng lo sắp xếp lại các thứ sách vở trên giá sách, rồi xách cuốc ra vườn dọn cỏ chuẩn bị đất cho việc gieo hạt bông vải, lúc trở vào nhà ông kêu khó thở, lên giường nằm, thiếp đi mấy hôm, rồi mất.

2.

những thứ khác có thể không có, nhưng chim khuốc thì nhất định phải có trong sử làng, tôi đang viết sử làng, cha tôi cũng không ngờ có ngày tôi lại viết được sử làng, có những giấc mơ, huyễn mộng, nhưng lại làm cho con người ta thấy yêu cuộc sống này hơn, rồi chim sẽ trở lại núi Mun con à, cha tôi nói với tôi, có vẻ thao thiết, tự tin, lúc tôi đi theo ông tập làm nghề rừng ở núi Mun, chưa có gì cả, chỉ là giấc mơ, tôi đi núi Mun, qua khỏi dốc ông Thà là đến suối Ràng, lũ chim khuốc chỉ uống nước suối Ràng rồi bay đậu trên đám cây du ở hai bên bờ suối, rồi bay đi kiếm thức ăn, rồi tối lại bay về đậu trên đám cây du, cha tôi nói với tôi lúc tôi theo ông vào núi Mun để tập làm nghề rừng, ký ức có vẻ như sắp trở thành những trang viết, nhưng vì đâu chim khuốc chỉ uống nước suối Ràng mà không uống nước các con suối khác, lúc bấy giờ tôi theo gạn hỏi cha tôi, uống nước suối Ràng thì tiếng hót của chim trong như tiếng suối chảy, ở nơi đâu cũng nghe thấy con à, cha tôi nói vẻ thành thạo như một nhà điểu học, mà đã bao giờ cha nghe chim khuốc hót chưa, chưa, chỉ nghe ông nội con kể lại còn ông nội thì nghe ông cố con kể lại, cuộc chuyện trò giữa hai cha con tôi mang dáng dấp câu chuyện cổ tích…những trăm năm trước chim khuốc vẫn hót cho tổ tiên tôi nghe, tổ tiên tôi những người cày ruộng ở đồng Hóc và đi lấy gỗ rừng hái trái cây rừng ở núi Mun, nghỉ công việc ở đồng Hóc thì vào núi Mun, sáng vào núi, chiều trở về làng, đôi khi lại phải nằm đêm lại trong rừng, rừng cũng là nhà, cuộc chuyển động của cơm áo mang dáng dấp câu chuyện cổ tích, cha tôi đi cày và làm nghề rừng thì anh em tôi cũng đi cày và làm nghề rừng, một thế giới quan đã yên định trong nghĩ ngợi của cha tôi và của người làng tôi, tôi hết theo cha học cày ở đồng Hóc lại theo cha vào núi Mun học làm nghề rừng, những buổi sáng trong rừng có tiếng chim hót, có tiếng suối chảy, hóa ra, vào thời tuổi trẻ của mình, tôi đã không biết là đã được cha tôi dẫn tôi trở về thời hái lượm lung linh nắng gió, hóa ra tôi đã không biết loài chim là loài giống rất yêu cuộc sống của mình, cứ thấy có ánh mặt trời là chúng bắt đầu ca hát, nghe chim khuốc hót đang leo lên dốc ông Thà cũng thấy hết mệt con à, cha tôi lại nói với tôi về chim khuốc, nói nhiều lắm, rồi cha con tôi đi đẽo bắp cày, đẽo trạnh cày, rồi chim khuốc sẽ về thôi con à, có chim khuốc về thì lũ chim núi Mun ca hát suốt ngày, rồi cha tôi lại nói về chim khuốc cho tôi nghe, sự dịch chuyển của chim khuốc trong nghĩ ngợi cha tôi cũng mơ hồ như chuyện đi tìm đất mới của con người thời tiền sử, tôi đi núi Mun, qua khỏi dốc ông Thà là đến suối Ràng, tôi chọn đi vào mùa thu là để nghe được sự chuyển động của núi rừng, lá úa, buồn, đám lá rừng đang chuyển màu, biểu hiện của ảm đạm, đang rụng xuống trong nghĩ ngợi của tôi những hình ảnh về tiêu vong và hồi phục, chiếc lá chết lại biến thành thi ca mùa thu, trong lúc tôi nghĩ ngợi về sự rắc rối của cuộc tuần hoàn thì nhất định phải có ai đó, có lẽ là đông lắm, đang sống trên mặt đất này với những giấc mơ, tôi đi núi Mun theo giấc mơ tổ tiên tôi để lại, chưa có gì cả, chỉ là giấc mơ, mùa thu ở suối Ràng có tiếng va chạm giữa những nỗi niềm của đám cua cá trên dòng suối, nghìn năm đám cua cá vẫn sống với những rong rêu rã mục nơi bờ suối, một bóng mây bay, hay bóng một con chim trời nơi dòng suối, biết đâu có thể là giấc mơ lãng tử của lũ cua cá, và ai biết, bờ đá có vẻ lặng câm, không nói, lại đang ấp ủ rất nhiều những nỗi niềm, tôi chợt thấy vụt qua ký ức mình một thứ gì đấy, khắc khoải và hoang vu, như là bóng chim, rồi cứ mường tượng, một cách không cưỡng nổi, một cách vô cùng náo nức, tiếng hót của chim khuốc: rừng Mun… rừng Mun.

