Trích từ Tuyển tập “Thụy An 1945 – 1954 -1975” của Bùi Thụy Băng
Đơn thỉnh cầu Chính Phủ Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam phục hồi quyền công dân Việt Nam của Bà Lưu Thị Yến, bút hiệu Thụy An.
Thưa Thủ Tướng,
Tôi, Bùi Thụy Băng, là một trong 6 người con của Bà Lưu Thị Yến, bút hiệu Thụy An. Năm 1958, Cơ quan trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cấu kết với một số thành viên cao cấp của Ban Văn Hóa, đã vô cớ bắt giam Bà Thụy An vào nhà tù Hỏa Lò ở Hà-Nội. Mãi đến đầu năm 1960 Đảng cộng sản Việt Nam, qua tòa án Nhân Dân, mới kết tội Mẹ tôi là gián điệp cho ngoại bang (Pháp, Mỹ). Với tội danh không có chứng cớ đó, Mẹ tôi lãnh án 15 năm khổ sai chung thân, biệt xứ, và cấm không được viết lách, sáng tác. Nhưng dù sinh sống ở giữa bốn bức tường hay tại các trại cải tạo, Mẹ tôi vẫn sáng tác bằng trí nhớ. Sau khi mãn hạn tù đầy, Mẹ tôi được phép trở về quê quán (Hòa Xá-Vân Đình) cuối năm 1973. Đến năm 1976 Mẹ tôi mới được xum họp với người Mẹ già. Tháng 6 năm 1989, 73 tuổi, Mẹ tôi qua đời để lại cho con, cháu, chắt, (chưa tưng gặp từ 1954), biết bao nhiêu là tác phẩm.Nay Chính phủ (NCHXHCNVN) nhiệm kỳ Quốc hội khóa 2002-2007, sắp hết, tôi xin phép được gửi đến Thủ Tướng bài viết “Thụy An: Đất Nước và Phụ Nữ Việt Nam” như là một lời kêu oan của Mẹ tôi. Tôi mong Thủ Tướng sẽ nhớ lại những chuyện cổ tích như Châu Long, Trọng Thủy – Mỵ Châu, Trầu Cau, Thiếu Phụ Nam Xương v..v.. do Mẹ tôi sáng tác bằng trí nhớ để nói lên tâm trạng của Mẹ tôi đã phải trải qua “15 năm tân khổ”.
Nay kính, ký tên Bùi Thụy Băng
Ngày 14, 4, 2006, tại tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ
Đất nước ta đang có cuộc đổi mới nghiêm túc, đổi mới tư duy trong các lãnh vực. Văn học, nghệ thuật đã được soi rọi. Một số nhà làm nghệ thuật bị dồn nén bấy lâu, đã có tiếng nói. Nhưng tôi bị bỏ quên, mà tôi cũng chỉ mong được quên, một khi đã bị “bôi tên, gọt họ ở nơi miếu đường”. Tôi đang sống cô đơn, nhưng yên ổn trên đất nước tôi yêu mến.
Tôi rất tự ti mặc cảm, yêu thương đất nước thiết tha, nhưng khi có sự đổi mới tư duy thì tôi lại hoài nghi, tự hỏi “ánh sáng này có phải của tôi chăng?” nên tôi vẫn cẩn tắc vô ưu cả từ lời nói đến chữ viết. “Lão giả an chi”, tôi chỉ có thể hưởng cảnh đời bên con, cháu, chắt của tôi, nhưng tôi già rồi (73 tuổi), đến làm sao được với con cháu?, nên thư tôi viết gửi ông sẽ rất lủng củng, không trình tự, sáng sủa. Các bản của tôi đều sản xuất trong 15 năm đoạn trường tân khổ, nên không bản nào không mang sắc thái, tâm trạng nhà tù, như khi ông đọc câu chuyện Vợ Cóc, ngay đoạn đầu, đến câu anh đồ:
Đang đi mải nghĩ vần thơ
Hương thơm lúa mới như ru tâm tình.
Tôi bị bí, không biết chuyển thế nào để anh đồ và cô Cóc gặp nhau. Đi cung, tôi vẫn băn khoăn. Ông Chấp pháp đập bàn, la: “Tôi đang hỏi cung chị, chị nghĩ đâu đâu. Nên chú ý để khai báo chứ.” Tiếng la làm tôi giật mình, bật ra ý thơ và câu thơ cho anh đồ gặp nàng Cóc được tự nhiên:
Hương thơm lúa mới như ru tâm tình.
Chợt nghe tiếng gọi ới anh
Đi thì cúi xuống chớ dành ngảnh lên.
Thế là nàng Cóc ra mắt anh đồ. Tôi để cặp uyên ương trò chuyện với nhau, tôi lại nghiêm chỉnh khai báo.
Nhưng khi ông Chấp pháp bực mình với tôi chưa đáp ứng như ý ông chờ đợi, tưởng tôi cón dối quanh, ông nói:
-”Chị đối phó sao nổi? Tập thể chúng tôi có cả mấy chục cái đầu, còn chị nhớ chị chỉ có một cái đầu thôi.”
