LÊ HIẾU ĐẰNG – NGƯỜI XIN CHẾT CHO QUÊ HƯƠNG

Giỗ đầu luật gia Lê Hiếu Đằng

Khánh Trâm

Bài “Tự nguyện” với những câu thơ: “Nếu là chim tôi sẽ làm loài bồ câu trắng, nếu là hoa tôi sẽ làm một đóa hướng dương, nếu là mây tôi sẽ làm một vầng mây ấm, là NGƯỜI tôi xin chết cho quê hương”. Lời bài hát được cất lên sau điếu văn của BS Huỳnh Tấn Mẫm đọc trong buổi tang lễ luật gia Lê Hiếu Đằng trước giờ phút đưa anh về nơi chín suối, ngày 26/1/2014.

Vâng, mới đó mà đã gần một năm. Phút giây gia đình, bạn bè, người thân…cùng cất tiếng hát, tôi chìm trong lời ca “là NGƯỜI tôi xin chết cho quê hương” bởi đó chính là hình ảnh người đàn ông đang sắp từ biệt cõi trần nhưng đã để lại nhiều hình ảnh đẹp, với cả ước mơ và những trăn trở….

Là thế hệ đàn em, tôi biết anh qua những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, qua những buổi tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh ở biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, ở Hoàng Sa và Trường Sa, qua những lần gặp mặt với bè bạn, qua cả những lần thăm viếng nơi bệnh viện hay nhà riêng khi anh lâm trọng bệnh tất cả những phút giây ấy tôi đều học được ở anh nhiều điều của một người tri thức dấn thân. Làm sao quên được hình ảnh Lê Hiếu Đằng kiên quyết đấu tranh với lệnh “cấm biểu tình” để hiên ngang xuống đường , hay những ngày nằm viện vừa chiến đấu với bệnh tật vừa trăn trở trước hiện tình đất nước anh đã cất tiếng nói để người dân thấy được “CNXH chỉ là ảo tưởng, mơ hồ, dân tộc không có lối ra, đất nước khổ đau”… đặc biệt là nguy cơ rơi vào tay phương Bắc. Mặc dù 45 năm là đảng viên , anh đã tuyên bố bỏ đảng cộng sản bởi “ đảng hôm nay đi ngược lại lợi ích dân tộc, đất nước. Mình từ bỏ để không phải chia sẻ trách nhiệm gì nữa”. Từ trải nghiệm của một người trong cuộc, một thời giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở TP HCM, anh thấu hiểu cơ chế chính trị hiện hành: “Quốc hội thông qua hiến pháp đi ngược lại lợi ích của dân chúng, chứng tỏ Quốc hội chỉ là bù nhìn, là tay sai của đảng cộng sản. Mình ra khỏi đảng, là công dân tự do, đấu tranh thoải mái. Đấu tranh cho nhân quyền, dân quyền, bảo vệ môi trường. Ba vấn đề gắn với cuộc sống con người”. Qua trả lời phỏng vấn hay trong thư gửi sinh viên, học sinh với trải nghiệm và trách nhiệm của một người đi trước, anh cũng khuyên : “ Giới trẻ đừng có sợ, phải đặt lợi ích dân tộc, đất nước lên trên. Đấu tranh trước hết là vì dân chủ, bảo vệ độc lập , dân quyền, đấu tranh cho quyền lợi của người dân nhất là vấn đề ruộng đất…”. Anh chính là hình ảnh trong câu LS Trần Lâm đọc tại đám tang ông Hoàng Minh Chính năm 2008: “Trước đây người thanh niên yêu nước HMC vì yêu nước mà đi theo CNCS, giờ đây cũng vì yêu nước mà người trí thức HMC từ bỏ CNCS.