3.

ba mươi chứ không phải bốn mươi như nhiều người nói, ba mươi người làm nên một sự tích kỳ vĩ, làm ra đất nước non sông thì không kỳ vĩ là gì, không luận, chỉ tả, người đời trước tả cho người đời sau nghe, rồi người đời sau tả cho người đời sau nữa, cứ thế, gia phả của làng cứ thay đổi theo cách tả của mỗi thế hệ người làng, vóc dáng của đất nước non sông là nghĩ ngợi của toàn thể những con người đã sống ở trong nó, ở đây chỉ là chuyện Rừng Trên, ba mươi người đến Rừng Trên vào ngày tháng không thấy ghi trong bất cứ cuốn sử chính thống nào, tôi chỉ chép theo gia phả của làng, vào một ngày lũ voi, nai, gấu, cọp tranh nhau ăn cỏ lùng cỏ lác trên đồng Hóc, cái niên đại làm ra đất nước non sông không ghi theo năm tháng công nguyên, lịch tây, mà theo cách hành xử giữa các loài, trong khoảng vũ trụ mông mênh có đất, nước, cỏ cây, muôn loài, cách hành xử giữa những thứ ấy tạo ra một nhịp điệu có tính chất thi ca triết học hơn là diễn tiến thời gian, ba mươi người đến Rừng Trên vào lúc lũ voi, nai, gấu, cọp đang ăn cỏ lùng cỏ lác ở đồng Hóc, có nghĩa đấy là một trần thế không đa nguyên nhưng đa nguyên, một trần thế hiểu theo cách-là-như-thế, một bài thơ lịch đại, từ cái nôi loài người ở châu Phi, nếu đó là chuyện thật, con người cũng tỏa ra đi làm đất nước non sông theo cách ấy, cách của những con người đã có mặt ở Rừng Trên buổi ấy, cuộc dịch chuyển không thể nhìn theo lịch sử, mà theo lịch đại, tôi chỉ chép theo gia phả của làng, gặp nhau giữa cõi đời bao la rồi rủ nhau đi về phía ấy, phía của bất trắc luôn che chắn những trù tính, những hoài bão có thể bi phá hủy, cuộc dịch chuyển định mệnh, ngọn khói lam chiều đặc quánh những lo âu, sợ hãi, giữa những bước dò dẫm là cuộc quyết đấu với lo âu sợ hãi, giả đò cười nói với gai góc với chướng khí của núi rừng như thể lòng đang thanh thản, giả đò cười nói với đám thú rừng như thể đã quen thân nhau tự buổi hoang sơ, này, các bạn hữu của ta hãy dời xa một chút, một sáng mùa hạ, nắng đang thiêu đốt mặt đất, lũ voi, nai, gấu, cọp đang tranh nhau ăn cỏ lùng cỏ lác trên đồng Hóc, những người anh em xa xứ thầm nói với đám thú hoang vô tri trong nghĩ ngợi của mình, nhưng tình yêu cố xứ luôn là thứ sức lực trong công cuộc mở đất, bỗng một sớm mai trong những ngày tháng cam go, những người anh em xa xứ đã nhớ ra rằng, rừng đã lùi xa về phía trước, lũ thú hoang đã nhường đồng Hóc cho sự sống của lúa khoai, rồi bọn họ dắt nhau lên rừng nhảy nhót với lũ chim, tôi đọc gia phả của làng biết tổ tiên tôi yêu nhau trên đồng ruộng và hôn nhau trên rừng, biết chúng tôi là hậu duệ của một cuộc tình vĩ đại, và biết Rừng Trên sau đó được gọi là Lâm Thượng, tên xưa nhất của làng tôi nay còn được biết đến.