Câu nói gây cho tôi một ấn tượng sâu xa và khiếp hãi cái đa số, nên khi viết Triệu Trinh Nương, trong trận giao chiến với Đông Ngô, tôi nhớ câu nói đó, viết:
Họp nhau lại hai mươi tướng tốt
Bàn kế mưu giết một nữ nhi.
Ở Tô Thị, tâm trạng của người mẹ cõng con trên lưng đi giữa rừng khuya, hãi hùng đấn ngất sỉu, nhưng sực nhớ chồng trên đỉnh núi:
Nhớ con thơ đang gối trên lưng
Biển xanh đang ngóng đang trông
Giơ tay vung ngọn đuốc hồng cháy to.
Tôi cũng vậy, tôi còn cha mẹ già, đàn con nhỏ trên vai, tôi không được chết, phải cố mà sống, đợi cái ngày Tô-Thị:
Mặc gió rụng tóc xanh từng xợi
Tung ra xa bay với mây trôi
Mặc cho nắng vãi mưa phơi
Mặc cho muối đã mặn mòi lòng sương.
Mặc bao cuộc hưng tàn phế đổi
Vẫn đăm đăm một đợi một chờ
Mẹ con hóa đá trơ trơ
Mẹ là Tin Tưởng, con là Tương Lai.
Đó là tâm trạng Tô Thị hóa đá, mà cũng là tâm trạng của tôi suốt 15 năm cho đến mãi mãi.
Ông cứ đọc tất cả 16 bản (Chuyện cổ tích dân gian) của tôi, đều gặêp những câu như thế, nó gần như một tập Nhật Ký trong tù. Đặc điểm các chuyện cổ dân gian của ta là tôn vinh người đàn bà mà khắp thế giới cổ kim, đông tây, không xã hội nào người đàn bà được tôn vinh như thế. Tôn vinh không phải vì giới tính, với bản chất dịu dàng, tình tứ, nhu thuận, mà vì đàn bà Việt xưa nay có ý thức hy sinh vì nghĩa lớn. Không phải đến thời Bà Trưng, Triệu mới chứng tỏ như câu thơ của Bùi Kỷ:
“Lạc nữ do truyền tỉ muội hùng.”
mà ngay từ thuở mới lập quốc, Tiên Dong Công Chúa đã quyết cùng Đồng Chử không dám cãi lệnh Vua cha, quyết ở lại bờ bãi hoang vu, chiêu mộ dân nghèo, biết đổi một cõi chân chim bóng đá thành nơi kẻ chợ phồn vinh, làm giầu đất nước. Rồi khi nghe Vua cha cất quân hỏi tội thì không đánh lại quân triều, mà cùng chồng “đằng vân lên trời” để tránh máu đổ thịt rơi, máu mủ tương tàn. Cái ý thức đại nhân, đại nghĩa đó từ truyền thuyết trở thành truyền thống.
Đến Hai Bà Trưng và đoàn nữ binh của Hai Bà, truyền thống càng thêm được khẳng định, trở thành phổ biến: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Thời có giặc thì thế, còn bình thường, đàn bà dân giả cũng biết vì nghĩa lớn. Châu Long 3 năm nuôi bạn thay chồng, chẳng phải chỉ vì lòng yêu chồng mà còn muốn đào tạo một nhân tài cho đất nước. Một con cóc tầm thường, một tố nữ trong tranh, cũng biết hóa thành người nuôi anh đồ nghèo học hành đỗ đạt làm quan, giúp dân, giúp nước. Công Chúa Huyền Trân cam lòng lấy chồng Hời để đem Châu Ô, Lý ve,à làm rộng biên cương đất nước mà khỏi tốn máu xương. Nữ tướng Bùi Thị Xuân hiên ngang để tứ tượng phanh thây sau khi đã xỉ mắng gia huy tên Vua cõng rắn cắn gà nhà. Truyền thống đến hôm nay ta vẫn có những Cô Bắc, Cô Giang, Út Tịch, Tạ Thị Kiều, Võ Thị Sáu, và bên cạnh đó là những bà mẹ, bà vợ đằng đẵng bao năm nuôi chồng ở trong nhà tù, hy sinh vì nghĩa, vì chồng con. Dù ở nhà tù phe tuyến nào, họ cũng vẫn đáng kính. Biết bao ông chồng giữ được khí tiết, bất hợp tác với giặc là nhờ các bà nội tướng gánh vác hộ gia đình. Tất cả họ đều là của báu chung của dân tộc, không phải của riêng phe phái nào. Chỉ người đàn bà Việt Nam sẵn truyền thống hy sinh vì nghĩa, vì nhân mới thể hiện được ngay trong thân phận mình một thứ nhân văn, nhân bản rất độc đáo và hết sức tế nhị, tinh vi của dân tộc. Đó là bị chết oan mà không hề tự hỏi oan trái bởi đâu, cứ hồn nhiên mà chấp nhận như 1 món quà tự nhiên được ai đó, cũng không hề biết là ai, dành cho mình. Một thứ thụ động không phải vô ý thức mà thực sự là ý thức. Ý thức mình cần phải chết như thế mới bảo đảm được hạnh phúc cho mình, cho những người mình yêu thương.
