Lại Nguyên Ân: Phát biểu nhận Giải Chủ tịch Hội đồng Xét Giải Văn Việt lần thứ Tám

Lại Nguyên Ân

Sự đa dạng của các cách làm tư liệu văn học sử

Mở ảnh

Khoảng vài chục năm trở lại đây, các công trình tư liệu văn học sử do tôi thực hiện đã được không ít đồng nghiệp và công chúng đánh giá tốt, có lẽ vì ít nhiều đã đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu các hiện tượng, nhân vật, vấn đề của các quá trình văn học sử.

Tôi vốn bước vào văn học từ đầu những năm 1970s với công việc phê bình, loại công việc gắn với đời sống văn chương đương đại. Từ giữa những năm 1970s, tôi làm việc biên tập xuất bản sách văn học, một công việc khiến người ta không thể chỉ nhìn vào văn học đương thời mà còn cần biết quá trình văn học, biết văn học quá khứ. Sang đầu những năm 1990s, ngòi bút biên khảo của tôi dần dần chú ý nhiều hơn đến những giai đoạn văn học đã qua, khởi đầu là làm cuốn “Từ điển văn học Việt Nam, từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX” (1992, đã in 7 lần). Dù viết thành bài phê bình, bài khảo tả hay soạn thành các bộ tư liệu, thì tất cả vẫn đều là kết quả của công việc nghiên cứu. Tôi trước sau vẫn là nhà nghiên cứu.

Có nhiều loại đối tượng để nhà nghiên cứu tiếp cận. Tác gia là loại đối tượng dễ thấy nhất. Tôi đã từng hoặc cộng tác với đồng nghiệp, hoặc một mình thực hiện những cuốn sưu tập dư luận về văn nghiệp của từng tác giả, như Nguyễn Minh Châu, Hồ Dzếnh, thực hiện những cuốn sưu tập tác phẩm của những tác giả như Lê Thanh, Vũ Bằng, Lưu Trọng Lư, Trần Đình Hượu, Hoàng Cầm, Nam Cao, v.v.

Tác gia tôi tiếp cận tương đối kỹ là Vũ Trọng Phụng (1912-1939). Từ gợi ý của các nhà nghiên cứu đàn anh như Nguyễn Đăng Mạnh, Văn Tâm, Nguyễn Hoành Khung, tôi đi tìm và tập hợp những tác phẩm cỡ nhỏ, bị bỏ dở của nhà văn họ Vũ, soạn thành những sưu tập tác phẩm như “Chống nạng lên đường” (2001, 2004), hoặc những sưu tập dư luận về tác giả này như “Vũ Trọng Phụng, tài năng và sự thật” (1992, 1997), “Vũ Trọng Phụng, con người và tác phẩm” (1994). Từ đây tôi tiến đến việc lập được một niên biểu công bố tác phẩm trong đời văn Vũ Trọng Phụng (trong cuốn “Con người điêu trá”, 2 tập, in 2018). Nhân một vài tác phẩm Vũ Trọng Phụng được in lại nhiều lần như “Giông tố”, “Số đỏ”, tôi thực hiện các khảo sát về những biến động văn bản qua các lần in những tác phẩm ấy. Mỗi lần in lại là có thêm một lần nảy sinh những biến động của văn bản, – đó là kết luận rút ra được từ sự khảo sát văn bản học, dù đó là do chủ ý hay vô ý của con người.

Tôi đã sục vào khu vực báo chí những năm 1930 – 1940s để tìm những tác phẩm đăng báo của tác gia Phan Khôi (1887-1959), một tên tuổi nổi bật của báo chí và văn học thời ấy, nhưng chưa hề có một tuyển tập hay sưu tập nào được biên soạn kể từ lúc ông qua đời. Tôi đã dành trên 20 năm tìm kiếm di sản ngòi bút của tác gia này để làm những sưu tập “Tác phẩm đăng báo” của ông, một công việc được các giới văn học, sử học và công chúng đánh giá tốt, công việc mà tôi chưa xem là hoàn tất, tuy công đoạn chính đã căn bản tạm xong.