———————–
Chú thích một:
Rừng Trên là phần đất kéo dài của rừng núi Mun, dãy núi ở phía nam làng tôi có những ngọn núi gắn liền với nhiều sự tích kỳ vĩ: núi Thủ Tiết, núi Voi Nằm, núi Chớp Vung, núi Trồi núi Sụt, riêng núi Thủ Tiết thì có bài ký nổi tiếng của cử nhân Nguyễn Cửu Kế, tự là Chín Khúc

————————–

Chú thích hai:

Bài ký núi Thủ Tiết(*)

Mùa xuân, tháng giêng năm Bính Thìn, 1856, ta đi chơi núi Thủ Tiết gặp chuyện không vui. Đôi vợ chồng nai đang âu yếm nhau nơi bờ suối Nước Reo, nghe tiếng chân ta, một con ngoảnh nhìn, trợt chân rơi xuống bờ đá. Thấy con nai còn lại đứng ngẩn ngơ nhìn bạn tình đã chết, ta nghe nhói đau, và nghĩ đến nàng Khang. Con vật không nói ra lời được mà còn thế, huống hồ con người là giống biết dùng bút mực để tả lại nỗi niềm trong lòng. Không dám để con nai vừa mất bạn kịp oán hận mình, ta vội quày gót.

Hoa thạch thiết đương nở trắng hai bên bờ suối. Cứ nghĩ đến cái chết của nai, và nghĩ đến nàng Khang. Núi Thủ Tiết vốn nổi tiếng về loài hoa thạch thiết, thơm nhưng không tỏa ngát. Dừng lại một chút bên hoa, cái vô ảnh vô hình chắt chiu từ mưa nắng người đời gọi là hương hoa ấy phút chốc làm ta thấy bình tâm trước bao ngổn ngang của thế sự. Tương truyền, lúc nàng Khang chưa mất thì chưa có hoa thạch thiết. Nước mắt khóc bạn tình của nàng nhỏ xuống khiến đá động lòng muốn lưu lại trần gian chút dấu tích, nên mới có loài hoa kia mọc trên đá.

Mùa xuân năm ấy hoa thạch thiết nở muộn hơn mọi năm, giữa màu trắng tinh anh còn chen lẫn những nụ xanh. Cuối tháng giêng mà khí rét mùa đông năm trước chưa dứt. Qua suối Ràng, nước cắt buốt chân. Hồi cha ta còn sống, ta có hỏi thử sao suối ấy lại gọi suối Ràng. Dòng máu cày cuốc mấy chục đời truyền đến cha ta cũng chỉ cho ông đủ sức giảng giải theo cách nôm na: có nhiều loài dây rừng bò ràng rịt qua con suối nên suối mới có tên suối Ràng. Tạo hóa cũng thật lạ lùng. Đám dây rừng bò qua suối nước, đám lá rừng trôi đến đó bị ngáng lại, tạo nên chốn giang sơn cho loài cá nép. Bạn ta là Vũ Huýnh, làm quan ở kinh sư, có lần về Lâm Thượng, cha ta cho ăn cá nép kho hành. Cơm nước xong, Huýnh kêu riêng ta: Ở đâu ra thứ cá ấy, kiếm một ít để đem về ngoài đó, được không? Ta nói: Ở kinh đô lắm sơn hào hải vị, đem thứ cá đen điu về ngoài ấy, không khéo bạn bè Vũ huynh lại chê cười xứ Lâm Thượng của ta. Do sống dưới lớp lá mục lâu ngày, da cá nép đen bóng, nhưng ăn lại nghe thơm mùi thơm của núi rừng sau cơn mưa buổi sớm. Huýnh đã đòi đi núi Thủ Tiết khi nghe kể lai lịch của loài cá nép. Đến suối Nước Reo, nghe ta kể chuyện nàng Khang ngồi ngóng bạn tình ở dốc Đợi, lại đòi đi tiếp. Nhưng vừa qua khỏi suối Ràng, Huýnh vấp dây rừng, ngã, trặc chân, bọn ta phải quay về.