Đám tang anh chính quyền đã cho côn đồ đến lấy đi những dải băng tang ghi lời tiếc thương của trang Bauxit VN, Diễn đàn XHDS, Hiệp hội dân oan, Dòng Chúa cứu thế… Ngày ấy lúc hay tin, dưới góc nhìn của một người ngoài đảng, của một nhân chứn,g tôi tự thốt lên với chính mình: Ôi chao ơi, đúng là “đảng chưa trưởng thành” thật, đường đường nắm chính quyền mà toàn giở những trò bẩn thỉu (mà người tử tế không ai dám làm). Họ chẳng đếm xỉa gì đến đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận”. Hết biết. Thế là đến nay đã có 2 đám tang có chung một thứ hành xử “độc đáo” này của chính quyền là tướng Trần Độ và luật gia Lê Hiếu Đằng.

Ngồi gõ những dòng này, đám tang anh lại hiện về trong tôi. Làm sao quên được cái buổi sáng còn mờ sương ấy tôi và con gái đi tiễn anh nhòa nước mắt. Đám tang hôm ấy trong và ngoài nước có cả triệu người thương xót anh, mỗi người là một vòng hoa- vòng hoa trong tim mình. Nhiều bạn bè anh là những nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà khoa học: Nguyên Ngọc, Hoàng Hưng, Bùi Văn Nam Sơn, Tô Hải, Lưu Trọng Văn, Ngô Kim Hoa, Tô Hòa, Hoàng Lại Giang, Thế Thanh, Huỳnh Ngọc Chênh, Đỗ Trung Quân, Phạm Chí Dũng, Lê Phú Khải, Mai Oanh, Phạm Đình Trọng, Phan Đắc Lữ, Tô Lê Sơn, Vũ Trọng Khải, Tương Lai, Hoàng Dũng, Vũ Thị Phương Anh, Hoàng Oanh, Nguyễn Đắc Diên… Tiếng điếu văn BS Huỳnh Tấn Mẫm hòa nhịp nhàng trong tiếng nhạc “hồn tử sỹ” mà người nghệ sỹ già Tạ Chí Hải gửi lòng mình vào chiếc violon bé nhỏ của ông. Tiếng hát “ là NGƯỜI tôi xin chết cho quê hương ” vang lên của những mái đầu có đủ ba thế hệ hôm ấy. Tiếng hát này khiến tôi nhớ đến hình ảnh người luật gia ôm đàn hát ở nhà chị Bạch Tuyết khi mà cuộc sống của anh chỉ còn đếm từng ngày. Anh Lê Hiếu Đằng ơi, em sẽ còn nhớ mãi giọng hát vượt lên bệnh tật của anh sáng chủ nhật ấy, cả tiếng ghi ta sôi nổi của Bs Miên Đức Thắng nữa – đôi bạn tù thời xưa, thời tranh đấu. Hai anh song ca, cả nhóm hòa ca. Nào những Kha Lương Ngãi, Lê Công Giầu, Tư Kết, Cao Lập, Trần Quốc Thuận, Hạ Đình Nguyên, Trần Công Thạch, Huỳnh Kim Báu, Bùi Tiến An, Bạch Tuyết, Hồng Lam, Minh Nguyệt… Các anh, chị hát để tìm về dĩ vãng và tuy rằng sống trong cái xã hội phủ đầy những thứ xấu xa đen tối hôm nay nhưng “cuộc đời vẫn đẹp sao” khi những trái tim cùng nhịp đập, sát cánh bên nhau… Những người con này hôm anh cũng đang ở bên anh đấy anh ơi !

Rồi ai cũng về cõi âm, nhưng tên anh đã hóa thành bất tử : “Bạch Đằng, Hiếu Đằng đằng đằng dũng khí/ ngoại tặc, nội tặc tặc tặc tiêu vong”. Và CLB Lê Hiếu Đằng đã ra đời sau 100 ngày giỗ anh.

Thương nhớ anh khôn nguôi! Dòng sông Sài Gòn đón nhận anh về nơi vĩnh hằng, bình an anh nhé. Gia đình và bạn bè sẽ mãi mãi nhớ về anh, về Lê Hiếu Đằng. Anh là một GIỌT NẮNG góp tiếp và sưởi ấm con đường dân chủ mong manh nhưng không bao giờ tắt.

Vĩnh biệt anh, người CHIẾN SỸ thời chiến, thời bình !

SG 10/12/2014

Comments are closed.