Các hiện tượng văn học là loại đối tượng khác. Từ đầu những năm 1980s, tôi đã được giao biên soạn sách kỷ yếu đại hội lần thứ 3 Hội Nhà văn Việt Nam (in 1984). Những năm 1990s tôi rủ một nhóm 4 nhà phê bình tập hợp dư luận xung quanh những tác phẩm nổi bật nhất ra đời trong 10 năm, làm thành cuốn “Văn học 1975-1985, tác phẩm và dư luận” (in 1997). Cũng những năm 1990s, nhân kỷ niệm 60 năm phong trào thơ mới (1932-1945), tôi và nhà thơ Ý Nhi thực hiện nhiều tập sách in, từ tác phẩm thơ chọn lọc của mươi tác gia nổi bật đến một tuyển tập tác phẩm của hầu hết những tác giả từng tham gia phong trào.

Về những cuộc thảo luận, tranh luận xung quanh các tác phẩm, tác giả, vấn đề văn học. Năm 2004 tôi tập hợp các bài tham gia thảo luận năm 1955 về tập thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu. Tiếp đó, tôi gợi ý nhà giáo Nguyễn Văn Long làm tập tư liệu những thảo luận hồi những năm 1960s nhân tập “Từ ấy” của nhà thơ này ra mắt.

Theo tôi, những dư luận nhiều chiều xung quanh tập thơ “Việt Bắc” cho thấy khá sớm những vấn đề của nền văn nghệ trong kiểu xã hội kinh tế chỉ huy-bao cấp mà đến tận giữa những năm 1980s các giới lãnh đạo mới nhận ra và kiên quyết thay đổi, đổi mới. Sau khi đưa in sưu tập tư liệu này khá lâu, tôi còn làm thêm một thư mục dư luận báo chí văn nghệ tại miền Bắc Việt Nam những năm 1954-1958, thư mục này chỉ mới đưa lên mạng, chưa in sách giấy.

Có những sự việc, từng diễn ra trong quá khứ, nhưng hầu như bị bỏ qua, nói thận trọng hơn là chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập, tôi cùng đồng nghiệp nhận thấy, nêu lên như hiện tượng. Đó, ví dụ là luồng dư luận về vấn đề phụ nữ, nữ quyền xuất hiện trên sách báo ở Huế những năm 1926-1929. Tôi viết thành tham luận dự một hội thảo khoa học về giới tại Huế, năm 2019, và đã ra thành sách (Nxb. Phụ nữ, 2022).

Rất gần đây, trước và trong dịp tết Quý Mão 2023, nhân tìm tòi loại sách cho trẻ em thời 1930-1945, qua lưu trữ của Thư viện quốc gia Pháp, tôi thấy tại Hà Nội thời gian ấy có hàng chục nhà sách, nhà in tham gia làm sách cho trẻ em, tập hợp nhiều nhà văn, nhiều tác giả, từ nổi tiếng đến mới vào nghề, viết truyện cho trẻ em. Cảnh quan xuất bản này khá khác biệt so với một số nhận định trong giới nghiên cứu về tình trạng kém phát triển của văn học cho thiếu nhi thời kỳ này. Tôi đã thử thống kê các loại sách này, và viết một bài khảo sát chung, đề nghị các giới nghiên cứu phê bình và giới xuất bản, nên quan tâm đến nguồn di sản dường như còn chưa biết đến này.

Nếu nói về các nguồn di sản văn học của Việt Nam, phải nhận rằng, tôi vẫn chăm chút nhiều hơn cho bộ phận di sản của văn học dưới chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ các sưu tập của nhà báo Hữu Nhuận, tôi đã đề xuất và được nhà xuất bản Hội Nhà văn cử làm người chủ trì việc biên soạn để xuất bản theo kiểu gần như phục chế các bộ sưu tập tạp chí “Tiên phong, 1945-1946, của Hội Văn hóa cứu quốc” (2 tập, 1996, 1997), bộ sưu tập tạp chí “Văn nghệ, 1948-1954, của Hội Văn nghệ Việt Nam” (7 tập, in từ 1998 đến 2005). Rất gần đây, hướng đến kỷ niệm 80 năm ra đời Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam (1943-1948), tôi đã thực hiện một khảo cứu khá kỹ về lịch sử tổ chức này, xác định được một số dữ liệu mà lâu nay chưa được làm rõ, ví dụ bản điều lệ, ngày thành lập, nhóm sáng lập, v.v.

Trong số trên 60 đầu sách đã xuất bản của tôi, những công trình nghiêng về khảo sát, sưu tập tư liệu văn học sử chiếm đến hai phần ba. Nhớ lại từ lúc bắt tay làm những công trình đầu tiên, tôi cũng không ngờ mình sẽ trở thành một chuyên gia. Trước sau tôi vẫn là một nhà nghiên cứu văn học.

23.2.2023

Comments are closed.