Sáng nay, trên đường lên Cổng Trời, ta cũng vấp dây rừng, nhưng chưa ngã. Trong bài đi chơi núi Phật Tích của Phạm Sư Mạnh có câu Từ thị quái kỳ hưu thuyết trước. Thôi, đừng nói chuyện quái đản về họ Từ nữa. Ta cũng biết chuyện tình duyên của nàng Khang là chuyện ngàn năm trước, cũng hư ảo như cuộc kỳ tình Từ Thức, Giáng Hương. Dây dang rừng cứa chân ta, máu chảy. Nhưng ta thì cứ nghĩ đến cái chết của nàng Khang. Đường lên Cổng Trời một bên là suối Nước Reo, một bên là núi. Đi chơi núi có cái thú một buổi đường lội qua bao nhiêu bến nước của một dòng suối mà cứ ngỡ là đã vượt qua bao nhiêu sông suối. Đường lên Cổng Trời phải lội qua suối Nước Reo năm lượt. Cũng cùng con nước ấy, nhưng mỗi lần qua suối Nước Reo, ta lại hiểu thêm về sự kỳ công của tạo hóa. Có lần cha ta bảo Cổng Trời có tự buổi khai thiên lập địa. Hồi ấy còn nhỏ, đâu biết nghĩ ngợi, giờ mới thấy giật mình. Lời mộc mạc của kẻ cầm cày cuốc mà thâu tóm được cả cuộc hình thành của núi sông. Sáng nay ta đã lên tận cổng trời nơi xưa kia

nàng Khang đã nằm xuống. Con người ta có những phút thật lạ kỳ, bỗng rũ hết những phiền tạp của cuộc mưu cầu áo cơm. Lá rừng tháng giêng khoe sắc giữa lồng lộng thanh cao. Nắng không tị hiềm nhau. Gió không lớn tiếng nhau. Ta lắng nghe kỹ thì không phải tiếng chim Vướt. Có người con gái ngồi nơi đỉnh núi, tóc xõa kín lưng, lúc ta đến ngồi bên thì khẽ nghiêng đầu sang, nhắc lại lời vừa buột ra trước đó: Ông đi tìm em đó ư? Cứ để cho nàng vục đầu vào ta, thổn thức, còn ta thì nín lặng, nhìn lên Cổng Trời, thấy tựa hồ chốn điện các của các bậc đế vương, rồi vội nhắm mắt, thôi nghĩ, vì cứ sợ mất đi phút ảo mộng tuyệt vời chẳng thể tìm lại giữa chốn trần gian ô trọc. 

Viết tại làng Lâm Thượng năm Tự Đức thứ mười một, mậu ngọ, 1858, cử nhân Nguyễn Cửu Kế.

_____

(*)

Tương truyền, có người con gái tên Khang biết chồng mình đã chết trên núi khi đi đốn củi nhưng vẫn cứ lên đỉnh núi ngồi chờ cho đến khi chết mới thôi, do vậy núi mới có tên Thủ Tiết. Kế viết bài ký núi Thủ Tiết xong thì gửi cho Huýnh bấy giờ vừa được thăng tả tham tri ở bộ Lễ là quan nhị phẩm ở triều. Đọc xong, Huýnh đã thư cho Kế: Việc triều trăm thứ, nhưng nhận được trước tác của Nguyễn huynh, phải đọc thôi. Lúc ấy có quan giáo thụ Lê Thặng ở Hải Dương về bộ Lễ thỉnh ý về việc lập nhà khuyến học ở địa phương, ta đã đem bài ký đọc cho Thặng cùng nghe. Vừa nghe xong, Thặng lắc đầu, kêu là văn chương đồi bại. Chẳng lẽ lúc ấy ta lại đi chia xẻ với Thặng sự đồng cảm của mình. Nay viết thư cho Nguyễn huynh, nói rõ chánh kiến của mình về Bài Ký Núi Thủ Tiết. Điều mừng cho Nguyễn huynh là cáo quan về sống ở chốn cư thôn heo hút mà vẫn giữ được tấm lòng với nền văn chương nước nhà. Nhưng chỗ làm ta vô cùng thất vọng là chỉ phút chốc đã làm hoen ố công kinh sử của Nguyễn huynh. Kẻ sĩ theo đạo thánh hiền là cả đời phải đem lập thuyết cao sâu của thánh nhân ra truyền bá trong thiên hạ. Đằng này, Nguyễn huynh lại cho một người đời nay đi yêu một người đàn bà đã chết tự nghìn năm trước, quan giáo thụ Hải Dương nói là văn chương đồi bại cũng phải thôi. Đọc xong thư Huýnh, Kế than: Ôi, hoạn lộ đã làm hỏng không biết bao nhiêu đứa có chữ nghĩa…

4.