Trong chuyện Chầu Cau, đó là người chị dâu vô tội, hoàn toàn không biết mối tình của em trai chồng đối với mình. Thấy em bỏ nhà đi. chồng bỏ nhà đi tìm em, thì mình cũng bỏ nhà đi tìm chồng, tìm em. Rồi khi đã kiệt lực kiếm tìm, nàng tới được chỗ chồng và em đã chết hóa ra hòn đá tảng và cây cau. Hai người thân yêu nhất đời đã chết, lẽ tất nhiên nàng cũng chết, song cái chết gần như tự nguyện, rất thanh thản, êm ái:
Trèo đèo, vượt núi, qua sông
Tới đây là hết, là xong hành trình.
Tới đây tình đã gặp tình
Tới đây gặp mái gia đình yêu thương.
Cây ru đá, đá mát sương
Ru em, nay lại ru nàng triền miên.
Đá nâng giấc ngủ êm đềm
Cảnh này lại lập lại trong Vợ Chồng Trương, một người vợ trẻ xa chồng lâu năm, đêm đêm ngồi dưới ngọn đèn, chỏ bóng mình tỏa trên vách tường mà nói dối con đó là bóng cha nó. Dối con mà cũng dối lòng. Nỗi nhớ nhung của một thiếu phụ nông thôn đã được tả một cách tình tứ, lãng mạn còn hơn bất cứ một bài thơ thinh Đường nào. Rồi khi bị chồng xỉ vả nàng có ngoại tình, bắt nàng phải dời nha ra đi, bỏ con ở lại. Nàng cũng phải ra đi mà không biết oan trái từ đâu? Ai là kẻ vu cho nàng tội ngoại tình? Nàng không biết. Người chồng không nói với nàng người tố giác nàng là đứa con. Đầøu óc bị tai họa bất ngờ làm hoang mang, nàng chưa nhận định rõ rệt thìđã tới dòng sông. Nhìn xuống nước, thấy có bóng ngọn đèn chài. Nàng không nghĩ đến cảnh chồng xỉ nhục đuổi đi mà chỉ nhớ đến ngọn đèn, dưới ngọn đèn ấy nàng chỏ bóng cha cho đứa con, mà cũng là bóng của chồng nàng nhập làm một với bóng nàng, nàng liền nhào xuống đáy sông ôm lấy chồng con và ngọn đèn đoàn viên, ngọn đèn hy vọng. Người đàn bà yêu chồng một cách thủy chung, tình tứ như thế, thương con đến tự gợi ra một hình ảnh lãng mạn như thế phải được chết như thế để gỡ cho chồng khỏi cái tội bức tử vợ, gỡ cho đứa con thơ dại cái tội vô tình giết mẹ.
Từ hai chuyện dân gian đó, người ta đặt ra câu hỏi: Trong một vụ án mạng, trước một cái chết bất bình thường, thế nào cũng phải có thủ phạm chính, có kẻ chịu trách nhiệm nhiều ít, gần xa. Vậy trong chuyện Chầu Cau, ai là kẻ có tội nhất? Chẳng có ai cả. Người em vì tình yêu vô vọng mà chết, người anh vì thương em mà chết theo em, người vợ thì chết vì chồng và em đã chết. Cả 3 cái chết đều tự nguyện dù họ chết mỗi người một cách. Người em thì mòn mỏi, người chồng thì chết cách vũ bão, người vợ, kẻ nạnnhân mà không hề nghĩ mình là nạn nhân phải được chết tốt đẹp nhất.
Vợ Chàng Trương cũng vậy:
Nàng không chết giữa dòng oan
Chết trong dòng ngọt yêu thương đợi chờ.
Nhân văn, nhân đạo Việt Nam muốn thế, đòi hỏi thế, và nhắn một lời cho tất cả các nền pháp lý thế gian này:
Đừng thấy khói là tuyên bố dứt khoát phải có lửa, thấy án mạng thì dứt khoát phải có thủ phạm. Con người còn nhiều tâm lý cũng không hiểu nổi huống gì pháp lý định chẻ ngọn tóc làm tư để tìm một giải đáp hợp lý trí con người.
Ký tên: Thụy An, 19 -8- 1987 – Gia Định, VN
Trân trọng cám ơn Thủ Tướng Phan Văn Khải
Bùi Thụy Băng (Con trai thư hai của Bà Lưu Thị Yến)
Liên lạc: P.O. BOX 720064 – Atlanta, GA 30358
Tel.: 770 – 432 – 8863
Fax: 770 – 432 – 8836
Cellphone: 404 – 931 – 9766
E-mail: ATLvietbao@aol.com
Nguồn: https://web.archive.org/web/20070517185528/http://www.viet.no/content/view/117/87/