còn việc chúa Nam Hà có đến đất Rừng Trên hay không chẳng còn quan trọng, bởi cuối cùng đã hình thành một câu chuyện đẹp, hơi ký bí, và có sức lan tỏa đến tận những tâm hồn khô cạn. 

nghe có bước chân khách đường xa, đất Rừng Trên thức dậy, bấy giờ không phải chỉ toàn là rừng, cây đằng trên núi Mun đã về đứng trước ngõ nhà ai, con chim khắc trên núi Mun đã học được giọng nói con người, khách lạ dừng chân dưới bóng đằng, nhìn ngó hơi ngần ngại, dường có cả thảy ba người, bắt đầu có tiếng chó sủa, tiếng chào hỏi của chim khắc, bắt đầu có sự giao thiệp giữa cư thôn heo hút với kẻ bên ngoài, không ngờ sự giao thiệp có vẻ chẳng có gì để nói lại để lại cho giấy bút những dấu ấn sâu thẳm của chữ nghĩa.

em, của đất phương nam, con chim khắc của đất phương nam, bước đi mỗi bước thấy hoa đằng nở, bước đi mỗi bước thấy được vết khắc trên lá, có ai đến đây những năm tháng trước đánh dấu trên lá rừng, tín hiệu của chờ đợi, ai, tự hôm mới đến ta đã thử đi hỏi con suối Ràng, em đang giặt áo trên suối Ràng, hoa đằng đang trôi trên con nước chảy, những đám mây đang trôi trên con nước chảy, những xác lá đang trôi trên con nước chảy, nhưng hết thảy những thứ đang trôi ấy đều trở nên thứ yếu, một cuộc tình đã diễn ra trên mặt đất. 

người kể chuyện đã nghe được những nỗi niềm của người khách mặc áo gấm cũ. 

hóa ra những vị khách đường xa là người cùng một nhà, từ phương bắc đến, người chủ mặc áo gấm cũ phong nhã như một bậc thượng lưu, hai kẻ tùy tùng lưu loát như những tùy viên của một sứ quán, lập tức người Rừng Trên xem những khách lạ như những sứ giả của trời, bọn họ đi nói với người Rừng Trên rằng đồng Hóc phải có lúa cấy, chỗ trũng làm lúa cấy, chỗ cao trồng cây bông vải, bọn họ đi nói với người Rừng Trên rằng làng phải biết trồng cây bông vải để tự dệt vải mặc, đàn ông con trai đi đắp đập giữ nước ở suối Ràng, đàn bà con gái tập kéo sợi, dệt vải, cuối cùng người Rừng Trên có lúa thóc đầy bồ, đêm đêm có tiếng hát của đám con gái kéo sợi. 

em đã nhìn thấy trong mắt anh những nghĩ ngợi của em, những nghĩ ngợi chưa bao giờ nói ra, nhưng em đã nhìn thấy trong mắt anh, đêm nằm nghĩ đến anh, cứ thấy như có sấm chớp đầy trời, những vang động, những ám ảnh về những chuyến ngang qua niềm âu yếm, và lửa bắt đầu đốt cháy giữa lòng em, lửa, trong lòng em là đang có lửa. 

người kể chuyện đã nhìn thấy ngọn lửa tình yêu đang nung đốt người thiếu nữ Rừng Trên.

việc ai trong chín vị chúa Nam Hà đi làm công việc qui dân lập ấp ở Rừng Trên, và việc ấy có thật hay không, chẳng còn quan trọng, bởi qua những thế kỷ đau thương, một cuộc tình ngọc bích kim cương đã hình thành trong nghĩ ngợi của người làng tôi. 

dẫu một đêm thu, hay nghìn đêm thu, cũng thế, ta và nàng đã như hai sinh thể quyện nhau thành một cõi nghìn năm, đêm mùa thu, nơi bờ suối Ràng, hết thảy lũ sao trời đều nhìn thấy, khách mặc áo gấm cũ đã trở lại Rừng Trên nói với người Rừng Trên, nhưng nàng đã ra đi tự mùa thu trước, đi tìm người đã để lại cho nàng giọt máu tinh anh, một cuộc lưu lạc vĩ đại nhất trong những lưu lạc. 

người kể chuyện nói. 

những thế kỷ cứ trôi qua, tro than, và thống khổ, các triều đại rồi cứ rã tan vào niềm lãng quên, nhưng người làng tôi vẫn cứ chờ đợi một người sẽ trở về làng mình: hậu duệ mấy mươi đời của một cuộc tình mây nước, người ấy sẽ về thôi.

(Còn tiếp)

Comments are closed.